Quy chế khen thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
07/09/2023 16:05 PM

Hiện nay, Quy chế khen thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân được hướng dẫn như thế nào? – Quốc Bảo (Bình Dương)

Quy chế khen thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân

Quy chế khen thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân (Hình từ internet)

Quy chế khen thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân

Hiện hành, Quy chế khen thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân được ban hành kèm theo Quyết định 170/QĐ-TANDTC-TĐKT năm 2021.

Quy chế này áp dụng đối với các tập thể, cá nhân trong và ngoài Tòa án nhân dân lập được thành tích xuất sắc đột xuất trong các lĩnh vực công tác của Tòa án nhân dân.

Các tập thể, cá nhân trong các Tòa án quân sự lập được thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác có thể được xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền xét khen thưởng phù hợp với quy định chung của Bộ Quốc phòng.

Trong đó, khen thưởng đột xuất là khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác.

Thành tích đột xuất trong công tác Tòa án nhân dân là thành tích của tập thể, cá nhân lập được đối với từng vụ việc, nhiệm vụ cụ thể, ngoài kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác bình thường mà tập thể, cá nhân được giao hoặc là thành tích tiêu biểu xuất sắc, vượt trội trong thực hiện kế hoạch công tác hoặc phong trào thi đua theo đợt hoặc chuyên đề của cơ quan, đơn vị; thể hiện sự sáng tạo, trách nhiệm cao, vượt qua mọi khó khăn, đem lại hiệu quả cao trong công tác; là thành tích điển hình trong cơ quan, đơn vị, địa phương, cụm thi đua hoặc trong hệ thống Tòa án nhân dân; được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phát hiện biểu dương, khen ngợi; được tập thể nơi công tác hoặc các cấp lãnh đạo, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao; tạo được uy tín, ảnh hưởng lớn trong cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân.

Các hình thức khen thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân

Theo Quy chế, các hình thức khen thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân gồm có:

- Khen thưởng cấp Nhà nước.

- Khen thưởng của Tòa án nhân dân.

+ Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

+ Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

Đối tượng khen thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân

Đối tượng khen thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân bao gồm:

- Khen thưởng cấp Nhà nước:

+ Cá nhân đang công tác trong Tòa án nhân dân.

+ Tập thể các đơn vị cấp Vụ và tương đương thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp.

- Khen thưởng của Tòa án nhân dân:

+ Cá nhân đang công tác trong Tòa án nhân dân.

+ Tập thể các đơn vị cấp Vụ, Phòng và tương đương thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp.

+ Tập thể, cá nhân ngoài Tòa án nhân dân.

Căn cứ đề nghị khen thưởng đột xuất trong Tòa án nhân dân

Các tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc đột xuất một trong các lĩnh vực công tác sau đây (được lãnh đạo cấp có thẩm quyền ghi nhận và trực tiếp đề nghị) thì có thể được xem xét, đề nghị khen thưởng:

(1) Công tác giải quyết, xét xử:

- Giải quyết, xét xử kịp thời các vụ án lớn, án điểm, án tham nhũng, liên quan đến chức vụ, dịch bệnh... đặc biệt nghiêm trọng (dư luận xã hội quan tâm, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo), đảm bảo chất lượng theo quy định.

Trong trường hợp cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều thống nhất đường lối giải quyết, xét xử đúng quy định pháp luật (vụ án có hiệu lực pháp luật mà không bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm) thì cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm có thể được đề nghị xem xét khen thưởng đột xuất (nhưng cấp phúc thẩm sẽ đề nghị hình thức khen thưởng thấp hơn một mức hạng so với cấp sơ thẩm).

- Có tỷ lệ giải quyết, xét xử các loại vụ, việc trong năm vượt chỉ tiêu định mức cao nhất theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời, đảm bảo chất lượng không có vụ án nào bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan.

- Vượt chỉ tiêu định mức cao nhất trong việc thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

- Có từ 02 bản án, quyết định (đã có hiệu lực pháp luật) trở lên trong năm được lựa chọn phát triển thành án lệ.

(2) Công tác giám đốc kiểm tra:

- Tham mưu, giúp Hội đồng thẩm phán, Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân giải quyết, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án lớn, án điểm, án tham nhũng, liên quan đến chức vụ, dịch bệnh... đặc biệt nghiêm trọng (dư luận xã hội quan tâm, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo), vượt chỉ tiêu định mức cao nhất, đảm bảo chất lượng theo quy định.

- Giải quyết kịp thời, đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật, vượt chỉ tiêu định mức cao nhất đối với các vụ việc có đơn khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, kéo dài, đông người tham gia.

(3) Công tác tham mưu, giúp việc:

- Trong việc xây dựng pháp luật, hợp tác quốc tế và đào tạo:

+ Xây dựng được từ 02 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết về cải cách tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng và đã được triển khai thực hiện có hiệu quả.

+ Có từ 02 đề xuất trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua làm án lệ.

+ Xây dựng, triển khai thực hiện thành công, có hiệu quả cao từ 02 dự án, đề án về hợp tác quốc tế... trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), thu hút tài trợ trong các lĩnh vực tổ chức, đào tạo, hoạt động của Tòa án nhân dân.

- Trong việc phát triển công nghệ thông tin, tuyên truyền:

+ Xây dựng từ 02 dự án, đề án, phần mềm về công nghệ thông tin trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), đã được triển khai ứng dụng có hiệu quả cao, bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin của Tòa án nhân dân ổn định, an toàn, an ninh, phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành và công tác chuyên môn của các Tòa án nhân dân.

+ Xây dựng, triển khai thực hiện thành công từ 02 đề án, kế hoạch lớn về thông tin, tuyên truyền trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Tòa án nhân dân.

+ Tổ chức nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giúp đồng bào vùng bị thiên tai, địch họa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương (được cấp ủy, lãnh đạo tại địa phương đó xác nhận và đánh giá cao).

- Trong việc thực hiện công tác hành chính - tư pháp, văn phòng, kế toán - tài chính:

+ Xây dựng, triển khai thực hiện thành công từ 02 đề án, giải pháp, kế hoạch đổi mới về cải cách thủ tục hành chính tư pháp trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), giúp rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính được cấp có thẩm quyền ghi nhận và đánh giá cao.

+ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong việc tổ chức thành công các hội nghị, sự kiện lớn, quan trọng của Tòa án nhân dân hoặc tổ chức phục vụ tốt kế hoạch xét xử các vụ án lớn, phức tạp, đông người tham gia.

+ Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả cao từ 02 dự án, đề án về lĩnh vực kế hoạch, tài chính trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), bảo đảm kinh phí, trang thiết bị làm việc... góp phần xây dựng Tòa án nhân dân hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

- Trong việc thực hiện công tác tổ chức, thanh tra và thi đua, khen thưởng:

+ Xây dựng, triển khai thực hiện thành công từ 02 đề án, giải pháp, kế hoạch đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác tổ chức cán bộ (tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động... cán bộ, công chức Tòa án nhân dân) trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế hiện nay.

+ Giải quyết dứt điểm, kịp thời các trường hợp khiếu kiện đông người, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Tòa án, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương (được cấp ủy, lãnh đạo tại địa phương đó xác nhận và đánh giá cao).

+ Xây dựng, triển khai thực hiện thành công từ 02 đề án, giải pháp, kế hoạch đổi mới, nâng cao chất lượng công tác: thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thi hành án, thi đua, khen thưởng... trở lên (ngoài chỉ tiêu được giao trong năm), phù hợp với đặc thù của Tòa án nhân dân.

+ Xây dựng được 30% cá nhân, tập thể trong phạm vi quản lý trở lên điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong các mặt công tác, được phổ biến học tập, nhân rộng trong Tòa án nhân dân và xã hội.

(4) Công tác khác: Tập thể, cá nhân lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong các lĩnh vực khác, hoặc có đóng góp quan trọng vào thành tích chung trong sự nghiệp phát triển của Tòa án nhân dân... được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xác nhận, đánh giá cao và thống nhất đề nghị.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,780

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn