ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 2181/QĐ-UBND
|
Hòa Bình, ngày 26 tháng 12 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyỆt ĐỀ án TẠo nguỒn cán bỘ, công chỨc cẤp xã trên đỊa bàn tỈnh Hòa Bình, giai đoẠn 2015 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân số 31/2004/QH13 ngày
03/12/2004;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức số
22/2008/QH 12 ngày 13/11/2008;
Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày
28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Kết luận Hội nghị lần thứ bảy
Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ
thống chính trị từ Trung ương đến địa phương;
Căn cứ Nghị định số 112/2011/NĐ-CP
ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Thông tư số 06/2012/TT-BNV
ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm
vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Kết luận số 45-KL/TU ngày
24/5/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Hòa Bình về việc tiếp tục thực hiện
Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/3/2007 của Tỉnh ủy về công tác tổ chức, cán bộ
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ
tại Tờ trình số 2324/TTr-SNV ngày 17/12/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Đề án Tạo nguồn cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Hòa Bình, giai đoạn
2015-2020, với các nội dung sau:
1. Mục tiêu
a) Tuyển dụng những người tốt nghiệp
trình độ đại học loại khá trở lên (hệ chính quy), bổ sung thay thế số cán bộ,
công chức đủ tuổi sẽ nghỉ chế độ hưu trí, nghỉ việc, nhằm nâng cao chất lượng
đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tại địa phương.
b) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức
cấp xã đến năm 2020 đạt trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên theo từng chức
danh; tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức trẻ có trình độ chuyên môn đại học,
để mỗi xã có ít nhất 05 cán bộ, công chức có trình độ đại học, sau đại học.
c) Số công chức được tuyển chọn vào
công tác ở cấp xã sau 05 năm sẽ được xem xét chuyển thành công chức cấp huyện
trở lên theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Đây cũng là nguồn để bổ sung
cho công chức cấp huyện, cấp tỉnh trong các năm tới.
2. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp
dụng
a) Phạm vi điều chỉnh: Người tốt nghiệp
trình độ đại học loại khá trở lên (hệ chính quy), có hộ khẩu thường trú tại
tỉnh Hòa Bình; dự tuyển vào làm công chức cấp xã tỉnh Hòa Bình.
b) Đối tượng áp dụng:
- Người tốt nghiệp đại học loại khá
trở lên (hệ chính quy), có chuyên ngành đào tạo phù hợp với các chức danh công
chức cần tuyển dụng;
- Có hộ khẩu thường trú ít nhất 03
năm tại tỉnh Hòa Bình tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;
- Độ tuổi dưới 31 tuổi, là đoàn viên
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, có lý
lịch rõ ràng; không trong thời gian bị xử lý kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm
hình sự, cải tạo hoặc cải tạo không giam giữ;
- Có sức khỏe tốt;
- Có đơn tình nguyện cam kết phục vụ
ở cấp xã từ 05 năm trở lên.
3. Chỉ tiêu và thời gian thực hiện Đề
án
a) Chỉ tiêu: Mỗi năm Ủy ban nhân dân
tỉnh Hòa Bình tuyển chọn và bồi dưỡng từ 30 đến 40 công chức, phân công về công
tác tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
b) Thời gian thực hiện: Từ năm 2015
đến hết năm 2020.
4. Quyền lợi, trách nhiệm và ưu tiên
khi tham gia Đề án
a) Quyền lợi:
Người trúng tuyển vào các chức danh
công chức cấp xã được hưởng các quyền lợi sau:
- Được tham gia khóa bồi dưỡng kiến
thức hành chính Nhà nước do tỉnh tổ chức;
- Được tỉnh hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng
trong toàn bộ khóa học;
- Được cấp có thẩm quyền quyết định
tuyển dụng, phân công công tác về các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh
Hòa Bình;
- Được hưởng lương và các khoản phụ
cấp khác theo quy định pháp luật;
- Được hưởng chính sách thu hút theo
quy định của tỉnh;
- Sau 05 năm công tác tại cấp xã nếu
hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được xét chuyển thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh
khi các cơ quan, đơn vị và người tham gia Đề án có nhu cầu;
- Sau 03 năm công tác tại cấp xã được
dự thi tuyển vào công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh.
b) Trách nhiệm:
Người trúng tuyển vào các chức danh
công chức cấp xã phải thực hiện những trách nhiệm sau:
- Tham gia đầy đủ khóa bồi dưỡng kiến
thức hành chính nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ học tập và các nội quy lớp học;
- Chấp hành nghiêm sự điều động phân
công công tác của cơ quan có thẩm quyền;
- Thực hiện tốt nhiệm vụ của chức
danh công chức cấp xã được tuyển dụng;
- Công tác ít nhất 05 năm tại các xã,
phường, thị trấn đã được bố trí phân công công tác khi tuyển dụng. Trường hợp
người tham gia Đề án tự ý bỏ việc khi chưa đủ thời gian làm việc theo cam kết
thì phải bồi thường kinh phí bồi dưỡng thu hút theo quy định của pháp luật và
của tỉnh (trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng đồng ý cho nghỉ
việc và người đủ 03 năm công tác tại cấp xã trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức,
viên chức cấp huyện, cấp tỉnh).
- Thực hiện nghiêm các quy định pháp
luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức.
c) Ưu tiên:
Khi tuyển dụng ưu tiên theo thứ tự:
Thương binh, con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh binh, con của gia đình có
công với cách mạng; người hoàn thành nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang; người
dân tộc thiểu số; người có trình độ sau đại học, người tốt nghiệp đại học loại
xuất sắc, loại giỏi.
5. Chức danh công chức, chuyên ngành
đào tạo và kinh phí thực hiện
a) Chức danh công chức: Văn phòng -
Thống kê; Địa chính - Xây dựng - Đô thị và môi trường (đối với phường, thị
trấn) hoặc Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài
chính - Kế toán; Tư pháp - Hộ tịch; Văn hóa - Xã hội.
b) Chuyên ngành đào tạo: Theo Quyết
định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 09/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, ban
hành Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn và một số chuyên ngành
khác đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển.
c) Kinh phí thực hiện Đề án: Từ nguồn
ngân sách dành cho đào tạo, bồi dưỡng và nguồn kinh phí thực hiện chính sách
thu hút hàng năm của tỉnh.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì
phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các
nội dung sau:
- Thông báo rộng rãi trên trang thông
tin điện tử của Sở Nội vụ về nhu cầu tuyển dụng công chức cấp xã, kết quả tuyển
dụng công chức cấp xã của các huyện, thành phố;
- Thẩm định số lượng, cơ cấu chức
danh công chức cấp xã cần tuyển dụng hàng năm của các huyện thành phố;
- Thẩm định Kế hoạch tuyển dụng công
chức cấp xã của các huyện, thành phố;
- Ra đề thi tuyển công chức cấp xã
cho Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã các huyện, thành phố;
- Giám sát toàn bộ quá trình thi
tuyển dụng công chức cấp xã tại Hội đồng thi của các huyện, thành phố;
- Thẩm định, Quyết định công nhận kết
quả thi tuyển dụng công chức cấp xã của các huyện, thành phố;
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức hành
chính Nhà nước cho những người trúng tuyển;
- Lập dự toán và quyết toán kinh phí
thực hiện Đề án;
- Theo dõi, kiểm tra, giám sát và
giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện Đề án;
- Sơ kết kết quả thực hiện Đề án vào
năm 2017 và tổng kết Đề án vào năm 2020, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Tài chính: Bảo đảm nguồn kinh
phí; hướng dẫn Sở Nội vụ sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí thực hiện Đề án
theo quy định của pháp luật.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn triển khai phổ biến rộng rãi nội dung Đề án
tới toàn thể cán bộ và nhân dân;
- Rà soát số lượng, cơ cấu, chức danh
công chức cấp xã còn thiếu (tính cả những người đã có thông báo nghỉ hưu trí
trước 6 tháng) so với chỉ tiêu tỉnh giao hàng năm; xây dựng Kế hoạch tuyển dụng
công chức cấp xã, đề nghị Sở Nội vụ thẩm định, phê duyệt;
- Thông báo rộng rãi trên các phương
tiện thông tin đại chúng của tỉnh, của huyện, thành phố và niêm yết công khai
tại Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã có nhu cầu tuyển
dụng công chức cấp xã về số lượng, chức danh, cơ cấu chuyên môn, thời gian
tuyển dụng, hình thức tuyển dụng để mọi người được biết;
- Thành lập Hội đồng, các ban của Hội
đồng và tổ chức thi tuyển công chức cấp xã theo Đề án này;
- Trước ngày 05 tháng 9 hàng năm gửi
đề nghị công nhận kết quả tuyển dụng công chức cấp xã về Sở Nội vụ;
- Ban hành Quyết định tuyển dụng và
điều động công chức về công tác tại các xã, phường, thị trấn theo phân cấp quản
lý;
- Ban hành Quyết định cử công chức đi
bồi dưỡng kiến thức hành chính Nhà nước theo Đề án;
- Nhận và chi trả các chế độ, chính
sách cho những người tham gia Đề án theo quy định;
- Hàng năm gửi báo cáo đánh giá kết
quả thực hiện Đề án về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn
- Báo cáo Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố về số lượng và chức danh công chức cấp xã còn thiếu cần phải tuyển
dụng bổ sung hàng năm;
- Tạo điều kiện thuận lợi để công
chức sau khi được tuyển dụng phân công công tác về làm việc;
- Hướng dẫn, theo dõi, nhận xét, đánh
giá công chức hàng năm và gửi kết quả về phòng Nội vụ các huyện, thành phố để
tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố gửi Sở Nội vụ báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Các Ban đảng thuộc Tỉnh ủy;
- UBMTTQVN tỉnh và các Đoàn thể tỉnh;
- Tòa án tỉnh, Viện Kiểm sát tỉnh;
- Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh;
- Trường Chính trị tỉnh;
- Chánh, Phó Văn phòng/UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NC, QTh, 80b.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Quang
|