QUYẾT ĐỊNH
BỔ SUNG NHIỆM
VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÚ Y THỦY SẢN CỦA CHI CỤC THỦY SẢN TẠI
QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/2010/QĐ-UBND NGÀY 03/02/2010 CỦA UBND TỈNH ĐỒNG NAI BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHI CỤC THỦY SẢN ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm
pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Thông tư số 56/2011/TT-BNNPTNT ngày
16/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc
hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thú y thủy sản;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1293/TTr-SNN ngày 07
tháng 6 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Bổ sung thêm khoản 22 vào Điều
3 về quy định tổ chức và hoạt động của Chi cục thuỷ sản tỉnh Đồng Nai ban hành
kèm theo Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 03/02/2010 của UBND tỉnh Đồng Nai
như sau:
“ Về thú y thủy sản
a) Quản lý nhà nước về phòng, chống dịch
bệnh thủy sản.
- Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch triển
khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản của địa phương; quy
hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản.
- Tổ chức, thực hiện các văn bản
quy phạm pháp luật về chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh
thủy sản tại địa phương.
- Tổ chức, thực hiện điều tra,
giám sát dịch bệnh thủy sản; chẩn đoán, xét nghiệm, hướng dẫn chữa bệnh cho
động vật thủy sản tại địa phương.
- Trình cấp có thẩm quyền công bố
dịch bệnh và công bố hết dịch theo quy định.
- Phối hợp với các cơ quan liên
quan thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển khi có
dịch bệnh thủy sản.
- Hướng dẫn người nuôi trồng thủy
sản các biện pháp khoanh vùng dập dịch; xử lý, tiêu độc, khử trùng môi trường
nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
- Tổng hợp, báo cáo Cục Thú y định
kỳ, đột xuất về tình hình dịch bệnh thủy sản theo quy định.
- Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền đề nghị cấp kinh phí mua
hóa chất, vật tư, thuốc thú y thủy sản nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh
thủy sản và cấp hóa chất dập dịch từ nguồn dự trữ quốc gia cho địa phương.
- Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền,
phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh
thủy sản theo phân cấp.
- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký xây
dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và thực hiện các nội dung chuyên môn kỹ
thuật thuộc thẩm quyền.
- Hướng dẫn người nuôi trồng thủy
sản, sản xuất, kinh doanh giống thủy sản quản lý chất lượng môi trường trong
nuôi trồng thủy sản theo quy định.
b) Kiểm tra điều kiện vệ sinh
thú y thủy sản:
- Chi cục Thủy sản thực hiện
việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.
- Các cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng
thủy sản; cơ sở ươm nuôi con giống;
cơ sở thu gom, kinh doanh giống thủy sản thuộc địa bàn cơ quan quản lý trên cơ sở
các văn bản pháp lý hiện hành.
- Các Trung tâm Quốc gia giống thủy sản; khu cách ly kiểm dịch động
vật thủy sản xuất, nhập khẩu
và cơ sở nuôi đăng ký chứng nhận công nhận an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo ủy quyền của Cục Thú
y.
c) Kiểm dịch động vật, sản phẩm
động vật thuỷ sản:
- Tổ chức,
thực hiện việc kiểm dịch giống thủy sản lưu thông trong nước.
- Giám sát việc xử lý và thực hiện kiểm dịch động vật thủy
sản, sản phẩm động vật thủy sản sử dụng làm thực phẩm tại vùng, cơ sở
có công bố dịch bệnh thủy sản theo quy định.
- Kiểm soát việc vận chuyển động
vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản ra, vào vùng, cơ sở có công bố
dịch bệnh thủy sản.
- Giám sát và báo cáo Cục
Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình dịch bệnh
động vật thủy sản nhập khẩu sau thời gian cách ly kiểm dịch nhập
khẩu.
- Phối hợp với cơ quan kiểm
dịch động vật thuộc Cục Thú y thực hiện xử lý đối với động vật
thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu không đảm bảo điều kiện
vệ sinh thú y.
d) Quản lý thuốc thú y thủy sản:
- Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận
đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực
hiện các quy định về điều kiện kinh doanh thuốc thú y thủy sản và việc tiêu
hủy, thu hồi thuốc thú y thủy sản giả, không rõ nguồn gốc; hết hạn sử dụng; kém
chất lượng, cấm sử dụng, không có trong danh mục được phép lưu hành; không có
nhãn hoặc có nhãn nhưng không đúng quy định của pháp luật.
- Kiểm tra, giám sát việc thực
hiện thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y thuỷ sản theo phân công, phân cấp.
- Thực hiện việc hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát việc sử dụng thuốc thú y thủy sản dùng trong nuôi trồng thủy sản
tại địa phương.
e) Đánh giá, chỉ định phòng thử
nghiệm:
- Giám sát hoạt động của các phòng
thử nghiệm trên địa bàn quản lý; sử dụng kết quả xét nghiệm của các phòng thử
nghiệm được chỉ định làm căn cứ đề xuất công bố dịch bệnh và công bố hết dịch
bệnh thủy sản theo quy định.
- Báo cáo về Cục Thú y để kịp thời
xử lý đối với các phòng thử nghiệm không được chỉ định mà vẫn hành nghề xét
nghiệm để thu phí xét nghiệm.
g) Thanh tra, kiểm tra về thú y
thủy sản: Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của tổ chức,
cá nhân có hoạt động liên quan đến thú y thủy sản và xử lý các vi phạm theo quy
định của pháp luật.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban
hành. Các nội dung khác của Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 03/02/2010
của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy định về tổ
chức và hoạt động của Chi cục Thủy sản Đồng Nai vẫn giữ nguyên giá
trị pháp lý.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Giám đốc Sở Nội vụ, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Đồng Nai, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; các đơn vị cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.