TÒA
ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 170/QĐ-TANDTC-TĐKT
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 6
năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ KHEN THƯỞNG ĐỘT XUẤT TRONG TÒA ÁN NHÂN DÂN
CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân
dân năm 2014;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng
năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm
2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP
ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Thi đua, khen thưởng; Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018 của Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân
dân;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thi
đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân tối cao,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế khen
thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối
cao; Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp; các tập thể, cá nhân
trong và ngoài Tòa án nhân dân thuộc đối tượng áp dụng trong Quy chế chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban TĐKTTW (để báo cáo);
- Các đ/c PCA TANDTC (để p/hợp chỉ đạo);
- Các thành viên HĐTĐKT TAND;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tin);
- Lưu: VP, Vụ TĐKT.
|
CHÁNH ÁN
Nguyễn Hòa Bình
|
QUY CHẾ
KHEN THƯỞNG ĐỘT XUẤT TRONG TÒA ÁN NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-TANDTC-TĐKT
ngày 21/6/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Đối tượng
và phạm vi áp dụng
1. Quy chế này áp dụng đối với các tập
thể, cá nhân trong và ngoài Tòa án nhân dân lập được thành tích xuất sắc đột xuất
trong các lĩnh vực công tác của Tòa án nhân dân.
2. Các tập thể, cá nhân trong các Tòa
án quân sự lập được thành tích xuất sắc đột xuất trong
công tác có thể được xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền xét khen thưởng phù hợp
với quy định chung của Bộ Quốc phòng.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
1. Khen thưởng đột xuất là khen thưởng
đối với các tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc đột xuất trong công
tác.
2. Thành tích đột xuất trong công tác
Tòa án nhân dân là thành tích của tập thể, cá nhân lập được
đối với từng vụ việc, nhiệm vụ cụ thể, ngoài kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công
tác bình thường mà tập thể, cá nhân được giao hoặc là
thành tích tiêu biểu xuất sắc, vượt trội trong thực hiện kế hoạch công tác hoặc
phong trào thi đua theo đợt hoặc chuyên đề của cơ quan, đơn vị; thể hiện sự
sáng tạo, trách nhiệm cao, vượt qua mọi khó khăn, đem lại hiệu quả cao trong
công tác; là thành tích điển hình trong cơ quan, đơn vị, địa phương, cụm thi
đua hoặc trong hệ thống Tòa án nhân dân; được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phát
hiện biểu dương, khen ngợi; được tập thể nơi công tác hoặc
các cấp lãnh đạo, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao; tạo được uy tín, ảnh
hưởng lớn trong cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc trong toàn hệ thống Tòa án
nhân dân.
Điều 3. Nguyên
tắc đề nghị khen thưởng đột xuất
1. Việc xét khen thưởng đột xuất phải
căn cứ vào Luật Thi đua, khen thưởng, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi
đua, khen thưởng và Quy chế này.
2. Hình thức, mức hạng đề nghị khen
thưởng đột xuất phải phù hợp với thành tích đạt được.
3. Chú trọng khen thưởng các đơn vị
cơ sở, tập thể nhỏ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp. Trường hợp
có nhiều cá nhân cùng đủ tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng thì ưu tiên khen thưởng
người không giữ chức vụ hoặc giữ chức vụ thấp hơn.
4. Chỉ đề nghị xét khen thưởng khi
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đột xuất, đồng thời hoàn
thành tốt nhiệm vụ trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ thường xuyên trong năm của
cá nhân, đơn vị, cơ quan.
5. Trường hợp vụ việc hoặc nhiệm vụ
có nhiều tập thể, cá nhân thuộc nhiều cơ quan, đơn vị tham gia (kể cả tập thể, cá nhân ngoài Tòa án nhân dân) thì sau khi hoàn thành nhiệm
vụ, đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ đề xuất tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, đề nghị khen thưởng đối với các tập
thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc đột xuất và gửi
hồ sơ đến Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng của cơ quan, đơn vị để
thẩm định, đề xuất khen thưởng theo quy định.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Điều 4. Các hình
thức khen thưởng đột xuất
1. Khen thưởng cấp Nhà nước.
2. Khen thưởng của Tòa án nhân dân.
a) Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân
dân tối cao.
b) Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan,
đơn vị có thẩm quyền.
Điều 5. Đối tượng
khen thưởng đột xuất
1. Khen thưởng cấp Nhà nước:
- Cá nhân đang công tác trong Tòa án
nhân dân.
- Tập thể các đơn vị cấp Vụ và tương
đương thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp.
2. Khen thưởng của Tòa án nhân dân:
- Cá nhân đang công tác trong Tòa án
nhân dân.
- Tập thể các đơn vị cấp Vụ, Phòng và
tương đương thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự
các cấp.
- Tập thể, cá nhân ngoài Tòa án nhân
dân.
Điều 6. Căn cứ đề
nghị khen thưởng đột xuất
Các tập thể, cá nhân lập được thành
tích xuất sắc đột xuất một trong các lĩnh vực công tác sau đây (được lãnh đạo cấp
có thẩm quyền ghi nhận và trực tiếp đề nghị) thì có thể được xem xét, đề nghị
khen thưởng:
1. Công tác giải quyết, xét xử:
a) Giải quyết, xét xử kịp thời các vụ
án lớn, án điểm, án tham nhũng, liên quan đến chức vụ, dịch bệnh... đặc biệt
nghiêm trọng (dư luận xã hội quan tâm, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống
tham nhũng trực tiếp chỉ đạo), đảm bảo chất lượng theo quy định.
Trong trường hợp cả hai cấp sơ thẩm
và phúc thẩm đều thống nhất đường lối giải quyết, xét xử đúng quy định pháp luật
(vụ án có hiệu lực pháp luật mà không bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm,
tái thẩm) thì cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm có thể được
đề nghị xem xét khen thưởng đột xuất (nhưng cấp phúc thẩm
sẽ đề nghị hình thức khen thưởng thấp hơn một mức hạng so
với cấp sơ thẩm).
b) Có tỷ lệ giải quyết, xét xử các loại
vụ, việc trong năm vượt chỉ tiêu định mức cao nhất theo quy định của Tòa án
nhân dân tối cao; đồng thời, đảm bảo chất lượng không có vụ án nào bị hủy, sửa
do nguyên nhân chủ quan.
c) Vượt chỉ tiêu định mức cao nhất
trong việc thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử theo quy định của
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
d) Có từ 02 bản án, quyết định (đã có
hiệu lực pháp luật) trở lên trong năm được lựa chọn phát triển thành án lệ.
2. Công tác giám đốc kiểm tra:
a) Tham mưu, giúp Hội đồng thẩm phán,
Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân giải quyết, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các
vụ án lớn, án điểm, án tham nhũng, liên quan đến chức vụ, dịch bệnh... đặc biệt
nghiêm trọng (dư luận xã hội quan tâm, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống
tham nhũng trực tiếp chỉ đạo), vượt chỉ tiêu định mức cao nhất, đảm bảo chất lượng
theo quy định.
b) Giải quyết kịp thời, đúng thời hạn,
đúng quy định của pháp luật, vượt chỉ tiêu định mức cao nhất đối với các vụ việc
có đơn khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, kéo dài, đông người tham gia.
3. Công tác tham mưu, giúp việc:
a) Trong việc xây dựng pháp luật, hợp
tác quốc tế và đào tạo:
- Xây dựng được từ 02 dự án luật,
pháp lệnh, nghị quyết về cải cách tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa
án nhân dân trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), vượt tiến độ, đảm bảo
chất lượng và đã được triển khai thực hiện có hiệu quả.
- Có từ 02 đề xuất trở lên (ngoài chỉ
tiêu được giao trong năm), được Hội đồng thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao thông qua làm án lệ.
- Xây dựng, triển khai thực hiện
thành công, có hiệu quả cao từ 02 dự án, đề án về hợp tác quốc tế... trở lên
(ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), thu hút tài trợ trong các lĩnh vực tổ chức,
đào tạo, hoạt động của Tòa án nhân dân.
b) Trong việc phát triển công nghệ
thông tin, tuyên truyền:
- Xây dựng từ 02 dự án, đề án, phần mềm
về công nghệ thông tin trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), đã được
triển khai ứng dụng có hiệu quả cao, bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin của
Tòa án nhân dân ổn định, an toàn, an ninh, phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều
hành và công tác chuyên môn của các Tòa án nhân dân.
- Xây dựng, triển khai thực hiện
thành công từ 02 đề án, kế hoạch lớn về thông tin, tuyên truyền trở lên (ngoài
chỉ tiêu được giao trong năm), góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Tòa án nhân
dân.
- Tổ chức nhiều hoạt động xã hội, từ
thiện, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói,
giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giúp đồng bào vùng bị thiên tai, địch họa,
góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương (được cấp ủy, lãnh đạo tại địa
phương đó xác nhận và đánh giá cao).
c) Trong việc thực hiện công tác hành
chính - tư pháp, văn phòng, kế toán - tài chính:
- Xây dựng, triển khai thực hiện
thành công từ 02 đề án, giải pháp, kế hoạch đổi mới về cải cách thủ tục hành
chính tư pháp trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), giúp rút ngắn quy
trình, thủ tục hành chính được cấp có thẩm quyền ghi nhận và đánh giá cao.
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong
việc tổ chức thành công các hội nghị, sự kiện lớn, quan trọng của Tòa án nhân
dân hoặc tổ chức phục vụ tốt kế hoạch xét xử các vụ án lớn, phức tạp, đông người
tham gia.
- Xây dựng, triển khai thực hiện có
hiệu quả cao từ 02 dự án, đề án về lĩnh vực kế hoạch, tài chính trở lên (ngoài
chỉ tiêu được giao trong năm), bảo đảm kinh phí, trang thiết bị làm việc... góp
phần xây dựng Tòa án nhân dân hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
d) Trong việc thực hiện công tác tổ
chức, thanh tra và thi đua, khen thưởng:
- Xây dựng, triển khai thực hiện
thành công từ 02 đề án, giải pháp, kế hoạch đổi mới, nâng cao chất lượng trong
công tác tổ chức cán bộ (tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm,
luân chuyển, điều động... cán bộ, công chức Tòa án nhân
dân) trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), đáp ứng yêu cầu cải cách tư
pháp và hội nhập quốc tế hiện nay.
- Giải quyết dứt điểm, kịp thời các
trường hợp khiếu kiện đông người, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với
Tòa án, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện
phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương (được cấp ủy, lãnh đạo tại địa phương
đó xác nhận và đánh giá cao).
- Xây dựng, triển khai thực hiện
thành công từ 02 đề án, giải pháp, kế hoạch đổi mới, nâng cao chất lượng công
tác: thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham
nhũng, thi hành án, thi đua, khen thưởng... trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao
trong năm), phù hợp với đặc thù của Tòa án nhân dân.
- Xây dựng được 30% cá nhân, tập thể
trong phạm vi quản lý trở lên điển hình tiên tiến, mô hình
mới, cách làm hay, sáng tạo trong các mặt công tác, được phổ biến học tập, nhân
rộng trong Tòa án nhân dân và xã hội.
4. Công tác khác
Tập thể, cá nhân lập được thành tích
đặc biệt xuất sắc đột xuất trong các lĩnh vực khác, hoặc có đóng góp quan trọng
vào thành tích chung trong sự nghiệp phát triển của Tòa án nhân dân... được
lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xác nhận, đánh giá cao và
thống nhất đề nghị.
Điều 7. Thời gian
và hồ sơ đề nghị khen thưởng đột xuất
Việc xem xét đề nghị khen thưởng được
thực hiện sau khi tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc đột xuất. Trình
tự, thủ tục bình xét, đề nghị khen thưởng theo quy định chung về khen thưởng của
Tòa án nhân dân tối cao.
Hồ sơ đề nghị khen thưởng đột xuất, gồm
có:
1. Tờ trình của Thủ trưởng cơ quan,
đơn vị theo thẩm quyền quản lý; Xác nhận, đánh giá của lãnh đạo: Tòa án nhân
dân tối cao phụ trách (đối với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao), Tòa
án quân sự Trung ương (đối với Tòa án quân sự các cấp), Tòa án nhân dân cấp
cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh (đối với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh
và Tòa án nhân dân cấp huyện trong tỉnh); Danh sách tập thể, cá nhân được đề
nghị khen thưởng (theo Mẫu ban hành kèm theo Thông tư số
01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao).
2. Bản tóm tắt thành tích của cơ
quan, đơn vị quản lý trực tiếp ghi rõ hành động, thành tích, công trạng của tập
thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng (theo Mẫu ban hành
kèm theo Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018 của Chánh án Tòa án nhân
dân tối cao).
Hồ sơ lập 01 bộ (đối với đề nghị tặng
Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Giấy
khen của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền), 03 bộ (đối với đề nghị Bằng
khen của Thủ tướng Chính phủ) và 04 bộ (đối với đề nghị tặng Huân chương).
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm
tổ chức quán triệt, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án
nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp có trách nhiệm
tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quy chế này; chủ động xem xét, khen
thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với tập
thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong công
tác theo đúng quy định.
2. Vụ Thi đua-Khen thưởng Tòa án nhân
dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực
hiện Quy chế khen thưởng đột xuất trong các Tòa án nhân dân.
Điều 9. Sửa đổi,
bổ sung Quy chế khen thưởng đột xuất
Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế khen
thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem
xét, quyết định./.