KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN TỔNG ĐIỀU TRA HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO THEO
MỨC CHUẨN NGHÈO ÁP DỤNG CHO GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2201/QĐ-UBND, ngày 08/10/2010 của Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
Căn cứ Chỉ thị số 1752/CT-TTg, ngày 21 tháng
9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên
toàn quốc phục vụ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn
2011 - 2015.
Căn cứ Công văn số 3385/LĐTBXH-BTXH về việc
hướng dẫn quy trình tổng điều tra hộ nghèo theo Chỉ thị số 1752/CT-TTg.
Thực hiện Công văn số 2923/UBND-VHXH, ngày 28
tháng 9 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc tổ chức tổng điều
tra hộ nghèo theo Chỉ thị số 1752/CT-TTg, ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng
Chính phủ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp
với Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện điều tra hộ
nghèo, hộ cận nghèo theo mức chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 ở tất
cả các xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:
Mục đích: Tổng điều tra xác định đầy đủ hộ
nghèo, tỷ lệ nghèo; hộ cận nghèo, tỷ lệ cận nghèo ở từng địa phương, làm căn cứ
cho việc xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an
sinh xã hội của các địa phương.
Yêu cầu: Việc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo phải
được thực hiện từ ấp, khóm, trực tiếp đối với từng hộ, đảm bảo công khai, dân
chủ, có sự tham gia của các cấp, các ngành và của người dân, theo đúng hướng dẫn
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhằm xác định đúng đối tượng, không bị
trùng lặp, sót, phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân địa phương.
Kết thúc cuộc tổng điều tra, từng ấp, khóm, xã
phải xác định được chính xác số hộ nghèo, hộ cận nghèo (mỗi loại đối tượng) lập
thành một danh sách duy nhất về hộ nghèo, hộ cận nghèo để theo dõi, quản lý; từng
huyện, thành phố xác định được tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương
mình; đồng thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ
ĐIỀU TRA:
1. Phạm vi điều tra: Cuộc điều tra được
tiến hành ở tất cả 107 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
2. Đối tượng điều tra: Là tất cả hộ
nghèo, hộ cận nghèo của địa phương kể cả những hộ gia đình theo đăng ký thường
trú và tạm trú từ 06 tháng trở lên tại địa bàn ấp/khóm.
3. Đơn vị điều tra: Gồm các ấp, khóm, cụm
dân cư (gọi chung là ấp), khu phố, tổ dân phố (gọi chung là tổ dân phố).
III. THỜI ĐIỂM, THỜI GIAN ĐIỀU
TRA:
- Thời điểm điều tra: Từ ngày 15/10/2010
- Thời gian điều tra từ ngày 15/10 đến ngày
15/11/2010
IV. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA:
Do đặc điểm tình hình hiện nay hộ nghèo, hộ cận
nghèo cấp xã, huyện, thành phố đang trực tiếp quản lý. Việc xác định và lập
danh sách hộ cần điều tra do tổ trưởng tổ nhân dân tự quản, trưởng ấp, khóm và
cán bộ xã, phường, thị trấn thực hiện điều tra trực tiếp mức thu nhập của hộ
thuộc diện điều tra (theo phiếu B). Chỉ điều tra thu nhập của hộ trong 12 tháng
qua để xác định thu nhập bình quân đầu người trong hộ so với chuẩn nghèo, chuẩn
cận nghèo ban hành tại Chỉ thị số 1752/CT-TTg, ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Thủ
tướng Chính phủ về việc tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc phục vụ
cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Căn cứ
vào số lượng cần điều tra, Ban Chỉ đạo cấp xã phân công người điều tra theo địa
bàn ấp, khóm, xác định phân lượng thời gian điều tra và thời gian nghiệm thu
phiếu điều tra thực hiện kịp thời.
V. CĂN CỨ ĐỂ XÁC ĐỊNH HỘ
NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO:
Theo Chỉ thị số 1752/CT-TTg, ngày 21 tháng 9 năm
2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên toàn
quốc phục vụ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2011 -
2015 quy định mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo như sau:
1. Mức chuẩn hộ nghèo áp dụng cho giai đoạn
2011 - 2015, cụ thể:
- Khu vực thành thị: Những hộ có mức thu nhập
bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ
nghèo.
- Khu vực nông thôn: Những hộ có mức thu nhập
bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ
nghèo.
2. Mức chuẩn hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn
2011 - 2015:
- Khu vực thành thị: Những hộ có mức thu nhập
bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng là hộ cận nghèo.
- Khu vực nông thôn: Những hộ có mức thu nhập
bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng là hộ cận nghèo.
* Mẫu biểu thực hiện phiếu điều tra hộ nghèo, hộ
cận nghèo, các loại danh sách, tổng hợp, báo cáo.....(theo các mẫu gửi kèm).
3. Quy trình, tiến độ thời gian thực hiện:
a) Tổ nhân dân tự quản và ấp, khóm:
Là đơn vị nhận dạng hộ nghèo đầu tiên và đảm bảo
tính chính xác. Khi nhận dạng ban đầu phải dựa vào danh sách hộ khẩu do công an
quản lý trên địa bàn ấp, khóm, đưa tất cả các hộ trong tổ vào phiếu A. Đối với
những hộ gia đình theo đăng ký thường trú và tạm trú từ 06 tháng trở lên tại địa
bàn ấp/khóm cũng được xét để nhận dạng nhanh hộ gia đình tại tố, ấp - khóm. Đối
với những hộ nghèo theo mức chuẩn nghèo, mức chuẩn cận nghèo áp dụng cho giai
đoạn 2011 - 2015 lập danh sách và thảo luận về kết quả nhận dạng nhanh hộ có
thu nhập dưới chuẩn nghèo với các biến cố xảy ra trong 02 năm 2008 - 2009 về
các thông tin như về nhân khẩu, lao động, việc làm, đất đai, tài sản… (những hộ
có xảy ra biến cố từ cột số 02 đến cột số 09 hộ nào rơi vào biến cố nào đánh dấu
chéo (x) vào cột tương ứng), và thông qua tập thể, khóm - ấp để kết luận thống
nhất nếu dự kiến xác định là những hộ có khả năng nghèo được đánh chéo (x) tại
cột số 10 trong phiếu A và những hộ có khả năng hộ cận nghèo được đánh chéo (x)
tại cột số 11 trong phiếu A thì ấp - khóm lập danh sách theo mẫu A1, từ danh
sách mẫu A1 này trưởng ấp, khóm phân công cán bộ là điều tra viên đến từng hộ
gia đình điều tra và tính mức thu nhập để xác định là hộ nghèo, hộ cận nghèo
theo phiếu B.
Bước điều tra tính thu nhập cho mỗi hộ rất quan
trọng, cần phải thực hiện đúng theo những vấn đề của đề cương. Đặc biệt những hộ
bình quân thu nhập ở mức gần trên dưới chuẩn nghèo và cận nghèo, cần phải xem
xét những gia đình có hoàn cảnh cụ thể như: Điều kiện lao động trong hộ có đảm
bảo cuộc sống; điều kiện tư liệu sản xuất, đất đai của hộ; trong hộ gia đình có
người đau bệnh triền miên sau đó thống nhất mức thu nhập cần thiết.
Sau khi điều tra xong, trưởng ấp - khóm hoặc Bí
thư chi bộ tổ chức cuộc họp toàn thể cán bộ chủ chốt gồm: Bí thư các chi bộ Đảng,
các đoàn thể của ấp, khóm và tổ trưởng tổ nhân dân tự quản tham dự để thông qua
kết quả điều tra thu nhập từng hộ, dựa vào chuẩn nghèo, cận nghèo quy định và dựa
vào từng hoàn cảnh cuộc sống cụ thể của từng hộ để kết luận hộ đó là hộ nghèo,
hộ cận nghèo. (Riêng hộ nghèo theo danh sách địa phương đang quản lý năm 2009,
những hộ có mức thu nhập trên 200.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 260.000 đồng/người/tháng
ở thành thị thì cho thoát nghèo theo chuẩn cũ).
Sau khi ấp - khóm kết luận hộ nghèo và cận nghèo
(thoát nghèo theo chuẩn cũ), lập danh sách theo mẫu (mẫu số 1, mẫu số 2), trưởng
ấp - khóm ký tên gửi về xã (Uỷ ban nhân dân xã lưu trữ lại hồ sơ) gồm:
- Phiếu A: Nhận dạng nhanh hộ gia đình tại tổ/ấp
(khóm).
- Phiếu A1: Danh sách kết quả sơ bộ hộ nghèo, cận
nghèo (căn cứ vào phiếu A) để chuẩn bị điều tra tại cấp ấp, (khóm) và biên bản
họp ấp, khóm.
Tất cả các cuộc họp của ấp, khóm, xét hộ nghèo,
hộ cận nghèo đều phải lập biên bản theo mẫu và phải công khai ra dân để dân biết
và góp ý.
b) Cấp xã, phường, thị trấn: Ban Chỉ đạo giảm
nghèo trực tiếp chỉ đạo ấp điều tra và họp hội đồng cấp xã xét duyệt hộ nghèo,
hộ cận nghèo theo mức chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 (tuỳ theo số
hộ cần điều tra của từng địa bàn mà bố trí số lượng điều tra viên cho hợp lý).
Họp phổ biến và quán triệt nội dung kế hoạch điều tra của tỉnh, huyện cho các
thành viên Ban Chỉ đạo, Bí thư các chi bộ Đảng, trưởng ấp, khóm và các điều tra
viên.
Chỉ đạo và giám sát các điều tra viên tại địa
bàn; tổ chức bình xét tại cơ sở (ấp, khóm) và tại xã, phường, thị trấn; hoàn chỉnh
danh sách đối tượng, các loại mẫu biểu (theo quy định); phê duyệt danh sách hộ
nghèo, cận nghèo theo đề nghị của từng ấp, khóm và báo cáo kết quả điều tra về
Ban Chỉ đạo huyện, thành phố.
Lưu ý: Trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận
nghèo được xác định ở cấp cơ sở phải tổng hợp và phân loại hộ nghèo, hộ cận
nghèo ra từng loại hộ theo từng đặc trưng của hộ cụ thể như: Số người là nữ
trong hộ, hộ nghèo có đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; số người đang đi
học trong hộ; số người cao tuổi; số người là đối tượng chính sách; hộ gia đình
hiện đang sống trong nhà tạm hoặc ở nhờ; hộ đang sử dụng nguồn nước không đảm bảo
vệ sinh để ăn uống; nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của hộ (theo mẫu 05, mẫu
06, 07, 08) và tổ chức bình xét công khai, dân chủ (theo mẫu biên bản số 04).
Thông báo công khai danh sách hộ điều tra để toàn bộ dân cư trên địa bàn biết,
danh sách phải được thông báo công khai tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn
trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn, hoặc niêm yết công
khai tại xã, phường, thị trấn trong 15 ngày làm việc...
Sau thời gian thông báo công khai, xã, phường,
thị trấn mở cuộc họp hội đồng (theo mẫu biên bản số 04), quyết định bình xét từng
hộ có tên trong các danh sách. Hội đồng này chịu trách nhiệm (đúng, sai) về các
hộ có tên trong từng danh sách đề nghị. Việc bình xét theo nguyên tắc công
khai, dân chủ, khách quan và phải lấy ý kiến biểu quyết (giơ tay hoặc bỏ phiếu);
kết quả biểu quyết phải có trên 50% số người tham dự đồng ý mới được đưa vào
danh sách đề nghị hộ nghèo (theo mẫu số 01), hộ cận nghèo (theo mẫu số 02) theo
mức chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015. Sau đó, Uỷ ban nhân dân
(UBND) xã, phường, thị trấn làm thủ tục công nhận: Hộ nghèo và hộ cận nghèo
theo mức chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015. Ban Chỉ đạo giảm nghèo
cấp xã đề nghị Ban Chỉ đạo cấp huyện, thành phố phê duyệt kết quả điều tra hộ
nghèo, hộ cận nghèo của xã, phường, thị trấn, đồng thời theo dõi biến động hộ
nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Tóm lại: Ban Chỉ đạo xã, phường, thị trấn tổ chức
hội nghị bình xét tại địa phương, thành phần tham dự gồm: Cấp uỷ, UBND cấp xã,
cán bộ lao động thương binh xã hội, đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
các đoàn thể, Hội Cựu chiến binh và hộ gia đình, thống nhất hoàn chỉnh danh
sách hộ nghèo (mẫu số 1), hộ cận nghèo (mẫu số 2) và tổng hợp báo cáo toàn bộ hồ
sơ điều tra gởi về Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện và thành phố (theo mẫu số
01, 02, 03, 04, 05, 06, 07, 08 và phiếu B).
c) Cấp huyện, thành phố: Ban Chỉ đạo giảm nghèo
trực tiếp chỉ đạo điều tra và xét duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức chuẩn
nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 của địa phương. Có trách nhiệm xây dựng
và triển khai kế hoạch tổ chức điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức chuẩn
nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 tại địa phương đảm bảo đúng tiến độ,
quy trình theo kế hoạch và hướng dẫn của tỉnh. Tổ chức chỉ đạo thực hiện toàn
diện cuộc tổng điều tra trong phạm vi huyện, thành phố; tập huấn nghiệp vụ cho
giám sát và điều tra viên cơ sở, tuyên truyền giải thích về ý nghĩa và mục đích
của cuộc điều tra; chỉ đạo việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức chuẩn
nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 tại xã, phường, thị trấn. Kiểm tra,
giám sát quá trình điều tra tại địa phương; nghiệm thu phiếu điều tra, danh
sách hộ, các biểu mẫu điều tra.
Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện và thành phố kiểm
tra, xử lý những sai sót, tổng hợp số liệu kết quả điều tra trình Uỷ ban nhân
dân phê duyệt. Đồng thời báo cáo theo mẫu quy định (theo mẫu 01, 02, 05, 06,
07, 08 và phiếu B), tổng hợp số liệu và quyết toán kinh phí của cấp huyện gửi về
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Bảo trợ xã hội) nghiệm thu.
d) Cấp tỉnh: Ban Chỉ đạo tổng điều tra hộ nghèo
của tỉnh có trách nhiệm tập huấn nghiệp vụ cho tổ giám sát và điều tra viên cấp
cơ sở, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các huyện, thành phố và cơ sở
trong quá trình triển khai thực hiện; tiếp nhận hồ sơ điều tra do các huyện,
thành phố chuyển đến đồng thời thực hiện các bước xử lý tại tỉnh đúng theo tiến
độ, tổng hợp, phân tích số liệu và báo cáo kết quả thống kê điều tra trình Uỷ
ban nhân dân tỉnh. Tỉnh hỗ trợ địa phương về các loại danh sách hộ điều tra, mẫu
biểu, phiếu điều tra, thống kê, tổng hợp số liệu.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN:
1.525 triệu đồng.
Kinh phí trung ương hỗ trợ: 220 triệu đồng.
Kinh phí địa phương đối ứng: 1.305 triệu đồng.
Để thực hiện việc thiết kế các biểu mẫu, in tài
liệu hướng dẫn, thống kê, phiếu điều tra, các loại danh sách, thực hiện tập huấn
nghiệp vụ, kiểm tra, thống kê, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, kiểm tra danh
sách, tổng hợp số liệu, đánh giá, báo cáo, thanh toán phiếu điều tra, kiểm tra
xử lý phiếu điều tra, tuyên truyền... theo quy định.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Công tác chuẩn bị:
- Cấp tỉnh: Từ ngày 01/10 đến ngày 10/10/2010 Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn cho cấp huyện, thành phố về
phương pháp, cách thức tiến hành tổng điều tra.
- Cấp huyện, thành phố: Từ ngày 11/10 đến ngày
20/10/2010 tổ chức tập huấn cho cấp cơ sở và tiến hành chỉ đạo điều tra.
- Cấp xã/phường/thị trấn; ấp/khóm: Từ ngày 21/10
đến ngày 15/11/2010 tổng hợp phiếu điều tra và các mẫu biểu về cấp huyện. Trong
đó: Từ 21/10 đến 25/10 ấp/khóm họp các hộ trong tổ và để nhận dạng nhanh theo
phiếu A và trực tiếp đi điều tra; từ 26/10 - 15/11/2010 trực tiếp điều tra và tổng
hợp hoàn chỉnh danh sách...
Từ ngày 16/11/2010 đến ngày 25/11/2010 Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội tiến hành nghiệm thu và xử lý tổng hợp nhanh kết quả điều
tra từ cấp huyện, thành phố để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh. Đồng thời tổ chức
phúc tra, đánh giá kết quả từ 1 - 3% số phiếu điều tra ở huyện, thành phố.
2. Tổ chức thực hiện:
- Cấp tỉnh: Thống nhất Ban Chỉ đạo Chương trình
giảm nghèo hiện tại là Ban Chỉ đạo tổng điều tra hộ nghèo của tỉnh, tổ giám sát
viên gồm: Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và xã hội là Trưởng ban
và Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh là Phó Trưởng ban; một số chuyên viên của Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thống kê tỉnh là thành viên và mời thành
viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thực hiện việc giám sát.
- Cấp huyện: Ban Chỉ đạo tổng điều tra hộ nghèo
của cấp huyện, tổ giám sát viên gồm: Đại diện lãnh đạo Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội là Trưởng ban, lãnh đạo Phòng Thống kê huyện là Phó Trưởng ban;
một số chuyên viên của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống kê huyện
là thành viên và mời thành viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện thực hiện
việc giám sát.
- Cấp xã: Cuộc điều tra đặt dưới sự chỉ đạo trực
tiếp của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, lực lượng điều tra gồm cán bộ
lao động thương binh xã hội; trưởng ấp/khóm, tổ dân phố, Bí thư chi bộ...
3. Nhiệm vụ của các ngành, các cấp:
3.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp
với Cục Thống kê và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, kinh phí, phương
án tổ chức điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn trình Uỷ ban nhân dân tỉnh
phê duyệt; tổ chức tập huấn điều tra cho cấp huyện và cấp xã; chỉ đạo và giám
sát việc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo ở cơ sở.
3.2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội xây dựng dự toán kinh phí tổng điều tra hộ nghèo, cận
nghèo dự kiến mức hỗ trợ cho các địa phương trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt
để thực hiện.
3.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Cục Thống kê
phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương thực hiện
tốt cuộc tổng điều tra hộ nghèo; trong khi chưa có kết quả điều tra chính thức,
dự báo tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới cho các địa phương, làm cơ sở
xây dựng kế hoạch giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn năm 2011. Công bố tỷ
lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và thực hiện
các chính sách an sinh xã hội.
3.4. Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hoá,
Thể thao và Du lịch; Đài Truyền hình; Đài Truyền thanh và các cơ quan thông tin
đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng,
ý nghĩa của cuộc tổng điều tra hộ nghèo trong tỉnh, phát huy tinh thần làm chủ,
thực hiện tốt cuộc tổng điều tra hộ nghèo.
3.5. Các sở, ngành liên quan căn cứ vào mức chuẩn
nghèo, cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 để chủ động xây dựng các
chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội thuộc lĩnh vực được giao, ban hành hoặc
trình cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện.
3.6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Vĩnh Long và các tổ chức thành viên như Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên
hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội phối hợp với các sở, ngành,
Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tuyên truyền, vận động nhân dân và các hội
viên tham gia thực hiện tốt và giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức điều tra hộ
nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là từ cơ sở cụm tuyến dân cư, ấp,
khóm; xã, phường, thị trấn trở lên.
3.7. Uỷ ban nhân dân cấp huyện, thành phố chỉ đạo
tổ chức điều tra thực trạng hộ nghèo, cận nghèo bảo đảm công khai, dân chủ, có
sự tham gia của các cấp, các ngành và của người dân từ ấp, khóm trở lên, chống
bệnh thành tích, quan liêu, không phản ánh đúng thực trạng nghèo của địa
phương, cơ sở.
Cuộc điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo
theo mức chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, thời gian thực hiện từ
đầu tháng 10 đến 15/11/2010 kết thúc. Các huyện, thành phố thống nhất kế hoạch
điều tra, mẫu biểu tổng hợp và phân công trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ
đạo giảm nghèo các cấp thực hiện điều tra theo các nội dung như mục đích, yêu cầu
nêu trên.
Kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức
chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 được tổng hợp, báo cáo về cơ quan
quản lý chương trình giảm nghèo các cấp theo đúng thời gian, quy trình quy định.
Chậm nhất đến trước ngày 20/11/2010, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các
huyện, thành phố báo cáo kết quả điều tra về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
(Phòng Bảo trợ xã hội) để tổng hợp, báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ
đạo Chương trình giảm nghèo của Chính phủ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Trên đây là Kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện
điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011
- 2015. Đề nghị các đơn vị, địa phương kết hợp triển khai thực hiện đúng theo
quy trình, tiến độ và thời gian quy định nói trên. (Kế hoạch đã thông qua các
ngành liên quan).
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề
nghị phản ảnh trực tiếp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn
và giải quyết kịp thời./.