BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1288/QĐ-BNN-TCCB
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 06 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRƯỜNG
CAO ĐẲNG KINH TẾ VÀ CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Luât Giáo dục đại học năm
2012;
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP
ngày 26/11/2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 937/QĐ-BGDĐT
ngày 17/3/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Thành lập Trường Cao đẳng Kinh tế
và Công nghệ thực phẩm;
Xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường
Trung học Nghiệp vụ quản lý Lương thực thực phẩm tại Tờ trình số
18/TTr/NVQL-HCTC ngày 19/5/2014 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ thực phẩm;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và
chức năng
1. Trường Cao đẳng Kinh tế và Công
nghệ thực phẩm (sau đây gọi tắt là Trường) là đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào
tạo công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tư cách pháp
nhân, có con dấu riêng (kể cả dấu nổi), tài khoản riêng tại Kho bạc và Ngân
hàng Nhà nước để hoạt động theo quy định của pháp luật. Trụ sở chính của Trường
đặt tại thành phố Hải Phòng.
2. Trường là cơ sở giáo dục đại học trong
hệ thống giáo dục quốc dân có chức năng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học,
chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, tư vấn và dịch vụ trong lĩnh vực kinh tế
và công nghệ thực phẩm theo quy định của pháp luật.
3. Trường chịu sự quản lý trực tiếp của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của
Bộ Giáo dục và Đào tạo; chịu sự quản lý về lãnh thổ của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng; hoạt động
theo quy chế tổ chức và hoạt động được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
phê duyệt trên cơ sở Điều lệ trường cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số
14/2009/TT-BGDĐT ngày 28/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 2. Nhiệm vụ
ngành nghề và quy mô đào tạo
1. Nhiệm vụ:
a) Xây dựng tầm nhìn, chiến lược, kế
hoạch phát triển Trường;
b) Đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng,
trung cấp chuyên nghiệp; cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề theo quy
định của pháp luật;
c) Bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến
thức và kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất
kinh doanh và của người lao động;
d) Thực hiện nghiên cứu khoa học, tư
vấn, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học, công nghệ và sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và phát
triển nông thôn theo quy định của pháp luật;
đ) Xây dựng chương trình, giáo trình,
kế hoạch giảng dạy, học tập đối với ngành nghề Trường được phép đào tạo theo
chương trình khung do Nhà nước quy định;
e) Tổ chức các hoạt động in ấn tài liệu,
giáo trình phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật;
g) Thực hiện công tác tuyển sinh, tổ
chức quá trình đào tạo, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy
định của pháp luật;
h)
Phối hợp với các tổ chức, cá nhân và gia đình của người học
trong hoạt động giáo dục;
i) Đăng ký, tổ chức triển khai kiểm định
chất lượng giáo dục và chịu sự quản lý chất lượng của cơ quan kiểm định chất lượng
giáo dục;
k) Liên doanh, liên kết đào tạo với
các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước theo quy
định của pháp luật;
l) Công khai về chất lượng đào tạo của
trường, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính hàng năm của trường;
m) Quản lý công chức, viên chức, người
lao động, tài sản và các nguồn lực khác của trường theo quy định của pháp luật
và phân cấp thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
n) Thực hiện chế độ thông tin báo
cáo, kiểm tra, thanh tra theo quy định;
o) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao.
2. Ngành, nghề đào tạo:
a) Đào tạo trình độ cao đẳng chuyên
nghiệp:
Trường được đào tạo các ngành theo
quy định về thủ tục mở ngành đào tạo của Bộ Giáo dục và đào tạo;
Trường được tiếp tục đào tạo các
ngành và chuyên ngành đã được cấp có thẩm quyền cho phép:
- Công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo
quản thực phẩm;
- Công nghệ kỹ thuật sản xuất muối;
- Kế toán doanh nghiệp;
- Kế toán hành chính sự nghiệp;
- Ngành Tài chính - Ngân hàng (chuyên
ngành: tài chính xã, phường, thị trấn);
- Tin học ứng dụng;
- Điện công nghiệp và dân dụng.
Trường được mở ngành đào tạo mới khi
có nhu cầu và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, được Bộ Nông nghiệp và
phát triển nông thôn phê duyệt.
c) Đào tạo trình độ cao đẳng và trung
cấp nghề:
Các nghề đào tạo trình độ cao đẳng
nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt
động dạy nghề của Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội;
Việc đăng ký hoạt động dạy nghề của
Trường thực hiện theo Thông tư số 29/2011/TT-BLĐTBXH ngày 24/10/2011 của Bộ trưởng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
3. Quy mô đào tạo:
Quy mô đào tạo chính quy các ngành,
nghề của Trường từ 2.500 - 3.000 học sinh, sinh viên.
Điều 3. Cơ cấu tổ
chức
1. Hội đồng trường: Thành lập và hoạt
động của Hội đồng trường theo quy định
của pháp luật.
2. Lãnh đạo Trường:
Lãnh đạo Trường có Hiệu trưởng và
không quá 03 Phó Hiệu trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.
Hiệu trưởng điều hành hoạt động của
Trường, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của
Trường.
Phó Hiệu trưởng giúp Hiệu trưởng theo
dõi trong quản lý và điều hành một số nhiệm vụ theo phân công của Hiệu trưởng
và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân
công hoặc ủy quyền.
3. Các phòng chức năng:
a) Phòng Hành chính, Tổ chức;
b) Phòng Tài chính, Kế toán;
c) Phòng Đào tạo;
d) Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế;
đ) Phòng Khảo thí và Kiểm định chất
lượng;
e) Phòng Quản trị, Đời sống;
g) Phòng Công tác học sinh, sinh viên.
4. Các Khoa:
a) Khoa Công nghệ thực phẩm;
b) Công nghệ sản xuất muối;
c) Khoa Kinh tế;
d) Khoa Khoa học cơ bản;
đ) Khoa Công nghệ thông tin;
e) Khoa Điện, Điện tử;
g) Khoa Giáo dục Chính trị.
5. Các tổ chức đào tạo và phục vụ đào
tạo trực thuộc:
a) Trung tâm Hướng dẫn thực hành và Dịch
vụ sinh viên;
b) Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học.
Các trung tâm là tổ chức sự nghiệp công lập không
có tư cách pháp nhân, không có con dấu và tài khoản riêng và thực hiện chế độ
tài chính hạch toán phụ thuộc Trường. Khi có nhu cầu và đủ điều kiện thành lập
các tổ chức có tư cách pháp nhân, Hiệu trưởng Trường lập đề án và trình Bộ xem
xét, quyết định theo quy định của pháp luật;
Phòng có Trưởng phòng và không quá 02 Phó trưởng
phòng; Khoa có Trưởng khoa và không quá 02 Phó trưởng khoa; Trung tâm có Giám đốc
Trung tâm và không quá 02 Phó Giám đốc Trung tâm do Hiệu trưởng quyết định bổ
nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật;
Hiệu trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ
chức trực thuộc Trường; bố trí sắp xếp công chức, viên chức và người lao động
phù hợp với vị trí việc làm; xây dựng trình Bộ phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt
động của trường theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
ban hành.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
1. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ
thực phẩm có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức
Trường và đăng ký hoạt động của Trường theo quy định của pháp luật.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ thực phẩm và Thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Bộ Lao động - TB và XH;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- UBND TP Hải Phòng;
- Lưu: VT, TCCB (PXN 30 b).
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|