BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 224-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 01 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu
toàn quốc lần thứ XI của Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban
Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XI;
- Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW,
ngày 28-5-2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số
vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”,
BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Vị trí,
chức năng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ; đặt dưới
sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung,
cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị; trung tâm quốc
gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hò Chí Minh, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh
đạo, quản lý.
Điều 2. Nhiệm vụ,
quyền hạn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1-
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo,
quản lý trung, cao cấp của hệ thống chính trị, lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị
sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước về: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh; những quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và
pháp luật của Nhà nước; những vấn đề lý luận và thực tiễn mới trong nước và trên
thế giới, khoa học chính trị; khoa học lãnh đạo, quản lý.
- Đào tạo cao cấp lý luận chính trị
cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và trong quy hoạch.
- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới
cho cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức trong hệ
thống chính trị theo phân công, phân cấp.
- Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên,
nghiên cứu viên và các đối tượng khác về các chuyên ngành khoa học chính trị,
khoa học lãnh đạo quản lý và một số ngành khoa học xã hội.
- Đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành cho
cán bộ làm công tác báo chí và truyền thông, tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, dân
vận, văn phòng, tôn giáo… của hệ thống chính trị.
2- Nghiên cứu khoa học
- Nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước; nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo quản lý, một số
ngành khoa học xã hội; tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội
và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
- Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng
Cộng sản Việt Nam và lịch sử phong trào cách mạng thế giới.
- Nghiên cứu, xây dựng, bổ sung
chương trình, nội dung, tổ chức biên soạn, chỉnh lý các giáo trình, tài liệu học
tập cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.
3-
Tham mưu, đề xuất, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong
việc hoạch định đường lối xây dựng và phát triển đất nước, đổi mới tổ chức và
hoạt động của hệ thống chính trị.
4-
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, hướng dẫn và thống nhất
quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng; phương pháp
giảng dạy và học tập; nghiên cứu khoa học; quy chế quản lý đào tạo; đào tạo, bồi
dưỡng giảng viên của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
5-
Chủ trì, phối hợp hướng dẫn việc nghiên cứu, biên soạn và tham gia thẩm định lịch
sử Đảng của các địa phương, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; tài liệu về
thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
và Nhà nước.
6-
Hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học với các
cơ quan đào tạo và nghiên cứu khoa học của các nước, các đảng cộng sản và công
nhân, các lực lượng cánh tả và tiến bộ, các chính đảng và đảng cầm quyền ở các
nước trên thế giới.
7- Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ,
công chức, viên chức; thực hiện các chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, thi
đua, khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức của Học viện
theo phân công, phân cấp.
8-
Quản lý tài chính, tài sản; quyết định và chịu trách nhiệm về các dự án đầu tư
thuộc thẩm quyền theo quy định.
9-
Xuất bản và phát hành tạp chí, bản tin, các ấn phẩm khoa học, tài liệu phục vụ
cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện
theo quy định của Đảng và Nhà nước.
10- Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và
Chính phủ giao
- Đào tạo đại học và sau đại học thuộc
lĩnh vực đào tạo của Học viện.
- Quản lý, cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của Học viện theo quy định
của Đảng và Nhà nước.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ
Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ giao.
Điều 3. Tổ chức bộ
máy, biên chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1- Lãnh đạo Học viện
Giám đốc do Bộ Chính trị phân công;
các phó giám đốc do Ban Bí thư xem xét, quyết định.
2- Các vụ, đơn vị chức năng trực
thuộc
1. Vụ Tổ chức - Cán
bộ
2. Vụ Quản lý đào tạo
3. Vụ Quản lý khoa học
4. Vụ Các trường chính trị
5. Vụ Hợp tác quốc tế
6. Vụ Kế hoạch - Tài chính
7. Ban Thanh tra
8. Văn phòng Học viện
9. Văn phòng Đảng - Đoàn thể
10. Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo
3- Các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy và các
đơn vị sự nghiệp trực thuộc
1. Viện Triết học
2. Viện Kinh tế chính trị học
3. Viện Kinh tế
4. Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học
5. Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
6. Viện lịch sử Đảng
7. Viện Xây dựng Đảng
8. Viện Chính trị học
9. Viện Nhà nước và Pháp luật
10. Viện Văn hóa và Phát triển
11. Viện Quan hệ quốc tế
12. Viện Nghiên cứu quyền con người
13. Viện Xã hội học
14. Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng
15. Viện lãnh đạo học và Chính sách công
16. Viện Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản
lý
17. Viện Thông tin khoa học
18. Tạp chí Lý luận chính trị
19. Nhà xuất bản Lý luận chính trị
4- Các học viện trực thuộc
1. Học viện Chính trị khu vực I (đặt tại thành phố
Hà Nội)
2. Học viện Chính trị khu vực II (đặt tại thành phố
Hồ Chí Minh)
3. Học viện Chính trị khu vực III (đặt tại thành phố
Đà Nẵng)
4. Học viện Chính trị khu vực IV (đặt tại thành phố
Cần Thơ)
5. Học viện Báo chí và Tuyên truyền (đặt tại thành
phố Hà Nội)
Các Học viện Chính trị khu vực và Học viện Báo chí
và Tuyên truyền có tổ chức bộ máy, biên chế và chế độ, chính sách phù hợp để
phát huy tính chủ động, tích cực trong các mặt công tác.
Lãnh đạo và chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của
các Học viện Chính trị khu vực và Học viện Báo chí và Tuyên truyền do Giám đốc
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quyết định.
5- Về biên chế
- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, thống nhất với Học
viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xác định số lượng biên chế trên cơ sở chức
năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm của cán
bộ, công chức, viên chức.
- Ngoài số biên chế theo quy định, Học viện Chính
trị quốc gia Hồ Chí Minh được thực hiện chế độ cộng tác viên nghiên cứu khoa học,
giảng viên kiêm nhiệm.
Điều 4. Về con dấu và tài chính
của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được sử dụng
con dấu hình quốc huy.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị
tài chính cấp 1.
Điều 5. Chế độ làm việc và quan
hệ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, Học
viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng và ban hành Quy chế làm việc.
- Quan hệ giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung
ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể
chính trị - xã hội, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
và quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện
quản lý và phân cấp các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học
cho các học viện và các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ của Học viện
và các quy định của Đảng và Nhà nước.
- Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh làm việc theo chế độ thủ trưởng. Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về hoạt động
của Học viện và tổ chức, điều hành công việc của Học viện.
Điều 6. Điều khoản thi hành
- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
- Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thể chế
hóa về mặt nhà nước Quyết định này.
- Giao Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương lãnh đạo,
chỉ đạo sắp xếp mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ Học viện phù hợp
với Quyết định này.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các ban
đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy,
thành ủy và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
- Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng
mắc cần thiết sửa đổi, bổ sung thì Học viện phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương
trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Lê Hồng Anh
|