BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1614/QĐ-BTC
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 07 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “KẾ HOẠCH CẢI CÁCH, PHÁT TRIỂN VÀ HIỆN ĐẠI HÓA NGÀNH HẢI
QUAN GIAI ĐOẠN 2016-2020”
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật Hải quan số
54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP
ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP
ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 448/QĐ-TTg
ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển
hải quan đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số
65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Hải quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch cải
cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020”.
Điều 2. Cục Kế hoạch - Tài chính thống nhất với Tổng cục
Hải quan trình Bộ phê duyệt dự toán kinh phí và các nguồn lực đảm bảo thực hiện
Kế hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải
quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Ủy ban ND các tỉnh, TP;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ;
- Lưu: VT, TCHQ
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh Tiến Dũng
|
KẾ HOẠCH
CẢI CÁCH, PHÁT TRIỂN VÀ HIỆN ĐẠI HÓA NGÀNH HẢI QUAN GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Quyết định số 1614/QĐ-BTC ngày 19 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính)
DANH
MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
STT
|
Nội dung
|
Từ viết tắt
|
1.
|
Cấp phép điện tử
|
e- Permit
|
2.
|
Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ
|
USAID
|
3.
|
Đầu tư trực tiếp nước ngoài
|
FDI
|
4.
|
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam
|
VBF
|
5.
|
Diễn đàn Đối thoại và hợp tác không chính thức
|
ASEM
|
6.
|
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình
Dương
|
APEC
|
7.
|
Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trường Toàn
diện
|
GIG
|
8.
|
Giấy Chứng nhận xuất xứ điện tử
|
e-C/O
|
9.
|
Hệ thống định vị toàn cầu
|
GPS
|
10.
|
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực
|
RCEP
|
11.
|
Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương
|
TPP
|
12.
|
Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại
|
TF
|
13.
|
Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại
|
TFA
|
14.
|
Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN
|
ATIGA
|
15.
|
Hiệp định Thương mại tự do
|
FTA
|
16.
|
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU
|
EVFTA
|
17.
|
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam A
|
ASEAN
|
18.
|
Hiệp hội Mậu dịch Tự do Châu Âu
|
EFTA
|
19.
|
Khai hàng hóa điện tử
|
e- Manifest
|
20.
|
Kiểm toán sau thông quan
|
PCA
|
21.
|
Liên hiệp Châu Âu
|
EU
|
22.
|
Liên minh Kinh tế Á Âu
|
EAEU
|
23.
|
Ngân hàng Phát triển Châu Á
|
ADB
|
24.
|
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
|
VCCI
|
25.
|
Thanh toán điện tử
|
e- Payment
|
26.
|
Thông quan điện tử
|
e- Clearance
|
27.
|
Tổ chức Hải quan Thế giới
|
WCO
|
28.
|
Tổ chức Thương mại Thế giới
|
WTO
|
29.
|
Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế
|
ISO
|
30.
|
Văn phòng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản
|
JICA
|
MỤC LỤC
PHẦN I - MỞ ĐẦU
I. Căn cứ lập Kế hoạch
II. Nguyên tắc xây dựng
III. Bố cục của Kế hoạch
PHẦN II - KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC
CẢI CÁCH HIỆN ĐẠI HÓA NGÀNH HẢI QUAN GIAI ĐOẠN 2011-2015
I. Về Thể chế
II. Thủ tục hải quan, kiểm tra giám
sát hải quan
III. Về quản lý thuế
IV. Công tác kiểm soát hải quan
V. Công tác quản lý rủi ro
VI. Về kiểm tra sau thông quan
VII. Về xây dựng hệ thống chỉ số đo
lường hoạt động của ngành
VIII. Tổ chức bộ máy, đào tạo và phát
triển nguồn nhân lực
IX. Công nghệ thông tin và thống kê hải
quan
X. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị
kỹ thuật
XI. Một số nội dung cải cách hiện đại
hóa cơ bản khác
PHẦN III - NỘI DUNG KẾ HOẠCH
I. BỐI CẢNH
1. Bối cảnh quốc tế
2. Bối cảnh trong nước
3. Tác động của bối cảnh trong nước
và quốc tế đến nhiệm vụ của cơ quan hải quan trong giai đoạn đến năm 2020
II. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT CỦA HẢI QUAN
VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
III. MỤC ĐÍCH CHIẾN LƯỢC GIAI ĐOẠN
2016-2020
1. Mục đích chiến lược 1
2. Mục đích chiến lược 2
3. Mục đích chiến lược 3
IV. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
V. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
VI. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA
KẾ HOẠCH
VI.1. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI NHIỆM
VỤ TRỌNG TÂM
1. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ
trọng tâm
1.1. Nhóm 1: Các hoạt động thực hiện
để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý
1.2. Nhóm 2: Các hoạt động cần thực hiện
để triển khai rộng và sâu hơn thủ tục hải quan điện tử
1.3. Nhóm 3: Xây dựng và triển khai
cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN
1.4. Nhóm 4: Các hoạt động nâng cao
hiệu quả kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động
kiểm tra chuyên ngành
1.5. Nhóm 5: Các hoạt động khác triển
khai nhiệm vụ trọng tâm 1
2. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ
trọng tâm 2
3. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ
trọng tâm 3
4. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ
trọng tâm 4
5. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ
trọng tâm 5
6. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ
trọng tâm 6
VI.2. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI ĐỘNG
CÁC MỤC TIÊU KHÔNG THUỘC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Nhóm 1: Các hoạt động triển khai
nhằm quản lý nội ngành khoa học, hiệu quả
2. Nhóm 2: Hoạt động đảm bảo về hạ tầng
công nghệ thông tin
3. Nhóm 3: Triển khai kế hoạch phát
triển thống kê hải quan đến 2020
4. Nhóm 4: Thực hiện các yêu cầu về
hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cải cách nghiệp
vụ
5. Nhóm 5: Một số hoạt động chỉnh áp
dụng phương thức điện tử trong quản lý, điều hành và quản trị nội bộ
PHẦN IV - TỔ CHỨC THỰC HIỆN
KẾ HOẠCH
CẢI
CÁCH, PHÁT TRIỂN VÀ HIỆN ĐẠI HÓA NGÀNH HẢI QUAN GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1614/QĐ-BTC ngày 19 tháng 7 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính)
Phần I
MỞ ĐẦU
Triển khai thực hiện Chiến lược phát
triển hải quan đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày
25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/6/2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký
ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BTC về Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại
hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011- 2015. Để tổ chức triển khai, Tổng cục Hải
quan đã phê duyệt Kế hoạch triển khai của 34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, xây
dựng danh mục hiện đại hóa trọng tâm từng năm theo lĩnh vực quản lý đối với từng
đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục. Thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt
và thực hiện phê duyệt các đề án liên quan đến các mảng nghiệp vụ: Quản lý rủi
ro, Công nghệ thông tin, Kiểm tra sau thông quan, Điều tra chống buôn lậu, Giám
sát hải quan, Phân loại và xác định trị giá và Đào tạo nguồn nhân lực...
Quá trình triển khai Kế hoạch đã thu
được kết quả đáng khích lệ, tạo được cơ sở pháp lý vững chắc làm tiền đề cho thực
hiện các nghiệp vụ hải quan hiện đại, bước đầu triển khai và áp dụng hiệu quả
quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, ứng dụng hải quan điện tử, đẩy mạnh
kiểm tra sau thông quan, triển khai cơ chế hải quan một cửa quốc gia,... đã đơn
giản hóa thủ tục hải quan, cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu
góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đồng thời nâng cao hiệu quả quản
lý hải quan, cải thiện môi trường đầu tư, du lịch, nâng cao vị thế của hải quan
Việt Nam trên thế giới.
Kết thúc giai đoạn 2011-2015, nhằm tiếp
tục triển khai giai đoạn cuối thực hiện mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển
hải quan đến năm 2020, tăng cường hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải
cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, cần
thiết phải xây dựng Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải
quan giai đoạn 2016-2020.
I. Căn cứ lập Kế
hoạch
- Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày
23/6/2014;
- Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày
18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày
23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài chính;
- Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày
17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
- Chiến lược tài chính đến năm 2020
(Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012), Chương trình hành động của ngành Tài
chính (Quyết định số 224/QĐ-BTC ngày 30/01/2013);
- Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày
25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển hải
quan đến năm 2020.
II. Nguyên tắc xây
dựng
Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện
đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc
cơ bản sau đây:
- Thống nhất với các nội dung của Chiến
lược phát triển hải quan đến năm 2020.
- Thực hiện các Nghị quyết của Chính
phủ về cải cách hành chính nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh.
- Triển khai các Nghị quyết trung
ương về tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ thông tin.
- Kế thừa thành tựu đã đạt được về công
tác cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011 - 2015.
- Đáp ứng các yêu cầu hội nhập với
các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của
các vùng, miền, và các Bộ, ngành liên quan.
III. Bố cục của Kế
hoạch
- Phần I. Mở đầu.
- Phần II. Kết quả thực hiện công tác
CCHĐH giai đoạn 2011-2015.
- Phần III. Nội dung Kế hoạch.
- Phần IV. Tổ chức thực hiện.
Phần II
KẾT QUẢ THỰC HIỆN
CÔNG TÁC CẢI CÁCH HIỆN ĐẠI HÓA NGÀNH HẢI QUAN GIAI ĐOẠN 2011-2015
Thời gian qua, với việc triển khai đồng
bộ công tác cải cách, hiện đại hóa trên phương diện xây dựng cơ sở pháp lý, cải
cách về quy trình, thủ tục, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin
trong công tác quản lý, mở rộng ứng dụng phương pháp quản lý hiện đại, sử dụng
trang thiết bị hiện đại nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm
soát, ngành Hải quan đã nâng cao mức độ chuyên nghiệp, chuyên sâu trong thực hiện
các hoạt động nghiệp vụ hải quan theo mục tiêu đề ra tại Kế hoạch.
Các mục tiêu về thể chế, thủ tục hải
quan, kiểm tra giám sát hải quan, quản lý thuế, kiểm soát hải quan, kiểm tra
sau thông quan, hệ thống chỉ số đo hiệu quả hoạt động, tổ chức bộ máy, công nghệ
thông tin, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật được đảm bảo triển khai theo
định hướng đề ra. Về cơ bản các mục tiêu này đã được thực hiện xuyên suốt trong
quá trình triển khai kế hoạch cải cách, hiện đại hóa hải quan, góp phần từng bước
cải tiến, nâng cao, khắc phục những khiếm khuyết phát sinh trong quá trình triển
khai, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tại các mảng nghiệp vụ.
I. Về Thể chế
1. Kết quả đạt được
Giai đoạn 2011-2015, đã hình thành hệ
thống văn bản pháp luật cơ bản đầy đủ điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động hải
quan, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, đồng thời đáp ứng các yêu cầu mới phát sinh,
cụ thể:
a. Luật Hải quan: Đã xây dựng, ban hành Luật Hải quan số 54/2014/QH13 và các văn bản hướng
dẫn thi hành, đáp ứng các yêu cầu:
- Đổi mới toàn diện hoạt động hải
quan trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tạo
cơ sở pháp lý để thực hiện phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo nguyên tắc
áp dụng quản lý rủi ro trong toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan;
chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, trang
thiết bị hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia
và Cơ chế một cửa ASEAN.
- Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính
trong lĩnh vực hải quan, tạo cơ sở để giảm thời gian và chi phí thủ tục, tăng sức
cạnh tranh cho doanh nghiệp đồng thời góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt
Nam (Đã bãi bỏ 85 thủ tục hành chính và thay thế 127 thủ tục hành chính, đơn giản
hóa bộ hồ sơ hải quan, các chứng từ không cần thiết...).
- Minh bạch hóa quyền và nghĩa vụ của
người khai hải quan, của tổ chức và cá nhân có liên quan; phân định rõ trách
nhiệm giữa người khai hải quan và công chức hải quan, của cơ quan hải quan và
các cơ quan có liên quan; nâng cao tính tự chịu trách nhiệm, tạo cơ chế khuyến
khích tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt
động quản lý hải quan: Tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan; tăng cường
hoạt động của cơ quan hải quan trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại,
vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
- Kiện toàn hệ thống tổ chức hải
quan, sắp xếp lại bộ máy tổ chức ở đơn vị cơ sở theo hướng chuyên sâu trong từng
lĩnh vực cụ thể để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn
thi hành Luật Hải quan: Để triển khai thi hành Luật hải quan năm 2014, Tổng cục
Hải quan đã rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai soạn thảo và trình
các cấp có thẩm quyền ban hành 03 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ, 12 Thông tư của Bộ Tài chính và ban hành 16 quy trình nghiệp vụ.
b. Luật Quản lý Thuế: Đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số
21/2012/QH13, trong đó có quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu,
đáp ứng các yêu cầu: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn
giản, rõ ràng, minh bạch; tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian của người nộp
thuế; Thúc đẩy công tác hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan theo hướng thực hiện
cơ chế quản lý rủi ro, đẩy mạnh quản lý thuế điện tử, tăng cường vai trò của tổ
chức, cá nhân có liên quan; Tăng cường các biện pháp quản lý kiểm tra, giám
sát, hậu kiểm để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành
chính thuế nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ thuế.
c. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập
khẩu: Đã xây dựng Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
sửa đổi (qua quá trình xây dựng đã được Quốc hội ký thông qua Luật số
107/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016 và có hiệu lực ngày 01/9/2016) đáp ứng
yêu cầu: Đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất
khẩu, thuế nhập khẩu; tạo tiền đề pháp lý để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn;
khuyến khích và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp với định
hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết; đơn giản,
thuận lợi cho người nộp thuế.
2. Tồn tại, hạn chế
- Các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan
cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung làm cơ sở cho việc triển khai hiệu quả các Hiệp
định thương mại tự do (FTA), Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TF) đã ký kết.
- Các văn bản triển khai thi hành Luật
Hải quan chưa được ban hành cùng thời gian với Luật Hải quan dẫn đến vướng mắc
trong công tác thực hiện. Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng văn bản quá dài, nhiều
nội dung dễ dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng không thống nhất.
- Các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan
chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thủ
tục hải quan đối với các loại hình hàng hóa có loại được quy định chi tiết ở
Nghị định, có loại lại được chi tiết ở Thông tư dẫn đến khó khăn trong việc áp
dụng văn bản. Một số nội dung về thủ tục hải quan đối với một số trường hợp
chưa được quy định chi tiết dẫn đến phải hướng dẫn bằng công văn.
- Một số quy trình nghiệp vụ còn chậm
ban hành. Theo kế hoạch cần ban hành 21 quy trình nghiệp vụ để triển khai thi
hành Luật Hải quan. Tuy nhiên, đến nay mới ban hành được 16 quy trình (chủ yếu
liên quan đến lĩnh vực quản lý rủi ro).
- Văn bản pháp luật về kiểm tra
chuyên ngành của các Bộ, ngành liên quan quá nhiều, còn chồng chéo, chưa đồng bộ,
gây khó khăn cho cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực
thi. Mặt khác, chưa có sự tương thích giữa một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc
thực tế công tác kiểm tra chuyên ngành với Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng
dẫn thi hành nên một số quy định chưa phát huy hết vai trò tích cực trong công
tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan.
II. Thủ tục hải
quan, kiểm tra giám sát hải quan
1. Kết quả đạt được
- Đã chuẩn hóa các chế độ quản lý hải
quan phù hợp với các quy định tại Công ước Kyoto sửa đổi. Thủ tục hải quan chủ
yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử tại 100 % Cục Hải quan, 100% Chi cục
Hải quan, với sự tham gia của trên 99,56% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục
hải quan, đạt 99,32% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hơn 99,63% tổng số tờ
khai hải quan trên cả nước (số liệu tính từ 01/01/2015 đến 31/12/2015); cơ sở dữ
liệu được xử lý tập trung tại cấp Tổng cục Hải quan; Thời gian trung bình từ
khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan/giải phóng hàng
(thời gian thông quan) đối với hàng nhập khẩu chỉ còn dưới 02 ngày; Thời gian
thông quan trung bình đối với hàng hóa xuất khẩu còn dưới 06 giờ; Đối với lô
hàng phân luồng xanh, không phải nộp thuế thì thời gian này chỉ có 04 giấy; Thời
gian trung bình kiểm tra hồ sơ dưới 30 phút; Thời gian trung bình kiểm tra thực
tế hàng hóa dưới 01 giờ (Theo kết quả đo thời gian giải phóng hàng năm 2015 tại
11 Chi cục Hải quan Cảng/Cửa khẩu thuộc 07 Cục Hải quan tỉnh, thành phố).
- Chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp
theo các chuẩn mực của WCO được triển khai thí điểm và chính thức áp dụng, đến
nay đã có 43 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên (chiếm khoảng
25,46% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó, có 16 doanh nghiệp Việt Nam và
27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI).
- Công tác thu nộp thuế, lệ phí được
thực hiện bằng phương thức điện tử, tính đến thời điểm 31/12/2015:
+ Khoảng 63,48% tổng số thuế, phí, lệ
phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thực hiện thu nộp qua các ngân hàng thương
mại có ký kết thỏa thuận hợp tác với cơ quan hải quan. Đối với các trường hợp
này, hệ thống của cơ quan hải quan tự động hạch toán số thuế, phí, lệ phí ngay
sau khi người khai hải quan nộp thuế, phí, lệ phí.
+ Khoảng 99% tổng số thuế, lệ phí đối
với hàng hóa xuất nhập khẩu thực hiện thu nộp qua các hệ thống ngân hàng, bao gồm
cả ngân hàng thương mại đã có và chưa có ký kết thỏa thuận hợp tác với cơ quan
hải quan.
- Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một
cửa ASEAN: Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan đầu mối đã phối hợp với các
Bộ, ngành đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Đến tháng 9/2015 đã có 9
Bộ tham gia là Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển
nông thôn, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông
tin và truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ. Đồng thời
Việt Nam cũng đã thực hiện kết nối kỹ thuật với 4 nước ASEAN là Thái Lan,
Singapore, Malaysia và Indonesia; Việt Nam cũng đã sẵn sàng kết nối chính thức
với các nước này.
- Ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp
với các cơ quan chuyên ngành có liên quan thành lập địa điểm kiểm tra chuyên
ngành tập trung để thực hiện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa
xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, đến
nay đã thành lập được 08 địa điểm tại 07 Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Việc phối
hợp kiểm tra chuyên ngành trực tiếp tại cửa khẩu bước đầu đã tạo ra chuyển biến
tích cực trong công tác kiểm tra chuyên ngành, giảm bớt thủ tục hành chính, rút
ngắn thời gian làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành (tại cảng Hải Phòng đã rút ngắn
30% thời gian làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giảm từ 10-15 ngày xuống còn
7-10 ngày), đồng thời bảo đảm quản lý hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành chặt
chẽ hơn.
- Đẩy mạnh ứng dụng trang thiết bị kỹ
thuật trong kiểm tra hải quan như soi chiếu hàng hóa, hành lý trước, sau thông
quan; sử dụng máy soi container để kiểm tra hàng hóa trong quá trình làm thủ tục
hải quan.Việc kiểm tra qua máy soi container trung bình từ 1-3 phút, kiểm tra kết
hợp máy soi và thủ công trung bình khoảng hơn 30 phút. Tuy nhiên, để bố trí,
chuẩn bị được hàng hóa trong việc nâng hạ, đưa vào khu vực kiểm tra, soi chiếu
(do trách nhiệm của chủ hàng và đơn vị kinh doanh cảng) lại mất nhiều thời
gian.
- Công tác giám sát hải quan đã thay
đổi cơ bản về mục tiêu, yêu cầu, phương thức giám sát hải quan, đặc biệt là ở
các địa bàn trọng điểm như cảng biển, cảng hàng không. Hệ thống camera giám sát
được triển khai lắp đặt tại các cảng biển, cảng hàng không trọng điểm và kết nối
trực tuyến với Tổng cục Hải quan để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Thực
hiện thí điểm hệ thống ứng dụng công nghệ định vị GPS trong giám sát hải quan đối
với hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu và quá cảnh vận chuyển bằng
container, cho phép cảnh báo khi niêm phong hải quan bị phá hủy, container bị mở
và theo dõi toàn bộ lộ trình của container để có thông tin cảnh báo khi đi sai
lộ trình, dừng đỗ quá thời gian. Hệ thống mã vạch trong giám sát hải quan được
áp dụng, tạo tiền đề kết nối với hệ thống của các cơ quan, doanh nghiệp kinh
doanh kho, bãi, cảng; qua đó giảm thời gian xác nhận hàng hóa qua khu vực giám
sát, giúp rút ngắn thời gian thanh khoản một bộ hồ sơ giám sát trung bình còn khoảng
30 giây (trước đây là 5-10 phút).
- Đã thí điểm thực hiện quy định giám
sát hàng hóa ra vào cảng theo quy định tại Điều 41 Luật Hải quan tại cảng Nam Hải
- Đình Vũ và Xanh VIP Hải Phòng, thời gian làm thủ tục tại khu vực giám sát đối
với một tờ khai giảm từ 3-5 phút, giảm chi phí đi lại của người khai hải quan.
- Đã xây dựng được 08 địa điểm kiểm
tra hàng hóa tập trung với đầy đủ trang thiết bị phục vụ kiểm tra giám sát hàng
hóa. Việc áp dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong kiểm tra, giám sát
hải quan được thực hiện tại một số địa bàn trọng điểm trong cả nước với việc
trang bị hệ thống máy soi container, hệ thống camera giám sát, các trang thiết
bị phát hiện phóng xạ,...
- Đã và đang phối hợp có hiệu quả với
các cơ quan, chủ doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, qua đó đã kiến nghị các giải
pháp, chính sách quản lý đối với các mặt hàng nhạy cảm gửi kho ngoại quan để
tái xuất qua các tỉnh biên giới phía Bắc, chấm dứt hoạt động và chấn chỉnh các
trường hợp đưa hàng hóa vào gửi kho không đúng quy định, kho không đủ diện
tích, kịp thời có giải pháp giải tỏa, chống ách tắc, ùn ứ hàng hóa nông sản,
lâm sản xuất nhập khẩu tập kết tại các cửa khẩu, địa điểm kiểm tra tập trung.
- Đã xây dựng, trình Chính phủ ban
hành đề án “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên
ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg
ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, để giảm thời gian thông quan hàng hóa,
tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, bảo đảm hàng rào kỹ
thuật bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.
- Đã xây dựng và thực hiện hiệu quả
cơ chế hợp tác giữa cơ quan hải quan với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam, các hiệp hội ngành nghề và với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập
khẩu. Việc phát triển, xã hội hóa đại lý làm thủ tục hải quan đã được chú trọng
thời gian vừa qua và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Hiện nay có
520 đại lý hải quan đã được cấp phép hoạt động, 650 cá nhân đủ điều kiện cấp mã
số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan.
2. Tồn tại, hạn chế
- Hệ thống công nghệ thông tin thực
hiện thủ tục hải quan điện tử chưa được xây dựng đồng bộ với các mảng nghiệp vụ
khác như kiểm tra sau thông quan, hệ thống thông tin hỗ trợ công tác kiểm soát,
chống buôn lậu, khai báo thông tin manifest hàng không.. .và các công cụ khai
thác hỗ trợ quản lý hải quan;
- Việc kiểm tra hàng hóa tại kho,
bãi, cảng, khu vực cửa khẩu qua hệ thống máy soi còn chưa hiệu quả do chưa có
tiêu chí lựa chọn lô hàng kiểm tra, số lượng máy soi, vị trí bố trí máy soi còn
chưa hợp lý khó khăn cho công tác soi chiếu. Tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực
tế hàng hóa giảm so với năm trước nhưng chưa đáp ứng mục tiêu yêu cầu tạo thuận
lợi. Kết quả kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa chưa hiệu quả, tỷ lệ
phát hiện vi phạm trong kiểm tra hải quan chưa phản ánh đúng thực trạng vi phạm
đang diễn ra (mới đạt trên 1,43%).
- Số lượng hồ sơ thực hiện qua Cơ chế
một cửa quốc gia giai đoạn đầu kết nối chính thức còn chưa nhiều. Các Bộ, ngành
vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Hệ thống Công nghệ thông tin để
kết nối và thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng thông tin một cửa.
- Công tác kiểm tra chuyên ngành đối
với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến thời gian thực hiện
kéo dài ảnh hưởng đến quá trình và thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa của
cơ quan hải quan (danh mục hàng hóa phải kiểm tra quá rộng; phương tiện kỹ thuật,
nguồn nhân lực phục vụ kiểm tra chuyên ngành tại khu vực cửa khẩu còn thiếu và
yếu; phối hợp và trao đổi thông tin giữa các đơn vị còn hạn chế...).
- Công tác giám sát chưa chuyển biến
mạnh mẽ theo quy định của Luật Hải quan và các văn bản quy định chi tiết thi
hành. Việc giám sát chủ yếu vẫn thực hiện thủ công nên mất nhiều thời gian và
nguồn lực, hiệu quả không cao. Việc ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật hiện đại
trong giám sát còn hạn chế, nhiều phương pháp giám sát mới đang áp dụng thí điểm
(GPS, giám sát qua doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng). Quy trình quy định về
áp dụng quản lý rủi ro trong giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
chưa được ban hành, chưa có tiêu chí quản lý rủi ro để áp dụng biện pháp giám
sát phù hợp;
- Cơ sở vật chất kỹ thuật của một số
doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng còn chưa đáp ứng, một số doanh nghiệp
chưa sẵn sàng, do đó hiện nay việc thực hiện quy định giám sát hàng hóa ra vào
cảng theo quy định tại Điều 41 Luật Hải quan mới đang được thực hiện thí điểm tại
Cục Hải quan Hải Phòng.
- Đại lý hải quan chưa phát huy được
vai trò, số lượng đại lý hải quan hoạt động đúng nghĩa còn nhỏ so với tổng số lượng
đại lý, theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, đã có 80% doanh nghiệp sử dụng dịch
vụ của đại lý hải quan nhưng chỉ có 10% đại lý hải quan đứng tên tờ khai. Hoạt
động đại lý gặp sự cạnh tranh không lành mạnh của các cá nhân, doanh nghiệp
không phải đại lý nhưng thực hiện dịch vụ làm thủ tục thay cho chủ hàng, dẫn đến
nhiều rủi ro cho chủ hàng khi không chịu trách nhiệm pháp lý và không chịu sự
quản lý của cơ quan hải quan.
III. Về quản lý
thuế
1. Kết quả đạt được
- Giai đoạn 2011-2015, Hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật liên quan đến thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế đối
với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được sửa đổi, bổ sung, thay thế đáp ứng yêu cầu
hội nhập, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, cải thiện môi
trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện các cam kết quốc
tế về cắt giảm thuế quan, sử dụng hàng rào kỹ thuật., đồng thời tạo cơ sở pháp
lý cho cơ quan hải quan phối hợp với các ngân hàng thương mại để thực hiện thu
nộp thuế thông qua Cổng thông tin điện tử Hải quan, đã giảm đối chiếu thủ công,
giảm thiểu thời gian xác định hoàn thành nghĩa vụ thuế, tiết kiệm chi phí cho cả
người nộp thuế và cơ quan hải quan, góp phần giảm thời gian thông quan hàng
hóa.
- Các hệ thống ứng dụng công nghệ
thông tin (Hệ thống thông tin dữ liệu quản lý trị giá tính thuế GTT02, Hệ thống
MHS, Hệ thống KTT559) được hoàn thiện; Các chính sách ưu đãi thuế, danh mục biểu
thuế, trị giá tính thuế, tỷ giá tính thuế được chuẩn hóa; thiết lập cơ sở dữ liệu
về thuế, trị giá, tỷ giá để vận hành các chức năng tự động liên quan đến kiểm
tra, xác định thuế của hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS.
- Về công tác thu thuế: Năm 2011,
2014 và 2015 ngành Hải quan đã hoàn thành vượt mức kế hoạch thu thuế đối với
hàng hóa xuất nhập khẩu được giao, đặc biệt năm 2015, mặc dù số thu ngành Hải
quan chịu tác động trực tiếp từ việc giảm mạnh kim ngạch của các mặt hàng chiếm
tỷ trọng số thu lớn như dầu thô xuất khẩu, xăng dầu nhập khẩu, tác động từ giảm
thuế suất thuế nhập khẩu (hàng hóa được hưởng ưu đãi) tuy nhiên, ngành Hải quan
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tổng số thu là 261.824 tỷ đồng, đạt 100,7% dự
toán (260.000 tỷ đồng). Các năm 2012, 2013, dưới tác động sâu, rộng, trực tiếp
của suy thoái kinh tế thế giới, làm giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu,
do vậy, không đạt được dự toán được giao.
- Về tình hình xóa nợ thuế: Tổng số
tiền xóa nợ theo quy định từ năm 2011 đến năm 2015 là 519.672 triệu đồng (Năm
trăm mười chín tỷ sáu trăm bảy mươi hai triệu đồng), cụ thể:
+ Năm 2011: Số tiền thuế đã thực hiện
xóa nợ là 1.066 triệu đồng;
+ Năm 2012: Số tiền thuế đã thực hiện
xóa nợ là 2.622 triệu đồng;
+ Năm 2013: Số tiền thuế đã thực hiện
xóa nợ là 1.374 triệu đồng;
+ Năm 2014: Số tiền thuế đã thực hiện
xóa nợ là 465.780 triệu đồng;
+ Năm 2015: Số tiền thuế đã thực hiện
xóa nợ là 48.830 triệu đồng.
- Về quản lý nợ thuế:
+ Số lượng doanh nghiệp nợ thuế
chuyên thu quá hạn tăng dần qua các năm từ 2010 đến 2012. Tuy nhiên, con số này
đã giảm đáng kể ở giai đoạn tiếp theo. Cụ thể: năm 2013 giảm được 2.275 doanh
nghiệp, tương ứng với 17,53% tổng số doanh nghiệp nợ thuế chuyên thu quá hạn của
năm 2012. Năm 2014 cũng giảm được 1.345 doanh nghiệp tương ứng 12,57% tổng số
doanh nghiệp nợ thuế chuyên thu quá hạn năm 2013. Tính đến tháng 9/2015, con số
này đã giảm thêm được 648 doanh nghiệp so với năm 2014.
+ Số nợ thuế đã thu hồi được lũy kế từ
ngày 01/01/2013 đến 31/12/2013 là 1.807 tỷ đồng chiếm 28,18% trong tổng số nợ
chuyên thu năm 2013 (khoảng 6.412,9 tỷ đồng). Tương tự, tổng số thu hồi và xử
lý nợ lũy kế từ ngày 01/01/2014 đến 31/12/2014 là khoảng 2.060 tỷ đồng chiếm
41,63% trong tổng số nợ chuyên thu năm 2014 (khoảng 4.947,4 tỷ đồng), và đến
tháng 12/2015 là 56% (740 tỷ đồng) so với chỉ tiêu thu hồi tại Quyết định số
260/QĐ-TCHQ ngày 30/01/2015.
+ Tính đến ngày 31/12/2015, tổng số nợ
thuế chuyên thu quá hạn của các lô hàng đã thông quan, giải phóng hàng là:
4.312,5 tỷ đồng, giảm 634,9 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó: Nợ khó thu là:
3.704,1 tỷ đồng; Nợ chờ xóa, xét miễn, giảm là: 164 tỷ đồng; Nợ có khả năng thu
là: 444,2 tỷ đồng.
+ Tổng số nợ khó đòi qua các năm từ
2010 đến 2013 đều tăng, năm sau cao hơn năm trước, nguyên nhân là do đa số nợ
còn tồn đọng đến nay phát sinh từ trước khi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
số 45/2005/QH11 và Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 có hiệu lực thi hành. Chỉ
đến 2014, số nợ khó đòi mới giảm so với 2013 (số giảm được là 425,7 tỷ đồng,
tương ứng giảm 11,13%).
2. Tồn tại, hạn chế
- Mức thuế xuất nhập khẩu ưu đãi là
43 mức (theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính),
chưa đạt được kế hoạch đề ra (năm 2015 còn 5 mức), do các nguyên nhân: Thực hiện
các mức cam kết về thuế suất với WCO; thực hiện yêu cầu bảo hộ sản xuất trong
nước (sử dụng hàng rào thuế quan); phải đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước.
- Công tác phối hợp thu thuế triển
khai giữa cơ quan hải quan với 27 ngân hàng thương mại, một số trường hợp doanh
nghiệp đã nộp thuế (qua các ngân hàng chưa ký thỏa thuận phối hợp thu với cơ
quan hải quan) nhưng chưa được cập nhật vào hệ thống của cơ quan hải quan theo
quy định. Chưa có sự phối hợp đồng bộ về thời gian làm việc giữa ngân hàng và
cơ quan hải quan dẫn đến tình trạng hàng hóa đã làm thủ tục hải quan nhưng
không thể nộp thuế để thông quan do ngân hàng hết giờ làm việc hoặc nghỉ cuối
tuần, nghỉ lễ, nghỉ tết.
IV. Công tác kiểm
soát hải quan
1. Kết quả đạt được
Công tác kiểm soát hải quan giai đoạn
2011-2015 được đẩy mạnh: Hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất từ Luật tới
các văn bản hướng dẫn thi hành; Kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự và hoạt động
của lực lượng kiểm soát hải quan theo ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng
và triển khai hiệu quả nhiều đề án lớn nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng
kiểm soát hải quan theo hướng chuyên sâu- chuyên nghiệp - hiệu quả gồm: Đề án
nâng cao năng lực cho lực lượng hải quan chuyên trách chống buôn lậu đến năm
2020, Đề án tăng cường năng lực phòng, chống ma túy của ngành Hải quan, Đề án đầu
tư trang bị và quản lý tàu thuyền của ngành Hải quan giai đoạn 2011-2020...;
Công nghệ thông tin, các kỹ thuật quản lý hiện đại, trang thiết bị kỹ thuật hiện
đại được ứng dụng, phục vụ hiệu quả hoạt động nghiệp vụ; Khai thác, sử dụng có
hiệu quả hệ thống thu thập thông tin tình báo và các hệ thống kiểm soát, cảnh
báo trực tuyến; Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch, xác
lập chuyên đề, chuyên án đấu tranh hiệu quả với các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để
vi phạm; các mặt hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng có thuế suất cao,
hàng bách hóa, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm
về môi trường, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe
cộng đồng; Công tác phối hợp giữa hải quan với các lực lượng chức năng được
tăng cường thông qua việc ký kết các quy chế phối hợp lực lượng với Bộ đội biên
phòng, Cảnh sát biển...
Nổi bật, Tổng cục Hải quan đã chủ động,
tích cực tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ thành lập và triển khai nhanh
chóng, chất lượng mô hình tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia chống
buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 quốc gia)
và Văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo; Giúp lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo
Tổng cục Hải quan thực hiện tốt vai trò thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo
389 quốc gia nhằm tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chức
năng, các địa phương về đấu tranh phòng, chống buôn lậu.
Kết quả, từ 16/12/2010 đến
15/12/2015, lực lượng kiểm soát hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ,
xử lý 104.055 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 2.585 tỷ 944 triệu đồng.
Việc triển khai quyết liệt, đồng bộ
các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái
phép hàng hóa qua biên giới của ngành Hải quan trong thời gian qua đã góp phần
nâng cao tinh thần trách nhiệm, thống nhất trong nhận thức và hành động của cán
bộ, công chức; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái
phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, hàng giả, góp phần bảo đảm an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng,
chống thất thu ngân sách nhà nước.
2. Tồn tại hạn chế
- Thẩm quyền của lực lượng Kiểm soát
hải quan chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Dưới áp lực về khối lượng và
thời gian lưu thông hàng hóa ngày càng tăng, phương thức thông quan ngày càng
hiện đại; địa bàn quản lý của một số hải quan biên giới trải dài, phức tạp, nhiều
đường mòn, lối mở; các đối tượng hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều
lĩnh nên việc kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ gặp nhiều khó khăn do lực lượng kiểm
soát còn mỏng, các trang thiết bị hiện đại phục vụ kiểm soát như thiết bị soi
chiếu hàng hóa còn thiếu, kinh phí phục vụ công tác đấu tranh với tội phạm, chống
buôn lậu còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
- Việc áp dụng việc giám sát trực tuyến
mới được thực hiện ở bước đầu và tại một số điểm nên khả năng hỗ trợ kiểm soát
vẫn còn hạn chế; Công tác phối hợp, cung cấp thông tin giữa các đơn vị chưa đạt
được hiệu quả cao. Nguồn nhân lực dành cho công tác phân tích đánh giá số liệu
còn mỏng, hạn chế gây khó khăn cho công tác kiểm soát hải quan; Hệ thống báo
cáo của các chương trình nghiệp vụ chưa cung cấp được nhiều thông tin cho lực
lượng kiểm soát trong các công tác nghiệp vụ có liên quan.
V. Công tác quản
lý rủi ro
1. Kết quả đạt được
Trong giai đoạn 2011-2015, công tác
quản lý rủi ro của ngành Hải quan đã được quan tâm, hoàn thiện và nâng cao một
bước, trở thành nghiệp vụ cơ bản và trọng tâm trong quản lý hải quan hiện đại với
bước đầu được triển khai trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và
định hướng sẽ triển khai trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ hải quan.
Kết quả cụ thể đã đạt được:
- Các nội dung quản lý rủi ro được luật
hóa tại Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật, trên cơ sở phù hợp với
tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn hoạt động Hải quan.
- Công tác quản lý rủi ro bước đầu đã
đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý của hải quan Việt Nam, là nền tảng cho hệ thống
thông quan tự động, tập trung VNACCS/VCIS góp phần to lớn cho việc tạo thuận lợi
thương mại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý hải quan, đảm bảo minh bạch, hiệu
quả.
- Triển khai thành công chương trình
quản lý rủi ro phục vụ kiểm tra bằng biện pháp soi chiếu qua máy soi đối với
hàng hóa đang trong quá trình xếp, dỡ, vận chuyển, lưu giữ tại kho, bãi, cảng,
khu vực cửa khẩu tại sân bay và cảng biển tại 03 Cục Hải quan tỉnh, thành phố
là Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh.
- Công tác quản lý, đánh giá tuân thủ
doanh nghiệp được triển khai trên 05 mảng nghiệp vụ: quản lý hồ sơ doanh nghiệp;
đánh giá tuân thủ pháp luật; xếp hạng doanh nghiệp; quan hệ đối tác doanh nghiệp
và áp dụng chính sách quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp hoạt động xuất nhập
khẩu. Tính đến ngày 31/12/2015, trên Hệ thống thông tin quản lý rủi ro có
132.707 hồ sơ doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu từ năm 2001, trong
đó đã phối hợp các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức
thu thập thông tin, kiểm tra đánh giá tuân thủ và xếp hạng rủi ro đối với
86.908 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trong vòng 02 năm trở lại đây;
đánh giá, phân loại và chuyển giao danh sách 3.520 doanh nghiệp FDI để kiểm tra
sau thông quan, thẩm định, đánh giá tuân thủ giai đoạn 2015-2016; thường xuyên
tổng hợp danh sách doanh nghiệp tuân thủ, không tuân thủ, nợ thuế, cưỡng chế
thuế, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động để áp dụng phù hợp các biện pháp kiểm
soát rủi ro;
- Triển khai có hiệu quả chương trình
quản lý rủi ro phục vụ giám sát, kiểm tra trọng điểm đối với người xuất nhập cảnh,
hành lý của người xuất nhập cảnh, với một số kết quả cụ thể: Áp dụng quy trình
quản lý rủi ro và triển khai cài đặt, ứng dụng hệ thống thông tin hành khách xuất
nhập cảnh (mô hình của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh) tại 09 Chi cục có
sân bay quốc tế trực thuộc 09 Cục Hải quan tỉnh, thành phố có sân bay quốc tế
trên cả nước; xây dựng cơ chế áp dụng quản lý rủi ro đối với hành lý của hành
khách xuất nhập cảnh; xây dựng, ban hành danh mục dấu hiệu rủi ro danh sách
hành khách xuất nhập cảnh rủi ro cao để cung cấp, cảnh báo phục vụ xác định trọng
điểm kiểm tra, giám sát hải quan; thu thập thông tin, phân tích và cảnh báo rủi
ro đối với 39 đối tượng trọng điểm là hành khách xuất nhập cảnh; xác lập các
chuyên đề theo tuyến và chuyến bay trọng điểm về buôn lậu, vận chuyển trái phép
hàng hóa qua biên giới.
- Kết quả phân luồng kiểm tra đối với
hàng hóa xuất nhập khẩu:
Phân luồng
|
Năm
|
2011
|
2012
|
2013
|
2014
|
2015
|
Số lượng Tờ khai
|
Tỷ lệ
|
Số lượng Tờ khai
|
Tỷ lệ
|
Số lượng Tờ khai
|
Tỷ lệ
|
Số lượng Tờ khai
|
Tỷ lệ
|
Số lượng Tờ khai
|
Tỷ lệ
|
Xanh
|
2.732.740
|
59,74%
|
3.156.302
|
63,3%
|
3.416.023
|
60,4%
|
3.656.934
|
56,49%
|
4.592.990
|
54,81%
|
Vàng
|
1.281.470
|
27,72%
|
1.262.238
|
25,2%
|
1.673.141
|
29,4%
|
2.195.212
|
33,91%
|
3.155.044
|
37,65%
|
Đỏ
|
582.446
|
12,54%
|
571.578
|
11,5%
|
580.178
|
10,2%
|
621.383
|
9,60%
|
632.415
|
7,55%
|
Tổng
|
4.596.626
|
|
4.990.307
|
|
5.669.371
|
|
6.473.538
|
|
8.380.449
|
|
- Tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức
làm công tác quản lý rủi ro từ Tổng cục tới Cục và Chi cục trong cả nước được củng
cố, nội dung này được cụ thể hóa tại Đề án thành lập Cục Quản lý rủi ro.
2. Tồn tại, hạn chế
- Mặc dù việc tổ chức triển khai thực
hiện các biện pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro có vai trò hết sức quan trọng, đảm
bảo chất lượng và hiệu quả công tác quản lý rủi ro; tuy vậy thời gian qua, việc
triển khai công tác này còn chưa đồng đều, một số biện pháp còn chưa chuyên
nghiệp, trong khi có những biện pháp, kỹ thuật đang trong quá trình triển khai
thí điểm, ví dụ như công tác đo lường tuân thủ trong hoạt động nghiệp vụ hải
quan.
- Việc triển khai áp dụng quản lý rủi
ro trong một số lĩnh vực nghiệp vụ hải quan chưa phát huy được hiệu quả; một số
lĩnh vực nghiệp vụ chưa được triển khai áp dụng quản lý rủi ro theo quy định của
pháp luật.
- Tỷ lệ kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực
tế hàng hóa đối với hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành còn cao. Tỷ lệ
phát hiện vi phạm trong kiểm tra thực tế hàng hóa còn thấp, khoảng 1%.
- Hoạt động thu thập, xử lý thông tin
trong ngành còn tình trạng riêng rẽ, cát cứ, thiếu tập trung thống nhất; thông
tin trên các hệ thống còn chưa đầy đủ, tản mát, chưa được chuẩn hóa, chưa được
cập nhật đầy đủ, kịp thời để đáp ứng cho việc xử lý, đánh giá rủi ro.
- Cán bộ, công chức làm công tác quản
lý rủi ro nói riêng và đội ngũ công chức ở các khâu nghiệp vụ tại Hải quan các
cấp còn hạn chế về nhận thức, năng lực và kiến thức nghiệp vụ.
VI. Về kiểm tra
sau thông quan
1. Kết quả đạt được
Về cơ bản công tác kiểm tra sau thông
quan đã đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, đạt được kết quả nhất định góp
phần quản lý hải quan hiệu quả: đã xây dựng được cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm
tra sau thông quan; hoạt động kiểm tra sau thông quan cơ bản được triển khai
theo thông lệ phổ biến của Hải quan các nước là Kiểm toán sau thông quan (PCA),
tuy nhiên mới chỉ chủ yếu tập trung cho việc đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước;
quy trình nghiệp vụ đang được chuẩn hóa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông
tin; hình thành được cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp để phân loại đánh giá doanh
nghiệp phục vụ kiểm tra sau thông quan cũng như phản hồi kết quả cho các khâu
nghiệp vụ. Bộ máy tổ chức kiểm tra sau thông quan thống nhất từ Tổng cục Hải
quan đến các Cục Hải quan; lực lượng kiểm tra sau thông quan đã cơ bản đạt
trình độ đáp ứng công việc, hoạt động có hiệu quả, biên chế chiếm 7,5 % tổng
biên chế của ngành.
Giai đoạn 2011-2015, tổng số cuộc kiểm
tra sau thông quan: 18.322 cuộc (tăng gấp 4,5 lần so với giai đoạn trước năm
2011), tổng số tiền ấn định 6.848 tỷ đồng (tăng gấp 5,2 lần so với giai đoạn
trước năm 2011), thực thu vào ngân sách nhà nước là 6.009 tỷ đồng (tăng gấp 5,8
lần so với giai đoạn trước năm 2011).
2. Tồn tại hạn chế
- Áp dụng quản lý rủi ro đối với kiểm
tra sau thông quan chưa được áp dụng đầy đủ, chưa chú trọng vào việc phân tích,
lựa chọn đối tượng kiểm tra. Phương thức kiểm toán hải quan chưa được triển
khai thực hiện đầy đủ trong các hoạt động kiểm tra sau thông quan. Đánh giá
tuân thủ mới chỉ dừng ở đánh giá trên cơ sở thông tin thu được qua công tác kiểm
tra sau thông quan. Trong khi đó mục tiêu đánh giá tuân thủ theo yêu cầu của quản
lý hải quan hiện đại là đánh giá tổng thể quá trình chấp hành pháp luật hải
quan và pháp luật có liên quan của doanh nghiệp để xác định mức độ tin cậy đối
với cơ quan hải quan, qua đó xác định thủ tục tương ứng trong quá trình tiến
hành thủ tục hải quan.
- Mô hình tổ chức bộ máy kiểm tra sau
thông quan tại Tổng cục (Cục Kiểm tra sau thông quan) chưa phù hợp dẫn đến hạn
chế trong việc triển khai hoạt động kiểm tra sau thông quan tại các địa bàn,
các khu vực trong toàn quốc; Mô hình các phòng thuộc Cục Kiểm tra sau thông
quan (kiểm tra sau thông quan theo lĩnh vực) thiếu thẩm quyền trong việc kiểm
tra xử lý; hạn chế trong việc kiểm tra tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
- Cán bộ làm công tác kiểm tra sau
thông quan còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc ngày càng tăng;
thiếu cán bộ có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên nghiệp, trình độ chuyên sâu.
- Ứng dụng công nghệ thông tin và thu
thập thông tin phục vụ hoạt động kiểm tra sau thông quan còn hạn chế. Chưa xây
dựng và áp dụng hệ thống chỉ số đo lường trong hoạt động kiểm tra sau thông
quan.
VII. Về xây dựng hệ
thống chỉ số đo lường hoạt động của ngành
1. Kết quả đạt được:
- Hình thành được phương pháp luận
cho các công việc: Xây dựng và sử dụng chỉ số đánh giá hoạt động hải quan; Tiến
hành cuộc đo thời gian giải phóng hàng; Khảo sát sự hài lòng của khách hàng đối
với hoạt động hải quan (các năm 2012, 2013, 2014). Đã xây dựng và ban hành danh
mục chỉ số hoạt động hải quan sử dụng thống nhất trong ngành từ năm 2011 và tiếp
tục được bổ sung, hoàn thiện trong năm 2012-2013.
- Thực hiện cuộc đo thời gian giải
phóng hàng cấp quốc gia trong năm 2013, ban hành công văn 9533/TCHQ-CCHĐH ngày
30/7/2014 về việc ghi nhận kết quả chỉ số năm 2013. Đến nay, một số Cục Hải
quan đã chủ động tổ chức thực hiện đo thời gian giải phóng hàng và khảo sát nhận
thức khách hàng như: Cục Hải quan Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Ninh;
Tổng cục Hải quan đã công bố kết quả đo thời gian giải phóng hàng của Hải quan
Việt Nam năm 2013 vào ngày 19/9/2014 với sự tham gia của đại diện 05 Bộ, ngành,
07 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Phòng
thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức quốc tế (ADB, USAID) và các cơ
quan báo đài, theo đó thời gian trung bình từ khi đăng ký tờ khai đến khi Hải
quan thông quan/giải phóng đối với hàng nhập khẩu là 32:37:55 (giờ: phút:
giây), thời gian trung bình từ khi tiếp nhận tờ khai hải quan đến khi thông
quan/giải phóng đối với hàng xuất khẩu là 11h 06 phút.
- Tháng 6/2015, Tổng cục Hải quan đã
phối hợp với VCCI, các Bộ, ngành để tổ chức cuộc đo thời gian trung bình giải
phóng hàng tại 07 Cục Hải quan tỉnh, thành phố và 11 Chi cục.
2. Tồn tại và hạn chế
Sự quan tâm và đầu tư nguồn lực đối với
công tác chỉ số đánh giá hoạt động tại nhiều đơn vị còn chưa tương xứng; chưa sử
dụng thông tin về kết quả của chỉ số để phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước
trong lĩnh vực hải quan; việc báo cáo kết quả chỉ số tại một số đơn vị vẫn còn
mang tính chất hình thức mà không xây dựng nguồn số liệu ngay từ đầu, không có
sự rà soát, kiểm soát số liệu, kết quả chỉ số; còn nhiều đơn vị chưa quan tâm đến
nội dung phân tích, đánh giá các yếu tố tác động đến chỉ số, xác định những yếu
tố tác động gây ra những thay đổi số liệu, qua số liệu chỉ số chưa nêu được điểm
mạnh, điểm yếu của hoạt động được đánh giá, chưa xác định được nguyên nhân của
tồn tại để có giải pháp khắc phục, việc ứng dụng hệ thống chỉ số trong công tác
điều hành chưa được quan tâm đúng mức nhằm mục đích nâng cao hiệu quả lĩnh vực
hoạt động.
VIII. Tổ chức bộ
máy, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
1. Kết quả đạt được
a. Tổ chức bộ máy: Hệ thống tổ chức bộ máy được kiện toàn, sắp xếp lại nhằm đáp ứng các
yêu cầu của chương trình cải cách hành chính, chương trình cải cách, hiện đại
hóa hải quan; phù hợp với quy định của Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn
thi hành. Theo đó, quy mô, cơ cấu tổ chức của các cơ quan hải quan các cấp phù
hợp với khối lượng công việc, biên chế và đặc thù của từng địa bàn quản lý của
các Cục Hải quan, Chi cục Hải quan.
b. Quản lý nguồn nhân lực: Đề án xác định vị trí việc làm đã được Tổng cục Hải quan hoàn thành,
báo cáo Bộ Tài chính. Các hoạt động ứng dụng kết quả xác định vị trí việc làm
đang được tích cực triển khai và đã có những kết quả bước đầu trong năm qua như
hoàn thành Khung năng lực lĩnh vực giám sát quản lý và thuế xuất nhập khẩu;
hoàn thành và triển khai quy trình xác định biên chế ngành Hải quan. Trong đó
hoạt động xác định biên chế bước đầu đã đạt được kết quả rất khả quan trong việc
giúp lãnh đạo hải quan các cấp hệ thống hóa và xác định được khung thời gian thực
hiện các loại, số lượng sản phẩm công việc thuộc quyền quản lý từ đó làm cơ sở
để quản lý và sử dụng biên chế hiệu quả, làm tiền đề cho công tác đánh giá hiệu
quả hoạt động đối với tổ chức và cá nhân trong ngành Hải quan.
c. Công tác đào tạo và phát triển
nguồn nhân lực: Trong giai đoạn 2011 - 2015, Tổng cục
Hải quan đã cử được tổng số lượt cán bộ, công chức tham gia tất cả các loại
hình đào tạo, bồi dưỡng là 82.865 lượt người, trong đó có 50.675 lượt cán bộ,
công chức tham gia các nội dung đào tạo chuyên ngành hải quan giúp cho việc
nâng cao trình độ của công chức, viên chức bước đầu đáp ứng với yêu cầu cải
cách hiện đại hóa hải quan và cải cách thủ tục hành chính. Trong 5 năm qua, số
lượt công chức tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ chiếm 61,15% tổng số công chức,
viên chức toàn ngành nên về cơ bản đã kịp thời đáp ứng với yêu cầu công việc.
Trong thời gian tới khi hệ thống khung năng lực vị trí việc làm được hoàn
thành, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ công chức,
triển khai xây dựng giáo trình, thực hiện phương thức đào tạo dựa trên yêu cầu
của khung năng lực.
d. Liêm chính.
Thời gian qua, nhờ xây dựng và triển
khai thực hiện quyết liệt các quy định về liêm chính hải quan, đã góp phần nâng
cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Người dân và
doanh nghiệp đã ghi nhận kết quả đã đạt được của ngành Hải quan, nhất là trong
việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu
của doanh nghiệp, giảm rõ rệt tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp
của cán bộ hải quan, tạo sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp. Các
công tác điển hình: ban hành Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, quy định mới về văn
hóa ứng xử trong ngành Hải quan và 7 Quyết định, Chỉ thị tăng cường trách nhiệm,
kỷ cương, kỷ luật, phòng chống, ngăn chặn và chấm dứt tệ nạn gây phiền hà, sách
nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức hải quan. Công khai số điện thoại đường
dây nóng (ĐT đường dây nóng tại Vụ Tổ chức cán bộ: 043.944.0828) để tiếp nhận
phản ánh các vướng mắc và góp ý về quy trình thủ tục Hải quan và thái độ làm việc
của cán bộ, công chức, viên chức Hải quan trong khi thi hành nhiệm vụ.
2. Tồn tại và hạn chế
a. Về tổ chức bộ máy
- Chức năng, nhiệm vụ của một số Vụ,
Cục thuộc Tổng cục vẫn còn chưa rõ ràng, chồng chéo. Cơ cấu tổ chức của các
phòng tham mưu thuộc Cục Hải quan chưa tinh gọn, hiệu quả cần được sắp xếp lại
theo hướng giảm bớt cấp trung gian để phù hợp với yêu cầu quản lý hải quan tập
trung khi triển khai hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS. Số lượng các Đội
(Tổ) nghiệp vụ tại một số Chi cục chưa đáp ứng được khối lượng công việc tăng
cao và địa bàn quản lý mới phát sinh.
- Việc quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan; các đơn vị Vụ, Cục thuộc Tổng
cục và tương đương; các Phòng, Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn
vị tương đương chậm triển khai ảnh hưởng tới tiến độ sắp xếp lại tổ chức, bộ
máy.
b. Về quản lý nguồn nhân lực
- Các hoạt động quản lý nguồn nhân lực
được thực hiện chủ yếu dựa trên quản lý chức danh, ngạch bậc; chưa đề cập đến từng
vị trí việc làm, chưa xác định rõ năng lực chuyên môn (các kiến thức và kỹ
năng) cần có của mỗi vị trí. Chưa có một hệ thống danh mục sản phẩm và bảng định
mức sản phẩm của từng vị trí việc làm trong ngành. Chưa có hệ thống theo dõi,
đánh giá kết quả thực hiện công việc theo sản phẩm do đó căn cứ đánh giá đang
còn chung chung, chưa có tiêu chí cụ thể. Việc quản lý thông tin nhân sự và phần
lớn các khâu công tác quản lý nguồn nhân lực của cơ quan hải quan hiện đang thực
hiện theo phương thức truyền thống, chưa xây dựng được hệ thống thông tin quản
lý nhân sự theo năng lực, áp dụng phương thức điện tử một cách hiệu quả.
- Chế độ đãi ngộ với cán bộ công chức
vẫn chưa thực sự đảm bảo cho nhu cầu thiết yếu của cán bộ, công chức dẫn đến
nhiều công chức vẫn chưa thực sự tâm huyết trong công việc.
c. Về đào tạo, phát triển nguồn
nhân lực
- Cơ chế tài chính áp dụng trong hoạt
động đào tạo gặp nhiều vướng mắc dẫn đến việc tổ chức đào tạo còn gặp nhiều khó
khăn. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức có điểm còn chưa theo kịp sự phát
triển hiện đại hóa của ngành Hải quan, dẫn tới công tác bồi dưỡng còn bị động,
thiếu tổng thể gây khó khăn cho triển khai thực hiện và công tác quy hoạch các
cấp lãnh đạo.
- Đội ngũ chuyên gia các lĩnh vực
nghiệp vụ cơ bản của ngành đã bước đầu hình thành nhưng chưa xây dựng được
khung năng lực phù hợp, chưa có cơ chế sử dụng hiệu quả, chưa đảm bảo về số lượng
và chất lượng theo yêu cầu.
- Hình thức đào tạo trực tuyến chưa
được tổ chức nghiên cứu một cách khoa học để đưa vào thực tiễn hoạt động. Việc
triển khai phân tích nhu cầu đào tạo và đào tạo theo khung năng lực của vị trí
việc làm chưa triển khai được do chưa kịp xây dựng đủ khung năng lực cho các
lĩnh vực nghiệp vụ cơ bản.
- Hệ thống tài liệu thay đổi chậm dẫn
đến nhiều bất cập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức Hải quan.
- Một số nội dung chương trình và tài
liệu đào tạo, bồi dưỡng còn chưa bám sát nhu cầu của người học cũng như yêu cầu
của các đơn vị dẫn đến việc đào tạo còn trùng lắp, chồng chéo và chưa hiệu quả.
- Công tác đánh giá hiệu quả, chất lượng
sử dụng cán bộ công chức sau đào tạo chưa tốt do chưa có hệ thống tiêu chí đánh
giá, sử dụng hoặc việc sử dụng sau đào tạo không đúng, không phù hợp với nội
dung cán bộ công chức được đào tạo.
d. Về liêm chính
Mức độ thực hiện kỷ cương của một bộ
phận cán bộ, công chức hải quan trực tiếp giải quyết thủ tục hải quan cho doanh
nghiệp còn chưa đạt được mức cao; vẫn còn có hiện tượng một số cán bộ, công chức
hải quan tiêu cực vi phạm quy định của pháp luật, của ngành trong quá trình thực
hiện nhiệm vụ.
IX. Công nghệ
thông tin và thống kê hải quan
1. Kết quả đạt được
- Giai đoạn 2011-2015 ngành Hải quan
đã hình thành được hệ thống Công nghệ thông tin phục vụ thông quan (Hệ thống
e-Customs và hiện nay là hệ thống VNACCS/VCIS) với 05 thành phần cơ bản bao gồm:
e-Clearance, e-Manifest, e-Payment, e-C/O và e-Permit. Cùng với việc triển khai
Hệ thống VNACCS/VCIS, toàn bộ các hệ thống Công nghệ thông tin dùng chung trong
toàn ngành đã được chuyển đổi về mô hình xử lý tập trung tại Trung tâm dữ liệu
của Tổng cục Hải quan. Tiếp tục duy trì hoạt động của 09 Trung tâm dữ liệu tại
09 Cục Hải quan trọng điểm, đóng vai trò phân tải cho Trung tâm quản lý vận hành
hệ thống Công nghệ thông tin hải quan của Tổng cục trong việc khai thác, xử lý
số liệu, kết nối hệ thống mạng và quản trị người dùng. Việc tập trung hóa hệ thống
Công nghệ thông tin giúp cho công tác quản trị, vận hành hệ thống, đảm bảo an
ninh, an toàn được thuận lợi và chặt chẽ, giảm thiểu sự không đồng bộ trong
công tác xử lý nghiệp vụ, tăng cường tính chính xác, nhất quán của số liệu, là điều
kiện quan trọng để triển khai, vận hành Hệ thống 24/7.
Đánh giá kết quả cụ thể với mô hình
5e:
• Thông quan điện tử
(e-Clearance): Giai đoạn 2011-2015, đã triển khai
thành công thủ tục hải quan điện tử, từ triển khai thí điểm đến triển khai
chính thức với cơ sở dữ liệu chuyển từ xử lý phân tán tại các Chi cục sang xử
lý tập trung tại Tổng cục, cụ thể:
+ Thực hiện thí điểm mở rộng thủ tục
hải quan điện tử: Tiếp nối triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử từ năm
2009, đến năm 2012, Tổng cục Hải quan triển khai mở rộng việc thí điểm thủ tục
hải quan điện tử tại 21/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, chiếm 61,8% tổng số Cục
Hải quan toàn ngành với 102 Chi cục được triển khai thí điểm.
+ Thực hiện chính thức hải quan điện
tử: Năm 2013, đã thực hiện chuyển đổi thành công từ thí điểm sang thực hiện
chính thức thủ tục hải quan điện tử.
+ Xây dựng, triển khai thành công Hệ
thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản tài trợ: hệ
thống VNACCS/VCIS được chính thức triển khai từ ngày 01/4/2014, tạo ra bước đột
phá trong công tác cải cách hiện đại hóa của ngành, với thủ tục hải quan chủ yếu
được thực hiện bằng phương thức điện tử tại tất cả các Cục Hải quan, Chi cục Hải
quan trên cả nước, nổi bật là hệ thống xử lý dữ liệu tập trung ở cấp Tổng cục,
với mức độ tự động hóa cao. Đến nay, Hệ thống VNACCS/VCIS vận hành ổn định tại
100% Cục Hải quan, 100% Chi cục Hải quan trên cả nước.
• Thực hiện thanh toán thuế điện tử
(e-Payment): Cùng với việc triển khai Hệ thống
VNACCS/VCIS, đã triển khai thanh toán thuế điện tử trên cơ sở kết nối hệ thống
công nghệ thông tin hải quan với các hệ thống công nghệ thông tin của Kho bạc
nhà nước và các ngân hàng thương mại. Hệ thống cho phép cơ quan hải quan tiếp
nhận thông tin nộp thuế, lệ phí online từ ngân hàng thương mại, thực hiện hạch
toán, trừ nợ ngay sau khi nộp thuế. Đến nay, đã triển khai thanh toán thuế điện
tử tại 100% Chi cục Hải quan trên cả nước, với sự tham gia hợp tác của 27 ngân
hàng thương mại phối hợp thu, với số thu chiếm khoảng 63,48% tổng số thu của Tổng
cục Hải quan.
• Triển khai tiếp nhận điện tử bản
lược khai hàng hóa và các chứng từ liên quan cho phương tiện vận tải biển xuất
cảnh, nhập cảnh (e-Manifest): Đã tiếp nhận 100% hồ sơ
điện tử đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh tại 9 Cục Hải quan tỉnh, thành phố
có cảng biển quốc tế lớn, gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh
Hòa, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ; trong đó, có Cục
Hải quan TP.Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu
đã triển khai quy trình một cửa cảng biển thông qua hệ thống Cổng thông tin một
cửa quốc gia. Trên 90% các hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận đã tham
gia thực hiện e-Manifest.
• Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế
một cửa ASEAN (e-Permit, e-C/O): Tổng cục Hải quan đã
hoàn thành 3 giai đoạn triển khai Cơ chế một cửa quốc gia với sự tham gia của
09 Bộ liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Khoa học
và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).
Tính đến ngày 31/12/2015, ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), 28
thủ tục hành chính của 8 Bộ còn lại (Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ
Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và
môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông
tin và truyền thông) đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng
số doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh phương tiện là 2.149 với tổng
số hồ sơ thực hiện là 28.585; Tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục cấp phép
là 873 với tổng số hồ sơ là 7.548. Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban
Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế hải quan một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng
cục Hải quan đã nỗ lực với các Bộ, ngành triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, hoàn
thành tốt nhiệm vụ của một nước thành viên, trở thành một trong những nước tiên
phong trong việc thúc đẩy việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN trong khu vực.
- Trong giai đoạn 2011-2015 đã xây dựng,
triển khai: Cơ sở dữ liệu thông tin tình báo và quản lý tuân thủ (quản lý rủi
ro và kiểm tra sau thông quan), Cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro phục vụ phân luồng
hàng hóa, Cơ sở dữ liệu trị giá hải quan, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa xuất
khẩu/nhập khẩu phục vụ thống kê nhà nước về hải quan và Cơ sở dữ liệu Danh mục,
Biểu thuế và Phân loại, mức thuế. Hoàn thiện và đưa vào vận hành các hệ thống ứng
dụng trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan như: Hệ thống thông tin quản lý rủi
ro, Hệ thống kế toán thuế xuất nhập khẩu, Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu
giá tính thuế, Hệ thống xác thực chữ ký số, Hệ thống thông tin tình báo hải
quan, Hệ thống thông tin phục vụ kiểm tra sau thông quan, Hệ thống thống kê
hàng hóa xuất nhập khẩu. Các hệ thống trên đều đã được triển khai thống nhất và
rộng rãi trong toàn ngành, từng bước tạo môi trường nghiệp vụ được thực hiện
trên hệ thống công nghệ thông tin.
- Hiện nay ngành Hải quan đã cung cấp
182 dịch vụ công trực tuyến trong đó có 168 dịch vụ liên quan đến thủ tục hành
chính, (Cụ thể: mức độ 1, 2 có 94 dịch vụ; mức độ 4 có 74 dịch vụ), cho phép
doanh nghiệp thực hiện thông qua mạng Internet các thủ tục hành chính liên quan
đến thông quan hàng hóa; nộp thuế, phí, lệ phí; thủ tục đối với phương tiện vận
tải đường biển. Cổng thông tin điện tử Hải quan đã cung cấp các dịch vụ công trực
tuyến hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Các trang
thông tin điện tử của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố cũng được kết nối với
các Cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương, góp phần tích cực vào
công tác cải cách thủ tục hành chính của các tỉnh, thành phố.
- Giai đoạn 2011 - 2015, ngành Hải
quan cũng đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý điều
hành, giảm giấy tờ hành chính. Đã triển khai trong toàn ngành các hệ thống quản
lý cân bộ, quản lý tài sản. Áp dụng Hệ thống Net office trong toàn ngành để
theo dõi, điều hành xử lý công việc thông qua mạng nội bộ. Hệ thống thông tin
báo cáo đã được đơn giản hóa, giảm bớt giấy tờ, giảm số lượng báo cáo. Việc ứng
dụng công nghệ thông tin còn được sử dụng trong việc quản trị công việc như
giao việc, đôn đốc thực hiện, tổ chức Hội nghị trực tuyến trong toàn ngành. Việc
ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành đã góp phần nâng
cao một bước hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan trong bối cảnh khối
lượng công việc tăng nhanh hơn rất nhiều so với nguồn nhân lực.
- Giai đoạn 2011 - 2015, Tổng cục Hải
quan là cơ quan thống kê Bộ, ngành tiên phong trong việc ứng dụng phương pháp
thống kê hiện đại, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ
thông tin trong công tác thống kê; Đáp ứng tốt các yêu cầu cung cấp thông tin
xuất nhập khẩu hàng hóa cho quản lý điều hành kinh tế vĩ mô, giữ vững an ninh
kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới sau khủng hoảng và suy thoái cũng như
đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của toàn xã hội
2. Tồn tại, hạn chế
a. Về hệ thống Công nghệ thông tin
thực hiện thủ tục hải quan điện tử
Tính tích hợp của các hệ thống chưa
đáp ứng tốt yêu cầu đề ra, còn tồn tại các hệ thống vệ tinh, tạo ra những hạn
chế nhất định trong kết nối với hệ thống VNACCS; Hệ thống ứng dụng Công nghệ
thông tin còn thiếu một số chức năng phục vụ một số khâu nghiệp vụ hải quan,
các chức năng tổng hợp, phân tích thông tin, hỗ trợ ra quyết định cho các cấp
lãnh đạo, quản lý còn hạn chế; Kiến trúc của phần lớn các hệ thống ứng dụng
Công nghệ thông tin chưa đáp ứng được kiến trúc hướng dịch vụ. Nền tảng công
nghệ về hệ điều hành, cơ sở dữ liệu của các hệ thống ứng dụng chưa đồng nhất.
b. Ứng dụng Công nghệ thông tin trong
các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan
Việc ứng dụng Công nghệ thông tin kết
nối và liên tục trong việc thực hiện thủ tục hải quan trước, trong và sau thông
quan trên cơ sở ứng dụng phương pháp quản lý rủi ro vẫn còn hạn chế, hệ thống
quản lý rủi ro mới chủ yếu phục vụ cho hoạt động trong thông quan, các hoạt động
trước và sau thông quan vẫn còn hoạt động trên cơ sở phân tích đánh giá dữ liệu
khá độc lập, chưa thực sự kết nối.
c. Ứng dụng Công nghệ thông tin để
cung cấp dịch vụ công và phục vụ người dân, doanh nghiệp
Việc cung cấp các thông tin thông qua
hệ thống thông tin điện tử vẫn còn khó khăn trong việc tra cứu. Ngoài 74 dịch vụ
công trực tuyến mức độ 4, các thủ tục hành chính còn lại chỉ được cung cấp dịch
vụ công trực tuyến mức độ 1 và 2 thông qua việc đăng tải thông tin trên các cổng/trang
thông tin điện tử. Các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp trong quá
trình thực hiện thủ tục hải quan mới chỉ được cung cấp trên Cổng thông tin điện
tử Hải quan; chưa xây dựng được hệ thống một cửa liên thông điện tử tích hợp
trên Cổng thông tin điện tử Hải quan để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục
hành chính và công khai tình trạng giải quyết hồ sơ.
d. Triển khai thí điểm Cơ chế một
cửa quốc gia và tham gia vào Cơ chế một cửa ASEAN
Việc triển khai Cơ chế một cửa liên
quan đến nhiều Bộ, ngành, hệ thống công nghệ thông tin không đồng bộ dẫn đến
khó khăn trong việc kết nối. Các chức năng tích hợp với các hệ thống Công nghệ
thông tin của các Bộ, ngành và các bên liên quan ngoài ngành Hải quan mới trong
giai đoạn phát triển ban đầu trong khuôn khổ Cơ chế một cửa quốc gia.
e. Xây dựng các hệ thống cơ sở dữ
liệu phục vụ công tác quản lý hải quan
Đã xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu phục
vụ công tác quản lý hải quan, tuy nhiên, việc kết nối dữ liệu giữa các bên chưa
hiệu quả theo mong muốn. Một số dữ liệu chưa được trao đổi, cập nhật giữa các hệ
thống với nhau. Hệ thống bảo mật tại Trung tâm dữ liệu tại Tổng cục từng bước
được nâng cao nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng cần bổ sung các giải pháp để nâng cao
mức độ an ninh an toàn thông tin, đặc biệt khi các nguy cơ mất an toàn thông
tin ngày càng nhiều và phức tạp.
g. Ứng dụng Công nghệ thông tin phục
vụ công tác quản lý nội bộ
Đa phần các hoạt động quản lý nội bộ đều
thực hiện theo phương thức thủ công, giấy tờ; Toàn bộ quá trình xây dựng, phát
hành và tổ chức triển khai công việc sử dụng đều chủ yếu sử dụng văn bản giấy để
giao dịch trong khi đó hồ sơ hải quan đang đạt mức điện tử hóa khá cao; Việc quản
lý công việc thông qua hệ thống Net office tại một số đơn vị chưa thực sự hiệu
quả, cần sớm xây dựng được hệ thống quản lý tiến trình và kết quả công việc;
chưa thiết lập được hệ thống dữ liệu cung cấp báo cáo điện tử để các đơn vị có
thể khai thác và sử dụng khi cần, yêu cầu về báo cáo đối với các đơn vị nghiệp
vụ và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố vẫn còn rất nhiều, có những nội dung
trùng lắp phải báo cáo nhiều đơn vị gây mất thời gian và nguồn lực; Cần triển
khai xây dựng các hệ thống hỗ trợ nâng cao năng lực xử lý công việc cho cán bộ,
công chức Hải quan.
X. Về cơ sở vật
chất, trang thiết bị kỹ thuật
1. Kết quả đạt được.
- Giai đoạn 2011-2015 ngành Hải quan
đã đẩy mạnh công tác trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu
quản lý hải quan. Cụ thể trong giai đoạn này, toàn ngành đã trang bị: 11 máy
soi container (08 máy nguồn vốn trong nước, 03 máy soi container do JICA tài trợ);
lắp đặt và đưa vào sử dụng 58 máy soi hành lý, hàng hóa; 21 hệ thống camera
giám sát tại các địa bàn trọng điểm (cảng biển, hàng không...). Mua sắm các thiết
bị, phương tiện phục vụ công tác kiểm soát như: đưa vào sử dụng 02 cano cao tốc;
trang bị 15 máy đo phóng xạ và 25 máy phát hiện, cảnh báo phóng xạ; Tiếp nhận
02 hệ thống phát hiện phóng xạ; Mua sắm 01 hệ thống định vị giám sát trên không
(thiết bị bay không người lái); 01 hệ thống phân tích giọng nói đa lớp (phát hiện
nói dối); Các thiết bị phục vụ phân tích phân loại hàng hóa và 01 hệ thống định
vị GPS trong quản lý, giám sát hàng hóa chuyển cửa khẩu.
Các trang thiết bị hiện đại được đưa
vào sử dụng đã góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu,
giúp minh bạch hóa các khâu trong quy trình thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa,
hạn chế các tiêu cực; Tiết kiệm chi phí bốc xếp vận chuyển so với phương pháp
thủ công truyền thống, tạo điều kiện hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh
tranh, phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Doanh
nghiệp cảng và Doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời giúp nâng cao năng lực và
hiệu quả kiểm tra, quản lý hải quan.
- Về xây dựng cơ bản, tổng số kế hoạch
vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Tổng cục Hải quan được Bộ Tài chính bố trí trong
giai đoạn 2011-2015 là 3.013.841 triệu đồng, kết thúc giai đoạn, số dự án (thuộc
danh mục Bộ Tài chính phê duyệt) dự kiến hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng khoảng
80 dự án, số dự án đang thi công chuyển tiếp sang giai đoạn 2016-2020 là trên
20 dự án, tổng diện tích sàn tăng thêm khoảng 364.686 m2 sàn (Một số
dự án trọng tâm, trọng điểm của ngành đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng
trong giai đoạn này như: Trụ sở Tổng cục Hải quan; Trụ sở Cục Hải quan Hải
Phòng; Trụ sở Cục Hải quan Lạng Sơn...). Đã xây dựng được 8 địa điểm kiểm tra
hàng hóa tập trung với đầy đủ trang thiết bị phục vụ kiểm tra giám sát hàng
hóa. Thành lập được 3 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung, địa điểm đầu
tiên tại cửa khẩu cảng Hải phòng (khai trương vào 01/12/2015), 2 địa điểm tiếp
theo tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Các công trình hoàn thành, bàn giao
đưa vào sử dụng đã đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, tạo điều kiện làm việc,
sinh hoạt cho cán bộ công chức thuộc các đơn vị của hệ thống Hải quan, góp phần
thúc đẩy hoàn thành mục tiêu xây dựng hiện đại hóa ngành Hải quan
2. Tồn tại, hạn chế
a. Về công tác đầu tư
Công tác đầu tư của ngành thời gian
qua cơ bản đã và đang thực hiện theo lộ trình được Tổng cục Hải quan, Bộ Tài
chính phê duyệt và tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên nhiều nội
dung về cơ sở vật chất và trang thiết bị vẫn chưa thực hiện được trong khi đã
được duyệt kinh phí từ Chính phủ vì công tác giải ngân còn chậm.
b. Trang thiết bị kỹ thuật
- Trang thiết bị kỹ thuật hiện tại về
cơ bản đã được đầu tư, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
- Công tác bảo trì, bảo dưỡng tuy được
quan tâm thực hiện nhưng đôi khi còn chậm.
- Việc triển khai lắp đặt các hệ thống
camera, máy coi container, máy soi hành lý, hàng hóa chưa triển khai theo đúng
kế hoạch, một số còn chậm tiến độ.
XI. Một số nội
dung cải cách hiện đại hóa cơ bản khác
1. Các chương trình phát triển
quan hệ đối tác
Tổ chức các phiên làm việc với chuyên
gia quốc tế của dự án StarPlus, WCO để trao đổi kinh nghiệm và phương pháp thúc
đẩy quan hệ đối tác; tổ chức các hội thảo khu vực và hội thảo quốc gia về quan
hệ đối tác; thực hiện tham vấn các hiệp hội doanh nghiệp: VCCI, VBF để tìm kiếm
cơ hội và khả năng hợp tác; tiến hành khảo sát thực tế tại một số địa bàn trọng
điểm; xây dựng Báo cáo Phân tích khoảng cách. Xây dựng, ban hành "Kế hoạch
phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp giai đoạn 2013 - 2015"
làm căn cứ cho việc tổ chức các hoạt động thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa Hải
quan - Doanh nghiệp. Tổ chức Lễ ra mắt Nhóm công tác Hải quan - Doanh nghiệp và
ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Hải quan với VCCI và Liên minh VBF về
Cơ chế thông tin, hỗ trợ và tăng cường quan hệ hợp tác Hải quan - Doanh nghiệp
giai đoạn 2014 - 2020 tại trụ sở Tổng cục Hải quan; tổ chức Hội nghị tập huấn về
công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp với sự tham gia
chuyên gia dự án USAID GIG và 18 hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp; tập huấn
giới thiệu kỹ năng tham vấn hải quan tại 03 khu vực Bắc, Trung, Nam; tập huấn kỹ
năng giải quyết xung đột và kỹ năng đàm phán cho một số Cục Hải quan tỉnh,
thành phố lớn và một số đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan; hướng dẫn và lập kế hoạch
tổ chức các cuộc tham vấn tại 07 Cục Hải quan tỉnh, thành phố lớn: TP. Hà Nội,
TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, Lạng Sơn, Bình Dương, Đồng Nai.
2. Hợp tác quốc tế lĩnh vực hải
quan
a. Kết quả đạt được
Hải quan Việt Nam tiếp tục được duy
trì thúc đẩy và mở rộng từ các nước bạn bè truyền thống sang hợp tác với hải
quan các nước có quan hệ kinh tế thương mại lớn với Việt Nam, gắn chặt chẽ với
nhiệm vụ trọng tâm của ngành là quản lý tốt hơn hoạt động xuất nhập khẩu thông
quan việc trao đổi thông tin nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm nghiệp vụ. Nhiều hiệp
định, thỏa thuận hợp tác hải quan đã được ký kết, nhằm nâng cao hiệu quả tạo
thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua biên giới,
đồng thời tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận
chuyển các chất ma túy hàng cấm qua biên giới, nâng cao hiệu quả thực thi pháp
luật đảm bảo an ninh, chủ quyền lợi ích kinh tế quốc gia.
Hợp tác hải quan đa phương giai đoạn 2011-2015
đã mang lại cho Hải quan Việt Nam nhiều kết quả hết sức quan trọng thúc đẩy quá
trình cải cách hiện đại hóa bằng việc triển khai các cam kết đa phương nhờ đó
tiếp cận và khẳng định được trình độ quản lý hải quan hiện đại và đã nâng trình
độ chuyên môn về quản lý và thực thi các hiệp thương mại đã cam kết trong khuôn
khổ các hiệp định thương mại tự do,...
Vị thế của Hải quan Việt Nam trong
ASEAN tiếp tục được khẳng định trong việc thực hiện các chương trình sáng kiến
hợp tác hải quan khu vực. Tháng 6/2014, Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội
nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 23. Trong giai đoạn 2011-2015, Tổng
cục Hải quan đã làm tốt vai trò chủ trì điều phối của chính phủ trong đàm phán
hiệp định tạo thuận lợi thương mại WTO trong bối cảnh nội dung đàm phán rộng,
có liên quan đến nhiều bộ ngành và đan xen lợi ích. Với các thể chế đa phương
khác như WCO, APEC, ASEM các cam kết liên quan đến Hải quan được thực hiện đúng
tiến độ đáp ứng yêu cầu hội nhập. Giai đoạn này, lần đầu tiên đã cử đại diện Hải
quan tại Brussels, Bỉ vừa để tham gia các hoạt động của WCO vừa theo dõi cập nhật
thông tin từ các nước Châu Âu phục vụ cho công tác hội nhập và quản lý hải
quan.
Trong thời gian qua, sự hỗ trợ của
các đối tác phát triển đã đóng góp tích cực, thúc đẩy cải cách thể chế, phát
triển nguồn lực con người và đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại hóa. Các hoạt động hỗ
trợ dưới hình thức viện trợ không hoàn lại các thiết bị kiểm tra, kiểm soát hiện
đại (máy soi container, máy phát hiện hiện phóng xạ, thiết bị phục vụ công tác
kiểm hóa trị giá hàng trăm triệu USD...), đào tạo các mảng nghiệp vụ, xây dựng
năng lực nghiệp vụ... bắt nguồn từ các chương trình hợp tác với các nước đối
tác như WCO, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông
Mê Kông mở rộng, Tổng cục Hải quan đã thực hiện tốt giai đoạn 1 thí điểm một cửa
một lần dừng tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đen Sa Vẳn, hoàn tất đàm phán thỏa thuận
với phía Lào để triển khai bước 4 (giai đoạn 2) của việc thực hiện kiểm tra một
cửa một lần dừng tại cặp cửa khẩu này từ ngày 1/4/2015.
b. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được,
trong lĩnh vực hợp tác quốc tế Hải quan Việt Nam chưa xây dựng được định hướng
dài hạn. Việc triển khai các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trên thực tế
đều xuất phát từ sức ép hội nhập chung của đất nước và các yếu tố xuất phát từ
bên ngoài, do đó dẫn đến những bị động trong triển khai thực hiện. Việc chỉ đạo
thực hiện và mối quan hệ phối hợp còn chưa thực sự thống nhất. Việc theo dõi,
đánh giá kết quả triển khai các cam kết quốc tế chưa thường xuyên và chặt chẽ;
hiệu quả của việc tiếp thu kiến thức của các đoàn học tập kinh nghiệm quốc tế
còn hạn chế.
Phần III
NỘI DUNG KẾ HOẠCH
I. BỐI CẢNH
1. Bối cảnh quốc tế
- Tình hình hình kinh tế, chính trị,
an ninh trên thế giới thay đổi vô cùng nhanh chóng, diễn biến ngày càng phức tạp,
khó lường; khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, các
thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt. Châu Á - Thái Bình Dương,
trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, đồng
thời cũng là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Quá trình toàn
cầu hóa và sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ tác động sâu rộng đến
chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới. Xu hướng liên kết kinh tế, thương mại, đầu
tư, kết nối hạ tầng đa tầng nấc gia tăng; xuất hiện các hình thức liên kết mới,
các chế định tài chính - tiền tệ, các hiệp định kinh tế thương mại, đầu tư song
phương, đa phương thế hệ mới, trong đó có việc Cộng đồng ASEAN hình thành vào
cuối năm 2015.
- Tự do hóa thương mại là một yêu cầu
tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, sâu
rộng trên mọi phương diện. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa
phương ký kết ngày càng nhiều, với mức độ tự do hóa ngày càng sâu, rộng, đặc biệt
là các FTA thế hệ mới dỡ bỏ gần 100% hàng rào thuế quan, tạo ra sự dịch chuyển
sản xuất giữa các quốc gia nhằm mục đích hưởng ưu đãi ở mức độ cao nhất, đồng
thời lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ gia tăng nhanh
chóng. Song song với việc dỡ bỏ phần lớn hàng rào thuế quan, các nước tăng cường
bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước bằng các hàng rào kỹ thuật.
- Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế
sâu, rộng, tham gia ký kết rất nhiều các hiệp định, điều ước quốc tế:
+ Trong khuôn khổ WTO: Các Hiệp định
liên quan đến các vấn đề về tự do thương mại như thuế quan và thương mại, trị
giá, hàng rào kỹ thuật thương mại, cấp phép nhập khẩu, sở hữu trí tuệ, đầu tư,
xuất xứ, nông nghiệp, kiểm dịch động thực vật, tự vệ, chống phá giá, bưu chính,
trợ cấp và biện pháp đối kháng...
+ Các điều ước quốc tế đa phương,
liên quan đến các lĩnh vực: Hàng không dân dụng, ngoại giao lãnh sự, tạo thuận
lợi giao thông hàng hải, buôn bán động vật hoang dã, mua bán hàng hóa quốc tế,
luật biển, kiểm soát vận chuyển qua biên giới phế thải nguy hiểm.
+ Các điều ước quốc tế khu vực ASEAN,
liên quan đến các lĩnh vực như: ưu đãi thuế quan cho khu vực mậu dịch tự do, hợp
tác công nghiệp, hải quan, tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh, hợp tác cửa khẩu,
hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông, hiệp định khung về các ngành ưu tiên, hiệp định
thư hội nhập các ngành công nghiệp, thực hiện Cơ chế một cửa, hợp tác giữa
ASEAN và các quốc gia.
+ Các điều ước quốc tế song phương giữa
Việt Nam và các quốc gia trên thế giới chủ yếu là về hiệp định kinh tế thương mại,
hiệp định và nghị định thư về Hải quan, thỏa thuận về hợp tác biên giới, bản
ghi nhớ cấp Chính phủ.
+ Các Hiệp định tạo thuận lợi thương
mại (FTA): Đã ký kết 12 Hiệp định FTA và đang đàm phán một số Hiệp định FTA mới
như EU, Liên minh Hải quan, với nội dung quan trọng là mở cửa thị trường hàng
hóa thông qua thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan.
- Khuyến nghị của WCO: WCO đưa ra 07 Mục
tiêu chiến lược, trong đó tập trung vào 4 trụ cột chính, bao gồm:
(i) Thúc đẩy an ninh và tạo thuận lợi
cho thương mại quốc tế, bao gồm cả việc đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải
quan (gói tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế);
(ii) Thúc đẩy công bằng, hiệu quả và
đảm bảo hiệu quả nguồn thu (gói nguồn thu);
(iii) Bảo vệ an ninh, an toàn xã hội
và sức khỏe cộng đồng (gói tuân tăng cường tuân thủ và kiểm soát);
(iv) Tăng cường xây dựng năng lực
(gói phát triển tổ chức).
- Chiến lược Hải quan một số nước:
+ Hải quan Mỹ đã xây dựng Chiến lược
đến 2020 với 04 mục tiêu chiến lược là (i) Chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc
gia, (ii) Thúc đẩy quản lý và an ninh biên giới toàn diện, (iii) Nâng cao năng
lực cạnh tranh kinh tế Mỹ qua việc xúc tiến thương mại và du lịch hợp pháp, và
(iv) Thúc đẩy tổ chức hội nhập, đổi mới và linh hoạt.
+ Hải quan Singapore xây dựng 4 mục
tiêu chiến lược: (i) Hình thành một môi trường kinh doanh được tín nhiệm từ các
đối tác; (ii) Tạo nên một môi trường kinh doanh năng động và hấp dẫn; (iii) Trở
thành chất xúc tác kết nối thương mại quốc tế; (iv) Phát triển nguồn nhân lực sẵn
sàng với các yêu cầu trong tương lai.
+ Hải quan Úc đặt ra tầm nhìn: Bảo vệ
đường biên giới và thúc đẩy các hoạt động thương mại, du lịch hợp pháp; hướng đến
(i) đội ngũ công chức chuyên môn cao, hoạt động chuyên nghiệp, liêm chính, thái
độ tốt khi giao tiếp với khách hàng; (ii) có được niềm tin của cộng đồng về an
ninh, an toàn; (iii) hỗ trợ cho các hoạt động thương mại và du lịch hợp pháp;
(iv) hoạt động hợp tác hai bên cùng có lợi đối với các đối tác trong và ngoài
nước.
+ Hải quan New Zealand đưa ra kế hoạch
2014-2017 với 4 nội dung: thương mại, du lịch, bảo vệ an ninh an toàn và thu
ngân sách. Kế hoạch bao gồm 4 chương trình chính: quản lý rủi ro dựa trên thông
tin tình báo, các nghiệp vụ hải quan trọng tâm, hiện đại hóa đường biên giới,
và nguồn nhân lực.
Các chương trình hành động của hải
quan các nước phát triển trong thời gian tới gắn với định hướng về phát triển hải
quan trong thế kỷ 21 của WCO, tập trung chủ yếu vào nâng cao hiệu quả quản lý
biên giới (đối với quốc gia có đường biên giới phức tạp như Mỹ), tạo thuận lợi
quốc tế, tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an ninh, an toàn
xã hội. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng hướng tới tăng cường phối hợp với các quốc
gia trong khu vực trong trao đổi thông tin, phối hợp triển khai các chương
trình quản lý để nâng cao hiệu quả trong tạo thuận lợi cho hàng hóa, hành
khách, phương tiện lưu thông qua biên giới, đồng thời đảm bảo được an ninh an
toàn cho cộng đồng.
2. Bối cảnh trong nước
- Quyết tâm của Đảng và Nhà nước
trong việc nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần xây dựng nền
kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển nhanh, bền vững tiếp tục được khẳng định
trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Công tác cải cách nền hành chính nhà nước
nói chung và cải cách hiện đại hóa ngành lĩnh vực nói riêng trong thời gian tới
cần tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện để đáp ứng tốt yêu cầu công nghiệp hóa hiện
đại hóa đất nước cũng như hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới của Việt
Nam.
- Giai đoạn 2016 - 2020, các nhiệm vụ
Đại hội XII của Đảng đề ra, nhiều mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo
an ninh quốc gia, an toàn xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân... sẽ
được tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt để hướng về đích đến năm 2020 Việt
Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Cùng với
đó là các hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam sẽ ngày càng đa dạng, phong
phú, gia tăng cả về số lượng và chất lượng, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ của
cơ quan hải quan.
- Chiến lược phát triển kinh tế xã hội
Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của Đảng xác định rõ định hướng phát triển thương
mại hội nhập cùng thế giới đến năm 2020 khai thác có hiệu quả các thị trường có
hiệp định mậu dịch tự do và thị trường tiềm năng, tăng nhanh xuất khẩu, giảm nhập
khẩu cả về quy mô và tỷ trọng, phấn đấu cân bằng xuất khẩu. Như vậy, vấn đề đảm
bảo an ninh, chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái trong hoạt động
xuất nhập khẩu và các hoạt động tạo thuận lợi thương mại...sẽ tác động ngày
càng mạnh mẽ đến hoạt động của cơ quan hải quan.
- Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015
của Ban chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức yêu cầu đến năm 2021 phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế
của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương tối thiểu là 10%. Trong khi đó Hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày
càng sâu rộng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan ngày tăng lên do yêu cầu của hội
nhập vừa đảm bảo cho tạo thuận lợi thương mại, vừa đảm bảo các yêu cầu ngày
càng cao của an ninh thương mại quốc gia. Do vậy, việc nghiên cứu bố trí nguồn
nhân lực phù hợp, khoa học đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành
là yêu cầu phải tính đến trong giai đoạn tới.
- Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014
của Ban chấp hành Trung ương về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông
tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số
36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử đang và sẽ đặt ra
yêu cầu ngày càng cao đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động
quản lý nhà nước của ngành. Để thực hiện nhiệm vụ đó cần phải có những đầu tư
cơ sở vật chất, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ công chức,
và hoàn thiện hệ thống thể chế, quy trình thủ tục... phù hợp, đáp ứng với các
yêu cầu đặt ra.
- Nghị quyết 30c/NQ-CP, ngày
08/11/2011, ban hành Chương trình tổng thể cải cách nền hành chính Nhà nước đặt
ra 6 nhiệm vụ của công tác cải cách nền hành chính nhà nước trong đó 5 nhiệm vụ
(Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Xây dựng và nâng cao chất lượng
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước;
Hiện đại hóa hành chính) tác động trực tiếp đến yêu cầu nhiệm vụ cải cách hiện
đại hóa của ngành đến năm 2020 phải đảm bảo đồng bộ cùng với mục tiêu và các
nhiệm vụ cải cách nền hành chính nhà nước.
- Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày
28/4/2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể đối với các Bộ,
ngành liên quan, trong đó đặt ra yêu cầu đối với ngành Hải quan phấn đấu năm
2016 giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với
hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu, mục tiêu đến năm 2020
thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất
khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải
kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống còn
15% đến hết năm 2016; đặt ra nhiệm vụ cho cơ quan hải quan phải tích cực áp dụng
các biện pháp kỹ thuật mới trong quản lý như quản lý rủi ro; kiểm tra sau thông
quan; áp dụng rộng rãi hệ thống thông quan điện tử, các trang thiết bị kỹ thuật
hiện đại; triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa hải quan và một cửa ASEAN; phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan trong kiểm tra chuyên ngành.... Các Bộ, ngành tiếp
tục thực hiện cải cách thể chế, thủ tục hành chính có liên quan thuộc lĩnh vực
mình để thực hiện thành công mục tiêu này.
- Nghị Quyết số 35/NQ-CP ngày
16/5/2016 của Chính Phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam, với yêu
cầu cơ bản là thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối
tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển
để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên
quan đến doanh nghiệp. Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh
bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí,
phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa
khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh
tra, kiểm tra, giám sát. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục
tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh
nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Định hướng hội nhập kinh tế quốc tế
được nêu tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số
22-NQ/TW ngày 10/04/2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam về hội nhập quốc tế và Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 07/01/2016 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự
do (FTA) đến năm 2020 của Việt Nam về cơ bản đã xác định mục tiêu và định hướng
các đối tác:
+ Trong tương lai, dự kiến đến năm
2020 dòng chảy thương mại về hàng hóa từ Việt Nam đến các nước/thị trường và
ngược lại có xu hướng sẽ dịch chuyển theo hướng:
++ Các sản phẩm nông nghiệp sẽ từ Việt
Nam đi các thị trường trong ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc...
++ May mặc, giày da sẽ từ Việt Nam đi
các thị trường EU, Mỹ.
++ Thủy sản từ Việt Nam đi Nhật Bản,
EU, Mỹ.
++ Máy móc thiết bị công nghệ cao sẽ
từ Nhật Bản, Mỹ, EU, Nga vào Việt Nam.
++ Thiết bị điện tử, phụ tùng, linh
kiện ô tô sẽ từ Nhật Bản, Hàn Quốc vào Việt Nam.
++ Hàng tiêu dùng khác sẽ từ các nước
trong khối ASEAN vào Việt Nam.
+ Một trong những nội dung quan trọng
trong hầu hết các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết chính là cam kết mở cửa
thị trường hàng hóa thông qua thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu. Trong
hầu hết các FTA đã ký, mức độ tự do hóa trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ
Hiệp định ASEAN là Hiệp định nội khối với mức cam kết tự do hóa gần 100% và Hiệp
định TPP với mức độ tự do hóa sâu rộng 65% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập
khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực và gần 98% số dòng thuế sau 10 năm; các mặt
hàng còn lại có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan. Mức độ tự
do hóa cuối cùng trong các FTA dự kiến đạt khoảng 90-97% số dòng thuế với thuế
suất về 0% vào cuối lộ trình cắt giảm (năm 2020 - 2021).
+ Các FTA thế hệ mới với lộ trình giảm
thuế dài hơn và mức cam kết cắt giảm sâu như TPP, EU, Liên minh Hải quan, kỳ vọng
sẽ phần nào cân bằng tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các đối tác, giúp
các nước thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu đối với ngành hàng lợi thế của
nước mình. Mặt khác, các quy định chặt chẽ hơn về quy tắc xuất xứ của các FTA
thế hệ mới có thể sẽ là một công cụ giúp cho đầu tư và sản xuất trong nước được
tăng cường ở một số ngành.
- Quy hoạch phát triển các khu kinh tế
cửa khẩu, các khu công nghiệp, chiến lược phát triển của các ngành đến năm 2020
và những năm tiếp theo sẽ tác động đến địa bàn hoạt động, phân bố nguồn lực của
ngành Hải quan. Trong đó tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực sẽ chịu nhiều tác động
sâu rộng hơn trong việc phân bố lực lượng đảm bảo phù hợp khoa học, hợp lý, hiệu
quả để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành. Cùng với đó yêu cầu của
công tác hiện đại hóa đồng bộ và hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước của
ngành là rất lớn.
Bối cảnh quốc tế, tình hình trong nước
đã tác động trực tiếp và đặt ra các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa cho cơ quan
hải quan, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, góp phần tạo thuận lợi thương mại,
thu hút đầu tư, bảo vệ an ninh, an toàn xã hội, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách
nhà nước công tác cải cách, phát triển hiện đại hóa ngành phải được thực hiện đồng
bộ, quyết liệt trong giai đoạn tới và những năm tiếp theo.
3. Tác động của bối cảnh trong nước
và quốc tế đến nhiệm vụ của cơ quan hải quan trong giai đoạn đến năm 2020
Giai đoạn từ nay đến năm 2020, xu thế
và bối cảnh quốc tế, trong nước trên đây sẽ có tác động và đặt ra nhiều yêu cầu
ảnh hưởng đến nhiệm vụ của cơ quan hải quan, cụ thể:
- Trong giai đoạn tới sự dịch chuyển
trọng tâm của các nước lớn, phát triển năng động của khu vực Châu Á - Thái Bình
Dương, việc hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 cùng với yêu cầu phải
nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các cam kết về tạo thuận lợi cho thương
mại, đảm bảo tuân thủ pháp luật trong bối cảnh các thỏa thuận thương mại tự do
như TFA(WTO), các FTA: ATIGA, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật
Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Úc và New Zealand, cũng như các thỏa thuận FTA thế
hệ mới TPP, EVFTA, EFTA, RCEP, EAEU FTA...với hàng loạt các bộ quy tắc xuất xứ
hàng hóa khác nhau, các quy định thực thi hiệp định khác nhau và lộ trình cắt
giảm thuế và mở cửa thị trường nhanh và rộng lớn.
- Yêu cầu về tạo thuận lợi thương mại
đồng thời phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, minh bạch trong thực thi pháp luật hải
quan từ đó đòi hỏi phải tiếp tục có những nghiên cứu, điều chỉnh và ngày càng
hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước Hải quan tạo hành lang pháp lý vững
chắc cho hoạt động quản lý đồng thời là cơ sở để cải cách thủ tục hành chính.
- Yêu cầu đồng bộ với các chính sách
và chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ đã và đang được
thực thi như: Đảm bảo nguồn thu, cải cách thủ tục cải cách hành chính, tăng cường
tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo ổn định và phát triển vững chắc kinh tế
vĩ mô.
- Yêu cầu xử lý khối lượng công việc
ngày càng gia tăng trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng,
giao thương thương mại quốc tế ngày càng tăng, với những thay đổi ngày càng
nhanh và khó lường đồng thời với áp lực phải tinh giản biên chế của Chính phủ
đòi hỏi mạnh mẽ việc tăng cường hiện đại hóa phương pháp quản lý, cũng như nâng
cao chất lượng quản lý, sử dụng nguồn nhân lực của ngành.
- Yên cầu về chống buôn lậu, gian lận
thương mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo môi trường bình đẳng, công bằng
cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp làm ăn chân chính.
- Yêu cầu về bảo vệ người dân trước
các mối đe dọa về thực phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng không an toàn, hàng giả hàng
nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và việc bảo vệ môi trường.
Với các yêu cầu và tác động nêu trên,
Hải quan Việt Nam cần phải tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch cải
cách, hiện đại hóa Hải quan phù hợp với khuyến nghị về xây dựng Hải quan hiện đại
của WCO và xu hướng phát triển của Hải quan các nước tiên tiến trên thế giới
theo hướng:
- Nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu
quả các cam kết quốc tế trong bối cảnh giai đoạn từ 2016-2020, Việt Nam chính
thức triển khai Hiệp định TF, đồng thời đa số các hiệp định FTA Việt Nam đã ký
kết (12 hiệp định FTA) bước vào giai đoạn tự do hóa sâu rộng, dỡ bỏ trên 90%
hàng rào thuế quan, đặc biệt là các hiệp định FTA nội khối ASEAN, hiệp định FTA
thế hệ mới (TPP) dỡ bỏ gần 100% hàng rào thuế quan. Do vậy, bên cạnh việc triển
khai cắt giảm thuế theo cam kết, hoàn thiện các cơ chế kiểm tra, kiểm soát xuất
xứ, mã số, trị giá, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ... phù hợp với các nội dung cam
kết và các khuyến nghị từ WCO để đảm bảo ưu đãi đúng đối tượng, chống buôn lậu
và gian lận thương mại, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo vệ sức khỏe
cộng đồng. Đồng thời cần phải tiếp tục và chủ động trong việc kết nối Cơ chế một
cửa ASEAN, đẩy mạnh và xây dựng thành công Cơ chế một cửa quốc gia.
- Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành
chính, đơn giản hóa quy trình thủ tục trong giải quyết công việc cho tổ chức,
doanh nghiệp; nghiên cứu, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro/quản lý tuân thủ đồng
bộ, toàn diện trong các khâu nghiệp vụ của ngành; kiện toàn tổ chức bộ máy,
nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phục
vụ cho hoạt động quản lý nhà nước của ngành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến
ở các mức độ cao hơn (mức độ 4), đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, công
nghệ mới, hướng tới mô hình điện tử trong suốt trong giao dịch của cơ quan quản
lý với người dân, tổ chức, doanh nghiệp,...
- Tổ chức thực thi pháp luật Hải quan
hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng
quản lý xuất nhập khẩu, đảm bảo nâng cao hiệu quả thực thi và quản lý hải quan,
đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả an ninh biên giới, cửa khẩu, kiểm soát biên giới.
II. MỤC TIÊU TỔNG
QUÁT CỦA HẢI QUAN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
Theo Chiến lược phát triển hải quan đến
năm 2020, mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là: Xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại,
có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt
chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu tập
trung và áp dụng rộng rãi phương thức quản lý rủi ro, đạt trình độ tương đương
với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Xây dựng lực lượng hải quan đạt
trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu có trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động
có hiệu lực, hiệu quả góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp
pháp, phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo an ninh quốc gia,
an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ
chức, cá nhân.
Cụ thể hóa mục tiêu chiến lược trên, mục
tiêu của giai đoạn 2016-2020 là: Xây dựng Hải quan Việt Nam trở thành cơ quan hải
quan điện tử hiện đại, triển khai hiệu quả, hiệu lực các cơ chế, chính sách quản
lý nhà nước về hải quan, trở thành cơ quan quản lý nhà nước đi đầu trong cung cấp
dịch vụ công, đẩy mạnh mối quan hệ đối tác trong và ngoài nước, tạo thuận lợi
cho các đối tác trong thực hiện thủ tục hải quan. Xây dựng lực lượng hải quan
chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, được trang bị và làm chủ các trang thiết
bị công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Theo
đó:
- Cơ chế, chính sách quản lý hải quan
đầy đủ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế.
Thủ tục, quy trình nghiệp vụ hải quan được quy định đơn giản, rõ ràng, minh bạch,
dễ hiểu, dễ thực hiện. Rút ngắn thời gian thông quan/giải phóng hàng và giảm
chi phí làm thủ tục hải quan.
- Đẩy mạnh áp dụng cơ chế tuân thủ tự
nguyện trên cơ sở quản lý rủi ro kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm
soát phòng ngừa nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm và các gian lận
thương mại; tích cực triển khai các nội dung chống rửa tiền, chống tài trợ khủng
bố và tài trợ phổ biến vũ khí. Phát huy hiệu quả công tác thiết lập và triển
khai quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan với cộng đồng doanh nghiệp và các
bên liên quan trong thực hiện quản lý nhà nước về hải quan.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin trong thực hiện thủ tục hải quan, hướng đến môi trường hải quan điện tử phi
giấy tờ, được thực hiện “mọi nơi - mọi lúc - mọi phương tiện”. Đẩy mạnh việc
trang bị và nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị công nghệ hiện đại
trong công tác kiểm tra, giám sát tại các địa bàn trọng điểm.
- Tổ chức bộ máy hải quan được cơ cấu
gọn nhẹ, giảm đầu mối trung gian, thiết kế phù hợp với yêu cầu hiện đại và nhu cầu
quản lý của từng địa bàn.
- Phát triển đội ngũ công chức hải
quan tinh nhuệ, có trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, làm chủ được công nghệ,
trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động liêm chính, được tổ chức, quản lý một
cách khoa học, gắn nhu cầu thực tiễn của vị trí công tác với năng lực từng cá
nhân.
- Việc quản lý, điều hành, quản trị
các hoạt động nội bộ được thực hiện trên môi trường điện tử, ứng dụng công nghệ
quản lý hiện đại, đảm bảo quản trị, giám sát, đánh giá được hiệu quả hoạt động
của các lĩnh vực nghiệp vụ và công chức.
III. MỤC ĐÍCH
CHIẾN LƯỢC GIAI ĐOẠN 2016-2020
1. Mục đích chiến lược 1: Tạo thuận
lợi và kiểm soát trong thực hiện quản lý hải quan đối với doanh nghiệp, tổ chức
cá nhân nhằm thúc đẩy an ninh và tạo thuận lợi thương mại quốc tế, đảm bảo nguồn
thu, bảo vệ an ninh, an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Để thực hiện được mục đích chiến lược
này ngành Hải quan cần thực hiện được các mục tiêu sau:
1.1. Hệ thống thể chế, quy trình thủ
tục hải quan tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tuân thủ các Hiệp định thương
mại tự do, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Luật khác có
liên quan, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện mô hình thủ tục hải quan điện tử.
1.2. Mô hình thủ tục hải quan điện tử
được tiếp tục hoàn thiện theo hướng tăng cường phương thức điện tử, giảm tỷ lệ
can thiệp, giảm thủ tục, giấy tờ và thời gian xử lý hướng đến thủ tục hải quan
được thực hiện “mọi nơi - mọi lúc - mọi phương tiện”, cụ thể như sau:
- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến được
tiếp tục mở rộng với mức độ cao nhất đối với các thủ tục hải quan chủ yếu được
thực hiện trên hệ thống thông quan điện tử tập trung VNACCS/VCIS, Cổng thông
tin điện tử hải quan trên phạm vi toàn ngành Hải quan.
- Cơ chế doanh nghiệp ưu tiên được
triển khai mở rộng về số lượng, đảm bảo thủ tục và an ninh theo các chuẩn mực của
WCO, với cơ chế công nhận lẫn nhau được áp dụng với một số Hải quan các nước
trong khu vực và trên thế giới.
- Công tác quản lý rủi ro, quản lý
tuân thủ được triển khai sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ hải
quan, tại các khâu trước, trong, sau thông quan; Từng bước xây dựng môi trường
tự nguyện tuân thủ pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp.
- Cơ chế một cửa hải quan quốc gia được
mở rộng kết nối và triển khai các thủ tục đến toàn bộ các Bộ, ngành có liên
quan; tham gia đầy đủ vào Cơ chế một cửa ASEAN; bước đầu triển khai kết nối
trao đổi thông tin nghiệp vụ với hải quan một số nước trên thế giới, WCO.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả của
hoạt động quản lý chuyên ngành đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế, góp phần tạo
thuận lợi thương mại.
- Quan hệ đối tác Hải quan - Doanh
nghiệp trở thành hoạt động thường xuyên của cơ quan hải quan các cấp; góp phần
xây dựng sự hiểu biết, đồng thuận giữa doanh nghiệp và hải quan trong thực hiện
nhiệm vụ xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật hải quan.
1.3. Công tác quản lý thuế: Các cam kết
quốc tế được tiếp tục đẩy mạnh nội luật hóa nhằm hoàn thiện nền tảng pháp lý để
thực hiện có hiệu quả các hiệp định tạo thuận lợi thương mại đã ký kết và đang
đàm phán ký kết, áp dụng toàn diện phương pháp quản lý hiện đại dựa trên nguyên
tắc quản lý rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong các hoạt động
quản lý thuế, góp phần tạo thuận lợi thương mại, đồng thời đảm bảo nguồn thu
cho ngân sách nhà nước.
1.4. Công tác kiểm tra sau thông quan
đạt trình độ chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu quả, thực hiện theo thông lệ phổ
biến của hải quan các nước là kiểm toán sau thông quan (PCA), dựa trên nguyên tắc
áp dụng quản lý rủi ro; quy trình nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan được chuẩn
hóa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; phân loại được các doanh nghiệp xuất
nhập khẩu; kiểm soát được các doanh nghiệp, loại hình, mặt hàng xuất nhập khẩu
có rủi ro cao.
1.5. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong
công tác kiểm soát hải quan trên cơ sở thể chế, quy trình, thủ tục được hoàn
thiện và triển khai toàn diện cho toàn bộ lực lượng kiểm soát hải quan; các biện
pháp kiểm soát hải quan được áp dụng đầy đủ, trên cơ sở ứng dụng công nghệ
thông tin, sử dụng đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đảm bảo gắn kết chặt chẽ kiểm
soát hải quan và các hoạt động nghiệp vụ hải quan khác.
2. Mục đích chiến lược 2: Nâng cao
chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan trên cơ sở thúc đẩy
trao đổi thông tin và hợp tác với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong và
ngoài nước có liên quan trong thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về hải
quan.
2.1. Mối quan hệ phối hợp với các Bộ,
ngành, cơ quan Chính phủ đảm bảo đạt được các mục tiêu sau:
- Phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng
và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước liên quan
đến lĩnh vực hải quan, nhằm hạn chế các quy định chồng chéo giữa các cơ quan quản
lý, đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả.
- Phối hợp hoàn thiện và triển khai
hiệu lực, hiệu quả các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cơ chế một cửa quốc
gia, các hoạt động khác có tính liên bộ, liên ngành trong khuôn khổ tạo thuận lợi
thương mại.
- Từng bước hướng tới mục tiêu thực
hiện các giao dịch với các Bộ ngành cơ bản được xử lý trực tuyến trên môi trường
điện tử, phi giấy tờ.
2.2. Mối quan hệ hợp tác, hội nhập với
các tổ chức quốc tế, với hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới cần đạt
được các mục tiêu sau:
- Chuyển mạnh mối quan hệ hợp tác, hội
nhập với hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới theo định hướng từ
“tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi”.
- Tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện
và triển khai hiệu quả cơ chế một cửa ASEAN; từng bước mở rộng trao đổi thông
tin liên quan đến thủ tục hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa ASEAN.
- Đẩy mạnh quan hệ hợp tác song
phương, đa phương với các tổ chức quốc tế, với hải quan các quốc gia trong khu
vực và trên thế giới trên cơ sở các bên cùng có lợi, tích cực tham gia các
chương trình hành động chung của tổ chức hải quan thế giới và khu vực như các
chương trình tạo thuận lợi thương mại, công nhận lẫn nhau, nâng cao năng lực kiểm
soát, chống buôn lậu, chống khủng bố, trao đổi thông tin, thu thập thông tin,
xác minh thông tin...
- Hướng tới áp dụng một số mô hình
nghiệp vụ hải quan hiện đại trong tương lai gần trên cơ sở khuyến nghị của WCO:
+ Nghiên cứu và từng bước tham gia đầy
đủ các hoạt động của mạng lưới hải quan toàn cầu.
+ Nghiên cứu và từng bước hướng đến
triển khai mô hình quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu nằm trong
chuỗi cung ứng tích hợp của thương mại quốc tế.
+ Nghiên cứu, xác định mô hình quản
lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được thực hiện trong môi trường
thương mại điện tử và thương mại phi chính thức.
3. Mục đích chiến lược 3: Nâng cao
năng lực của cơ quan hải quan các cấp theo hướng từng bước xây dựng cơ quan hải
quan điện tử dựa trên mô hình kiến trúc Bộ, ngành điện tử, để thực hiện yêu cầu
của Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử dựa trên các mục tiêu cơ bản sau:
- Nâng cao năng lực công chức hải
quan trên cơ sở các quy định về quản lý nghiệp vụ và quản lý nguồn nhân lực đã
được chuẩn hóa, đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, tuân thủ
các quy định liên quan công chức hải quan, có phương pháp làm việc hiện đại, hiệu
suất xử lý công việc cao, sử dụng thành thạo các hệ thống phần mềm nghiệp vụ và
trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại, có khả năng làm việc hiệu quả
trong môi trường trong nước và quốc tế.
- Hệ thống tổ chức bộ máy hải quan
các cấp được kiện toàn theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sử dụng
biên chế hiệu quả và quản lý hải quan điện tử.
- Từng bước áp dụng phương thức điện
tử trong quản lý, điều hành, thực hiện các hoạt động hải quan, nhằm từng bước
nâng cao hiệu suất xử lý công việc, trên cơ sở các quy trình công việc được chuẩn
hóa theo tiêu chuẩn ISO hướng tới một cơ quan hải quan điện tử trong xu hướng
hình thành Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
- Hệ thống công nghệ thông tin hải
quan được xây dựng trở thành hệ thống thông minh, xử lý tập trung trên nền tảng
công nghệ hiện đại, có khả năng sẵn sàng cao, tích hợp chặt chẽ với các hệ thống
thông tin của các bên liên quan đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hải quan “Mọi
lúc - Mọi nơi - Mọi phương tiện”
- Phấn đấu xây dựng Thống kê hải quan
là cơ quan thống kê nhà nước hàng đầu trong Hệ thống thống kê nhà nước của Việt
Nam theo hướng phục vụ hỗ trợ ra quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước và
nhu cầu sử dụng thông tin của xã hội. Thông tin thống kê về hàng hóa xuất nhập
khẩu có chất lượng, đảm bảo mức độ tin cậy cao, tính kịp thời và áp dụng đầy đủ
các chuẩn mực quốc tế khuyến nghị. Đáp ứng tốt, phù hợp yêu cầu của các đối tượng
sử dụng.
- Đẩy mạnh áp dụng và nâng cao hiệu
quả việc sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, công nghệ mới trong kiểm
tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
IV. MỘT SỐ CHỈ
TIÊU CHỦ YẾU
A. Chỉ tiêu để đạt được các mục
tiêu cơ bản của mục đích chiến lược 1:
1. 100% các nội dung liên quan đến hải
quan tại các Hiệp định tự do thương mại, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại được
nội luật hóa đúng lộ trình cam kết.
2. Thủ tục hải quan được thực hiện “mọi
noi - mọi lúc - mọi phương tiện”: Người khai hải quan thực hiện khai báo mọi
nơi, với thời gian 24/7, trên các thiết bị cố định, di động hỗ trợ.
3. Thời gian thông quan hàng hóa qua
biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập
khẩu.
4. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến:
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất đối với 100% thủ tục hải quan
chủ yếu (mức độ 3 hoặc 4 tương ứng với từng thủ tục).
5. Tỷ lệ phân luồng: Luồng xanh tối
thiểu (≥) 69%, luồng vàng không quá (≤) 25%, luồng đỏ không quá (≤) 6%. (Chỉ số
về giảm tỷ lệ can thiệp trực tiếp trong thông quan).
6. Sự hài lòng của doanh nghiệp đối với
thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan ít nhất đạt 70% trở lên tại các chỉ
số chính thuộc các chỉ tiêu: Tiếp cận thông tin pháp luật về thủ tục hải quan,
thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, sự phục vụ của công
chức hải quan, kết quả giải quyết thủ tục hành chính về hải quan, đánh giá
chung về chính sách pháp luật hải quan trong các cuộc khảo sát chính thức được
cấp có thẩm quyền phê duyệt.
B. Chỉ tiêu để đạt được các mục
tiêu cơ bản của mục đích chiến lược 2:
7. 100% thủ tục hành chính liên quan
đến các cơ quan, đơn vị tham gia vào cổng thông tin một cửa quốc gia được triển
khai thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
C. Chỉ tiêu để đạt được các mục
tiêu cơ bản của mục đích chiến lược 3:
8. 100% cảng biển, sân bay và đường bộ
quốc tế trọng điểm được trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa và hành lý, hệ thống
giám sát bằng camera và các thiết bị hỗ trợ khác.
9. Xây dựng được mô hình cơ quan hải
quan điện tử dựa trên kiến trúc Bộ, ngành điện tử và triển khai được ít nhất
70% các bộ phận cấu thành.
10. Ít nhất 90% công chức thuộc Chi cục
Hải quan trọng điểm, 80% công chức tham mưu nghiệp vụ tại các Cục Hải quan trọng
điểm, các Cục nghiệp vụ chính tại cơ quan Tổng cục đạt năng lực cấp độ 2 -
thành thạo nghiệp vụ.
11. Phấn đấu đến năm 2020, mức độ của
thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của Hải quan Việt Nam ở nhóm 4 nước có trình độ
thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu phát triển trong ASEAN.
12. Các hoạt động quản lý điều hành
thực thi các hoạt động nghiệp vụ hải quan chính cơ bản được thực hiện bằng
phương thức điện tử.
13. Các giao dịch văn bản, dữ liệu điện
tử với các Bộ ngành, nội bộ cơ quan hải quan cơ bản được xử lý trên môi trường
điện tử phi giấy tờ (theo lộ trình triển khai Chính phủ điện tử).
14. Phấn đấu 100% các đơn vị (trong
đó ít nhất 100% các công việc chính được quy trình hóa và quản lý chất lượng)
hoàn thành việc xây dựng áp dụng, duy trì cải tiến Hệ thống Quản lý chất lượng
theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 theo Quyết định 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của
Thủ tướng Chính phủ.
V. CÁC NHIỆM VỤ
TRỌNG TÂM
1. Tiếp tục
phát triển mô hình thủ tục hải quan điện tử với trọng tâm là hoàn thiện thể chế,
quy trình thủ tục, nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống thông quan điện tử tập trung
VNACCS/VCIS trên cơ sở tích hợp các hệ thống phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ vào hệ
thống công nghệ thông tin nghiệp vụ hải quan thống nhất, tập trung:
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy
trình thủ tục hải quan theo hướng tuân thủ các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp
định tạo thuận lợi thương mại, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu,
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Luật khác có liên quan, đáp ứng
yêu cầu hoàn thiện mô hình thủ tục hải quan điện tử.
- Duy trì bền vững và nâng cao hiệu
quả hoạt động của Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS bảo đảm vận hành ổn định
theo hướng triển khai mở rộng và đi vào chiều sâu.
- Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra
chuyên ngành; hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN hướng đến
trao đổi thông tin và xử lý dữ liệu điện tử với các Bộ ngành liên quan trong thực
hiện thủ tục hải quan.
- Tăng cường phương thức kiểm tra
hàng hóa bằng máy soi; tiếp tục duy trì xu hướng giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá
trình làm thủ tục hải quan, tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan và từng
bước thực hiện kiểm tra trước khi thực hiện thủ tục hải quan.
- Tiếp tục phát triển mô hình các điểm
kiểm tra hàng hóa tập trung cho nhiều Chi cục Hải quan.
- Nghiên cứu, thí điểm triển khai các
điểm kiểm tra hồ sơ tập trung;
- Tiếp tục phát triển dịch vụ xử lý
thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3 hoặc 4 trên cổng thông tin điện tử
hải quan theo hướng ứng dụng tối đa phương thức điện tử đối với bộ hồ sơ thủ tục
hành chính công và tại các khâu tiếp nhận, xử lý, phản hồi.
2. Áp dụng
sâu rộng kỹ thuật quản lý rủi ro trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ, gồm kiểm
tra, giám sát hải quan, thanh tra chuyên ngành; triển khai hiệu quả quản lý
tuân thủ thông qua các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp đối tượng, mục
tiêu quản lý; áp dụng các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích tuân thủ tự nguyện, hướng
đến môi trường tự nguyện tuân thủ pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp xuất
nhập khẩu.
3. Tăng
cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại:
3.1. Đẩy mạnh triển khai hoạt động kiểm
tra sau thông quan cả về số lượng, chất lượng trên cơ sở áp dụng đầy đủ mô hình
quản lý tuân thủ, kỹ thuật quản lý rủi ro, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin,
tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị có liên quan.
3.2. Tăng cường hoạt động nghiệp vụ
kiểm soát Hải quan thông qua việc hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ, thống
nhất liên quan đến lĩnh vực kiểm soát hải quan; ứng dụng, khai thác triệt để
công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ,
hiệu quả giữa phương thức kiểm soát hải quan hiện đại với phương thức kiểm soát
hải quan truyền thống. Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Công
an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường.... trong việc chia sẻ thông
tin, tuần tra kiểm soát, hiệp đồng tác chiến, đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm
minh, kịp thời hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới,
gian lận thương mại và hàng giả.
4. Từng
bước đổi mới cơ bản phương thức Quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên
mô tả vị trí việc làm; trước hết là đối với các vị trí việc làm không giữ chức
vụ lãnh đạo, nhằm đảm bảo bố trí đúng người, đúng việc; nâng cao hiệu suất làm
việc; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; điện tử hóa một số
hoạt động quản lý nguồn nhân lực; nâng cao tính khoa học, công bằng, minh bạch
cho các hoạt động quản lý nguồn nhân lực; đáp ứng các yêu cầu hiện đại hóa công
tác quản lý hải quan.
5. Đẩy mạnh
quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp; quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế giữa
Hải quan với các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế, Hải quan
các nước trong khu vực và trên thế giới.
6. Kiện
toàn, sắp xếp lại, từng bước đổi mới cơ cấu tổ chức của các cơ quan hải quan
các cấp theo lộ trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ
máy; đảm bảo phù hợp và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ theo từng giai đoạn, theo
yêu cầu cải cách hành chính, cải cách hiện đại hóa hải quan và định hướng triển
khai chính phủ điện tử.
VI. NỘI DUNG CÁC
HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA KẾ HOẠCH
VI.1. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI NHIỆM
VỤ TRỌNG TÂM
1. Các hoạt động triển khai nhiệm
vụ trọng tâm 1
1.1. Nhóm 1: Các hoạt động thực hiện để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý
1.1.1. Hoạt động 1: Xây dựng hệ thống văn bản quy định chi tiết Luật Thuế xuất khẩu, thuế
nhập khẩu.
a. Mục tiêu: Cụ thể hóa các quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.
b. Phạm vi thực hiện: Xây dựng hệ thống văn bản quy định chi tiết Luật Thuế xuất khẩu, thuế
nhập khẩu sửa đổi
1.1.2. Hoạt động 2: Sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định chi tiết Luật Hải quan theo
quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
a. Mục tiêu: Sửa đổi, bổ sung Nghị định, Thông tư, đáp ứng yêu cầu của Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật.
b. Phạm vi thực hiện:
- Rà soát sửa đổi, bổ sung Nghị định
số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết Luật Hải quan
về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
- Rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế
hoặc bãi bỏ Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định
thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế
nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Xây dựng Nghị định quy định về điều
kiện kinh doanh trong lĩnh vực hải quan.
- Xây dựng Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử.
- Xây dựng Nghị định quy định về phân
loại hàng hóa.
- Xây dựng Nghị định quy định về trị
giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
1.1.3. Hoạt động 3: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Cơ chế một cửa quốc
gia.
a. Mục
tiêu: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật triển khai thực hiện Cơ chế một
cửa quốc gia.
b. Phạm vi thực hiện:
- Xây dựng Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng
thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia;
- Phối hợp với các Bộ, ngành rà soát,
sửa đổi, xây dựng các Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc
gia.
1.1.4. Hoạt động 4: Nội luật hóa và triển khai thực hiện các cam kết của các Hiệp định
theo lộ trình Việt Nam đã ký kết.
a. Mục tiêu: Triển khai đầy đủ, có hiệu quả các cam kết tại các Hiệp định.
b. Phạm vi thực hiện:
- Rà soát, nội luật hóa các cam kết
thuộc lĩnh vực hải quan tại các Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định
thương mại tự do và các Hiệp định có liên quan Việt Nam đã tham gia, ký kết.
- Xây dựng Cơ chế kiểm soát về xuất xứ,
bảo bộ quyền sở hữu trí tuệ, chế độ quản lý đối với các loại hình hàng hóa,
phương tiện vận tải phù hợp cam kết theo đúng lộ trình.
1.1.5. Hoạt động 5: Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm
tra thực tế hàng hóa tại các địa điểm kiểm tra tập trung cho nhiều Chi cục Hải
quan.
a. Mục tiêu: Hoàn thiện, xây dựng đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai kiểm tra tại
các địa điểm tập trung cho nhiều Chi cục Hải quan.
b. Phạm vi thực hiện:
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển
khai thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa tại các địa điểm kiểm tra hàng hóa tập
trung.
- Xây dựng cơ sở pháp lý để triển
khai thực hiện kiểm tra hồ sơ tại các địa điểm kiểm tra hồ sơ tập trung.
- Xây dựng, triển khai Đề án “Khu vực
kiểm tra, kiểm soát và lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu quốc
tế”.
1.1.6. Hoạt động 6: Hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan, pháp luật về Thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
a. Mục tiêu: Kịp thời sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tế, đáp ứng
yêu cầu quản lý và tạo nền tảng pháp lý để xây dựng, mở rộng, nâng cấp các hệ
thống công nghệ thông tin.
b. Phạm vi thực hiện
- Đề xuất chương trình xây dựng văn bản
quy phạm pháp luật hàng năm.
- Triển khai thực hiện chương trình
xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm.
- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế
hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật hàng năm.
1.1.7. Hoạt động 7: Rà soát, kiến nghị điều chỉnh thủ tục hành chính trong các lĩnh vực có
liên quan đến thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà
nước, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi tiếp cận,
giải quyết các dịch vụ công.
a. Mục tiêu
Đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm
tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
b. Phạm vi thực hiện
- Rà soát nội dung toàn bộ văn bản
quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính của các Bộ ngành có tác động đến hoạt động
của ngành Hải quan, thống kê các văn bản, nội dung chồng chéo, thiếu thống nhất
để kiến nghị sửa đổi, hợp nhất.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống
văn bản liên quan đến quản lý chuyên ngành, xây dựng cơ chế cập nhật thường
xuyên, liên tục phục vụ công tác triển khai thực hiện.
1.2. Nhóm 2: Các hoạt động cần thực
hiện để triển khai rộng và sâu hơn thủ tục hải quan điện tử
1.2.1. Hoạt động 1: Chuẩn hóa quy trình thủ tục hải quan, xác định các yêu cầu nghiệp vụ tạo
nền tảng để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng trang thiết bị,
công nghệ hiện đại.
a. Mục tiêu: Giảm dần số lượng giấy tờ, tiêu chí trong bộ hồ sơ hải quan; giảm hồ
sơ giấy, tăng hồ sơ điện tử, tiến dần tới mục tiêu không giấy tờ nhằm cắt giảm
chi phí cho doanh nghiệp; tăng tốc độ xử lý hồ sơ; Tăng cường ứng dụng trang
thiết bị, công nghệ hiện đại trong kiểm tra, giám sát hải quan.
b. Phạm vi thực hiện:
- Chuẩn hóa quy trình thủ tục đáp ứng
yêu cầu mở rộng, nâng cấp Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS và các hệ thống
liên quan, tiếp tục điện tử hóa hồ sơ hải quan, tiến dần đến mục tiêu phi giấy
tờ trong bộ hồ sơ hải quan, mở rộng áp dụng phương thức điện tử đối với các thủ
tục, hoạt động quản lý hải quan hiện chưa được thực hiện bằng phương thức điện
tử đáp ứng yêu cầu thông quan điện tử.
- Xây dựng các yêu cầu nghiệp vụ để
phục vụ thiết kế, mở rộng, nâng cấp chức năng trên Hệ thống thông quan điện tử
VNACCS/VCIS và các hệ thống có liên quan nhằm triển khai các quy định đã sửa đổi,
bổ sung.
- Rà soát, đánh giá nhu cầu/việc sử dụng
các trang thiết bị để điều chỉnh/bổ sung phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng
đơn vị.
- Nghiên cứu công nghệ, thiết bị mới
để ứng dụng trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan.
1.2.2. Hoạt động 2: Xây dựng bổ sung hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu áp dụng
phương thức điện tử trong thực hiện một số thủ tục, hoạt động quản lý hải quan
mà Hệ thống VNACCS/VCIS hiện chưa triển khai.
a. Mục tiêu: Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong thực hiện thủ tục hải quan.
b. Phạm vi thực hiện
- Xây dựng phân hệ thực hiện thủ tục
quá cảnh.
- Xây dựng phân hệ quản lý hàng hóa tại
cảng biển.
- Xây dựng phân hệ quản lý hàng hóa đặc
thù.
- Xây dựng phân hệ quản lý hàng hóa
lưu giữ tại các kho và khu vực ưu tiên.
- Xây dựng phân hệ quản lý miễn, giảm,
hoàn thuế.
- Xây dựng phân hệ tiếp nhận và xử lý
thông tin trước về hành khách và hàng hóa trên các chuyến bay thương mại phục vụ
mở rộng thông quan điện tử và quản lý rủi ro.
1.2.3. Hoạt động 3: Triển khai đầy đủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống thông quan
điện tử VNACCS/VCIS.
a. Mục tiêu:
- Nâng cao hiệu quả sử dụng Hệ thống
thông quan điện tử VNACCS/VCIS, đề xuất các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến
nhất phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ để kết nối hệ thống quan điện tử
VNACCS/VCIS với các hệ thống liên quan.
b. Phạm vi thực hiện
- Thực hiện duy trì, giám sát và vận
hành Hệ thống VNACCS/VCIS ổn định, an ninh, an toàn 24/7.
- Đầu tư mua sắm nâng cao năng lực quản
lý, giám sát, điều hành 24/7 và cơ sở vật chất của Trung tâm dữ liệu ngành Hải
quan.
- Đảm bảo việc mua sắm đầy đủ, kịp thời
các dịch vụ hỗ trợ, bảo trì, bảo hành Hệ thống VNACCS/VCIS và hạ tầng kỹ thuật.
- Chuẩn bị nội dung đề xuất và điều
kiện cần thiết để triển khai hiệu quả giai đoạn 2 của Dự án VNACCS/VCIS khi được
Chính phủ Nhật Bản phê duyệt.
- Nghiên cứu, đánh giá mô hình kết nối
hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống liên quan để đề xuất các giải pháp công
nghệ thông tin tiên tiến nhất phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ.
- Tăng cường đào tạo, hướng dẫn cho
công chức trong toàn ngành, cộng đồng doanh nghiệp về sử dụng Hệ thống
VNACCS/VCIS, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, chức năng, nghiệp vụ, nâng cao
hiệu quả khai thác, sử dụng Hệ thống VNACCS/VCIS.
- Nâng cao chất lượng hỗ trợ người sử
dụng trong ngành Hải quan và doanh nghiệp đối với việc sử dụng Hệ thống
VNACCS/VCIS.
- Phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế
Nhật Bản (JICA), Hải quan Nhật Bản và các bên liên quan thực hiện Dự án JICA hỗ
trợ kỹ thuật nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS giai đoạn
2015 - 2018 đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
1.2.4. Hoạt động 4: Hoàn thành việc nâng cấp một số hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh
đáp ứng yêu cầu quy định mới và theo kiến trúc hướng dịch vụ (SOA), phù hợp với
kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin ngành Tài chính.
a. Mục tiêu: bổ sung thêm các chức năng theo các quy định mới hoặc yêu cầu mở rộng
thêm về điện tử hóa thủ tục hải quan; Tích hợp thành phần hệ của hệ thống công
nghệ thông tin nghiệp vụ hải quan thống nhất;.
b. Phạm vi thực hiện:
- Nâng cấp Hệ thống kế toán thuế xuất
nhập khẩu.
- Nâng cấp Hệ thống thông quan điện tử
V5, GTT, MHS.
- Nâng cấp, triển khai Hệ thống thông
tin quản lý rủi ro để kết nối/chuyển đổi dữ liệu với Hệ thống VNACCS/VCIS.
- Nâng cấp Hệ thống thông tin tình
báo, hệ thống kiểm tra sau thông quan để kết nối, xử lý thông tin với Hệ thống
VNACCS/VCIS và các hệ thống xử lý tập trung ngành Hải quan.
- Nâng cấp Hệ thống dự báo số thu.
1.2.5. Hoạt động 5: Thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử về hàng
hóa tại cảng nhằm giảm thiểu hồ sơ giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
đối với hàng hóa, container tại các cảng biển.
a. Mục tiêu: Nhằm giảm thiểu hồ sơ giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối
với hàng hóa, container tại các cảng biển.
b. Phạm vi thực hiện:
- Xây dựng văn bản pháp lý đảm bảo việc
thực hiện kết nối, trao đổi thông tin của các cơ quan tại cảng biển.
- Xây dựng quy trình kết nối, trao đổi
thông tin.
- Đào tạo, tập huấn, thông tin, tuyên
truyền cho cán bộ, công chức Hải quan và các đơn vị liên quan.
- Triển khai thí điểm trao đổi thông
tin bằng phương thức điện tử về hàng hóa tại cảng biển.
- Triển khai chính thức trao đổi
thông tin bằng phương thức điện tử tại cảng biển.
1.3. Nhóm 3: Xây dựng và triển
khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
a. Mục tiêu: Hoàn thiện cơ sở pháp lý triển khai cơ chế một cửa ASEAN, nâng cấp,
phát triển Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu kết nối với các hệ
thống thông tin của các Bộ, ngành tham gia vào Cơ chế một cửa quốc gia để xử lý
các thủ tục hành chính, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng thông
tin của các nước thành viên ASEAN để trao đổi các thông tin được thỏa thuận
theo Hiệp định ASEAN.
b. Phạm vi thực hiện
- Xây dựng Kế hoạch tổng thể triển
khai Cơ chế một cửa giai đoạn 2016-2020.
- Mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia.
+ Triển khai mở rộng đối với thủ tục hành
chính của các Bộ đã triển khai trên cổng thông tin điện tử Hải quan một cửa quốc
gia.
+ Phát triển kết nối với các Bộ chưa
triển khai.
+ Triển khai sử dụng các chứng từ điện
tử (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương)
được cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia khi thực hiện các thủ tục hành chính
khác có liên quan.
- Triển khai mở rộng hệ thống Tiếp nhận,
xử lý thông tin lược khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) đối với tất cả cảng biển
và cảng hàng không trên phạm vi toàn quốc.
- Xây dựng, nghiên cứu triển khai kết
nối với ASEAN trong khuôn khổ các Nghị định thư số 2 và số 7 về quá cảnh.
- Kết nối Cơ chế một cửa ASEAN và kết
nối trao đổi thông tin với một số đối tác ngoài ASEAN.
+ Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về trao
đổi, xử lý chứng từ thương mại điện tử phục vụ thông quan hàng hóa xuất khẩu,
nhập khẩu; phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh theo chuẩn mực quốc tế.
+ Thực hiện trao đổi chứng từ thương
mại và các chứng từ khác có liên quan dưới dạng điện tử theo cơ chế một cửa
ASEAN trong nhóm ASEAN-5.
+ Hoàn thành kết nối giữa Hệ thống
VNACCS/VCIS với hệ thống công nghệ thông tin của các nước ASEAN phục vụ quản lý
hàng hóa và phương tiện vận tải quá cảnh trong khu vực ASEAN.
+ Hoàn thiện và vận hành thông suốt Cổng
thông tin một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN với đầy đủ các thủ tục
được triển khai; hoàn thiện và vận hành Cơ chế một cửa ASEAN hướng tới mục tiêu
thực hiện trao đổi thông tin giữa các quốc gia thông qua Cổng thông tin này một
cách đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.
+ Triển khai hợp tác với Nhật Bản,
Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh kinh tế Á- Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Acmenia,
Kyrgyzstan) về kết nối và trao đổi thông tin trong khuôn khổ hợp tác hải quan,
thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TF), tạo thuận lợi cho hàng Việt
Nam xuất khẩu và kiểm soát hàng nhập khẩu.
- Tích hợp các dịch vụ hỗ trợ triển
khai Cơ chế một cửa quốc gia
+ Dịch vụ thanh toán điện tử đối với
các khoản thuế, phí, lệ phí được áp dụng đối với 100% các thủ tục hành chính
trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
+ Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và các
cơ quan nhà nước trong quá trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia.
+ Dịch vụ báo cáo và chia sẻ dữ liệu
thống kê (report) về các thủ tục hành chính triển khai trên Cổng thông tin một
cửa quốc gia.
+ Dịch vụ lưu trữ chứng từ điện tử hỗ
trợ doanh nghiệp.
1.4. Nhóm 4: Các hoạt động nâng
cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt
động kiểm tra chuyên ngành.
a. Mục tiêu: Nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát hải quan, giảm thời gian kiểm
tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra chuyên ngành.
b. Phạm vi thực hiện:
- Xây dựng mô hình địa điểm kiểm tra
hồ sơ tập trung cho nhiều Chi cục Hải quan.
- Hoàn thiện mô hình địa điểm kiểm
tra thực tế hàng hóa tập trung cho nhiều Chi cục Hải quan.
- Mở rộng thực hiện soi chiếu hàng
hóa trước và sau thông quan.
- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành
sửa đổi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo
Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (87 văn bản).
- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành
xây dựng và ban hành đầy đủ Danh mục các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên
ngành theo hướng thu hẹp diện kiểm tra chuyên ngành, chi tiết mã số HS; Ban
hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng
kiểm tra chuyên ngành làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Phối hợp các Bộ đẩy mạnh, khuyến
khích tổ chức đánh giá sự phù hợp tham gia thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối
với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng xã hội hóa để bổ sung cơ sở kiểm
tra, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tiết
kiệm nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
- Kiến nghị các Bộ xây dựng nguyên tắc
kiểm tra chuyên ngành đảm bảo đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng
tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm chi phí, rút ngắn thời
gian thông quan hàng hóa.
- Triển khai hoạt động kiểm định hải
quan: Triển khai hoạt động Cục Kiểm định Hải quan; Thành lập một số Chi cục Kiểm
định trực thuộc Cục Kiểm định trụ sở đặt tại một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố
lớn.
- Mở rộng thực hiện kiểm tra chuyên
ngành tại các địa điểm kiểm tra tập trung tại cửa khẩu.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan
ngang Bộ xây dựng và định kỳ rà soát sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa rủi ro
về chính sách quản lý trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phục vụ công tác kiểm soát
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Xây dựng quy trình kiểm tra chuyên
ngành đối với một số mặt hàng theo ủy quyền của các Bộ quản lý chuyên ngành đối
với mặt hàng cụ thể trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do các cơ
quan có thẩm quyền ban hành;
- Xây dựng mô hình, triển khai áp dụng
phương pháp giám sát, công nghệ giám sát hiện đại.
1.5. Nhóm 5: Các hoạt động khác triển khai nhiệm vụ trọng tâm 1
1.5.1. Hoạt động 1: Mở rộng việc triển khai thực hiện thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng
phương thức điện tử (e-Payment).
a. Mục tiêu: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thanh toán các chi phí xuất nhập
khẩu, đơn giản hóa một phần thủ tục, góp phần giảm thời gian thông quan.
b. Phạm vi thực hiện: Mở rộng các ngân hàng tham gia triển khai hệ thống e- Payment.
1.5.2. Hoạt động 2: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính công, cung cấp dịch vụ công trực
tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
a. Mục tiêu: Hướng tới thực hiện các thủ tục hải quan theo hướng dịch vụ công trực
tuyến ở mức độ 3-4, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, tăng tốc độ xử
lý của cơ quan hải quan.
b. Phạm vi thực hiện
- Tiếp tục cải cách thủ tục hành
chính trên cơ sở hoàn thiện thể chế, chuẩn hóa quy trình thủ tục, tạo nền tảng
để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất tương ứng với từng
thủ tục (mức độ 3 hoặc 4) trên cổng thông tin điện tử Hải quan.
- Tăng cường hoạt động kiểm soát thủ
tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
- Xây dựng, triển khai Dự án nâng cấp
hệ thống Cổng thông tin điện tử ngành Hải quan; xây dựng, mở rộng cung cấp dịch
vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử thông qua hệ thống 1 cửa hành
chính liên thông điện tử.
2. Các hoạt động triển khai nhiệm
vụ trọng tâm 2
2.1. Hoạt động 1: Triển khai áp dụng quản lý rủi ro toàn diện, từng bước nâng cao chất
lượng, hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro trên các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan.
2.1.1. Mục tiêu: Đến năm 2020, công tác quản lý rủi ro được tổ chức thực hiện và áp dụng
xuyên suốt trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ hải quan nhằm tạo ra sự minh bạch,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý hải quan; giảm tỷ lệ kiểm
tra, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời là giải pháp tối ưu đảm bảo sự
cân bằng giữa kiểm soát và tạo thuận lợi, trong bối cảnh lưu lượng hàng hóa xuất
nhập khẩu, hành khách, phương tiện xuất nhập cảnh đang ngày càng gia tăng nhanh
chóng.
2.1.2. Phạm vi thực hiện
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình
triển khai các biện pháp thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro:
+ Hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình
làm cơ sở cho việc triển khai thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro.
+ Xây dựng và thực hiện thu tin qua
các kênh thông tin từ các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất nhập
khẩu, xuất nhập cảnh.
- Triển khai áp dụng quản lý rủi ro để
quyết định lựa chọn kiểm tra, giám sát hải quan đối với hành lý của người xuất
nhập cảnh: Hoàn thiện cơ sở pháp lý và quy trình, quy định, xây dựng hệ thống
công nghệ thông tin và triển khai thực hiện việc thu thập, xử lý thông tin, áp
dụng quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan đối với hành lý
của người xuất nhập cảnh.
- Triển khai áp dụng quản lý rủi ro
trong việc lựa chọn kiểm tra hàng hóa trong quá trình xếp, dỡ từ phương tiện vận
tải nhập cảnh xuống kho, bãi, cảng, khu vực cửa khẩu nhập và hàng hóa xuất khẩu
sau khi đã thông quan được tập kết tại khu vực cửa khẩu xuất:
+ Xây dựng cơ sở pháp lý; hệ thống
trao đổi dữ liệu điện tử giữa cơ quan hải quan và các doanh nghiệp vận tải,
doanh nghiệp kinh doanh kho, cảng phục vụ áp dụng quản lý rủi ro trong việc soi
chiếu trước và sau thông quan.
+ Triển khai áp dụng tại các Chi cục
Hải quan cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế được trang bị máy soi hàng
hóa.
- Triển khai áp dụng quản lý rủi ro
trong kiểm tra chuyên ngành.
- Áp dụng đầy đủ và nâng cao hiệu quả
việc áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra sau thông quan:
+ Nâng cao hiệu quả hoạt động thu thập
thông tin, xây dựng Hồ sơ đối tượng kiểm tra sau thông quan để cung cấp thông
tin cho các đơn vị nghiệp vụ.
+ Hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá tuân
thủ, đánh giá rủi ro để lựa chọn đối tượng kiểm tra sau thông quan phù hợp với
yêu cầu quản lý từng thời kỳ.
- Áp dụng quản lý rủi ro trong quản
lý thuế: Xây dựng quy trình, triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong công tác
quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong đó tập trung vào công tác hoàn
thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Tiếp tục hoàn thiện Hệ thống công
nghệ thông tin trong quản lý rủi ro:
+ Nâng cấp phần quản lý hồ sơ doanh
nghiệp; bổ sung thông tin quản lý đối với các doanh nghiệp đặc thù (doanh nghiệp
kinh doanh kho ngoại quan, kinh doanh CFS,...).
+ Nâng cấp cấu phần đánh giá tuân thủ
doanh nghiệp, đánh giá xếp hạng doanh nghiệp.
+ Nâng cấp cấu phần đánh giá doanh
nghiệp phục vụ cung cấp thông tin phục vụ lựa chọn đối tượng thanh tra, áp dụng
thời hạn nộp thuế, cho phép bảo lãnh số tiền thuế phải nộp và cho phép đưa hàng
về bảo quản.
+ Xây dựng cấu phần quản lý thông tin
đối tác nước ngoài, tổ chức tín dụng, tổ chức doanh nghiệp nước ngoài không có
hiện diện tại Việt Nam (có hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt nam).
+ Xây dựng cấu phần hỗ trợ ra quyết định
kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khâu trước, trong và sau thông quan.
+ Xây dựng cấu phần quản lý tiêu chí
kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai.
+ Xây dựng cấu phần hỗ trợ ra quyết định
trong quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu.
+ Xây dựng cấu phần hỗ trợ ghi nhận
và khai thác thông tin phản hồi kết quả kiểm tra.
+ Xây dựng phần mềm hỗ trợ giả lập,
khai thác, phân tích thông tin (data warehouse), thống kê, báo cáo.
+ Triển khai dự án nâng cấp, phát triển
hệ thống VCIS giai đoạn 2 trong khuôn khổ dự án hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản.
2.2. Hoạt động 2: Triển khai các hoạt động giảm tỷ lệ kiểm tra luồng vàng, đỏ hàng năm.
a. Mục tiêu: Giảm tỷ lệ kiểm tra luồng vàng, đỏ.
b. Phạm vi thực hiện
- Theo dõi, kiểm tra việc áp dụng
tiêu chí dựa trên kết quả phân tích, đánh giá rủi ro Cục Hải quan tỉnh, thành
phố theo đúng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 50 QĐ
464/QĐ-BTC ngày 29/06/2015 của Bộ Tài chính về quy định quản
lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan và Điều 62
Quyết định 282/QĐ-TCHQ ngày 10/11/2015 của Tổng cục Hải quan
Ban hành hướng dẫn thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải
quan.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh
tra để giảm tỷ lệ chuyển luồng kiểm tra của Chi cục Hải quan đồng thời xử lý
nghiêm đối với các trường hợp chuyển luồng tùy tiện.
- Thực hiện áp dụng Danh mục hàng hóa
rủi ro đối với doanh nghiệp không tuân thủ và doanh nghiệp có rủi ro cao.
2.3. Hoạt động 3: Công khai tiêu chí đánh giá, có hệ thống cảnh báo; công khai lý do doanh
nghiệp bị phân luồng.
a. Mục tiêu: Thực hiện công khai có điều kiện trong phân luồng hàng hóa xuất nhập
khẩu.
b. Phạm vi thực hiện
- Sửa đổi Quyết định 465/QĐ-BTC ngày
29/6/2015 của Bộ Tài chính theo hướng chuẩn hóa các tiêu chí có tính nguyên tắc
chung cho việc đánh giá rủi ro để ra quyết định kiểm tra. Các nội dung có tính
nghiệp vụ được phân cấp áp dụng cho Tổng cục Hải quan trên cơ sở sửa đổi, bổ
sung Quyết định 200/QĐ-TCHQ ngày 24/8/2015 của Tổng cục Hải quan.
- Trả lời lý do luồng vàng hoặc luồng
đỏ khi doanh nghiệp đề nghị hoặc khiếu nại trên cơ sở căn cứ vào các quy định của
pháp luật và Bộ tiêu chí của Bộ Tài chính.
2.4. Hoạt động 4: Xây dựng và triển khai mô hình quản lý tuân thủ trong các hoạt động
nghiệp vụ hải quan.
a. Mục tiêu: Xây dựng và triển khai chương trình quản lý tuân thủ trong đó trọng
tâm vào việc khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
b. Phạm vi thực hiện
- Xây dựng các văn bản quy định, hướng
dẫn quy định về quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
- Xây dựng và triển khai Đề án “Khuyến
khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan”.
- Tổ chức triển khai thực hiện thí điểm
chương trình đo lường tuân thủ đối với doanh nghiệp tuân thủ.
- Triển khai các chương trình quản lý,
đánh giá tuân thủ đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
3. Các hoạt động triển khai nhiệm
vụ trọng tâm 3
3.1. Hoạt động 1: Tăng cường công tác Kiểm tra sau thông quan đáp ứng cải cách hiện đại
hóa hải quan và định hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; hướng dẫn doanh
nghiệp tuân thủ pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất
nhập khẩu hàng hóa, răn đe ngăn chặn kịp thời các trường hợp cố tình gian lận
gây thất thu cho ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành
nhiệm vụ chính trị thu ngân sách của ngành Hải quan.
a. Mục tiêu:
- Xây dựng hệ thống kiểm tra sau
thông quan trong tổng thể Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 hiện đại,
chuyên nghiệp, chuyên sâu phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Hoạt động tập trung thống nhất và hiệu
quả từ Tổng cục Hải quan đến các Cục Hải quan trên cơ sở ứng dụng công nghệ
thông tin hiện đại và phương pháp quản lý rủi ro, đáp ứng yêu cầu quản lý và
yêu cầu cải cách phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan.
- Kiểm tra hải quan được chuyển từ tiền
kiểm sang hậu kiểm, đảm bảo sự đồng bộ trong kiểm soát các khâu trước, trong và
sau thông quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu hợp pháp
của doanh nghiệp đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan.
b. Phạm vi thực hiện
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy
trình thực hiện kiểm tra sau thông quan đảm bảo thống nhất với các văn bản pháp
luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý rủi ro
và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
- Triển khai Đề án tăng cường năng lực
kiểm tra sau thông quan đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020 của ngành Hải quan đã
được Bộ Tài chính phê duyệt. Trong đó, tập trung triển khai cơ cấu tổ chức kiểm
tra sau thông quan theo quy định mới từ Tổng cục (Cục Kiểm tra sau thông quan)
đến các Cục Hải quan.
- Triển khai có hiệu quả các quy định
pháp luật về kiểm tra sau thông quan tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13 và các
văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan
đáp ứng cải cách hiện đại hóa hải quan và định hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu
kiểm; hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.
- Đẩy mạnh thực hiện chương trình
doanh nghiệp ưu tiên và công nhận lẫn nhau với Hải quan các nước.
3.2. Hoạt động 2: Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro
trong việc thu thập thông tin và đánh giá doanh nghiệp phục vụ hoạt động kiểm
tra sau thông quan; xây dựng các chương trình, phần mềm chuyên sâu hỗ trợ hiệu
quả cho công tác thu thập thông tin phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan
xuyên suốt thông tin từ cấp Tổng cục đến các Cục Hải quan; tăng cường phối kết
hợp giữa lực lượng kiểm tra sau thông quan với các đơn vị trong ngành Hải quan
(trong đó có các Chi cục Hải quan cửa khẩu) và với các ngành, đơn vị có liên
quan trong quá trình thực hiện kiểm tra sau thông quan.
a. Mục tiêu: Hiện đại hóa công tác thu thập thông tin, đánh giá doanh nghiệp phục vụ
cho nghiệp vụ hoạt động kiểm tra sau thông quan.
b. Phạm vi thực hiện
- Xây dựng phần mềm phân tích số liệu
xuất nhập khẩu phục vụ việc xây dựng kế hoạch kiểm tra sau thông quan.
- Xây dựng quy chế phối kết hợp, trao
đổi thông tin giữa lực lượng Kiểm tra sau thông quan với các đơn vị trong ngành
Hải quan, và các ngành, đơn vị có liên quan.
3.3. Hoạt động 3: Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hải quan
a. Mục tiêu: Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hải quan thông qua việc hoàn thiện
hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất liên quan đến lĩnh vực kiểm soát hải
quan; ứng dụng, khai thác triệt để công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện
đại, kết hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ, hiệu quả giữa phương thức kiểm soát hải
quan hiện đại với phương thức kiểm soát hải quan truyền thống.
b. Phạm vi thực hiện
- Tiếp tục triển khai Đề án Nâng cao
năng lực cho lực lượng hải quan chuyên trách chống buôn lậu đến năm 2020, trọng
tâm là hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất liên quan đến lĩnh
vực kiểm soát hải quan.
- Ứng dụng, khai thác triệt để công
nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải
quan.
- Tăng cường năng lực đấu tranh phòng
chống tội phạm ma túy của lực lượng hải quan giai đoạn 2016 - 2020.
- Tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo;
tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu,
gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
- Xây dựng các văn bản thực hiện cam
kết quốc tế về phòng, chống khủng bố, rửa tiền, hỗ trợ hành chính, tư pháp
trong lĩnh vực kiểm soát hải quan.
- Nâng cao năng lực cán bộ, công chức
kiểm soát trong thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan trên cơ sở
triển khai các quy định tại Nghị định quy định chi tiết Luật Hải quan.
- Tăng cường quan hệ đối tác trong
trao đổi thông tin phục vụ công tác chống buôn lậu với các nước.
4. Các hoạt động triển khai nhiệm
vụ trọng tâm 4
4.1. Hoạt động 1: Cải cách hoạt động quản lý nguồn nhân lực
a. Mục tiêu: Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nguồn nhân lực.
b. Phạm vi thực hiện
- Tiếp tục hoàn thiện danh mục vị trí
việc làm và các bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm trong ngành.
- Nghiên cứu, xây dựng các phương
pháp quản lý nguồn nhân lực trên cơ sở năng lực, ứng dụng kết quả xác định vị
trí việc làm:
+ Xây dựng khung năng lực chuyên môn
nghiệp vụ theo cấp độ, sổ tay công tác nghiệp vụ đối với tất cả các lĩnh vực
trong ngành.
+ Tiếp tục hoàn thiện danh mục sản phẩm
và bảng định mức sản phẩm của từng vị trí việc làm.
+ Xây dựng hệ thống quản lý kết quả
công việc điện tử.
+ Xây dựng hệ thống đánh giá năng lực
và đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ điện tử dựa trên vị trí việc làm.
+ Nghiên cứu thực hiện quy trình bố
trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, quy hoạch, đánh giá, tuyển chọn, bổ nhiệm,
bổ nhiệm lại theo năng lực.
+ Tiếp tục hoàn thiện quy trình xác định
biên chế theo từng vị trí việc làm.
- Xây dựng và phát triển hệ thống quản
lý nhân sự điện tử tập trung.
- Chuẩn hóa các quy trình quản lý nguồn
nhân lực theo hướng từng bước điện tử hóa các khâu công tác quản lý nguồn nhân
lực.
- Xây dựng kế hoạch về tinh giản biên
chế của Tổng cục Hải quan trên cơ sở đánh giá, sử dụng biên chế theo vị trí việc
làm gắn với cơ cấu ngạch công chức, viên chức.
4.2. Hoạt động 2: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
a. Mục tiêu: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức.
b. Phạm vi thực hiện
- Xây dựng chương trình đào tạo truyền
thống, điện tử dựa trên khung năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nhu cầu thực tiễn
của hoạt động hải quan trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hiện
đại hóa của ngành và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam nói chung, của
ngành Hải quan nói riêng.
- Nâng cao trình độ, năng lực của giảng
viên.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy Trường Hải
quan Việt Nam.
4.3. Hoạt động 3: Thực hiện liêm chính hải quan
a. Mục tiêu: Đảm bảo liêm chính hải quan, tuân thủ các quy định liên quan công chức
hải quan, giảm bớt tiêu cực, sách nhiễu.
b. Phạm vi thực hiện
- Tiếp tục chuẩn hóa, duy trì thực hiện
nghiêm các quy định về kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi nhiệm vụ, đảm
bảo tuân thủ các quy định liên quan công chức hải quan, phòng, chống các biểu
hiện tiêu cực tham nhũng của cán bộ, công chức hải quan.
- Tăng cường công tác thanh tra, tự
kiểm tra nội bộ để phát hiện, cảnh báo, chấn chỉnh kịp thời sai phạm của cán bộ,
công chức hải quan nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất để nâng cao hình ảnh của
lực lượng hải quan và tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức
trong thực thi công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
5. Các hoạt động triển khai nhiệm
vụ trọng tâm 5
5.1. Hoạt động 1: Xây dựng, phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp.
a. Mục tiêu: Xây dựng sự hiểu biết, đồng thuận, đồng hành của doanh nghiệp với cơ
quan hải quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về
hải quan; phát huy nguồn lực, trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân
đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của cơ quan hải quan; Giảm áp lực
đối với cơ quan hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ; Nâng cao tinh thần,
trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trước pháp luật, trước cơ quan quản
lý nhà nước.
b. Phạm vi thực hiện
- Xây dựng chính sách, pháp luật hải
quan: Tham vấn cộng đồng doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.
- Hỗ trợ thực thi pháp luật hải quan:
Thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo; hợp tác theo
chuyên đề; rà soát, bổ sung các dịch vụ hỗ trợ trong lĩnh vực hải quan.
- Giám sát, phản biện xã hội đối với
công tác quản lý hải quan: Tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối
với hoạt động hải quan; phối hợp với doanh nghiệp và các bên liên quan thực hiện
giám sát việc thực thi pháp luật, công vụ của cơ quan hải quan các cấp.
5.2. Hoạt động 2: Xây dựng, phát triển mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, với
hải quan khu vực, cộng đồng hải quan quốc tế, WCO.
a. Mục tiêu: Nâng cao hiệu quả và hiệu lực về quản lý nhà nước của cơ quan hải
quan, đảm bảo sự hài hòa các thủ tục thương mại với chuẩn mực quốc tế và thực
tiễn.
b. Phạm vi thực hiện
- Phát triển về chiều sâu trong quan
hệ hợp tác song phương với Hải quan các nước.
- Tăng cường năng lực và hiệu quả hợp
tác tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương có liên quan.
- Khai thác và tận dụng tối đa sự hỗ
trợ về chuyên gia, kiến thức, nguồn tài trợ của các diễn đàn đa phương và các
hoạt động xây dựng năng lực của các tổ chức quốc tế.
- Xây dựng Đề án về việc cử tùy viên
hải quan, công chức hải quan ra nước ngoài thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hải
quan tại một số nước và khu vực trọng điểm.
- Tham gia đàm phán, ký kết, và triển
khai các FTA về nội dung hải quan và tạo thuận lợi thương mại.
- Tổ chức thông tin tuyên truyền đối
ngoại trong toàn ngành về các yêu cầu, cam kết quốc tế, tập quán và thông lệ tốt
nhất của quốc tế.
6. Các hoạt động triển khai nhiệm
vụ trọng tâm 6
6.1. Hoạt động 1: Triển khai một số mô hình tổ chức bộ máy mới để đáp ứng yêu cầu nghiệp
vụ triển khai Luật Hải quan 2014, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hải
quan điện tử trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS.
a. Mục tiêu: Thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy theo yêu cầu triển khai Luật Hải
quan 2014 và từng bước đổi mới mô hình tổ chức hướng đến mục tiêu cơ quan hải
quan điện tử.
b. Phạm vi thực hiện
- Kiện toàn tổ chức bộ máy các lực lượng:
Lực lượng Kiểm soát Hải quan, lực lượng Kiểm tra sau thông quan, Quản lý rủi ro
theo Đề án nâng cao năng lực đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy các Vụ, Cục,
đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan theo Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc
Bộ Tài chính ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy Cục Hải
quan và Chi cục Hải quan để đáp ứng yêu cầu thực tế, về khối lượng công việc, về
địa bàn quản lý tại đơn vị, (trong đó có mô hình tổ chức địa điểm kiểm tra hàng
hóa tập trung cho nhiều Chi cục).
6.2. Hoạt động 2: Xây dựng mô hình kiến trúc và từng bước triển khai cơ quan hải quan điện
tử.
a. Mục tiêu: Hướng tới xây dựng mô hình và cơ cấu tổ chức bộ máy hải quan gọn nhẹ, hiệu
quả, hiện đại đáp ứng yêu cầu thông quan điện tử tập trung, phương pháp quản lý
hiện đại, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi công việc,
từng bước hoàn thành các cấu phần của mô hình kiến trúc cơ quan hải quan điện tử.
b. Phạm vi thực hiện
- Xây dựng mô hình kiến trúc cơ quan
hải quan điện tử.
- Từng bước thực hiện và hoàn thành
các cấu phần của mô hình kiến trúc cơ quan hải quan điện tử.
- Tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu lực,
hiệu quả và xây dựng mô hình tổ chức bộ máy hải quan các cấp dựa trên kiến trúc
cơ quan hải quan điện tử.
VI.2. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI CÁC
MỤC TIÊU KHÔNG THUỘC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Nhóm 1: Các hoạt động triển khai nhằm quản lý nội ngành khoa học, hiệu quả.
1.1. Hoạt động 1: Điện tử hóa báo cáo giấy nghiệp vụ; cung cấp thông tin nghiệp vụ điện
tử hỗ trợ lãnh đạo các cấp ra quyết định về nghiệp vụ.
a. Mục tiêu:
Cung cấp thông tin tổng hợp, nhất
quán, đa chiều cho cán bộ Lãnh đạo các cấp góp phần hỗ trợ trong quá trình ra
quyết định nghiệp vụ tiến đến thay thế hệ thống báo cáo giấy, báo cáo định kỳ bằng
hệ thống báo cáo điện tử.
b. Phạm vi thực hiện
Triển khai dự án xây dựng hệ thống
thông tin hỗ trợ ra quyết định nghiệp vụ giai đoạn 1.
1.2. Hoạt động 2: Thực hiện việc cung cấp thông tin tờ khai cho các tổ chức (Bộ, ngành,
ngân hàng và doanh nghiệp) và tiếp nhận xử lý thông tin từ Tổng cục Thuế.
a. Mục tiêu: Cung cấp thông tin của tờ khai và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan
cho các bên liên quan và tiếp nhận thông tin từ Tổng cục Thuế, tích hợp với dữ
liệu của ngành Hải quan để phục vụ công tác nghiệp vụ.
b. Phạm vi thực hiện
Triển khai Dự án xây dựng cung cấp
thông tin tờ khai từ các đơn vị (Bộ, ngành, ngân hàng và doanh nghiệp) và tiếp
nhận xử lý thông tin từ Tổng cục Thuế.
2. Nhóm 2: Hoạt động đảm bảo về hạ
tầng công nghệ thông tin
2.1. Mục tiêu: Kiến trúc hệ thống công nghệ thông tin hải quan, trang thiết bị, hạ tầng
mạng, trung tâm dữ liệu, đảm bảo an toàn thông tin, cơ chế chính sách để thực hiện
mục tiêu đến 2020 về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo cho việc
xây dựng, duy trì hoạt động và phát triển hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ
hải quan thống nhất.
2.2. Phạm vi thực hiện
- Kiến trúc hệ thống công nghệ thông
tin hải quan:
Hoàn thiện xây dựng và đưa vào sử dụng
hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin tập trung theo kiến trúc hướng dịch vụ và
phù hợp với kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin ngành Tài chính; xây dựng và
đưa vào sử dụng nền tảng cơ sở dữ liệu có khả năng xử lý lượng dữ liệu lớn và rất
lớn; Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của ngành Hải quan
theo mô hình ảo hóa với các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.
- Trang thiết bị:
Quy hoạch, đầu tư, trang bị hệ thống
máy chủ, lưu trữ, backup tại các Trung tâm dữ liệu của ngành đảm bảo đồng bộ,
đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung trên qui mô lớn; Trang bị đầy đủ, kịp thời máy
tính, thiết bị đầu cuối cho cán bộ, công chức hải quan, đồng thời được quản trị
tập trung theo vị trí, chức danh công việc, đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi
trường hiện đại, mọi lúc, mọi nơi; từng bước thay thế, nâng cấp các trang thiết
bị công nghệ thông tin đầu cuối trong ngành đến năm 2020 theo hướng ảo hóa nhằm
tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu triển
khai, vận hành phần mềm ứng dụng và thuận tiện trong việc áp dụng các chính
sách an ninh, an toàn.
- Hạ tầng mạng:
Tái thiết kế, nâng cấp thiết bị, mở rộng
băng thông... hệ thống mạng diện rộng (WAN) của cơ quan hải quan nằm trong tổng
thể hạ tầng truyền thông ngành Tài chính phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới trong
giai đoạn 2016-2020; cải tạo, nâng cấp toàn bộ hệ thống mạng LAN tại các đơn vị
hải quan theo thiết kế, qui hoạch mạng thống nhất trong toàn ngành; thực hiện
trang bị đầy đủ công cụ kiểm tra, giám sát cho các đơn vị hải quan và có cơ chế
phối hợp cụ thể nhằm để nâng cao chất lượng và tính chủ động trong công tác quản
trị mạng tại mỗi đơn vị hải quan.
- Trung tâm dữ liệu:
Triển khai, quản lý vận hành Hệ thống
một cửa quốc gia, hệ thống VNACS/VCIS và các hệ thống cốt lõi khác của ngành Hải
quan tập trung tại Trung tâm dữ liệu của ngành Hải quan; tiếp tục vận hành hạ tầng
kỹ thuật của Trung tâm dữ liệu chính của ngành Hải quan theo tiêu chuẩn Quốc tế
Tier-3 để đảm bảo đủ điều kiện để hoạt động ổn định 24/7, an ninh an toàn cao.
Các trung tâm dữ liệu cấp vùng được nâng cấp đạt tiêu chuẩn Quốc tế Tier-2; Đầu
tư, triển khai hệ thống dự phòng định hướng theo mô hình Active-Standby tất cả
các ứng dụng cốt lõi của ngành Hải quan; Nâng cao công tác quản lý, vận hành
Trung tâm dữ liệu của Tổng cục và các Trung tâm dữ liệu cấp vùng đảm bảo 24/7;
Nâng cấp Hệ thống bảo mật tại Trung tâm dữ liệu của ngành theo hướng tăng cường
nhiều lớp bảo vệ khác nhau và đồng bộ với việc thực hiện các qui trình quản lý,
vận hành chặt chẽ.
3. Nhóm 3: Triển khai kế hoạch
phát triển thống kê hải quan đến 2020
3.1. Mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng yêu cầu
quản lý hải quan đạt trình độ thống kê thuộc ASEAN 4.
3.2. Phạm vi thực hiện: Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thống kê hải quan đến
2020 trong đó tập trung các hoạt động:
- Hoàn thiện thể chế, văn bản hướng dẫn
thống kê hải quan theo chuẩn mực quốc tế.
- Nâng cấp hệ thống thống kê hàng hóa
xuất nhập khẩu để kết nối với Hệ thống VNACCS/VCIS.
4. Nhóm 4: Thực hiện các yêu cầu về hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị,
phương tiện phục vụ cải cách nghiệp vụ.
4.1. Hoạt động 1: Tiếp tục đầu tư hệ thống trụ sở làm việc, trang thiết bị hiện đại nhằm
phục vụ cho công tác quản lý hải quan.
a. Mục tiêu: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hiện đại
đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác hiện đại hóa ngành, tập trung nâng cao hiệu
quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
b. Phạm vi thực hiện
- Thực hiện đầu tư hệ thống trụ sở
làm việc của ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1425/QĐ-BTC
ngày 17/7/2015 của Bộ Tài chính, gồm 180 dự án (126 dự án xây mới và 54 dự án cải
tạo, mở rộng; với tổng vốn đầu tư dự kiến là 7.465 tỷ đồng.
- Quy hoạch hệ thống đầu tư xây dựng
Địa điểm kiểm tra tập trung giai đoạn 2016-2020, gồm 09 dự án xây mới, với tổng
mức đầu tư là 501 tỷ đồng.
- Tổ chức triển khai mua sắm hiện đại
hóa trang thiết bị:
+ Chi ứng dụng công nghệ thông tin.
+ Đầu tư, trang bị đầy đủ cơ sở vật
chất, trang thiết bị phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa
ASEAN.
+ Đầu tư đầy đủ các trang thiết bị cần
thiết cho Cổng thông tin điện tử Hải quan.
+ Đầu tư đầy đủ trang thiết bị phục vụ
hệ thống hỗ trợ cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
+ Trang thiết bị phục vụ công tác
phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại: Đề án nâng cao năng lực chống buôn lậu
đến 2020; Đề án Đầu tư trang bị và quản lý tàu thuyền ngành Hải quan giai đoạn
2011-2020.
+ Trang thiết bị phục vụ công tác kiểm
tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá
cảnh: Máy soi container, máy soi hàng hóa; Hệ thống camera giám sát; Hệ thống
soi chiếu phóng xạ; cân ô tô; Seal GPS và các trang thiết bị có liên quan;
Trang thiết bị đọc mã vạch; ... Đề án tăng cường năng lực quản lý rủi ro ngành
Hải quan.
+ Tăng cường máy móc thiết bị, phương
tiện cho Cục Kiểm định Hải quan thuộc Tổng cục Hải quan và các chi nhánh của Cục
Kiểm định Hải quan, các Chi cục Hải quan cửa khẩu để nâng cao năng lực phân
tích phân loại hàng hóa và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành theo ủy quyền
của các Bộ quản lý chuyên ngành đối với mặt hàng cụ thể trên cơ sở các tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
4.2. Hoạt động 2: Chuẩn hóa về quy trình, quy chế vận hành, sử dụng máy móc, trang thiết
bị
a. Mục tiêu: Nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, trang thiết bị
b. Phạm vi thực hiện
- Rà soát hoàn thiện quy trình quản
lý tài sản công.
- Rà soát hoàn thiện quy chế, quy
trình vận hành, khai thác các hệ thống máy móc, trang thiết bị.
- Nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu
mua sắm thông qua hệ thống các giải pháp.
- Tăng cường hiệu quả công tác đầu
tư, quản lý và sử dụng máy soi ngành Hải quan.
- Hoàn thiện công tác lập, thẩm định,
thanh quyết toán và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trong ngành
Hải quan.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý
kỹ thuật - khai thác phương tiện đường thủy ngành Hải quan.
5. Nhóm 5: một số hoạt động chính
áp dụng phương thức điện tử trong quản lý, điều hành và quản trị nội bộ
5.1. Hoạt động 1: Xây dựng thể chế tạo cơ sở pháp lý ứng dụng công nghệ thông tin trong
xử lý tự động các giao dịch nội bộ trên cơ sở hồ sơ, văn bản điện tử và thực hiện
trao đổi thông tin, dữ liệu, văn bản điện tử.
a. Mục tiêu: Xây dựng cơ sở pháp lý ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý tự động
đối với các giao dịch nội bộ và trao đổi dữ liệu, văn bản điện tử nhằm tăng tốc
độ xử lý công việc của công chức hải quan.
b. Phạm vi thực hiện
- Xây dựng các văn bản pháp luật đảm
bảo đầy đủ cơ sở pháp lý triển khai ứng dụng công nghệ thông tin.
- Xây dựng đầy đủ quy trình, quy chế
cho việc quản lý, vận hành và phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin.
- Chuẩn hóa các tiêu chí, chuẩn trao
đổi dữ liệu điện tử với các bên liên quan trên cơ sở tuân thủ các tiêu chuẩn quốc
tế (WCO data set...).
- Xây dựng, thống nhất chuẩn trao đổi
dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan và cung cấp chuẩn trao đổi
chứng từ điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp thực hiện Cơ chế một cửa.
- Xây dựng, triển khai chính sách đảm
bảo an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống thông tin ngành Hải quan.
5.2. Hoạt động 2: Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý văn bản, công việc và điều
hành điện tử.
a. Mục tiêu: Toàn bộ tiến trình tiếp nhận, chỉ đạo thực hiện, xử lý, và hoàn thành
1 công việc (nghiệp vụ, hành chính) của cơ quan hải quan đều được quản lý bởi hệ
thống quản lý văn bản, công việc và điều hành điện tử.
b. Phạm vi thực hiện
- Quy trình thủ tục: chuẩn hóa quy trình
sử dụng hệ thống mới.
- Ứng dụng công nghệ thông tin, công
nghệ mới: Triển khai hệ thống mới đảm bảo các tính năng:
+ Quản lý văn bản đến, giao việc, văn
bản đi của cơ quan hải quan
+ Quản lý toàn bộ tiến trình xử lý (chỉ
đạo, giao việc, giải quyết công việc, theo dõi tình hình xử lý và kết quả hoàn
thành) đối với văn bản đến, xử lý công việc, soạn thảo văn bản thông qua hồ sơ
công việc.
+ Hỗ trợ điều hành công việc của lãnh
đạo thông qua việc lập lịch công tác, giao việc,...
+ Liên thông dữ liệu, văn bản điện tử
trong và ngoài ngành.
+ Cung cấp báo cáo thống kê để lãnh đạo
theo dõi được toàn bộ hoạt động xử lý văn bản, công việc của cơ quan.
5.3. Hoạt động 3: Xây dựng và triển khai hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả công việc của
một số lĩnh vực nghiệp vụ hải quan.
a. Mục tiêu: Hệ thống sẽ phục vụ cho nhiều yêu cầu khác nhau của lãnh đạo hải quan
các cấp việc quản lý, đánh giá hiệu quả công việc.
b. Phạm vi thực hiện
- Xây dựng và ban hành hệ thống chỉ số
đánh giá kết quả công việc một số lĩnh vực nghiệp vụ hải quan chủ yếu.
- Tổ chức đo thời gian giải phóng
hàng cấp ngành.
5.4. Hoạt động 4: Xây dựng và triển khai Hệ thống hỗ trợ nâng cao năng lực xử lý công việc
cho cán bộ, công chức hải quan.
a. Mục tiêu: Hỗ trợ cho cán bộ, công chức hải quan trong hoạt động hàng ngày.
b. Phạm vi thực hiện
- Xây dựng đề án phát triển Hệ thống
hỗ trợ nâng cao năng lực xử lý công việc cho công chức hải quan.
- Xây dựng Hệ thống công nghệ thông
tin hỗ trợ công chức hải quan bao gồm các chức năng: cung cấp thông tin về tổ
chức, quy trình, nghiệp vụ..., các chức năng hỗ trợ công chức trong quá trình
thực thi công vụ, các thông tin hỗ trợ lãnh đạo hải quan các cấp trong việc ra
các quyết định quản lý...
- Ứng dụng Hệ thống trong ngành.
5.5. Hoạt động 5: Ứng dụng công nghệ trực tuyến trong giao ban, hội thảo, đào tạo, tập
huấn.
a. Mục tiêu: Tiết kiệm chi phí đi lại, tổ chức; nâng cao hiệu quả chất lượng đối với
những công việc cần có nhiều hoạt động theo nhóm làm việc.
b. Phạm vi thực hiện
Đầu tư cơ sở vật chất để triển khai
thực hiện giao ban, hội thảo, tập huấn ứng dụng công nghệ trực tuyến (thuê dịch
vụ hội nghị trực tuyến).
5.6. Hoạt động 6: Rà soát, đánh giá, nâng cao hiệu quả, triển khai mở rộng Hệ thống quản
lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2008 vào hoạt động của cơ
quan hải quan các cấp.
a. Mục tiêu: Nâng cao chất lượng, hiệu suất hoạt động của cơ quan hải quan đảm bảo
phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, quy định của
pháp luật và thực tế tại Tổng cục Hải quan.
b. Phạm vi thực hiện
- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực
cho cán bộ làm công tác ISO.
- Kiểm tra, đánh giá, đề xuất việc
xây dựng, áp dụng, duy trì, mở rộng Hệ thống quản lý chất lượng trong các đơn vị
hải quan.
- Chuẩn hóa lại các nội dung đã triển
khai; mở rộng triển khai hệ thống quản lý chất lượng trong toàn bộ các công việc
chính trong các đơn vị hải quan.
- Xây dựng mô hình ISO điện tử trong
áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISCO 9001 - 2008 vào hoạt động của cơ quan
hải quan các cấp.
5.7. Hoạt động 7: Xây dựng Đề án quản trị Kế hoạch và thực hiện quản trị tiến độ, lộ
trình đề ra của Kế hoạch sau khi được phê duyệt.
a. Mục tiêu: Thực hiện thành công Kế hoạch nhằm đạt được các mục tiêu mà Chiến lược
phát triển Hải quan đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng các
yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, gia nhập.
b. Phạm vi thực hiện
- Xây dựng đề án quản trị Kế hoạch cải
cách hiện đại hóa, đưa ra các phương pháp luận, hệ thống công cụ và phương thức
quản trị, tổ chức triển khai, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch cải cách, phát
triển và hiện đại hóa ngành Hải quan;
- Tổ chức thực hiện Đề án.
5.8. Hoạt động 8: Tham mưu Bộ Tài chính các nội dung Chiến lược phát triển Hải quan giai
đoạn 2021-2030
a. Mục tiêu: Đề xuất, dự thảo Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, trình
Chính phủ phê duyệt, ban hành.
b. Phạm vi thực hiện
- Thực hiện rà soát, đánh giá kết quả
thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ
ban hành theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011.
- Tổ chức dự thảo Chiến lược phát triển
Hải quan đến năm 2030.
- Tổ chức lấy ý kiến, thẩm định đối với
Dự thảo.
- Thực hiện các thủ tục cần thiết
trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Phần IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện: Sử dụng nguồn
vốn ODA và các nguồn hỗ trợ khác, trong trường hợp không có những nguồn nêu
trên thì sử dụng kinh phí đảm bảo hoạt động.
2. Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước,
Văn phòng Bộ, Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế, Vụ Ngân sách Nhà nước, Cục Kế hoạch
Tài chính, Viện Chiến lược và chính sách Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Tin
học và Thống kê tài chính và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ có trách nhiệm phối
hợp với Tổng cục Hải quan trong việc xây dựng kế hoạch hàng năm bảo đảm đồng bộ
với chương trình hiện đại hóa ngành Hải quan, bố trí đủ nguồn kinh phí thực hiện
và phối hợp thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.
3. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm:
- Tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch này
đến các cấp lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức hải quan trong ngành, cộng đồng
doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan để thực hiện có hiệu quả.
- Cụ thể hóa, cập nhật, điều chỉnh mục
tiêu, hoạt động hàng năm thực hiện định hướng đề ra cho phù hợp với điều kiện
triển khai; điều phối các hoạt động để thực hiện tốt Kế hoạch; chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra, giám sát các đơn vị hải quan các cấp thực hiện Kế hoạch này, hàng năm
tổng hợp tình hình báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành
và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan trong việc thực hiện Kế hoạch
này.
- Định kỳ tiến hành việc sơ kết, tổng
kết tình hình thực hiện Kế hoạch này, kịp thời động viên khuyến khích các đơn vị,
cá nhân thực hiện tốt, đồng thời chỉ ra những tồn tại yếu kém để khắc phục.
STT
|
Hoạt động
|
Hoạt động chi tiết
|
Sản phẩm
|
Lộ trình
|
Đơn vị chủ trì
|
Đơn vị phối hợp
|
Ghi chú
|
VI.1. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ TRỌNG
TÂM
1. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ trọng tâm
1:
1.1. Nhóm 1: Các hoạt động thực hiện để tiếp tục
hoàn thiện cơ sở pháp lý
|
1
|
1.1.1. Hoạt động 1: Xây dựng hệ thống văn
bản quy định chi tiết Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016
|
1. Xây dựng nghị định quy định chi tiết thi hành Luật
Thuế XK, Thuế NK. sửa đổi 2016;
|
Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thuế
XK, Thuế NK sửa đổi 2016.
|
2016
|
Cục Thuế XNK
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
2. Xây dựng Nghị định về điều kiện kinh doanh bán
hàng miễn thuế;
|
Nghị định về kinh doanh bán hàng miễn thuế.
|
2016
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
2
|
1.1.2. Hoạt động 2: Sửa đổi, bổ sung hệ thống
văn bản quy định chi tiết Luật Hải quan theo quy định tại Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật
|
1. Rà soát sửa đổi, bổ sung Nghị định số
08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Hải quan
quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;
|
Nghị định thay thế Nghị định số 08/2015/NĐ-CP
ngày 21/01/2015 của Chính phủ.
|
2016
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
2. Rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ
Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải
quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;
|
Thông tư sửa đổi, bổ sung/ thay thế hoặc bãi bỏ
Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
|
2016
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
3. Xây dựng Nghị định quy định về điều kiện kinh
doanh trong lĩnh vực hải quan;
|
Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong
lĩnh vực hải quan.
|
2016
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
4. Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử;
|
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy
chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử.
|
2016
|
Cục CNTT &TKHQ
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
5. Xây dựng Nghị định quy định về phân loại hàng
hóa;
|
Nghị định quy định về phân loại hàng hóa.
|
2016
|
Cục Thuế XNK
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
6. Xây dựng Nghị định quy định về trị giá hải quan
đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
|
Nghị định quy định về trị giá hải quan đối với
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
|
2016
|
Cục Thuế XNK
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
3
|
1.1.3. Hoạt động 3: Xây dựng các văn bản quy
phạm pháp luật để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia
|
1. Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội
địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia;
|
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục
điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu
khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
|
2016
|
Cục CNTT &TKHQ
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
2. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng
Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực
hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng
đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa
học và Công nghệ;
|
Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Khoa học
và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với thủ tục kiểm
tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thuộc
trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
|
2016
|
Cục CNTT &TKHQ
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
3. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây
dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông hướng
dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với các thủ tục hành chính thuộc
lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông;
|
Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Thông
tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với các
thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
|
2016
|
Cục CNTT &TKHQ
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
4. Phối hợp với Bộ Công thương xây dựng Thông tư
liên tịch hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia;
|
Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Công
thương hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.
|
2016
|
Cục CNTT &TKHQ
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
4
|
1.1.4. Hoạt động 4: Nội luật hóa và triển khai
thực hiện các cam kết của các Hiệp định theo lộ trình Việt Nam đã ký kết
|
1. Rà soát, nội luật hóa các cam kết thuộc lĩnh vực
Hải quan tại các Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định thương mại tự
do và các Hiệp định có liên quan Việt Nam đã tham gia, ký kết;
|
Nội luật hóa các cam kết quốc tế đã được rà soát.
|
2016-2020 (Theo lộ
trình cam kết)
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
2. Xây dựng Cơ chế kiểm soát về xuất xứ, bảo hộ
quyền sở hữu trí tuệ, chế độ quản lý đối với các loại hình hàng hóa, phương
tiện vận tải phù hợp cam kết theo đúng lộ trình;
|
Thông tư hướng dẫn kiểm tra xác định xuất xứ hàng
hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt
Nam đã ký kết;
|
2016
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
Thông tư hướng dẫn Cơ chế kiểm soát bảo hộ quyền
sở hữu trí tuệ;
|
2016
|
Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý C/O:
- Số liệu C/O nhập khẩu theo mẫu C/O, theo mặt
hàng, theo thị trường (số lượng, kim ngạch,...);
- Phần mềm theo dõi quá trình xác minh C/O;
- Phần mềm chữ ký, mẫu dấu của cơ quan cấp.
|
2016-2017
|
Cơ sở dữ liệu quản lý sở hữu trí tuệ:
- Hệ thống dữ liệu về sở hữu trí tuệ;
- Hệ thống phần mềm theo dõi thời hạn hiệu lực của
đơn bảo hộ.
|
2016-2017
|
5
|
1.1.5. Hoạt động 5: Xây dựng, hoàn thiện
cơ sở pháp lý để thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa tại các
địa điểm kiểm tra tập trung cho nhiều Chi cục Hải quan.
|
1. Xây dựng Nghị định quy định về đại lý làm thủ
tục hải quan, kho bãi, địa điểm kiểm tra, giám sát hải quan trong đó có quy định
kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa tại các địa điểm kiểm tra tập trung
cho nhiều Chi cục;
|
Nghị định quy định về đại lý làm thủ tục hải
quan, kho bãi, địa điểm kiểm tra, giám sát hải quan trong đó có quy định về
thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa tại các địa điểm kiểm tra
tập trung cho nhiều Chi cục.
|
2016
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
2. Xây dựng, triển khai Đề án “Khu vực kiểm tra,
kiểm soát và lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế”;
|
Hoàn thành Đề án;
|
2016
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
Dự kiến xây dựng Khu vực kiểm tra, kiểm soát và
lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu 03 Cục Hải quan Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào
Cai trong năm 2017-2018;
|
2016-2017
|
Tiến hành đánh giá việc thực hiện thí điểm trước
khi áp dụng tại các cửa khẩu đường biển, đường bộ thuộc Cục Hải quan các tỉnh,
thành phố khác.
|
2017-2019
|
6
|
1.1.6. Hoạt động 6: Hoàn thiện hệ thống
pháp luật hải quan, pháp luật về Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý
thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
|
1. Đề xuất chương trình xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật hàng năm;
|
Quyết định của Bộ Tài chính ban hành Chương trình
xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm.
|
2016-2020
|
Vụ Pháp chế
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
2. Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng văn
bản quy phạm pháp luật hàng năm;
|
Các văn bản quy phạm pháp luật hải quan sửa đổi,
bổ sung phù hợp thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo nền tảng pháp lý để
xây dựng, mở rộng, nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin.
|
2016-2020
|
Đơn vị được giao
chủ trì soạn thảo
|
Vụ Pháp chế, các
đơn vị có liên quan
|
|
3. Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm
tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật hàng năm;
|
Kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa;
|
2016-2020
|
Vụ Pháp chế
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn;
|
Báo cáo kết quả.
|
7
|
1.1.7. Hoạt động 7: Rà soát, kiến nghị điều
chỉnh thủ tục hành chính trong các lĩnh vực có liên quan đến thủ tục hải quan
theo hướng đơn giản, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi tốt nhất
cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi tiếp cận, giải quyết các dịch vụ
công.
|
1. Rà soát nội dung toàn bộ văn bản quy phạm pháp
luật, thủ tục hành chính của các Bộ ngành có tác động đến hoạt động của ngành
Hải quan, thống kê các văn bản, nội dung chồng chéo, thiếu thống nhất để kiến
nghị sửa đổi, hợp nhất;
|
Báo cáo rà soát và tổng hợp vướng mắc, đề xuất
phương án xử lý vướng mắc.
|
2016-2020
|
Vụ Pháp chế
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống văn bản
liên quan đến quản lý chuyên ngành, xây dựng cơ chế cập nhật thường xuyên,
liên tục phục vụ công tác triển khai thực hiện.
|
Hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản thủ tục hành chính
trong lĩnh vực hải quan và các lĩnh vực có liên quan.
|
2016-2020
|
Vụ Pháp chế
|
Cục CNTT
&TKHQ, Cục GSQL và các đơn vị liên quan
|
|
1. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ trọng tâm
1:
1.2. Nhóm 2: Các hoạt động cần thực hiện để triển
khai rộng và sâu hơn thủ tục hải quan điện tử
|
8
|
1.2.1. Hoạt động 1: Chuẩn hóa quy trình thủ
tục hải quan, xác định các yêu cầu nghiệp vụ tạo nền tảng để tăng cường ứng dụng
CNTT và ứng dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại
|
1. Chuẩn hóa quy trình thủ tục đáp ứng yêu cầu mở
rộng, nâng cấp VNACCS/VCIS và các hệ thống liên quan, tiếp tục điện tử hóa hồ
sơ hải quan, tiến dần đến mục tiêu phi giấy tờ trong bộ hồ sơ hải quan, mở rộng
áp dụng phương thức điện tử đối với các thủ tục, hoạt động quản lý hải quan
hiện chưa được thực hiện bằng phương thức điện tử đáp ứng yêu cầu thông quan
điện tử;
|
Quy trình thay thế quyết định số 1966/QĐ-TCHQ;
|
2016
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
Các quy trình quản lý khác.
|
2017-2018
|
Đơn vị được giao
chủ trì
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2. Xây dựng các yêu cầu nghiệp vụ để phục vụ thiết
kế, mở rộng, nâng cấp chức năng trên hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS
và các hệ thống có liên quan nhằm triển khai các quy định đã sửa đổi, bổ
sung;
|
2.1. Yêu cầu nghiệp vụ xây dựng phân hệ thực hiện
thủ tục quá cảnh;
|
2016-2020
|
Cục GSQL
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2.2. Yêu cầu nghiệp vụ xây dựng phân hệ quản lý
hàng hóa tại cảng biển;
|
2016-2020
|
Cục GSQL
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2.3. Yêu cầu nghiệp vụ xây dựng phân hệ quản lý
hàng hóa đặc thù;
|
2016-2020
|
Cục GSQL
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2.4. Yêu cầu nghiệp vụ xây dựng phân hệ quản lý
hàng hóa lưu giữ tại các kho và khu vực ưu tiên;
|
2016-2020
|
Cục GSQL
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2.5. Yêu cầu nghiệp vụ xây dựng phân hệ quản lý
miễn, giảm, hoàn thuế;
|
2016-2020
|
Cục Thuế XNK
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2.6. Yêu cầu nghiệp vụ nâng cấp hệ thống
VNACCS/VCIS;
|
2016-2017
|
Cục GSQL
|
CNTT& TKHQ,
các đơn vị liên quan
|
|
2.7. Yêu cầu nghiệp vụ nâng cấp hệ thống kế toán
thuế XNK;
|
2016-2020
|
Cục Thuế XNK
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2.8. Yêu cầu nghiệp vụ nâng cấp hệ thống GTT,
MHS;
|
2016-2020
|
Cục Thuế XNK
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2.9. Yêu cầu nghiệp vụ nâng cấp hệ thống dự báo số
thu;
|
2016-2020
|
Cục Thuế XNK
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2.10. Yêu cầu nghiệp vụ nâng cấp hệ thống thông
quan điện tử V5;
|
2016-2020
|
Cục GSQL
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2.11. Yêu cầu nghiệp vụ nâng cấp, triển khai Hệ
thống quản lý rủi ro phục vụ triển khai dự án VNACCS/VCIS;
|
2015-2019
|
Cục QLRR
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2.12. Yêu cầu nghiệp vụ nâng cấp hệ thống thông
tin tình báo;
|
2015-2019
|
Cục ĐTCBL
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2.13. Yêu cầu nghiệp vụ nâng cấp hệ thống thông
tin kiểm tra sau thông quan;
|
2016-2020
|
Cục KTSTQ
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2.14. Yêu cầu nghiệp vụ nâng cấp hệ thống thống
kê hàng hóa xuất nhập khẩu.
|
2015-2017
|
Cục CNTT &TKHQ
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
3. Rà soát, đánh giá nhu cầu/việc sử dụng các
trang thiết bị để điều chỉnh/bổ sung phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng đơn
vị;
|
Báo cáo, đánh giá và đề xuất phương án.
|
2016
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
4. Nghiên cứu công nghệ, thiết bị mới để ứng dụng
trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan;
|
Báo cáo, đánh giá và đề xuất phương án.
|
2016-2020
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
9
|
1.2.2. Hoạt động 2: Xây dựng bổ sung hệ thống
công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu áp dụng phương thức điện tử trong thực hiện
một số thủ tục, hoạt động quản lý hải quan mà Hệ thống VNACCS/VCIS hiện chưa
triển khai
|
1. Xây dựng phân hệ thực hiện thủ tục quá cảnh;
|
Phân hệ quản lý đối với thủ tục quá cảnh được xây
dựng.
|
2017-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2.Xây dựng phân hệ quản lý hàng hóa tại cảng biển;
|
Phân hệ quản lý hàng hóa tại cảng biển được xây dựng
và kết nối thành công với các cơ quan kinh doanh cảng.
|
2016-2017
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
3. Xây dựng phân hệ quản lý hàng hóa đặc thù;
|
Phân hệ quản lý hàng hóa đặc thù được xây dựng.
|
2016-2020
|
Cực CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
4. Xây dựng phân hệ quản lý hàng hóa lưu giữ tại
các kho và khu vực ưu tiên;
|
Phân hệ quản lý hàng hóa lưu giữ tại các kho và
khu vực ưu tiên được xây dựng.
|
2018-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
5. Xây dựng phân hệ quản lý miễn, giảm, hoàn thuế;
|
Phân hệ quản lý miễn, giảm, hoàn thuế được xây dựng.
|
2015-2019
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
6. Xây dựng phân hệ tiếp nhận và xử lý thông tin
trước về hành khách và hàng hóa trên các chuyến bay thương mại phục vụ mở rộng
thông quan điện tử và quản lý rủi ro;
|
Phân hệ tiếp nhận và xử lý thông tin trước về
hành khách và hàng hóa trên các chuyến bay thương mại phục vụ mở rộng thông
quan điện tử và quản lý rủi ro được xây dựng.
|
2015-2017
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
10
|
1.2.3. Hoạt động 3: Triển khai đầy đủ,
nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS
|
1. Thực hiện duy trì, giám sát và vận hành Hệ thống
VNACCS/VCIS ổn định, an ninh, an toàn 24/7;
|
Hệ thống VNACCS/VCIS được vận hành ổn định.
Các trang thiết bị phục vụ cho quản lý, vận hành
hệ thống ổn định được trang bị đầy đủ.
|
Thường xuyên liên
tục
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2. Đầu tư mua sắm nâng cao năng lực quản lý, giám
sát, điều hành 24/7 và cơ sở vật chất của Trung tâm dữ liệu ngành Hải quan;
|
Hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ quản lý,
giám sát, điều hành và cơ sở vật chất của Trung tâm dữ liệu ngành Hải quan được
hoàn thiện.
|
Tháng 12/2017 bắt
đầu thực hiện mua sắm
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
3. Đảm bảo việc mua sắm đầy đủ, kịp thời các dịch
vụ hỗ trợ, bảo trì, bảo hành Hệ thống VNACCS/VCIS và hạ tầng kỹ thuật;
|
Mua sắm đầy đủ, kịp thời các dịch vụ hỗ trợ, bảo
trì, bảo hành Hệ thống VNACCS/VCIS và hạ tầng kỹ thuật.
|
2016-2017
|
Cục CNTT &TKHQ
|
Cục Tài vụ -quản
trị
|
|
4. Chuẩn bị nội dung đề xuất và điều kiện cần thiết
để triển khai hiệu quả giai đoạn 2 của Dự án VNACCS/VCIS khi được Chính phủ
Nhật Bản phê duyệt;
|
Bảng đề xuất triển khai Dự án VNACCS/VCIS giai đoạn
2 và tổ chức triển khai khi được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
5. Nghiên cứu, đánh giá mô hình kết nối hệ thống
VNACCS/VCIS và các hệ thống liên quan để đề xuất các giải pháp công nghệ
thông tin tiên tiến nhất phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ;
|
Bảng đánh giá và đề xuất mô hình kết nối hệ thống
VNACCS/VCIS và các hệ thống liên quan để đề xuất các giải pháp công nghệ
thông tin tiên tiến.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
6. Tăng cường đào tạo, hướng dẫn cho công chức
trong toàn Ngành, cộng đồng doanh nghiệp về sử dụng Hệ thống VNACCS/VCIS, đảm
bảo thực hiện đúng quy trình, chức năng, nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả khai
thác, sử dụng Hệ thống VNACCS/VCIS;
|
Giáo trình đào tạo; Các khóa đào tạo.
|
2016-2017
|
Cục GSQL chủ trì nội
dung đào tạo sử dụng chức năng Hệ thống; Cục CNTT & TKHQ chủ trì nội dung
hướng dẫn vận hành Hệ thống
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
7. Nâng cao chất lượng hỗ trợ người sử dụng trong
Hải quan và doanh nghiệp trong việc sử dụng Hệ thống VNACCS/VCIS;
|
Bộ phận Helpdesk được nâng cao chất lượng.
|
2016-2017
|
Cục GSQL chủ trì nội
dung đào tạo; Cục CNTT & TKHQ chủ trì nội dung đầu tư, mua sắm trang thiết
bị phục vụ hỗ trợ người sử dụng
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
8. Triển khai thành công Dự án JICA hỗ trợ kỹ thuật
nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS giai đoạn
2015-2018;
|
Các chức năng của hệ thống được sử dụng hiệu quả.
|
2015-2018
|
Ban Quản lý dự án
JICA hỗ trợ kỹ thuật nâng cao hiệu quả Hệ thống VNACCS/VCIS
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
11
|
1.2.4. Hoạt động 4: Hoàn thành việc nâng cấp
một số hệ thống CNTT vệ tinh đáp ứng yêu cầu quy định mới và theo kiến trúc
hướng dịch vụ (SOA), phù hợp với kiến trúc tổng thể CNTT ngành Tài chính
|
1. Nâng cấp hệ thống Kế toán thuế XK, NK;
|
Hệ thống kế toán thuế XK, NK được nâng cấp.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2. Nâng cấp các hệ thống vệ tinh (thông quan điện
tử, GTT, MHS);
|
Các hệ thống vệ tinh (thông quan điện tử, GTT,
MHS) được nâng cấp.
|
2018-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
3. Nâng cấp, triển khai hệ thống quản lý rủi ro
phục vụ triển khai dự án VNACCS/VCIS;
|
Hệ thống quản lý rủi ro được nâng cấp.
|
2015-2019
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
4. Nâng cấp hệ thống thông tin tình báo, hệ thống
kiểm tra sau thông quan để kết nối, xử lý thông tin với Hệ thống VNACCS/VCIS
và các hệ thống xử lý tập trung ngành Hải quan;
|
Hệ thống thông tin tình báo, hệ thống kiểm tra
sau thông quan để kết nối, xử lý thông tin với Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ
thống xử lý tập trung ngành Hải quan được nâng cấp.
|
2015-2019
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
5. Nâng cấp hệ thống dự báo số thu;
|
Hệ thống dự báo số thu được nâng cấp.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
12
|
1.2.5. Hoạt động 5: Thực hiện kết nối,
trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử về hàng hóa tại cảng nhằm giảm thiểu
hồ sơ giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hàng hóa, container
tại các cảng biển
|
1. Xây dựng văn bản pháp lý đảm bảo việc thực hiện
kết nối, trao đổi thông tin của các cơ quan tại cảng biển;
|
Các văn bản pháp lý đảm bảo việc thực hiện kết nối,
trao đổi thông tin của các cơ quan tại cảng biển được ban hành.
|
2016-2017
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2. Xây dựng quy trình kết nối, trao đổi thông
tin;
|
Các quy trình kết nối trao đổi thông tin được xây
dựng.
|
2016-2017
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
3. Đào tạo, tập huấn, thông tin, tuyên truyền cho
cán bộ, công chức Hải quan và các đơn vị liên quan;
|
Các khóa đào tạo, tập huấn được tổ chức, đăng tải
bài viết, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin và đăng tải trên các cơ quan
thông tấn, báo chí.
|
2016-2018
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị và Bộ,
ngành liên quan
|
|
4. Triển khai thí điểm trao đổi thông tin bằng phương
thức điện tử về hàng hóa tại cảng biển;
|
Triển khai thí điểm thành công.
|
2016-2018
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị và Bộ,
ngành liên quan
|
|
5. Triển khai chính thức trao đổi thông tin bằng
phương thức điện tử tại cảng biển;
|
Trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử tại cảng
biển thành công.
|
2016-2019
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị và Bộ,
ngành liên quan
|
|
1. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ trọng tâm
1:
1.3. Nhóm 3: Các hoạt động triển khai, vận hành
thông suốt Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean
|
13
|
1.3. Hoạt động: Xây dựng và triển khai Cơ
chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
|
1. Xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một
cửa giai đoạn 2016-2020;
|
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch
tổng thể triển khai Cơ chế một cửa giai đoạn 2016-2020.
|
2016
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
2. Mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia;
|
Hoàn thành triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc
các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời càng biển, cảng thủy
nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; các thủ tục đối với phương tiện vận tải
vào, rời cảng hàng không thông qua Cơ chế một cửa quốc gia;
|
2016-2018
|
Cục CNTT& TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan; các Bộ, ngành liên quan
|
|
Công bố các thủ tục hành chính đã triển khai trên
Cơ chế một cửa quốc gia được mở rộng về phạm vi và đối tượng;
|
2016
|
Công bố các thủ tục các Bộ, ngành đã đăng ký được
triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia;
|
2016
|
Hoàn thành triển khai các thủ tục hành chính thuộc
danh mục của các Bộ: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và
Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Bộ Y tế;
|
2016-2018
|
Hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành
chính của các Bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;
người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một
cửa quốc gia;
|
2016-2020
|
Triển khai sử dụng các chứng từ điện tử (giấy
phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được
cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia khi thực hiện các thủ tục hành chính
khác có liên quan.
|
2016-2020
|
3. Triển khai mở rộng hệ thống Tiếp nhận, xử lý
thông tin lược khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) đối với tất cả cảng biển và
cảng hàng không trên phạm vi toàn quốc;
|
Áp dụng triển khai e- Manifest tại các cảng biển và
các cảng hàng không trên phạm vi toàn quốc.
|
2016-2020
|
Cục GSQL
|
CNTT& TKHQ,
các đơn vị liên quan
|
|
4. Xây dựng, nghiên cứu triển khai kết nối với
Asean trong khuôn khổ các Nghị định thư số 2 và số 7 về quá cảnh;
|
Triển khai tại cặp 03 cửa khẩu có chung điểm kiểm
tra với Lào (Cầu Treo, Lao Bảo) và Campuchia (Mộc Bài);
|
2016-2017
|
Cục GSQL
|
CNTT& TKHQ,
các đơn vị liên quan
|
|
Triển khai tại một số đơn vị hải quan có lưu lượng
hàng hóa lớn như Hải Phòng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.
|
5. Kết nối Cơ chế một cửa ASEAN, trao đổi và công
nhận lẫn nhau về các chứng từ thương mại được cấp dưới dạng điện tử với các nước
ASEAN; kết nối trao đổi thông tin với một số đối tác ngoài ASEAN;
|
Tham gia kết nối Cơ chế một cửa ASEAN ngay khi 10
nước thành viên phê chuẩn Nghị định thư về khung pháp lý để thực hiện Cơ chế
một cửa ASEAN;
|
2016
|
Cục CNTT& TKHQ
|
- Các đơn vị liên quan
- Các Bộ, ngành
liên quan
|
|
Thực hiện trao đổi và công nhận lẫn nhau về các
chứng từ thương mại được cấp dưới dạng điện tử với các nước ASEAN và các trao
đổi, xử lý chứng từ thương mại với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo
các thỏa thuận và cam kết quốc tế;
|
2016-2020
|
Triển khai hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,
Liên minh kinh tế Á-Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Acmenia, Kyrgyzstan) về kết
nối và trao đổi thông tin trong khuôn khổ hợp tác hải quan, thực hiện Hiệp định
tạo thuận lợi thương mại (TF), tạo thuận lợi cho hàng Việt Nam xuất khẩu và
kiểm soát hàng nhập khẩu.
|
2018-2020
|
6. Tích hợp các dịch vụ hỗ trợ triển khai Cơ chế
một cửa quốc gia;
|
Dịch vụ thanh toán điện tử đối với các khoản thuế,
phí, lệ phí được áp dụng đối với 100% các thủ tục hành chính trên cổng thông
tin một cửa quốc gia;
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước
trong quá trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia;
|
Dịch vụ báo cáo và chia sẻ dữ liệu thống kê
(report) về các thủ tục hành chính triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc
gia;
|
Dịch vụ lưu trữ chứng từ điện tử hỗ trợ doanh
nghiệp.
|
1. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ trọng tâm
1:
1.4. Nhóm 4: Các hoạt động nâng cao hiệu quả
kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa XK, NK và hoạt động kiểm tra chuyên
ngành
|
14
|
1.4. Các hoạt động nâng cao hiệu quả kiểm
tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động kiểm tra
chuyên ngành
|
1. Xây dựng mô hình địa điểm kiểm tra hồ sơ tập
trung cho nhiều Chi cục Hải quan;
|
Mô hình địa điểm kiểm tra hồ sơ tập trung cho nhiều
Chi cục Hải quan.
|
2016-2018
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
2. Hoàn thiện mô hình địa điểm kiểm tra thực tế
hàng hóa tập trung cho nhiều Chi cục Hải quan;
|
Mô hình kiểm tra thực tế hàng hóa tập trung cho
nhiều Chi cục Hải quan được hoàn thiện.
|
2018-2020
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
3. Mở rộng thực hiện soi chiếu hàng hóa trước và
sau thông quan;
|
Các Chi cục Hải quan triển khai soi chiếu hàng
hóa trước và sau thông quan.
|
2018-2020
|
Cục GSQL
|
Cục QLRR và các
đơn vị có liên quan
|
|
4. Chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành sửa đổi hệ
thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định
2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (87 văn bản);
|
Làm việc với các Bộ ngành về các giải pháp triển
khai Quyết định 2026/QĐ-TTg, kiến nghị sửa đổi hoàn thiện hệ thống văn bản
QPPL;
|
2016
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
Các văn bản kiểm tra chuyên ngành liên quan đến
lĩnh vực hải quan được sửa đổi, bổ sung;
|
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực
hiện Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
|
5. Chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành xây dựng
và ban hành đầy đủ Danh mục các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành
theo hướng thu hẹp diện kiểm tra chuyên ngành, chi tiết mã số HS; Ban hành
các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng
kiểm tra chuyên ngành làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
|
Danh mục các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên
ngành.
|
2017
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
6. Chủ động phối hợp với các Bộ đẩy mạnh, khuyến
khích tổ chức đánh giá sự phù hợp tham gia thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối
với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng xã hội hóa để bổ sung cơ sở kiểm
tra, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tiết
kiệm nguồn lực đầu tư của Nhà nước;
|
Thành lập cơ sở kiểm tra chuyên ngành theo hướng
xã hội hóa.
|
2017
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
7. Kiến nghị các Bộ xây dựng nguyên tắc kiểm tra
chuyên ngành đảm bảo đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo
thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm chi phí, rút ngắn thời gian
thông quan hàng hóa;
|
Nguyên tắc kiểm tra chuyên ngành theo phương pháp
mới.
|
2017
|
Cục GSQL
|
Cục QLRR và các
đơn vị có liên quan
|
|
8. Triển khai hoạt động Kiểm định Hải quan
|
Triển khai hoạt động Cục Kiểm định Hải quan: Quyết
định của Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Cục Kiểm định Hải quan;
|
2016
|
Vụ TCCB
|
Cục Kiểm định hải
quan, (Trung tâm PTPL)
|
|
Thành lập một số Chi cục Kiểm định trực thuộc Cục
kiểm định trụ sở đặt tại một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố lớn: Quyết định
thành lập một số Chi cục Kiểm định trực thuộc Cục kiểm định tại một số Cục Hải
quan tỉnh, thành phố lớn;
|
2016
|
Vụ TCCB
|
Cục Kiểm định hải
quan, (Trung tâm PTPL)
|
|
Triển khai các phòng kiểm định di động để phục vụ
công tác kiểm định.
|
2016
|
Cục Kiểm định hải
quan, (Trung tâm PTPL)
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
9. Mở rộng thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại
các địa điểm kiểm tra tập trung tại cửa khẩu;
|
Quyết định thành lập bổ sung các địa điểm kiểm
tra chuyên ngành tập trung tại cửa khẩu.
|
2016-2017
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
10. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ
xây dựng và định kỳ rà soát sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa rủi ro về
chính sách quản lý trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phục vụ công tác kiểm soát
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
|
Danh mục hàng hóa rủi ro về chính sách quản lý
trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
|
2016-2020
|
Cục QLRR
|
Cục GSQL và các
đơn vị có liên quan
|
|
11. Xây dựng quy trình kiểm tra chuyên ngành đối
với một số mặt hàng theo ủy quyền của các Bộ quản lý chuyên ngành đối với mặt
hàng cụ thể trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do các cơ quan có
thẩm quyền ban hành;
|
Quy trình kiểm tra chuyên ngành đối với một số mặt
hàng theo ủy quyền của các Bộ quản lý chuyên ngành đối với mặt hàng cụ thể
trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do các cơ quan có thẩm quyền
ban hành.
|
2016-2020
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
12. Xây dựng mô hình, triển khai áp dụng phương
pháp giám sát, công nghệ giám sát hiện đại;
|
Đề án Ứng dụng công nghệ Seal định vị GPS trong
giám sát hải quan;
|
2016-2020
|
Cục GSQL
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
Mở rộng hệ thống giám sát hải quan sử dụng mã vạch;
|
Áp dụng mô hình nghiệp vụ giám sát trên cơ sở kết
nối thông tin giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cảng
biển, cảng hàng không để giám sát hàng hóa XNK đưa vào, đưa ra, lưu giữ trong
khu vực giám sát hải quan
|
1.5. Nhóm 5: Các hoạt động khác triển khai nhiệm
vụ trọng tâm 1
|
15
|
1.5.1. Hoạt động 1: Mở rộng việc triển
khai thực hiện thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử (e-
Payment)
|
1. Triển khai thực hiện Thông tư 184/2015/TT-BTC,
hỗ trợ, giải đáp các vướng mắc khi triển khai Thông tư;
|
Phụ lục Thỏa thuận hợp tác đối với các Ngân hàng
đã ký Thỏa thuận phối hợp thu với TCHQ.
|
2016
|
Cục Thuế XNK
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
2. Kiểm tra công tác phối hợp thu tại các đơn vị
thuộc Tổng cục và một số ngân hàng thương mại;
|
Tổ chức các đợt kiểm tra tại địa phương.
|
2016
|
Cục Thuế XNK
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
3. Phối hợp các đơn vị Cục Hải quan tỉnh, thành
phố để tập huấn cho các đơn vị tỉnh, thành phố khi có yêu cầu;
|
Hội nghị tập huấn/Hướng dẫn các đơn vị triển khai
Thông tư.
|
2016
|
Cục Thuế XNK
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
4. Phối hợp với các ngân hàng thương mại mở rộng
thanh toán điện tử;
|
Thỏa thuận hợp tác phối hợp thu giữa TCHQ và ngân
hàng thương mại.
|
2016-2017
|
Cục Thuế XNK
|
Cục CNTT &TKHQ
|
|
16
|
1.5.2. Hoạt động 2: Tiếp tục cải cách thủ
tục hành chính công, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và
doanh nghiệp
|
1. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở
hoàn thiện thể chế, chuẩn hóa quy trình thủ tục, tạo nền tảng để thực hiện
cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất tương ứng với từng thủ tục
(mức độ 3 hoặc 4) trên cổng thông tin điện tử Hải quan;
|
Các quy định, quy trình thủ tục được hoàn thiện,
chuẩn hóa.
|
2016-2020
|
Đơn vị được giao
chủ trì
|
Vụ Pháp chế, các
đơn vị có liên quan
|
|
2. Tăng cường hoạt động kiểm soát thủ tục hành
chính trong lĩnh vực hải quan;
|
Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính khi
sửa đổi, bổ sung các quy định, thủ tục;
|
2016-2020
|
Vụ Pháp chế
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
Quyết định công bố thủ tục hành chính;
|
Báo cáo kết quả rà soát, đơn giản hóa thủ tục
hành chính;
|
Hàng năm
|
Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác kiểm soát
thủ tục hành chính.
|
3. Xây dựng, triển khai Dự án nâng cấp hệ thống Cổng
thông tin điện tử ngành Hải quan mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến
theo mô hình xử lý tập trung giai đoạn 1;
|
Hệ thống được xây dựng và triển khai.
|
2016 - 2018
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
4. Triển khai cung cấp 46 dịch vụ công trực tuyến
mức độ 3 trong năm 2016
|
Báo cáo đánh giá hiện trạng thực hiện thủ tục
hành chính;
|
2016
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
Báo cáo tổng hợp rà soát và đề xuất các nội dung
pháp lý cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu triển khai cung cấp dịch vụ
công trực tuyến;
|
Quy trình thực hiện thủ tục hành chính bằng
phương thức điện tử được Tổng cục Hải quan phê duyệt;
|
Các chức năng của Hệ thống CNTT phục vụ cung cấp
dịch vụ công trực tuyến được xây dựng;
|
Hạ tầng kỹ thuật được chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng
yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến;
|
Triển khai thành công thí điểm cung cấp 46 dịch vụ
công trực tuyến;
|
Triển khai cung cấp 46 dịch vụ công trực tuyến tại
100% các đơn vị trong Ngành;
|
Các khóa đào tạo, tập huấn được tổ chức, đăng tải
bài viết, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin và đăng tải trên các cơ quan
thông tấn, báo chí.
|
5. Trong năm 2017, 100% dịch vụ công được cung cấp
trực tuyến tối thiểu mức độ 3, 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của
ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.
|
Báo cáo đánh giá hiện trạng thực hiện thủ tục hành
chính;
|
2017
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
Các quy trình thực hiện thủ tục hành chính bằng
phương thức điện tử được Tổng cục Hải quan phê duyệt;
|
Các chức năng của Hệ thống CNTT phục vụ cung cấp dịch
vụ công trực tuyến được xây dựng;
|
Hạ tầng kỹ thuật được chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng
yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến;
|
Triển khai thành công thí điểm cung cấp;
|
Triển khai cung cấp toàn bộ các dịch vụ công trực
tuyến còn lại tại 100% các đơn vị trong Ngành;
|
Các khóa đào tạo, tập huấn được tổ chức, đăng tải
bài viết, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin và đăng tải trên các cơ quan
thông tấn, báo chí.
|
2. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ trọng tâm
2
|
17
|
2.1. Hoạt động 1: Triển khai áp dụng quản
lý rủi ro toàn diện, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng quản lý
rủi ro trên các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan
|
1. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình triển khai
các biện pháp thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro;
|
Quy định pháp luật, quy trình thực hiện đảm bảo
triển khai thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro.
|
2016-2020
|
Cục QLRR
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
2. Triển khai áp dụng quản lý rủi ro để quyết định
lựa chọn kiểm tra, giám sát hải quan đối với hành lý của người XNC;
|
- Quy định pháp luật, quy trình thực hiện;
- Hệ thống CNTT hỗ trợ;
- Triển khai áp dụng.
|
2016-2020
|
Cục QLRR
|
Các đơn vị có liên
quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
|
|
3. Triển khai áp dụng QLRR trong việc lựa chọn kiểm
tra hàng hóa trong quá trình xếp, dỡ từ phương tiện vận tải nhập cảnh xuống kho,
bãi, cảng, khu vực cửa khẩu nhập và hàng hóa xuất khẩu sau khi đã thông quan
được tập kết tại khu vực cửa khẩu xuất;
|
- Quy định pháp luật, quy trình thực hiện;
- Hệ thống CNTT hỗ trợ;
- Triển khai áp dụng.
|
2016-2020
|
Cục QLRR
|
Vụ Pháp chế Cục
CNTT
|
|
4. Triển khai áp dụng QLRR trong kiểm tra chuyên
ngành;
|
Bộ tiêu chí lựa chọn đối tượng kiểm tra chuyên
ngành (trong, sau thông quan).
|
2016-2017
|
Cục QLRR
|
Vụ Pháp chế, Cục
GSQL
|
|
5. Áp dụng đầy đủ và nâng cao hiệu quả việc áp dụng
quản lý rủi ro trong kiểm tra sau thông quan;
|
- Cơ sở dữ liệu QLRR cho KTSTQ;
- Hệ thống CNTT hỗ trợ;
- Bộ chỉ số đánh giá tuân thủ, đánh giá rủi ro.
|
2016-2020
|
Cục QLRR
|
Cục KTSTQ, Cục
CNTT
|
|
6. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
|
- Quy trình
- Hệ thống CNTT hỗ trợ;
- Cơ sở dữ liệu QLRR trong quản lý thuế.
|
2016-2020
|
Cục QLRR
|
Cục Thuế XNK, Cục
CNTT
|
|
18
|
2.2. Hoạt động 2: Hàng năm giảm tỷ lệ kiểm
tra luồng vàng, đỏ
|
1. Theo dõi, kiểm tra việc áp dụng tiêu chí dựa trên
kết quả phân tích, đánh giá rủi ro Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo đúng quy
định tại điểm d khoản 2 Điều 50 QĐ 464/QĐ-BTC ngày 29/06/2015 của Bộ Tài
chính về quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan và Điều
62 Quyết định 282/QĐ-TCHQ ngày 10/11/2015 của Tổng cục Hải quan Ban hành hướng
dẫn thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan;
|
Các hoạt động triển khai; Báo cáo Quý.
|
Thường xuyên
|
Cục QLRR
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
2. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để giảm
tỷ lệ chuyển luồng kiểm tra của Chi cục Hải quan đồng thời xử lý nghiêm đối với
các trường hợp chuyển luồng tùy tiện;
|
Các hoạt động triển khai; Báo cáo tháng.
|
Thường xuyên
|
Cục QLRR
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
3. Xây dựng và thực hiện áp dụng Danh mục hàng
hóa rủi ro đối với doanh nghiệp không tuân thủ và doanh nghiệp có rủi ro cao.
|
Tiêu chí.
|
Theo lộ trình ban
hành các Danh mục hàng hóa rủi ro
|
Cục QLRR
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
19
|
2.3. Hoạt động 3: Công khai tiêu chí đánh
giá, có hệ thống cảnh báo; công khai lý do doanh nghiệp bị phân luồng
|
1. Sửa đổi Quyết định 465/QĐ-BTC ngày 29/06/2015
của Bộ Tài chính theo hướng chuẩn hóa các tiêu chí có tính nguyên tắc chung
cho việc đánh giá rủi ro để ra quyết định kiểm tra. Các nội dung có tính nghiệp
vụ được phân cấp áp dụng cho Tổng cục Hải quan trên cơ sở sửa đổi, bổ sung
Quyết định 200/QĐ-TCHQ ngày 24/8/2015 của Tổng cục Hải quan;
|
Quyết định sửa đổi Quyết định số 465/QĐ-BTC.
|
Theo lộ trình sửa
Nghị định và Thông tư
|
Cục QLRR
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
Quyết định sửa đổi Quyết định số 200/QĐ-TCHQ.
|
|
2. Trả lời lý do luồng vàng hoặc luồng đỏ khi doanh
nghiệp đề nghị hoặc khiếu nại trên cơ sở căn cứ vào các quy định của pháp luật
và Bộ tiêu chí của Bộ Tài chính.
|
Văn bản trả lời doanh nghiệp.
|
Hàng năm
|
20
|
2.4. Hoạt động 4: Xây dựng và triển khai mô
hình quản lý tuân thủ trong các hoạt động nghiệp vụ Hải quan
|
1. Xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn thực
hiện quy định về quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu;
|
Thông tư quy định về quản lý tuân thủ đối với DN
hoạt động XNK;
|
2016
|
Cục QLRR
|
Vụ Pháp chế, các
đơn vị có liên quan
|
|
Quyết định của Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực
hiện quy định về quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
|
2. Xây dựng và triển khai Đề án “Khuyến khích doanh
nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan”;
|
Đề án “Khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân
thủ pháp luật hải quan”;
|
2016-2020
|
Cục QLRR
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
Các hoạt động triển khai.
|
3. Tổ chức triển khai thực hiện thí điểm chương
trình đo lường tuân thủ đối với doanh nghiệp tuân thủ;
|
Quyết định ban hành Chương trình thí điểm đo lường
tuân thủ và văn bản hướng dẫn liên quan.
|
2016
|
Cục QLRR
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
4. Triển khai các chương trình quản lý, đánh giá
tuân thủ đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
|
Hệ thống cơ sở dữ liệu hỗ trợ đánh giá tuân thủ
DN:
- Đánh giá tuân thủ điều kiện áp dụng chính sách;
- Đánh giá, xếp hạng rủi ro đối với DN;
- Quản lý các doanh nghiệp tuân thủ;
- Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - doanh
nghiệp nhằm nâng cao mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.
|
2016-2020
|
Cục QLRR
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
3. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ trọng tâm
3
|
21
|
3.1. Hoạt động 1: Tăng cường kiểm tra sau
thông quan trên cơ sở áp dụng đầy đủ kỹ thuật quản lý rủi ro, ứng dụng công
nghệ thông tin, đáp ứng cải cách hiện đại hóa hải quan và định hướng chuyển từ
tiền kiểm sang hậu kiểm; hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, tạo thuận
lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động XNK hàng hóa, răn đe ngăn chặn kịp thời
các trường hợp cố tình gian lận gây thất thu cho NSNN, góp phần quan trọng
vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị thu ngân sách của ngành Hải quan
|
1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy trình thực
hiện kiểm tra sau thông quan đảm bảo thống nhất với các văn bản pháp luật có
liên quan, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý rủi ro và
phù hợp với chuẩn mực quốc tế;
|
Hệ thống pháp luật về KTSTQ hoàn thiện, thống nhất,
đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp chuẩn mực quốc tế.
|
2016-2020
|
Cục KTSTQ
|
Vụ Pháp chế
|
|
2. Triển khai Đề án tăng cường năng lực KTSTQ đến
năm 2015 và tầm nhìn đến 2020 của ngành Hải quan đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
Trong đó, tập trung triển khai cơ cấu tổ chức KTSTQ theo quy định mới từ Tổng
cục (Cục KTSTQ) đến các Cục Hải quan;
|
Hệ thống KTSTQ hoạt động theo mô hình cơ cấu tổ
chức mới.
|
2016-2020
|
Cục KTSTQ
|
Vụ TCCB, Cục Hải
quan tinh/TP
|
|
3. Triển khai có hiệu quả các quy định pháp luật
về KTSTQ tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13 và các văn bản pháp luật hướng dẫn
thi hành; Tăng cường công tác KTSTQ đáp ứng cải cách hiện đại hóa hải quan và
định hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ
pháp luật;
|
Hiệu quả công tác KTSTQ được tăng cường, đẩy mạnh.
|
2016-2020
|
Cục KTSTQ
|
Cục Hải quan tỉnh,
TP
|
|
4. Đẩy mạnh thực hiện chương trình doanh nghiệp
ưu tiên và công nhận lẫn nhau với Hải quan các nước.
|
Chương trình DNƯT được đẩy mạnh, hoạt động phù hợp
với thông lệ quốc tế;
|
2016-2020
|
Cục KTSTQ
|
Cục Hải quan tỉnh/TP
|
|
Triển khai thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA)
trong lĩnh vực hải quan với các nước có quan hệ thương mại 2 chiều với Việt
Nam.
|
22
|
3.2. Hoạt động 2: Đẩy mạnh việc ứng dụng
công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro trong việc thu thập thông tin và
đánh giá doanh nghiệp phục vụ hoạt động KTSTQ; xây dựng các chương trình, phần
mềm chuyên sâu hỗ trợ hiệu quả cho công tác thu thập thông tin phục vụ công
tác KTSTQ xuyên suốt thông tin từ cấp Tổng cục đến các Cục Hải quan; tăng cường
phối kết hợp giữa lực lượng kiểm tra sau thông quan với các đơn vị trong
ngành Hải quan (trong đó có các Chi cục Hải quan cửa khẩu) và với các ngành,
đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện kiểm tra sau thông quan
|
1. Xây dựng phần mềm phân tích số liệu xuất nhập
khẩu phục vụ việc xây dựng kế hoạch KTSTQ;
|
Hoàn thành phần mềm phân tích số liệu XNK của hệ
thống số liệu XNK và hệ thống VNACCS/VCIS.
|
Tháng 12/2017
|
Cục KTSTQ
|
Cục Hải quan tỉnh/TP
|
|
2. Xây dựng quy chế phối kết hợp, trao đổi thông
tin giữa lực lượng KTSTQ với các đơn vị trong ngành Hải quan, và các ngành,
đơn vị có liên quan.
|
Quyết định ban hành quy chế phối hợp trao đổi
thông tin.
|
Tháng 9/2017
|
Cục KTSTQ
|
Các đơn vị trực
thuộc TCHQ, Cục Hải quan tỉnh/TP
|
|
23
|
3.3. Hoạt động 3: Nâng cao hiệu quả công
tác kiểm soát Hải quan
|
1. Hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ, thống
nhất liên quan đến lĩnh vực kiểm soát hải quan;
|
- Quyết định, Thông tư;
- Hội nghị tổng kết toàn ngành và hướng dẫn triển
khai 03 Luật có hiệu lực từ tháng 7/2016: Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, Bộ
luật Hình sự sửa đổi, Luật tổ chức Điều tra hình sự;
- Quy chế phối hợp với cơ quan Thanh tra giám sát
Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
|
2016-2020
|
Cục Điều tra chống
buôn lậu
|
Vụ Pháp chế, Cục
Tài vụ - Quản trị, các đơn vị liên quan
|
|
2. Ứng dụng, khai thác triệt để công nghệ thông
tin, các trang thiết bị, phương tiện hiện đại;
|
-Triển khai và vận hành hiệu quả hoạt động của
Phòng Giám sát hải quan trực tuyến;
- Quy chế, kế hoạch sử dụng trang thiết bị,
phương tiện nghiệp vụ được xây dựng.
|
2016-2018
|
Cục Điều tra chống
buôn lậu
|
Các đơn vị thuộc
TCHQ
|
|
3. Xây dựng Đề án Tăng cường năng lực đấu tranh
phòng chống tội phạm ma túy của lực lượng hải quan giai đoạn 2016-2020;
|
Đề án.
|
2016
|
Cục Điều tra chống
buôn lậu
|
Các Cục Hải quan tỉnh/Thành
phố liên quan tỉnh, thành phố
|
|
4. Xây dựng các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu,
gian lận thương mại, hàng giả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới;
|
Kế hoạch.
|
2016-2020
|
Cục Điều tra chống
buôn lậu
|
Các đơn vị thuộc Tổng
cục Hải quan
|
|
5. Tuyên truyền về phòng, chống buôn lậu, gian lận
thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
|
- Kế hoạch tuyên truyền;
- Phóng sự, tờ rơi.
|
2016-2020
|
- Cục Điều tra chống buôn lậu
- Văn phòng Tổng cục Hải quan
|
Các đơn vị thuộc Tổng
cục Hải quan
|
|
6. Thúc đẩy quan hệ đối tác với Văn phòng thương
mại Italia tại Việt Nam (ICHAM) về trao đổi thông tin và hợp tác hành chính
trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại;
|
Thỏa thuận hợp
tác.
|
2016
|
Cục Điều tra chống
buôn lậu (Phòng 2)
|
Vụ Hợp tác quốc tế
|
|
7. Xúc tiến ký kết các thỏa thuận trao đổi thông
tin phục vụ công tác chống buôn lậu với Hải quan Hàn Quốc;
|
Dự thảo MOU.
|
2016
|
Cục Điều tra chống
buôn lậu
|
|
|
8. Xây dựng các văn bản thực hiện cam kết quốc tế
về phòng, chống khủng bố, rửa tiền, hỗ trợ hành chính, tư pháp trong lĩnh vực
kiểm soát hải quan;
|
Các văn bản.
|
2016-2020
|
Cục Điều tra chống
buôn lậu (Phòng 4)
|
|
|
9. Nâng cao năng lực cán bộ, công chức kiểm soát
trong thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan trên cơ sở triển
khai các quy định tại Nghị định quy định chi tiết Luật Hải quan.
|
Khóa tập huấn.
|
2017
|
Trường Hải quan Việt
Nam
|
Cục Điều tra chống
buôn lậu
|
|
4. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
4
|
24
|
4.1. Hoạt động 1: Cải cách hoạt động quản
lý nguồn nhân lực
|
1. Xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu vị trí việc
làm toàn ngành
|
Cơ sở dữ liệu vị trí việc làm Tổng cục Hải quan
được xây dựng và duy trì[1]
|
2016-2017
|
Ban Cải cách, hiện
đại hóa
|
Các đơn vị thuộc
và trực thuộc Tổng cục
|
|
2. Thí điểm các hoạt động quản lý nguồn nhân lực
theo năng lực đối với 6 lĩnh vực nghiệp vụ: Thuế Xuất nhập khẩu Giám sát quản
lý, Chống buôn lậu, Kiểm tra sau thông quan, Quản lý rủi ro, Xử lý vi phạm tại
Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai;
|
- Hệ thống nền tảng của quản lý nguồn nhân lực
theo năng lực dựa trên mô tả vị trí việc làm 6 lĩnh vực nghiệp vụ thí điểm tại
Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai[2];
- Ứng dụng hệ thống nền tảng để nâng cao hiệu quả
sử dụng nguồn nhân lực; quản lý, sử dụng, nâng cao chất lượng, phát triển nguồn
nhân lực theo năng lực đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo của 6
lĩnh vực nghiệp vụ thí điểm tại Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai[3].
|
2016-2017
|
Ban Cải cách, hiện
đại hóa
|
Cục Thuế XNK; CHQ
Đồng Nai; Vụ Tổ chức cán bộ; Trường Hải quan Việt Nam
|
|
3. Xây dựng các phần mềm phục vụ triển khai các
hoạt động quản lý nguồn nhân lực theo năng lực trong toàn ngành;
|
- Sổ tay nghiệp vụ điện tử;
- Phần mềm quản lý kết quả công việc;
- Phần mềm đánh giá năng lực cán bộ công chức;
- Phần mềm quản lý hồ sơ năng lực cán bộ công chức;
- Phần mềm đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ;
|
2016-2017
|
Cục Công nghệ
thông tin và thống kê Hải quan
|
Ban CCHĐH; Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai; Vụ Tổ chức
cán bộ
|
|
4. Triển khai nhân rộng trong toàn ngành các hoạt
động đổi mới quản lý nguồn nhân lực theo năng lực;
|
- Hệ thống nền tảng của quản lý nguồn nhân lực
theo năng lực dựa trên mô tả vị trí việc làm ngành Hải quan[4];
- Ứng dụng hệ thống nền tảng để nâng cao hiệu quả
sử dụng nguồn nhân lực; quản lý, sử dụng, nâng cao chất lượng, phát triển nguồn
nhân lực theo năng lực đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo các lĩnh
vực còn lại trong ngành Hải quan[5].
|
2018-2020
|
Ban Cải cách hiện
đại hóa
|
Các đơn vị thuộc
và trực thuộc Tổng cục
|
|
5. Xây dựng kế hoạch về tinh giản biên chế của Tổng
cục Hải quan trên cơ sở đánh giá, sử dụng biên chế theo vị trí việc làm gắn với
cơ cấu ngạch công chức, viên chức.
|
Kế hoạch tinh giản biên chế.
|
2016-2020
|
Vụ Tổ chức cán bộ
|
Ban Cải cách hiện
đại hóa
|
|
25
|
4.2. Hoạt động 2: Đào tạo, phát triển nguồn
nhân lực
|
1. Xây dựng chương trình đào tạo dựa trên khung năng
lực chuyên môn nghiệp vụ, nhu cầu thực tiễn của hoạt động hải quan trong bối
cảnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hiện đại hóa của ngành và hội nhập
quốc tế sâu rộng của Việt Nam nói chung, của ngành Hải quan nói riêng;
|
Giáo trình, tài liệu truyền thống và điện tử phù
hợp với khung chương trình theo tiêu chuẩn WCO và khung năng lực chuyên môn
nghiệp vụ Hải quan;
|
2016-2020
|
Trường HQVN
|
Ban CCH ĐH
Vụ TCCB Các Vụ, Cục
liên quan
|
|
Hợp tác, liên kết đào tạo trong và ngoài nước;
|
2016-2020
|
Trường HQVN
|
Vụ TCCB, Các đơn vị
liên quan, Các trường đại học kinh tế, tài chính trong nước Các tổ chức đào tạo
quốc tế
|
|
Chương trình đào tạo trực tuyến, điện tử
(E-learning).
|
2016-2020
|
Trường HQVN
|
Vụ TCCB Các Vụ, Cục,
đơn vị liên quan Doanh nghiệp
|
|
2. Nâng cao trình độ, năng lực của giảng viên;
|
100% giảng viên có trình độ ngoại ngữ theo tiêu
chuẩn tiếng Anh tổng quát;
|
2016-2020
|
Trường HQVN
|
Vụ TCCB
|
|
Đào tại ngoại ngữ cho giảng viên trong nước và
ngoài nước.
|
2016-2020
|
Trường HQVN
|
Vụ TCCB
|
|
3. Kiện toàn tổ chức bộ máy.
|
Các phân hiệu của Trường HQVN được thành lập
|
2016-2020
|
Trường HQVN
|
Bộ Tài chính
Vụ TCCB
Các đơn vị Vụ, Cục liên quan
|
|
26
|
4.3. Hoạt động 3: Thực hiện liêm chính hải
quan
|
1. Tiếp tục chuẩn hóa, duy trì thực hiện nghiêm
các quy định về kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo
tuân thủ các quy định liên quan công chức Hải quan, phòng, chống các biểu hiện
tiêu cực tham nhũng của cán bộ, công chức hải quan;
|
Kế hoạch.
|
2016-2020
|
Thanh tra
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2. Tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra nội
bộ để phát hiện, cảnh báo, chấn chỉnh kịp thời sai phạm của cán bộ, công chức
hải quan nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất để nâng cao hình ảnh của lực lượng
hải quan và tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức trong thực
thi công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
|
Triển khai các hoạt động theo kế hoạch.
|
2016-2020
|
Thanh tra
|
Đơn vị liên quan
|
|
5. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ trọng tâm
5
|
27
|
5.1. Hoạt động 1: Xây dựng, phát triển quan
hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp
|
1. Xây dựng chính sách, pháp luật hải quan;
|
Tổ chức tham vấn cộng đồng doanh nghiệp và các
bên liên quan.
|
2016-2020
|
Ban CCHĐH
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2. Hỗ trợ thực thi chính sách pháp luật hải quan;
|
Thông tin được đăng tải;
|
2016-2020
|
Ban CCHĐH
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
Các khóa tập huấn, hướng dẫn về quy định, chính
sách pháp luật mới;
|
Biên bản thỏa thuận hợp tác; Chương trình đối tác
chuyên đề;
|
Các dịch vụ hỗ trợ trong lĩnh vực hải quan được
rà soát, bổ sung.
|
3. Giám sát quá trình thực thi chính sách, pháp
luật hải quan.
|
Báo cáo khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp và
các bên liên quan;
|
2016-2020
|
Ban CCHĐH
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
Báo cáo kết quả phối hợp giám sát với các bên
liên quan đối với hoạt động hải quan.
|
28
|
5.2. Hoạt động 2: Xây dựng, phát triển mối
quan hệ hợp tác, với các tổ chức quốc tế, với hải quan khu vực, cộng đồng hải
quan quốc tế, WCO;
|
1. Phát triển về chiều sâu trong quan hệ hợp tác
song phương với Hải quan các nước;
|
Kế hoạch phát triển quan hệ hợp tác song phương với
Hải quan các nước giai đoạn 2016-2020;
|
2016-2020
|
Vụ HTQT
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
Triển khai Kế hoạch; Trao đổi và ký kết các Thỏa
thuận hợp tác song phương;
|
Báo cáo đánh giá kết quả hợp tác song phương
|
2. Tăng cường năng lực và hiệu quả hợp tác tại
các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương có liên quan;
|
Kế hoạch Tăng cường năng lực và hiệu quả hợp tác
tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương giai đoạn 2016-2020;
|
2016-2020
|
Vụ HTQT
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
Triển khai Kế hoạch;
|
Báo cáo đánh giá kết quả tăng cường năng lực và hiệu
quả hợp tác.
|
3. Khai thác và tận dụng tối đa sự hỗ trợ về
chuyên gia, kiến thức, nguồn tài trợ của các diễn đàn đa phương và các hoạt động
xây dựng năng lực của các tổ chức quốc tế;
|
Xác định nhu cầu hỗ trợ của phía Hải quan Việt
Nam;
|
2016-2020
|
Vụ HTQT
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
Trao đổi với phía đối tác nước ngoài.
|
|
4. Xây dựng Đề án về việc cử tùy viên hải quan,
công chức hải quan ra nước ngoài thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hải quan tại
một số nước và khu vực trọng điểm;
|
Xây dựng Đề án;
|
2016-2020
|
Vụ HTQT
|
Vụ TCCB
|
|
Triển khai Đề án;
|
Báo cáo tổng kết, đánh giá.
|
5. Tham gia đàm phán, ký kết, và triển khai các FTA
về nội dung Hải quan và tạo thuận lợi thương mại;
|
Phương án đàm phán;
|
Theo lộ trình của
Chính Phủ
|
Vụ HTQT
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
Kế hoạch triển khai;
|
Triển khai thực hiện kế hoạch.
|
6. Tổ chức thông tin tuyên truyền đối ngoại trong
toàn ngành về các yêu cầu, cam kết quốc tế, tập quán và thông lệ tốt nhất của
quốc tế.
|
Bài viết, bài nghiên cứu được đăng tải trên báo,
tạp chí;
|
2016-2020
|
Vụ HTQT
|
Các đơn vị có liên
quan
|
|
Các khóa tập huấn;
|
Các ấn phẩm, tài liệu về Hải quan Việt Nam được
phát hành.
|
6. Các hoạt động triển khai nhiệm vụ trọng tâm
6
|
29
|
6.1. Hoạt động 1: Triển khai một số mô hình
tổ chức bộ máy mới để đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ triển khai Luật Hải quan
2014, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống
thông quan tự động VNACCS/VCIS
|
1. Xây dựng Quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ, Cục thuộc Tổng cục Hải quan;
|
Quyết định được ban hành.
|
2016
|
Vụ TCCB
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2. Xây dựng Quyết định chức năng nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của các Phòng, Chi cục và tương đương thuộc các đơn vị thuộc
và trực thuộc Tổng cục Hải quan;
|
Quyết định được ban hành.
|
2016
|
Vụ TCCB
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
3. Triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới cho các
phòng, Chi cục và tương đương thuộc các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải
quan;
|
Các hoạt động triển khai.
|
2016-2017
|
Vụ TCCB
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
4. Triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới cho các
Vụ, Cục thuộc Tổng cục Hải quan.
|
Các hoạt động triển khai.
|
2016-2017
|
Vụ TCCB
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
30
|
6.2. Hoạt động 2: Xây dựng mô hình kiến
trúc và từng bước triển khai cơ quan hải quan điện tử.
|
1. Xây dựng mô hình kiến trúc cơ quan hải quan điện
tử;
|
Mô hình.
|
2016-2017
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2. Từng bước thực hiện và hoàn thành các cấu phần
của mô hình kiến trúc cơ quan hải quan điện tử;
|
Các cấu phần được xây dựng, hoàn thành.
|
2017-2018
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
3. Tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu lực, hiệu quả
và xây dựng mô hình tổ chức bộ máy hải quan các cấp dựa trên kiến trúc cơ
quan hải quan điện tử.
|
Báo cáo đánh giá.
|
2018-2020
|
Vụ Tổ chức cán bộ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
VI.2. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI CÁC MỤC TIÊU
KHÔNG THUỘC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Nhóm 1: Các hoạt động triển khai nhằm quản
lý nội ngành khoa học, hiệu quả
|
31
|
1.1. Hoạt động 1: Điện tử hóa báo cáo giấy
nghiệp vụ; cung cấp thông tin nghiệp vụ điện tử hỗ trợ lãnh đạo các cấp ra
quyết định về nghiệp vụ
|
Triển khai dự án xây dựng hệ thống thông tin hỗ
trợ ra quyết định nghiệp vụ giai đoạn 1.
|
Hệ thống được xây dựng và triển khai.
|
2015-2019
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
32
|
1.2. Hoạt động 2: Thực hiện cung cấp thông
tin tờ khai cho các tổ chức (Bộ, ngành, ngân hàng và doanh nghiệp) và tiếp nhận
xử lý thông tin từ Tổng cục Thuế
|
Triển khai Dự án xây dựng cung cấp thông tin tờ
khai từ các đơn vị (Bộ, ngành, ngân hàng và doanh nghiệp) và tiếp nhận xử lý
thông tin từ Tổng cục Thuế.
|
Hệ thống được xây dựng và triển khai.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2. Nhóm 2: Hoạt động đảm bảo về hạ tầng công
nghệ thông tin
|
33
|
2.1. Hoạt động đảm bảo về hạ tầng công nghệ
thông tin bao gồm:
|
1. Nhiệm vụ mua sắm, thay thế hàng năm trang bị
CNTT thông thường cho các đơn vị Hải quan;
|
Hoàn thành việc mua sắm.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2. Dự án mua thay thế, nâng cấp máy chủ, hệ thống
lưu trữ, hệ thống sao lưu và các thiết bị chuyên dụng khác cho các trung tâm
dữ liệu của ngành Hải quan;
|
Triển khai thành công dự án.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
3. Dự án triển khai hệ thống ảo hóa máy trạm tại
trụ sở Tổng cục và cho các Chi cục/Cục Hải quan thành phố;
|
Triển khai thành công dự án.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
4. Dự án triển khai nâng cấp nền tảng (platform)
cho máy chủ và một số hệ thống Active Directory, Email, hệ thống Proxy, Hệ thống
ứng dụng nghiệp vụ,... trên nền tảng của Microsoft cho toàn Ngành;
|
Triển khai thành công dự án.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
5. Xây dựng hệ thống đào tạo thử nghiệm cho các hệ
thống ứng dụng CNTT tập trung ngành Hải quan;
|
Hệ thống đào tạo thử nghiệm cho các hệ thống ứng
dụng CNTT tập trung ngành Hải quan được xây dựng.
|
2017-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
6. Mua sắm trang thiết bị dự phòng cho hệ thống hải
quan một cửa của ngành Hải quan;
|
Trang thiết bị dự phòng cho hệ thống hải quan một
cửa của ngành Hải quan được mua sắm đầy đủ.
|
2017-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
7. Đầu tư mua sắm nâng cao năng lực quản lý, giám
sát, điều hành 24/7 và cơ sở vật chất của Trung tâm dữ liệu ngành Hải quan;
|
Hoàn thành việc mua sắm nâng cao năng lực quản
lý, giám sát, điều hành 24/7 và cơ sở vật chất của Trung tâm dữ liệu ngành Hải
quan.
|
2017-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
8. Nâng cấp hệ thống an toàn bảo mật thông tin
ngành Hải quan;
|
Hệ thống an toàn bảo mật thông tin ngành Hải quan
được nâng cấp.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
9. Mua sắm thay thế nâng cấp thiết bị chuyển mạch
mạng LAN cho các đơn vị Hải quan;
|
Thiết bị chuyển mạch mạng LAN cho các đơn vị Hải
quan được mua sắm thay thế.
|
2017-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
10. Mua sắm thay thế trang thiết bị mạng WAN
ngành Hải quan;
|
Trang thiết bị mạng WAN ngành Hải quan được thay
thế.
|
2018-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
11. Mua sắm, thay thế hàng năm trang bị CNTT
thông thường cho các đơn vị Hải quan;
|
Trang bị CNTT thông thường cho các đơn vị Hải
quan được mua sắm, thay thế.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
12. Mua dịch vụ bảo trì phần mềm lớp giữa và dịch
vụ bảo trì của nhà sản xuất (bao gồm cả bảo hành mở rộng) đối với trang thiết
bị phần cứng tại Trung tâm dữ liệu thuộc Cục CNTT & Thống kê Hải quan;
|
Các dịch vụ được thực hiện.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
13. Mua dịch vụ hỗ trợ vận hành, bảo trì hệ thống
phần mềm ứng dụng nghiệp vụ ngành Hải quan;
|
Các dịch vụ được thực hiện.
|
2017-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
14. Mua dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điều
hòa tòa nhà Trung tâm dữ liệu;
|
Các dịch vụ được thực hiện.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
15. Mua dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện
tòa nhà Trung tâm dữ liệu;
|
Các dịch vụ được thực hiện.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
16. Thuê kênh truyền hạ tầng truyền thông;
|
Các dịch vụ được thực hiện.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
17. Mua bản quyền bảo mật của toàn Ngành hàng
năm;
|
Các dịch vụ được thực hiện.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
18. Dịch vụ bảo hành mở rộng hệ thống điều hòa
chính xác, bảo trì định kỳ hệ thống điều hòa chính xác, hệ thống UPS tập
trung cho 09 Trung tâm dữ liệu của 09 Cục Hải quan hàng năm;
|
Các dịch vụ được thực hiện.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
19. Thuê dịch vụ đảm bảo an ninh, an toàn Hệ thống
CNTT Hải quan;
|
Các dịch vụ được thực hiện.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
20. Mua sắm nhỏ lẻ, bảo trì, bảo dưỡng của các Cục
Hải quan tỉnh, thành phố;
|
Trang thiết bị.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
21. Mua sắm thay thế trang thiết bị bảo mật ngành
Hải quan.
|
Trang thiết bị bảo mật ngành Hải quan được mua sắm,
thay thế.
|
2018-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
3. Nhóm 3: Triển khai kế hoạch phát triển thống
kê Hải quan đến 2020
|
34
|
3.1. Phát triển thống kê Hải quan đến 2020
|
1. Hoàn thiện thể chế, văn bản hướng dẫn thống kê
hải quan theo chuẩn mực quốc tế;
|
Thông tư và các văn bản hướng dẫn.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
|
|
2. Nâng cấp hệ thống thống kê hàng hóa xuất nhập
khẩu để kết nối với hệ thống VNACCS/VCIS.
|
Hệ thống thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu để kết
nối với hệ thống VNACCS/VCIS được nâng cấp.
|
2015-2017
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
4. Nhóm 4: Thực hiện các yêu cầu về hiện đại
hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cải cách nghiệp vụ
|
35
|
4.1. Hoạt động 1: Tiếp tục đầu tư hệ thống
trụ sở làm việc, trang thiết bị hiện đại nhằm phục vụ cho công tác quản lý hải
quan
|
1. Quy hoạch hệ thống đầu tư xây dựng trụ sở làm
việc và Địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung hệ thống Hải quan giai đoạn
2016-2020;
|
Thực hiện triển khai đầu tư xây dựng 189 dự án (gồm
135 dự án xây dựng mới, 54 dự án cải tạo mở rộng).
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Các CHQ tỉnh, TP
và các đơn vị liên quan
|
|
2. Đầu tư, trang bị máy soi container: 05 máy soi
container tại Lào cai, Lạng Sơn, Hải phòng (2 chiếc), Bình Dương;
|
Trang bị 05 máy soi container.
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Các CHQ tinh, TP
và các đơn vị liên quan
|
|
3. Đầu tư, trang bị máy soi hành lý: 10 máy soi
hành lý hàng hóa cho Cục HQ các tỉnh, TP, (02 máy soi cho CCHQ sân bay Quốc tế
TSN; 08 máy soi cho các tỉnh/tp gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, HCM, Thanh Hóa, Hà
Giang, Đà Nẵng (01 máy), Khánh Hòa (02 máy);
|
10 máy soi hành lý được trang bị.
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Các CHQ tỉnh, TP
và các đơn vị liên quan
|
|
4. Đầu tư, trang bị hệ thống camera giám sát: tại
CCHQCK quốc tế Lao Bảo, CCHQCK quốc tế Bờ Y, CCHQCK quốc tế Hoa Lưu; 01 hệ thống
tại sân bay Đà Nẵng; 31 hệ thống tại khu vực thi hành công vụ theo Đề án
camera nhạy cảm;
|
Trang bị 35 hệ thống camera giám sát hải quan.
|
2016-2017
|
Cục TVQT
|
Cục GSQL, Các CHQ
tỉnh, TP và các đơn vị liên quan
|
|
5. Triển khai việc đầu tư, trang bị hệ thống
camera giám sát hải quan tại các địa bàn trọng điểm của hệ thống hải quan
trên cơ sở rà soát thực tế;
|
Các trang thiết bị.
|
2018-2020
|
Cục TVQT
|
Các CHQ tỉnh, TP
và các đơn vị liên quan
|
|
6. Đầu tư, trang bị hệ thống RFID giám sát hành
lý ký gửi nhập cảnh tại nhà ga T2 Nội Bài, sân bay Đà Nẵng, sân bay Tân Sơn
Nhất;
|
03 hệ thống RFID được trang bị.
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Các CHQ tỉnh, TP
và các đơn vị liên quan
|
|
7. Đầu tư, trang bị 07 ca nô cao tốc, 02 tàu cao
tốc của Tổng cục Hải quan cho Cục HQ Bình Định (03 cái), Cần Thơ (01 cái), Đồng
Tháp (03 ca nô).
02 tàu cho HQ Quảng Ninh và Cục ĐTCBL;
|
- 07 ca nô, 02 tàu cao tốc được trang bị.
|
2016-2018
|
Cục TVQT
|
Cục ĐTCBL, Các CHQ
tỉnh, TP và các đơn vị liên quan
|
|
8. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ
cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành;
|
Trụ sở, trang thiết bị.
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Cục GSQL, Cục HQ tỉnh,
thành phố
|
|
9. Tiếp tục đầu tư Hệ thống Seal định vị GPS cho
các Cục HQ tỉnh, TP (sau khi triển khai thí điểm tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng
Ninh);
|
Thiết bị GPS.
|
2017-2020
|
Cục TVQT
|
Cục GSQL, Cục
CNTT, Cục ĐTCBL, Cục QLRR, Các Cục HQ tỉnh, TP
|
|
10. Tiếp tục triển khai Đề án mã vạch;
|
Thiết bị.
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Cục GSQL, Cục
CNTT, Các Cục HQ tỉnh, TP
|
|
11. Đầu tư máy móc thiết bị cho Cục Kiểm định hải
quan .
|
Trang thiết bị.
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Cục Kiểm định
(Trung tâm PTPL), các Chi cục Kiểm định, Trung tâm PTPL thuộc Cục Kiểm định,
Nhà thầu
|
|
36
|
4.2. Hoạt động 2: Chuẩn hóa về quy trình,
quy chế vận hành, sử dụng
|
1. Rà soát hoàn thiện quy trình quản lý tài sản
công;
|
Quy trình quản lý.
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Các đơn vị thuộc
và trực thuộc TCHQ, các Cục HQ tỉnh, TP
|
|
2. Rà soát hoàn thiện quy chế, quy trình vận
hành, khai thác các hệ thống máy móc, trang thiết bị;
|
Quy trình vận hành.
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Các đơn vị thuộc
và trực thuộc TCHQ, các Cục HQ tỉnh, TP
|
|
3. Nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu mua sắm
thông qua hệ thống các giải pháp;
|
- Hệ thống các giải pháp được phê duyệt;
- Tổ chức triển khai.
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Các đơn vị thuộc
và trực thuộc TCHQ, các Cục HQ tỉnh, TP
|
|
4. Tăng cường hiệu quả công tác đầu tư, quản lý
và sử dụng máy soi ngành Hải quan;
|
- Hệ thống các giải pháp được phê duyệt;
- Tổ chức triển khai.
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Các đơn vị thuộc
và trực thuộc TCHQ, các Cục HQ tỉnh, TP
|
|
5. Hoàn thiện công tác lập, thẩm định, thanh quyết
toán và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trong ngành Hải quan;
|
- Hệ thống các giải pháp được phê duyệt;
- Tổ chức triển khai.
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Các đơn vị thuộc
và trực thuộc TCHQ, các Cục HQ tỉnh, TP
|
|
6. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý kỹ thuật
khai thác phương tiện đường thủy ngành Hải quan.
|
- Hệ thống các giải pháp được phê duyệt;
- Tổ chức triển khai.
|
2016-2020
|
Cục TVQT
|
Các đơn vị thuộc
và trực thuộc TCHQ, các Cục HQ tỉnh, TP
|
|
5. Nhóm 5: Một số hoạt động chính áp dụng
phương thức điện tử trong quản lý, điều hành và quản trị nội bộ
|
37
|
5.1. Hoạt động 1: Xây dựng thể chế ứng dụng
công nghệ thông tin trong xử lý tự động các giao dịch nội bộ trên cơ sở hồ
sơ, văn bản điện tử và thực hiện trao đổi thông tin, dữ liệu, văn bản điện tử.
|
1. Xây dựng các văn bản pháp luật đảm bảo đầy đủ
cơ sở pháp lý triển khai ứng dụng công nghệ thông tin;
|
Cơ sở pháp lý triển khai ứng dụng công nghệ thông
tin.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2. Xây dựng đầy đủ quy trình, quy chế cho việc quản
lý, vận hành và phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin;
|
Quy trình, quy chế cho việc quản lý, vận hành và
phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin được ban hành.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
3. Chuẩn hóa các tiêu chí, chuẩn trao đổi dữ liệu
điện tử với các bên liên quan trên cơ sở tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế (WCO
data set...);
|
Chuẩn hóa các tiêu chí, chuẩn trao đổi dữ liệu điện
tử với các bên liên quan.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
4. Xây dựng, thống nhất chuẩn trao đổi dữ liệu với
các cơ quan quản lý nhà nước liên quan và cung cấp chuẩn trao đổi chứng từ điện
tử cho cộng đồng doanh nghiệp thực hiện cơ chế một cửa;
|
Chuẩn trao đổi dữ liệu với các cơ quan quản lý
nhà nước liên quan và cung cấp chuẩn trao đổi chứng từ điện tử cho cộng đồng
doanh nghiệp thực hiện cơ chế một cửa được ban hành.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
5. Xây dựng, triển khai chính sách đảm bảo an
ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống thông tin ngành Hải quan;
|
Áp dụng đầy đủ chính sách đảm bảo an ninh, an
toàn cho toàn bộ hệ thống thông tin ngành Hải quan.
|
2016-2020
|
Cục CNTT &
TKHQ
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
38
|
5.2. Hoạt động 2: Xây dựng và triển khai hệ
thống quản lý văn bản, công việc và điều hành điện tử
|
1. Khảo sát, đánh giá hiện trạng, đề xuất yêu cầu
nghiệp vụ để phát triển hệ thống mới;
|
Báo cáo đánh giá;
|
2016-2017
|
Văn phòng
|
Cục CNTT&TK
HQ, Ban Cải cách, hiện đại hóa và các đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ
|
|
Yêu cầu nghiệp vụ.
|
|
2. Xây dựng Hệ thống, triển khai diện rộng trong
ngành Hải quan;
|
Hệ thống quản lý văn bản, công việc và điều hành
điện tử.
|
2017-2018
|
Cục CNTT&TKHQ
|
Văn phòng và các
đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ
|
|
3. Tổ chức triển khai áp dụng hệ thống quản lý
văn bản, công việc và điều hành điện tử.
|
Các CBCC ngành Hải quan sử dụng thông thạo phần mềm.
|
2018-2020
|
Cục CNTT&TKHQ;
Văn phòng
|
Các đơn vị thuộc
và trực thuộc TCHQ
|
|
39
|
5.3. Hoạt động 3: Xây dựng và triển khai hệ
thống chỉ số đánh giá hiệu quả công việc của một số lĩnh vực nghiệp vụ hải
quan
|
1. Xây dựng và ban hành Bộ hệ thống chỉ số đánh
giá kết quả công việc Giám sát quản lý;
|
Hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động GSQL.
|
2016-2017
|
Ban CCHĐH
|
Văn Phòng, CNTT,
TCCB, GSQL
|
|
2. Xây dựng và ban hành Bộ hệ thống chỉ số đánh
giá kết quả công việc thuế XNK;
|
Hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động Thuế
XNK.
|
2016-2017
|
Ban CCHĐH
|
Văn Phòng, CNTT,
TCCB, Thuế XNK
|
|
3. Xây dựng và ban hành Bộ hệ thống chỉ số đánh
giá kết quả công việc KTSTQ;
|
Hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động
KTSTQ.
|
2017-2018
|
Ban CCHĐH
|
Văn Phòng, CNTT,
TCCB,. KTSTQ
|
|
4. Xây dựng và ban hành Bộ hệ thống chỉ số đánh
giá kết quả công việc Quản lý rủi ro;
|
Hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động QLRR.
|
2017-2018
|
Ban CCHĐH
|
Văn Phòng, CNTT,
TCCB, QLRR
|
|
5. Xây dựng và ban hành Bộ hệ thống chỉ số đánh giá
kết quả công việc công nghệ thông tin;
|
Hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động công
nghệ thông tin.
|
2019-2020
|
Ban CCHĐH
|
Văn Phòng, CNTT,
TCCB, QLRR
|
|
6. Xây dựng và ban hành Bộ hệ thống chỉ số đánh
giá kết quả công việc tài vụ quản trị;
|
Hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động TVQT.
|
2019-2020
|
Ban CCHĐH
|
Văn Phòng, CNTT,
TCCB, TVQT
|
|
7. Xây dựng và ban hành Bộ hệ thống chỉ số đánh
giá kết quả công việc Cục ĐTCBL;
|
Hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động
ĐTCBL.
|
2019-2020
|
Ban CCHĐH
|
Văn Phòng, CNTT,
TCCB, ĐTCBL
|
|
8. Xây dựng và ban hành Bộ hệ thống chỉ số đánh
giá kết quả công việc Trung tâm phân tích, phân loại hàng hóa XNK;
|
Hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động Trung
tâm phân tích, phân loại hàng hóa XNK.
|
2017-2018
|
Ban CCHĐH
|
Văn Phòng, CNTT,
TCCB, Cục Kiểm định
|
|
9. Tổ chức đo thời gian giải phóng hàng cấp
ngành.
|
Báo cáo tổng kết kết quả đo thời gian giải phóng
hàng.
|
2016-2020
|
Ban CCHĐH
|
Văn Phòng, GSQL,
QLRR, CNTT
|
|
40
|
5.4. Hoạt động 4: Xây dựng và triển khai Hệ
thống hỗ trợ nâng cao năng lực xử lý công việc cho cán bộ, công chức hải
quan.
|
1. Xây dựng đề án phát triển Hệ thống hỗ trợ nâng
cao năng lực xử lý công việc cho công chức Hải quan;
|
Đề án
|
2016-2017
|
Ban CCCHĐH
|
Các đơn vị thuộc,
trực thuộc TCHQ
|
|
2. Xây dựng Hệ thống CNTT hỗ trợ công chức hải
quan bao gồm các chức năng: cung cấp thông tin về tổ chức, quy trình, nghiệp vụ...,
các chức năng hỗ trợ công chức trong quá trình thực thi công vụ, các thông
tin hỗ trợ lãnh đạo hải quan các cấp trong ra các quyết định quản lý...;
|
Hệ thống CNTT hỗ trợ;
|
2017-2018
|
Ban CCCHĐH
|
Các đơn vị thuộc,
trực thuộc TCHQ
|
|
Tài liệu hướng dẫn sử dụng.
|
3. Ứng dụng Hệ thống trong ngành.
|
Các khóa tập huấn và hướng dẫn sử dụng.
|
2018-2020
|
Ban CCCHĐH
|
Các đơn vị thuộc,
trực thuộc TCHQ
|
|
41
|
5.5. Hoạt động 5: Ứng dụng công nghệ trực
tuyến trong giao ban, hội thảo, đào tạo, tập huấn
|
Triển khai thực hiện giao ban, hội thảo, tập huấn
ứng dụng công nghệ trực tuyến; (thuê dịch vụ hội nghị trực tuyến)
|
Các quy trình
|
2016-2020
|
Văn phòng
|
Cục CNTT&TK Hải
quan; BQLĐT dự án xây dựng trụ sở
|
|
42
|
5.6. Hoạt động 6: Rà soát, đánh giá, nâng
cao hiệu quả, triển khai mở rộng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn
quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan hải quan các cấp
|
1. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ
làm công tác ISO;
|
Phối hợp với Viện năng suất tổ chức các lớp đào tạo
tập huấn liên quan đến công tác ISO.
|
2016-2020
|
Văn phòng
|
Các đơn vị liên
quan
|
|
2. Kiểm tra, đánh giá, đề xuất việc xây dựng, áp
dụng, duy trì, mở rộng Hệ thống quản lý chất lượng trong các đơn vị Hải quan;
|
Báo cáo đánh giá, đề xuất.
|
2016-2017
|
Văn phòng
|
Cục Tài vụ - Quản
trị; Ban Cải cách HĐH.
|
|
3. Chuẩn hóa lại các nội dung đã triển khai; mở rộng
triển khai hệ thống quản lý chất lượng trong toàn bộ các công việc chính
trong các đơn vị hải quan;
|
Các hoạt động triển khai
|
2017-2019
|
Văn phòng
|
Cục Tài vụ - Quản
trị; Ban CCHĐH.
|
|
4. Xây dựng mô hình ISO điện tử trong áp dụng hệ
thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008 vào hoạt động của cơ quan hải quan các
cấp
|
Mô hình được xây dựng
|
2020
|
Văn phòng
|
Cục CNTT, Ban Cải
cách HĐH và các đơn vị liên quan
|
|
43
|
5.7. Hoạt động 7: Xây dựng đề án quản trị
Kế hoạch và thực hiện quản trị tiến độ, lộ trình đề ra của Kế hoạch sau khi
được duyệt
|
1. Xây dựng đề án;
|
Đề án quản trị Kế hoạch được phê duyệt.
|
2016
|
Ban CCHĐH
|
Các đơn vị thuộc,
trực thuộc TCHQ
|
|
2. Triển khai thực hiện đề án
|
Quản trị thực hiện kế hoạch
|
2017-2020
|
Ban CCHĐH
|
Các đơn vị thuộc,
trực thuộc TCHQ
|
|
44
|
5.8. Hoạt động 8: Tham mưu Bộ Tài chính
các nội dung Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021-2030
|
Xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn
2021-2030
|
Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn
2021-2030
|
2020-2021
|
Ban CCHĐH
|
Bộ Tài chính
Các đơn vị thuộc, trực thuộc TCHQ
|
|