UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4151/2005/QĐ-UBND
|
Bến Tre , ngày 29
tháng 11 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Căn cứ theo Công văn số: 447/VHTT-TCCB ngày
20 tháng 02 năm 2004 của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc quản lý di sản văn hóa
phi vật thể ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa -
Thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm
theo quyết định nầy bản Quy chế về quản lý di sản văn hóa phi vật thể.
Điều 2. Giao trách nhiệm
cho Sở Văn hóa - Thông tin, các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thị tổ chức triển khai và phối hợp kiểm tra thực hiện tốt nội
dung Quy chế nầy.
Điều 3. Các ông (bà)
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị,
Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định nầy.
Quyết định nầy có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Thành Hạo
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4151/2005/QĐ-UBND, ngày 29 tháng 11 năm
2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Những điều khoản trong quy chế nhằm mục đích bảo
tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bến
Tre, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển một nền văn hoá Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Quy chế này được áp dụng trên địa bàn tỉnh Bến
Tre, mọi tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh, kể cả người nước ngoài hoạt động
nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn, đều có trách nhiệm
thực hiện tốt quy chế này.
Điều 2. Di sản văn hoá phi
vật thể.
Di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm tinh thần
có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu trữ bằng trí nhớ, được lưu truyền
bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền
khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ
văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về
nghề thủ công truyền thống, tri thức về y dược học cổ truyền, về văn hoá ẩm thực,
về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác.
Di sản văn hoá phi vật thể bao gồm các dạng thức
được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11
năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hoá.
Điều 3. Các hình thức lưu
giữ, lưu truyền.
Thông qua các hình thức lưu giữ, lưu truyền bằng
trí nhớ, truyền miệng, truyền nghề... từng bước thực hiện văn bản hoá việc lưu
giữ, lưu truyền các dạng thức văn hoá phi vật thể (ưu tiên đối với các dạng thức
có nguy cơ mai một) bằng các hình thức: văn bản văn học, băng hình, băng tiếng,
tập ảnh. Đồng thời đưa các dạng thức văn hoá phi vật thể còn phù hợp đã sưu tầm
được trở về đời sống xã hội là một trong những biện pháp lưu giữ, lưu truyền
tích cực nhất.
Điều 4. Đối tượng lưu giữ,
lưu truyền.
Đối tượng lưu giữ, lưu truyền bao gồm mọi tập thể
và cá nhân trong xã hội, không phân biệt thành phần hiện đang lưu giữ một hoặc
nhiều dạng thức văn hoá phi vật thể. Người đang lưu giữ có quyền trao quyền hoặc
không trao quyền, có quyền cung cấp tài liệu cho các đối tượng có nhu cầu.
Việc trao truyền và cung cấp tài liệu cho lực lượng
có chức năng sưu tầm, lưu giữ và phát huy là rất cần thiết, cho nên không hạn
chế các dạng thức hiện đang lưu giữ trong dân gian.
Lực lượng chức năng chịu trách nhiệm về độ chính
xác các dạng thức đã sưu tầm được trước cơ quan chủ quản. Đối với các lực lượng
khác, người lưu giữ được quyền trao truyền các dạng thức không trái với những
quy định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm chung của
cơ quan chức năng.
Các cơ quan chức năng kịp thời động viên, khuyến
khích và hướng dẫn lực lượng lưu giữ các di sản văn hoá phi vật thể còn phù hợp
trao truyền lại cho thế hệ sau đúng nguyên bản; tạo điều kiện cho thế hệ kế thừa
bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể trong đời sống xã hội, góp phần
tích cực vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và di sản văn hoá
địa phương. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần cho lực
lượng chuyên trách thực hiện tốt công tác sưu tầm, lưu giữ.
CHƯƠNG II
TỔ CHỨC QUẢN LÝ DI SẢN
VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ
Điều 6. Những biện pháp cần
thiết để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể.
Các cơ quan hữu quan thường xuyên phối hợp tổ chức
điều tra, thống kê phân loại các loại hình di sản văn hoá phi vật thể, thu thập
tư liệu thô, xây dựng kho tư liệu các di sản văn hóa phi vật thể đã thu thập được,
phân tích và lập hồ sơ khoa học đề nghị, kiến nghị cấp có thẩm quyền bảo tồn và
phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể trong đời sống xã hội, trong bảo tồn,
lưu giữ bằng nhiều hình thức khác nhau.
Điều 7. Lập hồ sơ bảo tồn và
phát huy di sản văn hoá phi vật thể.
Việc lập hồ sơ bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể
phải nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc của Bộ Văn hoá - Thông tin đề ra, đồng
thời phản ánh đầy đủ, chính xác các nội dung cơ bản của di sản trong hồ sơ bảo
tồn.
Người thực hiện việc lập hồ sơ khoa học phải là
các cán bộ chuyên trách, có trình độ từ đại học trở lên đã qua các lớp bồi dưỡng
tập huấn ngắn hạn về công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá
phi vật thể do cấp có thẩm quyền tổ chức hướng dẫn.
Điều 8. Đối với tổ chức và
cá nhân trực tiếp lưu giữ di sản văn hoá phi vật thể:
1. Di sản văn hoá nói chung, di sản văn hóa phi
vật thể nói riêng thuộc sở hữu toàn dân, được các thế hệ nối tiếp nhau lưu giữ,
trao truyền lại cho đời sau bằng nhiều hình thức, nhiều cấp độ khác nhau và trực
tiếp lưu giữ di sản văn hoá đó. Do đó việc lưu giữ, trao truyền là trách nhiệm
của lực lượng lưu giữ.
2. Việc lưu giữ, trao truyền, kế thừa và phát
huy đều trên tinh thần tự nguyện, tự giác giữa lực lượng trao truyền và lực lượng
kế thừa nhưng phải phù hợp với Điều 4, Điều 5 Chương I của quy chế này.
3. Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị
văn hoá phi vật thể là trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi tổ chức và cá nhân được
quyền tham gia sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ và phát huy một hoặc nhiều dạng thức
văn hóa phi vật thể phù hợp với Điều 9 của Chương này.
Điều 9. Công tác sưu tầm,
lưu giữ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể tỉnh Bến Tre.
1. Mọi tổ chức và cá nhân (kể cả người nước
ngoài) muốn sưu tầm, lưu giữ và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể
trên địa bàn tỉnh Bến Tre phải được cơ quan chủ quản đồng ý cấp phép hoạt động.
- Đối với các tổ chức và cá nhân hoạt động mang
tính chuyên nghiệp được cấp thẻ hoạt động lâu dài và được thu hồi thẻ nếu xét
thấy vi phạm nghiêm trọng hoặc vì những lý do chính đáng khác.
- Đối với các tổ chức và cá nhân (kể cả người nước
ngoài) muốn sưu tầm lưu giữ từng loại hình riêng lẻ của một hoặc nhiều dạng thức
khác nhau diễn ra trong khoảng thời gian nhất định, tại một địa bàn cụ thể, nếu
hợp pháp sẽ được cấp phép hoạt động.
2. Sở Văn hoá - Thông tin là cơ quan trực tiếp
quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản
văn hoá phi vật thể cho tổ chức và cá nhân có nhu cầu chính đáng.
Điều 10. Giới thiệu và phát
huy di sản văn hoá phi vật thể.
1. Giới thiệu di sản văn hoá phi vật thể nhằm mục
đích giúp cho người xem, người nghe cảm nhận được tính nguyên bản của di sản
văn hoá đã sưu tầm được. Do đó không được cắt xén hoặc làm sai lệch tính nguyên
bản của di sản theo cảm nhận chủ quan.
2. Việc phát huy di sản văn hóa phi vật thể vừa
đảm bảo tính kế thừa các yếu tố cơ bản của di sản, vừa thoả mãn nhu cầu ngày
càng cao của đời sống tinh thần xã hội và phù hợp với những quy định của pháp
luật.
Điều 11: Sở Văn hoá - Thông
tin hàng năm xây dựng kế hoạch tổ chức điều tra, thống kê, phân loại lập hồ sơ
di sản văn hóa phi vật thể.
Sở Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm chỉ đạo
các phòng chuyên môn trực thuộc Sở tổ chức sưu tầm, lập hồ sơ khoa học các di sản
văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở điều tra, thống kê xây dựng kế
hoạch bảo tồn, lưu giữ, phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể, ưu
tiên những di sản văn hóa có nguy cơ mai một.
Kinh phí cho hoạt động bảo tồn, lưu giữ, phát
huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể từ nguồn kinh phí hoạt động sự nghiệp
của ngành Văn hóa - Thông tin.
Điều 12. Tổ chức bộ máy quản
lý, sưu tầm, bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể.
1. Bộ máy quản lý di sản văn hoá phi vật thể có
từ hai hoặc ba cán bộ chuyên trách, không hạn chế mạng lưới cộng tác viên. Có
chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Văn hoá - Thông tin quản lý,
kiểm tra di sản văn hoá phi vật thể trong toàn tỉnh; cho phép hoặc không cho
phép lưu truyền, phổ biến các dạng thức di sản văn hoá phi vật thể; cấp phép hoặc
không cấp phép cho tập thể cá nhân sưu tầm, lưu giữ và trực tiếp quản lý mạng
lưới cộng tác viên.
2. Hoạt động sự nghiệp có chức năng sưu tầm bảo
tồn và phát huy; tuyên truyền phổ biến cho công chúng và hướng dẫn nghiệp vụ
cho lực lượng cộng tác viên; tổ chức hội thảo khoa học và báo cáo chuyên đề; tổ
chức giao lưu, trao đổi sản phẩm đã sưu tầm được và nghiệp vụ chuyên môn với
các tỉnh bạn.
Điều 13. Tổ chức đánh giá
và nghiệm thu di sản văn hoá phi vật thể sưu tầm được.
1. Cơ quan chủ quản Sở văn hoá - Thông tin chịu
trách nhiệm tổ chức nghiệm thu và đánh giá chất lượng di sản văn hóa phi vật thể
đã sưu tầm được cần được bảo tồn, lưu giữ. Hội đồng nghiệm thu do Sở Văn hoá -
Thông tin quyết định thành lập, trong đó cần thiết phải có từ một đến hai ủy
viên am hiểu về loại hình di sản được tổ chức thông qua.
2. Hội đồng nghiệm thu có trách nhiệm kiểm tra
nghiệm thu di sản văn hóa sưu tầm được đúng hoặc không đúng với thực trạng vốn
có của di sản đó. Chống mọi khuynh hướng nghiệm thu từ cảm nhận chủ quan.
Điều 14. Đề nghị công nhận
di sản văn hóa phi vật thể.
Việc đề nghị công nhận di sản văn hoá phi vật thể
thực hiện theo hướng dẫn chung của Bộ văn hoá - Thông tin.
Đối với di sản văn hoá phi vật thể cấp tỉnh, do
Hội đồng nghiệm thu Sở Văn hóa - Thông tin tổ chức nghiệm thu công nhận. Đối với
di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, trên cơ sở biên bản nghiệm thu công nhận
của Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, Sở Văn hoá - Thông tin lập thủ tục đề nghị Hội
đồng nghiệm thu Bộ Văn hoá - Thông tin nghiệm thu công nhận.
Điều 15. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn.
Di sản văn hoá phi vật thể tồn tại trong đời sống
cộng đồng, trong từng khu dân cư, trên từng địa bàn huyện, thị xã; xã, phường,
thị trấn có trách nhiệm phát hiện, bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể
trong đời sống xã hội, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tích cực
các hoạt động chuyên môn nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá
phi vật thể trên địa bàn quản lý.
CHƯƠNG III
KHUYẾN KHÍCH PHỐI HỢP THỰC
HIỆN CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ.
Điều 16. Khuyến khích cá
nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, thống kê, bảo tồn
và phát huy di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh có nhu
cầu nghiên cứu, sưu tầm, thống kê, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật
thể trên địa bàn tỉnh, gởi văn bản đăng ký với cơ quan quản lý văn hoá về
chương trình, đề cương hoặc đề án sưu tầm, nghiên cứu, thống kê, phân loại và
lưu giữ các tác phẩm văn hoá nghệ thuật… sẽ được xem xét giải quyết và được tạo
điều kiện thuận lợi khi được chấp thuận.
Điều 17. Công tác phối hợp
với cá nhân, tổ chức ngoài tỉnh đến nghiên cứu, điều tra, sưu tầm di sản văn
hoá phi vật thể.
Do tính chất phức tạp của các loại hình di sản
văn hoá phi vật thể, cho nên công tác phối hợp với các cá nhân, tổ chức ngoài tỉnh
đến nghiên cứu, điều tra, sưu tầm là yêu cầu bức xúc và cần thiết.
Việc phối hợp phải trên cơ sở bình đẳng, cùng có
lợi, trên tinh thần học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.
Điều 18. Nghệ nhân, nghệ sĩ
dân gian có công trong hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể.
Nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian có công trong hoạt động
bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể sẽ được tôn vinh và khen thưởng
theo quy định của pháp luật, đồng thời sẽ được tạo điều kiện thuận lợi về vật
chất, tinh thần và các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, trưng bày, lưu truyền,…
các giá trị di sản văn hoá phi vật thể đã được Hội đồng nghiệm thu cơ sở chấp
thuận thông qua.
CHƯƠNG IV
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 19. Nghiêm cấm mọi
hành vi làm sai lệch di sản văn hoá phi vật thể hoặc lợi dụng để trục lợi, để
hoạt động mê tín - dị đoan.
Nghiêm cấm mọi cá nhân, tổ chức, vì lợi ích cục
bộ hay vì động cơ, không lành mạnh cố tình làm sai lệch tính nguyên bản của di
sản văn hoá phi vật thể hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết và những nhu cầu của
quần chúng về các giá trị di sản văn hoá phi vật thể để trục lợi hay để hoạt động
mê tín dị đoan, gây tác hại nghiêm trọng đến đời sống tâm linh, tâm lý, đến sự
an toàn của xã hội, tuỳ mức độ vi phạm pháp luật, các cơ quan quản lý văn hoá
tiến hành thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm tra đình chỉ hoạt động và xử lý
vi phạm đúng quy định của pháp luật.
Điều 20. Khiếu nại, tố cáo
về hoạt động liên quan đến di sản văn hoá phi vật thể.
Mọi công dân có quyền khiếu nại, tố cáo các cá
nhân và tổ chức cố ý thực hiện sai lệch các điều được quy định trong quy chế
này. Tố cáo các cá nhân, các tổ chức, vi phạm bản quyền đối với các di sản văn
hoá phi vật thể đã đăng ký bản quyền tác giả.
Điều 21. Khen thưởng và xử
lý vi phạm.
Sở Văn hoá - Thông tin giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
kịp thời khen thưởng những tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong các hoạt
động nghiên cứu, bảo tồn, sưu tầm và phát huy, khen thưởng những nghệ nhân có
nhiều đóng góp trong lĩnh vực này. Xử lý kịp thời những vi phạm nghiêm trọng, tổ
chức tiêu huỷ những sản phẩm di sản văn hoá không đúng với thực trạng, những sản
phẩm trái với quy định của pháp luật. Những cá nhân vi phạm phải xử lý nghiêm
minh.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Trách nhiệm của
các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp.
1. Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Nội vụ, Sở Tài
chính, Sở Thể dục - Thể thao, Sở Thương mại - Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền
hình và các ngành có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ phối hợp hướng dẫn
thực hiện quy chế này theo hệ thống quản lý ngành và các hình thức liên tịch.
Trong quá trình thực hiện quy chế, kịp thời giúp
Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế .
2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo,
tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực
hiện quy chế quản lý di sản văn hoá phi vật thể .
Điều 23. Điều khoản thi
hành.
Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày
ký ban hành.