QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CHO CÁC ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN LIÊN QUAN ĐỂ THỰC HIỆN QUYẾT
ĐỊNH SỐ 1341/QĐ-TTG NGÀY 12/8/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY
TRÌNH VẬN HÀNH LIÊN HỒ CHỨA TRÊN LƯU VỰC SÔNG MÃ TRONG MÙA LŨ HÀNG NĂM
CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của
Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống
thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 12/8/2014 của
Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu
vực sông Mã trong mùa lũ hàng năm;
Xét đề nghị của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Tờ trình số 47/TTr-PCTT&TKCN ngày 13/7/2015
về việc phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, cá nhân liên quan để thực hiện Quyết
định số 1341/QĐ-TTg ngày 12/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy
trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã trong mùa lũ hàng năm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, cá nhân liên quan để thực
hiện Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 12/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc
ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã trong mùa lũ hàng
năm (sau đây gọi tắt là Quy trình vận hành liên hồ).
Điều 2. Tổ chức thực hiện.
1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
a) Chỉ đạo Văn phòng Thường trực Chỉ
huy phòng, chống thiên tai tỉnh thực hiện tốt các nội dung được giao, thống nhất
phương án vận hành trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy
phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh ra lệnh vận hành. Theo dõi các
nội dung chuyên môn, các điều kiện đảm bảo phục vụ cho việc tham mưu vận hành
tại Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh trước mắt và lâu
dài.
b) Chỉ đạo việc đảm bảo an toàn cho
công trình đê điều và các công trình thủy lợi có liên quan.
2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý tài
nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hướng dẫn nghiệp vụ, thanh
tra, kiểm tra việc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ.
3. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền
thông:
Chỉ đạo các Doanh nghiệp viễn thông
trên địa bàn tỉnh đảm bảo tốt thông tin liên lạc trong mọi tình huống phục vụ công
tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Quy trình vận hành liên hồ.
4. Giám đốc Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Thường
trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh lập dự toán ngân sách chi hàng năm
phục vụ việc tổ chức triển khai thực hiện Quy trình vận hành liên hồ theo quy
định của pháp luật về ngân sách nhà nước, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức
thực hiện theo quy định.
5. Chánh
Văn phòng Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh:
a) Tổ chức
thường trực, theo dõi chặt chẽ, kịp thời về diễn biến mưa trên các lưu vực sông,
về diễn biến lũ trên các sông và mực nước, lưu lượng đến, lưu lượng xả của các
hồ Hủa Na, Cửa Đạt và các bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn
Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ để tham mưu cho Trưởng
ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh quyết định việc vận
hành các hồ Hủa Na và Cửa Đạt theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ.
b) Tham mưu kịp thời cho Chủ tịch UBND
tỉnh quyết định việc vận hành các hồ Hủa Na và Cửa Đạt trong tình huống xảy ra
lũ, lụt bất thường ở hạ du.
c) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện
lệnh vận hành hồ. Tham mưu chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với lũ, lụt
và xử lý các tình huống đảm bảo an toàn dân cư ở hạ du khi các hồ xả nước, hạn
chế thiệt hại.
d) Khi có lệnh vận hành của Trưởng ban
Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, phải thông báo ngay
tới Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống
thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn cấp huyện trên địa bàn có khả năng bị lũ, lụt
do vận hành hồ; đồng thời thông báo cho Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc
Trung bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương
và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
e) Trong trường
hợp xảy ra sự cố bất thường, phải báo cáo Chủ tịch UBND
các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Bộ Công thương
để kịp thời chỉ đạo biện pháp xử lý, đồng thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống thiên tai để chỉ đạo, điều phối công tác phòng, chống lũ, lụt.
f) Tổng hợp thiệt hại và các vấn đề
phát sinh trong quá trình xả lũ, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tác
động tiêu cực của việc xả lũ, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống
thiên tai và các Bộ, ngành Trung ương liên quan.
g) Lập tổ chuyên gia thường trực tại
Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh trong thời gian từ
ngày 01/7 đến ngày 30/11 hàng năm để tham mưu giúp việc cho Chánh Văn phòng trong
việc tổ chức triển khai thực hiện Quy trình vận hành liên hồ.
h) Chịu trách nhiệm do việc tham mưu
lệnh vận hành không đúng với Quy trình vận hành liên hồ, trừ trường hợp đặc biệt
thực hiện theo sự chỉ đạo của người có thẩm quyền.
6. Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu
vực Bắc Trung bộ:
Thực hiện
chế độ quan trắc, dự báo theo quy định tại điểm b, Khoản 1 và điểm b, Khoản 2, Điều 18 và cung cấp thông tin, báo cáo theo quy định tại
điểm b, Khoản 1 và điểm b, Khoản 2, Điều 19 của Quy trình vận hành liên hồ.
7. Tổng Giám đốc
Công ty TNHH một thành viên sông Chu
và Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na:
a) Khi vận hành chống lũ cho hạ du,
thực hiện nguyên tắc quy định tại Khoản 2, Điều 4 của Quy trình vận hành liên hồ
để tránh gây lũ nhân tạo đột ngột cho hạ du.
b) Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm
về vận hành, quan trắc, cảnh báo, cung cấp số liệu... theo quy định tại Điều 16
của Quy trình vận hành liên hồ.
c) Thực hiện trách nhiệm về an toàn
các công trình theo quy định tại các Khoản 2, 3, 5, 6, Điều 17 của Quy trình vận
hành liên hồ.
d) Khi thực hiện lệnh vận hành các cửa
xả, ngoài việc phải thông báo tới các cơ quan, đơn vị theo quy định tại Khoản
2, Điều 17, phải thông báo tới Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn các huyện có khả năng bị lũ, lụt do vận hành hồ để triển khai biện
pháp ứng phó.
e) Bố trí phòng làm việc, các phương
tiện liên lạc để Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
lên làm việc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện vận hành khi cần thiết.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh,
Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn:
a) Tổ chức thông tin, tuyên truyền,
giải thích công khai Quy trình vận hành liên hồ trên các phương tiện thông tin đại
chúng, hệ thống truyền thanh ở địa phương để các cơ quan và nhân dân trên địa
bàn hiểu, chủ động phòng ngừa, ứng phó, hạn chế thiệt hại do lũ, lụt.
b) Đưa tin kịp thời các Quyết định lệnh
vận hành hồ chứa, phản ánh kịp thời các hoạt động trong quá trình thực hiện Quy
trình vận hành liên hồ.
9. Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa,
Quảng Xương, thị xã Sầm Sơn, thành phố Thanh Hóa:
a) Khi nhận được thông báo lệnh vận
hành từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Trưởng ban
Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân,
Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Sầm Sơn, thành phố Thanh Hóa phải
thông báo ngay đến Chủ tịch UBND cấp xã khu
vực hạ du bị ảnh hưởng, đồng thời chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó phù
hợp, hạn chế thiệt hại do lũ, lụt gây ra. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm
tổ chức thông báo để nhân dân biết và triển khai các biện pháp ứng phó.
b) Xây dựng Phương án sơ tán dân vùng
có nguy cơ bị ngập lụt do xả lũ.
c) Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân
vùng hạ du thuộc địa bàn do địa phương quản lý biết để tăng cường nhận thức,
chủ động phòng tránh.
d) Báo
cáo kịp thời các thiệt hại và phát sinh trong quá trình xả lũ và đề xuất các giải
pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của xả lũ về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng,
chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh qua Văn phòng Thường trực Chỉ huy
phòng, chống thiên tai và Văn phòng Thường trực Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
10. Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành
cấp tỉnh và các đơn vị liên quan,
căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh
tổ chức thực hiện tốt các quy định của Quy trình vận hành liên hồ và Quyết định
này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp
tỉnh; Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh;
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên sông Chu, Giám đốc Công ty cổ phần
Thủy điện Hủa Na; Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ; Trưởng
ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Thường Xuân,
Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Sầm Sơn, thành phố Thanh
Hóa và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.