ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
29/2013/QĐ-UBND
|
Vĩnh Yên, ngày 28
tháng 11 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các
Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày
06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013
của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công
trình xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ
trình số 2511/TTr-SXD ngày 05/11/2013 và Báo cáo thẩm định dự thảo văn bản quy
phạm pháp luật của Sở Tư pháp số 110/BC-STP ngày 04 tháng 11 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản “ Quy định trách nhiệm
của các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên
địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc “.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các Sở, ban,
ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn và các
tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Phùng Quang Hùng
|
QUY ĐỊNH
VỀ
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH
XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo quyết định số 29/2013/QĐ-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2013 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
1. Quy định này quy định trách nhiệm của các cơ
quan quản lý nhà nước về xây dựng trong công tác quản lý chất lượng công trình
xây dựng được đầu tư bằng mọi nguồn vốn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Thông
tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng (sau đây gọi tắt là
Thông tư 10/2013/TT-BXD) và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của
Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 15/2013/NĐ-CP).
2. Các nội dung khác có liên quan không nêu tại quy
định này được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
1. Quy định này áp dụng đối với các Sở, ban, ngành
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau
đây gọi là UBND cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau
đây gọi là UBND cấp xã); chủ đầu tư, nhà đầu tư, các nhà thầu trong nước và
nước ngoài, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác quản lý chất lượng
công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc
lĩnh vực quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công
an,
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Trách nhiệm quản lý nhà
nước về chất lượng công trình xây dựng.
1. Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thống
nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn; có trách
nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Điều 41 và Khoản
1 Điều 45 Nghị định 15/2013/NĐ-CP ;
2. Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành gồm:
Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải và Sở Nông nghiệp & PTNT có trách nhiệm
quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 41
và Khoản 2 Điều 45 Nghị định 15/2013/NĐ-CP ;
3. UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý chất lượng
công trình xây dựng theo quy định tại Khoản 3 Điều 45 Nghị định 15/2013/NĐ-CP ;
4. Ban Quản lý các khu công nghiệp chịu trách nhiệm
quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các khu công nghiệp tập trung.
Điều 4. Kiểm tra công tác nghiệm
thu đưa công trình vào sử dụng.
1. Các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng kiểm
tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với các công trình theo quy định tại
Điều 32 Nghị định 15/2013/NĐ-CP ;
2. Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra được thực
hiện theo các quy định tại Điều 24 Thông tư 10/2013/TT-BXD ;
Điều 5. Phân công trách nhiệm
kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
1. Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ
đầu tư đối với các công trình quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 25 Thông tư
10/2013/TT-BXD trừ các công trình quy định tại Khoản 5 Điều này;
2. Sở Công thương kiểm tra công tác nghiệm thu của
chủ đầu tư đối với các công trình quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 25 Thông tư
10/2013/TT-BXD trừ các công trình quy định tại Khoản 5 Điều này;
3. Sở Giao thông vận tải kiểm tra công tác nghiệm
thu của chủ đầu tư đối với các công trình quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều 25
Thông tư 10/2013/TT-BXD trừ các công trình quy định tại Khoản 5 Điều này;
4. Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra công tác nghiệm
thu của chủ đầu tư đối với các công trình quy định tại Điểm d Khoản 6 Điều 25
Thông tư 10/2013/TT-BXD ;
5. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh kiểm tra
công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với các công trình cấp III, cấp IV nằm
trong các khu công nghiệp tập trung thuộc thẩm quyền kiểm tra của Sở Xây dựng,
Sở Công thương và Sở Giao thông vận tải; Trong quá trình kiểm tra phải phối hợp
với Sở Xây dựng hoặc các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành;
6. Giao Sở Xây dựng và các Sở quản lý công trình xây
dựng chuyên ngành ủy quyền (bằng văn bản cụ thể) việc kiểm tra công tác nghiệm
thu đưa công trình vào sử dụng đối với một số công trình cấp III, cấp IV thuộc
thẩm quyền kiểm tra cho UBND cấp huyện thực hiện.
Điều 6. Phối hợp kiểm tra công
tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
Các cơ quan chuyên môn về xây dựng được quy định tại
Điều 5 Quy định này có trách nhiệm phối hợp trong việc kiểm tra công tác nghiệm
thu của chủ đầu tư đối với các công trình xây dựng được quy định tại Khoản 7 Điều
25 Thông tư 10/2013/TT-BXD .
Điều 7. Kiểm tra định kỳ, đột
xuất của cơ quan nhà nước về xây dựng.
1. Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng
chuyên ngành và UBND cấp huyện lập kế hoạch và kiểm tra định kỳ, đột xuất theo
các quy định tại Điều 45 Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Điều 32 Thông tư
10/2013/TT-BXD ;
2. Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành,
UBND cấp huyện có trách nhiệm gửi kế hoạch kiểm tra định kỳ về Sở Xây dựng trước
ngày 10 tháng 12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
Điều 8. Báo cáo về tình hình chất
lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu
cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng tình hình chất lượng và quản lý chất lượng
công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh trước ngày 15 tháng 12 hàng năm và báo
cáo đột xuất khi có yêu cầu theo mẫu quy định tại Phụ lục 06 Thông tư
10/2013/TT-BXD ;
2. Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và
UBND cấp huyện báo cáo UBND tỉnh định kỳ, đột xuất về tình hình chất lượng và
quản lý chất lượng công trình xây dựng, đồng thời gửi báo cáo về Sở Xây dựng
trước ngày 10 tháng 12 hàng năm để tổng hợp.
Điều 9. Báo cáo của chủ đầu tư
cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.
1. Đối với các công trình phải được cơ quan quản lý
nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào sử dụng theo
quy định tại Điều 32 Nghị định 15/2013/NĐ-CP , chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo
các cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp tại Điều 5 Quy định này các nội
dung ngay sau khi khởi công và hoàn thành công trình theo quy định tại Điều 24
và Điều 30 Thông tư 10/2013/TT-BXD để kiểm tra theo quy định;
2. Chủ đầu tư, chủ sử dụng công trình có trách nhiệm
báo cáo đột xuất hoặc khi công trình xảy ra sự cố cho cơ quan quản lý nhà nước
về xây dựng theo quy định tại Điều 30 Thông tư 10/2013/TT-BXD .
Điều 10. Xử lý vi phạm về quản
lý chất lượng công trình xây dựng.
Đối với các vi phạm của các chủ thể tham gia hoạt động
xây dựng được phát hiện trong quá kiểm tra theo quy định tại Điều 24 và Điều 32
Thông tư 10/2013/TT-BXD:
1. Giao Thanh tra Sở Xây dựng xử lý theo các quy định
của pháp luật và thông báo kết quả xử lý về UBND tỉnh, Sở Xây dựng và các cơ
quan nhà nước liên quan;
2. Các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo
phân cấp có trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định tại Điều 34 Thông tư
10/2013/TT-BXD ;
Điều 11. Tạm dừng thi công xây
dựng công trình.
Giám đốc các Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây
dựng chuyên ngành quyết định tạm dừng thi công công trình; tổ chức triển khai
các nội dung cần thiết trước khi quyết định cho phép tiếp tục thi công theo quy
định tại Khoản 2 Điều 46 Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 34 Thông tư số
10/2013/TT-BXD .
Điều 12. Giải quyết sự cố công
trình.
1. Sự cố công trình và phân cấp sự cố công trình được
quy định cụ thể tại Điều 36 Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Điều 31 Thông tư
10/2013/TT-BXD ;
2. Các nội dung liên quan đến việc giải quyết, khắc
phục sự cố công trình được thực hiện theo quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều
39, Điều 40 Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Điều 31 Thông tư 10/2013/TT-BXD ;
3. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở quản
lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức giám định nguyên nhân đối với các sự
cố công trình cấp II, cấp III trên địa bàn tỉnh đối với các công trình thuộc thẩm
quyền quản lý; phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên
ngành tổ chức giám định các công trình trên địa bàn khi được yêu cầu.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Quy định về chuyển tiếp.
Các quy định về xử lý chuyển tiếp được thực hiện theo
Điều 35 Thông tư 10/2013/TT-BXD .
Điều 14. Tổ chức thực hiện.
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; UBND các huyện,
thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân liên
quan có trách nhiệm tổ chức triển khai các nội dung của quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu cơ quan nhà nước
cấp trên ban hành các văn bản có quy định khác liên quan đến nội dung quy định
này thì thực hiện theo văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Trường hợp có khó
khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh thông qua Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND
tỉnh xem xét, quyết định./.