HƯỚNG DẪN
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ,
QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC
HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3159/QĐ-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2009 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
I. Vị trí, chức năng của Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Phòng Giáo
dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện), có chức năng
tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về
các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bao gồm: mục tiêu, chương trình, nội dung
giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo và tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục;
tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em; quy chế thi cử
và cấp văn bằng, chứng chỉ, bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.
2. Phòng Giáo
dục và Đào tạo có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ
đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân cấp huyện; đồng
thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Giáo
dục và Đào tạo.
II. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Trình Ủy
ban nhân dân cấp huyện
a) Dự thảo văn
bản hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, pháp luật, các quy định của Ủy ban
nhân dân tỉnh về hoạt động giáo dục trên địa bàn;
b) Dự thảo quyết
định, chỉ thị, kế hoạch 5 năm, hàng năm và chương trình, nội dung cải cách hành
chính nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn;
c) Dự thảo quy
hoạch mạng lưới các trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học
(trừ cấp trung học phổ thông), trường tiểu học, cơ sở giáo dục mầm non và Trung
tâm học tập cộng đồng trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo;
d) Dự thảo các
quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể các cơ
sở giáo dục công lập, gồm: trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp
học (trừ cấp trung học phổ thông), trường tiểu học, cơ sở giáo dục mầm non; cho
phép thành lập, đình chỉ hoạt động, giải thể các trường, các cơ sở giáo dục
ngoài công lập thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định
của pháp luật.
2. Hướng dẫn
và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương
trình, kế hoạch phát triển giáo dục ở địa phương sau khi được cấp có thẩm quyền
phê duyệt; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về xã hội hóa
giáo dục; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo
dục trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về
giáo dục; chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính nhà nước thuộc lĩnh
vực giáo dục trên địa bàn; thực hiện mục tiêu, chương trình nội dung, kế hoạch,
chuyên môn, nghiệp vụ, các hoạt động giáo dục, phổ cập giáo dục; công tác tuyển
sinh, thi cử, xét duyệt, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đối với các cơ sở giáo dục
và đào tạo trên địa bàn.
3. Xây dựng kế
hoạch và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
các ngành học, cấp học trong phạm vi quản lý của huyện sau khi được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
4. Tổ chức ứng
dụng các kinh nghiệm, thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong giáo dục, tổng
kết kinh nghiệm, sáng kiến của địa phương.
5. Hướng dẫn,
kiểm tra, thanh tra và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với
các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn; xây dựng và nhân điển hình tiên tiến
về giáo dục trên địa bàn huyện.
6. Hướng dẫn,
kiểm tra các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc phạm vi quản lý của huyện
xây dựng kế hoạch biên chế; tổng hợp biên chế của các cơ sở giáo dục công lập
thuộc phạm vi quản lý của huyện, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
7. Giúp Ủy ban
nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện cơ chế tự chủ,
tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, tài chính các cơ sở giáo dục
và đào tạo công lập theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh và quy định của pháp
luật.
8. Phối hợp với
Phòng Tài chính - Kế hoạch lập dự toán và phân bổ ngân sách giáo dục, dự toán
chi các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm về giáo dục của huyện theo hướng
dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính.
9. Kiểm tra,
thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền việc thực hiện chính sách, pháp luật,
kế hoạch, chương trình, đề án và các quy định của cấp có thẩm quyền trong lĩnh
vực giáo dục và đào tạo; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân
về lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham
nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật.
10. Quản lý
biên chế, thực hiện tuyển dụng, hợp đồng làm việc, điều động, luân chuyển, đào
tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chế độ, chính sách, khen
thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm
vi quản lý của phòng theo quy định của pháp luật và ủy quyền của Ủy ban nhân cấp
huyện.
11. Quản lý
tài chính, tài sản, cơ sở vật chất được giao theo quy định của pháp luật và ủy
quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
12. Thực hiện
công tác báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao
với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo.
13. Thực hiện
những nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao và theo quy định
của pháp luật.
III. Tổ chức và biên chế của Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Phòng Giáo
dục và Đào tạo có Trưởng phòng và không quá 03 Phó Trưởng phòng
a) Trưởng
phòng chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện và trước pháp luật về
toàn bộ hoạt động của Phòng.
b) Các Phó Trưởng
phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về các nhiệm vụ được
phân công.
c) Việc bổ nhiệm
Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định
theo phân cấp quản lý và theo quy định hiện hành của pháp luật. Việc miễn nhiệm,
cách chức, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với Trưởng
phòng, Phó Trưởng phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Biên chế của
Phòng Giáo dục và Đào tạo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định
trong tổng biên chế của huyện được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
3. Tổ chức sự
nghiệp giáo dục ở cấp huyện gồm: trường trung học cơ sở, trường phổ thông có
nhiều cấp học (trừ cấp trung học phổ thông), trường tiểu học, cơ sở giáo dục mầm
non.
Việc thành lập,
sáp nhập, giải thể, chia tách, tổ chức lại các tổ chức sự nghiệp giáo dục công
lập ở cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo quy hoạch đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố ban hành Quyết định quy định cụ thể nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân
dân.
2. Trong quá
trình thực hiện nếu gặp vướng mắc, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
kịp thời báo cáo, đề xuất để các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, giải quyết hoặc
trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo thẩm quyền./.