ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2966/QĐ-UBND
|
Hà Giang, ngày 29 tháng 12 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TỈNH
HÀ GIANG NĂM 2018
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức;
Căn cứ Quyết định số 1528/QĐ-UBND
ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 2143/QĐ-UBND
ngày 23 tháng 10 năm của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Hà Giang;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành
kèm theo Quyết định này Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
tỉnh Hà Giang năm 2018.
Điều 2. Quyết định
này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực
thuộc tỉnh; Chủ tịch các tổ chức Hội đặc thù cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố; Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh và Thủ trưởng các cơ
quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ (để B/c);
- TTr. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Văn phòng UBND tỉnh: LĐVP(NC), Trưởng phòng NC, KTTH, HC-TC;
- VNPT ioffice;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sơn
|
KẾ HOẠCH
ĐÀO
TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TỈNH HÀ GIANG NĂM 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2966/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất,
đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước và phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Yêu cầu
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn của ngạch công chức, hạng
chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý và nhu cầu xây dựng,
phát triển nguồn nhân lực của từng cơ quan, đơn vị; nội dung, đối tượng, hình
thức đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp, có tính khả thi cao.
- Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đối với
cán bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý;
cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ
dân phố.
- Ưu tiên triển khai các chương trình
hợp tác giữa tỉnh Hà Giang đã ký kết với các cơ quan, đơn vị về phát triển nguồn
nhân lực (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện đào
tạo và nghiên cứu chính sách công Fulbright - Đại học quốc gia Hồ Chí
Minh,...).
- Các cơ sở tham gia đào tạo, bồi dưỡng
phải đủ năng lực và đảm bảo chất lượng theo quy định hiện hành.
- Đảm bảo công khai, minh bạch trong
công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Cán bộ, công chức, viên chức đang
làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội,
cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
2. Cán bộ, công chức cấp xã, những
người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại Nghị định số
92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh số lượng, một số chế độ,
chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt
động không chuyên trách ở cấp xã.
III. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
1. Số lượng,
chất lượng cán bộ, công chức toàn tỉnh (tính đến 30/6/2017) là 6.496 người,
trong đó:
a) Cấp tỉnh: 1.217 người, cụ thể:
- Lý luận chính trị: Cử nhân 24 người
= 2%; Cao cấp 280 người = 23,4%; Trung cấp 274 người = 22,5%; Sơ cấp 46 người =
3,8%.
- Chuyên môn: trên Đại học 160 người
= 13,1%; Đại học 881 người = 72,4%; Cao đẳng 35 người = 2,9%; Trung cấp 82 người
= 6,7%; Sơ cấp 59 người = 4,8%.
- Quản lý nhà nước: Chuyên viên cao cấp
và tương đương 17 người = 1,4%; Chuyên viên chính và tương
đương 175 người = 14,4%; Chuyên viên và tương đương 778 người = 63,9%; Cán sự
và tương đương 165 người = 13,6%; Nhân viên 82 người = 6,7%.
- Ngoại ngữ:
+ Tiếng Anh: Đại học trở lên 91 người
= 7,5%; chứng chỉ A, B, C là 743 người = 61,1%;
+ Ngoại ngữ khác: Đại học trở lên 27
người = 2,2 %; chứng chỉ A, B, C là 3 người = 0,2%.
- Tin học: Trung cấp trở lên 22 người = 1,8%; chứng chỉ 898 người = 73,8%.
b) Cấp huyện: 952 người, cụ thể:
- Lý luận chính trị: Cử nhân, Cao cấp
34 người = 3,6%; Trung cấp 370 người = 38,9%; Sơ cấp 87 người = 9,1%.
- Chuyên môn: Trên đại học 87 người =
9,1%; Đại học 766 người = 80,5%; Cao đẳng 18 người =1,9%; Trung cấp 64 người =
6,7%; Sơ cấp 17 người = 1,8%.
- Quản lý nhà nước: Chuyên viên cao cấp
và tương đương 02 người = 0,02%, Chuyên viên chính và tương đương 44 người = 4,6%;
Chuyên viên và tương đương 717 người = 75,3%; Cán sự, nhân viên và tương đương
153 người = 16,1%
- Ngoại ngữ:
+ Tiếng Anh: Đại học trở lên 38 người
= 4 %; chứng chỉ A, B, C là 549 người = 57,7%;
+ Ngoại ngữ khác: Đại học trở lên 12 người
= 1,3%; chứng chỉ A, B, C là 1 người = 0,1%.
- Tin học: Trung cấp trở lên 25 người
= 2,6%; chứng chỉ 672 người = 70,6%.
c) Cấp xã: 4.327 người, cụ thể:
- Lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp
76 người = 1,8%; Trung cấp 2.627 người = 60,7%; Sơ cấp 630 người = 14,6%; chưa
qua đào tạo 977 người = 23%.
- Chuyên môn: Thạc sĩ 17 người =
0,4%; Đại học 1.952 người = 45,1%; Cao đẳng 213 người = 4,9%; Trung cấp 1.765
người = 40,8 %; Sơ cấp 132 người = 3,1%.
- Quản lý nhà nước: đã được bồi dưỡng
ngạch chuyên viên chính 23 người = 0,5%; ngạch chuyên viên 1.118 người = 25,8%;
ngạch cán sự 427 người = 9,9%; bồi dưỡng 602 người = 14%.
2. Số lượng, chất lượng viên chức
của các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện,
thành phố là 25.188 người, trong đó:
- Lý luận chính trị: Cử nhân và Cao cấp
147 người = 0,6%; Trung cấp 1555 người = 6,2%.
- Chuyên môn: trên đại học 335 người
= 1,3%; Đại học 10.807 người = 42,9%; Cao đẳng: 2978 người = 11,8%; Trung cấp
4868 người = 19,3%; còn lại 429 người = 1,7%.
- Ngoại ngữ:
+ Tiếng Anh: Cao đẳng trở lên 447 người
= 1,8%, chứng chỉ A, B, C là 11.023 người = 43,8%.
+ Ngoại ngữ khác: Cao đẳng trở lên 34
người = 0,1%; chứng chỉ A, B, C là 558 người = 2,2%.
- Tin học: Trung cấp trở lên 369 người
= 1,5%; chứng chỉ 16.739 người = 66,5%.
3. Số lượng người hoạt động không
chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố là 15.521
người, trong đó:
Người hoạt động không chuyên trách cấp
xã là 1.660 người; Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là
13.561 người.
- Trình độ chuyên môn: Đại học 624
người = 4,1%; Cao đẳng 213 người = 1,4%; Trung cấp 1.151 người = 9,7%;
- Trình độ chính trị: Cao cấp = 0;
Trung cấp 816 người = 5,4%; Sơ cấp 4.312 người = 28,3%.
IV. NHU CẦU ĐÀO TẠO,
BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NĂM 2018
1. Nhu cầu đào tạo về trình độ chính
trị, chuyên môn nghiệp vụ (chi tiết tại Biểu số 01).
2. Nhu cầu bồi dưỡng (chi tiết tại
Biểu số 02).
V. KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO,
BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NĂM 2018
1. Về
nội dung đào tạo, bồi dưỡng
1.1. Về đào tạo
a) Đào tạo trình độ lý luận chính trị:
Trang bị trình độ lý luận chính trị
theo tiêu chuẩn quy định cho các chức danh lãnh đạo quản lý, cán bộ, công chức,
viên chức các cấp.
b) Đào tạo trình độ chuyên môn:
- Đào tạo trình độ trung cấp cho người
hoạt động không chuyên trách cấp xã.
- Đào tạo trình độ cao đẳng, đại học
cho cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với từng chức danh đảm nhiệm.
- Đào tạo trình độ đại học cho cán bộ,
công chức cấp tỉnh, huyện trong trường hợp chưa đạt chuẩn trình độ chuyên môn
nghiệp vụ theo tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
- Đào tạo trình độ sau đại học cho
cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhiệm
và chức danh quy hoạch và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của
tỉnh.
- Cử cán bộ, công chức, viên chức đủ
điều kiện, tiêu chuẩn đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài theo các chương trình
học bổng và Đề án đào tạo của Bộ, ngành; Chương trình hợp tác với Quảng Tây
(Trung Quốc),... trong đó ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế,
nông nghiệp, thủy lợi, quản lý hành chính công, dịch vụ công, xây dựng.
1.2. Về bồi dưỡng
a) Bồi dưỡng lý luận chính trị.
b) Bồi dưỡng trong nước gồm:
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản
lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh công chức; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; cập nhật kiến thức, kỹ năng,
phương pháp quản lý chuyên ngành, kiến thức pháp luật, văn hóa công sở, đạo đức
nghề nghiệp...
- Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an
ninh theo các chương trình quy định cho cán bộ, công chức, viên chức.
- Cập nhật và nâng cao kiến thức,
năng lực hội nhập quốc tế.
- Bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại
ngữ theo tiêu chuẩn quy định; bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức,
viên chức công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
c) Bồi dưỡng ở nước ngoài: cử cán bộ,
công chức, viên chức đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngắn hạn ở nước ngoài về
các lĩnh vực: quản lý, điều hành các chương trình kinh tế - xã hội; quản lý
hành chính công, dịch vụ công; kiến thức hội nhập quốc tế; quản lý nhà nước
chuyên ngành, lĩnh vực; xây dựng tổ chức và phát triển nguồn nhân lực, quản lý
đô thị, giao thông, tài chính ngân sách...
1.3. Học tập kinh nghiệm: cử cán bộ, công chức, viên chức đi học tập kinh
nghiệm tại các tỉnh, thành phố về một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục, nông
nghiệp, quản lý hành chính công, cải cách hành chính...
2. Kế hoạch thực hiện (chi tiết tại Biểu số 03 kèm theo)
2.1. Đào tạo lý luận chính trị: Hệ cử nhân, cao cấp: 90
người; hệ Trung cấp: 545 người; hệ Sơ cấp: 120 người.
2.2. Đào tạo trình độ chuyên
môn:
- Trên đại học: 283 người.
- Đại học: 757 người; Cao đẳng 206
người.
2.3. Bồi dưỡng: tổ chức các khóa bồi dưỡng tập huấn cho khoảng 11.828 lượt người.
3. Kinh phí thực hiện (chi tiết tại Biểu số 04 kèm theo)
Kinh phí thực hiện kế hoạch được bố
trí từ ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập: dự kiến là 11.933.700.000đ
(Mười một tỷ chín trăm ba mươi ba triệu, bảy trăm nghìn đồng)
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nội vụ
- Chịu trách nhiệm cụ thể hóa các nội
dung đào tạo, bồi dưỡng của Kế hoạch này; chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện theo đúng các quy
định hiện hành, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
- Tham mưu lựa chọn các cơ sở đào tạo,
bồi dưỡng có đủ năng lực, đảm bảo chất lượng và được phân cấp, giao quyền trong
tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để phối hợp tổ chức thực hiện
đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức theo Kế hoạch này.
- Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ
chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ được quy hoạch
nguồn, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy.
- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát và tổng
hợp, báo cáo kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo quy định; kịp thời tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung khi có phát sinh.
- Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí
đào tạo, bồi dưỡng được giao theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo đúng mục
đích, tiết kiệm, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh kinh phí
chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng ngoài dự toán, Sở Nội vụ phối hợp với Sở
Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
- Chủ trì thẩm định đề xuất mở lớp và
đối tượng cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp liên kết đào tạo hệ vừa
làm vừa học.
2. Đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy: phối hợp với Sở Nội vụ trong tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ, công chức, viên chức của các cơ quan khối Đảng, Đoàn thể, cán bộ lãnh đạo
quản lý, cán bộ được quy hoạch nguồn, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số
theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy.
3. Trách nhiệm của các sở, ban,
ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
- Chủ động phối hợp với Sở Nội vụ triển
khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo Kế
hoạch này.
- Lựa chọn, cử đúng
đối tượng và bảo đảm cơ cấu phù hợp về nữ, người dân tộc thiểu số tham gia các
khóa đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đã đăng ký.
- Tạo điều kiện để cán bộ, công chức,
viên chức tham gia hoàn thành các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng theo thông báo
chiêu sinh của Sở Nội vụ; tổ chức đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác đối với
cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
- Phối hợp quản lý cán bộ, công chức,
viên chức trong việc chấp hành các quy định về học tập khi tham gia đào tạo, bồi
dưỡng. Có hình thức kiểm điểm và đưa vào nội dung đánh giá, phân loại cuối năm
đối với trường hợp tự ý bỏ học, vi phạm quy chế đào tạo, bồi dưỡng; xem xét, áp
dụng hình thức bồi hoàn, bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
- Cử cán bộ, công chức, viên chức
tham gia đào tạo trình độ đại học, sau đại học ở trong nước, đi đào tạo, bồi dưỡng
ở nước ngoài đảm bảo theo đúng quy định của cấp có thẩm quyền, đảm bảo đáp ứng
yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực lâu dài, đáp ứng tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm; có kế
hoạch tiếp nhận và phân công công tác sau khi tốt nghiệp đảm bảo đúng với
chuyên môn được đào tạo.
- Quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ,
công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý có trình độ lý luận và kinh nghiệm thực
tiễn tham gia giảng dạy.
- Đề xuất việc biên soạn các chương
trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên
ngành cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
- Báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng
hàng năm và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng năm tiếp theo về Sở Nội vụ trước ngày
30/11/2018 để tổng hợp, báo cáo và xây dựng Kế hoạch cho năm tiếp theo.
4. Trách nhiệm của Sở Tài chính
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có
liên quan cân đối ngân sách, bố trí kinh phí để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
- Hướng dẫn, quản lý sử dụng nguồn
kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức từ ngân sách nhà nước,
các nguồn tài trợ của cơ quan, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật.
- Tham mưu cấp kinh phí về Sở Nội vụ
để thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh
năm 2018 theo quy định.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp Sở Nội vụ tổ chức các lớp
đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại
các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
6. Sở Ngoại vụ
- Phối hợp với Sở Nội vụ và cơ quan,
đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai kế hoạch và các văn bản hướng dẫn
của Bộ Ngoại giao về đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực đội
ngũ công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với công an tỉnh, các cơ
quan bảo vệ chính trị nội bộ trong việc giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh; theo
dõi, phối hợp quản lý các đối tượng cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
7. Trường Chính trị tỉnh và các cơ
sở đào tạo, bồi dưỡng
Khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổ
chức đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm:
- Thực hiện đúng các quy định về nội
dung, phương pháp, thời gian thảo luận, thực hành; tổ chức biên soạn, ban hành
các loại chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo đúng thẩm quyền. Đối với
đào tạo hoặc liên kết đào tạo trình độ chuyên môn phải đảm bảo thực hiện theo
đúng quy định của cấp có thẩm quyền.
- Tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng
đội ngũ giảng viên, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên thỉnh giảng;
khuyến khích tăng cường bố trí cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý
các cấp có kinh nghiệm thực tiễn và am hiểu sâu, rộng về ngành, lĩnh vực tham
gia giảng dạy.
- Tổ chức lớp học, quản lý người học,
đánh giá và cấp văn bằng, chứng chỉ theo đúng quy định; báo cáo kết quả thực hiện
về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nội vụ theo quy định.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu
có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
(qua Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo đề xuất), để chỉ đạo giải quyết theo quy định