ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
17/2013/QĐ-UBND
|
Ninh Bình, ngày
14 tháng 11 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH NINH BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
03/2013/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT ngày 05/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế
quản lý nguồn vốn Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế
hoạch & Đầu tư và kết quả thẩm định của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc
triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa
bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10
ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố,
thị xã; các tổ chức và cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để báo cáo);
- Bộ Tài chính (để báo cáo);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (để báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (để báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (để báo cáo);
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Ban thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Báo Ninh Bình, Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VP4. 5, 7.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Quốc Trị
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC TRIỂN KHAI THỰC
HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH
BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND
ngày 14 tháng 11 năm 2013 của UBND tỉnh Ninh Bình)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc phối
hợp, nội dung phối hợp, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước
trong việc triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu
(sau đây gọi tắt là Chương trình SP-RCC) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cơ
quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình
SP-RCC và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3.
Nguyên tắc phối hợp
1. Việc phối hợp quản lý nhà nước
được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản
lý nhà nước ở địa phương.
2. Công tác phối hợp đảm bảo tính
trách nhiệm, khách quan, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đề cao trách
nhiệm của các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước ở địa phương.
3. Bảo đảm yêu cầu về chuyên môn,
chất lượng và thời gian phối hợp.
4. Việc phối hợp không làm ảnh hưởng
đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Chương 2.
NỘI DUNG PHỐI
HỢP, TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 4. Nội
dung phối hợp
1. Xây dựng đề xuất dự án để trình
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Lập, thẩm định, phê duyệt và tổ
chức thực hiện dự án.
3. Báo cáo, giám sát và đánh giá
thực hiện dự án.
Điều 5. Trách
nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Là cơ quan đầu mối trong việc hướng
dẫn các Sở, ban, ngành ở tỉnh UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức
khác có liên quan trong việc xây dựng thuyết minh đề xuất dự án, báo cáo UBND tỉnh
gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét,
trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục các dự án sử dụng vốn Chương
trình SP-RCC.
2. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức
có liên quan tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình SP-RCC theo yêu
cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
3. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức
có liên quan hàng năm nghiên cứu, xem xét và đánh giá các tiêu chí xác định dự
án ưu tiên để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều
chỉnh, bổ sung các tiêu chí đánh giá cho phù hợp với thực tế.
Điều 6. Trách
nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Làm đầu mối hướng dẫn thủ tục đầu
tư cho các đơn vị chủ đầu tư; tiếp nhận, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt
các dự án trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc Chương trình
SP-RCC, trong đó cơ cấu nguồn vốn phải đảm bảo theo đúng quy định tại Khoản 1
điều 5 của Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT ngày 05/3/2013 của
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng
Bộ Tài chính Hướng dẫn cơ chế quản lý nguồn vốn Chương trình Hỗ trợ ứng phó với
biến đổi khí hậu.
2. Hàng năm, căn cứ vào Chỉ thị của
Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự
toán ngân sách nhà nước năm kế hoạch, danh mục dự án ưu tiên được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt và định hướng các hoạt động ưu tiên của Ủy ban quốc gia về
biến đổi khí hậu, Sở có trách nhiệm xây dựng dự toán ngân sách năm kế hoạch cho
các dự án thuộc Chương trình SP-RCC để tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Hàng năm, căn cứ các quy định về
quản lý đầu tư và xây dựng, tình hình thực hiện của từng dự án, chủ trì phối hợp
với Sở Tài chính tham mưu báo cáo UBND tỉnh phân bổ phần vốn trung ương hỗ trợ
và vốn ngân sách địa phương đối ứng để thực hiện cho từng dự án theo đúng
nguyên tắc quy định; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí vốn đối ứng đảm bảo đúng tiến
độ cam kết; lồng ghép với các nguồn vốn khác (nếu có), trong đó việc lồng ghép
các nguồn vốn phải được xác định cụ thể theo thứ tự ưu tiên trong dự toán ngân
sách nhà nước và kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm.
4. Hướng dẫn các đơn vị chủ đầu tư
các dự án thực hiện triển khai dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và
các Bộ về đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với
các gói thầu đã được bố trí vốn; đối với các gói thầu đã hoàn thành và bàn giao
đưa vào sử dụng thì phải tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán theo đúng hợp đồng
đã ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, tránh tình trạng nợ đọng, chiếm
dụng vốn của nhà thầu; lập và điều chỉnh kế hoạch đấu thầu theo tiến độ, kế hoạch
vốn được phân bổ của từng dự án.
5. Tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt
kế hoạch đấu thầu các dự án hoặc gói thầu của dự án.
6. Phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường trong việc báo cáo, đánh giá việc thực hiện các dự án thuộc Chương
trình SP-RCC.
Điều 7. Trách
nhiệm của Sở Tài chính
1. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư tham mưu cho UBND tỉnh bố trí phần vốn đối ứng của địa phương để thực hiện dự
án theo cam kết.
2. Hướng dẫn các đơn vị chủ đầu tư
thực hiện việc thanh, quyết toán công trình theo quy định hiện hành của nhà nước
về quản lý đầu tư và xây dựng.
3. Phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường trong việc báo cáo, đánh giá việc thực hiện các dự án thuộc Chương
trình SP-RCC.
Điều 8. Trách
nhiệm của các Sở, ban, ngành khác ở tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
thị xã
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của
đơn vị và căn cứ vào tình hình phát triển thực tế của ngành, của địa phương chủ
trì xây dựng đề xuất danh mục dự án theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.
2. Tổ chức triển khai dự án, thực
hiện dự án theo quy định của pháp luật về quản lý Ngân sách Nhà nước, Đầu tư,
Xây dựng và các quy định khác có liên quan.
3. Báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng
năm và báo cáo đột xuất về tình hình thực hiện các dự án do đơn vị mình làm chủ
đầu tư về Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo
yêu cầu của UBND tỉnh và các Bộ có liên quan.
4. Phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường xem xét và đánh giá các tiêu chí xác định dự án ưu tiên để trình Bộ
Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các
tiêu chí đánh giá cho phù hợp với thực tế.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 9. Tổ chức
thực hiện
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư và cơ
quan đầu mối có tránh nhiệm giúp UBND tỉnh chỉ đạo và triển khai thực hiện Quy
chế này.
2. Các Sở, ban, ngành ở tỉnh, UBND
các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy chế này và
hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện.
Điều 10. Khen
thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt
Quy chế này sẽ được biểu dương, khen thưởng theo chế độ thi đua khen thưởng hiện
hành của Nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế
này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Sửa
đổi, bổ sung quy chế
Trong quá trình thực hiện nếu có
vướng mắc, các tổ chức, cá nhân kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thông qua Sở
Kế hoạch và Đầu tư để xem xét đề nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy chế cho
phù hợp./.