THANH
TRA CHÍNH PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
1657/2005/QĐ-TTCP
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ
NƯỚC TRONG NGÀNH THANH TRA.
TỔNG THANH TRA
Căn cứ Luật Thanh tra năm
2004;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/12/2000 của Chính phủ quy chi tiết
thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Quyết định số 588/2004/QĐ-BCA (A11) ngày 25/6/2005 của Bộ trưởng Bộ Công
an về danh mục bí mật nhà nước trong ngành Thanh tra;
Xét đề nghị của ông Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Ban hành kèm theo quyết định này “Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành
Thanh tra”.
Điều 2:
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; bãi
bỏ Quyết định số: 460/TTNN ngày 13/5/1994 của Tổng Thanh tra Nhà nước ban hành
nội quy bảo mật Nhà nước của Thanh tra Nhà nước.
Điều 3:
Vụ trưởng, thủ trưởng các đơn vị thuộc thanh tra Chính phủ; Chánh thanh tra các
Bộ, ngành TW; Chánh thanh tra các tỉnh, TP trực thuộc TW chịu trách nhiệm thi
hành quyết định này.
QUY CHẾ
BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRONG NGÀNH THANH TRA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1657/2005/QĐ-TTCP ngày 06 tháng 9 năm 2005
của Tổng thanh tra)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1:Bí
mật Nhà nước trong ngành Thanh tra thuộc phạm vi danh mục bí mật Nhà nước do Bộ
trưởng Bộ Công an quy định tại Quyết định số 588/2004/QĐ-BCA (A11) ngày 25/6/2004
(gọi tắt là bí mật Nhà nước trong ngành Thanh tra) và các quy định của pháp luật
có liên quan.
Điều 2:Quy
chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài
ngành Thanh tra làm các công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước trong ngành
Thanh tra.
Điều 3:Cán
bộ, công chức làm công tác có liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước của ngành
Thanh tra phải có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức cảnh giác bảo vệ bí mật Nhà
nước, có tinh thần trách nhiệm cao; có chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực để
hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Những người được giao nhiệm vụ
tiếp xúc với bí mật Nhà nước phải thực hiện đầy đủ các quy định tại Quy chế này
và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 4:Nghiêm
cấm mọi thành vi thu thập, cung cấp, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu
hủy trái phép các bí mật Nhà nước.
Chương 2:
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. CÁC ĐỊNH ĐỘ MẬT, THAY ĐỔI ĐỘ
MẬT, GIẢI MẬT, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG DANH MỤC BÍ MẬT NHÀ NƯỚC.
Điều 5:Các
đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các cấp, các ngành có trách
nhiệm:
1. Nắm chắc phạm vi bí mật Nhà
nước theo danh mục bí mật Nhà nước của ngành thanh tra. Xác định kịp thời,
chính xác mọi bí mật Nhà nước hiện có hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện
chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với những nội dung mới chưa
có trong danh mục mà yêu cầu thực tế đặt ra phải đảm bảo bí mật thì báo cáo
ngay Tổng Thanh tra trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Hàng năm (vào quý I), các Vụ,
đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành Trung ương, Thanh tra
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xem xét danh mục bí mật Nhà nước
thuộc phạm vi đơn vị mình quản lý, trường hợp thấy cần thay đổi độ mật, cần giải
mật hoặc xác định những nội dung mới cần được bảo mật thì báo cáo Tổng Thanh
tra trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung danh mục bí mật Nhà nước theo quy
định của pháp luật.
II. BẢO VỆ BÍ MẬT TRONG VIỆC SOẠN
THẢO, SAO CHỤP, IN TÀI LIỆU BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Điều 6:Khi
soạn thảo, đánh máy, in các văn bản, sao, chụp hồ sơ, tài liệu, vật mang bí mật
Nhà nước có liên quan đến bí mật Nhà nước của ngành Thanh tra phải tuân theo
các quy định sau:
1. Việc soạn thảo, đánh máy, in,
sao, chụp tài liệu mật phải được tiến hành ở nơi an toàn do Thủ trưởng đơn vị
trực tiếp quản lý tài liệu mật theo quy định. Không được sử dụng máy vi tính đã
kết nối mạng Internet để đánh máy, in, sao và lưu văn bản thuộc tài liệu mật.
2. Vụ trưởng, thủ trưởng các đơn
vị giao cho người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Quy chế này thực hiện
nhiệm vụ đánh máy, in, sao, chụp tài liệu mật. Không thuê người ngoài cơ quan
đánh máy, in, sao, chụp tài liệu mật.
3. Khi soạn thảo văn bản có nội
dung bí mật Nhà nước, người soạn thảo phải đề xuất với Thủ trưởng trực tiếp về
mức độ mật theo đúng danh mục; người duyệt, ký văn bản chịu trách nhiệm quyết định
việc đóng dấu mức độ mật, số lượng bản phát hành và phạm vi lưu hành.
Đối với vật mang bí mật Nhà nước
(băng, đĩa, phim...) phải được niêm phong, có văn bản ghi rõ tên cụ thể vật lưu
kèm và đóng dấu mức độ mật vào văn bản này.
4. Khi tổ chức lấy ý kiến để xây
dựng dự thảo văn bản có nội dung bí mật Nhà nước đối với các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan, thì đơn vị chủ trì soạn thảo phải xác định rõ phạm vi, đối
tượng, phải đóng dấu xác định mức độ mật cần thiết vào dự thảo trước khi gửi
xin ý kiến.
5. Người có trách nhiệm đánh
máy, in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật Nhà nước chỉ được in, sao, chụp đủ
số lượng văn bản, đóng dấu độ mật, dấu thu hồi (nếu cần), đánh số trang, số bản,
số lượng in, phạm vi lưu hành, tên người đánh máy, in, soát, sao chụp tài liệu.
Đối với tài liệu mật sao, chụp ở dạng băng, đĩa, phim... phải niêm phong và
đóng dấu độ mật, ghi rõ tên người sao, chụp ở bì niêm phong.
Sau khi đánh máy, in, sao, chụp
xong phải kiểm tra lại và hủy ngay bản thảo (nếu không cần lưu), những bản đánh
máy, in, sao chụp hỏng, giấy nến, giấy than đã sử dụng để in, sao các tài liệu
đó, có sự chứng kiến của người nhận văn bản hoặc cán bộ bảo mật (nếu có); nếu
đánh máy bằng máy vi tính, phải xóa ngay dữ liệu sau khi hoàn thành việc in tài
liệu, trường hợp đặc biệt chỉ được lưu đến khi văn bản phát hành.
Việc sao, chụp văn bản, tài liệu
mật hoặc các vật mang bí mật Nhà nước (Băng, đĩa, phim, ảnh...): đối với tài liệu
độ “Tuyệt mật”, “Tối mật” phải được nơi ban hành tài liệu gốc đồng ý bằng văn bản
ghi rõ số lượng bản sao, chụp; đối với tài liệu độ “mật” phải được Thủ trưởng
cơ quan đồng ý.
6. Việc đóng dấu mức độ mật vào
tài liệu mật và mẫu dấu các độ mật, mẫu dấu tài liệu thu hồi và mẫu dấu “chỉ
người có tên mới được bóc bì” thực hiện theo quy định tại Thông tư số
12/2002/TT-BCA (A11) ngày 13/9/2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định
số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ và các quy định của các cơ quan
có thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực bảo vệ bí mật Nhà nước.
7. Mực dùng để đóng các loại con
dấu trên là loại mực màu đỏ tươi.
III. BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
TRONG VIỆC VẬN CHUYỂN, GIAO NHẬN TÀI LIỆU, VẬT MANG BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Điều 7.Việc
vận chuyển, giao nhận các tài liệu, vật mang bí mật Nhà nước (sau đây gọi chung
là tài liệu mật) phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và thực hiện theo các quy định
sau:
1. Giao nhận tài liệu mật:
Mọi trường hợp giao, nhận tài liệu
mật giữa các khâu: Người soạn thảo, đánh máy, in, văn thư, giao liên, người có trách
nhiệm giải quyết, người lưu giữ, bảo quản .... đều phải vào sổ, có ký nhận của
người giao, người nhận. Việc giao nhận tài liệu mật phải được thực hiện trực tiếp
tại nơi làm việc, đảm bảo an toàn theo quy định của Thủ trưởng đơn vị có tài liệu
mật.
2. Gửi tài liệu mật đi:
a) Vào sổ: Tài liệu mật trước
khi gửi đi phải vào sổ “Tài liệu mật đi”; phải ghi đầy đủ các cột, mục sau: số
thứ tự, ngày, tháng, năm, nơi nhận, trích yếu nội dung, độ mật, độ khẩn, người
ký nhận (ghi rõ họ tên). Trường hợp gửi tài liệu mật độ “Tuyệt mật” thì cột
trích yếu nội dung chỉ được ghi khi người có thẩm quyền đồng ý. Tài liệu mật gửi
đi phải cho vào bì dán kín và chuyển đến văn thư để làm bì ngoài gửi đi.
b) Lập phiếu gửi: Tài liệu mật gửi
đi phải kèm theo phiếu gửi và phải bỏ chung vào bì cùng với tài liệu. Phiếu gửi
phải ghi rõ nơi gửi, số phiếu gửi, nơi nhận, số ký hiệu từng tài liệu gửi đi,
đóng dấu độ mật, độ khẩn của tài liệu vào góc trên phía trái của tờ phiếu.
Khi nhận tài liệu mật, phải hoàn
lại phiếu gửi cho nơi gửi tài liệu mật.
c) Làm bì: Tài liệu mật gửi đi
không được bỏ chung trong một bì với tài liệu thường. Bì gửi tài liệu mật phải
làm bằng chất liệu giấy dai, độ thấm nước thấp, khó bóc, không nhìn thấu qua được.
Đóng dấu ký hiệu các độ mật
ngoài bì như sau:
- Tài liệu độ “Mật” đóng dấu chữ
“C”
- Tài liệu độ “Tối mật” đóng dấu
chữ “B”
- Tài liệu độ “Tuyệt mật” gửi bằng
hai bì:
+ Bì trong: ghi rõ số, ký hiệu của
tài liệu, tên người nhận, đóng dấu độ “Tuyệt mật”. Nếu tài liệu được gửi đích
danh cho người có trách nhiệm giải quyết thì đóng dấu “Chỉ người có tên mới được
bóc bì”.
+ Bì ngoài: Ghi như tài liệu thường,
đóng dấu chữ “A”.
d) Niêm phong: Tài liệu “Tuyệt mật”,
“Tối mật” gửi đi, bì trong sau khi dán hồ phải niêm phong chỗ giao điểm các mối
chéo phía sau của bì bằng si hoặc bằng giấy mỏng khó bóc. Dấu niêm phong đóng một
nửa trên si hoặc trên giấy niêm phong, một nủa trên giấy bì, dùng mực dấu mầu đỏ
tươi.
3. Nhận tài liệu mật đến:
Mọi tài liệu mật từ bất cứ nguồn
nào gửi đến đều phải qua bộ phận văn thư cơ quan, đơn vị vào sổ “Tài liệu mật đến”
để theo dõi và chuyển đến người có trách nhiệm giải quyết.
Trường hợp tài liệu mật gửi đến
mà bì trong có dấu “chỉ người có tên mới được bóc bì” thì văn thư vào sổ số tài
liệu ghi ngoài bì và chuyển ngay đến người có tên trên bì. Nếu người có tên
trên bì đi vắng thì chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết. Văn thư không được
bóc bì.
Mọi tài liệu mật đến sau khi nhận,
kiểm tra xong, văn thư phải ký xác nhận vào phiếu gửi và trả lại nơi gửi tài liệu
đó.
Trường hợp thấy tài liệu mật gửi
đến nơi mà nơi gửi không thực hiện đúng thủ tục bảo mật thì chuyển đến người có
trách nhiệm giải quyết, đồng thời thông tin lại nơi gửi để rút kinh nghiệm. Nếu
phát hiện tài liệu gửi đến có dấu hiệu bị bóc, mở bao bì, lộ bí mật hoặc bị
tráo đổi, mất, hư hỏng... thì người nhận phải lập biên bản xác nhận và báo cáo
ngay với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để có biện pháp xử lý kịp thời.
4. Thu hồi tài liệu mật
Những tài liệu mật có đóng dấu
“Tài liệu thu hồi”, văn thư phải theo dõi, thu hồi hoặc trả lại nơi gửi đúng thời
hạn. Khi nhận cũng như khi trả phải kiểm tra, đối chiếu đảm bảo tài liệu không
bị thất lạc.
5. Vận chuyển tài liệu mật
Vận chuyển tài liệu mật phải đảm
bảo an toàn tuyệt đối theo quy định sau:
Do cán bộ làm công tác bảo mật
hoặc cán bộ văn thư, giao liên của cơ quan, đơn vị thực hiện.
- Khi vận chuyển tài liệu mật phải
có đủ phương tiện đáp ứng việc bảo quản, mang, giữ; trong mọi trường hợp phải
có người có trách nhiệm coi giữ cẩn thận, đảm bảo an toàn tuyệt đối các loại
tài liệu mật.
IV. THỐNG KÊ CẤT GIỮ, BẢO QUẢN
CÁC TÀI LIỆU THUỘC BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Điều 8.
Việc thống
kê, cất giữ, bảo quản tài liệu mật phải được thực hiện theo các quy định sau:
1. Các đơn vị trực thuộc Thanh
tra Chính phủ, Thanh tra các cấp, các ngành phải lập sổ thống kê các loại tài
liệu mật do đơn vị mình quản lý, theo trình tự thời gian và theo từng độ mật (gồm
các tài liệu mật hiện có, phát sinh trong quá trình hoạt động của cơ quan, đơn
vị hoặc được tiếp nhận từ bên ngoài gửi tới).
2. Tài liệu mật phải được cất giữ,
bảo quản nghiêm ngặt tại nơi bảo đảm an toàn tuyệt đối, do Thủ trưởng đơn vị
quy định. Không được tự ý mang tài liệu mật ra ngoài cơ quan hoặc mang về nhà
riêng. Ngoài giờ làm việc phải cất tài liệu mật vào tủ, bàn, két khóa chắc chắn.
3. Tài liệu mật độ “Tuyệt mật”,
“Tối mật” phải được cất giữ bảo quản riêng, có người phụ trách do Thủ trưởng
đơn vị chỉ định.
4. Cán bộ, công chức đi công
tác, đi họp ngoài cơ quan hoặc làm việc tại nhà riêng cần mang theo tài liệu mật
phải được Thủ trưởng đơn vị đồng ý, chỉ được mang theo những tài liệu mật có
liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao; phải đăng ký với bộ phận bảo mật
của cơ quan, đơn vị; phải đảm bảo an toàn tuyệt đối tài liệu mật mang theo; khi
về nộp trả cơ quan, đơn vị.
V. BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRONG
VIỆC PHỔ BIẾN, LƯU HÀNHTÌM HIỂU, SỬ DỤNG TÀI LIỆU THUỘC BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Điều 9:
Việc phổ biến, lưu hành, tìm hiểu, sử dụng tài liệu mật phải theo đúng các quy
định sau:
1. Phạm vi, đối tượng
a) Tài liệu độ “Tuyệt mật” chỉ
có cá nhân người giải quyết được biết.
b) Tài liệu độ “Tối mật” chỉ phổ
biến đến những người hoặc những đơn vị có trách nhiệm giải quyết.
c) Tài liệu độ “Mật” được phổ biến
đến những người, những đơn vị có quan hệ đến việc thi hành văn bản.
2. Thực hiện ở nơi đảm bảo an
toàn, do Thủ trưởng đơn vị quy định.
3. Người phổ biến, giao nhiệm vụ
phải thực hiện đúng nội dung cấp trên giao và có trách nhiệm nhắc người nghe,
tìm hiểu giữ bí mật.
4. Chỉ được ghi chép, ghi âm,
ghi hình khi được phép của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý bí mật Nhà nước
cần phổ biến. Người được nghe, được tìm hiểu, ghi chép, ghi âm, quay phim, chụp
ảnh... phải bảo quản, sử dụng bí mật Nhà nước được phổ biến như tài liệu gốc.
Điều 10.
Khi triển khai thực hiện tài liệu mật, Thủ trưởng đơn vị có tài liệu mật phải
thông báo cho cá nhân hoặc bộ phân trực tiếp thực hiện biết mức độ mật của tài
liệu; người được giao thực hiện không được làm lộ nội dung tài liệu mật cho người
không có trách nhiệm biết.
VI. BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRONG
HOẠT ĐỘNG THANH TRA, TRONG THÔNG TIN LIÊN LẠC VÀ THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG
Điều 11.Trong
quá trình thanh tra, Trưởng đoàn, các thành viên đoàn thanh tra và những gnười
có liên quan phải tuyệt đối giữ bí mật về mọi thông tin, tài liệu liên quan đến
hoạt động thanh tra; không viết bài, không đưa tin bình luận về nội dung các vụ
việc đang thanh tra.
Trưởng đoàn và các thành viên
đoàn thanh tra phải bảo quản an toàn, bí mật tài liệu, hồ sơ thanh tra.
Điều 12.Mọi
trường hợp trao đổi, cung cấp tình hình, số liệu thông tin có nội dung bí mật
Nhà nước cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được sự đồng ý của Tổng Thanh
tra hoặc thủ trưởng đơn vị nơi phát hành tài liệu mật và phải chịu trách nhiệm
đối với việc cung cấp thông tin.
Điều 13.
Các cơ quan, đơn vị có lưu giữ bí mật Nhà nước thuộc danh mục bí mật Nhà nước
trong ngành Thanh tra khi cung cấp thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước phải
được cấp có thẩm quyền xét duyệt, theo quy định sau:
1. Bí mật Nhà nước độ “Tuyệt mật”
và “Tối mật” do Tổng Thanh tra duyệt.
2. Bí mật Nhà nước độ “Mật” do
Thủ trưởng đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra Bộ, ngành Trung
ương và Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương duyệt.
3. Cơ quan, đơn vị và người thực
hiện chỉ được cung cấp tài liệu mật theo đúng nội dung được duyệt. Bên nhận
thông tin không được làm lộ lọt và không được cung cấp thông tin đã nhận cho
người khác. Nội dung buổi làm việc về cung cấp thông tin phải được ghi chi tiết
bằng biên bản để báo cáo với người đã duyệt cung cấp thông tin và nộp lại bộ phận
bảo mật của cơ quan, đơn vị.
Điều 14.
Mọi nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong ngành Thanh tra chuyển nhận bằng
các phương tiện thông tin vô tuyến, hữu tuyến điện báo, fax... đều phải thực hiện
thông qua các Phòng nghiệp vụ (Phòng cơ yếu) của các cơ quan có thẩm quyền. Tuyệt
đối không sử dụng điện rõ nội dung và không được trao đổi nội dung tài liệu mật
qua hệ thống điện thoại thông thường.
VII. BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
TRONG HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI
Điều 15.Khi
quan hệ tiếp xúc với cơ quan , tổ chức nước ngoài, cá nhân người nước ngoài (ở
Việt Nam hoặc ở nước ngoài) để thi hành công vụ , phải tuân theo các quy định
sau:
1. Chỉ được trao đổi những nội
dung đã được cấp có thẩm quyền duyệt và phải báo cáo kết quả cuộc tiếp xúc nói
trên với thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Ngoài ra không được tiết lộ bí mật Nhà nước
nói chung và bí mật Nhà nước của ngành Thanh tra nói riêng.
2. Nếu có yêu cầu phải cung cấp
tài liệu mật cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, phải tuân thủ nguyên
tắc:
a) Bảo vệ lợi ích Quốc gia
b) Chỉ cung cấp thông tin được cấp
có thẩm quyền duyệt đồng ý theo quy định sau:
- Bí mật Nhà nước độ “Tuyệt mật”
do Thủ tướng Chính phủ duyệt.
- Bí mật Nhà nước độ “Tối mật”
do Bộ trưởng Bộ Công an duyệt.
- Bí mật Nhà nước độ “Mật” do Tổng
Thanh tra duyệt.
Khi cung cấp thông tin phải có
biên bản, trong đó bên nhận tin phải cam kết sử dụng đúng mục đích nguồn thông
tin nhận được và không tiết lộ cho bên thứ 3.
VIII. BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
TRONG VIỆC TIÊU HỦY TÀI LIỆU THUỘC BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Điều 16.
Mọi trường hợp tiêu hủy tài liệu mật phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
Tổng Thanh tra quyết định việc
tiêu hủy đối với tài liệu mật độ “Tuyệt mật”, “Tối mật”; Thủ trưởng các đơn vị
thuộc Thanh tra Chính phủ, Chánh thanh tra bộ, ngành Trung ương, Chánh thanh
tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định tiêu hủy đối với tài liệu
mật độ “Mật”.
Căn cứ quy định trên, Thủ trưởng
cơ quan, đơn vị có tài liệu mật liên quan có trách nhiệm xem xét, quyết định việc
tiêu hủy tài liệu mật trong phạm vi quản lý của mình.
Điều 17.
Khi tổ chức tiêu hủy tài liệu mật phải lập hội đồng gồm: Thủ trưởng cơ quan có
tài liệu mật làm Chủ tịch hội đồng; đại diện các đơn vị có tài liệu mật tiêu hủy,
Văn phòng, người trực tiếp quản lý tài liệu mật, cán bộ bảo mật và đại diện đơn
vị có liên quan tham gia (do Chủ tịch hội đồng quyết định).
Hội đồng tiêu hủy tài liệu mật
có trách nhiệm:
1. Đối với văn bản, tài liệu thuộc
danh mục bí mật Nhà nước không cần thiết đưa vào lưu trữ Nhà nước thì hội đồng
lập danh mục và tờ trình báo cáo Tổng Thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có
liên quan đến bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực của ngành Thanh tra xem xét, quyết
định việc tiêu hủy.
Đối với mật mã, thực hiện tiêu hủy
theo quy định của Ban Cơ yếu Chính phủ.
2. Trong quá trình thực hiện
tiêu hủy tài liệu mật phải bảo đảm:
- Không tiết lộ, để lọt nội dung
tài liệu mật.
- Đối với tài liệu mật và văn bản
in trên chất liệu giấy phải đốt, xé, nghiền nhỏ tới mức không thể chắp ghép.
- Đối với tài liệu mật là vật
mang bí mật Nhà nước (Băng, đĩa, phim... đã sử dụng) phải làm thay đổi toàn bộ
hình dạng và tính năng tác dụng để không còn phục hồi, khai thác, sử dụng được.
3. Lập biên bản thống kê đầy đủ
danh mục từng tài liệu mật đã tiêu hủy, trong đó phải ghi rõ số công văn, số bản,
trích yếu nội dung tài liệu. Nội dung biên bản phải phản ánh được phương thức,
trình tự tiến hành và người thực hiện tiêu hủy tài liệu mật. Biên bản phải có đầy
đủ chữ ký của các thành viên tham gia, sau đó nộp lưu tại bộ phận bảo mật của
cơ quan, đơn vị.
IX. CAM KẾT BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Điều 18.Cán
bộ được cử làm công tác bảo mật phải làm bản cam kết bảo vệ bí mật Nhà nước để
lưu hồ sơ nhân sự của cơ quan, đơn vị.
Điều 19.Người
được tiếp xúc (nghe phổ biến, nghiên cứu, sử dụng...) tin tức, tài liệu độ “Tuyệt
mật”, “Tối mật” phải cam kết bảo vệ bí mật Nhà nước bằng cách lập danh sách ghi
rõ họ tên, chức vụ, đơn vị, những nội dung bí mật được tiếp xúc, ký tên. Thủ
trưởng cơ quan, đơn vị hoặc người được ủy quyền chịu trách nhiệm lập danh sách
này, cùng ký tên và nộp lưu tại bộ phận bảo mật của cơ quan, đơn vị chủ quản.
X. KIỂM TRA THỰC HIỆN CÔNG TÁC
BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Điều 20.Các
cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ hoặc có nhiệm vụ liên quan đến bí mật Nhà nước
thuộc ngành Thanh tra thực hiện việc kiểm tra công tác theo định kỳ và đột xuất
do cán bộ bảo mật thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Nội dung các cuộc kiểm tra định
kỳ và đột xuất Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định. Sau khi hoàn thành việc
kiểm tra phải có biên bản ghi nhận ưu điểm, khuyết điểm và kiến nghị của người
thực hiện kiểm tra, báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và gửi lên cấp trên.
Điều 21.Các
cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ, hoặc có nhiệm vụ liên quan đến bí mật Nhà
nước thuộc ngành Thanh tra thực hiện chế độ báo cáo theo các hình thức sau:
1. Báo cáo đột xuất: là báo cáo
ngay những vụ việc đột xuất nếu gây phương hại đến bí mật Nhà nước như có những
hành vi thông báo, chuyển giao, tiết lộ bí mật Nhà nước dưới mọi hình thức cho
người không có phận sự, làm mất, thất thoát tài liệu mật.
Nội dung báo cáo phải ghi đầy đủ
địa điểm, thời gian xảy ra sự việc, đồng thời tiến hành ngay các biện pháp kiểm
tra, xác minh, truy xét, thu hồi, ngăn chặn, hạn chế tác hại có thể xảy ra thuộc
phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.
2. Báo cáo định kỳ: là báo cáo
toàn diện công việc thực hiện công tác bảo mật của cơ quan, đơn vị, mỗi năm 01
lần cùng với thời điểm báo cáo công tác năm do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ký và
được gửi về Thanh tra Chính phủ (Văn phòng) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính
phủ theo quy định.
Chương 3:
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 22.Tập
thể, cá nhân sẽ được xét khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước, dựa trên
các tiêu chí sau:
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo
vệ bí mật Nhà nước theo nhiệm vụ được giao.
Vượt khó khăn, nguy hiểm để bảo
vệ bí mật Nhà nước. Ngăn chặn và khắc phục được hậu quả, tác hại do việc làm lộ,
làm mất, thất thoát bí mật Nhà nước do người khác gây ra.
- Phát hiện, tố giác kịp thời
các hành vi dò xét, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật Nhà nước.
Có thành tích đột xuất khác liên
quan đến bảo vệ bí mật Nhà nước thuộc ngành Thanh tra.
Điều 23.Tập
thể, cá nhân vi phạm chế độ bảo vệ bí mật Nhà nước được quy định tại Quy chế
này và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, làm ảnh hưởng
đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra hoặc gây phương hại đến
an ninh quốc gia thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý
hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của
pháp luật.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24.Việc
thực hiện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước của ngành Thanh tra là trách nhiệm của
các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành Thanh tra. Trong phạm vi chức
năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Thanh tra
Chính phủ, Chánh thanh tra các Bộ, ngành TW, Chánh thanh tra các tỉnh, thành phố
TW thực hiện Quy chế này.
Điều 25.Chánh
Văn phòng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, tổng
hợp tình hình thực hiện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong toàn ngành Thanh
tra.
Điều 26.Ngoài
các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước của ngành Thanh tra tại Quy chế này,
Thanh tra các Bộ, ngành TW, Thanh tra các tỉnh, thành phố TW phải thực hiện quy
định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước; Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày
28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà
nước; Thông tư số 12/2002/TT-BCA (A11) ngày 13/9/2002 của Bộ công an hướng dẫn
thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ và các quy định
của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực bảo vệ bí mật Nhà nước.