QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG BỘ Y TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng
9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng
8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng
11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và
Chánh Văn phòng Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Văn phòng Bộ Y tế là cơ quan thuộc Bộ Y tế, thực
hiện chức năng tham mưu tổng hợp về chương trình, kế hoạch công tác và phục vụ
các hoạt động của Bộ Y tế; giúp Bộ trưởng Bộ Y tế tổng hợp, theo dõi, đôn đốc
các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Y tế thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của
Bộ Y tế; quản lý truyền thông, báo chí, xuất bản trong các lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý của Bộ Y tế; tổ chức thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ,
quản trị, tài chính của cơ quan Bộ Y tế; kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức
triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành
chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Bộ Y tế có tên giao dịch bàng Tiếng Anh:
Cabinet Office, Ministry of Health (CO-MOH).
2. Văn phòng Bộ Y tế có tư cách pháp nhân, con dấu
và tài khoản riêng, có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tham mưu, tổng hợp và theo dõi, đôn đốc triển
khai thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc, trực thuộc
Bộ Y tế xây dựng và theo dõi, đôn đốc việc triển khai Chương trình, Kế hoạch
công tác của Bộ Y tế, Chương trình làm việc của lãnh đạo Bộ Y tế; Quy chế làm
việc của Bộ Y tế; Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Y tế và các Bộ, Ban,
Ngành, Đoàn thể Trung ương;
b) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và báo cáo Bộ Y
tế tình hình triển khai các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các
cơ quan có thẩm quyền;
c) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan theo
dõi, đôn đốc và tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế và tình hình thực hiện các ý kiến chỉ đạo,
kết luận của lãnh đạo Bộ Y tế đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế;
d) Thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, Thư ký Bộ
trưởng Bộ Y tế và giúp việc các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế;
đ) Tổ chức đánh giá định kỳ, đột xuất tình hình thực
hiện Chương trình, Kế hoạch công tác của Bộ Y tế đã được phê duyệt;
e) Tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện các chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình hành động của Chính
phủ và của Bộ Y tế;
g) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp,
xây dựng Báo cáo chỉ đạo điều hành, Báo cáo tình hình hoạt động của Bộ Y tế và
của ngành khi được Bộ Y tế phân công;
h) Đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Y tế tổng hợp báo cáo,
trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội; kiến nghị của cử tri, Báo cáo gửi các Ủy
ban của Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và kiến nghị,
đề xuất của các địa phương; chuẩn bị các báo cáo tổng hợp phục vụ các kỳ họp của
Quốc hội; cung cấp thông tin về các chính sách y tế cho Đại biểu Quốc hội và cử
tri;
i) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển
khai Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của Cơ quan Bộ Y tế;
2. Quản lý Tài chính - Kế toán đối với các nguồn kinh
phí giao cho Văn phòng Bộ Y tế quản lý, bao gồm:
a) Xây dựng kế hoạch thu, chi ngân sách hằng năm, kế
hoạch trung hạn 03 năm của Cơ quan Bộ Y tế theo quy định (gồm Thanh tra Bộ, các
Vụ và các Phòng thuộc Văn phòng Bộ Y tế);
b) Triển khai thực hiện dự toán thu, chi ngân sách
nhà nước hằng năm đối với các nguồn kinh phí giao cho Văn phòng Bộ Y tế quản
lý;
c) Quản lý nguồn thu phí, lệ phí (nếu có);
d) Tổ chức công tác hạch toán kế toán theo quy định
của pháp luật.
3. Thực hiện công tác quản trị, hậu cần, lễ tân
trong Cơ quan Bộ Y tế, bao gồm:
a) Quản lý đất đai, trụ sở làm việc, vật tư, tài sản,
cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của cơ quan Bộ Y tế tại 138A Giảng Võ và Đại
diện Văn phòng Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; đảm bảo cảnh quan môi trường
trong khuôn viên Bộ Y tế; tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả xe ô tô để phục
vụ các hoạt động của Bộ Y tế;
b) Đảm bảo công tác bảo vệ an ninh trật tự; thực hiện
công tác quốc phòng, thường trực Ban Chỉ huy quân sự cơ quan;
c) Tham mưu Bộ Y tế thực hiện, tổ chức triển khai đảm
bảo công tác phòng cháy, chữa cháy trong Cơ quan Bộ Y tế;
d) Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn khách đến công tác tại
Bộ Y tế; chịu trách nhiệm về công việc khánh tiết trong các ngày lễ, ngày tết,
hội nghị, hội thảo toàn ngành do Bộ Y tế tổ chức và các công việc đột xuất khác
có liên quan.
4. Thực hiện công tác y tế cơ quan, phối hợp với
Công đoàn Cơ quan Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan để chăm lo đời sống
vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, người lao động và các đối tượng
chính sách trong Cơ quan Bộ Y tế.
5. Thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ:
a) Tổ chức, thực hiện công tác hành chính, văn thư,
lưu trữ theo quy định của pháp luật và của Bộ Y tế;
b) Hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra việc thực hiện
công tác hành chính, văn thư, lưu trữ của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế;
c) Quản lý và tổ chức khai thác, thông tin, tư liệu
lưu trữ theo quy định;
d) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực
hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước ngành Y tế.
6. Thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính:
a) Xây dựng, đôn đốc, triển khai Kế hoạch rà soát,
đánh giá thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế hằng
năm; kiểm soát việc quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật;
b) Đôn đốc, theo dõi việc công bố, công khai thủ tục
hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; chủ trì phối hợp với các
đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên
thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Y
tế theo quy định của pháp luật;
c) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp
nhận, phân loại và đôn đốc trả lời các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức
về quy định thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế;
d) Kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại
các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế;
đ) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hướng
dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo
tiêu chuẩn ISO 9001 trong hoạt động của Bộ Y tế và công tác tuyên truyền cải
cách hành chính tại Bộ Y tế.
7. Thực hiện công tác thông tin, truyền thông, giáo
dục sức khỏe của ngành Y tế và công tác quản lý báo chí, xuất bản thuộc phạm vi
quản lý nhà nước của Bộ Y tế:
a) Tham mưu công tác quản lý nhà nước, xây dựng,
trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương
trình, đề án, dự án, kế hoạch về thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe,
nâng cao năng lực mạng lưới truyền thông các cấp, hướng dẫn tổ chức thực hiện,
giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết hằng năm và giai đoạn;
b) Thường trực Tổ xử lý thông tin báo chí về y tế;
hướng dẫn và triển khai thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho
báo chí của Bộ Y tế; phối hợp các đơn vị liên quan tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ
Y tế xem xét, xử lý thông tin y tế theo quy định;
c) Thực hiện công tác quản lý báo chí, xuất bản thuộc
thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Y tế và quy hoạch hệ thống báo chí, xuất bản
ngành Y tế theo quy định; tổ chức triển lãm, hội chợ y dược; biên soạn, xây dựng
tài liệu, xuất bản phẩm Y tế;
d) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng
kế hoạch, hướng dẫn thực hiện công tác giáo dục truyền thống lịch sử ngành y tế,
quy hoạch, thẩm định, đề xuất trùng tu và xây dựng các khu di tích lịch sử
ngành y tế;
đ) Tham mưu xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch
phối hợp truyền thông giữa Bộ Y tế với các Bộ, ngành, các cơ quan báo chí, các
đơn vị liên quan;
e) Xây dựng, quản lý kho dữ liệu, tài liệu truyền
thông của Bộ Y tế; phát triển và vận hành các kênh truyền thông của Bộ Y tế
trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật; nghiên cứu khoa học, hợp tác
quốc tế về truyền thông y tế theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện công tác ứng dụng công nghệ thông tin
trong Cơ quan Bộ Y tế.
a) Quản lý, vận hành và tổ chức triển khai thực hiện
các hệ thống ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Bộ Y tế,
bao gồm: Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế; Hệ thống Quản lý và điều hành văn bản
điện tử Bộ Y tế (VOffice), Hội nghị truyền hình, trực tuyến và các hệ thống ứng
dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Y tế;
b) Quản lý, triển khai bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp
và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng đối với các hệ thống thuộc các Vụ,
Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Văn phòng Đảng ủy và Văn
phòng các Đoàn thể thuộc Cơ quan Bộ Y tế, bao gồm: Hệ thống cơ sở hạ tầng thông
tin mạng internet, mạng nội bộ (LAN); hệ thống thông tin liên lạc, tổng đài, điện
thoại; hệ thống máy tính, trang thiết bị công nghệ thông tin và đường truyền số
liệu chuyên dụng của Chính phủ.
9. Thực hiện công tác tổ chức cán bộ của Văn phòng
Bộ Y tế theo quy định về phân cấp ủy quyền.
10. Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Cơ
quan Bộ Y tế.
11. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ
trưởng Bộ Y tế giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và hoạt
động
1. Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế: Chánh Văn phòng Bộ Y
tế và các Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế.
2. Cơ cấu tổ chức:
a) Phòng Tổng hợp;
b) Phòng Kế hoạch - Tài chính;
c) Phòng Quản trị;
d) Phòng Tổ chức - Hành chính;
e) Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính;
f) Phòng Công nghệ thông tin;
g) Phòng Truyền thông y tế;
h) Đại diện Văn phòng Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí
Minh.
Chánh Văn phòng Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc Văn phòng Bộ Y tế.
3. Biên chế
Biên chế của Văn phòng Bộ Y tế được xác định theo
quy định của pháp luật về vị trí việc làm và được điều chỉnh hằng năm theo nhu
cầu vị trí việc làm do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định trên cơ sở đề xuất của
Chánh Văn phòng Bộ Y tế.
4. Cơ chế hoạt động:
a) Văn phòng Bộ Y tế hoạt động theo chế độ thủ trưởng;
b) Đại diện Văn phòng Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí
Minh có con dấu và tài khoản tiền gửi tại kho bạc để thực hiện nhiệm vụ được
giao của Văn phòng Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
c) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo
các đơn vị thuộc Văn phòng Bộ Y tế thực hiện theo quy định của pháp luật và
theo phân cấp ủy quyền của Bộ Y tế;
d) Các chức danh lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế và lãnh
đạo các đơn vị thuộc Văn phòng Bộ Y tế được hưởng phụ cấp theo quy định của
pháp luật;
Điều 4. Hiệu Iực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban
hành.
2. Quyết định này thay thế Quyết định số
2058/QĐ-BYT ngày 08 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Bộ Y tế và Quyết định số
4816/QĐ-BYT ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đại diện Văn phòng Bộ Y tế tại Thành
phố Hồ Chí Minh.
3. Phòng Tài chính - Kế toán, Phòng Quản trị, Phòng
Công nghệ thông tin, Đại diện Văn phòng Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục
thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo các quy định hiện
hành cho đến khi Chánh Văn phòng Bộ Y tế quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức các tổ chức thuộc Văn phòng Bộ Y tế.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng,
Cục trưởng thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Nội vụ;
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|