ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 123/2017/QĐ-UBND
|
Ninh Thuận, ngày 20 tháng 11 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ ĐOÀN KẾT ĐÁNH BẮT HẢI SẢN
XA BỜ KẾT HỢP KINH TẾ VỚI HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP
ngày 19/05/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động
thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt
động của Tổ hợp tác;
Thực hiện Quyết định 1022/QĐ-TTg
ngày 07 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai
thực hiện nghị quyết số 1059/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ quốc hội về
đẩy mạnh chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh;
Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BKH
ngày 09 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của
tổ hợp tác;
Căn cứ Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg
ngày 30/06/2006 của Thủ tướng Chính phủ Tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho
hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 95//TTr-SNNPTNT ngày 17 tháng 5 năm 2017.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức
và hoạt động của Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ kết hợp kinh tế với hoạt động
bảo vệ chủ quyền biển đảo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng
11 năm 2017.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn ven
biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ NN&PTNT (Vụ Pháp chế);
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- Thường trực; Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh;
- TT HĐND huyện, thành phố;
- Báo Ninh Thuận;
- Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- VPUB: CVP, các PVP (L.T.Dũng, H.X.Ninh), NC, TH, KGVX;
- Lưu: VT, KT, Hào.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lưu Xuân Vĩnh
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ ĐOÀN KẾT ĐÁNH BẮT HẢI SẢN XA BỜ KẾT HỢP KINH
TẾ VỚI HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 123/2017/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2017 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Đối tượng,
phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định việc tổ chức,
hoạt động và quản lý Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ kết hợp kinh tế với hoạt
động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, sau đây gọi tắt là Tổ đoàn kết.
2. Quy chế này chỉ áp dụng đối với những
thành viên của Tổ đoàn kết và những tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên có
tham gia Tổ đoàn kết tỉnh Ninh Thuận, có hoạt động khai thác thủy sản và dịch vụ
thủy sản trên biển.
Điều 2. Nguyên
tắc tổ chức và hoạt động
1. Tổ đoàn kết được thành lập theo
nguyên tắc:
- Tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và
cùng có lợi;
- Biểu quyết theo đa số;
- Tự chủ tài chính, tự trang trải các
chi phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của tổ và các tổ viên.
2. Tổ đoàn kết
được thành lập dựa theo 01 trong 04 tiêu chí cơ bản: cùng
nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú (xã - phường - thị trấn), cùng dòng
họ và bạn bè thân thích nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ
lẫn nhau của các tổ viên trong khai thác hải sản, tiêu thụ sản phẩm,
kinh nghiệm sản xuất, phòng, chống thiên tai, tai nạn, cứu hộ, cứu nạn và đấu
tranh với các hành vi vi phạm về chủ quyền, an ninh trật tự, tài nguyên quốc
gia trên các vùng biển Việt Nam.
3. Quá trình tổ chức và hoạt động của
Tổ đoàn kết được chính quyền địa phương, các sở ban ngành liên quan và các đơn
vị Bộ đội Biên phòng quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cũng
như quản lý, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo thực thi các quy định của Quy chế
này và các quy định của pháp luật liên quan.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
1. Thành viên Tổ đoàn kết (dưới đây gọi
tắt là tổ viên) là chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng-người được chủ tàu cá ủy nhiệm
sẽ thay mặt các thuyền viên trên tàu tham gia các hoạt động của Tổ đoàn kết.
2. Chủ tàu cá: Là tổ chức, cá nhân sở
hữu, quản lý, sử dụng tàu cá.
3. Thuyền trưởng: Là người chỉ huy
trên tàu cá đối với loại tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức
ngựa trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên.
4. Thuyền viên tàu cá: Là những người
thuộc định biên của tàu, bao gồm thuyền trưởng, các sĩ quan và các chức danh
khác được bố trí làm việc trên tàu.
5. Người làm việc trên tàu cá: Là những
người không thuộc biên chế thuyền viên: cán bộ thi hành công vụ, cán bộ nghiên
cứu khoa học, sinh viên thực tập.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Tổ chức của
Tổ đoàn kết
1. Tổ đoàn kết được thành lập trên cơ
sở tự nguyện tham gia của các tổ viên với ít nhất từ 05 tàu cá trở lên hoặc 01
tàu dịch vụ và 04 tàu cá và có quyết định thành lập của Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn nơi chủ tàu cư trú.
2. Tổ đoàn kết hoạt động theo quy ước
tổ chức và hoạt động của tổ và Quy chế này. Quy ước tổ chức, hoạt động của tổ
(dưới đây gọi tắt là quy ước của tổ) do các tổ viên thống nhất xây dựng, thông qua và được Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn đã ban hành Quyết định thành lập Tổ đoàn kết xác nhận.
3. Tổ đoàn kết có Tổ trưởng, Tổ phó, Thủ quỹ và các tổ viên.
a) Tổ trưởng, Tổ phó, Thủ quỹ do các
tổ viên trong tổ bầu ra theo nguyên tắc đa số. Việc bầu Tổ trưởng, Tổ phó, Thủ
quỹ phải có biên bản họp tổ và gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để ra
quyết định công nhận và gởi Đồn Biên phòng nơi cư trú để làm các thủ tục, quản
lý chung và hỗ trợ khi cần thiết;
b) Tiêu chuẩn Tổ trưởng: Là người có
hộ khẩu thường trú tại địa phương, là chủ tàu, thuyền trưởng hoặc máy trưởng
thường xuyên theo tàu hành nghề trên biển, có tuổi đời từ 25 tuổi trở lên, có sức
khỏe tốt, kinh nghiệm hoạt động trên biển, nhiệt tình, trách nhiệm với tập thể,
được các thành viên, ngư dân tín nhiệm đề cử, bầu;
c) Nhiệm vụ:
- Tổ trưởng: Triệu
tập và chủ trì hội nghị tổ; chỉ đạo điều hành chung công việc của tổ theo quy ước
nội bộ và thực hiện tốt các quy định của pháp luật, địa phương; tập hợp, phản
ánh, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những nguyện vọng chính đáng
của các tổ viên và ngư dân trong tổ; thực hiện chế độ báo cáo tình hình của tổ
theo định kỳ (sau mỗi chuyến biển - về bến), liên tục, thường xuyên (khi phát
hiện vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, liên quan đến quốc phòng, an ninh
trên biển hoặc có thiên tai, tai nạn xảy ra đối với các thành viên trong tổ
và khi phát hiện thấy các phương tiện khác bị
nạn) với các đài thông tin của đồn Biên phòng (theo tần sóng: Ngày 9339, đêm
6973) hoặc đài địa phương nơi cư trú.
Trường hợp trong 01 tổ đoàn kết nếu
có đủ điều kiện thành lập tổ, tiểu đội
dân quân biển thì tổ trưởng có nhiệm vụ phối hợp với Ban chỉ huy quân sự xã,
phường, thị trấn để xây dựng dân quân biển tập trung.
- Tổ phó giúp việc cho Tổ trưởng: Thực
hiện các nhiệm vụ theo quy ước của tổ và các nhiệm vụ khác khi được Tổ trưởng
phân công, ủy quyền;
- Thủ quỹ có trách nhiệm giữ tiền quỹ
của tổ và hoạt động theo quy ước của tổ;
- Các tổ viên hoạt động theo quy ước
của tổ và các quy định của pháp luật.
Điều 5. Thành lập
Tổ đoàn kết
1. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu
tham gia thành lập Tổ đoàn kết gởi Hồ sơ đề nghị thành lập và tham gia Tổ đoàn
kết đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức,
tổ viên đang cư trú để Ủy ban nhân dân xã, phường thị trấn xem xét và ra quyết
định thành lập Tổ đoàn kết theo quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày
10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác và
Thông tư số 04/2008/TT-BKH ngày 09 tháng 7 năm 2008 của Bộ
Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt
động của tổ hợp tác.
2. Kinh phí bầu tổ trưởng và tổ chức
hội nghị thành lập tổ được trích từ kinh phí hoạt động của Tổ đoàn kết.
Điều 6. Quyền và
nghĩa vụ của các thành viên trong Tổ đoàn kết
1. Quyền lợi
a) Được cơ quan chức năng hướng dẫn,
phổ biến, tập huấn về nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt, bão và tìm kiếm
cứu nạn trên biển; kỹ thuật khai thác hải sản; sử dụng các trang thiết bị thông
tin liên lạc, tín hiệu hàng hải; kiến thức bảo vệ an ninh trật tự trên biển;
b) Được hỗ trợ bởi hệ thống thông tin
của các ngành chức năng trong quá trình khai thác trên biển về các lĩnh vực:
Tiêu thụ sản phẩm; kỹ thuật, ngư trường khai thác; tình
hình thời tiết, thiên tai, tai nạn, biện pháp phòng, tránh, khắc phục hậu quả;
c) Được xét hỗ trợ về vốn, lãi suất
đóng mới, cải hoán tàu thuyền, đầu tư để chuyển giao, ứng
dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác mới theo các cơ chế chính sách hiện hành;
d) Được hưởng chế độ chính sách theo
Luật dân quân tự vệ (nếu là dân quân biển).
2. Nghĩa vụ
a) Chấp hành nghiêm các quy định của
pháp luật, quy định của địa phương và quy ước Tổ đoàn kết đã được thông qua;
b) Khi tàu của các tổ viên hoặc (nếu phát
hiện) phương tiện khác không thuộc thành viên của Tổ đoàn kết gặp tai nạn, rủi
ro, ngay lập tức phải thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn
và thông báo ngay về bờ thông qua các đài thông tin của Bộ đội Biên phòng, đài
duyên hải, gia đình;
c) Tích cực tham gia các hoạt động bảo
vệ tài nguyên, chủ quyền và an ninh trật tự trên vùng biển của Tổ quốc; tôn trọng
chủ quyền vùng biển của các nước tiếp giáp; trao đổi kinh
nghiệm về kỹ thuật khai thác, phòng, chống thiên tai, khắc phục sự cố máy móc,
thân vỏ với các tổ viên khác; thông tin kịp thời về ngư
trường, thời tiết, thị trường, giá cả và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm khi các tàu
cá trong tổ về bến;
d) Thực hiện nghiêm Luật dân quân tự
vệ (nếu là dân quân biển).
Điều 7. Trách nhiệm
của chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá thuộc Tổ đoàn kết
1. Trách nhiệm thường xuyên
a) Phổ biến, hướng
dẫn đôn đốc các thuyền viên thực hiện các quy ước của Tổ đoàn kết; chịu trách
nhiệm việc tổ chức trang bị về bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển; phân
công nhiệm vụ và huấn luyện cho thuyền viên các phương án cơ bản đảm bảo an
toàn khi hoạt động trên biển;
b) Làm hợp đồng trách nhiệm dân sự của
chủ tàu (trong trường hợp chủ tàu có thuê lao động) và bảo
hiểm nhân mạng của tất cả các thuyền viên làm việc trên tàu, bảo hiểm thân tàu
đối với những tàu đánh bắt xa bờ;
c) Đôn đốc các thuyền viên trực tàu
thường xuyên quan sát mặt biển, trực đài canh thông tin, kịp thời phát hiện các
hiện tượng thời tiết xấu, dấu hiệu khác thường trên tàu, để báo cáo thuyền trưởng
chỉ huy xử lý kịp thời;
d) Tiến hành đăng ký tần số và làm
cam kết thông tin liên lạc tại đồn, trạm kiểm soát Biên phòng nơi cư trú;
đ) Trước khi xuất bến ra biển hoạt động,
chủ tàu, thuyền trưởng phải tiến hành kiểm tra thuyền viên, người làm việc trên
tàu cá và tàu cá về trang thiết bị khai thác, trang thiết bị hàng hải, các loại
giấy tờ của tàu cá và thuyền viên và trang thiết bị bảo đảm an toàn cho người
và phương tiện. Thuyền trưởng phải đăng ký: danh sách thuyền viên thực tế chuyến
biển; khu vực, thời gian dự kiến hoạt động trên biển với Trạm kiểm soát biên
phòng nơi xuất bến;
e) Không đưa tàu, thuyền vào đánh bắt
tại các vùng cấm để đảm bảo an toàn dầu khí (các khu vực hành lang an toàn của
các mỏ, công trình dầu khí trên biển); không xâm phạm vùng
biển nước ngoài;
g) Sẵn sàng tham gia huy động nhân lực,
phương tiện tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển
nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền,
2. Trách nhiệm trong trường hợp nhận
được tin bão, áp thấp nhiệt đới
a) Đối với các phương tiện đang hoạt
động trên biển
- Theo dõi chặt chẽ vị trí, hướng di
chuyển của bão qua radio, máy thông tin trên tàu;
- Xác định vị trí của tàu, khoảng
cách giữa tàu với tâm bão, áp thấp nhiệt đới trên bản đồ hoặc sơ đồ báo bão, giữ
liên lạc thường xuyên với các tàu trong tổ và đất liền;
- Chủ phương tiện và thuyền trưởng phải
thông báo các tin dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới
đến toàn bộ thuyền viên trên tàu, có phương án cụ thể về đảm
bảo an toàn cho người và phương tiện, phương án di chuyển phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới;
- Trong trường hợp phương tiện của Tổ
đoàn kết nằm trong hoặc phía trước vùng tâm bão có gió cấp 6 trở lên, tổ trưởng
Tổ đoàn kết, thuyền trưởng ra lệnh ngừng ngay việc sản xuất, các thuyền viên mặc
áo phao cá nhân, đưa các trang thiết bị cấp cứu vào các vị trí sẵn sàng; căn cứ
dự báo hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới trong 48
đến 72 giờ tới và kinh nghiệm phòng tránh thiên tai, Tổ
trưởng Tổ đoàn kết thống nhất với các tổ viên về hướng di chuyển và lập tức chỉ
đạo cho các tàu thành viên cùng rời khỏi khu vực sản xuất đến nơi trú tránh bão
an toàn hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm;
- Duy trì liên lạc 24/24 giờ với các
tàu thành viên và các đài chỉ huy trên bờ để nắm tình hình của tổ, các tàu thuyền
khác trong khu vực (nếu phát hiện) nhằm kịp thời hướng dẫn và ứng cứu khi có
tình huống. Đồng thời báo cáo các đồn, Trạm biên phòng, chính quyền xã, phường,
thị trấn về: số lượng tàu, người, vị trí, thời tiết khu vực hoạt động của các
tàu trong Tổ đoàn kết. Đặc biệt chú ý giữ liên lạc với Đài chỉ huy trên bờ
trong trường hợp vào tránh bão, gió hoặc bị tai nạn trôi dạt vào các đảo do nước
ngoài đang quản lý;
- Thực hiện nghiêm các yêu cầu, hướng
dẫn về phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới của chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng thông qua hệ thống máy thông tin vô tuyến điện,
điện thoại;
- Không đưa tàu thuyền vào khu vực
nguy hiểm, khu vực dự báo hướng bão, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển đến trong
thời gian tiếp theo;
- Sẵn sàng tổ chức ứng cứu tàu và
thuyền viên của Tổ đoàn kết và tàu cá khác bị nạn theo phương châm cứu người
trước, cứu tài sản sau.
b) Đối với các tàu đang neo đậu tại bến,
khu vực tránh trú bão.
- Phải tổ chức neo đậu, chằng chống
theo đúng quy định của địa phương, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tổ
trưởng Tổ đoàn kết, thuyền trưởng các tàu kiểm tra cụ thể kỹ thuật neo đậu, chằng
chống;
- Khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ
bộ trực tiếp, yêu cầu toàn bộ thuyền trưởng và thuyền viên phải lên bờ tránh bão.
c) Khi bão, áp thấp nhiệt đới tan hoặc
đi qua khu vực hoạt động, neo đậu
- Thuyền trưởng các tàu thành viên phải
tóm tắt báo cáo tình hình phòng chống, thiệt hại của tàu
mình và các tàu khác (nếu phát hiện) cho Tổ trưởng;
- Tổ trưởng Tổ đoàn kết tổng hợp tình
hình: số người, tàu, vị trí, thời gian, thiệt hại; đề nghị hỗ trợ cụ thể (nếu
có), biện pháp giải quyết tiếp theo và bằng mọi cách báo cáo ngay cho chính quyền
xã, phường, thị trấn hoặc đồn, Trạm biên phòng nơi cư trú hoặc nơi tàu xuất bến.
3. Trách nhiệm của các thành viên khi
có tai nạn xảy ra
a) Khi tàu thành viên gặp nạn hoặc nhận
được thông tin có tàu cá trong tổ hoặc tàu khác bị nạn phải báo ngay cho Tổ trưởng
và thông tin, kêu gọi các tàu thuyền đang đánh bắt gần khu vực đến ứng cứu đồng thời chủ động tổ chức tìm kiếm cứu nạn với tất cả khả năng
có thể. Duy trì liên lạc liên tục với Tổ trưởng Tổ đoàn kết
và Đài chỉ huy trên bờ để tiếp nhận sự hướng dẫn, điều động lực lượng, phương
tiện ứng cứu, hỗ trợ;
b) Tổ trưởng Tổ đoàn kết nắm chắc
nguyên nhân gây ra tai nạn, sự cố để quyết định phân công, điều động ngay các
tàu của tổ và tàu mình đến ứng cứu hiệu quả. Đồng thời thông báo ngay cho các
đài chỉ huy trên bờ biết: thời gian, vị trí (tọa độ), mức
độ thiệt hại, các công việc ứng cứu đã làm và ý kiến đề nghị (nếu có), Tiếp nhận,
tổ chức triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Đài chỉ huy trên bờ.
Điều 8. Kinh phí,
trang bị hoạt động của tổ
1. Kinh phí hoạt động của Tổ đoàn kết
bao gồm:
a) Nguồn đóng góp của các tổ viên
theo quy ước của tổ;
b) Vật tư, kinh phí do tổ vận động được
từ các nguồn hợp pháp khác;
c) Vật tư, kinh phí do chính quyền địa
phương, các tổ chức, đoàn thể ủng hộ, tặng thưởng.
2. Kinh phí của tổ được sử dụng vào
các mục đích:
a) Cứu nạn, cứu hộ các thành viên
trong tổ gặp thiên tai, tai nạn rủi ro;
b) Hỗ trợ, khen
thưởng cho các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sản xuất, hành động dũng cảm tìm kiếm
cứu nạn của tổ viên, thuyền viên;
c) Các mục đích khác theo quy ước của
tổ.
3. Quản lý tài chính
Việc quản lý tài chính, thực hiện
công tác thu chi được giao cho một thành viên của Tổ (nếu
không có kế toán) là người có trách nhiệm, có uy tín và trình độ hiểu biết nhất
định về quản lý tài chính được tất cả các tổ viên nhất trí bầu ra.
Quản lý tài chính phải được công
khai, minh bạch, phải có sổ sách theo dõi. Cuối mỗi vụ cá phải tiến hành quyết
toán và báo cáo công khai, đầy đủ về Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn để góp ý chỉ đạo và thông qua các tổ viên để biết.
Điều 9. Chế độ hội
họp:
1. Được tổ chức họp định kỳ 2 lần/năm
- Họp kỳ 1: Tiến hành sau khi kết
thúc vụ cá Nam;
- Họp kỳ 2: Tiến hành sau khi kết
thúc vụ cá Bắc.
2. Họp bất thường: Được tổ trưởng hoặc
tổ phó triệu tập khi có phát sinh những vấn đề quan trọng liên quan đến Tổ hoặc
những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Tổ trưởng và có hơn 50% tổ viên yêu cầu.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Khen
thưởng
Mọi thành viên trong Tổ đoàn kết có
thành tích xuất sắc hàng năm hoặc đột xuất được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị
trấn, đồn Biên phòng xem xét đề nghị cấp trên và các ngành chức năng khen thưởng,
động viên kịp thời.
Điều 11. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và
phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện và
hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả công tác quản lý tổ chức và hoạt
động của Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ kết hợp kinh tế với hoạt động bảo vệ
chủ quyền biển đảo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện
nếu phát sinh, khó khăn vướng mắc, đề nghị các tổ chức,cá nhân phản ánh bằng
văn bản gởi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.