ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3486/2007/QĐ-UBND
|
Việt Trì, ngày
25 tháng 12 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY CHẾ PHỐI HỢP VỀ HOẠT ĐỘNG
QUẢN LÝ, BẢO VỆ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo
vệ công trình khí tượng thủy văn ngày 02/12/1994; Pháp lệnh phòng, chống lụt,
bão ngày 08/3/1993; Pháp lệnh số 27/2000/PL-UBTVQH10 ngày 24/08/2000 sửa đổi bổ
sung một số điều của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão;
Căn cứ Nghị định số 24/NĐ-CP
ngày 19/3/1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh khai thác và
bảo vệ công trình khí tượng thủy văn; Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16/1/2006
của Chính phủ qui định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão
đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24/08/2000;
Căn cứ Quyết định số
245/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo áp
thấp nhiệt đới, bão, lũ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 2083/TT-TNMT ngày 10 tháng 12 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp
về hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác công trình khí tượng thủy văn trên địa
bàn tỉnh”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ
ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng
các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, Đài khí tượng
thủy văn khu vực Việt Bắc, các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định
thi hành.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Doãn Khánh
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP VỀ HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ, KHAI
THÁC CÔNG TRÌNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3486/2007/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm
2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh,
đối tượng áp dụng:
Quy định này quy định cụ thể một số nội dung,
trách nhiệm phối hợp quản lý, bảo vệ, khai thác các công trình khí tượng thủy
văn, nâng cao chất lượng phục vụ của hoạt động khí tượng thủy văn trong sự nghiệp
phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống, giảm nhẹ, khắc phục hậu quả thiên
tai diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Những nội dung về hoạt động khí tượng thủy văn
không nêu trong quy định này thực hiện theo các văn bản luật pháp hiện hành.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý
Nhà nước các cấp, các ngành, các cơ quan hoạt động khí tượng thủy văn, các tổ
chức và cá nhân hoạt động có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Nội dung phối hợp
quản lý, bảo vệ, khai thác công trình khí tượng thủy văn:
1. Xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật về quản
lý khí tượng thủy văn ở địa phương trình UBND tỉnh ban hành theo phân cấp của
Chính phủ.
2. Lập qui hoạch, kế hoạch xây dựng hệ thống mạng
lưới công trình khí tượng thủy văn cơ bản, khí tượng thủy văn chuyên dùng trên
địa bàn tỉnh.
3. Lập hồ sơ quản lý đất đai, cắm mốc xác định
chỉ giới trên thực địa, bảo vệ đất chuyên dùng, hành lang an toàn kỹ thuật của
các công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.
4. Xây dựng và thực hiện các biện pháp cụ thể quản
lý, bảo vệ, ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến các công trình khí tượng thủy
văn. Huy động lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả khi các công trình khí tượng
thủy văn có sự cố để duy trì các hoạt động quan trắc, đo đạc, thông tin về khí
tượng thủy văn.
5. Khai thác hệ thống hạ tầng cơ sở và dữ liệu
khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống, khắc phục
hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.
6. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý,
bảo vệ, khai thác công trình khí tượng thủy văn. Tổ chức kiểm tra, thanh tra
các vi phạm xâm hại công trình khí tượng thủy văn và các hoạt động khí tượng thủy
văn trái pháp luật, xử lý các vi phạm theo qui định của pháp luật.
Điều 3. Nội dung phối hợp
nâng cao chất lượng phục vụ của hoạt động khí tượng thủy văn:
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng
năm về khai thác, cung cấp thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ qui hoạch,
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, ngắn hạn của địa phương.
2. Nâng cao chất lượng trong việc phát báo, dự
báo, thu nhận các bản tin khí tượng thủy văn giữa Đài khí tượng thủy văn khu vực
Việt Bắc với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh.
3. Phối hợp tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các
thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực khí tượng thủy văn: Điều
tra cơ bản đánh giá nắm bắt tình hình diễn biến của khí hậu, thủy văn trên địa
bàn tỉnh, tần xuất bão, lũ lụt, dự báo sự xuất hiện lũ quét và các hiện tượng
thiên nhiên nguy hiểm; đề xuất phương án phòng, chống, khắc phục tác hại do
thiên tai gây ra.
4. Đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân không
thuộc đối tượng miễn trả lệ phí theo điều 15 của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ
công trình khí tượng thủy văn, được quyền khai thác và sử dụng tư liệu khí tượng
thủy văn đã được đăng ký và đánh giá chất lượng, phải trả lệ phí theo qui định
của Nhà nước.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Trách nhiệm phối hợp
của Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc và các Trạm khí tượng thủy văn trên
địa bàn tỉnh:
1. Trong việc quản lý, bảo vệ các công trình khí
tượng thủy văn:
a) Tham mưu đề xuất với cơ quan chủ quản chuyên
ngành, phối hợp với địa phương về lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển mạng
lưới khí tượng thủy văn cơ bản trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành của
tỉnh nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh phát triển trạm đo khí tượng thủy văn
chuyên dùng.
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường,
UBND các huyện, thành, thị (gọi chung là cấp huyện), UBND các xã, phường, thị
trấn (gọi chung là cấp xã) lập hồ sơ, cắm mốc chỉ giới đất đai, cấp giấy chứng
nhận đăng ký quyền sử dụng đất các công trình khí tượng thủy văn.
c) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành của tỉnh,
UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức các trạm, điểm công trình hoạt động khí tượng
thủy văn theo kế hoạch được duyệt; xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý, bảo vệ
đảm bảo an toàn cho công trình khí tượng thủy văn và thực hiện các biện pháp
đó. Tổ chức kiểm tra các vi phạm xâm hại tới công trình khí tượng thủy văn, đề
xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Đề xuất huy động lực lượng cần
thiết, khắc phục hậu quả khi công trình xảy ra sự cố.
2. Trong việc thực hiện cơ chế phát báo, dự báo
khí tượng thủy văn:
a) Phát báo các bản tin dự báo thời tiết theo chế
độ hàng ngày đến Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình của tỉnh.
b) Thông báo tình hình khí tượng thủy văn theo
chế độ định kỳ thường xuyên: Tuần báo khí tượng thủy văn (10 ngày/lần), mùa
khô, mùa mưa cho UBND tỉnh (Văn phòng UBND tỉnh), Tỉnh ủy (Văn phòng Tỉnh ủy),
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn; thông báo tình hình khí tượng thủy văn theo chế độ
tháng/một lần cho Sở Tài nguyên và Môi trường; thông báo tổng hợp tình hình khí
tượng thủy văn trong năm cho Cục Thống kê tỉnh đăng trên niên giám.
c) Khẩn trương phát báo kịp thời các hiện tượng
khí hậu thời tiết thủy văn nguy hiểm (giá rét kéo dài, áp thấp nhiệt đới, bão,
lốc, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét...) cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan
thông tin đại chúng theo chế độ quy định của Chính phủ; đồng thời thu nhận
thông tin dữ liệu, phát báo bổ sung các tin về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm
theo yêu cầu chỉ đạo của UBND tỉnh.
d) Trường hợp các trạm, điểm hoạt động khí tượng
thủy văn nắm bắt được tình hình khí hậu thời tiết nguy hiểm phải khẩn trương
báo lên cơ quan chuyên môn cấp trên, đồng thời thông báo cho UBND cấp huyện,
UBND cấp xã sở tại biết để địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống.
3. Trong việc nâng cao chất lượng phục vụ của hoạt
động khí tượng thủy văn:
a) Phối hợp với các sở, các ngành của tỉnh, các
Viện nghiên cứu đóng trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa
học công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực khí tượng thủy văn, nắm bắt tình hình diễn
biến của khí hậu, thủy văn trên địa bàn tỉnh, tham gia xây dựng, đề xuất phương
án chủ động phòng, chống, giảm nhẹ tác hại do thiên tai gây ra, ứng dụng thiết
bị công nghệ tiên tiến quan trắc phát hiện kịp thời hiện tượng thời tiết nguy
hiểm như lốc xoáy, mưa đá, lũ quét, lở đất... nâng cao chất lượng dự báo khí tượng
thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
b) Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, UBND cấp
huyện, UBND cấp xã phổ biến tuyên truyền đến các tổ chức và đông đảo nhân dân về
những chính sách pháp luật trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Thực hiện các hoạt
động tư vấn, dịch vụ về khí tượng thủy văn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu
theo qui định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm phối hợp
của các cấp, các ngành, các đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh:
1. Đối với các sở, ngành của tỉnh
a) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì tham mưu đề xuất với UBND tỉnh ban
hành các văn bản qui phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình và hoạt động
khí tượng thủy văn ở địa phương.
- Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và cơ quan
khí tượng thủy văn xây dựng, trình UBND tỉnh qui hoạch, kế hoạch dài hạn và
hàng năm về hoạt động khí tượng thủy văn cơ bản và chuyên dùng; các chương
trình dự án điều tra cơ bản, nghiên cứu ứng dụng các kết quả hoạt động khí tượng
thủy văn phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, phòng, chống, giảm nhẹ và khắc phục
hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức theo dõi việc thực hiện các chương
trình, dự án qui hoạch, kế hoạch về khí tượng thủy văn sau khi được Bộ Tài
nguyên và Môi trường, UBND tỉnh phê duyệt. Phối hợp với UBND các cấp giao địa
điểm, mốc giới đất đai, hành lang kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình khí tượng
thủy văn cho các cơ quan hoạt động khí tượng thủy văn. Thẩm định, trình UBND tỉnh
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công trình khí tượng thủy văn ở tỉnh.
- Thẩm định, trình UBND tỉnh cấp mới, gia hạn thời
gian, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng
trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp nhận các thông tin, tư liệu, dữ liệu khí
tượng thủy văn, xử lý theo chức năng phục vụ công tác quản lý Nhà nước về khí
tượng thủy văn; phối hợp với Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc khai thác
tư liệu khí tượng thủy văn chuyên dùng và phối hợp với các sở, ngành của tỉnh
xây dựng, đề xuất cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh phương án
phòng, chống, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai.
- Phối hợp với các sở, ngành, UBMTTQ và các đoàn
thể nhân dân tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khí tượng thủy văn. Theo dõi,
đôn đốc việc chấp hành pháp luật và các qui định của UBND tỉnh: tổ chức thanh
tra kiểm tra việc thi hành pháp luật, giải quyết hoặc tham gia giải quyết các
tranh chấp, khiếu nại tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về khí tượng thủy
văn theo qui định của pháp luật.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Thường xuyên tiếp nhận các dự báo về khí tượng
thủy văn do Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc cung cấp, xử lý thông tin
theo chức năng để chỉ đạo kịp thời sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
- Chủ trì, phối hợp Đài khí tượng thủy văn khu vực
Việt Bắc lập kế hoạch hoạt động, kinh phí hàng năm trình UBND tỉnh cấp hỗ trợ
việc sửa chữa, tu bổ, nâng cấp trang thiết bị và thuê khoán cho các điểm đo mưa
nhân dân, các điểm quan trắc thủy văn không nằm trong kế hoạch của Đài khí tượng
thủy văn khu vực Việt Bắc do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, để đảm bảo hoạt động
đo đạc nắm bắt tình hình khí tượng thủy văn phục vụ công tác chỉ đạo của tỉnh.
- Là cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống
lụt bão tỉnh, bảo đảm chế độ thường trực tiếp nhận các tin báo của Ban chỉ đạo
phòng chống lụt bão Trung ương, tin báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt
Bắc tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh về công tác
phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh; đồng thời thông tin, chỉ đạo khẩn
trương, kịp thời tình hình lụt, bão tới UBND, Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão
cấp huyện để triển khai biện pháp phòng chống.
- Phối hợp với Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt
Bắc, UBND cấp huyện, UBND cấp xã khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy
văn chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai.
c) Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh:
- Tiếp nhận, đăng tải, phát bản tin dự báo thời
tiết hàng ngày do Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc cung cấp.
- Tiếp nhận, tổ chức đăng tải, phát báo các bản
tin theo quy định của Nhà nước về áp thấp nhiệt đới, lũ, bão...
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo
vệ, khai thác có hiệu quả công trình khí tượng thủy văn trên các phương tiện
thông tin đại chúng.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Sở Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch đầu
tư xây dựng các công trình trạm, điểm hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng.
Sở Tài chính chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt nguồn kinh phí cho việc
sửa chữa, tu bổ, nâng cấp trang thiết bị và thuê khoán của các trạm, điểm hoạt
động khí tượng thủy văn không nằm trong kế hoạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường
cấp.
e) Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, thẩm định
trình UBND tỉnh các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về khí tượng thủy văn;
phối hợp thẩm định các dự án, đề án ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ
tiên tiến thuộc lĩnh vực khí tượng thủy văn vào sự nghiệp phát triển kinh tế -
xã hội, phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.
g) Công an tỉnh: Phối hợp với Đài khí tượng thủy
văn khu vực Việt Bắc, các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh, UBND cấp
huyện, UBND cấp xã ngăn chặn các hành vi xâm hại nghiêm trọng công trình khí tượng
thủy văn, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
h) Bộ chỉ huy quân sự tỉnh: Phối hợp với Đài khí
tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh,
UBND cấp huyện, UBND cấp xã huy động lực lượng cứu nạn, khắc phục hậu quả khi
công trình khí tượng thủy văn xảy ra sự cố nghiêm trọng.
i) Các sở, ban, ngành khác: Các sở, ban, ngành
theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của
pháp luật về lĩnh vực khí tượng thủy văn.
2. UBND cấp huyện, UBND cấp xã:
a) Phối hợp tổ chức thực hiện các biện pháp quản
lý, bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, thông báo cho nhân dân trong khu vực
hành lang bảo vệ của công trình, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm đến đất đai,
sự an toàn của các công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn. Phối hợp với cơ
quan khí tượng thủy văn thực hiện lập hồ sơ đất đai trình UBND tỉnh cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất. Khi có sự cố xảy ra, theo đề nghị của cơ quan khí tượng
thủy văn khẩn trương huy động lực lượng khắc phục hậu quả, đảm bảo duy trì hoạt
động của công trình.
b) Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết
trên các phương tiện thông tin đại chúng để chỉ đạo các hoạt động sản xuất đời
sống của địa phương. Khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh
và thông tin dự báo về bão, lốc, mưa, lũ phải khẩn trương triển khai phương án
chủ động phòng, chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Chủ động phối hợp với cơ
quan, đơn vị hoạt động khí tượng thủy văn tại địa bàn để nắm vững diễn biến thời
tiết để kịp thời chỉ đạo huy động lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả
thiên tai.
c) Tuyên truyền, phổ biến tới đông đảo các tầng
lớp nhân dân thực hiện nghiêm pháp luật về khí tượng thủy văn.
3. Các Viện nghiên cứu, các cơ quan Trung ương
đóng trên địa bàn tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Đài khí
tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, các sở, ngành địa phương trong việc thực hiện
các dự án, đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về lĩnh vực khí tượng
thủy văn, nâng cao chất lượng phục vụ trong hoạt động khí tượng thủy văn; khai
thác dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ các dự án, đề tài chuyên ngành theo quy
định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Khen thưởng và xử lý
vi phạm:
1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc
trong quản lý, bảo vệ công trình khí tượng thủy văn và khai thác, nâng cao chất
lượng dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống,
giảm nhẹ hậu quả thiên tai được khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen
thưởng.
2. Những tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại
công trình khí tượng thủy văn, gây tác động ảnh hưởng đến hoạt động khí tượng
thủy văn, cản trở đến công tác lãnh đạo chỉ đạo trên địa bàn tỉnh thì tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật.
Điều 7. Điều khoản thi hành:
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện
Quy chế này. Hàng quí, 6 tháng, 1 năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về việc thực
hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát
sinh, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phản ánh kịp
thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa
đổi, bổ sung quy chế cho phù hợp.