BỘ NỘI VỤ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 21/2003/QĐ-BNV
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 05 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ CỦA HỘI VẬT LÝ VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957
quy định về quyền lập Hội;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5 tháng
11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam và
Vụ trưởng Vụ tổ chức phi chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt bản Điều lệ của Hội Vật lý Việt Nam đã được Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ V ngày 28 tháng 6 năm 2002 thông qua.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công
báo.
Điều 3. Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính
phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Lưu VT, TCPCP.
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
Đặng Quốc Tiến
|
ĐIỀU LỆ
HỘI
VẬT LÝ VIỆT NAM
Chương 1.
TÊN HỘI, TÔN CHỈ, MỤC
ĐÍCH
Điều 1. Hội lấy tên là Hội Vật
lý Việt Nam
Tên giao dịch Quốc tế: Vietnam Physical Society.
Điều 2. Hội Vật lý Việt Nam là tổ chức xã hội, nghề nghiệp tự
nguyên của những công dân Việt Nam, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực nghiên cứu,
giảng dạy, ứng dụng và phổ biến kiến thức về vật lý.
Hội Vật lý Việt Nam là Hội thành viên của Liên hiệp
các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Điều 3. Mục đích hoạt động của Hội Vật lý Việt Nam:
Tập hợp, đoàn kết hội viên, giúp đỡ nhau nâng cao
trình độ nghiệp vụ, góp phần đào tạo nhân tài, tuyên truyền phổ biến các kiến
thức vật lý ở Việt Nam, ứng dụng vật lý vào phục vụ sự nghiệp khoa học công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 4. Hội Vật lý Việt Nam tổ chức, hoạt động trên phạm vi cả nước,
đặt trụ sở tại Hà Nội. Hội có tư các pháp nhân, con dấu, biểu tượng, cơ quan
ngôn luận và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Hội Vật lý Việt Nam được gia nhập các Hội Vật lý
khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật.
Chương 2.
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 5. Nhiệm vụ của Hội
1. Tổ chức các sinh hoạt học thuật thường xuyên cho
Hội viên cũng như những người yêu thích vật lý.
2. Đóng góp ý kiến với các cơ quan Nhà nước về chủ
trương, biện pháp thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng vật lý ở nước ta và nội
dung chương trình giảng dạy vật lý trong các trường. Tham gia tư vấn, phản biện,
giám định các dự án khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội, khi có yêu cầu.
3. Hỗ trợ cho các hội viên hoặc nhóm Hội viên trực
tiếp tham gia giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ có liên quan đến vật lý
của đất nước.
4. Tổ chức các giải thưởng khoa học nhằm khuyến
khích phát triển tài năng của đội ngũ cán bộ vật lý, đặc biệt là tài năng trẻ.
5. Xây dựng và phát triển quan hệ với các tổ chức vật
lý và công nghệ quốc tế theo quy định của pháp luật
6. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của
các Hội viên theo quy định tại điều lệ Hội.
7. Báo cáo tình hình tổ chức hoạt động của Hội khi
có yêu cầu.
Điều 6. Quyền của Hội:
1. Đại diện cho các tổ chức, hội viên trong các hoạt
động có liên quan đến tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của Hội Vật lý Việt Nam.
2. Hợp đồng nghiên cứu khoa học, triển khai các đề
tài, cung cấp dịch vụ với các tổ chức hay cá nhân có nhu cầu theo quy định của
Pháp luật hiện hành.
3. Bảo trợ cho Hội viên và các tổ chức thuộc Hội,
triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia đánh giá các công trình
nghiên cứu khoa học, dự án thuộc lĩnh vực vật lý và khoa học công nghệ khi được
mời.
4. Chủ động tham gia xây dựng các chương trình, dự
án trong lĩnh vực vật lý và công nghệ để kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà
nước những giải pháp nhằm phát triển ngành Vật lý và công nghệ cao.
5. Được phép xuất bản sách, tạp chí của Hội theo
quy định của Pháp luật.
6. Tổ chức tập huấn, Hội thảo phổ biến kiến thức mới
trong lĩnh vực vật lý và công nghệ cao.
7. Khen thưởng và đề xuất các cấp có thẩm quyền
khen thưởng đối với các tổ chức, hội viên có thành tích trong việc thực hiện
tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của Hội Vật lý Việt Nam.
Chương 3.
HỘI VIÊN
Điều 7. Hội viên Hội Vật lý Việt Nam:
1. Hội viên tổ chức: Các tổ chức hoạt động trong
lĩnh vực vật lý thừa nhận điều lệ Hội Vật lý Việt Nam, tự nguyện hoạt động cho
Hội, có đơn xin gia nhập Hội, cử đại diện tham gia Hội thì được xét kết nạp vào
Hội.
2. Hội viên cá nhân: Công dân Việt Nam nghiên cứu,
giảng dạy, ứng dụng, phổ biến vật lý ở trong và ngoài nước, tán thành điều lệ của
Hội, tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội để được kết nạp vào Hội.
3. Hội viên tán trợ: Các tổ chức, công dân Việt
Nam, công dân Việt Nam ở nước ngoài, thừa nhận Điều lệ Hội Vật lý Việt Nam và
tài trợ cho hoạt động của Hội được xét công nhận là “Hội viên tài trợ” sau khi
được Ban thường vụ thông qua.
4. Hội viên danh dự: Các nhà khoa học trong nước và
nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự phát triển vật lý ở Việt Nam sẽ được Ban
Thường vụ mời tham gia là “Hội viên danh dự” của Hội.
Hội viên danh dự, hội viên tán trợ không được tham
gia vào Ban lãnh đạo hội và biểu quyết các vấn đề của Hội.
Điều 8. Nhiệm vụ của Hội viên:
1. Tôn trọng tôn chỉ mục đích, chấp hành Điều lệ,
các nghị quyết của Hội.
2. Tham gia tích cực vào các công việc của Hội.
3. Tuyên truyền phát triển Hội viên, bảo vệ danh dự
và uy tín của Hội.
4. Đoàn kết, tương trợ với đồng nghiệp trong và
ngoài Hội.
5. Tham gia sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của Hội,
đóng hội phí đầy đủ.
Điều 9. Quyền của Hội viên:
1. Tham gia sinh hoạt, thảo luận và biểu quyết mọi
công việc của Hội. Được ứng cử, đề cử dự Đại hội cấp trên cũng như tham gia Ban
chấp hành Hội.
2. Được Hội giúp đỡ về tinh thần và vật chất trong
hoạt động Hội và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.
3. Được Hội bảo vệ về quyền lợi hợp pháp, chính
đáng trong nghề nghiệp.
4. Được hưởng mọi quyền lợi khác do Hội quy định.
5. Được xin ra khỏi Hội.
Chương 4.
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
HỘI
Điều 10. Tổ chức và hoạt động của Hội theo nguyên tắc tập trung dân
chủ, tự nguyện, tự quản và tự trang trải kinh phí. Tổ chức của Hội bao gồm:
1. Ở Trung ương Hội: Hội Vật lý Việt Nam.
2. Ở cơ sở: Chi hội. Ở các cơ sở cơ quan, trường học,
viện nghiên cứu..., có từ 5 hội viên trở lên được thành lập chi hội.
Tùy theo tình hình thực tế ở các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) có thể thành lập Hội Vật lý tỉnh.
Việc thành lập do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội Vật lý Việt Nam là Đại hội
Đại biểu toàn quốc, được tổ chức 5 năm một lần. Khi cần thiết, Ban chấp hành có
thể triệu tập Đại hội bất thường, đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất
có 2/3 tổng số ủy viên Ban chấp hành hoặc ít nhất có 1/2 tổng số hội viên chính
thức đề nghị. Thành phần, số lượng dự Đại biểu do Ban chấp hành đương nhiệm của
Trung ương Hội Quy định.
Nhiệm vụ của Đại hội:
- Tổng kết đánh giá hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ
qua, bàn phương hướng kế hoạch hành động cho nhiệm kỳ tới.
- Thông qua sửa đổi Điều lệ (nếu có).
- Bầu Ban chấp hành và Ban Kiểm tra Trung ương Hội.
- Quyết định những vấn đề quan trọng về tôn chỉ mục
đích, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội.
Điều 12. Ban Chấp hành trung ương Hội là cơ quan lãnh đạo giữa hai
nhiệm kỳ đại hội. Số lượng ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội do Đại hội ấn định
và trực tiếp bầu. Trong thời gian giữa hai kỳ Đại hội, nếu xét thấy cần thiết
Ban Chấp hành có thể bầu bổ sung các ủy viên Ban Chấp hành, với số lượng trong
toàn khóa không vượt quá 20% số ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội bầu ra.
Ban Chấp hành có nhiệm vụ:
- Lãnh đạo thực hiện Nghị quyết của Đại hội.
- Lãnh đạo thực hiện Điều lệ của Hội.
- Phát triển mối quan hệ với các tổ chức trong và
ngoài nước, góp phần phát triển Hội.
- Bầu Ban Thường vụ Trung ương Hội, Chủ tịch, các
Phó Chủ tịch và Tổng thư ký.
- Ban Chấp hành Trung ương Hội họp định kỳ 6 tháng
một lần (trừ trường hợp đột xuất).
Điều 13. Cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Trung ương Hội là Ban
Thường vụ, gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và một số ủy viên, số
lượng Ban Thường vụ không quá 1/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội.
Ban Thường vụ có nhiệm vụ:
- Lãnh đạo thực hiện các Quyết định của Ban chấp
hành Trung ương Hội giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành.
- Công nhận Ban Chấp hành cấp dưới và cấp thẻ Hội
viên.
- Lập kế hoạch, báo cáo hoạt động của Hội theo quy
định của Ban Chấp hành Trung ương Hội.
- Theo dõi hoạt động của các Hội, Chi hội và các Tiểu
ban chuyên môn.
- Ban Thường vụ họp định kỳ 3 tháng một lần. Khi cần
thiết, theo đề nghị của Chủ tịch và Tổng Thư ký, Ban Thường vụ có thể triệu tập
bất thường.
Điều 14. Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Trung ương bầu ra trong số
các ủy viên thường vụ, chủ trì các cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Hội và
Ban Thường vụ Hội, điều hành và triển khai các Nghị quyết của Ban Chấp hành
Trung ương Hội và Ban Thường vụ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động
của Hội.
Điều 15. Phó Chủ tịch do Ban Chấp hành Trung ương Hội bầu ra, được
Chủ tịch Hội phân công lãnh đạo từng mặt hoạt động của Hội.
Điều 16. Tổng thư ký do Ban Chấp hành Trung ương Hội bầu ra, thường
trực giải quyết các công việc của Hội do Chủ tịch phân công và điều hành mọi hoạt
động của Văn phòng Trung ương Hội.
Điều 17. Khi cần thiết theo đề nghị của Tổng thư ký Hội, Ban thường
vụ Hội có thể xem xét quyết định thành lập các Tiểu ban chuyên môn, các tổ chức
phục vụ cho công tác phát triển Hội. Việc thành lập theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Ban kiểm tra:
Ban kiểm tra do đại hội bầu ra, có nhiệm vụ sau:
- Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội,
Điều lệ, quy chế và chương trình công tác hàng năm của Hội.
- Kiểm tra hội viên trong các hoạt động để biểu
dương khen thưởng, đồng thời phát hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để kịp
thời chấn chỉnh.
- Kiểm tra các hoạt động kinh tế, tài chính của Hội
và các tổ chức thuộc Hội; xem xét và giải quyết các đơn thư khiếu tố.
Chương 5.
TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH
Điều 19. Nguồn thu của Hội:
- Hội phí của Hội viên thu mỗi năm 1 lần (mức thu cụ
thể do Ban Chấp hành Trung ương Hội qui định).
- Thu từ các hoạt động của Hội như dịch vụ, tư vấn,
xuất bản, hội thảo, mở lớp bồi dưỡng, huấn luyện...
- Tiền ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước.
Các khoản chi của Hội gồm chi cho các hoạt động
khoa học kỹ thuật và hoạt động tư vấn, dịch vụ, công tác truyền thông, phổ biến
bồi dưỡng nghiệp vụ, hợp tác quốc tế, hội phí, chi phí văn phòng, bảo hiểm,
phúc lợi và chi phí hành chính của bộ máy quản lý Hội.
Điều 20. Tài chính của Hội được quản lý theo quy định của Ban Chấp
hành Trung ương Hội trên cơ sở tuân thủ các chế độ chính sách tài chính - kế
toán của Nhà nước. Tiền nhàn rỗi của Hội (nếu có), kể cả ngoại tệ được phép gửi
tiết kiệm nhằm tăng thêm cho quỹ Hội.
Điều 21. Khi Hội hoặc tổ chức của Hội giải thể, phải kiểm kê tài sản,
quĩ của Hội hoặc tổ chức, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Hội. Việc giải thể
thực hiện theo qui định của Pháp luật.
Chương 6.
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 22. Tổ chức, Hội viên có nhiều thành tích được Hội khen thưởng
hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.
Điều 23. Tổ chức, hội viên làm tổn hại đến uy tín, thanh danh của Hội,
làm trái với Điều lệ, Nghị quyết của Hội thì bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh
cáo đến khai trừ. Trường hợp có gây thiệt hại về vật chất, ngoài hình thức kỷ
luật còn phải bồi thường theo Pháp luật.
Điều 24. Các tổ chức thành viên, cá nhân của Hội trong 1 năm không nộp
Hội phí hoặc không sinh hoạt 3 kì liên tiếp không có lý do, thì bị xóa tên
trong danh sách Hội viên.
Chương 7.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Điều lệ này gồm 7 chương, 26 điều, đã được Đại hội đại biểu
toàn quốc Hội Vật lý Việt Nam thông qua ngày 28 tháng 6 năm 2002 và có hiệu lực
kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 26. Chỉ có Đại hội Đại biểu toàn quốc của Hội mới có quyền bổ
sung và sửa đổi Điều lệ./.