BAN
TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
******
|
CÔNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
14/2002/QĐ-BTCCBCP
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
SỐ 14/2002/QĐ-BTCCBCP NGÀY 07 THÁNG 3 NĂM 2002 VỀ BAN HÀNH “KẾ HOẠCH
THANH TRA, KIỂM TRA CÔNG TÁC TỔ CHỨC - CÁN BỘ NHÀ NƯỚC NĂM 2002”
BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị định 181/CP ngày
9/11/1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ
máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;
Căn cứ Quy chế công tác thanh tra của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban
hành kèm theo Quyết định số 147/TCCP-TTPC ngày 21/11/1995 của Bộ trưởng, Trưởng
Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;
Căn cứ nhiệm vụ công tác năm 2002 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh tra- Pháp chế;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Ban hành kèm theo quyết định này “Kế hoạch thanh tra, kiểm
tra công tác tổ chức - cán bộ Nhà nước năm 2002”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3.
Các đơn vị thuộc Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ; Vụ Tổ chức
cán bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban Tổ chức chính quyền
các tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện kế hoạch
này.
KẾ HOẠCH THANH TRA, KIỂM TRA CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ NHÀ NƯỚC NĂM
2002
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 14/2002/QĐ-BTCCBCP ngày 07 tháng 3 năm 2002
của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ)
Năm 2001 công tác thanh tra, kiểm
tra của ngành tổ chức cán bộ Nhà nước đã đạt được những kết quả khả quan, tiếp
tục làm tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong việc phát hiện và đề
xuất những biện pháp khắc phục những tồn tại và thiếu sót trong công tác của
ngành.
Để phát huy những kết quả đã đạt
được trong năm 2001 công tác thanh tra, kiểm tra của ngành tổ chức cán bộ Nhà
nước năm 2002 cần được tiến hành thường xuyên và sâu sát hơn nữa, nhằm góp phần
thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2002 của Ban Tổ chức - Cán bộ
Chính phủ và của toàn ngành tổ chức - cán bộ Nhà nước trong việc tiếp tục triển
khai thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, triển khai thực hiện Hiến
pháp 1992 (sửa đổi) và các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương liên quan đến
công tác tổ chức, cán bộ Nhà nước, Luật Tổ chức Chính phủ 2001 và Chương trình
tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.
Bên cạnh việc tiếp tục triển
khai thực hiện có nề nếp những nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ
được giao, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành tổ chức - cán bộ Nhà nước năm
2002 cần tập trung vào việc tổ chức triển khai các đợt kiểm tra và thanh tra
theo chiều sâu với các chuyên đề sau đây:
I. CÁC CHUYÊN
ĐỀ TRỌNG TÂM CỦA CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA NĂM 2002
1. Tiếp tục thanh tra, kiểm tra
việc thực hiện các đề án sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế của các Bộ, ngành
và địa phương trên tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương khoá VIII đã được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Thanh tra, kiểm tra việc triển khai áp dụng
chính sách khoán biên chế và chi phí hành chính tại một số cơ quan hành chính
nhà nước.
2. Thanh tra, kiểm tra công tác
thi tuyển, thi nâng ngạch công chức ở các Bộ, ngành và địa phương.
3. Thanh tra, kiểm tra việc sử dụng
các loại văn bằng, chứng chỉ trong thi tuyển, thi nâng ngạch, bổ nhiệm, đề bạt
hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp
sử dụng các loại văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp.
4. Thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số
30/CT-TW và việc thực hiện tăng cường công tác dân vận theo Chỉ thị số
18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
5. Thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện Quyết định số 74/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2001-2005, tập trung đánh
giá chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính
và cán bộ chính quyền cơ sở;
6. Thanh tra, kiểm tra việc giải
quyết các khiếu nại quyết định kỷ luật công chức theo các quy định của Luật Khiếu
nại; tố cáo và Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 7/8/1999 của Chính phủ.
Ngoài các nội dung trên, lãnh đạo
các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và lãnh đạo UBND tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương quyết định các chuyên đề thanh tra khác phù hợp với
yêu cầu cụ thể của công tác tổ chức - cán bộ của Bộ, ngành và địa phương mình.
II. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Đối với Vụ Tổ chức cán bộ các
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:
Xây dựng kế hoạch kiểm tra công
tác tổ chức - cán bộ năm 2002 căn cứ vào những nội dung thanh tra, kiểm tra nêu
trên và phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm và theo yêu cầu công tác tổ chức - cán bộ
của Bộ, ngành mình để trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ phê duyệt.
Căn cứ vào kế hoạch kiểm tra đã
được phê duyệt, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác tổ chức, cán bộ
tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành mình quản lý. Tuỳ theo tính chất và phạm
vi của các đợt kiểm tra, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ cử đại diện tham gia
các đoàn kiểm tra.
2. Đối với Ban Tổ chức chính quyền
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Căn cứ vào những nội dung thanh
tra, kiểm tra nêu trên, Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức - cán bộ năm
2002 phù hợp với nhiệm vụ chính trị và theo yêu cầu công tác tổ chức - cán bộ của
địa phương mình để trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
phê duyệt.
Tuỳ theo yêu cầu và nội dung của
các cuộc thanh tra, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết
định thành lập hoặc uỷ quyền cho Trưởng Ban Tổ chức chính quyền quyết định
thành lập các đoàn thanh tra theo các nội dung trọng tâm nêu trên.
Căn cứ vào nội dung và đối tượng
thanh tra, Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ
trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm
tra theo các nội dung trọng tâm của công tác thanh tra năm 2002 đối với các cơ
quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước của Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Đối với Vụ Thanh tra - Pháp
chế Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ:
3.1 Triển khai một số đợt thanh
tra theo chiều sâu trong một số lĩnh vực công tác như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức, thi tuyển, thi nâng ngạch, đặc biệt tập trung thanh tra việc xử lý
các trường hợp sử dụng các văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp để được tuyển dụng,
nâng ngạch, bổ nhiệm hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng.
3.2 Giúp Bộ trưởng, Trưởng ban
kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện việc triển khai thực hiện kế hoạch
thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ năm 2002 đối với các Vụ Tổ chức cán
bộ các Bộ, ngành và Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương;
3.3 Triển khai thực hiện Nghị định
về Thanh tra Tổ chức - Cán bộ trong phạm vi toàn ngành khi Nghị định được ban
hành; xây dựng trình Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban
hành Quy chế hoạt động cụ thể của từng cấp trong hệ thống thanh tra tổ chức cán
bộ;
3.4 Chủ trì phối hợp với Cục Đào
tạo và Bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ
thanh tra công tác tổ chức - cán bộ Nhà nước cho đội ngũ công chức làm công tác
này ở các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước;
3.5 Phối hợp với các Vụ chức
năng thuộc Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra
đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
3.6 Thanh tra việc giải quyết
khiếu nại quyết định kỷ luật công chức tại các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương theo các quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và Nghị định số
67/1999/NĐ-CP ngày 7/8/1999 của Chính phủ.
Công tác thanh tra, kiểm tra của
ngành tổ chức - cán bộ Nhà nước phải được tiến hành theo đúng quy trình thanh
tra, quy chế hoạt động của đoàn thanh tra. Sau mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra,
các đoàn thanh tra, kiểm tra phải có kết luận bằng văn bản đánh giá các kết quả
và thành tích đạt được, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân về
những tồn tại, từ đó đề xuất những biện pháp cụ thể để khắc phục và kiến nghị xử
lý cụ thể các đối tượng thanh tra có vi phạm trong công tác tổ chức - cán bộ
Nhà nước.
Trong quá trình tổ chức các hoạt
động thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị trong phạm vi thẩm quyền quản
lý nhà nước của mình, Vụ Tổ chức cán bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ và Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
cần tăng cường hơn nữa việc phối kết hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan
để đạt hiệu quả cao nhất trong việc phát hiện và đề xuất những biện pháp khắc
phục những tồn tại và thiếu sót trong công tác của ngành.
Vụ Tổ chức cán bộ các Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương gửi kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức,
cán bộ Nhà nước đã được phê duyệt về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để theo dõi
và phối hợp công tác.
Qua quá trình thanh tra, kiểm
tra, Vụ Tổ chức cán bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ban
Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sơ kết
sáu tháng đầu năm và tổng kết một năm công tác thanh tra của Bộ, ngành, địa
phương mình và gửi báo cáo về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để tổng hợp, đánh
giá và rút kinh nghiệm chung.