QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI BAN
HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 58/2009/QĐ-UBND NGÀY 14/8/2009 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày
04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 16/2009/NĐ-CP ngày
16/02/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 8 Nghị định số
13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày
23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;
Căn cứ Nghị định số
55/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;
Căn cứ Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày
02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng
ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp
thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã;
Căn cứ Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày
03/3/2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi
hành pháp luật;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
18/2011/TTLT-BTP-BNV ngày 19/10/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn
nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện về bồi thường Nhà nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ
trình số 49/TTr-STP ngày 28/6/2012, sau khi xin ý kiến thành
viên UBND tỉnh tại Công văn số 982/VPUBND-NC ngày 03/7/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Quy định tổ chức và hoạt động của Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai ban hành kèm theo
Quyết định số 58/2009/QĐ-UBND ngày 14/8/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai
như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 1 như sau:
“1. Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về: Công tác xây dựng
văn bản quy phạm pháp luật; công tác kiểm tra và theo dõi tình hình thi hành
pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; công chứng; chứng thực; nuôi con nuôi
có yếu tố nước ngoài; trọng tài thương mại; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư
pháp; luật sư; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; giám định tư pháp; hòa giải
ở cơ sở; bán đấu giá tài sản, bồi thường của Nhà nước, giao dịch bảo đảm, pháp
chế và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật”.
2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 6 như sau:
“1. Các tổ chức thuộc Sở Tư pháp:
- Văn phòng;
- Thanh tra;
- Phòng Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;
- Phòng Kiểm tra và Theo dõi thi hành pháp luật;
- Phòng Phổ biến, Giáo dục pháp luật;
- Phòng Hành chính Tư pháp;
- Phòng Bổ trợ Tư pháp”.
3. Bổ sung Điều 4a như sau:
“Điều 4a. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư
pháp tỉnh Đồng Nai về công tác bồi thường của Nhà nước
Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện nhiệm vụ về công tác bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý
hành chính tại địa phương có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật
về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; phổ biến, tuyên truyền Luật Trách nhiệm
bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành;
2. Đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xác định
cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu
hoặc chưa có sự thống nhất về việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường
giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp
huyện theo quy định của pháp luật;
3. Bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ giải
quyết bồi thường cho công chức thực hiện công tác bồi thường của cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện;
4. Cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục hỗ trợ
người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường;
5. Theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc
giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn
trả theo quy định của pháp luật;
6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm
pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật;
7. Định kỳ sáu tháng sơ kết và hàng năm tổng kết
việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại địa phương trình Ủy ban
nhân dân tỉnh để báo cáo về Bộ Tư pháp trước ngày 20 tháng 6 hàng năm (đối với
báo cáo sơ kết) và trước ngày 20 tháng 12 hàng năm (đối với báo cáo tổng kết);
8. Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan về
bồi thường nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh giao”.
4. Bổ sung Điều 4b sau Điều 4a như sau:
“Điều 4b. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư
pháp tỉnh Đồng Nai về giao dịch bảo đảm
Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đăng ký giao
dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương
có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Chỉ đạo và tổ chức
thực hiện việc đăng ký và quản lý đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử
dụng đất; tài sản gắn liền với đất theo quy định của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP
ngày 23/7/2010 của Chính phủ và các văn bản quy phạm
pháp luật khác có liên quan;
2. Xây dựng hệ thống
đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
tại địa phương;
3. Tổ chức bồi dưỡng
nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảm đối với
quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
4. Phối hợp với Bộ Tư
pháp thực hiện kiểm tra định kỳ các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại địa
phương;
5. Báo cáo định kỳ sáu
tháng, hàng năm cho Bộ Tư pháp về việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền
sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương;
6. Giải quyết khiếu
nại, tố cáo về đăng ký giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền”.
5. Bổ sung Điều 4c sau
Điều 4b như sau:
“Điều 4c. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư
pháp tỉnh Đồng Nai về quản lý công tác pháp chế
Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác pháp chế
tại địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện
công tác pháp chế;
2. Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành hướng
dẫn, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế;
3. Báo cáo về công tác pháp chế theo định kỳ
hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi
hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và các nội dung khác của Quyết định số
58/2009/QĐ-UBND ngày 14/8/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn giữ nguyên giá trị
pháp lý.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành
thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố
Biên Hòa và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.