QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CƠ QUAN, ĐƠN
VỊ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13 /2011/QĐ-UBND Ngày 16 tháng 9 năm
2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Quy định này quy định chế độ trách nhiệm
người đứng đầu các cơ quan, đơn vị của Nhà nước và cấp phó được
cấp trưởng phân công (gọi tắt là người đứng đầu) trong công tác quản
lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Đối tượng áp
dụng
1. Đối với người đứng đầu:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
và các đơn vị chuyên ngành trực thuộc tham mưu giúp Sở về lĩnh vực
quản lý, bảo vệ đê điều.
b) Các Sở, Ban, ngành tỉnh, các cơ quan,
đơn vị có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đê điều.
c) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
(gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); các Phòng, Ban chức năng trực
thuộc tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác quản lý, bảo
vệ đê điều.
d) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
(gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có đê.
đ) Các ấp, khóm có đê điều.
e) Các cơ quan, đơn vị có hoạt động liên
quan đến đê điều.
2. Cấp phó của người đứng đầu quy định
tại khoản 1 Điều này phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu trong
lĩnh vực quản lý, bảo vệ đê điều được cấp trưởng phân công.
Điều 3. Trách nhiệm
của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều thực hiện
trên cơ sở những căn cứ sau:
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của cơ quan, đơn vị do pháp luật quy định.
2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của người đứng đầu trong công tác quản lý,
bảo vệ đê điều.
3. Căn cứ nội dung, chế độ trách nhiệm
đối với người đứng đầu quy định tại Điều 5 Quy định này.
Điều 4. Nguyên tắc xác
định chế độ trách nhiệm người đứng đầu
1. Đảm bảo khách quan, đúng người, đúng
việc, đúng quy định.
2. Theo quy định của pháp luật và điều
kiện cụ thể trong việc tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Điều 5. Chế độ trách
nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều
1. Người đứng đầu Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống
lụt, bão thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác quản
lý, bảo vệ đê điều; tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong
việc chỉ đạo, đôn đốc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác
quản lý, bảo vệ đê điều và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; chịu trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn công tác quản
lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vi phạm, tổ
chức xử lý vi phạm theo qui định của pháp luật.
2. Người đứng đầu các Sở, Ban, ngành tỉnh
liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ đê điều có trách nhiệm phối
hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp
huyện trong việc quản lý, bảo vệ, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng và xử lý vi
phạm về đê điều theo quy định.
3. Người đứng đầu Chi cục Thuỷ lợi và
Phòng, chống lụt, bão chịu trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được
giao trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều; kiểm tra, hướng dẫn công tác quản
lý, bảo vệ đê điều, xử lý vi phạm về quản lý, bảo vệ đê điều theo qui định của
pháp luật; chỉ đạo người đứng đầu Hạt Quản lý đê điều thực hiện chức
năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đê điều.
4. Người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp huyện
có trách nhiệm:
Chỉ đạo các Phòng, Ban chức năng cấp
huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có đê điều trong công tác quản lý,
bảo vệ đê điều trên địa bàn;
Tổ chức xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật
về đê điều theo quy định, đối với những vi phạm nghiêm trọng phải kịp thời
báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn;
Thời hạn xử
lý vi phạm không quá 10 ngày và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện
nhiệm vụ được giao trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Người
đứng đầu các Phòng, Ban chức năng cấp huyện có liên quan chịu trách nhiệm
tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ngăn chặn và xử lý kịp
thời các vi phạm đê điều theo quy định của pháp luật; đồng thời,
chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện theo
quy định.
6. Người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp xã
có đê điều:
Chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ đê điều
trên địa bàn, tổ chức xử lý dứt điểm các vi phạm về đê điều theo quy
định của pháp luật; đồng thời, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thời hạn xử
lý vi phạm không quá 5 ngày và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện
nhiệm vụ được giao trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
7. Người đứng đầu các ấp, khóm có đê điều
chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ đê điều; phát hiện và ngăn chặn
kịp thời các vi phạm; đồng thời, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp xã để xử lý trong thời hạn không quá 2 ngày.
8. Người đứng đầu Hạt Quản lý đê điều
chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản đình chỉ và báo
cáo kịp thời Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp huyện, Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống lụt, bão trong thời hạn không
quá 2 ngày; phối hợp với các ngành chức năng huyện, xã trong việc
xử lý vi phạm.
9. Người đứng đầu các tổ chức, đơn vị có
hoạt động liên quan đến đê điều chịu trách nhiệm thực hiện theo quy
định của Luật Đê điều và các quy định liên quan.
Điều 6. Đánh giá mức độ
hoàn thành nhiệm vụ người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ
đê điều
1. Hoàn thành nhiệm vụ: Phát hiện, ngăn
chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, không để vi phạm phát sinh
ảnh hưởng đến an toàn đê điều.
2. Không hoàn thành nhiệm vụ: Để xảy ra
tình trạng vi phạm đê điều trên địa bàn, không có biện pháp xử lý
hoặc xử lý không dứt điểm làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, gây
hậu quả nghiêm trọng.
Điều 7. Hình thức khen
thưởng, kỷ luật
1. Khen thưởng: Người đứng đầu có thành
tích trong việc quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đê điều được khen
thưởng theo quy định hiện hành.
2. Xử lý kỷ luật:
Căn cứ mức độ ảnh hưởng đến an toàn đê
điều và trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ
được giao để xem xét, quyết định các hình thức xử lý kỷ luật sau
đối với người đứng đầu:
a) Hình thức cách chức: Khi người đứng
đầu thiếu trách nhiệm để vi phạm ảnh hưởng đến an toàn đê điều dẫn
đến hậu quả nghiêm trọng.
b) Hình thức cảnh cáo: Khi người đứng đầu
cơ quan, đơn vị chưa làm hết trách nhiệm được giao để tình trạng vi
phạm đê điều xảy ra không giải quyết được nhưng chưa đến mức gây hậu
quả nghiêm trọng.
c) Hình thức khiển trách: Khi người đứng
đầu chưa làm hết trách nhiệm được giao để tình trạng vi phạm xảy ra,
tuy đã được ngăn chặn, xử lý nhưng gây ảnh hưởng đến an toàn của đê
điều.
d) Ngoài ra, tùy theo tính chất và mức độ ảnh hưởng
đến an toàn đê điều do chưa làm hết trách nhiệm, người đứng đầu còn phải chịu
những hình thức trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Giúp Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành chế độ
trách nhiệm người đứng đầu theo Quy định này.
2. Phối hợp với các cơ quan chức năng giúp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, đánh giá mức độ thực hiện,
chế độ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ đê
điều; chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định
việc xử lý khi người đứng đầu vi phạm theo quy định.
Điều 9. Trách nhiệm của
các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp
xã
1. Theo chức năng, nhiệm vụ người đứng đầu
có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội
dung tại Quy định này.
2. Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện
theo quy định.
Điều 10. Sửa đổi, bổ
sung
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu
có vấn đề khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh
kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.