BỘ Y TẾ
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
2890/QĐ-BYT
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN THIẾT LẬP BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định
số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh- Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn thiết lập bệnh
viện dã chiến phòng chống đại dịch cúm”.
Điều 2. “Hướng dẫn
thiết lập bệnh viện dã chiến phòng chống đại dịch cúm” áp dụng cho tất cả các địa
phương thực hiện phòng chống đại dịch cúm.
Điều 3. Quyết định
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 4. Các ông, bà:
Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng các vụ, Cục trưởng các cục
thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế;
Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng y tế các
ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Quốc Triệu
|
HƯỚNG DẪN
THIẾT LẬP BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH
CÚM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2890/QĐ-BYT ngày 12 tháng 8 năm 2009 của Bộ
trưởng Bộ Y tế)
Khi đại dịch cúm xảy
ra và lây lan trong cộng đồng, dịch cúm có nguy cơ lây lan cho nhiều người, nhiều
trường hợp phải nhập viện điều trị sẽ dẫn đến quá tải. Để hạn chế dịch cúm lây
lan trong cộng đồng và triển khai thu dung, cách ly, điều trị tại chỗ, tránh
quá tải cho bệnh viện trên địa bàn, thực hiện chiến lược cách ly và điều trị tại
chỗ, ngành y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương nơi xảy ra
dịch cúm phải thiết lập bệnh viện dã chiến tuỳ theo tình hình cụ thể.
Bệnh viện dã chiến
cấp I: Được thiết lập nếu dịch cúm xảy ra trong trường học, nhà máy, xí nghiệp,
công sở và những cơ sở tập trung đông người. Bệnh viện dã chiến cấp I do ngành
y tế phối hợp với cơ sở đó triển khai.
Bệnh viện dã chiến
cấp II: Khi số người mắc lớn, vi rút cúm có khả năng biến thể, có nguy cơ gây tử
vong, một số trường hợp có biến chứng nặng phải nhập viện gây ra tình trạng quá
tải. Để hạn chế di chuyển người bệnh từ vùng dịch đến vùng chưa có dịch, bệnh
viện dã chiến cấp II được thiết lập để thu dung, sàng lọc, cấp cứu, cách ly, điều
trị người mắc cúm. Việc thiết lập bệnh viện dã chiến cấp II đòi hỏi sự tham gia
của các ban, ngành có liên quan, trong đó y tế (quân và dân y) đóng vai trò chủ
đạo.
A. THIẾT LẬP BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN CẤP I:
I. MỤC ĐÍCH:
Cách ly một nhóm
người nhiễm cúm và nghi nhiễm cúm có tiếp xúc gần nhằm theo dõi, điều trị tại
chỗ, hạn chế lây lan cúm đại dịch ra cộng đồng.
Việc thiết lập cơ
sở cách ly điều trị tại chỗ áp dụng đối với trường học, nhà máy, xí nghiệp,
công sở, đơn vị quân đội v.v… có các trường hợp nhiễm cúm đại dịch.
II. TIÊU CHÍ THIẾT LẬP BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN CẤP I
Có ít nhất 20 người mắc cúm,
nghi ngờ mắc cúm đại dịch hoặc tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc cúm
trong cơ sở tập trung đông người.
III. QUY
TRÌNH THIẾT LẬP VÀ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN CẤP I
1. Thẩm quyền ra quyết định
thành lập
Giám đốc Sở Y tế trình Lãnh đạo UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo
phòng chống đại dịch cúm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là Lãnh đạo UBND Tỉnh ) ra quyết định thành lập.
Lãnh đạo
UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm
cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thiết lập bệnh viện dã
chiến cấp I. Bệnh viện dã chiến cấp I được thiết lập trong vòng 24 giờ từ khi
có quyết định.
2. Trách nhiệm tổ chức và triển
khai thiết lập bệnh viện dã chiến cấp I.
Bệnh viện quận, huyện trên địa
bàn phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng/Trung tâm y tế tuyến quận, huyện và thủ
trưởng cơ sở nơi xảy ra dịch chịu trách nhiệm thiết lập bệnh viện dã chiến cấp
I.
Lãnh đạo
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổnhiệm Giám đốc và các phó giám đốc
để điều hành các hoạt động của bệnh viện dã chiến cấp I.
3. Phân công
trách nhiệm:
a) Giám đốc
bệnh viện dã chiến cấp I
Chịu trách nhiệm
về toàn bộ các hoạt động chuyên môn của bệnh viện dã chiến cấp I
b) Giám đốc
bệnh viện quận, huyện trên địa bàn
Chịu trách nhiệm
cử cán bộ y tế, huy động trang thiết bị, vật tư, thuốc để tổ chức khám sàng lọc
và cách ly người mắc, nghi ngờ mắc và những người tiếp xúc gần, tổ chức điều trị
cho những trường hợp mắc và nghi ngờ, theo dõi lâm sàng các trường hợp tiếp xúc
gần.
c) Giám đốc
Trung tâm y tế dự phòng/trung tâm y tế quận, huyện trên địa bàn
Chịu trách nhiệm
cử cán bộ chuyên môn phối hợp triển khai các khu vực cách ly, thực hiện các biện
pháp khoanh vùng ổ dịch, vệ sinh và khử khuẩn môi trường tại bệnh viện dã chiến
cấp I, cung ứng phương tiện bảo hộ cá nhân cho nhân viên y tế, cung ứng khẩu
trang y tế cho người bệnh, người nghi ngờ và người tiếp xúc.
d) Thủ
trưởng cơ sở (hiệu trưởng trường học, giám đốc nhà máy, xí nghiệp, thủ trưởng
đơn vị v.v…) nơi xảy ra dịch cúm:
- Chịu trách
nhiệm về hậu cần cho những người phải cách ly và điều trị tại bệnh viện dã chiến
cấp I. Sử dụng cơ sở vật chất, phương tiện sẵn có của cơ sở mình để triển khai,
cung ứng hậu cần.
- Phối hợp với
ngành y tế trong việc cung cấp thông tin, truyền thông và thực hiện công tác
tâm lý, xã hội đối với người được cách ly và người nhà, tránh hoang mang và tạo
sự hợp tác của người được cách ly, điều trị tại bệnh viện dã chiến.
- Khi cần thiết,
yêu cầu sự hỗ trợ của cơ quan quản lý cấp trên và Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch
cúm của tỉnh, thành phố trong công tác hậu cần của Bệnh viện dã chiến.
4. Cơ chế hoạt
động của bệnh viện dã chiến cấp I
a) Khám, sàng lọc và chăm
sóc y tế
- Khám, sàng lọc và điều trị cho
những người mắc, nghi ngờ mắc cúm đại dịch cho những trường hợp nhẹ, không có
biến chứng theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
- Chuyển những trường hợp nặng
hoặc có biến chứng cần can thiệp vào bệnh viện trên địa bàn hoặc bệnh viện tuyến
trên để theo dõi và điều trị tiếp.
- Theo dõi sức khoẻ hàng ngày đối
với người tiếp xúc gần, phát hiện kịp thời các trường hợp có triệu chứng để
cách ly và điều trị riêng.
b) Bố trí các khu vực cách
ly:
Bố trí khu vực riêng cho những
người mắc cúm đại dịch đã xác định, những người nghi ngờ và những người tiếp
xúc gần. Khu vực cách ly được bố trí tuân thủ các nguyên tắc phòng ngừa lây nhiễm.
c) Bảo đảm
công tác hậu cần:
Phục vụ ăn uống
và các điều kiện vệ sinh, sinh hoạt cá nhân cho những người được cách ly tuỳ
theo điều kiện và khả năng của cơ sở đó, bảo đảm các điều kiện tối thiểu.
d) Công tác thông tin,
truyền thông và các hoạt động hỗ trợ tâm lý, xã hội:
- Ngành y tế chịu trách nhiệm hướng
dẫn, giải thích cho người được cách ly và thân nhân về mục đích và lý do thiết
lập cơ sở cách ly và điều trị tại chỗ để người được cách ly và thân nhân hiểu
và hợp tác thực hiện.
- Ngành y tế hướng dẫn các biện
pháp phòng lây nhiễm cho người được cách ly: mang khẩu trang, rửa tay, vệ sinh
hô hấp, vệ sinh cá nhân.
- Thủ trưởng cơ sở phối hợp với
ngành y tế và các cơ quan truyền thông có trách nhiệm thông tin kịp thời và động
viên người được cách ly, thân nhân của họ hiểu và hợp tác, nghiêm túc thực hiện
đúng quy trình cách ly. Thông tin kịp thời và giải quyết các yêu cầu của người
được cách ly và thân nhân họ theo đúng nguyên tắc phòng chống dịch. Hỗ trợ tâm
lý cho người được cách ly và thân nhân họ, tránh tâm lý hoang mang hoặc bất hợp
tác.
e) Công tác
an ninh, trật tự:
Thủ trưởng cơ sở
chủ động phối hợp với cơ quan an ninh, trật tự của địa phương bảo đảm công tác
an ninh, trật tự, kiểm soát chặt chẽ ra vào tại cơ sở cách ly và điều trị tại
chỗ. .
5. Bố trí nhân
lực và trang thiết bị cho bệnh viện dã chiến cấp I
a) Nhân lực:
Tuỳ theo số lượng
người được cách ly để bố trí nhân lực hợp lý.
- Bộ phận khám
sàng lọc: bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện trên địa bàn được phân công.
- Bộ phận vệ sinh
và xử lý môi trường, triển khai các khu vực cách ly và cung ứng phương tiện
phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế và cung ứng khẩu trang cho người được cách
ly do trung tâm y tế dự phòng địa phương chịu trách nhiệm phân công.
b) Trang thiết
bị, phương tiện, vật tư, hoá chất, thuốc:
- Các trang thiết
bị dụng cụ khám bệnh cơ bản: nhiệt kế, ống nghe, máy đo huyết áp, bộ dụng cụ
khám v.v…
- Phương tiện
phòng hộ cá nhân, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay nhanh có chứa cồn.
- Phương tiện lấy
mẫu xét nghiệm và vận chuyển bệnh phẩm.
- Thuốc điều trị
cơ bản theo hướng dẫn: thuốc kháng vi rút, kháng sinh thông thường, thuốc hạ sốt,
dịch truyền v.v…
- Phương tiện khử
khuẩn môi trường, thu gom và xử lý chất thải y tế.
- Sổ sách theo dõi
và hồ sơ bệnh án.
5.3. Công
tác hậu cần và an ninh trật tự:
Do thủ trưởng cơ sở
xảy ra dịch chịu trách nhiệm bố trí nhân lực và các điều kiện đảm bảo dinh dưỡng
và các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người được cách ly, đảm bảo công tác
an ninh trật tự tại bệnh viện dã chiến.
IV. TIÊU CHÍ ĐÓNG CỬA BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN CẤP I:
Bệnh viện dã chiến
cấp I đóng cửa sau 7 ngày không có thêm trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc mới.
Việc đóng cửa bệnh viện dã chiến cấp I do Lãnh đạo UBND tỉnh kiêm Trưởng
Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
quyết định.
B. THIẾT LẬP BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN CẤP II
I. MỤC ĐÍCH:
Bệnh viện dã chiến
cấp II được thiết lập khẩn cấp, tạm thời để thu dung, sàng lọc, cách ly, điều
trị các trường hợp mắc cúm đại dịch trên địa bàn xảy ra dịch cúm lây lan trong
cộng đồng, khi mà các bệnh viện các tuyến trên địa bàn đã quá tải.
II. TIÊU CHÍ THIẾT LẬP BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN CẤP II:
Đại dịch cúm xảy
ra trên địa bàn lây lan trong cộng đồng, một số cơ sở công cộng (trường học,
nhà máy, xí nghiệp v.v..) phải đóng cửa, các bệnh viện các tuyến trên địa bàn
đã quá tải không có khả năng thu dung và điều trị thêm bệnh nhân cúm nặng.
III. QUY TRÌNH THIẾT LẬP, CƠ CẤU TỔ CHỨC, CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ,
NHÂN LỰC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN CẤP II:
1. Quy trình
thiết lập bệnh viện dã chiến cấp II:
- Sở Y tế tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá tình hình dịch trên địa bàn, tình hình
thu dung, cách ly, điều trị cúm tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, diễn
biến tình hình dịch trong cộng đồng, nếu hội đủ các tiêu chí trên thì trình Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố thiết lập bệnh viện
dã chiến cấp II.
- Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
nơi xảy ra dịch ra quyết định thiết lập bệnh viện dã chiến cấp II sau khi đã thống
nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống
đại dịch cúm ở người. Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm của tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương quyết định quy mô của bệnh viện dã chiến cấp II
theo diễn biến tình hình dịch trên địa bàn.
- Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố ra quyết định bổ nhiệm
tạm thời giám đốc, các phó giám đốc để điều hành các hoạt động của bệnh viện dã
chiến cấp II.
- Giám đốc bệnh viện
dã chiến cấp II: xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động Bệnh viện dã chiến trình Giám đốc Sở Y tế phê duyệt
- Bệnh viện đa
khoa tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chính trong việc bố trí nhân lực, trang
thiết bị, vật tư, hoá chất, phương tiện để thiết lập bệnh viện dã chiến cấp II.
Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh ra quyết định điều động nhân lực, trang thiết bị,
thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện để thiết lập bệnh viện dã chiến cấp II.
Trong trường hợp cần huy động thêm nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị,
thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh đề nghị
Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm của tỉnh, thành phố chỉ đạo, điều
phối các đơn vị khác hỗ trợ.
2. Cơ sở vật chất
để thiết lập bệnh viện dã chiến cấp II:
Tuỳ theo diễn biến
tình hình dịch bệnh và đối tượng mắc cúm trong cộng đồng, có thể sử dụng các cơ
sở sau để thiết lập bệnh viện dã chiến:
a) Trường học (tiểu
học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học v.v…)
trên địa bàn sau khi đã có quyết định đóng cửa tạm thời trường học của cấp có
thẩm quyền.
b) Nhà máy, xí
nghiệp trên địa bàn.
c) Doanh trại
quân đội
d) Công sở
e) Khu vực khác
có mặt bằng rộng và thích hợp có thể đặt bệnh viện dã chiến
Ban chỉ đạo
phòng chống đại dịch cúm cấp tỉnh, thành phố tiến hành khảo sát các cơ sở trên
địa bàn để tìm vị trí thích hợp với các tiêu chí sau:
- Giao thông
thuận tiện
- Mặt bằng có
diện tích phù hợp, có sẵn cơ sở nhà cửa và các công trình có thể bố trí giường
bệnh và phục vụ hậu cần, có thể mở rộng nếu cần thiết.
- Có nguồn cấp
điện, nước, điện thoại, thuận lợi cho công tác vệ sinh môi trường và xử lý chất
thải.
Căn cứ trên mặt
bằng và cơ sở hiện có để lắp đặt bổ sung thêm lều bạt làm nơi thu dung bệnh
nhân và triển khai các hoạt động hậu cần khác.
3. Trang thiết
bị, thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện:
a) Thiết
bị y tế:
- Tuỳ theo tình
hình dịch (tỷ lệ người bệnh nặng cần hỗ trợ hô hấp) mà huy động các thiết bị y
tế phù hợp.
- Các thiết bị
chủ yếu cần có:
+ Máy thở
(CPAP) và các phương tiện hỗ trợ hô hấp
+ Thiết bị theo
dõi người bệnh: máy đo độ bão hoà oxy.
+ Thiết bị chẩn
đoán và xét nghiệm: máy Xquang di động, máy rửa phim tự động, áo chì, các cỡ
phim, máy xét nghiệm sinh hoá, huyết học tự động, siêu âm xách tay, phòng điều
trị cách ly di động
+ Phương tiện vận
chuyển người bệnh: xe cứu thương, cáng, xe đẩy
+ Phương tiện phòng
hộ cá nhân cho nhân viên y tế và người bệnh,
+ Phương tiện lấy
mẫu bệnh phẩm và vận chuyển mẫu
+ Phương tiện
khử khuẩn, thu gom và vận chuyển chất thải, đồ vải, xử lý dụng cụ y tế.
+ Giường bệnh:
- Giường hồi sức
cấp cứu: số giường theo ước tính tỷ lệ người bệnh nặng.
- Giường bệnh
thường: có thể sử dụng giường xếp để tiện vận chuyển.
b) Thuốc,
hoá chất, vật tư tiêu hao, phương tiện:
- Thuốc kháng
vi rút,
- Thuốc kháng
sinh,
- Các thuốc hồi
sức, dịch truyền,
- Các trang thiết bị cấp cứu
thông thường
- Vật tư tiêu hao: bơm kim tiêm,
dây truyền dịch, bông, băng,
- Phương tiện chăm sóc người bệnh
- Hoá chất khử khuẩn
- Đồ vải
- Phương tiện vệ
sinh buồng bệnh, buồng kỹ thuật
c) Các trang
thiết bị hậu cần thiết yếu:
- Hệ thống điện và
máy phát điện đáp ứng công suất
- Hệ thống cấp nước,
nước sạch, dụng cụ chứa nước sạch, đun nước nóng, xô, chậu.
- Hệ thống cung cấp
dinh dưỡng: bếp nấu ăn, dụng cụ ăn uống, lương thực, thực phẩm, rau cung cấp bữa
ăn cho nhân viên y tế, người bệnh và người phục vụ chống dịch tại bệnh viện dã
chiến.
- Các thiết bị văn
phòng, sổ sách, biểu mẫu, hồ sơ bệnh án, điện thoại, fax, máy photocopy, tủ đựng
tài liệu, bàn ghế làm việc v.v…
- Giường và buồng
nghỉ cho nhân viên y tế và người phục vụ.
4. Nhân lực:
Căn cứ theo yêu cầu
của từng khoa, phòng của bệnh viện dã chiến và theo quy mô bệnh viện dã chiến để
bố trí nhân lực phù hợp.
a) Nhân lực
chuyên môn y tế:
Bác sĩ, điều dưỡng,
dược sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên, dược tá, hộ lý, y công được phân công đảm trách
các đơn vị chuyên môn:
- Khu vực khám
và sàng lọc bệnh nhân
- Khu vực điều
trị hồi sức cấp cứu các ca bệnh nặng
- Khu vực điều
trị bệnh nhân vừa và nhẹ
- Khu vực cách
ly chờ ra viện
- Khu vực chẩn
đoán hình ảnh, xét nghiệm
- Khu vực cấp
phát thuốc và vật tư tiêu hao
- Đội thu dung
và vận chuyển người bệnh
b) Nhân lực
hỗ trợ:
Các nhân viên hỗ
trợ làm công tác hậu cần và hành chính khác:
- Nhà ăn và
cung cấp dinh dưỡng cho nhân viên y tế, người bệnh và người phục vụ.
- Khu vực hành
chính, cấp điện, nước, thông tin liên lạc, thu gom và xử lý đồ vải, xử lý chất
thải.
c) Nhân lực
thuộc bộ phận điều hành:
- Giám đốc và
các phó giám đốc: người chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và vận hành bệnh viện
dã chiến. Do Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương (cấp tỉnh) ra
Quyết định bổ nhiệm tạm thời để điều hành bệnh viện dã chiến.
- Giám đốc có
trách nhiệm phân công các cán bộ chịu trách nhiệm các đơn vị khu vực thuộc bệnh
viện dã chiến.
- Các cán bộ chịu
trách nhiệm các khu vực có văn bản phân công công việc cụ thể cho các nhân viên
thuộc đơn vị mình.
d) Huy động
tình nguyện viên và các lực lượng hỗ trợ:
Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố có thể huy động
các lực lượng tình nguyện viên trong và ngoài ngành y tế, cán bộ y tế từ các cơ
sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, đề nghị lực lượng quân y tham gia các hoạt động
của bệnh viện dã chiến.
Giám đốc bệnh
viện dã chiến cấp II phân công nhiệm vụ trong Ban Giám đốc, các trưởng khoa
phòng và lực lượng tình nguyện viên và lực lượng hỗ trợ tuỳ theo trình độ, năng
lực của những người tham gia.
5. Tổ chức
hoạt động bệnh viện dã chiến:
Tuỳ theo quy mô
của bệnh viện dã chiến mà bố trí các khu vực phù hợp. Tổ chức của bệnh viện dã
chiến cấp II gồm các bộ phận và khu vực sau:
a) Khu vực
hành chính của Ban Giám đốc và Phòng kế hoạch-nghiệp vụ:
Bố trí ở khu vực
riêng, có đầy đủ các phương tiện liên lạc cần thiết như: điện thoại, fax, bộ
đàm (nếu không có điện thoại) và các thiết bị văn phòng.
b) Khu vực
tiếp đón và phân loại bệnh nhân:
- Nhân lực: Bác
sĩ chuyên khoa nội, nhi, truyền nhiễm, điều dưỡng, y công
và đội vận chuyển
người bệnh.
- Trang thiết bị
và phương tiện: bàn tiếp đón với sổ sách, giấy tờ, biểu mẫu hồ sơ bệnh án cần
thiết; Giường khám cấp cứu; Các trang thiết bị khám thông thường: máy đo huyết
áp, ống nghe, cân y tế.
- Tủ thuốc cấp
cứu thông thường và tủ thuốc cho phòng chống cúm: dịch truyền, chống sốc, thuốc
kháng vi rút, kháng sinh, v.v...
- Phương tiện
phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế: khẩu trang N95, khẩu trang ngoại khoa,
trang phục phòng hộ cá nhân.
c) Khu vực
chẩn đoán hình ảnh:
Có buồng diện
tích đủ để đặt máy chụp Xquang di động, được bố trí gần khu vực tiếp đón và
phân loại bệnh.
- Nhân lực: bác
sĩ chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh.
- Trang thiết bị
và phương tiện: máy chụp Xquang lưu động có thể chụp phổi thẳng, nghiêng ở tư
thế nằm và đứng; máy rửa phim tự động, phim các cỡ, thuốc tráng phim và các
phương tiện bảo hộ cho nhân viên y tế (áo chì).
d) Khu vực
hồi sức cấp cứu:
Hồi sức cấp cứu
tại chỗ cho các trường hợp nặng.
- Nhân lực: bác
sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, nội, nhi, truyền nhiễm, điều dưỡng, y công. Số
người có thể điều chỉnh tuỳ theo số lượng bệnh nhân nặng thực tế.
- Trang thiết bị:
giường hồi sức cấp cứu với các trang thiết bị tối thiểu: máy tạo oxy, máy thở
không xâm nhập, monitor theo dõi bệnh nhân, máy đo độ bão hoà oxy, bình oxy,
các loại bóng ambu, mask, dây thở oxy các loại, dây máy thở, máy đo huyết áp, ống
nghe, nhiệt kế, cọc truyền dịch, bơm tiêm điện, máy truyền dịch tự động.
- Tủ thuốc cấp
cứu với cơ số thuốc cho cấp cứu và phòng chống cúm.
- Phương tiện
phòng hộ cá nhân: trang phục phòng hộ cá nhân, khẩu trang N95 và khẩu trang ngoại
khoa.
e) Khu vực
xét nghiệm:
Bố trí gần khu
khám sàng lọc và khu hồi sức cấp cứu.
- Nhân lực: bác
sĩ xét nghiệm, kỹ thuật viên xét nghiệm
- Thiết bị và
phương tiện: máy xét nghiệm huyết học tự động, máy xét nghiệm sinh hoá tự động,
các thiết bị, phương tiện khác: ống nghiệm, bộ dụng cụ lấy máu, lấy bệnh phẩm
và các vật tư tiêu hao xét nghiệm khác.
g) Khu vực
điều trị bệnh nhân:
- Sắp xếp và bố
trí các buồng bệnh như sau:
+ Các buồng bệnh
cho người bệnh đã chẩn đoán xác định cúm A (H1N1).
+ Các buồng bệnh
cho người bệnh nghi ngờ, các giường bệnh cách nhau tối thiểu 1 m.
+ Buồng bệnh
cho người bệnh hết triệu chứng, chờ ra viện.
Các buồng bệnh
đảm bảo thông khí tốt (12 luồng trao đổi khí/giờ), có buồng đệm giữa buồng bệnh
và hành lang là nơi để phương tiện phòng hộ cá nhân, phương tiện rửa tay, nơi đặt
phương tiện thu gom chất thải, đồ vải và dụng cụ y tế. Mỗi buồng bệnh có ít nhất
1 buồng vệ sinh cho người bệnh. Trường hợp nơi đặt bệnh viện dã chiến không có
sẵn buồng vệ sinh, cần bố trí buồng vệ sinh lưu động để đặt tại đây.
+ Buồng trực
cho nhân viên y tế
+ Buồng hành
chính: bàn, ghế làm việc, giao ban, tủ đựng hồ sơ bệnh án, sổ sách, biểu mẫu,
máy tính, máy in, điện thoại, đèn đọc phim Xquang v.v..
+ Buồng kỹ thuật:
nơi để tủ thuốc, xe tiêm và các dụng cụ phục vụ chăm sóc người bệnh.
+ Buồng vệ sinh
cho nhân viên y tế.
- Nhân lực: bác
sĩ: nội, nhi, truyền nhiễm, điều dưỡng, y công.
Bố trí đủ nhân
lực điều trị và chăm sóc số bệnh nhân theo quy mô bệnh viện dã chiến.
- Trang thiết bị:
giường bệnh (có thể là giường xếp); tủ thuốc cấp cứu, xe tiêm v.v…
- Vật tư tiêu
hao: bơm kim tiêm, dây truyền dịch, bông, băng, gạc v.v…
- Phương tiện
phòng hộ cá nhân: trang phục phòng hộ, khẩu trang N95, khẩu trang ngoại khoa.
- Phương tiện
thu gom và vận chuyển chất thải, đồ vải, dụng cụ y tế.
- Phương tiện vệ
sinh buồng bệnh
- Dung dịch sát
khuẩn tay nhanh có chứa cồn.
h) Khoa
dược, cấp phát thuốc và vật tư, hoá chất:
- Nhân lực: dược
sĩ, dược tá
- Thuốc và phương tiện:
Cơ số thuốc, vật tư, hoá chất,
theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H1N1) và theo nhu
cầu thực tế điều trị tại khu vực hồi sức cấp cứu và khu điều trị bệnh nhân.
i) Khu đồ vải và dụng cụ y
tế:
Cung ứng và xử lý đồ vải và dụng
cụ y tế cho khu điều trị.
- Nhân lực: nhân viên làm nhiệm
vụ giặt, là hấp, sấy đồ vải và xử lý dụng cụ y tế.
- Trang thiết bị: Máy giặt, máy
sấy, autoclave có công suất đáp ứng yêu cầu, bàn là.
- Phương tiện vận chuyển đồ vải
sạch, bẩn
- Các phương tiện khác
Trường hợp không thể bố trí khu
vực cung ứng đồ vải thì cần xác định đơn vị cung ứng đồ vải từ bên ngoài.
k) Khu chống nhiễm khuẩn:
Nơi đặt phương tiện thu gom và
lưu giữ chất thải tập trung, phương tiện vệ sinh và khử khuẩn buồng bệnh.
- Nhân lực: Nhân viên thu gom, xử
lý chất thải y tế và nhân viên vệ sinh bệnh viện.
- Thiết bị và phương tiện:
+ Túi, thùng đựng chất thải rắn
y tế các loại
+ Xe thu gom chất thải y tế
+ Thùng lưu giữ tạm thời chất thải
y tế (lây nhiễm) và chất thải thông thường.
+ Phương tiện vệ sinh và khử khuẩn
buồng bệnh.
l) Nhà ăn:
Chế biến và cung cấp suất ăn cho
người bệnh, nhân viên y tế.
- Nhân lực: Có đủ nhân lực để chế
biến và phục vụ ăn cho bệnh nhân và nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện dã
chiến.
- Thiết bị và phương tiện:
+ Sử dụng nhà bếp
sẵn có
+ Trang bị thêm
bếp gas, bàn ăn và các dụng cụ chế biến thức ăn
- Nhà ăn: chia
2 khu vực riêng cho người bệnh và nhân viên y tế. Các bàn ăn và ghế ngồi ăn của
nhân viên y tế và của bệnh nhân bố trí ngồi cùng chiều (để tránh nguy cơ lây
nhiễm).
6. Biển hiệu
và bảo vệ
Bệnh viện dã
chiến và các khu vực trong bệnh viện phải có hệ thống biển hiệu đầy đủ và rõ ràng.
Khu vực buồng bệnh
cách ly ghi rõ hạn chế việc ra vào.
Bố trí đội bảo
vệ bệnh viện và kiểm soát việc ra vào bệnh viện dã chiến.
IV. QUY TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN CẤP II
1- Đội vận chuyển
bệnh nhân sẽ thu dung các trường hợp nghi ngờ vào khu vực tiếp đón và sàng lọc
bệnh nhân.
2- Tại khu vực
tiếp đón và sàng lọc: người bệnh được làm các xét nghiệm, chụp phim Xquang, chẩn
đoán và đưa vào khu vực điều trị hoặc hồi sức cấp cứu (đối với bệnh nhân nặng).
3- Tại khu vực
tiếp đón: bộ phận hành chính ghi chép vào sổ sách theo dõi, bác sĩ làm hồ sơ bệnh
án và đưa về các khu vực điều trị.
4- Thực hiện chế
độ giao ban hàng ngày giữa ban giám đốc và các khu vực để nắm bắt, trao đổi
chuyên môn và chỉ đạo điều hành chung toàn bệnh viện. Giao ban tại các
khu vực điều trị hàng ngày.
5- Những trường hợp nặng vượt
quá khả năng điều trị cần chuyển người bệnh lên bệnh viện tuyến trên hoặc mời bệnh
viện tuyến trên cử cán bộ hỗ trợ.
6- Quy trình làm việc của bệnh viện
dã chiến do Giám đốc bệnh viện quy định dựa trên Quy chế bệnh viện.
7- Giữ liên lạc và báo cáo tình
hình hoạt động của bệnh viện với Ban Chỉ đạo chống dịch của địa phương.
8- Chế độ lương và phụ cấp thực
hiện theo chế độ chống dịch, do đơn vị quản lý trực tiếp chi trả. Các công tác
hành chính, tổ chức, hậu cần khác do bệnh viện tiền thân của bệnh viện dã chiến
chịu trách nhiệm.
9- Ban Giám đốc Bệnh viện dã chiến
thông qua Quy chế làm việc của Bệnh viện dã chiến trình Ban chỉ đạo chống dịch
của địa phương phê duyệt và thực hiện.
10- Bệnh viện dã chiến sẽ giải
thể sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, do Ban chỉ đạo chống dịch của địa phương
quyết định.
V. TRÁCH NHIỆM
CỦA CÁC CẤP, NGÀNH TRONG VIỆC PHỐI HỢP, THAM GIA VÀ HỖ TRỢ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA BỆNH
VIỆN DÃ CHIẾN CẤP II
1. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai bệnh viện dã chiến dưới
sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm cấp tỉnh, thành phố. Sở
Y tế tỉnh, thành phố chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Y tế và Trưởng Ban chỉ
đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người.
2. Các ban, ngành, đoàn thể của
địa phương có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ về các mặt công tác dưới sự chỉ đạo
của Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm cấp tỉnh, thành phố:
- Thông tin, truyền thông, hướng
dẫn người dân trong phòng chống dịch và hợp tác với ngành y tế trong việc triển
khai bệnh viện dã chiến.
- Hỗ trợ về nhân lực, hậu cần
trong việc thiết lập bệnh viện dã chiến
- Huy động các tình nguyện viên
tham gia hoạt động của bệnh viện dã chiến phù hợp với năng lực của tình nguyện
viên và nhu cầu vận hành và hoạt động của bệnh viện dã chiến.
- Tham gia bảo vệ, giữ an ninh
trật tự bệnh viện dã chiến và tham gia công tác xã hội trợ giúp người bệnh.
3. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng
chống đại dịch cúm:
- Huy động nguồn lực trong nước
và quốc tế để hỗ trợ thiết lập bệnh viện dã chiến.
- Chỉ đạo chuyên môn trong thiết
lập và vận hành bệnh viện dã chiến.
- Điều phối các đơn vị trực thuộc
và các địa phương khác cùng tham gia và hỗ trợ thiết lập và vận hành bệnh viện
dã chiến.
C. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch
cúm ở người cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với
các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm cấp tỉnh, thành phố và các
địa phương xây dựng kế hoạch thiết lập bệnh viện dã chiến cấp I và cấp II,
trình Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người cấp tỉnh, thành phố
phê duyệt.
2. Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành
phố chỉ đạo bệnh viện đa khoa tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết thiết lập bệnh viện
dã chiến cấp II, mỗi bệnh viện huyện, đa khoa khu vực liên huyện xây dựng kế hoạch
chi tiết thiết lập bệnh viện dã chiến cấp I. Kế hoạch chi tiết bao gồm các
phương án triển khai, kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và đơn vị
có liên quan trong phòng chống đại dịch cúm.
3. Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh
lập kế hoạch chi tiết thiết lập bệnh viện cấp II trình Sở Y tế tỉnh, thành phố
xem xét trình Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người cấp tỉnh,
thành phố phê duyệt.
4. Giám đốc bệnh viện huyện lập
kế hoạch chi tiết thiết lập bệnh viện dã chiến cấp I trình Sở Y tế tỉnh, thành
phố xem xét trình Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người cấp tỉnh,
thành phố phê duyệt.
5. Khi có dịch cúm xảy ra trên địa
bàn, căn cứ vào quy mô, cấp độ dịch tại địa phương, Sở Y tế tỉnh, thành phố
tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ra quyết định thiết lập bệnh viện dã
chiến cấp I hoặc cấp II và chỉ đạo triển khai thực hiện.