ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3242/2004/QĐ.UB
|
TX. Vĩnh Long,
ngày 22 tháng 9 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC
NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN
NÔNG THÔN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy
ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003:
- Căn cứ Thông tư liên tịch số 11/2004/TTLT-BNN-BNV
ngày 02 tháng 04 năm 2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Nội
vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên
môn giúp Ủy ban Nhân dân quản lý Nhà nước về Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn ở địa phương;
- Xét Tờ trình số 638/TT.SNV ngày 13 tháng 9 năm
2004 của Giám đốc Sở Nội vụ.
QUYẾT ĐỊNH
Điều I. Nay quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
tỉnh Vĩnh Long như sau:
1. Vị trí và chức năng:
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh
Long là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh có nhiệm vụ tham mưu,
giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn
tỉnh về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, Thủy sản và phát triển nông thôn, về
các dịch vụ công thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện một
số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh và theo quy
định của pháp luật.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu sự chỉ
đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban Nhân dân tỉnh, đồng
thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn, Bộ Thủy sản.
2- Nhiệm vụ và quyền hạn:
2.1. Trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các quy
định, chỉ thị về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của sở và chịu trách nhiệm về
nội dung các văn bản đã trình.
2.2. Trình Ủy ban Nhân dân tỉnh và chịu trách nhiệm
về nội dung quy hoạch, kế hoạch phát triển, chương trình, dự án về nông nghiệp,
lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và phát triển nông thôn phù hợp với quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
2.3. Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm
thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát
triển, các chương trình, dự án, tiêu chuẩn, định mức kinh tế -kỹ thuật về nông
nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và phát triển nông thôn đã được phê
duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực
thuộc phạm vi quản lý của sở.
2.4. Về nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi):
2.4.1. Thẩm định và chịu trách nhiệm về phương án
sử dụng đất dành cho trồng trọt và chăn nuôi; về biện pháp chống thoái hóa đất
nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định.
2.4.2. Giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo sản xuất
nông nghiệp, quyết định và chịu trách nhiệm về thời vụ sản xuất, việc áp dụng
giống cây trồng, giống vật nuôi mới. Chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm việc
sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư nông nghiệp, phân bón, thức
ăn chăn nuôi và các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp.
2.4.3. Tổ chức công tác bảo vệ thực vật, thú y,
phòng và chống dịch bệnh động, thực vật và khắc phục hậu quả dịch bệnh; chỉ
đạo, thực hiện kiểm dịch nội địa về động, thực vật trên địa bàn tỉnh theo qui
định.
2.5. Về lâm nghiệp:
2.5.1. Xây dựng phương án, biện pháp, chỉ đạo, kiểm
tra và chịu trách nhiệm về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp và sử dụng vật
tư lâm nghiệp; phòng và chống dịch bệnh cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo
qui định.
2.5.2. Tổ chức việc điều tra, phân loại thống kê
diện tích, cơ cấu trữ lượng của từng loài cây trồng lâm nghiệp; lập bản đồ cây
trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn.
2.5.3. Chịu trách nhiệm thẩm định, tổng hợp hồ sơ
về thiết kế khai thác cây lâm nghiệp để Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, hoặc
trình cấp có thẩm quyền quyết định theo phân cấp của Chính phủ; trình Ủy ban
Nhân dân tỉnh việc cấp phép khai thác cây trồng lâm nghiệp sau khi được phê duyệt
và kiểm tra việc khai thác theo thiết kế được duyệt.
2.7. Về thủy lợi:
2.7.1. Trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phân cấp quản lý
các công trình thủy lợi vừa và nhỏ và chương trình mục tiêu cấp, thoát nước
nông thôn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc
xây dựng, khai thác, sử dụng và bảo vệ các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, tổ
chức thực hiện chương trình, mục tiêu cấp, thoát nước nông thôn đã được phê
duyệt.
2.7.2. Thực hiện các quy định về quản lý lưu vực
sông, khai thác sử dụng và phát triển tổng hợp các dòng sông, trên địa bàn tỉnh
theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2.7.3. Chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về
việc xây dựng, khai thác, bảo vệ đê điều, bảo vệ công trình phòng, chống lũ,
lụt, bão, hạn hán, úng ngập, chua phèn, xâm nhập mặn, sạt lở ven sông trên địa
bàn tỉnh.
2.8. Về Thủy sản:
2.8.1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về Thủy
sản; trên địa bàn tỉnh bao gồm: nuôi trồng khai thác, bảo vệ và phát triển
nguồn lợi thủy sản theo qui định của Bộ Thủy sản và Ủy ban Nhân dân tỉnh.
2.8.2. Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về
công tác khuyến ngư hướng dẫn, phổ biến thông tin và chuyển giao kỹ thuật ứng
dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, an toàn
thực phẩm, an toàn dịch bệnh thủy sản.
2.8.3. Phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức
chỉ đạo, công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, an toàn khi đánh bắt
thủy sản.
2.8.4. Cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt
động thủy sản theo phân cấp và qui định của pháp luật.
2.8 5. Chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về
quản lý khai thác, chế biến từ sản phẩm thủy sản. Thực hiện các nhiệm vụ thuộc
cơ quan thủy sản cấp tỉnh được Bộ, ngành Trung ương quy định đối với địa phương.
2.9. Về phát triển nông thôn:
2.9.1. Tổng hợp, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh về cơ
chế, chính sách, biện pháp khuyến khích phát triển nông thôn theo dõi, tổng hợp
báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh về phát triển nông thôn trên địa bàn.
2.9.2. Hướng dẫn phát triển kinh tế hộ, trang trại,
kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ;
tổ chức thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường Nhà nước
trên địa bàn tỉnh theo phương án được duyệt.
2.9.3. Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về
công tác khuyến nông, khuyến lâm, trên địa bàn tính.
2.9.4. Hướng dẫn việc chế biến, nông lâm sản, phát
triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh theo quy định.
2.9.5. Chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về
việc khai thác và sử dụng nước sạch nông thôn trên địa bàn theo qui định của
pháp luật.
2.9.6. Phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức công
tác dự báo thị trường nông sản, lâm sản.
2.9.7. Xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ tư liệu
về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và phát triển nông thôn; tổ chức
công tác thống kê diễn biến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp đất thủy sản theo
qui định.
2.9.8. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các dự án
và xây dựng mô hình phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản
và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm thực hiện các
chương trình, dự án được giao.
2.9.9. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa
học, công nghệ vào sản xuất của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên
địa bàn tỉnh.
2.10. Thực hiện hợp tác quốc tế theo phân cấp của
Ủy ban Nhân dân tỉnh và quy định của pháp luật.
2.11. Hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện các dịch vụ
công trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và phát triển
nông thôn của tỉnh theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về các dịch vụ
công do sở tổ chức thực hiện.
2.12. Cấp và thu hồi các giấy phép thuộc các lĩnh
vực được giao quản lý theo quy định của pháp luật.
2.13. Thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại,
tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật về nông nghiệp,
lâm nghiệp thủy lợi, thủy sản và phát triển nông thôn trong phạm vi quản lý
theo quy định của pháp luật.
2.14. Thực hiện nhiệm vụ thường trực của Ban chỉ
huy phòng, chống lụt bão của tỉnh theo quy định của pháp luật, tham gia khắc
phục hậu quả thiên tai về bão, lũ, lụt, hạn hán úng ngập, chua phèn, xâm nhập
mặn, sạt lở; dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy
lợi trên địa bàn tỉnh:
2.15. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình cải
cách hành chánh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở sau
khi được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
2.16. Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong quản
lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với cấp huyện.
2.17 Quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban Nhân dân tỉnh; tổ
chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ xã, phường, thị
trấn làm công tác quản lý về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và
phát triển nông thôn theo qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
và Ủy ban Nhân dân tỉnh.
2.18. Báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực
hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
2.19. Quản lý tài chính; tài sản của sở theo quy
định của Pháp luật và phân cấp của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
2.20. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của
Pháp luật hoặc do Ủy ban Nhân dân tỉnh giao.
3. Tổ chức bộ máy:
a. Ban Giám đốc: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn có 01 Giám đốc và có từ 01 đến 03 Phó Giám đốc giúp việc cho Giám đốc theo
lĩnh vực công việc được Giám đốc phân công cụ thể.
b. Các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ:
- Văn phòng (bao gồm bộ phận Tổ chức, Hành chính -
Quản trị và Tài chính).
- Kế hoạch và tổng hợp.
- Phòng Nghiệp vụ (bao gồm Nông - Lâm - Ngư nghiệp).
- Phòng Khoa học và ngành nghề nông thôn (bao gồm
tổ Công nghệ thông tin và chức năng chế biến lâm sản).
- Thanh tra
c. Chi cục chuyên ngành:
- Chi cục Thú y
- Chi cục Bảo vệ thực vật
- Chi cục thủy lợi
- Chi cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn (trên
cơ sở hợp nhất cục di dân và phát triển vùng kinh tế mới với Ban quản lý chính
sách nông nghiệp).
- Chi cục Thủy sản (bao gồm chức năng: khai thác
bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng và vệ sinh thú y,
thủy sản - đơn vị sự nghiệp có thu).
d. Các tổ chức sự nghiệp:
- Trung tâm khuyến nông.
- Trung tâm giống nông nghiệp (đơn vị sự nghiệp có
thu).
- Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông
thôn (đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần kinh phí).
- Ban quản lý dự án công trình thủy lợi (đơn vị sự
nghiệp có thu).
e. Các doanh nghiệp chuyên ngành:
- Công ty khai thác công trình thủy nông (doanh
nghiệp công ích).
- Công ty xây dựng Nông nghiệp và phát triển nông
thôn (doanh nghiệp tự kinh doanh).
Điều II. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn có trách nhiệm tiến hành sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng
tinh, gọn, hoạt động có hiệu lực, bố trí cán bộ, công chức của ngành đúng theo
tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn quy định.
Điều III. Các Ông, (bà): Chánh Văn phòng Ủy
ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh có liên
quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện - thị xã và Giám đốc Sở Nông nghiệp và
phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Nơi nhận:
- TT.TU&HĐND tỉnh " b/c"
- CT, PCT. UBT
- Ban TCTU
- BLĐ. VP. UBT
- Khối NC
- Như điều III
- Lưu 2.05.07
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Trương Văn Sáu
|