ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/2016/QĐ-UBND
|
Bình Định, ngày 23 tháng 02 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH NỘI QUY TIẾP CÔNG DÂN TẠI TRỤ SỞ TIẾP CÔNG DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Khiếu nại năm 2011;
Căn cứ Luật Tố cáo năm 2011;
Căn cứ Luật Tiếp công dân năm
2013;
Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP
ngày 03/10/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại
năm 2011;
Căn cứ Nghị định số 76/2012/NĐ-CP
ngày 03/10/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo năm 2011;
Căn cứ Nghị định số 64/2014/NĐ-CP
ngày 26/6/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công
dân năm 2013;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh (địa chỉ 28 Nguyễn
Trãi, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 105/2003/QĐ-UB ngày
04/6/2003 của UBND tỉnh.
Ban Tiếp công dân tỉnh niêm yết Nội
quy tiếp công dân để mọi tổ chức, cá nhân đến Trụ sở Tiếp công dân tỉnh biết,
chấp hành và theo dõi việc thực hiện Nội quy này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố và các tổ chức, công dân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Cục VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- UBKT Tỉnh ủy;
- VP. Tỉnh ủy;
- VP. HĐND và ĐBQH tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Ban TCD tỉnh;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Hồ Quốc Dũng
|
NỘI QUY
TIẾP CÔNG DÂN TẠI TRỤ SỞ TIẾP CÔNG DÂN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2016/QĐ-UBND
ngày 23/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)
Điều 1. Định kỳ
Tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh.
1. Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đối thoại tiếp
công dân định kỳ vào ngày 10 và 25 hàng tháng tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh, số
nhà 28 Nguyễn Trãi, thành
phố Quy Nhơn (các ngày tiếp công dân định kỳ nếu trùng vào ngày lễ, ngày nghỉ, thì sẽ tiếp vào ngày làm
việc tiếp theo). Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đi vắng
sẽ phân công một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh thay mặt Chủ tịch tiếp công dân. Ý kiến giải quyết
trực tiếp hoặc bằng văn bản của Phó Chủ tịch tại cuộc tiếp đối thoại là ý kiến
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ tiếp và xem xét,
giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tại Điều 21 Luật
Khiếu nại năm 2011 và khoản 4, Điều 13 của Luật Tố cáo năm 2011.
3. Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh không tiếp, không thụ
lý giải quyết và giao cho Ban Tiếp công dân tỉnh trả lời, hướng dẫn những trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại năm 2011 và
khoản 2, Điều 20 Luật Tố cáo năm 2011.
Điều 2. Nhiệm vụ
của Ban Tiếp công dân tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh trực
tiếp tiếp công dân thường xuyên vào giờ làm việc hành chính với nhiệm vụ hướng
dẫn cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo
đúng quy định của pháp luật; tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, tổng hợp báo cáo đề xuất Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải
quyết.
Điều 3. Công
dân đến Trụ sở tiếp công dân tỉnh thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo có quyền:
1. Trình
bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
2. Được
hướng dẫn, giải thích về những nội dung
mình trình bày;
3. Khiếu
nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân;
4. Nhận
thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
5. Các
quyền khác theo quy định của pháp luật về
khiếu nại, tố cáo.
Điều 4. Công dân
đến Trụ sở tiếp công dân tỉnh thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo có nghĩa vụ:
1. Xuất
trình giấy tờ tùy thân hoặc nêu rõ họ tên, địa chỉ, tuân thủ Nội quy tiếp công
dân và thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ, công chức tiếp công dân;
2. Trình
bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình và ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản xác nhận những nội dung đã trình bày;
3. Nghiêm
chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân;
4. Việc
tiếp công dân phải theo thứ tự, người đến trước tiếp trước, người đến sau tiếp sau.
Người nói, người nghe, không gây mất trật tự ồn ào tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh.
Trường hợp có nhiều người đến khiếu nại
cùng một nội dung thì phải cử người đại diện
để trình bày. Người đại diện phải là người khiếu nại, việc cử đại diện được thực
hiện như sau:
a) Trường
hợp có từ 5 đến 10 người khiếu nại thì cử 1 hoặc 2 người đại diện;
b) Trường hợp có từ 10 người khiếu nại trở lên thì
có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 5 người.
5. Chịu
trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.
6. Hết giờ
làm việc, công dân đến thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh và kiến nghị
không được lưu trú tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh.
Điều 5. Khi tiếp
công dân, cán bộ, công chức tiếp công dân có trách nhiệm:
1. Lắng
nghe ý kiến trình bày của công dân, ghi chép vào sổ
theo dõi tiếp công dân về những nội dung có liên quan do công dân
trình bày. Ứng xử có văn hóa,
phong cách, thái độ làm việc ân cần, hòa nhã, thận trọng, quan điểm đúng đắn và
cương quyết;
2. Thực
hiện đầy đủ quy trình tiếp công dân theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
3. Đơn
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Lãnh đạo
tỉnh thì tiếp nhận đơn để trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý;
4. Đơn
không thuộc thẩm quyền của Lãnh đạo tỉnh thì hướng dẫn công dân đến đúng cơ
quan có thẩm quyền giải quyết;
5. Đơn
khiếu nại, tố cáo đã có quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc đã được cơ quan
có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng chính sách, pháp luật nay công dân khiếu
nại, tố cáo lại nhưng không cung cấp được chứng cứ, tình tiết nào mới thì trả lời, giải thích rõ và yêu cầu công dân chấp hành;
6. Cán bộ,
công chức tiếp công dân có quyền từ chối không tiếp và
không nhận đơn các trường hợp sau:
a) Người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về vụ việc đã được kiểm tra xem xét và đã có
quyết định hoặc kết luận giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và đã được trả lời đầy đủ
(trừ một số trường hợp đặc biệt hoặc có ý kiến của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh);
b) Người đang trong tình trạng say do
dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng
nhận thức hoặc khả năng điều khiển
hành vi của mình;
c) Người có hành vi đe dọa, xúc phạm
cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi
hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm Nội quy tiếp công dân;
d) Người đại diện hoặc người được ủy
quyền khiếu nại, tố cáo không hợp pháp.
Điều 6. Những trường hợp nghiêm cấm.
1. Cản trở,
gây phiền hà, sách nhiễu đối với công dân
đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
2. Cấm
mang chất nổ, chất cháy, vũ khí, chất độc, chất gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh,
trẻ em, súc vật vào Trụ sở Tiếp công dân tỉnh;
3. Tự ý sử
dụng phương tiện ghi hình, ghi âm khi chưa được sự cho phép của người chủ trì
tiếp công dân;
4. Công
dân không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự ở nơi tiếp
công dân; vu cáo, xúc phạm cơ quan Nhà nước, người thi hành công vụ và phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung khiếu nại, tố
cáo của mình.
Điều 7. Xử lý những
trường hợp vi phạm.
Cán bộ và công dân khi đến Trụ sở tiếp
công dân của tỉnh phải nghiêm túc chấp hành Nội quy này; nếu vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc
truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Nội quy Tiếp công dân này, niêm yết tại
Trụ sở Tiếp công dân tỉnh./.