ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1842/QĐ-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 18
tháng 9 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐƯỜNG
BỘ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Thông tư số
02/2017/TT-VPCP ngày 30/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;
Thực hiện Kế hoạch số
37/KH-UBND ngày 28/02/2020 của UBND tỉnh về rà soát đánh giá, thủ tục hành
chính năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Giao thông vận tải tại Tờ trình số 2337/TTr- SGTVT ngày 11/9/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thông qua phương
án đơn giản hóa 01 thủ tục hành chính lĩnh vực đường bộ, thuộc thẩm quyền giải
quyết của Sở Giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn tại Phụ lục kèm theo Quyết định
này.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở
Giao thông vận tải tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện sau
khi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được cơ quan có thẩm quyền ban
hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung về thủ tục hành chính.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, thủ trưởng các đơn vị có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ GTVT;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, PCVP UBND tỉnh, các phòng CM, TT THCB, TT PVHCC;
- Trung tâm TH-CB;
- Lưu VT, TTPVHCC (NTLT).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Long Hải
|
PHƯƠNG
ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC ĐƯỜNG BỘ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT
CỦA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI LẠNG SƠN
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 1842 /QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn)
1. Thủ tục Cấp mới Giấy phép
lái xe
1.1. Nội dung đơn giản hóa
Quy định rõ ràng, cụ thể một số
nội dung trong quy trình thực hiện của Cơ sở đào tạo, cụ thể:
- Quy định rõ hơn về thời gian
nộp “báo cáo 2” và hồ sơ người dự sát hạch kể từ khi kết thúc kiểm tra.
- Sửa đổi, bổ sung quy định cụ
thể về thời hạn thực hiện nội dung “kiểm tra hồ sơ và điều kiện người dự sát
hạch” kể từ khi nhận đủ hồ sơ của người dự sát hạch.
Lý do: Đây là thủ tục
hành chính (TTHC) có quy trình thực hiện khá phức tạp như đào tạo, sát hạch,
cấp giấy phép; có sự tham gia thực hiện của nhiều cơ quan, đơn vị (Cơ sở đào
tạo, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe); có thời hạn thực hiện dài (từ
khi nộp hồ sơ của cá nhân tại Cơ sở đào tạo tới khi được cơ quan có thẩm quyền
cấp Giấy phép lái xe). Tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ
trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái
xe cơ giới đường bộ đã quy định trách nhiệm thực hiện TTHC của các cơ quan có
liên quan; tuy nhiên có một số quy trình chưa được quy định cụ thể thời hạn
thực hiện như: việc báo cáo của Cơ sở đào tạo đối với cơ quan thực hiện cấp
giấy phép lái xe; thời hạn thực hiện việc kiểm tra hồ sơ và điều kiện người dự
sát hạch kể từ khi nhận đủ hồ sơ người dự sát hạch… nên gây khó khăn trong việc
phối hợp thực hiện TTHC giữa Cơ sở đào tạo với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy
phép lái xe, có bước thực hiện bị kéo dài so với thực tế làm ảnh hưởng tới thời
gian chờ đợi của người xin cấp giấy phép lái xe. Do vậy cần thiết phải quy định
cụ thể thời hạn các bước để tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các
cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện TTHC; từ đó góp phần giảm
thời gian, chi phí thực hiện TTHC.
1.2. Kiến nghị thực thi
Đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông
tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy
định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, cụ thể:
1.2.1. Bổ sung thêm điểm d tại
khoản 15 Điều 5: “d) Báo cáo đề nghị tổ chức sát hạch lái xe kèm danh sách
thí sinh dự sát hạch (báo cáo 2) và hồ sơ người dự sát hạch theo quy định tại
Điều 19 và Điều 20 của Thông tư này gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở
Giao thông vận tải đối với đào tạo lái xe các hạng B1, B2, D, E, F không quá 10
ngày sau khi kết thúc kiểm tra, cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo”.
1.2.2. Sửa đổi, bổ sung nội
dung điểm a, b khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 22 như sau:
- Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản
1:
“Tiếp nhận báo cáo đăng ký sát
hạch cấp giấy phép lái xe mô tô các hạng A1, A2 do cơ sở đào tạo gửi. Báo
cáo đăng ký sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô các hạng A1, A2 gửi bằng đường
bưu chính và truyền dữ liệu qua hệ thống thông tin giấy phép lái xe về Tổng cục
Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải trước kỳ sát hạch 04 (bốn) ngày làm
việc”.
- Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản
1:
“Trong thời hạn không quá 02
(hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ người dự sát hạch theo quy định, Tổng
cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra hồ sơ và
điều kiện người dự sát hạch theo quy định tại Điều 19 của Thông tư này. Trường
hợp hồ sơ người dự sát hạch không hợp lệ lập danh sách hồ sơ không hợp lệ, nêu rõ
lý do và thông báo cho cơ sở đào tạo”.
- Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản
2:
“Trong thời hạn không quá 02
(hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ người dự sát hạch theo quy định, Tổng
cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra hồ sơ và
điều kiện người dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A3, A4, B1, B2, C,
D, E và F theo quy định tại Điều 19 của Thông tư này và người dự sát hạch phải
có tên trong danh sách học viên (báo cáo 1), danh sách thí sinh dự sát hạch
(báo cáo 2) và có bản xác minh giấy phép lái xe đã cấp (đối với trường hợp nâng
hạng giấy phép lái xe). Trường hợp hồ sơ người dự sát hạch không hợp lệ lập
danh sách hồ sơ không hợp lệ, nêu rõ lý do và thông báo cho cơ sở đào tạo.
Người được giao nhiệm vụ kiểm
tra, duyệt hồ sơ thí sinh dự sát hạch phối hợp với cơ sở đào tạo lập biên bản
kiểm tra hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 11c ban hành kèm theo Thông tư
này”.
1.3. Lợi ích phương án đơn
giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước
khi đơn giản hóa: 34.072.600 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi
đơn giản hóa: 33.474.480 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 598.120 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 2%./.