ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3152/QĐ-UBND
|
Bình Phước, ngày 14 tháng 12 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI
VIÊN CHỨC TỈNH BÌNH PHƯỚC
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
22/11/2019;
Căn cứ Luật Viên chức năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP
ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản
lý viên chức;
Căn cứ Thông tư số 06/2020/TT-BNV
ngày 02/12/2020 của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển
công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức
danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức,
thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ
tại Tờ trình số 2274/TTr-SNV ngày 08/12/2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch xét
thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng IV lên hạng III, từ hạng III
lên hạng II đối với viên chức tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- Sở Nội vụ (03 bản);
- LĐVP, Phòng: NC;
- Lưu: VT, (T142).
|
CHỦ
TỊCH
Trần Tuệ Hiền
|
KẾ HOẠCH
XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC TỪ HẠNG IV LÊN HẠNG
III, TỪ HẠNG III LÊN HẠNG II ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3152/QĐ-UBND ngày 14/12/2020 của Ủy ban
nhân dân tỉnh)
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP
ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản
lý viên chức;
Căn cứ Thông tư số 06/2020/TT-BNV
ngày 02/12/2020 của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển
công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức
danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức,
thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xét thăng
hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III, từ hạng III lên hạng II đối
với viên chức tỉnh Bình Phước như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ĐĂNG
KÝ XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Viên chức hiện đang giữ chức danh nghề
nghiệp hạng IV, bao gồm: sự nghiệp Y tế, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, sự nghiệp
khác (trừ viên chức đang giữ mã số chức danh hành chính); Viên chức thuộc
khối trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa đạt chuẩn; viên chức thuộc khối
Mầm non, Tiểu học hiện giữ hạng III đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công
lập trực thuộc UBND tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã,
thành phố (bao gồm cả những người là trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn
giữ chức danh nghề nghiệp), được cấp có thẩm quyền quản lý, sử dụng cử viên
chức cử đi học hoặc tự học đúng chuyên ngành, phù hợp với vị trí việc làm, mã số
và chức danh nghề nghiệp hiện giữ, đạt điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn,
nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp đề nghị thăng hạng.
II. TIÊU CHUẨN, ĐIỀU
KIỆN ĐĂNG KÝ XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Viên chức được đăng ký dự thăng hạng
lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện
sau:
1. Điều kiện
a) Được xếp loại chất lượng ở mức
hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm đề nghị
xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp
tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các
quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được
sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
b) Có năng lực, trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức
danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.
c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng
chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng
hạng.
d) Đáp ứng yêu cầu về thời gian công
tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu
chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.
Trường hợp viên chức trước khi được
tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí việc làm có yêu
cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác
không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn)
và thời gian đó được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng tính làm căn cứ xếp
lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức
danh nghề nghiệp hiện giữ.
Trường hợp có thời gian tương đương
thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp hạng
dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp đề nghị thăng hạng, tính đến
ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
2. Tiêu chuẩn
a) Có bằng tốt nghiệp đại học, (cao
đẳng trở lên đối với viên chức ngành giáo dục và đào tạo), có chuyên ngành đào
tạo phù hợp với vị trí việc làm, mã số hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ.
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ
chuyên ngành theo quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp đăng
ký thăng hạng.
c) Có chứng chỉ tin học với trình độ
tương đương trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo
quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (sau
đây viết tắt là Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT). Việc xác định chứng chỉ tin
học tương đương trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản
theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 3755/BGDĐT-GDTX và hướng
dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 3562/BTTT-CNTT ngày
03/11/2015 và Công văn số 3656/BTTTT-CNTT ngày 15/12/2014 về hướng dẫn việc quy
đổi chứng chỉ tin học khi cán bộ, công chức, viên chức dự thi nâng ngạch công
chức và thi thăng hạng viên chức.
d) Có chứng trình độ ngoại ngữ phù hợp
với tiêu chuẩn và mã số ngạch của từng chức danh nghề nghiệp viên chức do Bộ,
ngành quản lý viên chức chuyên ngành quy định (một trong năm thứ tiếng: Anh,
Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc).
III. HỒ SƠ VÀ PHÍ
ĐĂNG KÝ XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
1. Hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng
chức danh nghề nghiệp bao gồm:
a) Đơn đăng ký dự xét thăng hạng chức
danh nghề nghiệp (theo mẫu).
b) Bản sơ yếu lý lịch của viên chức
theo mẫu có xác nhận của cơ quan sử dụng hoặc quản lý viên chức.
c) Bản nhận xét, đánh giá của người đứng
đầu cơ quan sử dụng viên chức (theo mẫu).
d) Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo
yêu cầu của chức danh nghề nghiệp đăng ký xét được cơ quan có thẩm quyền chứng
thực.
đ) Các yêu cầu khác theo quy định về
tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp mà viên chức dự xét thăng hạng.
Các cơ quan, đơn vị liên hệ mua hồ sơ
đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tại Phòng Công chức, viên chức
- Tổ chức bộ máy, Sở Nội vụ (Địa chỉ: Đường 6/1, phường Tân Phú, thành phố Đồng
Xoài, tỉnh Bình Phước. Số điện thoại liên hệ: 06513.870.762).
2. Phí dự xét thăng hạng
Phí dự xét thăng hạng chức danh nghề
nghiệp thực hiện theo Thông tư số 228/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài
chính Quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng,
dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Phí thăng hạng chức chức danh nghề
nghiệp: 500.000đ/ thí sinh/lần.
IV. HÌNH THỨC
THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC
Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp
viên chức được thực hiện thông qua hình thức thẩm định, chấm điểm hồ sơ xét
thăng hạng tùy thuộc vào quy định và hướng dẫn của Bộ quản lý chức danh nghề
nghiệp viên chức chuyên ngành và yêu cầu của chức danh nghề nghiệp viên chức
xét thăng hạng; phải bảo đảm tính chính xác, công bằng, khách quan, khoa học.
Riêng đối với viên chức thuộc khối Mầm non và Tiểu học đề nghị thăng hạng từ hạng
III lên hạng II, ngoài việc thẩm định, chấm điểm hồ sơ phải thực hiện kiểm tra,
sát hạch về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào
tạo.
V. XÁC ĐỊNH KẾT QUẢ
XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Việc xác định kết quả xét thăng hạng
chức danh nghề nghiệp viên chức được thực hiện theo Quy chế xét thăng hạng chức
danh nghề nghiệp quy định tại Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02/12/2020 của Bộ
Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi
nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;
Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức,
thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
VI. BỔ NHIỆM VÀ XẾP
LƯƠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC ĐẠT KẾT QUẢ XÉT THĂNG HẠNG
Căn cứ vào kết quả xét thăng hạng và
quyết định công nhận của UBND tỉnh, Sở Nội vụ có văn bản thỏa thuận với các cơ quan,
đơn vị để bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức theo
quy định hiện hành.
VII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Căn cứ Kế hoạch xét thăng hạng chức
danh nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III, từ hạng III lên hạng II đối với viên
chức, Sở Nội vụ ra Thông báo xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên
chức từ hạng IV lên hạng III, từ hạng III lên hạng II tỉnh Bình Phước năm 2020.
2. Hội đồng xét thăng hạng chức danh
nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III, từ hạng III lên hạng II đối với viên chức
có trách nhiệm triển khai thực hiện việc xét thăng hạng viên chức tỉnh theo quy
định, báo cáo kết quả về UBND tỉnh để báo cáo Bộ Nội vụ.
3. Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh,
các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thành phố căn cứ vào nhu cầu, số lượng chức danh nghề nghiệp của đơn vị mình tiến
hành sơ tuyển, lập danh sách trích ngang và hồ sơ viên chức có đủ các tiêu chuẩn,
điều kiện xét thăng hạng gửi về Sở Nội vụ kèm theo báo cáo danh mục vị trí việc
làm và co cấu chức danh nghề nghiệp.
4. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có
thẩm quyền quản lý viên chức đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải
chịu trách nhiệm về điều kiện, tiêu chuẩn của viên chức đăng ký xét thăng hạng
chức danh nghề nghiệp.
5. Trường hợp viên chức sử dụng văn bằng,
chứng chỉ không hợp pháp, hoặc kê khai không đúng sự thật để đủ tiêu chuẩn, điều
kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, khi bị phát hiện sẽ không được xét;
trường hợp đã tham dự xét sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định và hủy kết quả xét
thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
6. Thời gian tổ chức xét thăng hạng
chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trong Quý I/2021.
7. Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc, các đơn vị phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để phối hợp, giải
quyết./.