QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY
CHẾ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28/12/1989; Luật sửa
đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12/6/1999;
Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002
của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Báo chí;
Căn cứ Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007
của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông
tin cho báo chí;
Xét đề nghị của sở Thông tin và Truyền thông tại
Văn bản số 300/STT&TT-BCXB ngày 14/8/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy
chế cung cấp thông tin cho báo chí”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành
sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Bảo
Lộc, thành phố Đà Lạt chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./-
QUY CHẾ
VỀ
VIỆC CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42 /2008/QĐ-UBND, ngày 18 tháng 9 năm 2008 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
Quy chế này quy định trách nhiệm của các tổ chức,
cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố, lực
lượng vũ trang, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, nghề nghiệp (gọi chung là
cơ quan Nhà nước) có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí theo các quy định
của pháp luật về báo chí hiện hành.
Điều 2. Người cung cấp thông tin cho báo chí
1. Người đứng đầu cơ quan Nhà nước có trách nhiệm
cung cấp thông tin cho báo chí hoặc ủy quyền cho người khác thuộc cơ quan mình
cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan.
2. Người được lãnh đạo cơ quan ủy quyền cung cấp
thông tin cho báo chí phải bảo đảm các tiêu chí sau:
a) Là cán bộ, công chức thuộc biên chế chính thức,
đang công tác tại cơ quan;
b) Có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có
phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ trung thực và khách quan;
c) Am hiểu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ
cấu tổ chức và lĩnh vực quản lý của cơ quan mình đang công tác;
d) Có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông
tin.
3. Các cá nhân của cơ quan không được giao nhiệm
vụ cung cấp thông tin cho báo chí thì không được nhân danh cơ quan để cung cấp thông
tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, cung cấp
thông tin sai sự thật cho báo chí.
Chương II
CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ
Điều 3. Cung cấp thông tin cho báo chí
Thông tin do thủ trưởng đơn vị hoặc người được ủy
quyền cung cấp thông tin cho báo chí mới được coi là thông tin chính thống của
cơ quan đó.
Các cơ quan Nhà nước khi nhận được các phản ánh,
kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí
chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí trong thời hạn 10 ngày (kể cả ngày nghỉ)
phải có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản với cơ quan báo
chí.
Điều 4. Hình thức cung cấp thông tin cho báo
chí
Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan quản lý Nhà nước
về báo chí có yêu cầu cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý của cơ quan, đơn vị thì cơ quan đơn vị đó có trách nhiệm cung cấp
trực tiếp bằng văn bản; nếu cần thiết, cơ quan quản lý Nhà nướcvề báo chí ở địa
phương có thể mời họp báo, đối thoại chuyên đề.
Điều 5. Các trường hợp từ chối cung cấp thông
tin cho báo chí, đề nghị báo chí cải chính
1. Các cơ quan Nhà nước có quyền từ chối, không cung
cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau:
a) Những vấn đề được quy định tại khoản 3 Điều 10
của luật báo chí; những vấn đề không thuộc trách nhiệm cung cấp thông tin;
b) Các vụ án đang được điều tra, trừ trường hợp cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc cơ quan điều tra yêu cầu cần thông tin
trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh
phòng, chống tội phạm;
c) Những văn bản, chính sách, đề án đang trong quá
trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho
phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.
2. Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông
tin sai sự thật về lĩnh vực hoặc địa bàn do cơ quan, đơn vị mình quản lý, người
đứng đầu cơ quan, đơn vị đó yêu cầu cơ quan báo chí hoặc phóng viên báo chí phải
đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định; nếu thông tin sai gây hậu
quả nghiêm trọng có thể khởi kiện ra toà án theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm của người cung cấp thông
tin cho báo chí
Người cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp cho báo chí. Trong trường hợp không
phải là lãnh đạo của cơ quan thì còn phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ
quan của mình về tính chính xác, tính trung thực của nội dung các thông tin
cung cấp cho báo chí.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Đối với phóng viên báo chí
Phóng viên báo chí khi đến các cơ quan Nhà nước lấy
thông tin phải đăng ký trước về thời gian làm việc, nội dung thông tin cần nắm;
phải xuất trình thẻ nhà báo (đối với phóng viên) hoặc giấy giới thiệu (đối với
phóng viên tập sự). Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có quyền từ chối không cung cấp
thông tin nếu không đảm bảo các yêu cầu trên.
Điều 8. Đối với các cơ quan trên địa bàn của tỉnh
1. Căn cứ Quy chế này, người đứng đầu các cơ quan
hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính
trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp phân công trong lãnh đạo thực hiện
việc cung cấp thông tin cho báo chí hoặc cử người cung cấp thông tin cho báo
chí.
2. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng
dẫn các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị; tổ chức chính
trị xã hội - nghề nghiệp; UBND các huyện, thị, thành phố, các cơ quan báo chí
của tỉnh và Văn phòng đại diện các báo thực hiện Quy chế này./-