QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CẤP CHỨNG CHỈ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04/8/2003
của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đào tạo, bổi dưỡng cán bộ, công chức;
Căn cứ Quyết định số 05/2007/QĐ-BNV ngày
17/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy chế chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức;
Xét đề
nghị của Sở Nội vụ tại văn bản số 1223/SNV-ĐT ngày 24/7/2007 và ý kiến thẩm
định của Sở Tư pháp tại văn bản số 1711/BC-STP-KTVB ngày 19/7/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này
bản Quy định về việc cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi
hành từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng: các Sở,
ban, ngành, Trường chính trị Nguyễn Văn Cừ, các cơ sở đào tạo thuộc tỉnh, Chủ
tịch Uỷ ban nhân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ quyết định thi hành./.
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC CẤP CHỨNG
CHỈ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2712/QĐ-UBND ngày 31/7/2007 của Uỷ ban nhân
dân tỉnh )
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này quy định về thẩm
quyền của Trường chính trị Nguyễn Văn Cừ và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được
Uỷ ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong
việc in, cấp các loại chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Quảng
Ninh và thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong công tác quản lý, giải quyết
các vụ việc liên quan đến chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Điều 2. Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố căn cứ quy định này làm cơ sở thực hiện công tác đào tạo,
quản lý, đánh giá, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm
của đơn vị (quy định tại điều 9).
Điều 3. Thẩm quyền in và cấp chứng chỉ
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thực hiện theo phân cấp quy định tại Quy
chế chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ban hành kèm theo Quyết định
số 05/2007/QĐ-BNV ngày 17/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Chương II
IN, CẤP CHỨNG CHỈ
Điều 4. Những loại chứng chỉ thuộc thẩm
quyền in, cấp chứng chỉ của trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ và các cơ sở đào
tạo, bồi dưỡng được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ, công chức:
1. Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của tỉnh:
a) Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật, bổ
sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ;
b) Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng quản lý chuyên ngành đối với công chức hành chính và công chức cấp xã theo
ngành, lĩnh vực công tác.
2. Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ
năng quản lý nhà nước:
a) Chứng chỉ chương trình đào tạo tiền công vụ
b) Chứng chỉ bồi dưỡng theo ngạch công chức:
- Chứng chỉ bồi dưỡng chương trình ngạch cán sự
- Chứng chỉ bồi dưỡng chương trình ngạch chuyên
viên
c) Chứng chỉ bồi dưỡng công chức lãnh đạo cấp
Phòng và tương đương
d) Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức cấp xã:
- Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ
năng quản lý nhà nước.
- Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng Chủ tịch Hội đồng
nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã;
e) Chứng chỉ bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân
dân:
- Chứng chỉ bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân
cấp xã.
- Chứng chỉ bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân
cấp huyện.
Điều 5. Mẫu chứng chỉ được in theo quy
định tại Quy chế chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ban hành kèm
theo Quyết định số 05/2007/QĐ-BNV ngày 17/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Điều 6. Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kiến
thức và kỹ năng quản lý nhà nước được cấp cho các học viên phải đảm bảo các
điều kiện sau đây:
1. Tham gia học tập đầy đủ các nội dung quy định
của chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Thời gian nghỉ học có lý do không được
vượt quá 20% thời gian quy định của chương trình;
2. Có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, đề án
theo quy định; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, đề án phải đạt từ điểm 5 trở
lên (chấm theo thang điểm 10);
3. Chấp hành tốt nội quy học tập.
Điều 7. Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kiến
thức và kỹ năng quản lý nhà nước (quy định tại điều 4) được cấp một lần ngay
sau khi khoá học kết thúc. Trường hợp chứng chỉ bị thất lạc, người được cấp chứng
chỉ phải có đơn đề nghị và được đơn vị đào tạo cấp Giấy chứng nhận.
Điều 8. Kinh phí in, viết chứng chỉ được
sử dụng từ nguồn kinh phí cấp cho các khoá đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính.
Chương III
SỬ DỤNG CHỨNG CHỈ
Điều 9. Giá trị sử dụng của Chứng chỉ đào
tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước.
1. Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ,
công chức.
2. Chứng chỉ đào tạo tiền công vụ là một trong
những điều kiện để cán bộ, công chức được bổ nhiệm vào ngạch đã trúng tuyển.
3. Chứng chỉ bồi dưỡng theo ngạch công chức là
một trong những điều kiện để cán bộ, công chức được xem xét bổ nhiệm vào ngạch
đã học, dự thi nâng ngạch.
Chứng chỉ bồi dưỡng chương trình ngạch chuyên
viên, Chứng chỉ bồi dưỡng chương trình ngạch chuyên viên chính là điều kiện để
được học chương trình cao hơn liền kề.
Điều 10. Giá trị liên thông giữa các loại
chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước và với các
văn bằng đào tạo chuyên ngành hành chính khác:
1. Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ
năng quản lý nhà nước chương trình cao hơn có giá trị thay thế Chứng chỉ đào
tạo, bồi dưỡng chương trình thấp hơn.
2. Bằng Cử nhân hành chính, Bằng Thạc sĩ hành
chính, Bằng Tiến sĩ hành chính có giá trị thay thế các loại chứng chỉ quy định
tại điểm b, khoản 2, điều 4 của quy định này và thay thế chứng chỉ bồi dưỡng
chương trình ngạch chuyên viên chính, ngạch chuyên viên cao cấp trong thời hạn
5 (năm) năm kể từ ngày cấp.
Chương IV
QUẢN LÝ CHỨNG CHỈ
Điều 11. Bộ Nội vụ, Uỷ ban nhân dân tỉnh
và các cơ quan chức năng có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết những vụ
việc liên quan đến chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; kịp thời sửa
đổi, bổ sung quy định về chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng khi có thay đổi về Quy
chế.
Điều 12. Sở Nội vụ có trách nhiệm đôn
đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này và các quy định có liên
quan đến các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc in, cấp, sử dụng
chứng chỉ theo quy định; báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết những vụ việc
liên quan đến chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo quy định của
pháp luật.
Điều 13. Trường chính trị Nguyễn Văn Cừ
và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải thực hiện theo dõi, quản lý chặt chẽ việc
cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của đơn vị theo thẩm quyền.
Đây là hồ sơ lưu trữ vĩnh viễn của đơn vị. Việc đào tạo, bồi dưỡng và cấp các
loại chứng chỉ (quy định tại Điều 4 Quy định này) ngoài kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức hàng năm phải thống nhất với Sở Nội vụ trước khi thực
hiện.
Quá trình thực hiện, có gì vướng mắc, các cơ
quan liên quan kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.