BỘ TƯ PHÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1158/QĐ-BTP
|
Hà Nội, ngày
23 tháng 5 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA
BÁO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật báo chí số 103/2016/QH13 ngày 5
tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16
tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
và Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chức
năng
1. Báo Pháp luật Việt Nam (sau đây
gọi là Báo) là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng thông tin
về các hoạt động của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp và các vấn đề chính trị,
kinh tế, văn hoá xã hội trong nước và quốc tế; tuyên truyền, phổ
biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của
Đảng, Nhà nước, hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật và công tác
tư pháp phục vụ yêu cầu quản lý của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu
của xã hội về thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật và hoạt
động của Bộ, ngành Tư pháp, góp phần nâng cao hiệu
quả của công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
Báo chịu sự quản lý, chỉ đạo
trực tiếp của Bộ Tư pháp và sự quản lý nhà nước về báo chí của
Bộ Thông tin và Truyền thông; định hướng hoạt động của Ban Tuyên giáo
Trung ương.
2. Báo là đơn vị sự nghiệp thuộc
Bộ Tư pháp, có trụ sở tại Hà Nội; có con dấu và tài khoản riêng tại Kho
bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền
hạn
Báo có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng phê
duyệt kế hoạch hoạt động dài hạn, 5 năm và hàng năm của Báo; tham gia xây dựng
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành
Tư pháp.
2. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng
các đề án, dự thảo văn bản về tổ chức và hoạt động của Báo và các văn bản khác
do Bộ trưởng giao.
3. Tổ chức thực hiện chủ trương,
chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch có liên quan đến tổ chức, hoạt động
của Báo; đề án, chương trình, kế hoạch hoạt động của Báo sau khi được phê duyệt.
4. Tổ chức sản xuất các ấn phẩm báo in,
báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp phù hợp với chức năng,
tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật về báo chí, thông tin
và truyền thông.
5. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường
lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động
xây dựng, thi hành pháp luật và hoạt động tư pháp thông qua công tác
xuất bản các ấn phẩm báo chí in và báo chí điện tử.
6. Phản ánh, hướng dẫn dư luận xã hội;
thực hiện diễn đàn trao đổi về hoạt động xây dựng, thi hành pháp
luật, hoạt động tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
7. Phát hiện, nêu gương, cổ vũ các phong
trào thi đua, các nhân tố mới, điển hình, người tốt việc tốt trong
đời sống xã hội và trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp theo phương
châm “Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, đề cao ý thức tôn
trọng pháp luật, tham gia đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp
luật, các hiện tượng tiệu cực trong hoạt động tư pháp và trong xã
hội.
8. Tổ chức, tham gia các chương trình hoạt động
xã hội phục vụ nhiệm vụ chính trị của Bộ.
9. Thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch
vụ thông tin, truyền thông và các dịch vụ khác phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ được giao và phù hợp với quy định của pháp luật.
10. Thực hiện hợp tác quốc tế trong phạm
vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Báo và theo quy định của pháp
luật, phân công, phân cấp của Bộ.
11. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán,
quản lý tài sản theo quy định của pháp luật và theo sự phân công,
phân cấp của Bộ.
12. Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo,
bồi dưỡng công chức, viên chức; thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ
thông tin trong hoạt động của Báo. 13. Thực hiện công tác quản lý công
chức, viên chức, người lao động, cộng tác viên và thực hiện công tác
thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
14. Giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực
hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí trong hoạt động của Báo theo quy định của pháp luật và của
Bộ.
15. Sơ kết, tổng kết và thực hiện
chế độ báo cáo, thống kê về tình hình tổ chức và hoạt động của Báo theo quy định.
16. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy
định của pháp luật hoặc do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao.
Điều 3. Cơ cấu
tổ chức, biên chế
1. Cơ cấu tổ chức của Báo, gồm:
a) Lãnh đạo Báo:
Lãnh đạo Báo gồm Tổng Biên tập và
không quá 03 (ba) Phó Tổng biên tập.
Tổng Biên tập chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của Báo.
Các Phó Tổng biên tập giúp Tổng
Biên tập quản lý, điều hành hoạt động của Báo; được Tổng Biên tập phân công trực tiếp quản lý, điều hành một số lĩnh vực
hoạt động của Báo; chịu trách nhiệm trước Tổng Biên tập và trước pháp luật
về việc quản lý, điều hành những lĩnh vực công tác được phân công.
b) Các đơn vị trực thuộc Báo
- Ban Thư ký toà soạn;
- Ban Thời sự chính trị;
- Ban Kinh tế;
- Ban Nội chính;
- Ban Văn hóa - Xã hội;
- Ban Bạn đọc;
- Ban Doanh nhân và Pháp luật;
- Ban Báo Pháp luật điện tử;
- Ban Chuyên đề báo in;
- Ban Chuyên đề báo điện tử;
- Ban Trị sự;
- Phòng Kế hoạch - Tài chính.
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các
đơn vị trực thuộc Báo tại điểm này do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề
nghị của Tổng Biên tập Báo và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
c) Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phát triển, Tổng
biên tập quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp trực thuộc
để hoạt động dịch vụ theo quy định của pháp luật; quyết định thành lập, tổ
chức lại, giải thể văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
sau khi được Bộ trưởng phê duyệt chủ trương theo quy định của Luật báo chí.
d) Tổng Biên tập quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của các đơn
vị thuộc Báo.
2. Số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp)
của Báo thuộc biên chế sự nghiệp của Bộ Tư pháp, do Tổng Biên tập
quyết định theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
Điều 4. Trách nhiệm phối hợp
và quan hệ công tác.
Trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa
Báo với Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Tổng cục Thi
hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan được
thực hiện theo quy chế làm việc của Bộ Tư pháp và các quy định cụ
thể sau đây:
1. Báo chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng,
Thứ trưởng được phân công phụ trách, có trách nhiệm tổ chức thực hiện, báo cáo
và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các chức
năng, nhiệm vụ được giao.
2. Báo là chủ thể chịu trách nhiệm độc
lập về các quyền, nghĩa vụ phát sinh trong mối quan hệ với các cơ
quan, tổ chức và cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Báo
theo quy định của pháp luật và của Bộ.
3. Trong quá trình xây dựng và triển khai
thực hiện các nhiệm vụ theo Điều 2 Quyết định này, Báo có trách
nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan để giải
quyết.
Khi có yêu cầu của các đơn vị khác thuộc
Bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị
đó mà liên quan đến phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Báo thì Báo có
trách nhiệm phối hợp thực hiện.
Trường hợp phát sinh các vấn đề vượt
thẩm quyền hoặc có ý kiến khác nhau giữa Báo và các đơn vị có liên
quan, Tổng Biên tập có trách nhiệm phối hợp với Chánh Văn phòng Bộ đề xuất,
báo cáo Thứ trưởng phụ trách hoặc Bộ trưởng và thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của
Lãnh đạo Bộ.
4. Quan hệ công tác với một số đơn vị
thuộc Bộ có liên quan
a) Phối hợp với Văn phòng Bộ, Tổng cục Thi
hành án dân sự trong việc thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin
cho báo chí và truyền thông về hoạt động của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành
án dân sự theo quy định của pháp luật và của Bộ;
b) Phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục
pháp luật và các đơn vị thuộc Bộ trong công thông tin, tuyên truyền về
hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ và công tác tuyên truyền về hoạt
động của Bộ, ngành Tư pháp;
c) Phối hợp với Cục Kế hoạch – Tài chính
trong việc thực hiện các chế độ, chính sách về tài chính theo quy
định của pháp luật và của Bộ;
d) Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trong
việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, xác định vị
trí việc làm, quản lý, sử dụng, công chức, viên chức, người lao động của Báo
theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký và thay thế Quyết định số 1242/QĐ-BTP ngày 06 tháng 9 năm 2009 của Bộ trưởng
Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo
Pháp luật Việt Nam.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
Tổng Biên tập Báo pháp luật Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám
đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Các Thứ trưởng;
- Các tổ chức chính trị - xã hội cơ quan Bộ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, Vụ TCCB, Báo PLVN._
|
BỘ TRƯỞNG
Lê Thành Long
|