ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 178/2004/QĐ-UB |
Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ “VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BIÊN CHẾ CỦA VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ HÀ NỘI"
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị quyết số 416/NQ-UBTVQH11 ngày 25/9/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng nhiệm vụ, tổ chức biên chế của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội;
Sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Thành lập VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
- Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành.
- Trụ sở đặt tại 12 Lê Lai, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điều 2: Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Văn phòng Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội.
A- Chức năng:
Văn phòng Đoàn ĐBQH Thành phố là cơ quan giúp việc của Đoàn ĐBQH và Đại biểu Quốc hội; có chức năng tham mưu và tổ chức phục vụ mọi họat động của Đoàn ĐBQH, Trưởng, Phó Đoàn ĐBQH và các Đại biểu Quốc hội trong Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội.
B- Nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Giúp Trưởng, Phó Đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, sáu tháng và cả năm của Đoàn ĐBQH.
2. Phục vụ Đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, sáu tháng và cả năm .
3. Tổ chức phục vụ Đại biểu Quốc hội tiếp công dân; tiếp nhận, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân do đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
4. Tổ chức phục vụ Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri; giúp Trưởng Đoàn xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét, giải quyết thuộc phạm vi, thẩm quyền của Thành phố.
5. Phục vụ Đoàn ĐBQH, các Đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia đóng góp vào các Dự án Luật, Pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết và các báo cáo do Ủy Ban Thường vụ Quốc hội gửi đến.
6. Phục vụ các họat động của Đoàn ĐBQH và các Đại biểu Quốc hội trong Đoàn tại kỳ họp Quốc hội theo quy định tại nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật.
7. Phục vụ Đoàn ĐBQH, các Đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật tại Thủ đô. Phối hợp với các Vụ chức năng của Văn phòng Quốc hội, phục vụ các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về Thành phố công tác.
8. Phục vụ các họat động của Đoàn ĐBQH, các Đại biểu Quốc hội trong họat động đối ngoại.
9. Thường xuyên giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND Thành phố, Văn phòng HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Thành phố và các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Thành phố để bảo đảm phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH và Đại biểu Quốc hội.
10. Giúp Trưởng, Phó Đoàn lập dự trù kinh phí họat động hàng năm của Đoàn và thực hiện việc quản lý, chi tiêu, thanh quyết tóan tài chính của Đoàn theo chế độ tài chính nhà nước.
11. Quản lý công tác văn thư, lưu trữ hồ sơ, tài liệu của Đoàn theo quy định của pháp luật.
12. Quản lý tổ chức, cán bộ công chức và tài sản, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật được giao theo quy định của pháp luật.
13. Giúp Trưởng, Phó Đoàn tổng hợp tình hình họat động của Đoàn và các Đại biểu trong Đoàn để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
C- Biên chế và kinh phí họat động:
- Văn phòng Đoàn ĐBQH có Chánh Văn phòng, một Phó Văn phòng. Chánh, Phó Văn phòng Đoàn ĐBQH do Chủ tịch UBND Thành phố bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng Đoàn ĐBQH và ý kiến thống nhất của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
- Văn phòng Đoàn ĐBQH có 8 (tám) biên chế trong tổng biên chế quản lý hành chính của Thành phố, được phân bổ hàng năm theo quy định, trước mắt giao 6 biên chế (bao gồm cả Chánh và Phó Văn phòng). Tùy theo khối lượng và tính chất công việc, có thể sử dụng thêm lao động hợp đồng sau khi thống nhất với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
- Kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH nằm trong kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH được ngân sách Nhà nước cấp theo kế hoạch. Ngoài ra còn có phần kinh phí hỗ trợ của ngân sách Thành phố.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2004.
Điều 4: Chánh Văn phòng UBND thành phố, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI CHỦ TỊCH
Nguyễn Quốc Triệu |