THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
106/2009/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA
TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC TRỰC THUỘC BỘ TÀI CHÍNH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Dự trữ quốc gia số 17/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm
2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí
và chức năng
1. Tổng cục Dự trữ Nhà nước là cơ
quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng
Bộ Tài chính quản lý nhà nước về dự trữ nhà nước; trực tiếp quản lý các loại
hàng dự trữ được Chính phủ giao.
2. Tổng cục Dự trữ Nhà nước có tư
cách pháp nhân, con dấu có hình Quốc huy, tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước
và trụ sở tại thành phố Hà Nội, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp.
Điều 2. Nhiệm vụ
và quyền hạn
Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện
các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính để
trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định:
a) Các dự án luật, dự thảo nghị quyết
của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
dự thảo nghị định của Chính phủ; dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về
dự trữ nhà nước;
b) Chiến lược, quy hoạch, chương
trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động, quy hoạch hệ thống kho, đề án,
dự án quan trọng về dự trữ nhà nước;
c) Danh mục, mức dự trữ từng loại
hàng, tổng mức dự trữ nhà nước và tổng mức tăng dự trữ nhà nước trong từng thời
kỳ và hàng năm;
d) Kế hoạch, dự toán ngân sách dự
trữ nhà nước và phương án phân bổ vốn bổ sung dự trữ nhà nước hàng năm cho các
Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ nhà nước;
đ) Kế hoạch đặt hàng dự trữ nhà nước
tại các Bộ, ngành được Chính phủ giao trực tiếp quản lý hàng dự trữ;
e) Việc sử dụng quỹ dự trữ nhà nước
để tham gia bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô.
2. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem
xét, quyết định:
a) Dự thảo thông tư và các văn bản
khác về dự trữ nhà nước;
b) Chế độ quản lý tài chính, ngân
sách dự trữ nhà nước, cơ chế mua, bán, nhập, xuất hàng dự trữ nhà nước; chế độ
thống kê, báo cáo về dự trữ nhà nước;
c) Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực dự trữ nhà nước;
d) Cấp tăng vốn dự trữ nhà nước; cấp
chi phí nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, cứu trợ, viện trợ, bảo hiểm hàng dự trữ
nhà nước cho các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý hàng dự trữ
nhà nước.
3. Ban hành văn bản hướng dẫn
chuyên môn, nghiệp vụ, văn bản quy phạm nội bộ, văn bản cá biệt thuộc phạm vi
quản lý của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
4. Tổ chức thực hiện các văn bản
quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án
thuộc lĩnh vực dự trữ nhà nước sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê
duyệt.
5. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục
pháp luật về dự trữ nhà nước.
6. Tổ chức thực hiện đặt hàng dự trữ
nhà nước tại các cơ quan, đơn vị dự trữ và thực hiện ký hợp đồng bảo quản theo
kế hoạch đã được phê duyệt.
7. Tổ chức quản lý, sử dụng quỹ dự
trữ nhà nước theo chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
thực hiện quản lý dự trữ nhà nước bằng tiền theo quy định của pháp luật.
8. Trực tiếp quản lý các loại hàng
dự trữ nhà nước theo danh mục được Chính phủ giao:
a) Thực hiện nhập, xuất, mua, bán,
bảo quản, bảo vệ an toàn các hàng dự trữ được giao theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện xuất hàng dự trữ nhà
nước để cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn, viện trợ quốc tế hoặc sử dụng vào mục đích
khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài
chính;
9. Tổ chức thực hiện công tác đầu
tư xây dựng hệ thống kho, trang thiết bị kỹ thuật theo chương trình, kế hoạch
đã được duyệt.
10. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý
theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật dự trữ nhà nước;
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong
việc sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật.
11. Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng
dụng khoa học và công nghệ vào công tác dự trữ nhà nước.
12. Xây dựng hệ thống thông tin phục
vụ công tác quản lý; tổ chức thực hiện công tác thống kê và chế độ báo cáo định
kỳ, đột xuất về tình hình quản lý, sử dụng hàng dự trữ nhà nước.
13. Thực hiện hợp tác quốc tế về
lĩnh vực dự trữ nhà nước theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính và
quy định của pháp luật.
14. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế;
thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, thi đua khen thưởng,
kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức, thuộc phạm vi
quản lý của Tổng cục Dự trữ Nhà nước theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính
và quy định của pháp luật.
15. Thực hiện cải cách hành chính
theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính được Bộ trưởng Bộ
Tài chính phê duyệt.
16. Quản lý tài chính, tài sản được
giao theo quy định của pháp luật.
17. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn
khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao và theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu
tổ chức
1. Cơ quan Tổng
cục Dự trữ Nhà nước tại Trung ương:
a) Vụ Chính sách và Pháp chế;
b) Vụ Kế hoạch;
c) Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản;
d) Vụ Quản lý hàng dự trữ;
đ) Vụ Tổ chức cán bộ;
e) Vụ Tài vụ - Quản trị;
g) Văn phòng;
h) Thanh tra;
i) Cục Công
nghệ thông tin;
k) Trung tâm Bồi
dưỡng nghiệp vụ dự trữ Nhà nước.
Các tổ chức quy định từ điểm a đến
điểm i khoản 1 Điều này là tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức
năng quản lý nhà nước; tổ chức quy định tại điểm k là tổ chức sự nghiệp.
2. Các Cục Dự
trữ Nhà nước khu vực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước:
a) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội;
b) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây
Bắc;
c) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực
Hoàng Liên Sơn;
d) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Vĩnh
Phú;
đ) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc
Thái;
e) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc;
g) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hải
Hưng;
h) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông
Bắc;
i) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái
Bình;
k) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà
Nam Ninh;
l) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực
Thanh Hóa;
m) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ
Tĩnh;
n) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình
Trị Thiên;
o) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng;
p) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực
Nghĩa Bình;
q) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam
Trung Bộ;
r) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc
Tây Nguyên;
s) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây
Nguyên;
t) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông
Nam Bộ;
u) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực
thành phố Hồ Chí Minh;
v) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Cửu
Long;
x) Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây
Nam Bộ.
3. Các Chi cục Dự trữ Nhà nước trực
thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Chi cục
Dự trữ Nhà nước có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc
Nhà nước.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Tổng cục
Dự trữ Nhà nước.
Điều 4. Lãnh đạo
1. Tổng cục Dự trữ Nhà nước có Tổng
cục trưởng và không quá 03 Phó Tổng cục trưởng.
2. Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục
trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm
và cách chức theo quy định của pháp luật.
3. Tổng cục trưởng là người đứng đầu
Tổng cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về
toàn bộ hoạt động của Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Các Phó Tổng cục trưởng chịu
trách nhiệm trước Tổng cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được
phân công phụ trách.
Điều 5. Hiệu lực
và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày 05 tháng 10 năm 2009.
2. Bãi bỏ Quyết định số
270/2003/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ quốc gia trực thuộc
Bộ Tài chính.
3. Số lượng Phó Tổng cục trưởng của
Tổng cục Dự trữ Nhà nước được thực hiện theo quy định hiện hành của Thủ tướng
Chính phủ cho đến khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định khác.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục trưởng Tổng
cục Dự trữ Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Tổng cục Dự trữ Nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TCCV (10b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|