ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
31/2021/QĐ-UBND
|
Hà
Giang, ngày 16 tháng 9 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CỤ THỂ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA
CHI CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRỰC THUỘC SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH HÀ GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP
ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định 107/2020/NĐ-CP
ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức
các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương;
Căn cứ Thông tư số
05/2021/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng
dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân huyện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và
chức năng
1. Chi cục Bảo vệ môi trường là cơ
quan trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu cho
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có
thẩm quyền ban hành, phê duyệt các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự
án, đề án về bảo vệ môi trường tại tỉnh và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm
pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về bảo vệ môi trường do các cơ
quan nhà nước ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và
Môi trường phê duyệt hoặc ban hành.
2. Chi cục Bảo vệ môi trường có tư
cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản; chịu sự chỉ đạo, quản lý và điều hành
của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Điều 2. Nhiệm vụ
và quyền hạn
1. Tham mưu cho Giám đốc Sở:
a) Thẩm định báo cáo đánh giá tác động
môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác
khoáng sản thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của
pháp luật;
b) Tổ chức cấp, điều chỉnh sổ đăng ký
chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật; thực hiện kiểm
tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án; kiểm tra, xác
nhận hoàn thành từng phần cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai
thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp kiểm tra,
xác nhận hoàn thành toàn bộ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai
thác khoáng sản khi tiến hành thủ tục đóng cửa mỏ thuộc thẩm quyền của Ủy ban
nhân dân tỉnh; tổ chức xác nhận việc đăng ký và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi
trường của các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền
theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện hoạt động đăng ký, công nhận, cấp,
thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận về đa dạng sinh học thuộc thẩm quyền
theo quy định của pháp luật; thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn
đa dạng sinh học theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; thẩm định hồ sơ cấp
giấy phép trao đổi, mua, bán, tặng, cho, thuê mẫu vật của loài thuộc Danh mục
loài được ưu tiên bảo vệ; thẩm định hồ sơ cấp giấy phép nuôi trồng loài thuộc
Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
c) Tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn
thải, nguồn ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn
theo quy định của pháp luật, gồm: hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc vận hành
thử nghiệm công trình bảo vệ môi trường; tiếp nhận, xử lý số liệu quan trắc tự
động liên tục đối với nguồn thải, nguồn ô nhiễm; kiểm tra, giám sát hoạt động
quan trắc định kỳ đối với nguồn thải, nguồn ô nhiễm; theo dõi, hướng dẫn, kiểm
tra hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
trên địa bàn quản lý theo quy định;
d) Tổ chức thực hiện quản lý chất thải
rắn sinh hoạt trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động thu hồi, xử lý các sản
phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch
vụ; tham gia, hướng dẫn, kiểm tra việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm
nguyên liệu sản xuất và các hoạt động quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại
khác trên địa bàn thuộc trách nhiệm theo quy định của pháp luật;
đ) Tổ chức điều tra, đánh giá, xây dựng
và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án xử lý ô nhiễm, cải tạo
và phục hồi chất lượng môi trường theo quy định của pháp luật và theo phân công
của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề
trên địa bàn theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật;
e) Tổ chức xây dựng phương án bảo tồn
thiên nhiên và đa dạng sinh học lồng ghép vào quy hoạch tỉnh; tổ chức điều tra,
đánh giá, lập danh mục, dự án thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang
đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng,
cảnh quan sinh thái quan trọng, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; tổ chức biện
pháp bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn nguồn gen
các loài bản địa, loài có giá trị tại địa phương; quản lý, giám sát hoạt động
tiếp cận nguồn gen và tri thức truyền thống gắn với nguồn gen theo quy định của
pháp luật; kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen
và sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen; tổ chức kiểm kê,
quan trắc, lập báo cáo đa dạng sinh học, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về
đa dạng sinh học; tổ chức thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường liên quan đến
đa dạng sinh học cấp tỉnh; lập hồ sơ đề cử công nhận và thực hiện chế độ quản
lý các danh hiệu quốc tế về bảo tồn (khu Ramsar, vườn di sản của ASEAN, khu
Dự trữ sinh quyển thế giới);
g) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; cải tạo phục hồi môi trường sau sự
cố theo quy định của pháp luật;
h) Tổ chức xây dựng, quản lý hệ thống
quan trắc môi trường, thực hiện quan trắc môi trường, thông tin về chất lượng
môi trường, cảnh báo về ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp
luật;
i) Tổ chức xây dựng, quản lý dữ liệu,
thông tin và xây dựng báo cáo về môi trường theo quy định của pháp luật; tham
mưu tổ chức thực hiện các chỉ tiêu thống kê môi trường trong các chiến lược,
quy hoạch, đề án, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh
theo quy định của pháp luật;
k) Tổ chức xác định thiệt hại đối với
môi trường; yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy
thoái gây ra trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
l) Tổ chức thực hiện thu phí bảo vệ
môi trường đối với nước thải công nghiệp, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường
theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Hà
Giang;
m) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên huyện
trên địa bàn tỉnh và công tác khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên theo
quy định của pháp luật;
n) Xây dựng, cập nhật và tổ chức thực
hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, Kế hoạch thực hiện Thỏa
thuận Paris về biến đổi khí hậu của địa phương;
o) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ
trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về biến đổi
khí hậu thuộc phạm vi quản lý;
p) Thực hiện việc lồng ghép nội dung
biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên địa bàn thuộc
phạm vi quản lý;
q) Tổ chức triển khai các hoạt động
thích ứng với biến đổi khí hậu; đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi
ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; xây dựng các giải pháp ứng phó với
biến đổi khí hậu trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý;
x) Tổ chức theo dõi, giám sát, đánh
giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà
kính cấp địa phương thuộc thẩm quyền quản lý;
y) Quản lý hoạt động kinh doanh tín
chỉ các-bon; kiểm soát hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ các
chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính tại địa phương theo
quy định của pháp luật và theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
s) Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập
thông tin, dữ liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia và cập nhật cơ sở
dữ liệu quốc gia;
t) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan hằng năm lập báo cáo về ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn
tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường phục vụ xây dựng báo cáo quốc gia ứng phó
với biến đổi khí hậu;
u) Tham gia thực hiện các cam kết quốc
tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo phân công của Ủy ban nhân dân
tỉnh.
2. Phối hợp với Phòng Tài chính - Kế
hoạch của Sở: Tổng hợp nhu cầu kinh phí sử dụng nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường
hàng năm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố gửi Sở
Tài chính để cân đối trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo dõi, giám sát việc
thực hiện kế hoạch và dự toán ngân sách từ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường
sau khi được phê duyệt theo quy định của pháp luật;
3. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ
khoa học và công nghệ: Chủ trì hoặc tham gia thực hiện các dự án trong nước và
hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
theo phân công của Giám đốc Sở;
4. Quản lý và chịu trách nhiệm về tài
chính, tài sản của Chi cục theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy
quyền của Giám đốc Sở.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do
Giám đốc Sở giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu tổ
chức
1. Cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo vệ
môi trường gồm:
a) Phòng Tổng hợp;
b) Phòng Kiểm soát ô nhiễm.
2. Người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu Chi cục Bảo vệ môi trường: Chi cục Bảo vệ môi trường có Chi cục trưởng
và Phó Chi cục trưởng theo quy định.
3. Biên chế công chức và số lượng người
làm việc:
a) Biên chế công chức, chỉ tiêu số lượng
người làm việc của Chi cục Bảo vệ môi trường được giao trên cơ sở vị trí việc
làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm
công tác bảo vệ môi trường của địa phương và trong tổng biên chế công chức, tổng
chỉ tiêu số lượng người làm việc của tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng
năm theo quy định của pháp luật;
b) Việc tuyển dụng, sử dụng và quản
lý công chức của Chi cục Bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của
pháp luật.
Điều 4. Hiệu lực
thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 28 tháng 9 năm 2021.
2. Bãi bỏ Điều 2, Điều 3 Quyết định số
3668/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập
Chi cục Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang.
Điều 5. Tổ chức
thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ
môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Nội vụ;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy;
- Đảng ủy khối CQ - DN tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh: CVP, PVP, CVNCTH;
- Các sở và cơ quan ngang sở thuộc tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố.
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện kiểm soát nhân dân tỉnh;
- Trung tâm Thông tin - Công báo;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- VNPT ioffice;
- Lưu: VT, NCPC, Sở TN&MT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sơn
|