UBND TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 163/1999/QĐ-UB
|
Ngày 24 tháng 12 năm 1999
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ VÀ CÁC CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH
CÁN BỘ Y TẾ TĂNG CƯỜNG CHO CÁC HUYỆN MIỀN NÚI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và
UBND các cấp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị định số 37/CP ngày
20/6/1999 của Chính phủ về quy định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo
vệ sức khỏe nhân dân trong thời gian 1996-2000 và 2000-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Y tế và Giám đốc Sở Tư pháp tại tờ trình liên ngành số 1376/TTLN-YT-TP ngày
29/11/1999,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy chế luân chuyển cán bộ các
chế độ, chính sách khuyến khích cán bộ y tế đi tăng cường công tác tại các
huyện miền núi.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định
trước đây của UBND tỉnh trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc các
Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
UBND TỈNH
NGHỆ AN
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Han
|
QUY CHẾ
LUÂN CHUYỂN CÁN
BỘ VÀ CÁC CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH CÁN BỘ Y TẾ TĂNG CƯỜNG CHO CÁC HUYỆN
MIỀN NÚI
(Ban hành kèm theo quyết định số 163/1999/QĐUB ngày 24/12/1999 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1:
Bản quy chế này quy định về việc luân chuyển cán bộ
trong ngành y tế giữa huyện miền xuôi (vùng đồng bằng, thành phố, thị xã) và
miền núi (khu vực 3 miền núi), và các chế độ, chính sách khuyến khích cán bộ y
tế tăng cường cho các huyện miền núi nhằm mục đích thực hiện tốt công tác bảo
vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và thúc đẩy sự nghiệp y tế phát triển đồng
đều, toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2:
1. Việc bảo vệ và chăm sóc sức
khỏe cho nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi là nhiệm vụ chung của
toàn dân mà ngành y tế tỉnh Nghệ An là nòng cốt. Cán bộ, công chức trong ngành
phải có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh và thực hiện tốt nhiệm vụ này.
2. Cán bộ, công chức trong
ngành y tế khi nhận nhiệm vụ đi tăng cường cho các huyện miền núi được hưởng
các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước và các chế độ,
chính sách khuyến khích quy định tại quy chế này.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIỆC THUYÊN CHUYỂN
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRONG NGÀNH Y TẾ GIỮA MIỀN XUÔI VÀ MIỀN NÚI
Điều 3:
1. Sở Y tế có nhiệm vụ quản lý
về tổ chức cán bộ, lao động trong ngành, có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc
điều động, thuyên chuyển cán bộ đi tăng cường công tác tại các huyện miền núi.
2. Khi có lệnh điều động cán bộ
công chức ở đơn vị nào thì thủ trưởng đơn vị đó phải chấp hành nghiêm chỉnh,
đồng thời phải tạo điều kiện cho cán bộ đó hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi hoàn
thành nhiệm vụ trở về, Thủ trưởng các đơn vị phải bố trí công việc phù hợp với
chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức đó.
Điều 4: Cán bộ, công chức khi nhận quyết định điều động đi tăng cường công
tác cho các huyện miền núi phải chấp hành nghiêm chỉnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ
được giao.
Điều 5:
1. Thủ trưởng các đơn vị tiếp
nhận cán bộ đến làm việc phải có trách nhiệm phân công, bố trí công việc phù
hợp với trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của người đó, tạo mọi điều kiện thuận
lợi để cán bộ yên tâm công tác hoàn thành nhiệm vụ; chịu trách nhiệm quản lý
trực tiếp các cán bộ, công chức trong suốt thời gian công tác tăng cường tại đơn
vị.
2. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ,
công tác được giao, thủ trưởng đơn vị phải có nhận xét, đánh giá quá trình làm
việc của cán bộ, công chức đó, báo cáo về Sở y tế và Thủ trưởng đơn vị cũ để theo
dõi và tạo điều kiện để bố trí, sắp xếp lại công việc.
Điều 6:
1. Đối tượng điều động là Bác
sỹ, dược sỹ (hoặc cán bộ chuyên môn, kỹ thuật và miền núi còn thiếu) là công
chức đang làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh các trung tâm, các trạm chuyên
khoa trực thuộc Sở Y tế, các trung tâm y tế huyện, thành, thị xã ở đồng bằng có
trách nhiệm đi tăng cường công tác cho các huyện miền núi trong thời gian là 3
năm đối với nam và hai năm đối với nữ. Tuổi đời nam dưới 45 tuổi và nữ dưới 40
tuổi.
2. a. Cán bộ, công chức thuộc
ngành y tế đã từng phục vụ trong quân đội, thanh niên xung phong, bản thân là
thương binh, con liệt sỹ có thời gian công tác ở miền núi hải đảo từ 24 tháng
trở lên thì được miễn giảm nhiệm vụ này.
b. Phụ nữ đang có thai hoặc
nuôi con nhỏ dưới 4 tuổi hoặc chồng đang công tác xa nhà dài hạn từ 40km trở
lên được tạm hoãn thực hiện nhiệm vụ này.
Chương III
CÁC CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐỐI VỚI
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC Y TẾ ĐI TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC Ở CÁC HUYỆN MIỀN NÚI
Điều 7: Cán bộ, công chức y tế được điều động tăng cường công tác ở các
huyện miền núi được hưởng các chế độ sau:
1. Những cán bộ công chức khi
được điều động đi tăng cường cho các huyện miền núi được giữ biên chế và quỹ
tiền lương tại đơn vị cũ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ được bố trí trở lại công
tác tại các đơn vị cũ.
2. Được ưu tiên xét tuyển và cử
đi tham gia học tập theo kế hoạch của ngành khi đạt các tiêu chuẩn quy định, để
học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
3. Được trợ cấp 1 lần 500.000đ
(năm trăm ngàn đồng) để mua sắm các tư trang cá nhân cần thiết. Nguồn kinh phí
chi trả trợ cấp một lần cho các đối tượng, do đơn vị có cán bộ được cử đi chi
từ nguồn vốn kinh phí thường xuyên của đơn vị.
4. Được hưởng phụ cấp khu vực
và các khoản phụ cấp khác tại nơi công tác theo chế độ quy định hiện hành. Được
thanh toán đầy đủ các chế độ theo quy định đối với cán bộ miền xuôi công tác ở
miền núi. Nguồn kinh phí để chi trả cho đơn vị có người điều động đến tăng
cường trích trong nguồn kinh phí thường xuyên để thanh toán.
Điều 8:
1. Sinh viên tốt nghiệp Đại học
Y khoa, Dược khoa nếu được nhận vào làm việc tại các trung tâm Y tế huyện miền
núi thì không phải hưởng lương tập sự và được tuyển dụng chính thức vào biên
chế Nhà nước.
3. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ,
nếu người đó có nguyện vọng ở lại công tác ở miền núi lâu dài thì được UBND
huyện và Trung tâm y tế tạo điều kiện để ổn định cuộc sống gia đình.
3. Cán bộ, công chức, được điều
động tăng cường cho các Trung tâm y tế huyện miền núi, trong quá trình công tác
có nhiều thành tích xuất sắc sẽ được xét giảm thời gian điều động. Nếu được
khen thưởng từ bằng khen trở lên thì sẽ được xem xét nâng lương trước thời hạn
một năm.
4. Những cán bộ, công chức
không chấp hành quyết định điều động, được điều động nhưng không hoàn thành nhiệm
vụ được giao, vi phạm kỷ luật tại cơ quan, địa phương nơi đến tăng cường thì
tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9:
1. Sở Y tế, Ban Tổ chức chính
quyền tỉnh, Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện
Bản quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện
nếu có vấn đề gì vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung thì các đơn vị báo cáo về Sở Y
tế để Sở Y tế trình UBND tỉnh giải quyết./.