ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3226/QĐ-UBND
|
Hưng Yên, ngày 19 tháng 12 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ
NHÀ NƯỚC VỀ CƯ TRÚ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM
2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Cư trú ngày
29/11/2006;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Cư trú ngày 20/6/2013;
Căn cứ Luật Căn cước công dân ngày
20/11/2014;
Căn cứ Luật Hộ tịch ngày
20/11/2014;
Căn cứ Nghị định số 31/2014/NĐ-CP
ngày 18/4/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú;
Căn cứ Nghị quyết số 112/NQ-CP
ngày 30/10/2017 của Chính phủ về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư
thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an;
Căn cứ Quyết định số 896/QĐ-TTg
ngày 08/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn
2013-2020;
Căn cứ các Thông tư của Bộ Công an:
Số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú
và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP; số 36/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú; số 61/2014/TT-BCA ngày
20/11/2014 quy định về quy trình đăng ký cư trú;
số 42/2015/TT-BCA ngày 01/9/2015 quy định về công tác tàng thư hồ sơ hộ khẩu;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh
tại: Tờ trình số 1666/TTr-CAT(PC64) ngày 06/9/2017; Báo cáo số 215/BC-CAT(PC64) ngày 05/12/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt
Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú trên địa
bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Giám đốc
Công an tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh; Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nội
dung được phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Chánh Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ
Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an (V11, C72);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Trung tâm Tin học-Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, NCS.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Phóng
|
ĐỀ ÁN
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CƯ TRÚ TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3226/QĐ-UBND ngày 19/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)
Phần thứ nhất
SỰ CẦN THIẾT XÂY
DỰNG ĐỀ ÁN
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
Cư trú là một trong những quyền cơ bản
của công dân, đồng thời là một trong những hoạt động của công dân, liên quan mật
thiết đến kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Chính vì vậy, Điều 23 Hiến pháp
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nêu rõ: “Công dân có quyền tự do
đi lại và cư trú trong nước....Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Để cụ thể hóa việc cư trú của công
dân đã nêu trong Hiến pháp, ngày 29 tháng 11 năm 2006, Quốc hội thông qua Luật
Cư trú; ngày 08 tháng 6 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành
chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai
đoạn 2013 - 2020; ngày 20 tháng 6 năm 2013 Quốc hội thông
qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; ngày 20 tháng 11 năm
2014, Quốc hội thông qua Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch; tiếp theo,
ngày 18 tháng 4 năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2014/NĐ-CP quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Bộ Công an đã ban hành
các Thông tư: Số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 quy định chi tiết một
số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP; số 36/2014/TT-BCA ngày
09 tháng 9 năm 2014 quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú;
số 61/2014/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2014 quy định về quy trình đăng ký cư
trú; số 42/2015/TT-BCA ngày 01 tháng 9 năm 2015 quy định về công tác tàng thư hồ
sơ hộ khẩu. Ngày 13 tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số
07/CT-TTg về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư.
Qua nghiên cứu các luật, văn bản hướng
dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, xác định:
1. Quản lý cư trú là việc cơ quan có
thẩm quyền theo quy định của pháp luật thực hiện việc: Đăng ký thường trú; Xóa
đăng ký thường trú; Thay đổi nơi thường trú; Cấp sổ hộ khẩu; Tách sổ hộ khẩu;
Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; Chuyển hộ khẩu; Xác nhận về việc
trước đây công dân đã đăng ký thường trú; Hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; Đăng ký tạm trú; Cấp sổ tạm trú; Điều chỉnh những thay đổi
trong sổ tạm trú; Xóa tên trong sổ đăng ký tạm trú; Hủy bỏ kết quả đăng ký tạm
trú trái pháp luật; Lưu trú, thông báo lưu trú và Khai báo tạm vắng; Thu thập,
cập nhật thông tin về dân cư.
Việc thực hiện các mặt công tác quản
lý cư trú nêu trên, Luật Cư trú cũng quy định cụ thể về trường hợp, thủ tục, hồ
sơ thực hiện tương ứng và đề ra yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc, khẩn trương,
quản lý chặt chẽ, đặc biệt là việc xây dựng, bảo quản tàng thư hồ sơ hộ khẩu phải
chính xác, khoa học để khai thác, sử dụng lâu dài (Từ Điều 9 đến Điều 32 Luật
Cư trú).
2. Cơ quan và người làm công tác đăng
ký, quản lý cư trú là cơ quan Công an và cán bộ Công an (Khoản 2 Điều 6 Luật
Cư trú).
3. Trách nhiệm của UBND các cấp trong
quản lý cư trú là:
- Tổ chức thực hiện các văn bản quy
phạm pháp luật về cư trú; thực hiện quản lý nhà nước về cư trú tại địa phương.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp
luật về cư trú.
- Chỉ đạo, kiểm tra các tổ chức, cá
nhân thực hiện các văn bản luật liên quan đến quản lý cư trú và các văn bản hướng
dẫn thi hành tại địa phương.
(Điều
34 Luật Cư trú và Điều 4 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP)
4. Nhà nước đảm bảo ngân sách, cơ sở
vật chất, nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cho
hoạt động đăng ký, quản lý cư trú (Khoản 2 Điều 5 Luật Cư trú).
5. Đến năm 2020,
cả nước phải hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bãi bỏ hình
thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình
thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Kết nối cơ sở dữ liệu của các
ngành với cơ sở dữ liệu về dân cư để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
II. CƠ SỞ THỰC TIỄN
Thực trạng công tác đăng ký, quản lý
cư trú ở tỉnh ta hiện nay:
1. Về công tác đăng ký, quản lý
thường trú
- Tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2017,
toàn tỉnh có 368.698 hộ, 1.315.312 nhân khẩu đăng ký thường
trú (trong đó có 939.414 nhân khẩu từ 14 tuần trở lên) nhưng mới có 232.363 hộ đã được lập hồ sơ hộ khẩu (đạt 63% so với tổng
số hộ trong toàn tỉnh).
- Trong số 232.363 hồ sơ hộ khẩu đã lập:
+ 100% hồ sơ chưa được kiểm tra để
xác định thông tin về người, hộ đã đầy đủ chưa, có chính xác không và chưa được
đánh số thứ tự, sắp xếp theo quy định;
+ 124.150/232.363 hồ sơ (đạt 53%
so với tổng số hồ
sơ hộ khẩu đã lập) đã chuyển về
Công an huyện, thành phố; số còn lại vẫn để ở các xã, thị trấn;
+ Đã lập được 638.937/939.414 bản
khai nhân khẩu của công dân từ 14 tuổi trở lên (đạt 68% so với tổng số người
14 tuổi trở lên);
+ Đã lập được 154.938/232.363 phiếu
theo dõi hồ sơ hộ khẩu (đạt 67% so với tổng
số hồ sơ hộ khẩu đã lập);
(Có
thống kê chi tiết số 01
kèm theo)
2. Về công tác đăng ký, quản lý tạm
trú
Theo báo cáo của Công an các xã, phường,
thị trấn, tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2017, toàn tỉnh có 4.312 hộ, 36.587 nhân
khẩu đăng ký tạm trú. Số hộ, nhân khẩu này đều có hồ sơ đăng ký và được lưu tại
Công an xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, việc quản lý công tác này còn bị buông
lỏng: Công tác chỉ đạo chưa được chú trọng, việc chấp hành các quy định của
pháp luật về đăng ký tạm trú của người dân chưa nghiêm; việc kiểm tra, xử lý vi
phạm pháp luật về đăng ký, quản lý tạm trú, chấp hành chế độ thông tin, báo cáo
của của lực lượng chức năng ở cơ sở chưa được chú trọng thực hiện.
3. Về công tác tiếp nhận thông báo
lưu trú, khai báo tạm vắng
Tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2017,
toàn tỉnh có 253 điểm tiếp nhận thông báo lưu trú (161 điểm đặt tại Công an
xã, phường, thị trấn, 92 điểm đặt tại các
thôn xóm, khu phố); có 192 nhân khẩu khai báo tạm vắng.
Trong 6 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh có 11.633 lượt người thông báo lưu
trú.
Trong thời gian qua, công tác này đã
được triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
4. Về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư
Luật Căn cước công dân năm 2014 đã
quy định cụ thể việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Chính phủ, Bộ
Công an đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trên thực
tế công tác này vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, chưa bắt tay vào xây dựng và
nguồn tài liệu chính để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tàng thư hồ
sơ hộ khẩu.
5. Về cơ sở vật chất
- Về diện tích nhà để hồ sơ và phòng
làm việc: Hiện nay mới có 8/10 Công an huyện, thành phố bố trí nhà để hồ sơ hộ
khẩu với diện tích là 274 m2, 10/10 Công an huyện, thành phố chưa có
phòng làm việc dành cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác này. Để bảo đảm đủ diện
tích nhà làm việc và nhà để hồ sơ hộ khẩu phục vụ công tác đăng ký, quản lý cư
trú, cần tối thiểu 10 phòng làm việc và 10 nhà tàng thư ở 10 Công an huyện,
thành phố với diện tích khoảng 1.055m2. Như vậy, diện tích nhà làm
việc và nhà để hồ sơ hộ khẩu còn thiếu khoảng 781 m2 (Có
thống kê chi tiết số 02 kèm
theo).
- Về vật tư, trang thiết bị: Hiện tại
Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an các huyện,
thành phố trên toàn tỉnh có 33 giá hồ sơ, 14 tủ hồ sơ, 03 điều hòa, 09 bàn, 27
ghế, 15 quạt, 10 bình phòng cháy chữa cháy và 01 máy vi
tính; cơ sở vật chất của Công an xã, phường, thị trấn phục vụ riêng công tác
đăng ký, quản lý cư trú cơ bản chưa có. Để quản lý và bảo quản hồ sơ đăng ký,
quản lý cư trú theo quy định thì còn thiếu: 195 tủ hồ sơ, 128
giá hồ sơ, 30 điều hòa, 10 máy hút bụi và nhiều thiết bị khác (Có
thống kê chi tiết số 03 kèm theo).
- Về sổ sách, biểu mẫu: Thông tư số
36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 quy định có 16 loại tài liệu, biểu mẫu
phải in và dùng trong công tác đăng ký, quản lý cư trú. Hàng năm, các loại biểu
mẫu này phải in và dùng với số lượng lớn (Có thống kê chi tiết số 04 kèm theo).
6. Về đội ngũ cán bộ
- Đối với lực lượng Công an chính quy
(gồm Công an phường và Công an các huyện, thành phố): Hiện bố trí 75 cán
bộ làm công tác đăng ký, quản lý cư trú. Theo báo cáo của Công an huyện, thành
phố hiện còn thiếu 14 cán bộ làm công tác này và chất lượng cán bộ làm công tác
quản lý cư trú tại Công an các huyện chưa đáp ứng yêu cầu đề ra: Trình độ
chuyên môn còn hạn chế, ý thức trách nhiệm với công việc chưa cao.
- Đối với lực lượng Công an xã, thị
trấn: Hiện có 1.357 Công an xã, trong đó có 149 Trưởng Công an xã; 216 Phó Trưởng
Công an xã, thị trấn và 992 Công an viên.
Về cơ bản số lượng Công an xã đã được
đảm bảo theo quy định, tuy nhiên ở những xã, thôn trọng điểm phức tạp về an
ninh trật tự có thêm 01 Phó Trưởng Công an xã phụ trách
công tác quản lý cư trú do công chức Tư pháp-Hộ tịch xã
kiêm, 01 Công an viên do Bí thư Đoàn hoặc Phó thôn kiêm, do kiêm nhiệm nhiều việc
nên chất lượng hoạt động chưa cao. Đa số Công an xã chưa
được tập huấn chuyên sâu về công tác đăng ký, quản lý cư trú nên hoạt động
trong lĩnh vực này kém hiệu quả.
III. NHẬN XÉT,
ĐÁNH GIÁ
Những năm qua, công tác đăng ký, quản
lý cư trú trên địa bàn toàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền, Công an các cấp
quan tâm chỉ đạo, thực hiện nên đã đạt được một số kết quả
như đã nêu ở phần trên. Tuy nhiên, so với quy định của pháp luật vẫn còn một khối
lượng công việc lớn chưa được thực hiện và có một số tồn tại, hạn chế, đó là:
1. Công tác quản lý Nhà nước về cư
trú ở nhiều cơ sở chưa được thực hiện đầy đủ, đúng quy định
của pháp luật nên hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế; số liệu thống kê về dân số giữa
các cơ quan, ngành liên quan như: Công an, Tư pháp, Thống kê, Dân số và Kế hoạch
hóa gia đình, Y tế, Bảo hiểm,... chưa thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản
lý nhà nước và việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở địa
phương. Quá trình thực hiện các mặt công tác quản lý cư trú còn nhiều sơ hở,
thiếu sót, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật
tự và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
2. Công tác lập hồ sơ hộ khẩu, xây dựng
tàng thư hồ sơ hộ khẩu đạt kết quả thấp, tiến độ thực hiện chậm; chưa kiểm tra,
xác định được những thông tin cơ bản về một người, một hộ là đầy đủ, chính xác,
làm cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên chưa phục vụ được
nhiều nhu cầu chính đáng của nhân dân, của cơ quan, tổ chức và yêu cầu phục vụ
công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự
cũng như phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
3. Do nhiều bất cập trong tổ chức thực
hiện đăng ký, quản lý cư trú nên việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính còn
chậm, nhiều lúc chưa phục vụ kịp thời nhu cầu chính đáng, có nơi còn gây phiền
hà cho tổ chức, công dân.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
trên là do chưa có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ của một số cấp ủy,
chính quyền, các ngành liên quan ở cơ sở. Việc bố trí con
người, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu.
Công tác tuyên truyền chưa thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Từ những quy định của pháp luật và thực
trạng tình hình quản lý cư trú của tỉnh đã nêu trên, cùng với dự báo sự phát triển
về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa của tỉnh diễn ra tương đối nhanh sẽ dẫn
đến sự biến động về nhân, hộ khẩu trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra nhiều hơn, thường
xuyên hơn... Do vậy, để nhanh chóng đưa công tác đăng ký, quản lý cư trú trên địa
bàn tỉnh ta được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đi vào nề nếp, xây dựng
và nâng cao chất lượng tàng thư hồ sơ hộ khẩu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia
về dân cư, thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và
các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013- 2020, phục vụ đắc
lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương và
nhu cầu chính đáng của nhân dân, tổ chức xã hội... UBND tỉnh ban hành và triển
khai thực hiện Đề án: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước
về cư trú trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”
nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nhân lực, kinh phí tương xứng cho công
tác này.
Phần thứ hai
MỤC TIÊU, YÊU CẦU
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đảm bảo công tác quản lý cư trú trên
địa bàn tỉnh được thực hiện đúng theo quy định của Luật Cư trú, Luật Căn cước
công dân, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần đảm bảo an
ninh trật tự phục vụ nhu cầu chính đáng của tổ chức, công dân và sự nghiệp xây
dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đến
hết năm 2018, củng cố, bổ sung, hoàn thiện các điểm tiếp nhận lưu trú; đăng ký
thường trú, tạm trú trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ hộ khẩu,
thu thập thông tin về dân cư; kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ hộ khẩu đã được lập.
2.2. Đến
hết năm 2019, lập xong hồ sơ hộ khẩu với những hộ chưa lập hồ sơ hộ khẩu; tiếp
tục kiểm tra, hoàn thiện số hồ sơ hộ khẩu đã được lập; thu thập thông tin về
dân cư.
2.3. Đến năm 2020, hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và thu thập
thông tin về dân cư. Xây dựng xong tàng thư hồ sơ hộ khẩu hiện hành đảm bảo
đúng quy định, làm cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2.4. Từ
năm 2021 đến năm 2025, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác
đăng ký, quản lý cư trú, phục vụ hiệu quả việc triển khai Đề án đơn giản hóa thủ
tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân
cư. Tiếp tục duy trì công tác đăng ký, quản lý cư trú đúng quy định của Luật Cư
trú và các văn bản hướng dẫn thi hành.
II. YÊU CẦU
1. Tạo sự chuyển biến rõ nét cả về nhận
thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các tổ chức và công dân
trong công tác đăng ký, quản lý cư trú theo quy định của pháp luật.
2. Nâng cao chất lượng công tác đăng
ký, quản lý cư trú gắn liền với việc không ngừng cải cách hành chính trong công
tác này.
3. Bố trí kiện toàn đội ngũ cán bộ
làm công tác đăng ký, quản lý cư trú, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ
thuật và công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công
tác đăng ký, quản lý cư trú và phục vụ nhu cầu chính đáng của tổ chức, công
dân.
Phần thứ ba
NỘI DUNG, GIẢI
PHÁP CHỦ YẾU VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
A. GIAI ĐOẠN
2018 - 2020
I. ĐẨY
MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
1. Các cấp, các ngành và các tổ chức
đoàn thể; thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện thường
xuyên chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức
và nhân dân các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú để mọi người
hiểu, đồng thuận và chủ động thực hiện nghiêm túc.
Thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục cán
bộ, người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú nắm vững nội dung, thủ tục đăng
ký, quản lý cư trú; thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai các quy định,
thủ tục hành chính về đăng ký, quản lý cư trú và các thông tin liên quan để hướng
dẫn nhân dân, thực hiện thuận tiện, đúng quy định, không gây phiền hà cho tổ chức,
công dân khi thực hiện các mặt công tác đăng ký, quản lý cư trú theo quy định.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài
Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên, Đài Truyền thanh các huyện,
thành phố và cơ sở tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền,
phổ biến các quy định của pháp luật về công tác đăng ký, quản lý cư trú và những
gương người tốt, việc tốt trong công tác này.
3. Hàng năm, Sở
Tư pháp tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đưa nội
dung tuyên truyền, phổ biến Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch
và các văn bản hướng dẫn thi hành vào kế hoạch công tác năm của Hội đồng để triển
khai thực hiện.
4. Công an tỉnh phối hợp với các
ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố công khai, cụ thể hóa những điều cần
biết về các mặt công tác đăng ký, quản lý cư trú trên Cổng thông tin điện tử của
tỉnh, huyện, thành phố để mọi tổ chức, công dân có điều kiện
khai thác, tìm hiểu và thực hiện.
II. TĂNG CƯỜNG LỰC LƯỢNG, NÂNG CAO
CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, NGƯỜI TRỰC TIẾP THỰC HIỆN
CÁC MẶT CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ CƯ TRÚ
1. Căn cứ tình hình thực tế và lộ
trình thực hiện Đề án, UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phải tăng cường lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách làm công
tác đăng ký, quản lý cư trú ở các điểm tiếp dân của xã, phường, thị trấn, các
điểm thông báo lưu trú ở các khu dân cư đảm bảo đủ lực lượng thực hiện công tác
này ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức,
công dân thực hiện các quy định về cư trú.
2. Công an tỉnh sớm kiện toàn đội ngũ
cán bộ chuyên trách làm công tác đăng ký, quản lý cư trú từ tỉnh đến huyện,
thành phố; hướng dẫn UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tăng cường lực
lượng làm công tác đăng ký, quản lý cư trú ở cơ sở. Đồng thời có kế hoạch thường
xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công
tác đăng ký, quản lý cư trú từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo 100% cán bộ làm công tác
đăng ký, quản lý cư trú đều thông thạo công việc.
III. RÀ SOÁT, BỔ SUNG, CHẤN CHỈNH CÁC ĐIỂM THÔNG BÁO LƯU TRÚ
1. UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND
các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn rà soát các điểm
thông báo lưu trú tại cơ sở; bổ sung thêm các điểm thông báo lưu trú ở những
khu dân cư mới hình thành, những cơ quan, doanh nghiệp mới đi vào hoạt động...;
chấn chỉnh các điểm hiện có về: Người tiếp nhận thông báo lưu trú, sổ sách ghi
chép, chế độ thông tin báo cáo...; tổ chức thông báo công khai cho nhân dân biết
để thực hiện; giao trách nhiệm tổ chức quản lý hoạt động của các điểm thông báo
này cho UBND xã, phường, thị trấn, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp.
2. Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện,
thành phố, Công an xã, phường, thị trấn tham mưu, phục vụ UBND huyện, thành phố,
xã, phường, thị trấn tổ chức công tác tiếp nhận thông báo lưu trú có hiệu quả;
định kỳ có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và thường xuyên kiểm tra, hướng
dẫn người tiếp nhận thông báo lưu trú; tổ chức tốt việc tiếp nhận, báo cáo kết
quả lưu trữ từ cơ sở về tỉnh. Năm 2018 phải củng cố xong
công tác này trong phạm vi toàn tỉnh.
IV. CỦNG CỐ, CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC TỔ
CHỨC ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ, TẠM TRÚ TẠI CÁC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
1. UBND huyện, thành phố có kế
hoạch chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát và có biện
pháp chấn chỉnh công tác tổ chức đăng ký thường trú, tạm trú về: Địa điểm tiếp dân,
cơ sở vật chất, cán bộ tiếp dân, việc niêm yết các quy định, lịch tiếp dân...đảm
bảo nhanh chóng, thuận tiện cho nhân dân và quản lý tốt công tác này ở địa
phương.
2. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng
Công an làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền các cấp về công tác này; đề
xuất việc cấp kinh phí hỗ trợ cho cơ sở, nhất là về tủ, giá đựng tài liệu, biểu
mẫu hồ sơ, sổ sách; thường xuyên bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra, chấn
chỉnh công tác đăng ký cư trú ở cơ sở. Năm 2018 phải chấn chỉnh xong và đưa
công tác đăng ký thường trú, tạm trú vào nề nếp.
V. ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ LẬP, HOÀN THIỆN
HỒ SƠ HỘ KHẨU ĐẢM BẢO ĐẦY ĐỦ, CHÍNH XÁC CÁC THÔNG TIN TRONG HỒ SƠ HỘ KHẨU; TIẾP
TỤC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THÀNH TÀNG THƯ HỒ SƠ HỘ KHẨU; THU THẬP THÔNG TIN DÂN CƯ
1. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo
UBND các xã, phường, thị trấn bố trí địa điểm và cử cán bộ tham gia thực hiện để
Công an các huyện, thành phố tiếp tục triển khai việc lập hồ sơ hộ khẩu đối với
các hộ chưa lập hồ sơ; kiểm tra, xác minh, hoàn thiện hồ sơ hộ khẩu đã được lập
trước đây, thu thập thông tin dân cư theo kế hoạch của Công an tỉnh.
2. Công an tỉnh căn cứ thực trạng
tình hình nhân khẩu, hộ khẩu và chức năng, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch, chuẩn
bị nhân lực, cơ sở vật chất (nhà để hồ sơ, tài liệu, biểu mẫu) và chương trình
triển khai việc tiếp tục lập, hoàn thiện hồ sơ hộ khẩu, thu thập thông tin dân
cư theo hướng: Kế hoạch phải đề ra chỉ tiêu cụ thể trong từng năm, ở từng huyện,
thành phố về việc lập hồ sơ hộ khẩu mới, kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ đã lập, sắp
xếp hồ sơ đã hoàn thiện, thu thập thông tin dân cư để đến hết năm 2020 hoàn
thành xong việc lập hồ sơ hộ khẩu, tàng thư hồ sơ hộ khẩu và thu thập xong
thông tin về dân cư theo quy định ở 10/10 huyện, thành phố trong tỉnh.
3. Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh
thực hiện tốt công tác đăng ký hộ tịch như: Đăng ký khai sinh; đăng ký lại khai
sinh; đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch; ghi vào sổ
hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền,...
Cơ quan Công an có trách nhiệm thực
hiện việc điều chỉnh thông tin về công dân khi có căn cứ
xác định thông tin về công dân chưa chính xác hoặc có sự thay đổi, theo quy định
của Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch. Căn cứ để điều chỉnh
là Giấy khai sinh (Giấy khai sinh cấp lần đầu hoặc giấy
khai sinh đăng ký lại) hoặc quyết định được phép thay đổi, cải chính hộ tịch hoặc
trích lục thay đổi, cải chính hộ tịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch. Trong trường hợp cụ thể, nếu lực lượng
Công an có căn cứ xác định việc cấp giấy khai sinh hoặc quyết định được phép
thay đổi, cải chính hộ tịch hoặc trích lục thay đổi, cải chính hộ tịch của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch chưa phù hợp thì kiến nghị, trao
đổi với Sở Tư pháp để giải quyết.
VI. THƯỜNG XUYÊN KIỂM TRA, CHẤN CHỈNH;
ĐỊNH KỲ HÀNG NĂM SƠ KẾT, TỔNG KẾT CÔNG TÁC QUẢN LÝ CƯ TRÚ
1. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng
chức năng thường xuyên nắm tình hình, hướng dẫn kịp thời việc thực hiện các mặt
công tác đăng ký, quản lý cư trú, nhất là ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư,
cơ quan, doanh nghiệp. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót
trong công tác này. Chủ động tham mưu chính quyền các cấp sơ kết, tổng kết nhằm chỉ ra những mặt ưu, khuyết điểm, đề ra phương hướng
triển khai thực hiện trong thời gian tiếp theo, đưa công tác này vào nề nếp.
2. Hàng năm UBND các xã, phường, thị
trấn báo cáo sơ kết, tổng kết việc thực hiện các mặt công tác này tại địa
phương và đề ra những việc làm cụ thể cho năm tiếp theo.
B. GIAI ĐOẠN
2021 - 2025
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
giáo dục các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú với nội dung và
hình thức phù hợp; nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ, người trực tiếp thực hiện
các mặt công tác đăng ký, quản lý cư trú; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản
lý tàng thư hồ sơ hộ khẩu, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân
cư; duy trì công tác đăng ký, quản lý cư trú đúng quy định
của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, định kỳ sơ kết, tổng kết công tác quản lý cư trú, kịp thời
chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, đưa công tác này đi vào
nề nếp.
Phần thứ tư
NGUỒN VỐN, HẠNG
MỤC, KINH PHÍ ĐẦU TƯ
A. NGUỒN VỐN
Huy động từ ngân sách Trung ương
(Bộ Công an) và ngân sách của UBND tỉnh.
B. HẠNG MỤC ĐẦU TƯ
I. GIAI ĐOẠN 2018- 2020
1. Hạng mục đầu tư thuộc vốn ngân
sách Bộ Công an
Dự kiến khoảng 3.355.000.000 đồng (Ba
tỷ ba trăm năm mươi lăm triệu đồng).
Căn cứ các hạng mục cần đầu tư, Công an tỉnh đề xuất Bộ Công an cấp:
- 50% kinh phí để trang bị cơ sở vật
chất cấp cho Công an các huyện, thành phố và PC64 Công an tỉnh gồm: Giá hồ sơ,
tủ hồ sơ, điều hòa, máy hút bụi, bàn, ghế, quạt, bình PCCC, tủ phích hộ, máy vi
tính và máy in dự kiến khoảng 1.345.000.000 đồng;
- 50% kinh phí in tài liệu, biểu mẫu
phục vụ công tác lập, hoàn thiện hồ sơ hộ khẩu của 100% hộ trên địa bàn tỉnh; đổi
sổ hộ khẩu; củng cố hệ thống sổ sách của Công an huyện,
thành phố, Công an xã, phường, thị trấn dự kiến khoảng 2.010.000.000 đồng.
2. Hạng mục đầu tư thuộc vốn ngân
sách của UBND tỉnh
Ngân sách của UBND tỉnh phục vụ thực
hiện Đề án là: 16.996.086.140 đồng (Mười sáu tỷ chín trăm chín mươi sáu triệu không trăm tám mươi sáu nghìn một trăm bốn mươi đồng), hạng mục và tiến độ bố trí như
sau:
2.1. Năm
2018: Kinh phí là 4.531.549.275 đồng cụ thể:
- Kinh phí Hội nghị triển khai Đề án: 33.000.000 đồng;
- Kinh phí phục vụ công tác tuyên
truyền: 200.000.000 đồng;
- Kinh phí Hội nghị tập huấn tại 10
huyện, thành phố: 355.000.000 đồng;
- 20% kinh phí in tài liệu, biểu mẫu
phục vụ công tác lập, hoàn thiện hồ sơ hộ khẩu của 100% hộ trên địa bàn tỉnh; đổi
sổ hộ khẩu; củng cố hệ thống sổ sách của Công an huyện, thành phố, Công an xã,
phường, thị trấn dự kiến khoảng 400.344.700 đồng;
- Kinh phí xây dựng phòng làm việc và
nhà tàng thư hồ sơ hộ khẩu (Công an huyện Ân Thi, Phù Cừ và Tiên Lữ): 1.920.454.575 đồng;
- Kinh phí mua vật tư trang thiết bị
gồm tủ hồ sơ, máy vi tính và máy in, bàn ghế máy vi tính (cho
các xã, thị trấn của huyện Ân Thi, Phù Cừ): 732.900.000 đồng;
- Kinh phí chi bồi dưỡng cho cán bộ
làm ngoài giờ, cán bộ không chuyên ở cơ sở: 800.000.000 đồng;
- Kinh phí phục vụ Hội nghị sơ kết:
32.250.000 đồng;
- Kinh phí chi cho công tác quản lý,
điều hành Đề án: 57.600.000 đồng.
2.2. Năm 2019: Kinh phí là
6.068.158.400 đồng, cụ thể:
- Kinh phí phục vụ công tác tuyên
truyền: 200.000.000 đồng;
- 50% kinh phí in tài liệu, biểu mẫu
phục vụ công tác lập, hoàn thiện hồ sơ hộ khẩu của 100% hộ
trên địa bàn tỉnh; đổi sổ hộ khẩu; củng cố hệ thống sổ sách của Công an huyện,
thành phố, Công an xã, phường, thị trấn dự kiến khoảng 1.000.875.200 đồng;
- Kinh phí xây dựng phòng làm việc và
nhà tàng thư hồ sơ hộ khẩu của Công an huyện Mỹ Hào và Yên
Mỹ: 1.181.818.200 đồng;
- Kinh phí mua vật tư trang thiết bị
gồm tủ hồ sơ, máy vi tính và máy in, bàn ghế máy vi tính (cho các xã, thị trấn
của huyện Mỹ Hào, Yên Mỹ và Tiên Lữ): 942.300.000 đồng;
- 50% kinh phí để trang bị cơ sở vật
chất cấp cho Công an các huyện Mỹ Hào, Yên Mỹ, Ân Thi, Phù Cừ và Tiên Lữ, gồm:
Giá hồ sơ, tủ hồ sơ, điều hòa, máy hút bụi, bàn, ghế, quạt, bình PCCC, tủ phích
hộ, máy vi tính và máy in dự kiến khoảng 685.565.000 đồng;
- Kinh phí chi bồi dưỡng cho cán bộ
làm ngoài giờ, cán bộ không chuyên ở cơ sở: 2.000.000.000 đồng;
- Kinh phí chi cho công tác quản lý,
điều hành Đề án: 57.600.000 đồng.
2.3. Năm 2020: Kinh phí là
6.396.378.465 đồng, cụ thể:
- Kinh phí phục vụ công tác tuyên
truyền: 200.000.000 đồng;
- 30% kinh phí in tài liệu, biểu mẫu
phục vụ công tác lập, hoàn thiện hồ sơ hộ khẩu của 100% hộ trên địa bàn tỉnh; đổi
sổ hộ khẩu; củng cố hệ thống sổ sách của Công an huyện, thành phố, Công an xã,
phường, thị trấn dự kiến khoảng 600.329.800 đồng;
- Kinh phí xây dựng, sửa chữa, bổ sung phòng làm việc và nhà tàng thư hồ sơ hộ khẩu của Công
an huyện Khoái Châu, Văn Giang, Kim Động, Văn Lâm và Thành phố Hưng Yên:
1.861.363.665 đồng;
- Kinh phí mua vật tư trang thiết bị
gồm tủ hồ sơ, máy vi tính và máy in, bàn ghế máy vi tính (cho các xã, thị trấn
của huyện Khoái Châu, Văn Giang, Kim Động, Văn Lâm và Thành phố Hưng Yên): 1.696.140.000 đồng;
- 50% kinh phí để trang bị cơ sở vật
chất cấp cho PC64 Công an tỉnh và Công an các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Kim
Động, Văn Lâm, Thành phố Hưng Yên, gồm: Giá hồ sơ, tủ hồ
sơ, điều hòa, máy hút bụi, bàn, ghế, quạt, bình PCCC, tủ phích hộ, máy vi tính
và máy in dự kiến khoảng 656.445.000 đồng;
- Kinh phí chi bồi dưỡng cho cán bộ
làm ngoài giờ, cán bộ không chuyên ở cơ sở: 1.200.000.000 đồng;
- Kinh phí chi cho công tác quản lý,
điều hành Đề án: 57.600.000 đồng;
- Kinh phí phục vụ Hội nghị tổng kết:
124.500.000 đồng.
3. Kinh phí đầu tư
3.1. Kinh phí đầu tư của Bộ Công an và UBND tỉnh cấp cho Công an tỉnh được
duyệt cấp vào kinh phí thường xuyên hàng năm của Công an tỉnh.
3.2. Công
an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan lập dự toán cụ thể các hạng mục thuộc nguồn vốn từ ngân sách tỉnh
trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời chủ động lập dự toán đề xuất kinh phí các
hạng mục thuộc nguồn vốn ngân sách Bộ Công an báo cáo Bộ Công an duyệt, cấp.
II. GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Trên cơ sở tổng kết giai đoạn 2018 -
2020 và tình hình thực tế, giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính
và các đơn vị có liên quan lập dự toán cụ thể các hạng mục phải đầu tư kinh phí
trình UBND tỉnh phê duyệt.
Phần thứ năm
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Căn cứ nhiệm vụ được phân công
trong Đề án, hàng năm các sở, ngành, UBND huyện, thành phố có kế hoạch triển
khai thực hiện và báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh).
Căn cứ báo cáo đề xuất của Công an tỉnh,
Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh bố trí kinh
phí thực hiện Đề án đảm bảo đúng tiến độ.
II. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Đề án. Định kỳ hàng năm (trước 31/12) báo cáo
UBND tỉnh kết quả thực hiện và đề xuất biện pháp đảm bảo tiến độ thực hiện Đề
án trong năm tiếp theo.
Quá trình tổ chức thực hiện Đề án có
khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo và đề xuất UBND tỉnh
biện pháp giải quyết (qua Công an tỉnh để tổng hợp)./.