BỘ
TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
*****
Số:
2079/QĐ-BVMT
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******
Hà
Nội, ngày 17 tháng 08 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
CHI CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC TÂY NAM BỘ
CỤC TRƯỞNG CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Quyết định số
14/2005/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bảo vệ
môi trường;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Cục,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này “Quy định về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chi cục Bảo vệ môi
trường khu vực Tây Nam Bộ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Cục, Chi cục trưởng
Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc
Cục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ trưởng Phạm Khôi nguyên (để báo cáo);
- Vụ Tổ chức – Cán bộ (để báo cáo);
- Lưu VT, TCCB, D (20).
|
CỤC
TRƯỞNG
Trần Hồng Hà
|
QUY ĐỊNH
VỀ
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHI CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC TÂY NAM BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2079/QĐ-BVMT ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Cục
trưởng Cục Bảo vệ môi trường)
Chương 1
CƠ CẤU TỔ CHỨC
Điều 1. Các đơn vị trực thuộc
Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực
Tây Nam Bộ (sau đây gọi tắt là Chi cục) là đơn vị trực thuộc Cục Bảo vệ môi trường
có chức năng, nhiệm vụ, được quy định tại Quyết định số 22/2004/QĐ-BTNMT ngày
04 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chi cục bao gồm
các đơn vị trực thuộc sau đây:
1. Phòng Hành chính tổng hợp;
2. Phòng Kiểm soát ô nhiễm
3. Trạm Vùng tác động Đồng bằng
Sông Cửu Long
Điều 2. Cơ cấu lãnh đạo
1. Lãnh đạo chi Cục có Chi cục trưởng
và một số Phó Chi cục trưởng.
Chi cục trưởng lãnh đạo và điều
hành mọi hoạt động của Chi cục theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo phân
công của Cục trưởng; chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về toàn bộ hoạt động của
Chi cục. Chi cục trưởng được đăng ký chữ ký tại cơ quan có thẩm quyền và chịu
trách nhiệm cá nhân theo quy định hiện hành.
Phó Chi cục trưởng là người giúp việc
Chi cục trưởng, được Chi cục trưởng giao phụ trách từng lĩnh vực công tác và chịu
trách nhiệm trước Chi cục trưởng về lĩnh vực công tác được phân công. Trong trường
hợp cần thiết, Phó Chi cục trưởng được Chi cục trưởng ủy quyền thực hiện một số
lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
2. Lãnh đạo các Phòng trực thuộc
Chi cục có Trưởng Phòng và một số Phó Trưởng Phòng.
Trưởng Phòng lãnh đạo và điều hành
mọi hoạt động của Phòng theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo phân công của
Chi cục trưởng; chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng về toàn bộ hoạt động của
Phòng.
Phó Trưởng Phòng là người giúp việc
Trưởng Phòng, được Trưởng Phòng giao phụ trách từng lĩnh vực công tác và chịu
trách nhiệm trước Trưởng Phòng về lĩnh vực công tác được phân công.
3. Các Phó Chi cục trưởng và lãnh đạo
các đơn vị trực thuộc Chi cục do Cục trưởng bổ nhiệm theo quy định hiện hành.
Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ
của Phòng Hành chính tổng hợp
1. Công tác kế hoạch – tài chính:
- Giúp Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ
môi trường khu vực Tây Nam Bộ (sau đây gọi tắt là Chi cục trưởng) xây dựng kế
hoạch công tác năm, kế hoạch công tác ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của Chi cục,
thẩm định đề cương các đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ;
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và
đôn đốc các đơn vị trực thuộc Chi cục triển khai kế hoạch công tác;
- Giúp Chi cục trưởng xây dựng báo
cáo tình hình triển khai kế hoạch công tác định kỳ theo quy định hiện hành và đột
xuất theo yêu cầu của Cục trưởng;
- Quản lý nguồn thu, chi, thực hiện
công tác kế toán, tài vụ theo phân cấp của Cục Bảo vệ môi trường.
2. Công tác tổ chức – cán bộ:
- Thực hiện công tác chế độ - chính
sách, quản lý biên chế - quỹ tiền lương, đánh giá, sử dụng đội ngũ công chức,
viên chức và lao động hợp đồng (sau đây gọi tắt là cán bộ) của Chi cục;
- Phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường
trong công tác tuyển dụng cán bộ; đề xuất về quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ giữ
các chức vụ lãnh đạo; đề xuất việc thay đổi cơ cấu tổ chức của Chi cục; đề nghị
các hình thức khen thưởng, kỷ luật theo quy định hiện hành;
- Đóng bảo hiểm xã hội và quản lý sổ
bảo hiểm xã hội của cán bộ trong Chi cục;
- Giúp Chi cục trưởng xây dựng báo
cáo tình hình thực hiện công tác tổ chức – cán bộ định kỳ theo quy định hiện
hành và đột xuất theo yêu cầu của Cục trưởng.
3. Công tác hành chính - tổng hợp:
- Giúp Chi cục trường xây dựng các
báo cáo công tác định kỳ và đột xuất;
- Tổng hợp và báo cáo tình hình mọi
mặt hoạt động của Chi cục cho Chi cục trưởng;
- Chuẩn bị tài liệu cho Lãnh đạo
Chi cục tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế;
- Đầu mối thực hiện công tác hợp
tác quốc tế thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chi cục;
- Giúp các Chi cục trưởng xây dựng
các quy chế quản lý, điều hành mọi mặt hoạt động của Chi cục.
4. Công tác quản trị:
- Thực hiện công tác văn thư, lưu
trữ;
- Đảm bảo hậu cần cho các hoạt động
của Chi cục bao gồm điện, nước, vệ sinh công sở;
- Thực hiện công tác điều vận,
phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ cơ quan theo quy định hiện hành;
- Mua sắm, quản lý, cấp phát trang
thiết bị và văn phòng phẩm; sửa chữa trụ sở và các công tác hậu cần khác phục vụ
hoạt động của Chi cục.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do
Chi cục trưởng giao.
Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ của
Phòng Kiểm soát ô nhiễm
1. Làm đầu mối phối hợp với các cơ
quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương thực hiện công tác
thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường;
tham gia giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính về
bảo vệ môi trường có liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nam
Bộ;
2. Tham gia phối hợp kiểm tra, giám
sát việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất tại các cảng, cửa khẩu
trong khu vực Tây Nam Bộ;
3. Điều tra, thống kê các nguồn thải,
chất thải thông thường, chất thải nguy hại có quy mô lớn và phạm vi ảnh hưởng đến
nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nam Bộ;
4. Tham gia các hoạt động xử lý, khắc
phục sự cố môi trường có phạm vi ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành phố trong khu
vực Tây Nam Bộ;
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do
Chi cục trưởng giao.
Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ của
Trạm Vùng tác động Đồng bằng Sông Cửu Long
Trạm Vùng tác động Đồng bằng Sông Cửu
Long là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục thuộc cơ cấu của Mạng lưới quan trắc
Tài nguyên và Môi trường quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007.
Cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động
của Trạm Vùng tác động Đồng bằng Sông Cửu Long do Cục trưởng quy định tại “Quy
chế Tổ chức và hoạt động của Trạm Vùng tác động Đồng bằng Sông Cửu Long”.
Chương 2
QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO
Điều 6. Quan hệ công tác
1. Chi cục chịu sự chỉ đạo và điều
hành thống nhất của Cục trưởng về các mặt công tác sau: lập kế hoạch và dự toán
ngân sách; kiện toàn tổ chức, tuyển dụng và quản lý công chức, viên chức.
2. Văn phòng Cục và Phòng Kế hoạch
– Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chức
năng quản lý nhà nước tại Chi cục về quản lý tài sản công, công tác tổ chức –
cán bộ và quản lý tài chính.
3. Chi cục phối hợp với các đơn vị
trực thuộc Cục Bảo vệ môi trường để thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án có nội
dung phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao theo phân công của Cục trưởng.
4. Mối quan hệ hoạt động của Chi cục
với các đơn vị trực thuộc Cục được điều chỉnh theo các quy chế hoạt động và quy
trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 của Cục Bảo vệ môi trường.
5. Mối quan hệ giữa Chi cục với cơ
quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong hoạt động dịch vụ thuộc phạm vi chức
năng, nhiệm vụ được giao là quan hệ kinh tế và dân sự, được điều chỉnh
theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 7. Chế độ thông tin báo cáo
1. Chi cục có trách nhiệm thực hiện
chế độ lưu trữ tài liệu, thông tin báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định.
2. Những công văn của Chi cục gửi
đơn vị ngoài Cục có nội dung liên quan đến lĩnh vực công tác được Cục trưởng
phân công và ủy quyền phải được báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Cục trưởng trước
khi Chi cục trưởng ký ban hành.
Chương 3
CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, TÀI SẢN
Điều 8. Quản lý tài chính, tài sản
Chi cục có trách nhiệm quản lý, sử
dụng có hiệu quả nguồn tài chính, tài sản, cơ sở vật chất được giao theo đúng
quy định của nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục Bảo vệ môi trường.
Điều 9. Nguồn tài chính của Chi
cục bao gồm:
1. Nguồn ngân sách nhà nước;
2. Nguồn thu hợp pháp từ việc thực
hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án, hợp đồng dịch vụ;
3. Kinh phí tài trợ của các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước;
4. Các nguồn vốn huy động khác.
Chương 4
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Quy định này có hiệu
lực kể từ ngày được ban hành.
Trong quá trình thực hiện, Chi cục
trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ có thẩm quyền trình Cục trưởng
Cục Bảo vệ môi trường xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp với
tình hình thực tiễn.