QUY CHẾ LÀM
VIỆC
(Ban hành kèm theo Quyết định số
31/2006/QĐ-UBND Ngày 20 /7/2006 của UBND tỉnh)
Chương I
CHỨC NĂNG,
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 1. Vị trí, chức năng:
Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh là cơ quan
chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý
nhà nước trên địa bàn tỉnh về thi đua, khen thưởng; thực hiện một số nhiệm vụ,
quyền hạn theo ủy quyền của UBND tỉnh và quy định pháp luật.
Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế
và công tác của UBND tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn
nghiệp vụ của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Hội đồng Thi đua - Khen
thưởng Trung ương.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Trình UBND tỉnh ban hành các quyết định,
chỉ thị về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ban và chịu trách nhiệm về nội
dung các văn bản đã trình.
2. Trình UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua - Khen
thưởng tỉnh và chịu trách nhiệm về nội dung trong việc cụ thể hóa các chủ trương,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng
trên địa bàn tỉnh.
3. Làm nhiệm vụ Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh.
4. Xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung thi đua, khen thưởng cho từng
thời kỳ và từng lĩnh vực nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế
- xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.
5- Trình UBND tỉnh tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước và
thực hiện chính sách khen thưởng trên địa bàn tỉnh.
6. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các ngành, đơn
vị, địa phương và cơ sở thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
7. Giúp UBND tỉnh trong việc sơ kết, tổng kết, phát hiện điển hình, đúc
rút và phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng phong trào thi đua và các điển hình tiên
tiến; kiến nghị đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; xem xét, thẩm định đề
xuất các hình thức khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời và đúng quy định
pháp luật.
8. Tổ chức bồi dưỡng về các chủ trương, chính sách, nâng cao trình độ
chuyên môn nghiệp vụ về thi đua, khen thưởng cho cán bộ, công chức làm công tác
thi đua, khen thưởng.
9. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về chính sách khen thưởng,
tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác thi đua, khen thưởng.
10. Xây dựng và quản lý Quỹ thi đua, khen
thưởng theo quy định pháp luật.
11. Quản lý, cấp phát hiện vật khen thưởng theo phân cấp; thực hiện việc tổ
chức và trao tặng khen thưởng; làm thủ tục cấp đổi hiện vật khen thưởng bị hư
hỏng, thất lạc và xác nhận các hình thức khen thưởng theo quy định pháp luật.
12. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng hệ
thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác thi đua, khen thưởng.
13. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.
Chương II
CHẾ ĐỘ LÀM
VIỆC, TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 3. Nguyên tắc làm việc:
Hoạt động của Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng
và tuân thủ pháp luật của Nhà nước; quyết định của cơ quan Nhà nước cấp trên;
Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh.
Lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh
làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ thủ trưởng; thực hiện quy chế
dân chủ trong hoạt động của cơ quan.
Điều 4. Lãnh đạo Ban:
Lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh gồm Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban.
1. Trưởng Ban:
1.1. Trưởng Ban do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo
tiêu chuẩn chức danh và quy định của Nhà nước về phân cấp quản lý cán bộ.
1.2. Trưởng Ban là người đứng đầu Ban, quản lý điều hành mọi hoạt động của
Ban và việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức thuộc quyền. Trưởng
Ban chịu trách nhiệm toàn diện và báo cáo trước UBND tỉnh, Ban Thi đua - Khen
thưởng Trung ương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; báo cáo công tác
trước HĐND tỉnh khi có yêu cầu.
1.3. Trưởng Ban thực hiện chế độ trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu
cơ quan hành chính Nhà nước theo quy định hiện hành.
1.4. Trưởng Ban thực hiện nhiệm vụ thành viên trong các Ban, Hội đồng do UBND
tỉnh thành lập, liên quan đến lĩnh vực công tác thi đua, khen thưởng.
1.5. Trưởng Ban phân công nhiệm vụ cho các Phó Trưởng Ban và chỉ đạo, kiểm
tra công tác của các Phó Trưởng Ban để đảm bảo sự thống nhất quản lý, thực hiện
tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban.
1.6. Trưởng Ban ủy quyền bằng văn bản cho một Phó Trưởng Ban thay mặt
Trưởng Ban khi đi công tác thời gian dài, để quản lý điều hành công việc chung
của Ban và được ký những văn bản thuộc quyền của Trưởng Ban trong thời hạn được
ủy quyền.
1.7. Trưởng Ban là chủ tài khoản, tổ chức, chỉ đạo, quản lý và chịu trách nhiệm
tài chính, tài sản của Ban theo quy định pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh;
đồng thời ủy quyền bằng văn bản cho một Phó Trưởng Ban ký thay chủ tài khoản
khi cần thiết.
1.8. Trưởng Ban chủ trì các cuộc họp giao ban với các Phó Trưởng Ban và
các Trưởng phòng thuộc Ban để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện công tác đã
qua, bàn thống nhất phương hướng nhiệm vụ tới.
Ngoài chế độ họp định kỳ, Trưởng Ban có thể triệu tập họp bất thường để
giải quyết những công việc cấp bách hoặc mang tính chất chuyên đề khi cần
thiết. Trong mỗi cuộc họp, Trưởng Ban (hoặc Phó Trưởng Ban được ủy nhiệm chủ
trì) phải có ý kiến kết luận và ghi biên bản để tổ chức thực hiện. Ngoài ra
Trưởng Ban còn triệu tập họp sơ kết, tổng kết theo quy định của ngành.
1.9- Trưởng Ban chỉ đạo, tổ chức thực hiện Pháp lệnh cán bộ, công chức;
Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực
hiện quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan và các văn bản quy phạm pháp luật
có liên quan đến cán bộ, công chức đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.
2. Các Phó Trưởng Ban:
2.1. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Trưởng Ban do Chủ tịch UBND tỉnh
quyết định theo tiêu chuẩn chức danh và quy định của Nhà nước về phân cấp quản
lý cán bộ, trên cơ sở đề nghị của Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh và Giám
đốc Sở Nội vụ.
2.2. Phó Trưởng Ban giúp việc cho Trưởng Ban, phụ trách lĩnh vực công tác do
Trưởng Ban phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về nhiệm vụ được
giao.
2.3. Quan hệ giữa các Phó Trưởng Ban là quan hệ phối hợp, thông tin giải
quyết công việc được phân công. Các Phó Trưởng Ban chủ động giải quyết công
việc cụ thể thuộc lĩnh vực phụ trách sau khi có chủ trương thống nhất của lãnh
đạo Ban và xem đó là ý kiến của Trưởng Ban. Phó Trưởng Ban không được xử lý các
công việc ngoài phạm vi lĩnh vực được phân công. Nếu công việc có liên quan đến
lĩnh vực khác thì chủ động trao đổi với Phó Trưởng Ban phụ trách để thống nhất
giải quyết, trường hợp không thống nhất thì báo cáo Trưởng Ban quyết định. Đối
với công việc mới, chưa có chủ trương hoặc vượt quá thẩm quyền thì xin ý kiến
Trưởng Ban hoặc đưa ra cuộc họp lãnh đạo Ban quyết định.
2.4. Phó Trưởng Ban được quyền ký giải quyết những vấn đề đã có chủ trương
chung của lãnh đạo Ban thuộc phạm vi phụ trách. Nếu những vấn đề thuộc lĩnh vực
phụ trách, nhưng vượt quá thẩm quyền ký, thì Phó Trưởng Ban ghi ý kiến của mình
báo cáo Trưởng Ban giải quyết. Khi xét thấy Phó Trưởng Ban ký giải quyết sự việc
không hợp lý thì Trưởng Ban yêu cầu Phó Trưởng Ban điều chỉnh hoặc Trưởng Ban
trực tiếp điều chỉnh.
2.5. Khi được Trưởng Ban ủy quyền điều hành giải quyết công việc của Ban, Phó
Trưởng Ban phải chịu trách nhiệm và báo cáo với Trưởng Ban kết quả công việc
được ủy quyền.
2.6. Phó Trưởng Ban thực hiện nhiệm vụ thành viên các Ban, Hội đồng do
UBND tỉnh thành lập, khi được Trưởng Ban phân công và được sự đống ý của cấp
trên.
2.7. Các Phó Trưởng Ban chịu sự chỉ đạo,
điều hành thống nhất của Trưởng Ban, sử dụng quyền hạn của Trưởng Ban, nhân
danh Trưởng Ban khi giải quyết công việc thuộc lĩnh vực được phân công và chịu
trách nhiệm trước Trưởng ban.
Để tránh trùng lắp và chồng chéo, nâng cao hiệu quả công việc, các Phó
Trưởng Ban báo cáo Trưởng Ban những vấn đề đã xử lý. Đồng thời Trưởng Ban thông
báo những việc đã giải quyết cho Phó Trưởng Ban phụ trách lĩnh vực biết.
Các Phó Trưởng Ban ngoài nhiệm vụ thuộc lĩnh vực do Trưởng Ban phân công, còn
phải tích cực tham gia ý kiến công việc chung của ngành.
3. Khen thưởng, kỷ luật:
Việc khen thưởng, kỷ luật Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban thực hiện theo quy
định pháp luật.
Điều 5. Cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng:
1. Văn phòng Ban (Phòng Hành chính Tổng hợp).
2. Phòng Nghiệp vụ.
Điều 6. Biên chế:
Biên chế của Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh được UBND tỉnh giao hàng năm, phù
hợp với khối lượng công việc, tính chất và đặc điểm cụ thể về công tác thi đua,
khen thưởng của tỉnh. Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh bố trí, sử dụng cán
bộ, công chức của Ban phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và quy định pháp luật.
Cán bộ, công chức của Ban phải đáp ứng các yêu cầu về chức danh, tiêu chuẩn
nghiệp vụ, cơ cấu ngạch công chức Nhà nước quy định; đảm bảo phẩm chất chính
trị, đạo đức, có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc.
Điều 7. Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc Ban:
1. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, biên chế nhân sự và quan hệ làm việc
của Văn phòng Ban, Phòng Nghiệp vụ do Trưởng Ban quy định.
2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh Văn phòng, Phó Văn phòng,
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng trực thuộc Ban thực hiện theo phân cấp quản lý
cán bộ, công chức hiện hành.
3- Chánh Văn phòng, Trưởng phòng trực thuộc Ban chịu sự quản lý, chỉ đạo điều
hành trực tiếp của Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban được phân công phụ trách và
báo cáo kết quả thực hiện theo kế hoạch, nhiệm vụ được giao chính xác, đúng quy
định và chịu trách nhiệm về báo cáo đó.
Chương III
QUAN HỆ
CÔNG TÁC
Điều 8. Quan hệ giữa Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh với Ban Thi đua -
Khen thưởng Trung ương và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương:
1. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên
môn nghiệp vụ và báo cáo tình hình hoạt động tại địa phương cho Ban Thi đua -
Khen thưởng Trung ương và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương theo quy
định.
2. Trưởng Ban tham dự hoặc ủy quyền cho Phó Trưởng Ban tham dự đầy đủ các hội
nghị do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung
ương triệu tập, kịp thời kiến nghị đề xuất các vấn đề bức xúc và có trách nhiệm
triển khai các chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Hội
đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ở địa phương.
3. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh có mối quan hệ hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ
của các cơ quan trực thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và trao đổi kinh
nghiệm với các tỉnh bạn về lĩnh vực thi đua, khen thưởng.
Điều 9. Quan hệ giữa Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh với HĐND, UBND tỉnh:
1. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh về
quản lý Nhà nước lĩnh vực thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh, thực hiện Quy
chế làm việc của UBND tỉnh.
2. Quan hệ giữa Ban Thi đua - Khen thưởng với HĐND tỉnh là quan hệ giữa cơ
quan chịu sự giám sát với cơ quan có thẩm quyền giám sát, thực hiện theo quy
định pháp luật.
Điều 10. Quan hệ giữa Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh với các Sở ngành, Đoàn
thể tỉnh và UBND huyện, thị xã:
1. Phối hợp chặt chẽ và chịu sự hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ
về công tác tổ chức cán bộ của ngành.
2. Phối hợp với các Sở ngành, Đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã để tổ
chức triển khai thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp
luật của Nhà nước về lĩnh vực thi đua, khen thưởng tại địa phương; hướng dẫn,
đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị theo quy định pháp
luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 11. Điều khoản thi hành:
1. Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh chịu trách nhiệm triển khai, tổ chức
thực hiện Quy chế làm việc cho cán bộ, công chức trong ngành.
2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế do UBND
tỉnh xem xét quyết định theo đề nghị của Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh
và Giám đốc Sở Nội vụ./.