ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1113/QĐ-UBND
|
Bình
Phước, ngày 26 tháng 06 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN AN TOÀN GIAO THÔNG TỈNH
BÌNH PHƯỚC
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 804/QĐ-UBND
ngày 16/05/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiện toàn Ban An toàn giao thông
tỉnh Bình Phước;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh
- Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông
tỉnh tại Tờ trình số 44/TTr-BATGT ngày 11/6/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc
Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, các thành viên Ban An toàn giao
thông tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- VPCP;
- UBATGTQG;
- TTT, TT. HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, PCT;
- Như Điều 2;
- LĐVP; P.NC
- Lưu : VT.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Trăm
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN AN TOÀN GIAO THÔNG TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1113/QĐ-UBND
ngày 26/6/2013 của Chủ
tịch UBND tỉnh)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Ban An toàn giao thông
tỉnh Bình Phước được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh để giúp
UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, biện pháp bảo đảm về trật
tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà
nước về trật tự, an toàn giao thông, góp phần quan trọng vào việc phát triển
kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Điều 2. Ban An toàn giao
thông tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, các Phó Trưởng ban gồm: Phó Chủ
tịch UBND tỉnh phụ trách khối văn hóa xã hội, Giám đốc Sở Giao thông vận tải,
Phó Trưởng Ban Thường trực là Giám đốc Công an tỉnh. Các thành viên Ban An toàn
giao thông tỉnh gồm đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ
trang có liên quan. Ban An toàn giao thông tỉnh hoạt động mang tính chất kiêm
nhiệm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban An toàn
giao thông tỉnh. Từng thành viên Ban An toàn giao thông thực hiện nhiệm vụ được
phân công và chịu trách nhiệm trực tiếp về công việc của mình trước UBND tỉnh
và Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh.
Điều 3. Ban An toàn giao thông tỉnh hoạt động theo
nguyên tắc tập trung dân chủ, có tài khoản và con dấu riêng. Căn cứ vào chức
năng, nhiệm vụ đã được phân công, mỗi thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh
xây dựng Chương trình, Kế hoạch cụ thể để thực hiện trong từng giai đoạn cho
phù hợp với chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm đạt kết quả cao nhất về công tác đảm bảo
trật tự an toàn giao thông.
Điều 4. Căn cứ vào tình hình thực
tế của mỗi cơ quan, đơn vị và vào từng thời điểm cụ thể, Thường trực Ban An
toàn giao thông tỉnh có thể đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định thay đổi,
bổ sung hoặc kiện toàn lại tổ chức của Ban An toàn giao thông tỉnh cho phù hợp
với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tham mưu cho Ban An toàn giao thông tỉnh
là Ban Giúp việc do Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh phân công, bố trí
và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh trưng dụng một số cán bộ của các ban, ngành có
liên quan để kiêm nhiệm những nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Ban An toàn giao
thông tỉnh.
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM CỤ
THỂ CỦA TRƯỞNG BAN, CÁC PHÓ BAN VÀ THÀNH VIÊN BAN AN TOÀN GIAO THÔNG TỈNH
Điều 5. Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh (Chủ tịch
UBND tỉnh) chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của
Ban An toàn giao thông tỉnh; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Triệu tập và chủ tọa các phiên họp
thường kỳ, họp đột xuất của Ban An toàn giao thông tỉnh, đảm bảo nguyên tắc làm
việc theo chế độ tập thể kết hợp với đề cao trách nhiệm cá
nhân của Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh và từng thành viên Ban An toàn giao
thông tỉnh.
- Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Tỉnh ủy, Hội đồng
nhân dân tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền về tình hình trật tự, an
toàn giao thông, tai nạn giao thông; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp
nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; hoạt động
của Ban An toàn giao thông tỉnh và các thành viên theo nhiệm vụ được phân công;
- Quyết định thay đổi, bổ sung các
thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh đúng quy định.
- Phân công nhiệm vụ cho Thường trực
Ban An toàn giao thông tỉnh và các thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh.
- Quyết định khen thưởng các tổ chức,
cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông, đồng thời kỷ luật các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 6. Phó Trưởng Ban An toàn
giao thông tỉnh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách Khối Văn hóa - Xã hội) có nhiệm
vụ:
- Theo dõi, chỉ đạo các ban, ngành,
đoàn thể, lực lượng vũ trang và các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công
tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hạn chế tai nạn giao thông trên địa
bàn tỉnh.
- Thay mặt Trưởng Ban An toàn giao
thông tỉnh chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Ban An toàn giao thông tỉnh khi
được ủy quyền.
- Chịu trách nhiệm theo dõi địa bàn
huyện Chơn Thành.
Điều 7. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao
thông tỉnh (Giám đốc Công an tỉnh) có nhiệm vụ:
- Giúp Trưởng Ban trong việc xây dựng
các Chương trình, Kế hoạch công tác dài hạn, Kế hoạch cụ thể hàng năm và từng đợt
cao điểm về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông;
hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan thành viên và địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ
đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và hạn chế tai nạn giao thông.
- Chỉ đạo lực lượng Công an tăng cường
công tác tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm trật tự,
an toàn giao thông theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh.
Tăng cường áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm bổ sung
nhằm đạt kết quả cao về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
- Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên
truyền về Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy định
về trật tự, an toàn giao thông đến nhân dân.
- Chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra
Công an tỉnh phối hợp Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân
dân tỉnh nhanh chóng đưa ra truy tố, xét xử kịp thời các vụ tai nạn giao thông
đặc biệt nghiêm trọng, chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép... để
giáo dục răn đe.
- Thường xuyên theo dõi tình hình tai
nạn giao thông nổi lên ở các tuyến đường, địa bàn trong từng thời gian để đề xuất
biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn và làm giảm tai nạn giao thông kịp thời.
- Tham mưu UBND tỉnh và Ban An toàn
giao thông tỉnh định kỳ sơ, tổng kết và tổ chức Hội nghị, các cuộc họp đánh giá
tình hình về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đồng thời đề ra các
biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
- Phối hợp, theo dõi, đề xuất khen
thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt và đề nghị kỷ luật những tập thể, cá nhân
không hoàn thành nhiệm vụ.
- Chủ trì thành lập các đoàn công tác
kiểm tra các hoạt động trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông nhằm phòng, chống
các vi phạm tiêu cực của các lực lượng trong thi hành công vụ.
- Phối hợp với Sở
Tài chính dự toán, sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo
quy định.
- Duyệt các dự toán kinh phí hoạt động
của các đơn vị theo sự ủy quyền của Trưởng Ban An toàn
giao thông tỉnh.
- Chịu trách nhiệm theo dõi địa bàn
thị xã Đồng Xoài.
Điều 8. Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh (Giám đốc
Sở Giao thông vận tải) có nhiệm vụ:
- Theo dõi việc thực hiện các dự án bằng
mọi nguồn vốn do các Ban Quản lý ngành giao thông vận tải và các đơn vị triển
khai trên địa bàn tỉnh. Tham mưu, đề xuất việc sử dụng quỹ bảo trì đường bộ.
- Tập trung theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo
việc thi công các công trình hạ tầng giao thông đang thực hiện. Thường xuyên rà
soát để phát hiện, đề xuất khắc phục “điểm đen” về tai nạn giao thông và những
điểm bất hợp lý trong tổ chức giao thông.
- Phối hợp với Thường trực Ban An
toàn giao thông tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, biện pháp công tác
dài hạn, kế hoạch cụ thể hàng năm, kế hoạch từng đợt cao điểm về công tác bảo đảm
trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với các ngành chức
năng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong nhân dân.
- Chỉ đạo khảo sát hệ thống cọc tiêu,
biển báo hiệu trên các tuyến giao thông để có biện pháp sửa chữa, bổ sung, làm
mới phục vụ hướng dẫn giao thông.
- Chỉ đạo tăng cường kiểm tra xử lý
việc vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông, lấn chiếm lòng lề đường trên các tuyến đường trong tỉnh theo đúng quy hoạch đã được cơ quan có thẩm
quyền ban hành và đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường bộ. Phối hợp với
các đơn vị và địa phương có đường thủy nội địa thường xuyên kiểm tra, xử lý các
trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
- Chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động
vận tải đường bộ, thường xuyên kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh
doanh vận tải.
- Xây dựng các biện pháp nâng cao chất
lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Kiên quyết đình chỉ các cơ sở
đào tạo vi phạm các quy định. Thường xuyên chỉ đạo tổ chức tốt
công tác kiểm định phương tiện, đảm bảo đúng quy định và chất lượng kiểm định.
- Chịu trách nhiệm
theo dõi địa bàn huyện Bù Đăng.
Điều 9. Giám đốc Sở Tư pháp (thành viên Ban An toàn giao
thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Chủ động phối hợp chặt chẽ với các
cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh đóng góp vào các dự thảo bổ
sung, sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến bảo đảm
trật tự, an toàn giao thông;
- Chỉ đạo công tác tuyên truyền, hướng
dẫn việc thực hiện các văn bản pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
cho Phòng Tư pháp các huyện, thị xã nắm vững, triển khai đến mọi tầng lớp nhân
dân; quan tâm chỉ đạo trợ giúp pháp luật miễn phí về Luật Giao thông đường bộ
cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng
xa.
- Biên tập, hệ thống hóa các văn bản
pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tham mưu, đề xuất Ban An toàn
giao thông tỉnh tập huấn pháp luật cho các ngành, các cấp,
các lực lượng để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức của
mọi người khi tham gia giao thông;
- Chịu trách nhiệm theo dõi địa bàn
huyện Bù Đốp.
Điều 10. Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
(thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật về trật tự, an toàn giao
thông trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh các huyện, thị
xã, các xã, phường, thị trấn. Nghiên cứu việc cải tiến các hình thức tuyên truyền
phù hợp với từng đối tượng tham gia giao thông; đưa tin kịp
thời về chỉ đạo các mặt công tác của Ban An toàn giao thông tỉnh; biểu dương
gương người tốt, việc tốt đi đôi với phê phán các hành vi cố ý vi phạm, coi thường
kỷ cương pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
- Chịu trách nhiệm theo dõi địa bàn
huyện Bù Gia Mập.
Điều 11. Giám đốc Sở Tài chính (thành viên Ban An toàn
giao thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Phối hợp với Thường trực Ban An
toàn giao thông tỉnh lập dự toán, kế hoạch phân bổ kinh phí theo dự toán của
các đơn vị, địa phương và theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, thanh quyết toán việc
sử dụng kinh phí của các đơn vị, địa phương chi cho các hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tỉnh.
- Đảm bảo cấp phát kịp thời kinh phí
hoạt động cho các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định.
- Chịu trách nhiệm theo dõi địa bàn
huyện Hớn Quản.
Điều 12. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (thành viên Ban
An toàn giao thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Tăng cường chỉ đạo các Trường học
trong tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên nghiêm
chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, phối hợp với các ngành có liên quan
làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật và kiến thức về an toàn giao thông
trong các trường học.
- Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra việc thực
hiện các biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong trường học, kiên
quyết không để học sinh chưa đủ tuổi và sinh viên không có giấy phép lái xe điều
khiển mô tô, xe gắn máy tới trường. Có biện pháp xử lý kỷ luật đối với các học
sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
- Chịu trách nhiệm
theo dõi địa bàn huyện Đồng Phú.
Điều 13. Giám đốc Sở Y tế
(thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Phối hợp với
các đơn vị chức năng tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện
các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông và hạn chế hậu quả do tai nạn giao
thông gây ra: số người bị thương, số người tử vong vì tai nạn giao thông trước
và sau khi thực hiện các biện pháp cụ thể;
- Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y
tế chuẩn bị tốt các trang thiết bị cần thiết và phân công bố trí đội ngũ y, bác sỹ ứng trực
24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận và cấp
cứu người bị nạn do tai nạn giao thông gây ra.
- Chỉ đạo tăng cường kiểm tra giám
sát các cơ sở y tế trong việc khám sức khỏe cho người lái xe đảm bảo đúng quy định.
- Chịu trách nhiệm theo dõi địa bàn
thị xã Bình Long.
Điều 14. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
(thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh
công tác tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông bằng các hình thức như:
Tuyên truyền, cổ động trực quan, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chiếu phim,
triển lãm tranh, ảnh, sách, báo... nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về trật
tự, an toàn giao thông.
- Tuyên truyền thông qua cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân
cư”; đưa nội dung về an toàn giao thông vào trong các tiêu chí bình xét khu dân
cư văn hóa, gia đình văn hóa; phối hợp các ban, ngành,
đoàn thể vận động nhân dân cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
- Chịu trách nhiệm theo dõi địa bàn
thị xã Phước Long.
Điều 15. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ
huy Quân sự tỉnh (thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch đề ra các
biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong các đơn vị quản lý; tăng cường
công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ trong quân đội chấp hành nghiêm Luật
Giao thông đường bộ, trọng tâm là lực lượng điều khiển
phương tiện vận tải quân sự; phát động phong trào lái xe giỏi, lái xe an toàn
trong đơn vị.
- Chỉ đạo lực lượng kiểm soát quân sự
phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự,
an toàn giao thông của cán bộ, chiến
sỹ trong quân đội.
- Huy động lực lượng quân đội tham
gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hoặc khắc phục hậu quả tai nạn giao
thông đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
- Chịu trách nhiệm
theo dõi địa bàn huyện Lộc Ninh.
Điều 16. Chánh Văn phòng UBND tỉnh (thành viên Ban An
toàn giao thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Phối hợp với
Ban giúp việc tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh
trong việc chỉ đạo và tổ chức hoạt động của Ban An toàn giao thông nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và hạn chế tai
nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện chức năng kiểm tra, hướng
dẫn và đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc khối chính quyền trong công tác giữ
gìn trật tự, an toàn giao thông.
Điều 17. Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh
(thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao
thông phối hợp với Thanh tra giao
thông vận tải - Sở Giao thông vận tải tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý
nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng
giao thông.
- Phối hợp hỗ trợ tuyên truyền Luật
Giao thông đường bộ và các quy định về trật tự, an toàn giao thông cho các cơ
quan, đơn vị và địa phương.
- Chịu trách nhiệm theo dõi hoạt động
của lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh.
Điều 18. Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (thành
viên Ban An toàn giao thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh
sát trật tự - Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã và
chính quyền các địa phương có biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và chống
lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ. Đối với
các chợ trên tuyến giao thông phải giải quyết dứt điểm không để buôn bán lấn
chiếm; xóa bỏ bến cóc, xe dù, xử lý nghiêm các trường hợp
tùy tiện đậu xe để lên xuống hàng hóa;
đón trả khách và sử dụng bến bãi sai quy định... Phối hợp các đơn vị và địa
phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về an toàn giao thông.
- Phối hợp với
cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc quản lý của các địa phương có đường
thủy nội địa tại các bến đò, các phương tiện vận tải khách ngang sông, dọc tuyến.
Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với bến và phương tiện không đảm bảo điều kiện
theo quy định, nhằm không để tai nạn giao thông đường thủy xảy ra.
- Chịu trách nhiệm theo dõi các hoạt
động của lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải.
Điều 19. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
(thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Chỉ đạo công tác tuyên truyền về trật
tự, an toàn giao thông trong cộng đồng dân cư, các tổ
chức thành viên, mặt trận các cấp trong tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa
phương đưa các tiêu chí về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào nội dung cuộc
vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để bình xét
khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa.
- Chịu trách nhiệm theo dõi hoạt động
trong khối mình phụ trách.
Điều 20. Tổng Biên tập Báo Bình Phước (thành viên Ban An
toàn giao thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Chỉ đạo Phóng viên thực hiện tốt
công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn
giao thông;
- Tuyên truyền theo chủ đề thống nhất
trong toàn tỉnh; chỉ đạo việc thông tin kịp thời, chính xác những vấn đề liên
quan đến tình hình trật tự, an toàn giao thông trong từng
thời gian, vụ việc nhằm định hướng đúng đắn dư luận xã hội.
- Chịu trách nhiệm theo dõi các hoạt
động của Phóng viên trong lĩnh vực trật tự an toàn giao
thông.
Điều 21. Bí thư Tỉnh đoàn (thành viên Ban An toàn giao
thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến và
hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong đoàn viên, thanh niên từ tỉnh đến cơ sở.
- Phối hợp với các đơn vị chức năng
huy động đoàn viên, thanh niên tham gia hướng dẫn đảm bảo trật tự, an toàn giao
thông theo từng đợt cao điểm.
- Chịu trách nhiệm theo dõi các hoạt
động của đoàn viên, thanh niên trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông.
Điều 22. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh (thành viên Ban
An toàn giao thông tỉnh) có nhiệm vụ:
- Chỉ đạo Hội chữ thập đỏ các cấp
trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên chữ thập đỏ thực
hiện các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao
thông.
- Chịu trách nhiệm củng cố, kiện toàn
và theo dõi, chỉ đạo hoạt động của các Trạm, chốt sơ cấp cứu trên các tuyến đường
giao thông. Tập huấn, đào tạo sơ cứu viên đảm bảo thực hiện nhiệm vụ sơ cấp cứu
tai nạn giao thông nhằm giảm thiệt hại về người do tai nạn
giao thông gây ra.
Chương 3.
CHẾ ĐỘ KIỂM TRA,
BÁO CÁO, HỘI HỌP
Điều 23. Định kỳ hoặc đột xuất, Ban An toàn giao thông tỉnh
có thể thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra thực tế việc tổ chức thực hiện công
tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua
đó, đánh giá chất lượng việc tổ chức thực hiện để chỉ đạo cụ thể, nhằm nâng cao
hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Điều 24. Thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh căn cứ
vào nhiệm vụ của mình, tổ chức chỉ đạo thực hiện. Định kỳ hàng tháng, quý, 06
tháng, năm và đột xuất, báo cáo tình hình và kết quả về Thường trực Ban An toàn
giao thông tỉnh chỉ đạo Ban giúp việc tổng hợp, đánh giá, đề xuất tham mưu cho
Ban An toàn giao thông tỉnh báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh
và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia theo dõi, chỉ đạo.
Điều 25. Ban An toàn giao thông tỉnh họp định kỳ mỗi quý
01 lần để đánh giá những mặt làm được, mặt chưa làm được, tìm ra nguyên nhân và
đề ra phương hướng thời gian tới. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng Ban An
toàn giao thông tỉnh có thể triệu tập họp bất thường.
- Người chủ trì các cuộc họp là Trưởng
Ban An toàn giao thông tỉnh hoặc Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh khi được
ủy quyền.
- Thành phần tham dự cuộc họp của Ban
An toàn giao thông tỉnh gồm: Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, Thành viên, Ban
giúp việc Ban An toàn giao thông tỉnh và khách mời.
Chương 4.
KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Điều 26. Kinh phí cho các hoạt
động đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được sử dụng từ nguồn kinh phí xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông theo hướng dẫn của
Bộ Tài chính. Căn cứ vào nguồn kinh phí xử phạt, hàng năm Thường trực Ban An
toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Tài chính dự toán để cấp cho các cơ quan,
đơn vị, địa phương được thụ hưởng hoạt động. Thường trực Ban An toàn giao thông
tỉnh theo dõi, quản lý và đề xuất sử dụng kinh phí hoạt động của Ban An toàn
giao thông tỉnh phục vụ cho hoạt động của Ban An toàn giao thông tỉnh.
Điều 27. Đối với các ngành,
đoàn thể là thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh hoặc cơ quan phối hợp nhưng
không được thụ hưởng kinh phí theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính thì căn
cứ chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng chương trình hoạt động cụ thể, trình
UBND tỉnh phê duyệt, sau đó lập dự toán gửi Thường trực Ban An toàn giao thông
tỉnh xem xét, phối hợp với Sở Tài chính duyệt theo hoạt động thực tế.
Chương 5.
KHEN THƯỞNG, KỶ
LUẬT, ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 28. Các cơ quan, đơn vị, địa
phương và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn
giao thông, kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông được khen thưởng kịp thời
theo quy định của pháp luật.
Đối với các cơ quan, đơn vị, địa
phương và cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm để tình hình trật tự, an toàn
giao thông diễn ra phức tạp, tai nạn giao thông gia tăng thì tùy theo mức độ sẽ
bị xử lý kỷ luật.
Điều 29. Trưởng ban, các Phó
Trưởng ban và thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm
vụ và trách nhiệm được quy định trong Quy chế này để thi hành; đồng thời, kiến
nghị bổ sung hoặc sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời
gian. Việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thường trực Ban An toàn
giao thông tỉnh (Công an tỉnh) trao đổi, thống nhất với các thành viên Ban An
toàn giao thông tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 30. Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh có
trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quy chế này; đồng thời, tổng
hợp tình hình thực hiện báo cáo Ban An toàn giao thông tỉnh trong các kỳ họp.
Bãi bỏ những quy
định trước đây trái với quy chế này./.