ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
*****
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
|
Số: 315/2007/QĐ-UBND
|
Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 28 tháng
11 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM
VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HẠT KIỂM LÂM NINH PHƯỚC TRỰC THUỘC CHI CỤC
KIỂM LÂM TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về
tổ chức và hoạt động của kiểm lâm;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 22/2007/TTLT-BNN-BNV ngày 27 tháng 3 năm 2007 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ hướng dẫn về nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của kiểm lâm ở địa phương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số
333/TTr-SNNPTNT ngày 27 tháng 09 năm 2007 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ
trình số 2551/TTr-SNV ngày 19 tháng 11 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng.
1. Hạt Kiểm lâm Ninh Phước (sau đây gọi tắt là Hạt)
trực thuộc Chi cục Kiểm lâm; có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện
Ninh Phước quản lý Nhà nước về lâm nghiệp; đồng thời bảo đảm chấp hành pháp
luật về bảo vệ, phát triển rừng và phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện.
2. Hạt chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Chi cục
trưởng Chi cục Kiểm lâm; có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản
tại Kho bạc Nhà nước để quan hệ giao dịch và có trụ sở làm việc đặt tại thị
trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hạt.
1. Tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xây dựng các văn
bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng,
bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý động thực vật hoang dã, quản lý
lâm sản trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật; báo cáo, đề xuất cấp có
thẩm quyền huy động các đơn vị vũ trang, lực lượng phương tiện khác của các đơn
vị, cá nhân đóng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, ứng cứu những vụ cháy rừng
và những vụ phá rừng nghiêm trọng trong những tình huống cần thiết và cấp bách.
2. Tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xây dựng quy
hoạch, kế hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, khai thác rừng, trồng rừng,
trồng cây phân tán, khoanh nuôi tái sinh, giao rừng khoán quản; theo dõi, kiểm
tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện quy hoạch, kế hoạch được duyệt và báo cáo
kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch cho Ủy ban nhân dân huyện và Chi cục Kiểm lâm theo định kỳ.
3. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hằng năm
về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh
học, quản lý động thực vật hoang dã, quản lý lâm sản, cập nhật diễn biến tài
nguyên rừng và quy ước bảo vệ rừng.
4. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan, các đơn vị
thuộc lực lượng vũ trang, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng, thực hiện bảo vệ
rừng trên địa bàn huyện.
a) Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn
thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ động thực vật rừng hoang dã; phòng trừ sâu
bệnh hại rừng;
b) Kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy
định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ
rừng, quản lý lâm sản; tổ chức tuần tra, truy quét các tổ chức cá nhân phá hoại
rừng, khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng
trái phép trên địa bàn huyện;
c) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chế độ, chính
sách về quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, quản lý khai thác và sử dụng
lâm sản; vận động nhân dân bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng lực lượng quần
chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ cho các tổ,
đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng;
d) Hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra chủ rừng, cộng đồng
dân cư địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án bảo vệ rừng, phòng cháy,
chữa cháy rừng, quy ước bảo vệ rừng, bảo vệ động thực vật rừng hoang dã, thực
hiện quy trình kỹ thuật lâm sinh;
đ) Phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng trong công tác truy quét bảo vệ rừng
và phòng cháy, chữa cháy rừng theo kế hoạch được duyệt.
5. Tổ chức chỉ đạo, quản lý, kiểm tra các hoạt động
của kiểm lâm địa bàn xã và các Trạm Kiểm lâm trực thuộc;
6. Xử lý các vụ vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý rừng,
bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật.
7. Quản lý tổ chức, biên chế, kinh phí, trang bị cơ
sở vật chất kỹ thuật, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách ưu
đãi, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức của đơn vị theo quy định của pháp
luật.
8. Chấp hành chế độ báo cáo thống kê theo quy định và
thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm giao.
Điều 3. Quyền hạn, trách nhiệm và chế độ chính sách kiểm
lâm.
Quyền hạn, trách nhiệm của công chức kiểm lâm và chế độ
chính sách đối với công chức và viên chức, lao động hợp đồng (nếu có) thuộc Hạt
thực hiện theo quy định tại Điều 3 và Điều 5 Quyết định số 309/2007/QĐ-UBND
ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm trực
thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 4. Kiểm lâm địa bàn xã.
1. Kiểm lâm địa bàn xã là công chức thuộc biên chế của Hạt,
được phân công về công tác tại địa bàn xã của huyện có rừng và đất lâm nghiệp,
chịu sự chỉ đạo, quản lý về mọi mặt của Hạt trưởng; đồng thời chịu sự chỉ đạo,
giám sát trực tiếp của cấp ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
2. Kiểm lâm địa bàn xã có nhiệm vụ:
a) Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thực hiện chức
năng quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp: xây dựng các tổ, đội quần chúng
bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu hại rừng; xây dựng phương
án, kế hoạch quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng; hướng dẫn, kiểm tra việc
thực hiện sau khi phương án được phê duyệt; huy động lực lượng dân quân tự vệ,
các lực lượng và phương tiện khác trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng
chống phá rừng trái phép;
b) Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và Hạt trưởng trong việc
thống kê, kiểm kê rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn được phân công; kiểm tra
việc sử dụng rừng của các chủ rừng trên địa bàn; xác nhận về nguồn gốc lâm sản
hợp pháp theo đề nghị của chủ rừng trên địa bàn;
c) Chủ trì phối hợp với các lực lượng bảo vệ rừng trên địa
bàn tổ chức thực hiện việc bảo vệ rừng, bảo vệ động thực vật hoang dã, bảo tồn
đa dạng sinh học, phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn và giám sát các chủ
rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng;
d) Hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng
và thực hiện quy ước bảo vệ rừng tại địa bàn;
đ) Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về
bảo vệ và phát triển rừng;
e) Tổ chức kiểm tra, phát hiện và tham
mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; đồng thời báo cáo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm
có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển
rừng; xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý
lâm sản theo quy định của pháp luật;
g) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kiểm lâm địa bàn xã
báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và
thường xuyên báo cáo tình hình bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã cho
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm;
h) Thực hiện các nhiệm vụ khác về phát triển lâm nghiệp theo
sự phân công của Ủy ban nhân dân xã và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm.
Điều 5. Cơ cấu tổ chức và biên chế.
1. Cơ cấu tổ chức:
a) Lãnh đạo: gồm có Hạt trưởng và 1 - 2 Phó Hạt
trưởng.
- Hạt trưởng điều hành mọi hoạt động của Hạt, chịu
trách nhiệm trước Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ của Hạt.
- Phó Hạt trưởng giúp việc Hạt trưởng, chịu trách
nhiệm trước Hạt trưởng và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công;
b) Bộ máy giúp việc Hạt trưởng:
- Tổ Hành chính - Tổng hợp.
- Tổ Quản lý, Bảo vệ rừng.
- Tổ Thanh tra, Pháp chế.
- Tổ Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng;
c) Đơn vị trực thuộc:
- Trạm Kiểm lâm Phước Sơn.
- Trạm Kiểm lâm Nhị Hà.
2. Biên chế: biên chế của Hạt do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm quyết định phân bổ
hằng năm trong tổng số biên chế của Chi cục Kiểm lâm được Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh giao.
Điều 6. Quản lý công chức, viên chức và
người lao động.
1. Hạt trưởng và Phó Hạt trưởng do Chi cục trưởng Chi
cục Kiểm lâm quyết định bổ nhiệm (theo tiêu chuẩn chức danh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành),
miễn nhiệm theo quy trình, thủ tục quy định và sự thống nhất bằng văn bản của
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Trưởng, Phó các tổ và trạm trực thuộc Hạt do Hạt
trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy trình, thủ tục quy định và sự
thống nhất bằng văn bản của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.
3. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức,
viên chức, người lao động của Hạt theo quy định của pháp luật và của Ủy ban
nhân dân tỉnh.
Điều 7. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
1. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và bãi bỏ các quy định trước đây trái
với Quyết định này.
2. Hạt trưởng có trách nhiệm:
a) Quy định nhiệm vụ cụ thể cho các tổ, trạm; ban
hành quy chế làm việc của Hạt và tổ chức thực
hiện đạt hiệu quả;
b) Trong quá trình thực hiện Quyết định này nếu có
vấn đề phát sinh, không hợp lý thì tập hợp báo cáo với Chi cục trưởng Chi cục
Kiểm lâm trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nội
vụ để trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung.
3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục
Kiểm lâm, thủ trưởng các cơ quan có
liên quan và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Phước chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Hoàng Thị Út Lan
|