THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1756/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NHÂN LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, NGHIÊN CỨU - TRIỂN
KHAI VÀ HỖ TRỢ KỸ THUẬT ĐẾN NĂM 2020 PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐIỆN HẠT NHÂN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử
ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12
ngày 25 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;
Căn cứ
Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến
năm 2020”;
Căn cứ
Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích
hòa bình đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 2241/QĐ-TTg
ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ
tầng điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa
học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà
nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát
triển điện hạt nhân” (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với những nội dung chủ yếu
sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển, tăng cường năng lực nguồn
nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ
trợ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu triển khai hiệu quả, an toàn, an ninh Dự án điện
hạt nhân Ninh Thuận và chương trình phát triển điện hạt nhân.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Phát triển năng lực của các nhóm
chuyên môn/công việc về quản lý nhà nước phục vụ phát triển điện hạt nhân với
tổng số 400 người, trong đó 50 người có năng lực chủ trì
các nhóm chuyên môn/công việc, 100 người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên
môn và 250 người được trang bị kiến
thức, kỹ năng cơ sở cần thiết cho các chuyên môn/công việc.
b) Phát triển năng lực của các nhóm
chuyên môn/công việc về nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát
triển điện hạt nhân với tổng số
1400 người, trong đó 50 người có năng lực chủ trì các nhóm chuyên
môn/công việc, 400 người có năng lực thực hiện các nhiệm
vụ chuyên môn và 950 người được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ sở chuyên ngành.
II. NỘI DUNG
1. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng
a) Đối với nhân lực quản lý nhà nước
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho nhân
lực quản lý nhà nước bao gồm:
- Các nội dung về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng
nguyên tử quốc tế;
- Thẩm định, đánh giá an toàn; cấp
phép xây dựng, cấp phép vận hành; thanh tra an toàn, quản lý chất lượng, quản
lý môi trường và thanh sát hạt nhân;
- Công nghệ, an toàn lò phản ứng, nhà
máy điện hạt nhân và các lĩnh vực kỹ thuật liên quan; các nội dung quản lý và
kỹ thuật cần thiết về thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành, quản lý chất thải
phóng xạ nhà máy điện hạt nhân.
b) Đối với nhân lực nghiên cứu -
triển khai và hỗ trợ kỹ thuật
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho nhân
lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật bao gồm:
- Khoa học và công nghệ hạt nhân, các
lĩnh vực kỹ thuật về thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận
hành nhà máy điện hạt nhân;
- An toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;
chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ;
ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
2. Hình thức và quy mô đào tạo, bồi
dưỡng
Tổ chức bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn
(dưới 3 tháng) và dài hạn (4-12 tháng) ở trong và ngoài nước ở các trình độ cơ sở, nâng cao và chuyên sâu cho
nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật:
a) Đối với nhân lực quản lý nhà nước
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng ở trình độ cơ sở và nâng cao cho 900 lượt người theo hình thức ngắn hạn và
dài hạn ở trong nước;
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng ở trình độ nâng cao cho 200 lượt người theo hình thức
ngắn hạn ở nước ngoài;
- Tổ chức bồi dưỡng, thực tập chuyên
sâu dài hạn ở nước ngoài cho 40 lượt người.
b) Đối với nhân lực nghiên cứu -
triển khai và hỗ trợ kỹ thuật
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng ở trình độ cơ sở và nâng cao cho 1700 lượt người theo hình thức ngắn hạn ở
trong nước; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ở trình độ cơ sở về kỹ thuật hạt nhân
và các kỹ thuật liên quan cho 450 lượt người theo hình
thức dài hạn ở trong nước;
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng ở trình độ nâng cao cho 370 lượt người theo hình thức ngắn hạn ở nước
ngoài;
- Tổ chức bồi dưỡng, thực tập chuyên
sâu dài hạn ở nước ngoài cho 60 lượt người.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với
các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp sau đây:
1. Rà soát, sắp xếp, bổ sung nguồn
nhân lực bảo đảm số lượng và cơ cấu chuyên môn phù hợp cho các cơ quan quản lý
nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển điện
hạt nhân để cử đi bồi dưỡng, thực tập hàng năm.
2. Hoàn thiện cơ chế đào tạo, bồi
dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu đặc thù
phục vụ phát triển điện hạt nhân.
3. Xây dựng hệ thống chương trình,
tài liệu, cơ sở dữ liệu; tăng cường trang thiết bị, phương
tiện giảng dạy, bao gồm thiết bị mô phỏng nhà máy điện hạt nhân, các chương
trình tính toán, hệ thống công nghệ thông tin và các trang thiết bị cần thiết
khác phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho phát triển điện hạt nhân.
4. Đẩy mạnh và mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước có nền khoa học và công
nghiệp hạt nhân phát triển nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng
cường trao đổi chuyên gia, kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ các nguồn: ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công
nghệ; tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; các
nguồn thu và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
2. Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ
ngân sách nhà nước được chi cho các hoạt động sau:
- Tổ chức các khóa bồi dưỡng, thực
tập ngắn hạn và dài hạn ở trong nước và ở nước ngoài, đào
tạo ngoại ngữ chuyên ngành;
- Tăng cường trang thiết bị, phương
tiện giảng dạy; xây dựng, thẩm định chương trình, tài liệu; mua phần mềm, tài
liệu, sách chuyên khảo;
- Thuê chuyên gia, tư vấn trong và
ngoài nước; thuê phiên dịch, biên dịch;
- Tổ chức các đoàn đàm phán, ký kết với đối tác nước ngoài; cử cán bộ đi nước ngoài để tham
gia các hội thảo, hội nghị quốc tế, các khóa bồi dưỡng, thực tập do nước ngoài
tổ chức, hợp tác xây dựng chương trình và tài liệu; tổ chức các hội nghị, hội
thảo trong nước;
- Công tác quản lý, tổ chức và các
nội dung chi cần thiết khác cho việc thực hiện Kế hoạch.
3. Đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà
nước, việc lập dự toán ngân sách hàng năm được thực hiện theo Luật Ngân sách
nhà nước. Hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm lập dự toán kinh
phí phần ngân sách nhà nước gửi Bộ Tài chính cân đối và bố
trí vào dự toán ngân sách hàng năm.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Khoa học và Công nghệ:
- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kế
hoạch; hướng dẫn, kiểm tra giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ
hàng năm hoặc khi có yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
- Chủ trì, phối
hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng và tổ chức phê duyệt kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm.
2. Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối
hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước
để triển khai thực hiện Kế hoạch;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học
và Công nghệ hướng dẫn công tác quản lý tài chính bảo đảm triển khai thực hiện
Quyết định này.
3. Các Bộ, ngành, địa phương liên
quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ
trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ CổngTTĐT, các Vụ: KTN, KTTH, QHQT, V.III,
TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3b). 132
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|