ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
18/2018/QĐ-UBND
|
Trà Vinh, ngày
05 tháng 6 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH
SÁCH ĐỐI VỚI ĐỘI DÂN PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày
22/11/2013;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày
31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng
cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và
chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày
18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng
phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 56/2014/TT-BCA ngày
12/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện phòng cháy
và chữa cháy cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở,
lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;
Căn cứ Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày
16/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của
Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 48/2015/TT-BCA ngày
06/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang phục chữa cháy của lực lượng
dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy chữa
cháy chuyên ngành;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ
đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy
và cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên
ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
Căn cứ Nghị quyết số 22/2015/NQ-HĐND ngày
09/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh khoá VIII - kỳ họp thứ 19 về việc
Phê duyệt định mức hỗ trợ hàng tháng đối với Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng
trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Công văn số 375/HĐND-VP ngày 03/11/2017 của Thường
trực Hội đồng nhân dân tỉnh về tiêu chí thành lập Đội dân phòng;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ
chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh
Trà Vinh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15
tháng 6 năm 2018.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn, Đội dân phòng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Đồng Văn Lâm
|
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỘI DÂN
PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2018 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về tổ chức,
hoạt động và chế độ, chính sách đối với Đội dân phòng và trách nhiệm quản lý
Nhà nước đối với Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy định này được áp dụng đối với
Đội dân phòng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến Đội dân phòng
trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 3. Chức
năng của Đội dân phòng
Đội dân phòng là đơn vị được thành
lập theo Luật phòng cháy và chữa cháy có chức năng tham gia thực hiện nhiệm vụ
phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an ninh, trật tự ở nơi cư trú.
Chương II
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG
CỦA ĐỘI DÂN PHÒNG
Điều 4. Tổ chức
của Đội dân phòng
1. Đội dân phòng được thành
lập phải đảm bảo 03 tiêu chí sau:
- Khu tập trung đông người: Bệnh
viện hoặc trường học hoặc chợ;
- Có từ 200 hộ dân sinh sống tập
trung trở lên;
- Có từ 50 hộ kinh doanh, cơ sở sản
xuất trở lên.
2. Đội dân phòng có biên chế từ 10
người đến 20 người, trong đó có 01 Đội
trưởng và 01 Đội phó; biên chế trên 20 người đến 30 người được biên chế thêm 01
Đội phó. Đội dân phòng có thể được chia thành các Tổ dân phòng; biên chế của Tổ
dân phòng từ 05 đến 10 người, trong đó có 01 Tổ trưởng và 01 Tổ phó.
Điều 5. Hoạt động
của Đội dân phòng
1. Đội dân phòng hoạt động theo
nguyên tắc tuân thủ pháp luật và quy
định này; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh tổng
hợp của toàn dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
2. Đội dân phòng chịu sự lãnh đạo
trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng; sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân
cấp xã và sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Công an cấp xã.
3. Định kỳ hàng tháng, Đội dân
phòng họp 01 lần để kiểm điểm rút kinh nghiệm công tác và triển khai nhiệm vụ
công tác trong thời gian tới; khi cần thiết Đội trưởng Đội dân phòng có thể triệu
tập họp đột xuất. Hàng năm có tổng kết, tổ chức phân loại chất lượng hoạt động
của Đội dân phòng.
Điều 6. Điều
kiện, tiêu chuẩn của Đội viên Đội dân phòng
1. Người tham gia vào Đội dân
phòng phải đảm bảo các tiêu chuẩn:
a) Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở
lên, đủ sức khỏe, có đủ năng lực hành vi dân sự, tinh thần tự nguyện tham gia
vào Đội dân phòng.
b) Có lý lịch rõ ràng, bản thân và
gia đình chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà
nước.
c) Đội trưởng, Đội phó và Đội viên
Đội dân phòng là những người thường xuyên có mặt tại nơi cư trú.
2. Đội trưởng, Đội phó Đội dân
phòng ngoài các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này còn phải là người có
khả năng tổ chức, điều hành hoạt động của Đội dân phòng, có uy tín, được Nhân
dân trong ấp, khu phố và Đội viên tín nhiệm.
Điều 7. Huấn
luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy đối với lực lượng dân phòng
1. Đội dân phòng được huấn luyện,
bồi dưỡng nghiệp vụ theo các nội dung sau:
a) Kiến thức pháp luật, kiến thức
về phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an ninh, trật tự;
b) Phương pháp tuyên truyền, xây dựng
phong trào quần chúng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu
hộ và bảo đảm an ninh, trật tự ở nơi cư trú;
c) Biện pháp phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an ninh, trật tự ở
nơi cư trú;
d) Phương án xây dựng và thực tập
phương án; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy, cứu
nạn, cứu hộ và an ninh, trật tự;
đ) Phương pháp bảo quản, thao tác
sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn,
cứu hộ và an ninh, trật tự;
e) Phương pháp kiểm tra an toàn về
phòng cháy và chữa cháy.
2. Nội dung, thời gian huấn luyện,
bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
và bảo đảm an ninh, trật tự thực hiện theo quy định của Bộ
Công an.
3. Đội trưởng, Đội phó và Đội viên
Đội dân phòng sau khi được huấn luyện, bồi dưỡng nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp Giấy
chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ theo quy định.
Điều 8. Thẩm
quyền thành lập, điều động Đội dân phòng
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quyết định thành lập Đội dân phòng;
quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng, Tổ trưởng, Tổ phó Tổ dân phòng.
2. Công an cấp xã trực tiếp chỉ đạo
hoạt động của Đội dân phòng.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ được điều động Đội dân phòng thuộc phạm vi, địa bàn mình quản lý.
Thủ tục điều động Đội dân phòng thực
hiện theo quy định tại Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ trưởng
Bộ Công an.
4. Đội dân phòng khi được điều động
tham gia tuyên truyền, mít tinh, diễu hành, hội thao về phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và an ninh, trật tự; thực tập
phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và
an ninh, trật tự; tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy và những hoạt động khác
theo yêu cầu của người có thẩm quyền.
5. Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và
chữa cháy có trách nhiệm phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo, tập
huấn, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an ninh, trật tự nơi
cư trú đối với Đội dân phòng.
Chương III
NHIỆM VỤ, QUYỀN
HẠN CỦA ĐỘI DÂN PHÒNG
Điều 9. Nhiệm
vụ của Đội dân phòng
1. Thực hiện các mặt công tác về
phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an ninh, trật tự ở nơi cư trú
theo quy định của pháp luật và của ngành Công an.
2. Tuyên truyền, vận động nhân
dân, phổ biến kiến thức và kỹ năng về
công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và an ninh, trật tự ở cơ sở.
3. Phối hợp với lực lượng chuyên trách
thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an ninh,
trật tự ở nơi cư trú.
4. Đề xuất việc ban hành các quy định,
nội quy an toàn về phòng cháy, chữa cháy; xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng,
phương tiện phòng cháy và chữa cháy; tham gia chữa cháy khi có cháy xảy ra và ở
địa phương khác khi được huy động.
5. Tham gia bảo vệ hiện trường, cứu
giúp người bị nạn, bảo vệ an toàn tài sản của Nhân dân trong các vụ cháy, nổ và
an ninh, trật tự nơi xảy ra cháy nổ.
Điều 10. Quyền
hạn của Đội dân phòng
1. Đôn đốc, nhắc nhỡ Nhân dân
trong khu vực thực hiện các quy định về phòng, chống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ và an ninh, trật tự nơi xảy ra
cháy nổ.
2. Được quyền sử dụng các công cụ, phương tiện đã được trang bị để đảm bảo
an toàn trong công tác phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu
hộ và bảo đảm an ninh, trật tự ở nơi cư trú theo quy định
của pháp luật.
3. Báo cáo, đề xuất Trưởng Công an
cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý các hành vi vi phạm các quy định
về an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an ninh, trật tự nơi xãy ra cháy nổ.
Điều 11.
Trách nhiệm của Đội trưởng, Đội phó và Đội viên Đội dân phòng
1. Đội trưởng Đội dân phòng có
trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy định này; chịu
trách nhiệm trước Công an cấp xã và Ủy ban nhân dân cấp xã về hoạt động của Đội
dân phòng; định kỳ báo cáo tình hình, kết quả công tác của Đội dân phòng theo
quy định.
2. Đội phó Đội dân phòng thực hiện
nhiệm vụ theo sự phân công của Đội trưởng Đội dân phòng và điều hành hoạt động
của Đội dân phòng khi Đội trưởng đi vắng hoặc được ủy quyền.
3. Đội viên Đội dân phòng chịu sự
lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng; có trách nhiệm
thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch công tác theo chỉ đạo của Đội trưởng Đội dân
phòng.
Điều 12. Kiểm
tra, giám sát hoạt động của Đội dân phòng
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ
chức đoàn thể, Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, giám
sát hoạt động của Đội dân phòng.
Điều 13. Khen
thưởng, kỷ luật
1. Tập thể, cá nhân Đội dân phòng
có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và
bảo đảm an ninh, trật tự thì được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật
hiện hành.
2. Đội trưởng, Đội phó và các Đội
viên Đội dân phòng có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ
vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, tước giấy chứng nhận đội viên, xử lý hành
chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi
thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Chương IV
CHẾ ĐỘ, CHÍNH
SÁCH ĐỐI VỚI ĐỘI DÂN PHÒNG
Điều 14. Định
mức hỗ trợ hàng tháng đối với Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng
1. Đội trưởng Đội dân phòng được
hưởng định mức hỗ trợ hàng tháng bằng hệ số 0,3 mức lương cơ sở hiện hành.
2. Đội phó Đội dân phòng được hưởng
định mức hỗ trợ hàng tháng bằng hệ số 0,25 mức lương cơ sở hiện hành.
Điều 15. Chế
độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng
1. Cán bộ, Đội viên Đội dân phòng khi
tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, mỗi ngày được
hưởng trợ cấp một khoản tiền bằng 1,5 ngày lương cơ sở.
2. Cán bộ, Đội viên Đội dân phòng
khi được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo lệnh triệu
tập, huy động của người có thẩm quyền thì được hưởng chế độ như sau:
a) Nếu thời gian duới 02 giờ được
bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,5 ngày lương cơ sở.
b) Nếu thời gian từ 02 giờ đến dưới
04 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,75 ngày lương cở sở.
c) Nếu thời gian từ 04 giờ trở lên
hoặc nhiều ngày thì cứ 04 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 01 ngày lương
cơ sở. Nếu tham gia vào ban đêm từ 22 giờ đến 06 giờ sáng thì được tính gấp 02
lần theo cách tính trên.
d) Trường hợp bị tai nạn, bị thương
được thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh; bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao
động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo
mức độ suy giảm khả năng lao động; bị chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền
mai táng phí... Những khoản chi chế độ nêu trên do tổ chức bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế chi trả theo quy định; nếu người đó chưa tham gia bảo hiểm y tế và bảo
hiểm xã hội thì do ngân sách nhà nước bảo đảm.
đ) Trường hợp bị thương thuộc một
trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
thì được xét hưởng chính sách thương binh hoặc như bệnh binh.
e) Trường hợp bị chết thuộc một
trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh uu đãi người có công với cách mạng
thì được xét công nhận là liệt sỹ.
Điều 16. Nơi
làm việc và trang bị của Đội dân phòng
1. Tùy theo khả năng và điều kiện
cụ thể của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí nơi làm việc và sinh
hoạt của Đội dân phòng cho phù hợp, đảm bảo cho Đội dân phòng hoạt động hiệu quả.
2. Trang phục và công cụ chữa cháy
Đội dân phòng được trang bị: Quần,
áo, mũ, ủng, găng tay, khẩu trang chữa cháy và các công cụ phương tiện chữa
cháy theo quy định của pháp luật. Số lượng trang phục và công cụ chữa cháy
trang bị cho Đội dân phòng tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương mà đề
xuất trang bị cho phù hợp.
Điều 17. Kinh
phí thực hiện
Kinh phí thực hiện chế độ, chính
sách đối với Đội dân phòng thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18.
Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành tỉnh có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định
này; chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các đơn vị trực thuộc thường xuyên tập huấn,
hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và an ninh, trật tự đối với Đội
dân phòng.
2. Tham mưu, đề xuất tổ chức hội
nghị sơ kết, tổng kết công tác của Đội dân phòng để rút kinh nghiệm, nhân rộng
các điển hình tiên tiến nhằm động viên, khen thưởng những cá nhân, đơn vị thực
hiện tốt nhiệm vụ; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Đội dân phòng.
3. Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm
quyền xem xét, quyết định việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và an ninh, trật tự cho Đội dân
phòng.
Điều 19.
Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp
huyện, Công an tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí nhằm đảm bảo
việc thực hiện các chế độ, chính sách, trang bị công cụ, phương tiện, trang phục
chữa cháy cho Đội dân phòng.
2. Chủ trì phối hợp với các sở,
ban, ngành tỉnh liên quan hướng dẫn việc sử dụng, thanh quyết toán các nguồn
kinh phí được sử dụng để đảm bảo hoạt động của Đội dân phòng theo quy định của pháp luật.
Điều 20.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện trong
phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý
nhà nước đối với Đội dân phòng, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức và hoạt động của
Đội dân phòng.
2. Hàng năm lập dự toán kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách cho Đội dân phòng gửi Sở Tài chính thẩm định để trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 21.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
ban hành quy chế hoạt động, xem xét, bố trí nơi làm việc; đảm bảo kinh phí,
trang bị công cụ, phương tiện và các điều kiện cần thiết để duy trì hoạt động của
Đội dân phòng.
2. Kiểm tra, giải quyết khiếu nại,
tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng
mắc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có ý kiến bằng
văn bản gửi đến Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét,
giải quyết và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.