THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
1178/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BỐ TRÍ ỔN ĐỊNH DÂN CƯ CÁC XÃ BIÊN GIỚI
VIỆT NAM – CAMPUCHIA ĐẾN NĂM 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 160/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt “Đề án Phát triển kinh tế - xã hội các xã tuyến biên giới
Việt Nam - Lào và Việt Nam – Campuchia đến năm 2010”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số
2234/TTr-BNN-KTHT ngày 29 tháng 7 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam – Campuchia đến
năm 2015 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Phạm vi
quy hoạch
Phạm vi quy hoạch gồm 110 xã
biên giới Việt Nam – Campuchia của 33 huyện thuộc các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk
Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng tháp, An Giang và Kiên
Giang, trong đó:
- Tỉnh Kon Tum 4 xã thuộc 2 huyện:
Ngọc Hồi (2 xã), Sa Thầy (2 xã);
- Tỉnh Gia Lai 7 xã thuộc 3 huyện:
Chư Prông (2 xã), Ia Grai (2 xã), Đức Cơ (3 xã);
- Tỉnh Đắk Lắk 4 xã thuộc 2 huyện:
Ea Súp (3 xã), Buôn Đôn (1 xã);
- Tỉnh Đắk Nông 7 xã thuộc 4 huyện:
Cư Jut (1 xã), Đắc Mil (2 xã), Tùy Đức (2 xã), Đắc Song (2 xã);
- Tỉnh Bình Phước 15 xã thuộc 3
huyện: Phước Long (2 xã), Bù Đốp (6 xã), Lộc Ninh (7 xã);
- Tỉnh Tây Ninh 20 xã thuộc 5
huyện: Tân Châu (4 xã), Tân Biên (3 xã), Châu Thành (6 xã), Bến Cầu (5 xã), Trảng
Bàng (2 xã);
- Tỉnh Long An 20 xã thuộc 5 huyện:
Đức Huệ (5 xã), Thạnh Hóa (2 xã), Mộc Hóa (5 xã), Vĩnh Hưng (5 xã), Tân Hưng (3
xã);
- Tỉnh Đồng Tháp 8 xã thuộc 2
huyện: Tân Hồng (3 xã), Hồng Ngự (5 xã);
- Tỉnh An Giang 18 xã thuộc 4
huyện và 1 thị xã: Tân Châu (2 xã), An Phú (8 xã), thị xã Châu Đốc (2 xã), Tịnh
Biên (3 xã, 1 thị trấn), Tri Tôn (2 xã);
- Tỉnh Kiên Giang 7 xã thuộc 1
huyện và 1 thị xã: Kiên Lương (5 xã), thị xã Hà Tiên (1 xã, 1 phường).
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát: đến năm
2015 cơ bản bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam – Campuchia để khai
thác tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật
chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, khắc phục tình trạng dân di cư tự do,
đồng thời bảo vệ vững chắc an ninh biên giới;
b) Mục tiêu cụ thể:
- Bố trí ổn định tại chỗ 30.500
hộ thuộc diện nghèo trong các xã biên giới; bố trí ổn định 38.253 hộ, bao gồm:
di dân tái định cư tập trung 30.397 hộ, xen ghép vào thôn, bản sở tại 7.856 hộ;
- Khai hoang mở rộng diện tích đất
sản xuất nông nghiệp: 25.800 ha;
- Đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở
hạ tầng, bao gồm: đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt và các công
trình công cộng nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất cho nhân
dân tại các thôn, bản;
- Về đời sống dân cư: phấn đấu đến
năm 2015 thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với năm 2009; tỷ lệ hộ sử
dụng nước hợp vệ sinh từ 85% trở lên; tỷ lệ hộ được dùng điện từ 95% trở lên;
100% số xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; 100% trẻ em đến tuổi được đến
lớp từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở; 100% người dân được chăm sóc sức khỏe,
khám và chữa bệnh; 85% số thôn, bản có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
3. Định hướng
quy hoạch bố trí ổn định dân cư
a) Quy hoạch bố trí ổn định dân
cư dọc tuyến biên giới:
- Ổn định tại chỗ 30.500 hộ với
khoảng 152.500 khẩu thuộc diện hộ nghèo;
- Bố trí ổn định 38.253 hộ với
khoảng 191.500 khẩu theo hình thức đến điểm dân cư mới hoặc xen ghép với điểm
dân cư sở tại, bao gồm: bố trí ổn định trong xã 19.073 hộ, ngoài xã (nơi khác
chuyển đến) 19.180 hộ.
b) Phát triển sản xuất nông nghiệp
và ngành nghề nông thôn:
- Bố trí sản xuất nông nghiệp:
diện tích cây lương thực có hạt: 264,9 nghìn ha; diện tích cây lâu năm 126,5 nghìn
ha. Phát triển chăn nuôi đàn trâu 18.900 con, đàn bò 99.300 con, đàn lợn
129.400 con, đàn dê 1.200 con và đàn gia cầm 943.100 con;
- Bố trí sản xuất lâm nghiệp: diện
tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp 710.300 ha, trong đó: đất rừng sản xuất
334.500 ha, đất rừng phòng hộ 162.200 ha, đất rừng đặc dụng 213.600 ha;
- Bố trí nuôi trồng thủy sản: diện
tích nuôi trồng thủy sản là 11.200 ha.
c) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng:
- Hệ thống đường giao thông:
nâng cấp và làm mới 1.504 km đường liên thôn, liên bản;
- Hệ thống thủy lợi: xây dựng
162 công trình thủy lợi, 870 km kênh mương, 34 km đê bao phục vụ tưới cho
14.537 ha;
- Cơ sở hạ tầng cộng đồng: xây dựng
mới 110.300 m2 trường học; 83 cơ sở y tế với tổng diện tích khoảng
159.900 m2; 599 km đường điện trung thế, 893 km đường điện hạ thế,
325 trạm biến áp; 1.470.000 m2 các công trình văn hóa, thông tin, thể
thao; 2 trung tâm thương mại, 56 chợ xã; 140 trạm cấp nước tập trung, 227 giếng
khoan; 64 trụ sở xã, 483 trụ sở thôn, ấp và 3.886 công trình khác.
4. Các giải pháp
thực hiện
a) Chính sách hỗ trợ ổn định dân
cư, phát triển sản xuất
Chính sách hỗ trợ ổn định dân cư
thực hiện theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số
160/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2007 về việc phê duyệt “ Đề án Phát triển
kinh tế - xã hội các xã tuyến biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia
đến năm 2010”, số 78/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2008 về một số chính sách
thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24
tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hiện hành khác liên
quan.
b) Khoa học công nghệ:
- Cung ứng giống cây trồng và vật
nuôi cho sản xuất, chú trọng ưu tiên giống có lợi thế xuất khẩu;
- Tăng cường công tác khuyến nông
đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình tăng vụ, chăn nuôi, trồng
cây công nghiệp, cây đặc sản, nuôi trồng thủy sản; áp dụng khoa học kỹ thuật
trong bảo quản nông sản và thực phẩm;
- Tăng cường công tác kiểm dịch
động thực vật.
c) Thị trường và tiêu thụ sản phẩm:
- Phát triển kinh tế tại các cửa
khẩu, chợ đường biên, xây dựng cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân
hai bên trao đổi hàng hóa, phát triển mậu dịch đường biên với Campuchia và Lào;
- Thực hiện các cơ chế, chính
sách phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc theo các
quy định hiện hành phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.
d) Đào tạo cán bộ, phát triển
nguồn nhân lực và nâng cao trình độ dân trí: mở các lớp đào tạo, tập huấn cho
cán bộ thôn, bản để hướng dẫn đồng bào phát triển sản xuất; phấn đấu đến năm
2015 số lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt 40%.
đ) An ninh quốc phòng:
- Xây dựng thế trận quốc phòng
toàn dân, hình thành phòng tuyến an ninh nhân dân trên toàn tuyến biên giới;
- Tuyên truyền để người dân tham
gia quản lý đường biên, cột mốc biên giới và tự quản an ninh trật tự thôn, bản;
- Nắm vững địa bàn biên giới, đấu
tranh chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;
- Phát triển kinh tế quốc phòng
và xây dựng khu kinh tế quốc phòng ở khu vực đường biên.
e) Vốn đầu tư và nguồn vốn đầu
tư:
- Tổng mức đầu tư khoảng 9.411 tỷ
đồng;
- Nguồn vốn đầu tư: nguồn vốn đầu
tư được lồng ghép từ nguồn vốn của các chương trình, dự án hiện có trên địa
bàn; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương để đầu tư các dự án bố trí ổn
định dân cư các xã biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 2.387 tỷ đồng (chiếm
25,37% tổng nhu cầu vốn đầu tư).
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam
–Campuchia:
- Xây dựng quy hoạch bố trí ổn định
dân cư các xã biên giới của từng tỉnh, lập các dự án đầu tư để trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt;
- Lập kế hoạch bố trí ổn định
dân cư hàng năm và 5 năm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Xây dựng các mô hình bố trí ổn
định dân cư các xã biên giới để rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra diện rộng.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch
bố trí ổn định dân cư khi cần thiết, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
c) Phối hợp với Bộ Tài chính
nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh chính sách thực hiện bố trí dân cư các xã biên
giới, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
d) Kiểm tra, giám sát, đánh giá
kết quả thực hiện Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì phối hợp với Bộ Tài
chính cân đối, bố trí vốn hàng năm và ghi thành danh mục riêng để thực hiện Quy
hoạch trên cơ sở thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Bộ Tài chính:
a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu
tư bố trí vốn hàng năm cho các địa phương và các ngành tham gia thực hiện các dự
án của Quy hoạch theo tiến độ;
b) Hướng dẫn cơ chế quản lý, cấp
phát và thanh quyết toán vốn thực hiện các dự án của Quy hoạch.
4. Bộ Quốc phòng:
a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
thực hiện xây dựng các khu kinh tế quốc phòng để đảm bảo an ninh, quốc phòng
khu vực biên giới;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
của Bộ tham gia hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào sản xuất, ổn định đời sống.
5. Các bộ, ngành liên quan
Căn cứ chức năng nhiệm vụ được
giao có kế hoạch phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh để thực hiện tốt các nội
dung của Quy hoạch này.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh có
biên giới Việt Nam – Campuchia:
a) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện
việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới
của tỉnh và các dự án đầu tư theo quy định;
b) Xây dựng dự toán vốn hỗ trợ
có mục tiêu từ ngân sách Trung ương hàng năm và giai đoạn 2009- 2015 để thực hiện
các dự án bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam – Campuchia gửi các Bộ:
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổng hợp,
trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
c) Thực hiện lồng ghép nguồn vốn
của các chương trình, dự án khác trên địa bàn với dự án bố trí ổn định dân cư
các xã biên giới Việt Nam – Campuchia;
d) Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành,
chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tuyên truyền, vận động
nhân dân tích cực tham gia thực hiện Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã
biên giới Việt Nam – Campuchia và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc
thực hiện các dự án cụ thể trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ
và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tây
Ninh, Bình Phước, Long An, An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./..
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình
Phước, Long An, An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc VN;
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Sinh Hùng
|