ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
237/2005/QĐ-UBND
|
Thủ Dầu
Một, ngày 4 tháng 11 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP TRUNG TÂM KHUYẾN CÔNG VÀ TƯ VẤN PHÁT TRIỂN
CÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH DƯƠNG
UỶ BAN NHÂN DÂN
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày
23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ;
- Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày
09/06/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
- Căn cứ Thông tư liên tịch số
02/2003/TTLT/BCN- BNV ngày 29/10/2003 của liên Bộ Công nghiệp và Bộ Nội vụ hướng
dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn
giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về công nghiệp ở địa phương;
- Căn cứ Quyết định số 297/2003/QĐ-UB ngày
31/12/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Sở Công nghiệp tỉnh Bình Dương.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại
Tờ trình số 610/TTr-SCN ngày 25/10/2005 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số
579/TTr-SNV ngày 25/10/2005,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Thành lập Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công
nghiệp tỉnh Bình Dương kể từ 11/2005.
- Tên giao dịch tiếng Anh : Binh Duong Centre of
Industrial Extensin and Industrial Development Consultancy.
- Tên viết tắt : BD-CIEIDC
Điều 2. a- Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (sau
đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp có thu, chịu sự chỉ đạo và quản
lý trực tiếp của sở Công nghiệp.
Trung tâm có chức năng thực hiện công tác khuyến
công và các dịch vụ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp thuộc mọi
thành phần kinh tế trên các lĩnh vực đầu tư, quản trị doanh nghiệp, chuyển giao
công nghệ cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực
công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và các hoạt động khác có liên quan đến
phát triển sản xuất công nghiệp và công nghiệp nông thôn.
b- Trung tâm có 01 Giám đốc điều hành và từ
01-02 Phó Giám đốc giúp việc. Chức vụ giám đốc do UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm
theo đề nghị của Giám đốc sở Công nghiệp và Giám đốc sở Nội vụ. Chức vụ Phó
giám đốc do Giám đốc sở Công nghiệp bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi thống nhất với
Giám đốc sở Nội vụ.
c- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt
động của Trung tâm thực hiện theo quy định của UBND tỉnh ban hành kèm theo quyết
định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc sở Nội vụ, Giám đốc sở
Tài chính, Giám đốc sở Công nghiệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn và
phát triển công nghiệp, Chủ tịch UBND các huyện, thị và Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này sau 10 ngày kể từ
ngày ký./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hoàng Sơn
|
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
TRUNG TÂM KHUYẾN CÔNG VÀ TƯ VẤN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo quyết định số: 237/2005/QĐ -UBND ngày 04/11/2005 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí
Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công
nghiệp tỉnh Bình Dương (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp có
thu. Trung tâm chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Sở Công nghiệp, đồng thời
chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Công nghiệp địa phương (thuộc
Bộ Công nghiệp)
- Tên giao dịch tiếng Anh: Binh Duong Centre of
Industrial Extension and Industrial Development Consultancy.
- Tên viết tắt: BD-CIEIDC
Điều 2. Chức năng
Trung tâm có chức năng thực hiện công tác khuyến
công và các dịch vụ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp thuộc mọi
thành phần kinh tế trên các lĩnh vực đầu tư, quản trị doanh nghiệp, chuyển giao
công nghệ, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực
công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và các hoạt động khác có liên quan đến
phát triển sản xuất công nghiệp và công nghiệp nông thôn.
Chương 2
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Nhiệm vụ
1- Nhiệm vụ chung
- Thực hiện công tác khuyến công
- Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện hỗ
trợ doanh nghiệp công nghiệp và triển khai thực hiện sau khi được cấp có thẩm
quyền phê duyệt;
- Thu nhận và nghiên cứu thông tin phản hồi từ
các doanh nghiệp công nghiệp nhằm xác định những trở ngại trong hoạt động đầu
tư, sản xuất kinh doanh để tham mưu cho Sở Công nghiệp và Uỷ ban nhân dân tỉnh
có giải pháp điều chỉnh, khắc phục;
2- Về công tác khuyến công
- Hướng dẫn, hỗ trợ cá nhân, tổ chức khởi
sự doanh nghiệp, lập dự án đầu tư phát triển công nghiệp và công nghiệp nông
thôn;
- Hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ cho các cơ sở sản
xuất công nghiệp và công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hoá
sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng
quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ,
nâng cao năng lực sản xuất, bảo vệ môi trường;
- Phối hợp với các cơ sở sản xuất công nghiệp tổ
chức dạy nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho các doanh nghiệp;
- Hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm
thị trường, đối tác kinh doanh cho các doanh nghiệp công nghiệp;
- Tổ chức phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm
công nghiệp; tổ chức triển lãm và giới thiệu tham gia triển lãm; tổ chức hội chợ
giới thiệu sản phẩm và thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp;
- Tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm,
tham quan, khảo sát; hỗ trợ và tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất công nghiệp
và công nghiệp nông thôn liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế trong và ngoài
nước, tham gia các câu lạc bộ, hiệp hội ngành nghề;
- Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển
giao công nghệ và thực hiện dịch vụ tư vấn khoa học - công nghệ để hỗ trợ tổ chức,
cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp và công nghiệp nông thôn;
- Quan hệ với các tổ chức trong và ngoài nước
thu hút các nguồn vốn hoặc mời tham gia trực tiếp vào các chương trình khuyến
công của tỉnh. Động viên và huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham
gia, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp và công nghiệp
nông thôn;
- Tổ chức nghiên cứu, thực hiện các đề tài tiến
bộ khoa học và triển khai ứng dụng vào thực tế trong lĩnh vực công nghiệp và
công nghiệp nông thôn;
- Thẩm định và triển khai thực hiện các chương
trình, dự án thuộc nguồn vốn khuyến công hỗ trợ;
- Theo dõi, quản lý quỹ khuyến công theo uỷ quyền
và thực hiện các nhiệm vụ khuyến công khác.
3- Về công tác tư vấn và hỗ trợ
- Tư vấn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân lập dự
án đầu tư, khởi sự doanh nghiệp;
- Cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp
công nghiệp về: thị trường, lao động, công nghệ, sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu
hàng hoá; luật pháp và chính sách; các chương trình phát triển công nghiệp của
tỉnh, Chính phủ hoặc tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ đầu tư và hoạt động sản xuất
kinh doanh;
- Phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ
chức các khoá đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý và tổ
chức các hội thảo chuyên ngành về phát triển công nghiệp cho các doanh nghiệp;
- Làm đầu mối liên kết và hợp tác sản xuất kinh
doanh với các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế. Tổ chức các hoạt
động trao đổi kinh nghiệm, khảo sát, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế;
- Tổ chức các dịch vụ và dịch vụ công trong lĩnh
vực công nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, triển
khai ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
4- Về công tác hợp tác trong nước và quốc tế
- Đề xuất và tổ chức thực hiện các chương trình
hợp tác trong nước và quốc tế về hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp;
- Làm đầu mối tiếp nhận các nguồn tài trợ, hỗ trợ
từ các tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài để tổ chức thực hiện các chương trình
hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp.
5. Thực hiện các nhiệm
vụ khác do Sở Công nghiệp giao.
Điều 4. Quyền hạn
1. Trung tâm có tư cách pháp nhân, được sử
dụng con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động;
2. Được ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp,
tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp
công nghiệp trên địa bàn tỉnh;
3. Được thu các khoản phí, lệ phí từ việc
cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp theo quy định của
Nhà nước;
4. Được hợp đồng, thuê mướn lao động theo
nhu cầu trong hoạt động của đơn vị theo quy định của pháp luật;
5. Quản lý và thực hiện các chế độ chính
sách đối với cán bộ, viên chức của Trung tâm theo quy định của Nhà nước.
Chương 3
TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 5. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo: Trung tâm có 01 Giám đốc điều
hành và từ 01 đến 02 Phó Giám đốc giúp việc. Chức vụ giám đốc do Uỷ ban nhân
dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp và Giám
đốc Sở Nội vụ. Chức vụ phó giám đốc do Giám đốc đề nghị, Giám đốc Sở Công nghiệp
bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ.
2. Các phòng chức năng
- Phòng Hành chính - quản trị
- Phòng Tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp
- Phòng Khuyến công
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các
phòng do Giám đốc Trung tâm quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của Trung tâm được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Mỗi phòng có 01 Trưởng phòng và 01 Phó Trưởng
phòng. Chức vụ trưởng phòng do Giám đốc Sở Công nghiệp bổ nhiệm, miễn nhiệm
theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm. Chức vụ phó trưởng phòng do Giám đốc Trung
tâm quyết định.
Điều 6. Biên chế
Trong những năm đầu Trung tâm mới đi vào hoạt động,
tỉnh phân bổ cho Trung tâm một số biên chế khung để bố trí những chức danh chủ
chốt. Các chức danh còn lại Trung tâm hợp đồng theo Luật Lao động. Khi đủ điều
kiện Trung tâm sẽ hoạt động theo cơ chế tự trang trải.
Điều 7. Nhiệm vụ và
quyền hạn của Giám đốc
- Là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Giám
đốc Sở Công nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả hoạt động của Trung tâm;
- Tổ chức, chỉ đạo, điều hành thực hiện chức
năng, nhiệm vụ của Trung tâm, quyết định các chương trình công tác của Trung
tâm;
- Quyết định việc sử dụng kinh phí hoạt động của
Trung tâm;
- Chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về
toàn bộ hoạt động của Trung tâm.
Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn
của Phó Giám đốc
- Phó Giám đốc là người giúp việc cho Giám đốc;
theo dõi, chỉ đạo công tác của Trung tâm trong lĩnh vực được Giám đốc phân
công; chịu trách nhiệm trước Giám đốc và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp
luật về các nội dung công tác được phân công.
- Thay mặt Giám đốc khi được ủy quyền và không
được ủy quyền lại cho cấp dưới.
Chương 4
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 9. Chế độ làm việc
1. Trung tâm hoạt động theo chương trình,
kế hoạch công tác hàng năm do Sở Công nghiệp giao và theo chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn được quy định trong Bản quy định này.
2. Trung tâm làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Giám đốc quyết định các công việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của Trung tâm và chịu trách nhiệm cao nhất trước Sở Công nghiệp về toàn bộ hoạt
động của Trung tâm.
3. Khi có những vấn đề phát sinh vượt quá
thẩm quyền của Giám đốc hay chưa được sự thống nhất ý kiến của các cơ quan thì Giám
đốc phải báo cáo với Sở Công nghiệp xem xét cho ý kiến chỉ đạo giải quyết.
4. Định kỳ (do Giám đốc quy định) Trung
tâm tổ chức họp giao ban giữa lãnh đạo và các trưởng phòng, phó trưởng phòng để
nắm tình hình công tác và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm
trong thời gian tới. Giữa năm, Trung tâm tổ chức sơ kết 06 tháng và cuối năm tổ
chức tổng kết công tác nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian
qua và đề ra kế hoạch công tác cho thời gian tới.
Điều 10. Mối quan hệ công
tác
1. Đối với Cục Công nghiệp địa phương :
Trung tâm chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Cục; có trách nhiệm báo
cáo cho Cục các hoạt động chuyên môn của Trung tâm về công tác tư vấn, hỗ trợ
doanh nghiệp và khuyến công
2. Đối với Sở Công nghiệp: Trung
tâm chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Sở, có trách nhiệm báo cáo kết quả
công tác cho Sở theo quy định và tham mưu đề xuất với Sở về lĩnh vực công tác
do Trung tâm phụ trách.
3. Đối với các đơn vị thuộc Sở Công nghiệp:
Trung tâm có mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, cùng phối hợp trong công tác để
hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
4. Đối với Uỷ ban nhân dân các huyện,
thị: Là mối quan hệ giữa ngành và cấp. Trung tâm phối hợp với các tổ chức,
đơn vị thuộc Uỷ ban nhân dân các huyện, thị để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ
doanh nghiệp và khuyến công; đồng thời các huyện, thị có trách nhiệm tạo điều
kiện thuận lợi cho hoạt động của Trung tâm trên địa bàn.
5. Đối với các doanh nghiệp công nghiệp:
Trung tâm là cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp công nghiệp. Trung tâm
phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp này để tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp
thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp; tìm kiếm khách hàng, thị trường
tiêu thụ sản phẩm và các nguồn tín dụng trong và ngoài nước.
Chương 5
TÀI CHÍNH CỦA TRUNG TÂM
Điều 11. Kinh phí hoạt động
được hình thành từ các nguồn sau:
- Ngân sách tỉnh cấp;
- Nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ từ quỹ khuyến
công quốc gia và của tỉnh theo chương trình, kế hoạch và đề án được duyệt;
- Tài trợ và đóng góp của các cá nhân, tổ chức
trong và ngoài nước;
- Kinh phí đầu tư cho các chương trình, dự án của
tỉnh và doanh nghiệp thực hiện theo chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền
phê duyệt;
- Các khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ được thực
hiện theo các văn bản: Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí, lệ phí; Thông tư số 109/2000/TT-BTC
ngày 13/11/2000 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp và sử dụng lệ phí
thẩm định đầu tư; và các quy định hiện hành khác;
- Các nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu khác theo
quy định của pháp luật.
Điều 12. Nội dung chi
- Chi cho hoạt động thường xuyên theo chức năng,
nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và chi cho các hoạt động sự nghiệp có thu;
- Chi cho các hoạt động liên quan đến
công tác khuyến công;
- Chi đầu tư phát triển Trung tâm gồm: chi đầu
tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản, chi
thực hiện các dự án đầu tư theo quy định;
- Chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp
có thẩm quyền giao;
- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Chương 6
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Bản quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày quyết định
ban hành quy định này có hiệu lực.
Điều 14. Trong quá trình thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung hay hủy
bỏ bất cứ điều khoản nào trong Bản quy định này, Giám đốc Trung tâm đề nghị,
Giám đốc Sở Công nghiệp cùng Giám đốc Sở Nội vụ thống nhất trình Uỷ ban nhân
dân tỉnh xem xét quyết định ./.