QUY ĐỊNH
PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG
TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2017 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định phân công, phân cấp quản
lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Những nội dung
khác liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng không được quy định tại
Quy định này thì thực hiện theo Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014, Nghị định
số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất
lượng và bảo trì công trình xây dựng; Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10
tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây
dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng; Thông tư số
26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi
tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với Sở Xây dựng; Sở quản
lý công trình xây dựng chuyên ngành; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp
huyện); các chủ đầu tư, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước có tham gia hoạt
động xây dựng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành
là Sở được giao nhiệm vụ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành bao gồm: Sở
Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương có
trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại
Điểm b, Điểm c, Điểm d Khoản 4 Điều 51 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng
5 năm 2015 của Chính phủ.
2. Loại công trình xây dựng là công trình được
xác định theo công năng sử dụng gồm các công trình: công trình dân dụng, công
trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển
nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình quốc phòng, an ninh.
3. Cấp công trình xây dựng được xác định theo từng
loại công trình căn cứ vào quy mô, mục đích, tầm quan trọng của công trình; độ
bền vững (tuổi thọ), vật liệu sử dụng và các yêu cầu kỹ thuật khác. Mỗi loại
công trình được chia làm 5 cấp bao gồm: cấp đặc biệt, cấp I, II, III, IV.
4. Hồ sơ hoàn thành công trình là tập hợp các hồ sơ, tài liệu có liên quan tới quá trình đầu tư xây dựng công trình cần được
lưu lại sau khi đưa công trình vào sử dụng.
Chương II
PHÂN CÔNG, PHÂN
CẤP, TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 4. Phân
công, phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng
1. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản
lý chất lượng công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng,
công trình công nghiệp nhẹ, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình giao thông
trong đô thị (trừ công trình đường sắt, công trình cầu vượt sông và đường quốc
lộ).
2. Sở Giao thông vận tải chịu
trách nhiệm quản lý chất lượng công trình giao thông (trừ các công trình giao
thông do Sở Xây dựng quản lý).
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chịu trách nhiệm quản lý chất lượng công trình nông nghiệp và phát
triển nông thôn.
4. Sở Công Thương chịu trách nhiệm
quản lý chất lượng công trình công nghiệp trừ các công trình công nghiệp do Sở
Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quản lý.
5. Ban Quản lý các khu công nghiệp
tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các khu công
nghiệp do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quản lý.
6. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu
trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc dự án do Ủy ban nhân
dân cấp huyện quyết định đầu tư và cụm công nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp huyện
quản lý.
Điều 5. Trách
nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
1. Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối
giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình
xây dựng trên địa bàn tỉnh, thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về
quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng
thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
c) Kiểm tra thường xuyên, định kỳ
theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các cơ quan,
tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và chất lượng các công trình xây dựng
trên địa bàn tỉnh.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở quản
lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý
chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành.
đ) Thẩm định thiết kế xây dựng
công trình xây dựng chuyên ngành do Sở quản lý theo quy định tại Nghị định về
quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
e) Kiểm tra công tác nghiệm thu
công trình xây dựng theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Quy định này.
g) Kiểm tra việc thực hiện bảo trì
công trình xây dựng, đánh giá sự an toàn
chịu lực và vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng đối với công
trình xây dựng chuyên ngành do Sở quản
lý.
h) Yêu cầu chủ đầu tư, chủ sở hữu
hoặc người quản lý, sử dụng công trình lựa chọn tổ chức thí nghiệm đối chứng,
kiểm định chất lượng, thí nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình trong
quá trình thi công theo quy định tại Điểm c Khoản 1 và Điểm đ Khoản 2 Điều 29
Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ.
i) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức giám định công trình xây dựng khi được
yêu cầu và tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định tại Điều 49 Nghị định
số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ; theo dõi, tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình
sự cố trên địa bàn tỉnh.
k) Hướng dẫn việc đăng ký thông
tin năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên cả nước và đăng tải
trên trang thông tin điện tử do Sở quản lý theo quy định.
l) Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh và Bộ Xây dựng về việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình
xây dựng và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh định kỳ
trước ngày 15 tháng 12 hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu; báo cáo danh sách
các nhà thầu vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình khi tham gia các
hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.
2. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về
chất lượng công trình xây dựng của Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Sở Công Thương:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng
kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản
lý chất lượng của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình chuyên ngành và
chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
b) Thực hiện quy định tại Khoản 2,
Khoản 3, Khoản 4 Điều 4 Quy định này đối với công trình xây dựng chuyên ngành
thuộc phạm vi quản lý của Sở.
c) Thực hiện quy định tại Điểm đ,
Điểm g, Điểm h Khoản 1 Điều 5 Quy định này đối với công trình xây dựng chuyên
ngành thuộc phạm vi quản lý của Sở.
d) Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức
giám định công trình xây dựng chuyên ngành khi được yêu cầu và tổ chức giám định
nguyên nhân sự cố đối với công trình xây dựng chuyên ngành; tổng hợp, báo cáo Sở
Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn
tỉnh trước ngày 05 tháng 12 hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này.
đ) Kiểm tra công tác nghiệm thu
công trình xây dựng theo quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm d Khoản 1 Điều 6 Quy
định này.
3. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về
chất lượng công trình xây dựng của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng
kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản
lý chất lượng của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình và chất lượng
các công trình xây dựng do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quản lý.
b) Thực hiện quy định tại Khoản 5
Điều 4 Quy định này đối với công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
c) Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức
giám định công trình xây dựng khi được yêu cầu và tổ chức giám định nguyên nhân
sự cố đối với công trình xây dựng; tổng hợp, báo cáo Sở Xây dựng về tình hình
chất lượng công trình xây dựng do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quản lý
trước ngày 05 tháng 12 hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này.
d) Kiểm tra công tác nghiệm thu
công trình xây dựng theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 6 Quy định này.
4. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về
chất lượng công trình xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp
xã, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thực hiện
các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
b) Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc
tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công
trình do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Quy
định này.
c) Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản
lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra công trình xây dựng trên địa bàn
khi được yêu cầu.
d) Kiểm tra công tác nghiệm thu
công trình xây dựng theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 6 Quy định này.
đ) Báo cáo sự
cố, giải quyết sự cố theo quy định tại Điều 47, Điều 48 Nghị định số
46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ.
e) Tổng hợp báo cáo Sở Xây dựng việc
tuân thủ quy định về tình hình quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình
hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn mình quản lý trước ngày 05
tháng 12 hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này.
Chương III
PHÂN CẤP KIỂM
TRA CÔNG TÁC NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 6. Thẩm
quyền kiểm tra công tác nghiệm thu công trình của cơ quan quản lý Nhà nước về
xây dựng
1. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra
công tác nghiệm thu công trình xây dựng trên địa bàn trừ các công trình thuộc
thẩm quyền quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm đ Khoản 2 Điều 32 Nghị định số
46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ, theo phân cấp như sau:
a) Sở Xây dựng kiểm tra công tác
nghiệm thu đối với các công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây
dựng, công trình công nghiệp nhẹ, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình giao
thông trong đô thị cấp II, III, IV; trừ công trình đường sắt, công trình cầu vượt
sông và đường quốc lộ và các công trình quy định tại Điểm đ, Điểm e Khoản này.
b) Sở Giao thông vận tải kiểm tra
công tác nghiệm thu đối với các công trình giao thông cấp II, III, IV; trừ các
công trình giao thông thuộc thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu của Sở Xây
dựng và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các công trình nông nghiệp và
phát triển nông thôn cấp II, III, IV; trừ các công trình thuộc thẩm quyền kiểm
tra công tác nghiệm thu quy định tại Điểm đ, Điểm e Khoản này.
d) Sở Công Thương kiểm tra công
tác nghiệm thu đối với các công trình công nghiệp cấp II, III, IV; trừ các công
trình thuộc thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu quy định tại Điểm a, Điểm
đ, Điểm e Khoản này.
đ) Ban Quản lý các khu công nghiệp
tỉnh kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các công trình xây dựng cấp II, III,
IV trong các khu công nghiệp do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quản lý.
e) Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm
tra công tác nghiệm thu đối với các công trình thuộc dự án do Ủy ban nhân dân cấp
huyện quyết định đầu tư và cụm công nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản
lý.
2. Các công trình thuộc đối tượng
được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu được
quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm
2015 của Chính phủ.
3. Nội dung,
trình tự thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng được quy định
tại Điều 13 Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng
Bộ Xây dựng.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Điều khoản thi hành
1. Sở Xây dựng, Sở quản lý công
trình xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Ủy ban nhân
dân cấp huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quy định này.
2. Trong quá trình triển khai thực
hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị và cá nhân có
liên quan phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét điều chỉnh cho phù hợp./.
PHỤ LỤC