BẢN QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA SỞ GIAO
THÔNG VẬN TẢI
( Ban hành kèm theo Quyết định số 2612/1998/QĐ-UB Ngày 12 tháng 12 năm 1998
của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế )
A. CHỨC NĂNG :
Sở Giao thông vận tải là cơ quan chuyên môn của UBND
tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải
( bao gồm đường bộ, đường sông, đường sắt, đường biển …) trên địa bàn tỉnh .
Sở chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện
của UBND tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của
Bộ Giao thông vận tải.
B. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN :
I/ Thực hiện pháp luật về giao thông vận tải
:
1. Giúp UBND tỉnh soạn thảo để ban hành văn bản quy
phạm pháp luật về giao thông vận tải; hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm
pháp luật, chính sách của Nhà nước về giao thông vận tải ở địa phương .
2. Cấp thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, chứng
chỉ hành nghề bằng lái … cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế
ở địa phương hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải theo quy định .
3. Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan
có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, pháp lệnh và các
văn bản pháp quy khác về chuyên ngành giao thông vận tải theo quy định của pháp
luật.
4. Phối hợp với các cơ quan và tổ chức có liên quan
để giáo dục tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông
vận tải, an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông trên địa bàn tỉnh .
II/ Về quản lý giao thông vận tải :
1. Tổ chức quản lý duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ hệ
thống giao thông của địa phương, của quốc gia do Trung ương uỷ thác và đảm bảo
giao thông các tuyến tỉnh quản lý.
2. Thiết lập và thông báo, chỉ dẫn hệ thống mạng
lưới giao thông do tỉnh trực tiếp quản lý; áp dụng các quy định của Bộ Giao thông
Vận tải về tải trọng, đặc tính kỹ thuật và từng phương tiện được phép vận hành
trên mạng lưới giao thông của địa phương, đảm bảo an toàn giao thông và kết cấu
công trình giao thông .
3. Thiết lập và quản lý hệ thống báo hiệu trên các
tuyến giao thông của địa phương. Tổ chức việc thẩm định trình Hội đồng thẩm định
xét hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các luận chứng cấp phép cho xây lắp công trình
vượt đường, giao cắt…có liên quan đến kết cấu và ảnh hưởng đến việc đảm bảo an
toàn giao thông của cầu đường do tỉnh quản lý. Đối với các công trình cầu
đường, ga, cảng sông, cảng biển … do Trung ương quản lý, việc xây dựng phải
được Bộ hoặc Cục quản lý chuyên ngành thẩm định và cấp phép.
4. Thẩm định và đề xuất trình UBND tỉnh phân loại
đường, định kỳ cấp phép sử dụng, khai thác hoặc đình chỉ khai thác, sử dụng các
công trình, các tuyến giao thông do địa phương trực tiếp quản lý.
5. Chỉ đạo việc phối hợp các lực lượng vận tải của
địa phương, ổn định tuyến vận tải hàng hoá của hành khách, đáp ứng nhu cầu vận
chuyển trong phạm vi địa bàn và liên tỉnh.
6. Phối hợp với các cơ quan và tổ chức có liên quan
bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và tài sản tham gia giao thông vận tải
hoạt động trên địa bàn tỉnh.
III/ Về xây dựng giao thông vận tải :
1. Xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch
mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền
phê duyệt .
2. Thực hiện chức năng chủ đầu tư xây dựng các công
trình giao thông của địa phương (bao gồm các công trình do nguồn ngân sách của
địa phương, vốn Trung ương cấp cho địa phương hoặc vốn huy động từ nhân dân đóng
góp) theo quy định của pháp luật và sự phân công, phân cấp của Bộ Giao thông
Vận tải, của UBND tỉnh.
3. Tổ chức chỉ đạo việc xây dựng các công trình giao
thông của tỉnh theo đúng quy trình quy phạm và quy định hiện hành về quản lý
đầu tư và xây dựng. Thẩm xét và giám định các công trình trong phạm vi được giao.
Chủ trì soạn thảo các dự án đầu tư về giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh (kể cả
dự án liên doanh, liên kết với nước ngoài) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
IV/ Quản lý nghiệp vụ - kỹ thuật giao thông
vận tải :
1. Đăng kiểm kỹ thuật (đăng kiểm và kiểm tra kỹ thuật)các
phương tiện thi công công trình giao thông, các phương tiện vận tải đường bộ,
đường thuỷ theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải .
2. Trình xét duyệt và thẩm định việc cải tạo, sửa
đổi, phục hồi, đóng mới và sản xuất phương tiện, thiết bị phụ tùng các loại phương
tiện giao thông vận tải theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải hoặc của Cục
Quản lý chuyên ngành .
3. Hướng dẫn các cơ quan, các tổ chức trực thuộc
chấp hành quy định của Bộ Giao thông Vận tải và cơ quan Nhà nước về xuất nhập khẩu
phương tiện giao thông vận tải.
4. Tổ chức chỉ đạo, kiểm tra kiểm soát các đơn vị
sự nghiệp thu, nộp lệ phí giao thông vận tải theo quy định của pháp luật .
5. Thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với các
đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước (bao gồm đơn vị sản xuất kinh doanh và
doanh nghiệp công ích) về giao thông vận tải của tỉnh theo phân công của UBND
tỉnh .
6. Thực hiện tiêu chuẩn chức danh chuyên môn nghiệp
vụ của cán bộ, viên chức ngành giao thông vận tải ở địa phương theo quy định
của pháp luật.
7. Lập kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức,
viên chức và công nhân chuyên nghiệp trong ngành giao thông vận tải của tỉnh .
V/ Các nhiệm vụ, quyền hạn về lĩnh vực công
chính theo quy định trong Thông tư Liên bộ (Nay là Liên tịch) của Bộ Xây dựng
và Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ .
Thực hiện một số nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.
C. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ
CHỨC GIÚP UBND HUYỆN, THÀNH PHỐ VỀ QUẢN LÝ GIAO THÔNG VẬN TẢI TRÊN ĐỊA BÀN:
Tổ chức UBND huyện, thành phố về quản lý giao thông
vận tải trên địa bàn có trách nhiệm giúp UBND huyện, thành phố làm tốt công tác
QLNN đối với công tác giao thông vận tải trên địa bàn, đồng thời chịu sự chỉ
đạo, hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải về chuyên môn nghiệp vụ.
Nhiệm vụ cụ thể :
1. Giúp UBND huyện, thành phố trong việc huy động
nhân dân đóng góp sức người, sức của để xây dựng các công trình giao thông do
huyện, thành phố quản lý và đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật .
Đề xuất ý kiến với lãnh đạo của huyện, thành phố
về quy hoạch phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh, thống nhất với Sở Giao thông
vận tải trình UBND tỉnh xem xét quyết định .
2. Hướng dẫn kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong
hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn huyện , chấp hành các văn bản quy phạm
pháp luật, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm quản lý phương tiện và an toàn giao
thông; thực hiện các thủ tục hành chính, đăng kiểm, đăng ký hành nghề cho các
phương tiện vận tải thô sơ và cơ giới loại nhỏ theo phân cấp của Sở Giao thông
vận tải .
3. Tổ chức quản lý hoạt động các bến đò, bến sông,
bến xe, vận chuyển hành khách và xếp dỡ hàng theo các quy định về đảm bảo trật
tự an toàn giao thông và quản lý vận tải hàng hoá và hành hàng.
4. Được sự uỷ quyền của UBND huyên, thành phố, Sở
Giao thông vận tải thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giao thông vận tải
trên địa bàn bao gồm: hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng,
tôn tạo, bảo vệ mạng lưới đường bộ, đường thuỷ liên xã, các tuyến nối liền tỉnh
lộ, các đoạn tỉnh lộ do Sở Giao thông vận tải uỷ nhiệm .
Cấp hoặc thu hồi các giấy phép, chứng chỉ, đăng ký
về giao thông vận tải của các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý .
D. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ
PHẬN GIÚP VIỆC UBND QUẢN LÝ GIAO THÔNG VẬN TẢI TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG, XÃ :
1/ Quản lý giao thông thuỷ, bộ trên địa bàn xã bao
gồm:
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ duy
tu, bảo dưỡng và bảo vệ mạng lưới giao thông thuỷ, bộ trong phạm vi giao thông
xã (gọi tắt là hương lộ) kể cả huyện lộ qua xã theo uỷ thác của tổ quản lý giao
thông huyện.
b) Hướng dẫn và kiểm tra nhân dân trên đại bàn xã
về trách nhiệm bảo vệ các công trình giao thông quốc gia, công trình giao thông
của tỉnh trên địa bàn xã; đảm bảo an toàn trên địa bàn xã; đảm bảo an toàn quá
trình giao thông vận tải .
c) Đề nghị UBND xã xử lý theo thẩm quyền việc vi
phạm các quy định về giao thông vận tải và bảo vệ công trình giao thông .
2/ Thực hiện các quy định về quản, đăng ký hành nghề
đối với các phương tiện vận tải thuỷ, bộ thô sơ và cơ giới nhỏ theo quy định của
tổ chức quản lý giao thông huyện.
3/ Giúp UBND xã huy động nhân dân xã đóng góp sức
người, sức của để xây dựng các công trình giao thông do xã đầu tư xây dựng và
quản lý theo quy định của pháp luật .
4/ Xác nhận và đề nghị tổ chức quản lý giao thông
huyện cấp giấy phép hoặc thu hồi các chứng chỉ, đăng ký hành nghề của các đối
tượng thuộc huyện quản lý .
5/ Tổ chức quản lý hoạt động các bến xe, bến đò của
xã theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, hướng dẫn các Cục quản lý chuyên
ngành và phân cấp của tỉnh, huyện .
E. CƠ CẤU TỔ CHỨC CẢ SỞ GIAO
THÔNG VẬN TẢI :
I/ Lãnh đạo Sở: Có Giám đốc và từ 2
đến 3 Phó Giám đốc giúp việc, Giám đốc phân công phụ trách các lĩnh vực công
tác.
II/ Bộ máy giúp việc Giám đốc Sở gồm có:
1. Phòng Kinh tế - Kế hoạch
2. Phòng Quản lý giao thông
3. Phòng Quản lý xe và lái xe
4. Phòng Quản lý Vận tải – Công nghiệp
5. Phòng Tổ chức - Tổng hợp
6. Thanh tra sở
- Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Giao thông vận
tải cùng với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh căn cứ văn bản hướng dẫn của Bộ Giao
thông vận tải, các Bộ, ngành có liên quan và tình hình cụ thể của địa phương để
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn thuộc Sở và tổ
chức triển khai thực hiện.
- Việc bổ nhiệm , miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc,
Giám đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định của Nhà nước.
- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó trưởng
phòng chuyên môn (hoặc tương đương), Phó Giám đốc các đơn vị trực thuộc do Giám
đốc Sở quyết định sau khi đã có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Trưởng ban
Tổ chức chính quyền tỉnh.
III/ Biên chế hàng năm của Sở Giao
thông vận tải do UBND tỉnh phân bổ trong tổng số biên chế của Trung ương giao cho
tỉnh.