UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 35/1999/QĐ-UB
|
Hà Nội, ngày
11 tháng 5 năm 1999
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH
QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÁC TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ, TIN HỌC, BỒI
DƯỠNG VĂN HOÁ, MỸ THUẬT, NGHIỆP VỤ TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI.
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND.
- Căn cứ Thông tư số 15 TTĐTTC ngày 02/7/1990
của Bộ Giáo dục và Đào tạo " Hứơng dẫn về tổ chức và hoạt động của Trung
tâm Ngoại ngữ tại chức", Thông tư số 01/GD-ĐT ngày 03/01/1994 của Bộ Giáo
dục và Đào tạo "Hướng dẫn tổ chức và hoạt động của các Trung tâm đào tạo,
bồi dưỡng tin học ứng dụng".
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và
đào tạo.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản
Quy định tạm thời về tổ chức và quản lý các Trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi
dưỡng văn hoá, mỹ thuật, nghiệp vụ trên địa bàn Thành phố Hà Nội".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15
ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh văn phòng UBND Thành phố, Trưởng
ban Tổ chức chính quyền Thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, Giám đốc Sở
Tài chính Vật giá, Cục Trưởng Cục Thuế Hà Nội, thủ trưởng các Sởt, ban, ngành
liên quan, Chủ tịch UBND quận, huyện, giám đốc các Trung tâm ngoại ngữ, tin
học, bồi dưỡng văn hoá, mỹ thuật, nghiệp vụ trên địa bàn Thành phố Hà Nội chịu
trách nhiệm thi hành quyết định này.
|
TM/ UỶ BAN
NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lưu Minh Trị
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TỔ CHỨC VÀ
QUẢN LÝ CÁC TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ, TIN HỌC, BỒI DƯỠNG VĂN HOÁ, MỸ THẬT, NGHIỆP VỤ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/1999/QĐ-UB ngày 11 tháng 5 năm 1999
của UBND Thành phố Hà Nội)
Thực hiện Nghị quyết HĐND Thành phố khoá XI kỳ
họp thứ 11 (tháng 7/1998), trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây viết
tắt là Bộ GD và ĐT) ban hành Quy chế chính thức về các Trung tâm ngoại ngữ, tin
học, bồi dưỡng văn hoá, mỹ thuật, nghiệp vụ, UBND Thành phố ban hành Quy
định tạm thời về tổ chức và quản lý các Trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng
văn hoá, mỹ thuật, nghiệp vụ trên địa bàn Hà Nội.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều I : Trung tâm, cơ sở, lớp ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hoá, mỹ
thuật, nghiệp vụ (kể cả các cơ sở luyện thi, dạy thêm - học thêm) (sau đây gọi
tắt là Trung tâm), là những cơ sở giáo dục trong mạng lưới giáo dục thường
xuyên, có tính chất dịch vụ, nhằm giảng dạy, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, văn
hoá, mỹ thuật, nghiệp vụ bằng hình thức học tại chức, linh hoạt, đáp ứng nhu
cầu phổ cập, nâng cao kiến thức hoặc đạt được chứng chỉ ở trình độ nhất định
cho mọi người.
Điều 2: Các Trung tâm (kể cả Trung tâm của các trường Đại học nằm ngoài
khuôn viên của trường) do Sở GD và ĐT quản lý về mặt Nhà nước. các lớp lẻ do
phòng GD và ĐT giúp UBND quận huyện quản lý về mặt nhà nước.
Điều 3: Trung tâm có trách nhiệm:
3.1- Tổ chức quản lý, giảng dạy
các lớp thuộc lĩnh vực được phép, bảo đảm sát hợp với chương trình và tài liệu
của Bộ GD và ĐT, đảm bảo chất lượng giảng dạy và quyền lợi người học.
3.2- Tổ chức thi, kiểm tra từng
giai đoạn và cuối khoá học, đánh giá kết quả học tập, cấp chứng chỉ tốt nghiệp
theo quy định tại Thông tư số 15/TTĐTTC ngày 02/7/1990 và Thông tư số 01/GD-ĐT
ngày 03/01/1994 của Bộ GĐ và ĐT.
3.3- Thu, chi, quản lý học phí
và các khoản thu khác theo đúng quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Sở GD và
ĐT, Sở Tài chính Vật giá, Cục Thuế Hà Nội. Bảo quản và sử dụng tốt cơ sở vật chất,
trang thiết bị của Trung tâm.
3.4- Bảo đảm an toàn tuyệt đối
về sức khoẻ, thân thể và tài sản của người dạy và học trong thời gian có mặt
tại Trung tâm.
3.5- Báo cáo và phối hợp với
UBND Phường, xã sở tại để bảo đảm an ninh trật tự khu vực khi Trung tâm hoạt
động.
Chương II
ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC THÀNH LẬP TRUNG TÂM
Điều 4: Điều kiện thành lập Trung tâm:
4.1- Có cán bộ đủ trình độ
chuyên môn và kinh nghiệm quản lý phụ trách.
4.2- Có đội ngũ giáo viên
(trong biên chế hoặc thính giảng) đủ khả năng giảng dạy, trong đó có ít nhất
50% là giáo viên chuyên ngành. Riêng bồi dưỡng mỹ thuật thì 100% giáo viên phải
đã tốt nghiệp tại các trường mỹ thuật.
4.3- Có cơ sở vật chất, trường
lớp, bàn ghế đúng quy cách, có đủ tài liệu đồ dùng dạy học. Trung tâm không đặt
ở nơi có nhiều tiếng ồn, môi trường bị ô nhiễm, ở nơi có thể gây nguy hiểm cho người
dạy và người học.
Điều 5: Thủ tục thành lập Trung tâm.
Các cơ quan và cá nhân có nhu
cầu và có đủ điều kiện thành lập Trung tâm, phải lập hò sơ gửi về Sở GD và ĐT.
Hồ sơ gồm có:
5.1- Đơn xin phép thành lập
Trung tâm, trong đó có giới thiệu người làm Giám đốc Trung tâm.
5.2- Danh sách cán bộ quản lý,
giáo viên, kèm theo văn bằng có xác nhận hợp lệ.
5.3- Đề án hoạt động của Trung
tâm, trong đó ghi rõ:
- Tên gọi
- Địa điểm: Ghi rõ địa chỉ của
Trung tâm
- Lĩnh vực: Cấp độ - Loại hình
- Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng
- Tình hình cơ sở vật chất,
trang thiết bị hiện có
- Dự kiến số lớp, số học viên
năm đầu và 3 năm tiếp theo.
- Nuồn tài chính đầu tư ban đầu.
- Dự kiến mức thu học phí và
các khoản thu khác (nếu có)
5.4- Hồ sơ chứng nhận việc sử
dụng đất đai, nhà cửa, trang thiết bị, kèm theo ý kiến thoả thuận về địa điểm
đặt trung tâm của UBND phường (xã) và quận (huyện).
Điều 6: Quyết định thành lập Trung tâm:
6.1- Sở GD và ĐT tiếp nhận hồ
sơ, thẩm định và báo cáo UBND Thành phố. Sau khi được UBND Thành phố đồng ý,
Giám đốc Sở GD và ĐT ra Quyết định thành lập Trung tâm. Nếu Trung tâm thuộc
thường trực thuộc Bộ GD và ĐT thì Sở GD và ĐT báo cáo và được sự đồng ý của Bộ
GD và ĐT.
6.2- Đối với các lớp lẻ, Phòng
GD và ĐT tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và báo cáo UBND quận, huyện. Sau khi được
UBND quận, huyện đồng ý. Trưởng phòng GD và ĐT ra quyết định thành lập.
Chương III
HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM
Điều 7: Bộ máy của Trung tâm gồm: Giám đốc, có thể có một phó Giám đốc, bộ
phận giúp việc về giáo vụ, tài vụ, hành chính quản trị, tuỳ theo quy mô và điều
kiện của Trung tâm.
7.1- Giám đốc và phó Giám đốc
(nếu có) phải là người đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt
động của Trung tâm, am hiểu về GD và ĐT, có năng lực quản lý. Giám đốc là người
lãnh đạo cao nhất của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Sở GD và ĐT, Bộ GD và ĐT,
UBND Thành phố về mọi hoạt động của Trung tâm.
7.2- Phó giám đốc giúp Giám đốc
quản lý Trung tâm, hoàn thành các chức vụ do Giám đốc phân công.
7.3- Giám đốc, Phó giám (nếu
có) do cơ quan hoặc cá nhân xin thành lập Trung tâm đề nghị. Giám đốc Sở GD và ĐT
xem xét ra quyết định công nhận.
Điều 8: Giáo viên trong biên chế hoặc hợp đồng giảng dạy ở Trung tâm có
trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi như Luật Lao động quy
định, thực hiện mọi nhiệm vụ ghi trong hợp đồng với Trung tâm, được Trung tâm
bảo đảm quyền lợi hợp pháp, bảo đảm an toàn về thân thể, sức khoẻ và tài sản
khi làm việc tại Trung tâm.
Điều 9: Học viên:
Mọi người có nhu cầu và tự
nguyện đều được thu nhận vào học tập tại Trung tâm. Học viên được bảo đảm về
quyền lợi học tập, được bảo đảm an toàn về sức khoẻ, về thân thể và tài sản khi
học tập ở Trung tâm. Học viên phải đóng học phí đầy đủ, đúng hạn, thực hiện đầy
đủ nội quy của Trung tâm.
Điều 10: Sau mỗi khoá học hoặc kết thúc một cấp độ, Trung tâm lập danh sách
báo cáo để Sở GD và ĐT tổ chức thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cấp độ A,
B, C theo đúng quy định của Bộ GD và ĐT. Học viên thi không đạt môn nào được
phép thi lại môn ấy ở kỳ thi tiếp theo.
Điều 11: Việc cấp chứng chỉ tốt nghiệp:
11.1- Chỉ có các Trung tâm được
phép của Bộ GD và ĐT hoặc Sở GD và ĐT (có ghi rõ trong Quyết định thành lập)
mới được cấp chứng chỉ cho học viên tốt nghiệp theo các cấp độ, sau khi được Bộ
GD và ĐT hoặc Sở GD và ĐT duyệt. Trung tâm phải có sổ cấp phát chứng chỉ và lưu
trữ cẩn thận.
11.2- Chứng chỉ ngoại ngữ, tin
học do Bộ GD và ĐT thống nhất in ấn và phát hành.
Điều 12 - Kinh phí hoạt động của Trung tâm dự vào nguồn thu học phí của học
viên và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có)
Học phí của học viên thu từng
tháng theo mức độ do Sở GD và ĐT duyệt cho mỗi cấp độ, theo khung mức quy định
của UBND Thành phố. Việc thu, chi học phí của Trung tâm phải theo đúng quy định
về tài chính của Nhà nước, chịu sự quản lý, giám sát, kiểm tra của Sở GD và ĐT,
Sở Tài chính Vật giá.
Chương IV
QUẢN LÝ TRUNG TÂM
Điều 13: Sở GD và ĐT chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố quản lý, thanh
tra, kiểm tra trực tiếp, toàn diện về tổ chức và hoạt động của Trung tâm. Phòng
GD và ĐT chịu trách nhiệm trước UBND quận huyện quản lý, kiểm tra các lớp lẻ.
Trường hợp đặc biệt, UBND Thành phố sẽ tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm
tra hoạt động của Trung tâm.
Điều 14: Trung tâm có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của Nhà nước về:
- Chế độ tài chính - kế toán:
- Chế độ lập và bảo quản hồ sơ,
sổ sách:
- Chế độ báo cáo định kỳ đối
với Sở GD và ĐT.
Nếu đưa người nước ngoài hoặc
Việt kiều vào giảng dạy tại Trung tâm, phải được phép của Sở GD và ĐT và Công
an Thành phố.
Điều 15: Sở GD và ĐT chủ trì, thống nhất với Sở Tài chính Vật giá, Cục Thuế
Hà Nội đề xuất mức thu phí thẩm định, lệ phí cấp giấy phép và khung mức học phí
cho từng loại hình đào tạo, trình UBND Thành phố quyết định.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16: Tất cả các Trung tâm (kể cả Trung tâm đã có Quyết định thành lập)
làm lại thủ tục thành lập theo đúng Quy định này và Thông tư số 15/TTĐTTC ngày
02/7/1990; Thông tư số 15/TTĐTTC ngày 02/7/1990; thông tư số 01/GD-ĐT ngày
03/01/1994 của Bộ GD và ĐT.
Điều 17: Giám đốc Sở GD và ĐT, Giám đốc Sở Tìa chính Vật giá, Cục trưởng cục
Thuế chịu trách nhiệm hướng dẫn các Trung tâm thực hiện đúng Quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc vượt quá thẩm quyền, Sở GD và ĐT có
trách nhiệm tổng hợp trình UBND Thành phố quyết định.