BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 171-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban
Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII;
- Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW,
ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp
xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,
BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Chức năng
Văn phòng Trung ương Đảng là cơ quan
tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí
thư trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, phối hợp, điều hòa
hoạt động của các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng; tham mưu
về nguyên tắc và chế độ quản lý tài chính, tài sản của Đảng; trực tiếp quản lý
tài chính, tài sản của các cơ quan đảng Trung ương và bảo đảm hậu cần phục vụ
hoạt động của Trung ương Đảng; đồng thời là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ
lãnh đạo.
Điều 2. Nhiệm vụ
1. Giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc và chương
trình công tác, sơ kết, tổng kết và sửa đổi, bổ sung Quy chế nếu thấy cần thiết.
Là đầu mối phối hợp, điều hòa chương
trình công tác của đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thường
trực Ban Bí thư và một số hoạt động của các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban
Bí thư để thực hiện Quy chế làm việc và chương trình công
tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tham gia tổ chức phục vụ Đại hội đại
biểu toàn quốc của Đảng, các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị,
Ban Bí thư, hội nghị do Bộ Chính trị, Ban Bí thư triệu tập.
Chủ trì, phối hợp, tham mưu chuẩn bị nội
dung và tổ chức phục vụ các cuộc làm việc của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và
các cuộc làm việc của đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Ủy
viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; phối
hợp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận của Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo; giúp đồng chí Thường trực Ban Bí
thư xử lý công việc hàng ngày của Đảng.
2. Chủ trì hoặc
phối hợp tham gia xây dựng một số nghị quyết, chỉ thị và đề án do Bộ Chính trị,
Ban Bí thư giao; tham gia cùng các cơ quan chủ đề án chỉnh lý các văn bản của
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trực tiếp biên tập những
văn bản được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
3. Theo dõi, đôn
đốc, thẩm tra việc chuẩn bị các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư về yêu cầu, phạm vi, quy trình, tiến độ và thể thức văn bản của
đề án. Tổ chức nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư ý kiến thẩm
định của các cơ quan và Văn phòng Trung ương Đảng đối với các đề án trình Bộ
Chính trị, Ban Bí thư.
4. Theo dõi, đánh giá, tổng hợp tình
hình tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận...
của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ở các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy, đảng
đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương. Đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí
thư những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy chế,
nguyên tắc... hoạt động của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương. Góp ý kiến
với Ban Tổ chức Trung ương và phản ánh với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực
Ban Bí thư về tình hình nhân sự chủ chốt của các tỉnh ủy, thành ủy (bí thư, phó
bí thư thường trực, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân) khi
có yêu cầu; nắm tình hình hoạt động của các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, các cơ quan, tổ chức (ở những nơi không lập đảng
đoàn, ban cán sự đảng) trực thuộc Trung ương, báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí
thư.
5. Phối hợp với các ban đảng, ban cán
sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực thuộc Trung ương tham
mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết
việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng.
Phối hợp với các cơ quan định kỳ sơ kết, tổng kết, rút
kinh nghiệm trong công tác điều hòa, phối hợp các hoạt động phục vụ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng.
6. Là đầu mối, chủ trì tổ chức, điều
hòa, phối hợp công tác giữa bốn Văn phòng: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng
Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội. Đôn đốc các cơ quan
tham mưu của Trung ương Đảng thực hiện đúng tiến độ công việc được giao.
7. Tổ chức công tác thông tin phục vụ
sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, cung cấp thông tin cho các cấp ủy, cơ quan, tổ
chức đảng trực thuộc Trung ương. Theo dõi, đôn đốc các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn và các cấp ủy đảng trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ thông tin
báo cáo theo quy định.
8. Tiếp nhận và xử lý đơn, thư gửi đến
Trung ương; kiến nghị với Ban Bí thư xử lý đơn, thư; theo dõi, đôn đốc việc giải
quyết một số đơn, thư được Ban Bí thư giao. Phối hợp với các cơ quan chức năng
của Nhà nước tổ chức công tác tiếp dân.
9. Tiếp nhận, tổ chức biên tập, in,
phát hành và quản lý các tài liệu, văn kiện của Trung ương Đảng; thực hiện và
kiểm tra việc thực hiện chế độ bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước trong hệ thống
văn phòng cấp ủy.
10. Quản lý tập trung, thống nhất Phòng Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công
tác văn thư và lưu trữ đối với các cơ quan, tổ chức đảng và tổ chức chính trị -
xã hội; trực tiếp quản lý Lưu trữ lịch sử của Trung ương Đảng; thực hiện nhiệm
vụ lưu trữ cơ quan của Trung ương Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng.
11. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ cơ
quan tài chính của Trung ương Đảng. Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chủ trương,
nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý tài chính, tài sản, chế độ thu, chi ngân
sách trong các cơ quan đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng theo quy định của pháp
luật và Điều lệ Đảng; hướng dẫn cấp ủy, văn phòng cấp ủy thực hiện quyền chủ sở
hữu, quản lý và sử dụng tài sản tại cơ quan đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng.
Thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu
tài sản tại cơ quan đảng, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp của Đảng ở Trung
ương theo sự ủy quyền của Bộ Chính trị. Báo cáo tình hình công tác tài chính
hàng năm của Đảng trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương
theo quy định; báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về tình hình quản lý, sử dụng tài
sản tại cơ quan đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng trên phạm vi cả nước. Hướng dẫn,
giám sát, kiểm tra nghiệp vụ về quản lý tài chính, tài sản tại các cơ quan, đơn
vị và các doanh nghiệp của Đảng. Giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản
công được giao quản lý, sử dụng.
12. Phối hợp với các cơ quan chức
năng quản lý nhà nước trong việc quản lý về quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng
cơ bản; đầu tư các dự án cho các cơ quan đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng ở
Trung ương.
13. Thực hiện nhiệm vụ quan hệ
quốc tế về tài chính với các đảng và các tổ chức chính trị có
quan hệ với Đảng ta theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
14. Bảo đảm điều kiện vật chất, trang
bị kỹ thuật phục vụ hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban
Bí thư; bảo đảm tài chính, trụ sở làm việc và một số điều kiện vật chất khác phục
vụ hoạt động của các cơ quan đảng ở Trung ương.
15. Tổ chức thực hiện một số chế độ,
chính sách đối với cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ diện chính sách theo
quy định của Bộ Chính trị và Ban Bí thư; thực hiện chế độ, chính sách đối với
cán bộ cao cấp (kể cả nguyên chức) và cán bộ, công chức của các cơ quan đảng
Trung ương theo quy định của Đảng và Nhà nước.
16. Tham mưu, giúp Ban Bí thư chỉ đạo,
tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng; tổ
chức quản lý, khai thác, bảo vệ mạng thông tin diện rộng của Đảng; hướng dẫn,
kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ ứng dụng
công nghệ thông tin ở các cơ quan đảng, trực tiếp quản trị, vận hành Trung tâm
tích hợp dữ liệu của các cơ quan đảng ở Trung ương và triển
khai ứng dụng công nghệ thông tin ở Văn phòng Trung ương Đảng; thực hiện công
tác cơ yếu phục vụ Trung ương và các cơ quan Trung ương.
17. Phối hợp với các cơ quan chức
năng có liên quan tổ chức công tác bảo vệ, bảo đảm thông
tin liên lạc tại Trụ sở Trung ương Đảng.
18. Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ
công tác văn phòng cấp ủy ở văn phòng tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan đảng ở Trung ương. Phối hợp với Ban Tổ chức
Trung ương xây dựng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của văn phòng cấp ủy địa
phương trình Ban Bí thư.
19. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ
Chính trị, Ban Bí thư giao.
Điều 3. Tổ chức bộ
máy
1. Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng
gồm Chánh Văn phòng và các Phó Chánh Văn phòng.
2. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng Trung
ương Đảng gồm:
a) Các đơn vị cấp vụ, cục và tương đương
- Vụ Tổng hợp.
- Vụ Thư ký.
- Vụ Địa phương I (tại Hà Nội).
- Vụ Địa phương II (tại Thành phố Hồ
Chí Minh).
- Vụ Văn thư.
- Vụ Thư từ - Tiếp dân.
- Vụ Tổ chức - Cán bộ.
- Cục Tài chính và Quản lý đầu tư.
- Cục Quản trị A (tại Hà Nội).
- Cục Quản trị T.78 (tại Thành phố Hồ
Chí Minh).
- Cục Quản trị T.26 (tại Đà Nẵng).
- Cục Lưu trữ.
- Trung tâm Công nghệ thông tin - Cơ
yếu.
b) Các doanh nghiệp
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên An Phú.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên Hồ Tây.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên In Tiến Bộ.
c) Đơn vị sự nghiệp công lập
Ban Quản lý dự
án các công trình xây dựng của Đảng ở Trung ương.
3. Biên chế Văn
phòng Trung ương Đảng được xác định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ
máy và đề án vị trí việc làm; thực hiện nghiêm nghị quyết, kết luận của Trung
ương, Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức. Ngoài số biên chế theo quy định, Văn phòng Trung ương Đảng được sử dụng
chế độ chuyên gia, cán bộ biệt phái, chế độ cộng tác viên
phục vụ cho công tác.
Điều 4. Chế độ
làm việc
1. Văn phòng Trung ương Đảng làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng chịu
trách nhiệm tổ chức, lãnh đạo, điều hành công việc chung của Văn phòng. Giúp việc
Chánh Văn phòng Trung ương Đảng có các Phó Chánh Văn phòng.
2. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng được
ký thừa lệnh Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số văn bản như: Thông báo, điện mật,
công văn... chỉ đạo công tác và chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; được yêu cầu các ban, ngành, cấp ủy đảng cung cấp
các thông tin cần thiết cho việc theo dõi nắm tình hình chuẩn bị các đề án, chỉ
đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
3. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng được
cử chuyên viên nghiên cứu thuộc các vụ chức năng tham dự các cuộc họp triển
khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, chủ trương công tác của
các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, các
cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương thuộc phạm vi được phân công theo dõi.
4. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức
bộ máy, Văn phòng Trung ương Đảng xây dựng Quy chế làm việc, các quy trình công
tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 5. Điều khoản
thi hành
1. Quyết định này thay thế Quyết định
số 189-QĐ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ
Chính trị khóa XI về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung
ương Đảng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Văn phòng Trung
ương Đảng, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng
ủy, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng
đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M. BỘ CHÍNH TRỊ
Trần Quốc Vượng
|