Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 26/2024/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng Người ký: Nguyễn Văn Tùng
Ngày ban hành: 17/10/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2024/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 17 tháng 10 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP XỬ LÝ CÁC VỤ VIỆC LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI NƯỚC NGOÀI XẢY RA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Bộ Luật tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;

Căn cứ Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 01 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông;

Căn cứ Thông tư số 03/2021/TT-BNG ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về công tác đối ngoại của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;

Căn cứ Thông tư liên ngành số 01-TTLN ngày 08 tháng 9 năm 1988 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Bộ Ngoại giao - Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra;

Căn cứ Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông;

Căn cứ Thông tư số 21/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về vệ sinh trong mai táng, hỏa táng;

Theo đề nghị của Sở Ngoại vụ tại Tờ trình số 17/NV-TTr ngày 16/9/2024, của Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 204/BC-STP ngày 05/9/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài xảy ra trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2024.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường; Thủ trưởng các đơn vị: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Ngoại giao (để b/c);
- Cục Lãnh sự - BNG (để b/c);
- Vụ Pháp chế - BNG;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-BTP;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội HP;
- CT, các PCT UBND TP;
- CPVP;
- Báo Hải Phòng;
- Đài PT&TH Hải Phòng;
- Công báo;
- Cổng TTĐTTP;
- Các Phòng: TCNS, KSTTHC, NC&KTGS;
- CV: TP;
- Lưu: VT, TCNS.KTĐN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tùng

QUY CHẾ

PHỐI HỢP XỬ LÝ CÁC VỤ VIỆC LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI NƯỚC NGOÀI XẢY RA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Kèm theo Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong xử lý vụ việc liên quan đến người nước ngoài trong các trường hợp vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ, tử vong xảy ra trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương; doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị, địa phương).

2. Người nước ngoài mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài; người không quốc tịch và người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp và xử lý các vụ việc

1. Bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với thông lệ quốc tế và trên nguyên tắc có đi có lại.

2. Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực chuyên môn của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

3. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, thống nhất và hiệu quả trong quá trình xử lý vụ việc giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thành phố và giữa thành phố Hải Phòng với các cơ quan chuyên môn của Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 4. Tiếp nhận và xử lý thông tin

1. Khi phát hiện các vấn đề liên quan đến người nước ngoài được nêu tại Điều 1 Quy chế này, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân liên quan có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Sau khi tiến hành thu thập đầy đủ thông tin, Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc gửi thông báo bằng văn bản cho Sở Ngoại vụ.

2. Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Sở Ngoại vụ thông báo bằng Công hàm/văn bản cho Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và đồng gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến người nước ngoài xảy ra trên địa bàn thành phố; trường hợp không có Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì Sở Ngoại vụ thông báo bằng văn bản cho Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

Chương II

NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG

Điều 5. Trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam

1. Công an thành phố có trách nhiệm

a) Chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân thành phố và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành điều tra, xử lý vụ việc.

b) Chỉ đạo Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc và Công an các đơn vị liên quan thông báo cho Sở Ngoại vụ ngay sau khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người nước ngoài do vi phạm pháp luật Việt Nam để thông báo cho Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thực hiện công tác bảo hộ công dân nước đó. Nội dung thông báo ghi rõ: họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác (nếu có); thời gian nhập cảnh, mục đích nhập cảnh vào Việt Nam; lý do, biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế được áp dụng, thời hạn áp dụng, địa điểm áp dụng.

2. Sở Ngoại vụ có trách nhiệm

a) Thông báo cho Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, đồng gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) về việc công dân vi phạm pháp luật Việt Nam và các hình thức xử lý.

b) Phối hợp với Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam xác minh nhân thân người nước ngoài, xác định tư cách pháp lý của người nước ngoài vi phạm pháp luật.

c) Tham vấn Bộ Ngoại giao (thông qua Cục Lãnh sự) đề xuất phương án xử lý khi người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế.

d) Phối hợp với Công an thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố, cơ sở giam giữ tổ chức thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự khi có đề nghị từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

3. Viện kiểm sát nhân dân thành phố có trách nhiệm

Thông báo về việc truy tố đối với đối tượng người nước ngoài cho Sở Ngoại vụ để chuyển thông tin cho Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

4. Tòa án nhân dân thành phố có trách nhiệm

Thông báo thời gian dự kiến xét xử, gửi các bản án, quyết định của Tòa án đối với đối tượng người nước ngoài cho Sở Ngoại vụ để chuyển thông tin cho Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

5. Trường hợp người nước ngoài vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều này.

Điều 6. Tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người và phương tiện giao thông của người nước ngoài.

1. Quy trình xử lý các vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người nước ngoài và phương tiện giao thông của nước ngoài được áp dụng theo quy định tại Thông tư liên ngành số 01-TTLN ngày 08/9/1988 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra; Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông và các quy định hiện hành có liên quan.

2. Phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài được quy định tại tiểu mục 2 Mục I Thông tư liên ngành số 01-TTLN.

3. Sở Ngoại vụ có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam xác định thông tin liên quan đến người nước ngoài, xác định tư cách pháp lý của người nước ngoài và tham vấn Bộ Ngoại giao (thông qua Cục Lãnh sự) đề xuất phương án giải quyết trong trường hợp người nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự; đồng thời phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan.

4. Công an cấp huyện nơi xảy ra vi phạm có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Ngoại vụ ngay sau khi tiếp nhận, xử lý thông tin về vụ việc tai nạn giao thông. Nội dung thông báo ghi rõ: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, số hộ chiếu (kèm bản chụp hộ chiếu/ thẻ tạm trú của người nước ngoài) hoặc các giấy tờ tùy thân khác (nếu có); Họ và tên, địa chỉ, số điện thoại của thân nhân nạn nhân (nếu có); diễn biến vụ việc, địa điểm, thời gian xảy ra vụ việc và cơ sở y tế nơi người nước ngoài đang điều trị (nếu có) để phối hợp xử lý.

5. Đối với những vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng, Công an cấp huyện, Công an thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố thực hiện theo quy định tại Mục II Thông tư liên ngành số 01-TTLN.

6. Trường hợp người nước ngoài bị tử vong do tai nạn giao thông thì xử lý theo Điều 7 Quy chế này.

Điều 7. Người nước ngoài tử vong

1. Sở Ngoại vụ có trách nhiệm

a) Thông báo bằng Công hàm/văn bản cho Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đồng gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đề nghị trao đổi với gia đình người nước ngoài tử vong thống nhất phương án giải quyết hậu sự và cho ý kiến về việc khám nghiệm tử thi. Đối với trường hợp không có Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì Sở Ngoại vụ thông báo cho Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao). Nội dung thông báo ghi rõ: họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, số hộ chiếu (kèm bản chụp hộ chiếu/ thẻ tạm trú của người nước ngoài) hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người nước ngoài; Họ và tên, địa chỉ, số điện thoại của thân nhân nạn nhân (nếu có); địa điểm, thời gian bảo quản thi hài nhằm phục vụ công tác xác minh nhân thân và đề nghị Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam phối hợp giải quyết hậu sự cho người nước ngoài.

b) Tham gia quá trình khám nghiệm tử thi sau khi nhận được thông báo của cơ quan chủ trì khám nghiệm.

c) Hướng dẫn, hỗ trợ thân nhân người nước ngoài tử vong hoặc cá nhân, đơn vị được thân nhân người nước ngoài tử vong ủy quyền (do Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam xác minh/cung cấp thông tin) thực hiện thủ tục xin cấp Trích lục khai tử, đưa thi hài/di hài (tro cốt) về nước và các giấy tờ có liên quan khác. Trường hợp Giấy chứng tử, Trích lục khai tử hoặc giấy tờ khác có liên quan cần sử dụng ở nước ngoài, hướng dẫn cho thân nhân người nước ngoài tử vong hoặc cá nhân, đơn vị được thân nhân người nước ngoài tử vong ủy quyền thực hiện đến Văn phòng công chứng/Phòng Công chứng Nhà nước/Phòng Tư pháp cấp huyện để dịch công chứng ra tiếng nước ngoài, sau đó đến Cục Lãnh sự/Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh để làm thủ tục chứng nhận lãnh sự và đến Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để làm hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ này (trừ những nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta có quy định được miễn thủ tục này).

2. Công an thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Công an cấp huyện nơi có người nước ngoài tử vong và Công an các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau:

a) Thông báo kịp thời bằng văn bản cho Sở Ngoại vụ các thông tin ban đầu về vụ việc người nước ngoài tử vong trên địa bàn. Nội dung thông báo ghi rõ: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch; số hộ chiếu (kèm bản chụp hộ chiếu/ thẻ tạm trú của người nước ngoài) hoặc các giấy tờ tùy thân khác (nếu có); nơi lưu trú tại Việt Nam (nếu đã xác định được); Họ và tên, địa chỉ, số điện thoại của thân nhân nạn nhân (nếu có); nguyên nhân tử vong (trong trường hợp đã xác định được nguyên nhân tử vong).

b) Chủ trì tổ chức khám nghiệm hiện trường và kê khai tài sản của người nước ngoài bị tử vong theo quy định.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan chuyển thi hài đến Cơ sở y tế, Trung tâm Pháp Y Hải Phòng hoặc Nhà tang lễ gần nhất có thiết bị bảo quản lạnh để lưu giữ trong thời gian các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục pháp lý có liên quan.

d) Tổ chức khám nghiệm tử thi khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Thông báo cho Sở Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm tử thi theo quy định.

e) Thông báo kết quả giải quyết vụ việc, cung cấp các hồ sơ liên quan (trong phạm vi cho phép và trường hợp phía nước ngoài yêu cầu) đến Sở Ngoại vụ để báo cáo cơ quan có thẩm quyền, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và thông báo cho các bên liên quan.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người tử vong có trách nhiệm:

a) Thực hiện việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài tử vong trên địa bàn thành phố theo quy định.

b) Gửi thông báo Trích lục khai tử của người nước ngoài tử vong trên địa bàn thành phố cho Bộ Ngoại giao thông qua Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cấp Trích lục khai tử cho người nước ngoài tử vong trên địa bàn thành phố theo quy định.

5. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người nước ngoài tử vong thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người nước ngoài tử vong hoặc nơi phát hiện thi thể người nước ngoài tử vong thực hiện việc đăng ký khai tử.

6. Đối với trường hợp người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tử vong tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thì việc xử lý được thực hiện theo khoản 1, khoản 4 Điều 26 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.

Điều 8. Bảo quản và xử lý thi hài người nước ngoài tử vong

1. Công tác giám định pháp y

a) Trường hợp đã xác định được nguyên nhân tai nạn/tử vong, không có nghi vấn, Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan lập biên bản có chữ ký của người làm chứng và cơ quan giám định theo quy định của pháp luật.

b) Trường hợp chưa xác định được nguyên nhân tai nạn/tử vong, căn cứ đề nghị của Công an cấp huyện, Sở Ngoại vụ gửi văn bản cho Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam xin ý kiến về việc mổ tử thi để tìm nguyên nhân tử vong. Không tiến hành mổ tử thi khi chưa có ý kiến của Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

c) Khi có ý kiến của Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đồng ý mổ tử thi, Sở Ngoại vụ gửi văn bản thông báo tới Công an cấp huyện đang thụ lý vụ việc để tổ chức mổ tử thi. Công an cấp huyện thông báo cho Sở Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan thời gian, địa điểm tiến hành mổ tử thi theo quy định và thông báo kết luận cụ thể về nguyên nhân tử vong.

d) Trường hợp Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có yêu cầu bằng văn bản đề nghị không mổ tử thi để khám nghiệm, trên cơ sở tính chất sự việc và tinh thần nhân đạo, Công an cấp huyện xem xét chấp thuận đề nghị nếu đã xác định được nguyên nhân tử vong, không có nghi vấn. Trường hợp xét thấy cần xác định nguyên nhân tử vong, Công an cấp huyện báo cáo Công an thành phố xin ý kiến cho phép thực hiện một số biện pháp về chuyên môn nghiệp vụ pháp y theo quy định.

e) Đối với Biên bản kiểm kê tài sản, Công an cấp huyện bàn giao cho thân nhân người nước ngoài tử vong hoặc cá nhân, đơn vị được thân nhân người nước ngoài tử vong ủy quyền một bản. Đối với Biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản khám nghiệm tử thi và Biên bản giám định pháp y, Công an cấp huyện chuyển về Sở Ngoại vụ bản sao y để gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) chuyển đến cho Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

2. Bảo quản thi hài người nước ngoài tử vong

a) Thời hạn bảo quản thi hài tại địa phương là 07 ngày kể từ ngày tử vong.

b) Trong một số trường hợp cần thiết hoặc nhạy cảm chờ Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam xác minh, liên hệ với gia đình người nước ngoài tử vong và về việc mổ tử thi thì sẽ kéo dài thời gian bảo quản thi hài thêm 07 ngày, Sở Ngoại vụ có trách nhiệm gửi thông báo lần 2 cho Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) biết để phối hợp.

c) Chi phí bảo quản thi hài trong thời gian 07 ngày kể từ ngày tử vong sẽ do gia đình thân nhân người tử vong chi trả.

d) Trường hợp Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có yêu cầu đề nghị bảo quản thi hài lâu hơn 07 ngày thì Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam phải đảm bảo về việc thanh toán chi phí liên quan. Trường hợp nếu Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam không có ý kiến hoặc không có người nhận thi hài hoặc trường hợp người nước ngoài tử vong là người có công lao đóng góp cho thành phố, Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phương án kinh phí phù hợp với điều kiện địa phương, tránh để kéo dài gây tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường, nhưng đảm bảo về đối ngoại.

3. Xử lý thi hài người nước ngoài tử vong

a) Trường hợp thân nhân của người nước ngoài tử vong hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có văn bản đề nghị mai táng tại địa phương: Sở Ngoại vụ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban nhân dân thành phố. Sau khi có ý kiến đồng ý của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người tử vong có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Công an cấp xã, Sở Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan hướng dẫn thân nhân của người nước ngoài tử vong hoặc cá nhân, đơn vị được thân nhân người nước ngoài tử vong ủy quyền tiến hành các thủ tục mai táng theo pháp luật Việt Nam và phù hợp với điều kiện của địa phương.

b) Trường hợp thân nhân của người nước ngoài tử vong hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đề nghị đưa thi hài/di hài (tro cốt) về nước. Sở Ngoại vụ hướng dẫn thân nhân của người nước ngoài tử vong hoặc cá nhân, đơn vị được thân nhân người nước ngoài tử vong ủy quyền liên hệ với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, các đơn vị liên quan để đưa về nước (đối với thi hài) hoặc để hỏa táng và đưa về nước (đối với di hài). Bàn giao tài sản (nếu có) cho thân nhân, cá nhân, đơn vị được thân nhân người nước ngoài tử vong ủy quyền hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

c) Các chi phí liên quan đối với các trường hợp quy định tại điểm a, b do gia đình thân nhân hoặc công ty bảo lãnh hoặc công ty nơi người nước người tử vong làm việc chi trả.

d) Đối với thi hài không có người nhận, sau thời hạn bảo quản thi hài quy định tại điểm a, b khoản 2 của Điều này mà Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam không có ý kiến hoặc không có người nhận thì Công an cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người nước ngoài hoặc nơi phát hiện thi thể người nước ngoài tử vong (trong trường hợp không xác định được nơi cư trú) chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan lập biên bản khám nghiệm ngoài tử thi, khám nghiệm tử thi (nếu cần). Sau khi hoàn thiện các thủ tục, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với cơ quan công an cấp xã tổ chức mai táng theo quy định, đánh dấu nơi chôn cất để tiện cho việc người thân thăm viếng, cất bốc phần mộ sau này.

e) Trường hợp quy định tại điểm d, Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phương án kinh phí để tiến hành các thủ tục mai táng cho người nước ngoài tử vong.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Sở Ngoại vụ

1. Thực hiện ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố là cơ quan đầu mối trao đổi với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam trong quá trình giải quyết các vụ việc lãnh sự thông thường liên quan đến người nước ngoài.

2. Thông báo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để trao đổi với Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đối với các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố giải quyết các vụ việc liên quan đến người nước ngoài.

4. Hỗ trợ, hướng dẫn người nước ngoài và thân nhân người nước ngoài hoặc cá nhân, đơn vị được thân nhân người nước ngoài ủy quyền thực hiện các thủ tục cần thiết trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ việc.

5. Thường xuyên trao đổi thông tin với Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để phối hợp trong công tác quản lý người nước ngoài.

6. Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Ngoại giao về công tác lãnh sự liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn thành phố theo quy định.

Điều 10. Công an thành phố

1. Chỉ đạo Công an cấp huyện: Là cơ quan đầu mối tiếp nhận thông tin và chủ trì xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền.

2. Tổng hợp, cung cấp thông tin về tình hình xử lý các vấn đề phát sinh về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn thành phố cho Sở Ngoại vụ và các đơn vị liên quan.

3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy chế này và các quy định khác liên quan công tác quản lý người nước ngoài đến các đơn vị trực thuộc có thẩm quyền để phối hợp, xử lý các vụ việc đúng quy định.

4. Phối hợp với Sở Ngoại vụ hỗ trợ, hướng dẫn người nước ngoài và thân nhân người nước ngoài ngoài hoặc cá nhân, đơn vị được thân nhân người nước ngoài ủy quyền thực hiện các thủ tục cần thiết trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc.

Điều 11. Sở Y tế

1. Chỉ đạo các Cơ sở y tế thông báo về Sở Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan khi có người nước ngoài đến điều trị để phối hợp giải quyết.

2. Đảm bảo các điều kiện cơ bản về khám, chữa bệnh và điều trị cho người nước ngoài trên địa bàn thành phố.Trong quá trình giải quyết các vụ việc, chủ trì đề xuất phương án giải quyết trên lĩnh vực chuyên môn nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho người nước ngoài.

3. Đảm bảo về cơ sở và điều kiện trong công tác bảo quản thi hài người nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu cho công tác điều tra và công tác lãnh sự của các cơ quan liên quan.

4. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo vệ sinh trong công tác xử lý thi hài người nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Điều 12. Sở Tài chính

Căn cứ các trường hợp phát sinh cụ thể xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố hỗ trợ kinh phí để xử lý các vấn đề lãnh sự liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn thành phố cho các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

Điều 13. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố

1. Phối hợp với Sở Ngoại vụ, Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình xử lý, giải quyết các vụ việc lãnh sự liên quan đến người nước ngoài xảy ra trên khu vực biên giới biển của thành phố theo quy định.

2. Tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý người và phương tiện nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh trái phép khu vực biên giới cửa khẩu cảng biển của thành phố theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan giải quyết các vụ việc và thông tin kịp thời cho Công an thành phố, Sở Ngoại vụ về tình hình, kết quả giải quyết các vụ việc liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Điều 15. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy chế này và các quy định khác liên quan công tác quản lý người nước ngoài đến các đơn vị trực thuộc, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác quản lý người nước ngoài và trong quá trình tổ chức các hoạt động có yếu tố nước ngoài trên địa bàn.

3. Phối hợp với Công an thành phố, Sở Ngoại vụ xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Ngoại vụ) để xem xét, sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 26/2024/QĐ-UBND ngày 17/10/2024 về Quy chế phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài xảy ra trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


556

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.219.153
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!