BỘ
TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
31/QĐ-TCHQ
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2017 CỦA NGÀNH HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 đã được sửa đổi, bổ sung
một số điều theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13/6/2013 của
Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn
2011 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg
ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan
trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 448/QĐ-TTg
ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1491/QĐ-BTC
ngày 30/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tài chính giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 2693/QĐ-BTC
ngày 19/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch cải cách hành
chính của Bộ Tài chính năm 2017;
Căn cứ Quyết định số 2694/QĐ-BTC
ngày 19/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch tuyên truyền cải
cách hành chính năm 2017 của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 2789/QĐ-BTC
ngày 27/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch kiểm tra công tác
cải cách hành chính năm 2017 của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp
chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cải
cách hành chính năm 2017 của ngành Hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc
và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo Bộ phụ trách hải quan (thay b/c);
- Vụ Pháp chế Bộ (để p/h);
- Tổng cục trưởng TCHQ (thay b/c);
- Các Phó Tổng cục trưởng TCHQ (để c/đ);
- CTTĐTHQ, Báo Hải quan, Bản tin NCHQ;
- Lưu: VT, PC (Tiếp 5b).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Vũ Ngọc Anh
|
KẾ HOẠCH
CẢI
CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2017 CỦA NGÀNH HẢI QUAN
(Kèm theo Quyết định số 31/QĐ-TCHQ ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
1.1. Tạo sự chủ động trong công tác
chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính (CCHC) của Lãnh đạo Tổng cục và Thủ
trưởng các đơn vị trong Ngành;
1.2. Góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ
năm 2017 của ngành Hải quan được Bộ Tài chính giao;
1.3. Triển khai thực hiện có hiệu quả
công tác CCHC để đạt được mục tiêu đã được Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016
của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh
doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến
năm 2020, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính
phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đề ra và hoàn thành tốt
nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2017 được Bộ Tài chính giao.
2. Yêu cầu
2.1. Bảo đảm đúng, đủ các nội dung
CCHC theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ;
2.2. Bảo đảm sự đồng bộ trong triển
khai các nội dung CCHC;
2.3. Bảo đảm nội dung, lộ trình đề ra
tại Quyết định 1491/QĐ-BTC ngày 30/7/2015 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính ban hành Kế hoạch CCHC của Bộ
Tài chính giai đoạn 2016 - 2020;
2.4. Lồng ghép, kết hợp các hoạt động CCHC với các hoạt động xây dựng pháp luật; kiểm tra thực
hiện và theo dõi thi hành pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện
nhiệm vụ công vụ và các hoạt động khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
2.5. Xác định rõ các nhiệm vụ trọng
tâm để tập trung thực hiện có hiệu quả.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Cải cách thể chế
1.1. Xây dựng chính sách, pháp luật
trong lĩnh vực hải quan.
1.1.1. Căn cứ chủ trương, đường lối của
Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị
trường định hướng XHCN; các hiệp định, điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia,
ký kết có liên quan đến hải quan và tình hình thực tế, các
Vụ, Cục, đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan theo lĩnh vực phụ trách có
trách nhiệm thường xuyên rà soát hệ thống pháp luật hải quan để tham mưu, đề xuất
Tổng cục Hải quan kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ
sung, thay thế hoặc bãi; bỏ các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), các quy định
trong lĩnh vực hải quan, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố qua
thực thi pháp luật kịp thời phát hiện những bất cập của hệ thống pháp luật hải
quan, báo cáo về Tổng cục Hải quan để đề xuất các cấp có thẩm quyền hoàn thiện
hệ thống pháp luật hải quan.
1.1.2. Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc cơ
quan Tổng cục theo phân công của Tổng cục tập trung thực hiện nhiệm vụ soạn thảo
văn bản QPPL trong lĩnh vực hải quan theo đúng tiến độ ghi trong Chương trình
ban hành văn bản QPPL năm 2017 của Bộ (Chương trình ban hành Nghị định, Quyết định
của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch của Bộ
Tài chính và cơ quan hữu quan năm 2017) hoặc khi có yêu cầu đột xuất của cấp
trên, để trình Bộ Tài chính ban hành hoặc trình Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm
quyền ban hành. Trong quá trình soạn thảo văn bản, nếu có khó khăn, vướng mắc
hoặc có vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình ban hành
văn bản năm 2017, đơn vị chủ trì soạn thảo phải báo cáo, đề xuất ngay với Lãnh
đạo Tổng cục để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
1.1.3. Về trình tự, thủ tục soạn thảo,
trình ban hành văn bản QPPL phải được thực hiện đúng theo quy định của Luật Ban
hành văn bản QPPL năm 2015, các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật và Quyết
định số 3290/QĐ-TCHQ ngày 03/10/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban
hành Quy chế xây dựng văn bản QPPL về hải quan; xây dựng, ban hành quy chế, quy
trình nghiệp vụ trong lĩnh vực hải quan. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao
chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL, trong đó chú trọng đến tính hợp
pháp, hợp lý của văn bản; chú trọng tổng kết tình hình, kết quả thực tiễn; tiếp
thu những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng những
chính sách, quy định phù hợp; thực hiện việc đánh giá tác động của thủ tục hành
chính (TTHC) theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 đã được
sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của
Chính phủ về kiểm soát TTHC; lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực
tiếp của văn bản.
1.1.4. Thường xuyên thực hiện và tập
trung nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra văn bản theo quy định của pháp luật
và Quy chế kiểm tra, xử lý văn bản ban hành kèm theo Quyết định số 4163/QĐ-TCHQ
ngày 28/12/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Thực hiện công tác rà
soát, hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển hóa văn bản QPPL, theo dõi tình hình
thi hành pháp luật trong lĩnh vực hải quan theo quy định của pháp luật và quy định
của Tổng cục Hải quan tại Quyết định số 3290/QĐ-TCHQ ngày 03/10/2016.
1.2. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản
lý ngành, lĩnh vực.
1.2.1. Thực hiện Chiến lược phát triển
hải quan đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tổ chức triển khai Kế hoạch cải
cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết
định số 1614/QĐ-BTC ngày 19/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính:
+ Phê duyệt Kế hoạch cải cách, phát
triển và hiện đại hóa của Hải quan tỉnh, thành phố giai đoạn 2016 - 2020;
+ Xây dựng và ban hành Đề án Quản trị
Kế hoạch cải cách hiện đại hóa giai đoạn 2016 - 2020.
- Ban hành và triển khai thực hiện
các hoạt động thuộc Danh mục cải cách hiện đại hóa hải quan trọng tâm năm 2017.
- Tăng cường quan hệ đối tác Hải quan
- Doanh nghiệp thông qua đối thoại, tham vấn và các chương trình đối tác chuyên
đề.
1.2.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật.
Tổng cục ban hành và tổ chức thực hiện
Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức hải quan; tuyên
truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người khai hải quan, người nộp thuế năm
2017 của ngành Hải quan. Trên cơ sở Kế hoạch
của Tổng cục nêu trên, các đơn vị thuộc và trực thuộc kịp thời ban hành Kế hoạch thực hiện ở đơn vị mình và triển khai
thực hiện nghiêm túc. Trong đó, cần chú trọng theo dõi, kiểm tra, đánh giá hiệu
quả của hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hoạt động hỗ trợ
pháp lý cho doanh nghiệp.
1.2.3. Công tác thanh, kiểm tra việc
thực hiện chính sách, pháp luật.
Tổng cục ban hành và tổ chức thực hiện
Kế hoạch kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan năm
2017 của ngành Hải quan. Nghiên cứu cải tiến quy trình kiểm tra nội bộ bảo đảm
hiệu quả, kịp thời. Thực hiện nội dung, quy trình kiểm
tra, thanh tra theo đúng quy định của pháp luật và quy định của Ngành.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan. Thực hiện có hiệu quả
các kết luận kiểm tra, thanh tra. Đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách về hải
quan thông qua công tác kiểm tra, thanh tra.
2. Cải cách TTHC
2.1. Xây dựng quy định về TTHC.
Thực hiện tốt nguyên tắc, yêu cầu khi
xây dựng quy định về TTHC; việc lấy ý kiến (đặc biệt là tham vấn, lấy ý kiến của
doanh nghiệp và các bên có liên quan), đánh giá tác động, thẩm định tính pháp
lý về quy định TTHC trong quá trình xây dựng văn bản QPPL hải quan theo quy định
tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều
theo Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về kiểm soát TTHC.
2.2. Thực hiện TTHC.
2.2.1. Kịp thời thống kê TTHC hải
quan trong các văn bản QPPL mới ban hành, các văn bản QPPL đã ban hành nhưng
chưa thống kê để trình Bộ quyết định công bố theo quy định. Sau khi được Bộ quyết
định công bố, cần tổ chức tuyên truyền, niêm yết công khai, đầy đủ trên các
trang thông tin điện tử và tại trụ sở, địa điểm giải quyết TTHC.
2.2.2. Thực hiện TTHC hải quan theo
đúng quy định của pháp luật và quyết định công bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Công chức trực tiếp giải quyết TTHC không được yêu cầu đối tượng thực hiện nộp
thêm giấy tờ, hồ sơ, phí, lệ phí ngoài quy định. Nâng cao chất lượng, hiệu quả
giải quyết TTHC, nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối
với sự phục vụ của cơ quan Hải quan. Kiên quyết loại bỏ tình trạng tiêu cực,
nhũng nhiễu, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo
đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công.
2.2.3. Đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện
TTHC trong lĩnh vực hải quan, chú trọng kiểm tra việc thực hiện ở cấp Chi cục,
Tổ (Đội). Trong đó, chú trọng nghiên cứu đổi mới cách thức, phương pháp kiểm
tra để đạt hiệu quả cao nhất.
2.2.4. Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến
nghị của cá nhân, tổ chức về quy định và việc thực hiện TTHC hải quan bảo đảm kịp
thời, hiệu quả, đúng pháp luật.
2.2.5. Tăng cường đối thoại với các
doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhằm tháo gỡ ngay những vướng mắc
trong thực hiện thủ tục hải quan, bảo đảm việc tuân thủ chính sách, pháp luật,
việc thực thi các TTHC hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập
khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng của
công tác quản lý.
2.2.6. Tiếp tục triển khai thực hiện
tốt Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa
xuất khẩu, nhập khẩu” đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt. Trong đó, chú trọng kiến nghị sửa đổi kịp thời pháp luật
kiểm tra chuyên ngành; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của địa điểm kiểm
tra tập trung tại các cửa khẩu, trước hết là các cửa khẩu quan trọng.
2.3. Rà soát TTHC.
Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc cơ quan Tổng
cục trong phạm vi lĩnh vực theo dõi, phụ trách có trách nhiệm chủ động và thường
xuyên rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC hải quan, tập trung vào các mục
tiêu có liên quan đến lĩnh vực hải quan đã được đề ra tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP
ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi
trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định
hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ
trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2014
của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách TTHC trong lĩnh vực
thuế, hải quan. Việc đề xuất đơn giản hóa TTHC cần gắn chặt với công tác soạn
thảo văn bản QPPL hải quan; thực hiện theo hướng tiếp tục rà soát, bãi bỏ các
TTHC rườm rà, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố qua
thực thi pháp luật hải quan cần tích cực kiến nghị đơn giản hóa TTHC, báo cáo về
Tổng cục (qua Vụ Pháp chế) để tổng hợp, xử lý; lưu ý kiến nghị phải bảo đảm
tính hợp lý.
3. Cải cách tổ chức bộ máy hành
chính
3.1. Kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt
động của các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục.
Việc kiểm tra tổ chức bộ máy của các
đơn vị thuộc Tổng cục được triển khai thực hiện theo Quy chế kiểm tra công tác
tổ chức cán bộ của Bộ Tài chính. Năm 2017, Tổng cục dự kiến kiểm tra đối với 09
Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Điện Biên, Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng Nam, Quảng
Trị, Thừa Thiên Huế, An Giang, Cà Mau và Bà Rịa - Vũng Tàu.
3.2. Rà soát vị trí, chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong Ngành nhằm
khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn.
- Rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của các Đội (Tổ) thuộc Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan và
đơn vị tương đương trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố đảm bảo không chồng
chéo về chức năng, nhiệm vụ.
- Rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức
của Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương trực thuộc Cục
Hải quan đảm bảo cơ cấu tổ chức tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu cải
cách hiện đại hóa hải quan và CCHC.
3.3. Rà soát, đánh giá việc phân cấp
quản lý trong lĩnh vực được giao.
Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý
theo quy định của Bộ Tài chính tại Quyết định số 2534/QĐ-BTC ngày 30/9/2014 quy
định về phân cấp quản lý công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc
Bộ Tài chính.
4. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội
ngũ công chức, viên chức
4.1. Đổi mới nội dung, chương trình
đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức.
Tổ chức xây dựng, chỉnh sửa hệ thống
chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hải quan với nội dung phù hợp với từng
loại công chức, viên chức và từng loại hình bồi dưỡng theo phân cấp xây dựng
chương trình. Tổ chức đào tạo nghiệp vụ hải quan đảm bảo tính chuyên nghiệp,
chuyên sâu. Xây dựng đội ngũ chuyên gia, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng
viên. Đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn về chức danh, ngạch công chức, yêu cầu về vị
trí việc làm, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ.
4.2. Thực hiện công tác quản lý công
chức, viên chức.
4.2.1. Xác định vị trí việc làm và cơ
cấu công chức.
- Rà soát lại danh mục vị trí việc
làm và bản mô tả vị trí việc làm của Tổng cục Hải quan đảm bảo phù hợp với Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày
17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính và các văn bản hướng
dẫn thi hành; quy trình nghiệp vụ từ năm 2013 đến 2017 (sau khi Bộ Nội vụ phê
duyệt Đề án vị trí việc làm Tổng cục Hải
quan đã xây dựng và trình Bộ Nội vụ năm 2013).
- Tiếp tục triển khai thí điểm đổi mới
quản lý nguồn nhân lực theo vị trí việc làm tại Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai.
4.2.2. Công tác quản lý công chức,
viên chức.
- Đẩy mạnh công tác nhận xét, đánh
giá công chức, viên chức phù hợp với thực tế công tác hải quan, dựa trên năng lực,
hiệu quả công việc, làm cơ sở cho việc bố trí, sắp xếp, khen thưởng, kỷ luật
công chức, viên chức trong từng đơn vị.
- Tăng cường ứng dụng kết quả mô tả
chức danh công việc trong quản lý, sử dụng công chức, viên chức; áp dụng phương
thức quản lý công chức, viên chức hiện đại phù hợp với yêu cầu cải cách, hiện đại
hóa Ngành và triển khai hệ thống VNACCS/VCIS.
- Hoàn chỉnh và triển khai hiệu quả hệ
thống quy định, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan về công tác quản lý, sử dụng
công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa và thực hiện nhiệm
vụ được giao.
4.2.3. Nâng cao trách nhiệm, tăng cường
kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của công chức, viên chức.
- Quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ
thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016
của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành
chính nhà nước các cấp và Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 07/11/2016 của Bộ Tài chính
về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ
chức, thực hiện các nội dung trên của các đơn vị trong ngành Hải quan kết hợp với
kiểm tra công tác tổ chức cán bộ.
- Xử lý kiên quyết, nghiêm minh kể cả
áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc các trường hợp vi phạm và xử lý trách
nhiệm cán bộ lãnh đạo liên quan đến trách nhiệm quản lý để xảy ra tiêu cực,
tham nhũng trong đơn vị, lĩnh vực do mình quản lý, phụ trách.
5. Cải cách tài chính công
5.1. Rà soát, đánh giá, phân loại đơn
vị sự nghiệp theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của
Chính phủ.
Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp
trong Ngành xây dựng cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định
số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ và tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính
xét duyệt.
5.2. Tổ chức thực hiện Quyết định số
13/2016/QĐ-TTg ngày 15/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cơ chế
quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn
2016 - 2020.
- Tiếp tục hướng dẫn các đơn vị thực
hiện Thông tư số 76/2016/TT-BTC ngày 30/5/2016 của Bộ Tài chính quy định việc
thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục
Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1607/QĐ-BTC ngày 18/7/2016 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên
chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định
số 2146/QĐ-BTC ngày 06/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành một số nội
dung, mức chi hỗ trợ, bồi dưỡng đối với một số lực lượng hoạt động trong lĩnh vực
đặc thù của ngành Hải quan giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định số 3322/QĐ-TCHQ
ngày 06/10/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Quy chế quản lý
tài chính và chi tiêu nội bộ đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục
giai đoạn 2016-2020.
- Tiếp tục thực hiện công tác điều
hành ngân sách đảm bảo việc giao dự toán kịp thời, đảm bảo đáp ứng đủ kinh phí
hoạt động cho bộ máy của các đơn vị và chi đầu tư hiện đại hóa Ngành.
5.3. Thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí trong sử dụng ngân sách được giao.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu
quả Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật
và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Tài chính năm 2017.
6. Hiện đại hóa hành chính
6.1. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quy trình xử lý công
việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và
trong giao dịch với tổ chức, cá nhân.
6.1.1. Ứng dụng CNTT phục vụ công tác
quản lý điều hành.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong
công tác quản lý nội bộ hải quan, trong đó tập trung xây dựng hệ thống thông
tin hỗ trợ ra quyết định nghiệp vụ giai đoạn I; nâng cấp hệ thống quản lý điều
hành văn bản nội bộ NetOffice; nâng cấp hệ thống quản lý cán bộ, kế toán nội bộ;
quản lý tài sản; xây dựng hệ thống quản lý điều hành để triển khai bộ phận trợ
giúp (Help-Desk) tại Trung tâm Quản lý vận hành hạ tầng CNTT phục vụ triển khai
hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT tập trung của Ngành.
6.1.2. Ứng dụng CNTT để cung cấp dịch
vụ công, phục vụ doanh nghiệp.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị
quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử và các Nghị quyết khác của Chính phủ
liên quan đến ứng dụng CNTT, trong đó trọng tâm là phấn đấu đến hết năm 2017,
100% TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3, 70% TTHC
thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp dịch vụ công trực
tuyến mức độ 4.
6.2. Hiện đại hóa hành chính.
6.2.1. Triển khai Cơ chế một cửa quốc
gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
- Về mặt pháp lý: Trình Chính phủ ban
hành Nghị định quy định về Cơ chế một cửa quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ
ban hành Quyết định quy định thủ tục điện tử đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh,
quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
- Về mặt kỹ thuật:
+ Đối với các TTHC đã triển khai thực
hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia thì tiếp tục triển khai mở rộng về phạm
vi, số lượng doanh nghiệp tham gia. Triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia
tại cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi và triển khai Cơ chế
một cửa quốc gia đối với thủ tục tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
+ Triển khai rà soát, xây dựng cơ sở
pháp lý, xây dựng hệ thống CNTT để kết nối thực hiện các TTHC mới thông qua Cơ
chế một cửa quốc gia theo định hướng tại Kế hoạch
tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn
2016 - 2020.
+ Chính thức vận hành thực hiện Cơ chế
một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN ngay
sau khi Nghị định thư về khung pháp lý để thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN được đủ
10 nước thành viên phê chuẩn.
+ Triển khai thực hiện thu phí, lệ
phí thực hiện các TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia bằng phương thức điện
tử.
6.2.2. Triển khai hệ thống VNACCS/VCIS.
Tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống
VNACCS/VCIS và các hệ thống ứng dụng CNTT cốt lõi của ngành Hải quan ổn định,
an ninh, an toàn, không làm gián đoạn hoạt động nghiệp vụ quản lý nhà nước về hải
quan, các chức năng của hệ thống VNACCS/VCIS được sử dụng hiệu quả, đúng với
thiết kế của hệ thống.
6.2.3. Ứng dụng CNTT trong hoạt động
nghiệp vụ hải quan.
- Xây dựng và ban hành Thiết kế tổng
thể hệ thống CNTT định hướng đến 2020 làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai
các hệ thống CNTT.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Điều 41 Luật Hải quan về kết nối với doanh nghiệp kinh doanh cảng
nhằm giảm thiểu hồ sơ giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hàng
hóa, container tại các cảng biển.
- Xây dựng yêu cầu, triển khai giải
pháp công nghệ quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp gia công, sản
xuất xuất khẩu, chế xuất và công tác giám sát hải quan tại khu vực cảng biển, cửa
khẩu và kho bãi.
- Triển khai ứng dụng CNTT với các
lĩnh vực nghiệp vụ hiện chưa thực hiện. Nâng cao mức độ tự động hóa của quy
trình nghiệp vụ. Ứng dụng toàn diện CNTT trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ hải
quan, trong đó tập trung mở rộng ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải
quan liên quan tới miễn, giảm, hoàn thuế, kết nối hệ thống với các cơ quan kinh
doanh cảng, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, thủ tục quá cảnh, xử lý thông
tin về hàng hóa và phương tiện vận tải qua đường biển, đường hàng không, đường
bộ....
- Tích hợp chức năng, dữ liệu của các
hệ thống CNTT hiện tại vào một hệ thống thống nhất được xây dựng theo kiến trúc
hướng dịch vụ. Xử lý thông tin theo mô hình tập trung cấp Tổng cục. Triển khai
các chức năng quản lý, giám sát việc truy cập hệ thống đối với tất cả đối tượng
tham gia. Cung cấp mọi loại giao diện trao đổi thông tin (giao diện cho máy
tính cá nhân, thiết bị di động, kết nối hệ thống- hệ thống và các thiết bị
khác).
- Tiếp tục mở rộng kết nối, trao đổi
thông tin với các ngân hàng thương mại nhằm thực hiện rộng rãi thanh toán điện
tử.
- Triển khai Dự án cung cấp thông tin
tờ khai hải quan cho các cơ quan liên quan và tiếp nhận xử lý thông tin nhận được
từ Tổng cục Thuế.
6.3. Xây dựng trụ sở cơ quan hành
chính, đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ.
6.3.1. Xây dựng trụ sở cơ quan hành
chính.
Bộ Tài chính giao kế hoạch vốn đầu tư
năm 2017 cho ngành Hải quan tại Quyết định số 2669/QĐ-BTC ngày 15/12/2016 là
575.575 triệu đồng, trong đó giao kế hoạch cho 27 dự án chuẩn bị đầu tư; 05 dự
án đã hoàn thành từ 31/12/2016 còn thiếu vốn; 08 dự án dự kiến hoàn thành năm
2017; 16 dự án dự kiến hoàn thành sau năm 2017 và 15 dự án dự kiến khởi công mới
năm 2017. Căn cứ danh mục và kế hoạch vốn
của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung trong toàn ngành Hải
quan.
6.3.2. Đầu tư mua sắm trang thiết bị,
phương tiện nghiệp vụ.
- Tiếp tục triển khai các nội dung
mua sắm từ năm 2016 chuyển sang bao gồm: hệ thống camera giám sát; hệ thống máy
soi container, máy soi hành lý, hàng hóa; hệ thống RFID; ca nô cao tốc, tàu cao
tốc.
- Triển khai các nội dung mua sắm mới
thuộc danh mục toán năm 2017 bao gồm: 8 hệ thống camera giám sát tại các chi cục;
mua sắm 02 máy soi hành lý, hàng hóa; 30 ca nô và 02 tàu cao tốc phục vụ công
tác chống buôn lậu.
6.4. Áp dụng ISO trong hoạt động của
đơn vị.
- Xây dựng và ban hành Mục tiêu chất
lượng và chính sách chất lượng của Tổng cục Hải quan giai đoạn 2017 - 2018.
- Tiến hành rà soát để xây dựng các
quy trình ISO (quy trình tác nghiệp) áp dụng trong toàn
Ngành, tránh chồng chéo với Danh mục TTHC thuộc lĩnh vực hải quan ban hành theo
Quyết định số 2770/QĐ-BTC ngày 25/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Sau khi
hoàn tất việc xây dựng các quy trình sẽ tiến hành công bố Hệ thống quản lý chất
lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 của Tổng cục Hải quan đúng theo yêu cầu tại
Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
- Rà soát Quyết định số 2048/QĐ-TCHQ
ngày 17/6/2013 về việc sửa đổi, bổ sung Bộ khung Hệ thống quản lý chất lượng
theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 ban hành kèm theo Quyết định số 2495/QĐ-TCHQ
ngày 18/11/2011.
- Kiểm tra công tác duy trì triển
khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 tại một số Cục Hải quan
tỉnh, thành phố.
7. Chỉ đạo, điều hành về CCHC
7.1. Ban hành kế hoạch CCHC.
Trên cơ sở Kế hoạch CCHC năm 2017 của
Tổng cục, các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Tổng cục và Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
- Ban hành kế hoạch CCHC năm 2017 trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Kế hoạch CCHC
năm 2017 của Tổng cục được ban hành, trong đó đề ra các công việc cụ thể cần thực
hiện trên từng lĩnh vực CCHC (chỉ đạo điều hành; cải cách thể chế; cải cách
TTHC; cải cách tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng cán bộ công chức; cải cách
tài chính công; hiện đại hóa hành chính).
- Gửi kế hoạch đã được ban hành về Tổng
cục (qua Vụ Pháp chế) để kiểm soát thực hiện.
7.2. Sáng kiến CCHC.
Khuyến khích các đơn vị trong Ngành
nghiên cứu đề xuất, triển khai các sáng kiến về CCHC (có thể là sáng kiến tổng
thể hoặc sáng kiến trên từng lĩnh vực CCHC). Các đơn vị có sáng kiến CCHC được
thực hiện có hiệu quả là một trong những thành tích để xem xét thi đua, khen
thưởng cuối năm.
7.3. Công tác thi đua khen thưởng gắn
với CCHC.
Công tác CCHC có phạm vi rộng, liên
quan đến nhiều lĩnh vực công tác, do đó các đơn vị trong Ngành phải gắn chặt kết
quả, hiệu quả công tác CCHC với việc phát động, thực hiện trong các phong trào
thi đua, bình xét thi đua, khen thưởng định kỳ, đột xuất.
7.4. Kiểm tra công tác CCHC.
7.4.1. Ở cấp Tổng cục.
- Giao Vụ Pháp chế đề xuất kiểm tra
công tác CCHC tại các đơn vị trong Ngành; trực tiếp kiểm tra công tác cải cách
thể chế, cải cách TTHC; tham mưu cho Tổng cục cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra
CCHC năm 2017 của Bộ khi có yêu cầu.
- Các đơn vị đầu mối của Tổng cục
trong từng lĩnh vực CCHC gồm: Vụ Tổ chức cán bộ (cải cách tổ chức bộ máy; nâng
cao chất lượng cán bộ, công chức); Cục Tài vụ - Quản trị (cải cách tài chính
công); Cục Công nghệ thông tin và thống
kê hải quan (hiện đại hóa hành chính); Văn phòng Tổng cục (quản lý chất lượng
theo tiêu chuẩn ISO); Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (đề án vị trí việc
làm; thực hiện chiến lược phát triển ngành); Vụ Thanh tra - Kiểm tra (công tác
thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và nội bộ) chủ động kiểm tra CCHC theo lĩnh vực
được phân công và kế hoạch đã được Tổng cục
phê duyệt.
7.4.2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố
có kế hoạch cụ thể về kiểm tra công tác CCHC của các đơn vị thuộc quyền quản
lý.
7.4.3. Để góp phần giữ vững Chỉ số
CCHC 2017 của Bộ, của Tổng cục, Tổng cục Hải quan yêu cầu thực hiện kiểm tra
trên 30% số đơn vị thuộc diện kiểm tra. Việc kiểm tra CCHC trên nguyên tắc
không làm ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị; tập trung
vào những nội dung trọng tâm (cải cách TTHC; hiện đại hóa hành chính...); hạn
chế trùng lắp địa bàn với các cơ quan kiểm tra khác; kiểm tra phải có kết luận
rõ ràng; theo dõi việc thực hiện kết luận kiểm tra.
7.5. Chấm điểm Chỉ số CCHC.
- Cần nhận thức rõ kết quả thực hiện
CCHC trong năm góp phần vào việc xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 của Tổng cục
trong khối các cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính. Do đó, thủ trưởng các
đơn vị phải chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Tùy thuộc
vào vị trí xếp hạng CCHC năm của Tổng cục, Tổng cục sẽ xem xét rõ nguyên nhân,
có biện pháp xử lý, khắc phục.
- Các đơn vị trong Ngành thực hiện đầy
đủ nhiệm vụ được giao tại Công văn số 6041/TCHQ-PC ngày 01/7/2015 của Tổng cục
về việc triển khai thực hiện Chỉ số CCHC của ngành Hải quan.
7.6. Tuyên truyền công tác CCHC.
Các đơn vị trong Ngành theo lĩnh vực,
nhiệm vụ được phân công cần chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan,
cơ quan báo, đài trong và ngoài Ngành để đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả CCHC
của Ngành cũng như của cơ quan, đơn vị theo nội dung tương ứng nêu tại Kế hoạch
phổ biến, giáo dục pháp luật, Kế hoạch tuyên truyền trên báo, đài năm 2017 của
Tổng cục. Việc tuyên truyền phải được định hướng thống nhất, bảo đảm tính chính
xác.
7.7. Thực hiện chế độ thông tin báo
cáo về kết quả CCHC.
Các đơn vị trong Ngành cần thực hiện
nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo CCHC định kỳ, đột xuất theo chỉ đạo của Tổng cục. Nội dung báo cáo phải đúng đề
cương, văn bản hướng dẫn, có số liệu cụ thể;
báo cáo đúng thời hạn.
Thời hạn gửi báo cáo CCHC về Tổng cục
(qua Vụ Pháp chế) như sau:
- Báo cáo quý I trước ngày 05/3/2017.
- Báo cáo quý II và 6 tháng đầu năm
trước ngày 01/6/2017.
- Báo cáo quý III trước ngày 05/9/2017.
- Báo cáo quý IV và năm 2017 trước
ngày 25/11/2017.
Vụ Pháp chế theo dõi việc thực hiện
chế độ báo cáo CCHC, chất lượng, độ xác thực của báo cáo CCHC của các đơn vị
trong Ngành, tổng hợp báo cáo Tổng cục xem xét.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực
thuộc Tổng cục thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công tại Mục II Kế hoạch và Phụ lục đính kèm Quyết định; phân
công lãnh đạo đơn vị và công chức làm đầu mối trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CCHC tại đơn vị để tổ chức và phối hợp triển
khai các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
Các Cục Hải quan Điện Biên, Thừa
Thiên Huế ngoài thực hiện nhiệm vụ chung nêu trên, có trách nhiệm chuẩn bị nội
dung theo quy định để phục vụ việc kiểm tra công tác CCHC năm 2017 của Bộ tại
đơn vị theo Quyết định số 2789/QĐ-BTC ngày 27/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính phê duyệt Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2017 của Bộ
Tài chính.
2. Báo Hải quan, Cổng Thông tin điện tử Hải quan, Bản tin Nghiên cứu Hải quan và các đơn
vị trong Ngành thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của
Ngành năm 2017.
3. Vụ Pháp chế:
3.1. Theo dõi,
đôn đốc các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục thực hiện các nhiệm vụ được
giao tại Kế hoạch; kịp thời báo cáo Lãnh đạo Tổng cục những vướng mắc, khó khăn
trong quá trình thực hiện, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp đẩy mạnh công
tác CCHC trong toàn Ngành.
3.2. Tham mưu cho Tổng cục việc chấm điểm
Chỉ số CCHC năm; tổng hợp tham mưu báo
cáo định kỳ về công tác CCHC theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Lưu ý: Đính kèm Phụ lục phân công thực hiện nhiệm vụ CCHC 2017.
Quá trình triển khai thực hiện công
tác CCHC, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo về Tổng cục
(qua Vụ Pháp chế) để được hướng dẫn, thống nhất thực hiện. Đầu mối liên hệ: đ/c
Phạm Hữu Tiếp, công chức Vụ Pháp chế, số điện thoại nội bộ 8426, điện thoại di
động 0962.393.450./.