BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số:
124-QĐ/TW
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 02
năm 2018
|
QUY ĐỊNH
VỀ GIÁM SÁT CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
VÀ NHÂN DÂN ĐỐI VỚI VIỆC TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU,
CÁN BỘ CHỦ CHỐT VÀ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt
Nam;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban
Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII;
- Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TW,
ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng,
chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"
trong nội bộ;
- Căn cứ Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày
15/5/2016 của Bộ Chính trị về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh",
Ban Bí thư Quy định về giám sát của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với
việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt
và cán bộ, đảng viên như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
áp dụng và đối tượng giám sát
Quy định này quy định về giám sát của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với
việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt
và cán bộ, đảng viên.
Điều 2. Mục đích
giám sát
Phát huy vai trò
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong
giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ
chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp Phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Điều 3. Nguyên tắc
giám sát
1- Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ
chức đảng; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
và Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội.
2- Phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan, tổ chức có
liên quan; không làm cản trở hoặc ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của tổ chức,
cá nhân, gia đình người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
3- Trên tinh thần xây dựng, bảo đảm
dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch; tránh nể nang, né tránh hoặc để bị lợi
dụng.
Điều 4. Chủ thể
giám sát
1- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ
chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở.
2- Nhân dân thực hiện quyền giám sát
thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; phản ảnh,
kiến nghị đến cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan có thẩm quyền
về những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Chương II
NỘI DUNG, PHẠM
VI, HÌNH THỨC GIÁM SÁT; TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN GIÁM SÁT
Điều 5. Nội dung
giám sát
1- Các biểu hiện suy thoái về đạo đức,
lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa
XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
2- Việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức
công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng
viên.
Điều 6. Phạm vi
giám sát
1- Giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ
chốt, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp ở nơi làm việc;
giám sát cán bộ, đảng viên sinh hoạt, cư trú trên địa bàn khu dân cư.
2- Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng
viên không thuộc cấp ủy cùng cấp quản lý có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối
sống thì chủ thể giám sát báo cáo, phản ảnh với cấp có thẩm
quyền quản lý cán bộ, đảng viên.
Điều 7. Hình thức
giám sát
1 - Thông qua việc quan sát, tìm hiểu,
giao tiếp với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
2- Thông qua tiếp nhận thông tin báo
cáo, phản ảnh của các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên và nhân dân; dư luận
xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng.
Điều 8. Tiếp nhận,
xử lý thông tin giám sát
1 - Khi phát hiện hoặc tiếp nhận báo
cáo, phản ảnh về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của người đứng đầu,
cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức chính trị - xã hội báo cáo bằng văn bản hoặc phản ảnh trực tiếp
với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp để xem xét, xử lý.
2- Cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền
sau khi tiếp nhận báo cáo, phản ảnh của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm lãnh đạo,
chỉ đạo xem xét, giải quyết. Chậm nhất 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được
báo cáo, phản ảnh của chủ thể giám sát, cấp có thẩm quyền thông báo bằng văn bản
kết quả giải quyết đến chủ thể giám sát và các cơ quan, tổ
chức có liên quan. Nếu vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng
không quá 30 ngày làm việc. Trường hợp xác định cán bộ, đảng
viên có vi phạm thì cấp ủy, tổ chức đảng xem xét, xử lý theo quy định.
Chương III
QUYỀN, TRÁCH NHIỆM
CỦA CHỦ THỂ GIÁM SÁT, ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT
Điều 9. Quyền,
trách nhiệm của chủ thể giám sát
1 - Giám sát thường xuyên đối với việc
tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và
cán bộ, đảng viên trong phạm vi giám sát.
2- Được mời tham dự các cuộc họp, hội
nghị của cấp ủy, tổ chức đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân liên quan đến
nội dung giám sát; các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng,
cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
và nhân dân.
3- Công tâm, dân chủ, khách quan khi
thực hiện giám sát; chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng về kết quả giám
sát; tránh nể nang, né tránh hoặc để bị lợi dụng trong hoạt động giám sát.
4- Báo cáo kết quả giám sát với cấp ủy,
tổ chức đảng có thẩm quyền và cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên; đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, kiểm tra, xử lý kết quả giám
sát; theo dõi việc xử lý kết quả giám sát của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
và đối tượng được giám sát.
Điều 10. Quyền,
trách nhiệm của đối tượng giám sát
1 - Được đề nghị, phản ảnh, báo cáo với
cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền xem xét về báo
cáo, nhận xét, đánh giá của chủ thể giám sát đối với mình
hoặc khi chủ thể giám sát thực hiện không đúng nội dung, phạm vi, trách nhiệm,
vi phạm Quy định này.
2- Từ chối trả lời, cung cấp thông
tin, tài liệu không thuộc quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ của mình hoặc không
liên quan đến nội dung, phạm vi giám sát.
3- Chịu sự giám sát của chủ thể giám
sát theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Quy định này.
Chương IV
KHEN THƯỞNG, XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 11. Khen
thưởng và xử lý vi phạm
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
chính trị - xã hội và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hiện Quy định
thì được biểu dương, khen thưởng; nêu vi phạm Quy định thì tùy theo nội dung,
tính chất, mức độ tác hại, nguyên nhân vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách
nhiệm thực hiện
1- Các cấp ủy, tổ chức đảng trực tiếp
lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
cùng cấp triển khai thực hiện Quy định này; định kỳ 3 tháng, 6 tháng và hằng
năm báo cáo kết quả thực hiện Quy định với cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên.
2- Người đứng đầu, cán bộ chủ chốt,
cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân theo Quy định này.
3- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển
khai thực hiện Quy định tới các cấp thuộc tổ chức mình.
4- Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối
hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban đảng ở Trung ương và Văn
phòng Trung ương Đảng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy định này; định kỳ báo cáo Ban Bí thư.
Điều 13. Hiệu lực
thi hành
1 - Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên có trách nhiệm thực hiện Quy định này.
2- Quy định này có hiệu lực từ ngày
ký và được phổ biến đến chi bộ, ban công tác Mặt trận khu dân cư, chi đoàn, chi
hội của các tổ chức chính trị - xã hội.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung
ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BAN BÍ THƯ
Trần Quốc Vượng
|